chan_dung-ke_si

HOA NỞ ĐÊM - Truyện ngắn Huy Phương

02-07-2023

Lượt xem 2078

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay     Huy Phương

HOA NỞ ĐÊM - Truyện ngắn Huy Phương

Nhà văn Huy Phương (1926-2009)

   Chị ra đi, để lại cho anh năm nghìn đồng, rút trong món tiền tiết kiệm bé bỏng của hai vợ chồng và một lời dặn.

   Khi chỉ còn hai vợ chồng trong căn phòng hẹp, chị choàng tay lên vai anh, nói như nói thầm:

   - Công việc của anh, em không phải nhắc. Chỉ xin anh điều độ và giữ gìn sức khỏe... Nhớ coi giùm em chậu hoa ở hiên sau. Chỉ vài ba tuần nữa là hoa nở đấy.

   Tưởng là việc gì. Bây giờ anh mới hiểu vì sao mấy hôm nay chị cứ dậy từ tờ mờ sáng. Lịch kịch thu dọn ở cái hiên sau giá buốt gió mùa ấy.

   Chẳng biết bao nhiêu lần anh tiễn đưa chị ở sân ga. Lòng anh nao nao, khi vẫy tay theo cái khung cửa cứ bé dần đi như một tấm ảnh thu hình, ở cuối con đường tàu loáng ướt nước mưa.

*   *   *

   Anh vẫn sống điều độ. Cái trật tự gia đình đã đi theo chị. Bàn viết của anh bây giờ là cả một mớ bòng bong những giấy má, sách báo, những chén trà cáu bẩn, cái gạt tàn đầy ngộn mẩu thuốc lá. Món tiền năm ngàn là quá nhỏ đối với cái công trình khoa học anh đang theo đuổi. Còn chậu hoa dưới mái hiên khuất nẻo kia là biểu tượng quá lớn của vũ trụ thiên nhiên. Anh đóng cửa về phía vũ trụ từ khi chị đi. Vì đó là nơi hứng gió mùa, là một nửa thành phố pha tạp, quay cuồng mua bán. Còn phía sau cửa sổ, nơi bàn viết của anh là mặt hồ yên tĩnh, là hàng sấu lốm đốm lá vàng, là nửa cái thành phố thuộc về suy tưởng. Những đêm thức rất khuya tiêu nốt những đồng bạc cuối cùng thành khói thuốc, anh có cái cảm giác đang sống lửng lơ trên một vùng biên giới nào đó nửa hư nửa thực của cái thành phố vừa đáng yêu lại vừa đáng ghét này.

*   *   *

   Anh nghiên cứu về Trần Thủ Ðộ. Rồi anh sẽ viết về Cống Chỉnh, về Võ Văn Nhậm. Có thể là cả về Nguyễn ánh... Về những danh nhân ra đời ở nơi giáp giới của Công và Tội, về bao nhiêu bậc tài đức còn khuất tên. Sử học, theo anh, đáng yêu chính là ở những vùng tranh tối tranh sáng ấy. Trong cái môn khoa học đầy bất trắc này, anh muốn soi rọi ánh sáng vào những nơi còn che khuất "đằng sau mặt trăng", như người ta thường nói. Và có thể, với anh, một nhà nghiên cứu trẻ tuổi, đó là con đường mạo hiểm, dẫn dắt bởi một tham vọng điên rồ.

   Chị chẳng hiểu gì về nghề nghiệp của anh. Chị chỉ là một thầy thuốc. Chuyên về bệnh sốt rét, yêu con người, yêu thiên nhiên. Không, chị còn yêu anh nữa. Nhưng cái thành phố dở trăng dở đèn này không ráp mối nổi những sợi dây mong manh trong trái tim giầu xúc cảm và sôi nổi của chị. Nên chị vẫn thường sẵn lòng nhận những chuyến đi công tác ở nơi xa.

   Giống như anh, chị cũng đang tìm kiếm một điều gì đấy. Họ chẳng bao giờ cản trở nhau. Vì hai người đều hiểu căn phòng ở nơi biên giới của hai nửa thành phố này sẽ chỉ còn là một đảo băng dễ vỡ, ngày nào cả hai người chẳng còn chút khát khao nào đối với những chân trời mà họ muốn tìm kiếm.

*   *   *

   "Cuối cùng, cũng chỉ là tình yêu thôi". Chị nói thế. Và anh cũng nghĩ thế. Với mỗi chuyến đi xa, chị mang theo nỗi nhớ anh. Vậy mà anh, để làm cái công việc này, anh lại đang cần nhiều quên lãng.

   Cứ vậy, cho đến một buổi sáng ngẫu nhiên anh mở cửa, trông ra hiên sau. Anh suýt bật kêu lên thành tiếng khi thấy cả chậu quỳnh sum suê trắng xóa một mầu hoa. Giữa những cành lá rậm rạp, những cuống hoa dài rủ xuống thõng mượt, với những búp hoa đã khép lại như những cái đầu thiên nga đã gẫy cánh. Lồng ngực anh đau tức như có một cái gì đang thít lại: Hoa đã nở hết đêm qua, có lẽ vào lúc cơn gió mùa đổ về dữ dội nhất, những bông hoa mà chị chăm bón, nâng niu, gửi gắm cho anh trước khi lên đường.

   Bàng hoàng, anh bước qua bậu cửa sổ. Còn nhìn ngắm gì nữa, những đóa hoa tàn, tối qua đã nở hết mình trong mưa, trước một nửa thành phố ghẻ lạnh, thờ ơ và bên cạnh một ông chủ mải lang thang ở chân trời sử học. Anh đếm từng bông hoa, như đếm sức nặng mỗi lỗi lầm của chính mình.

*   *   *

   May mắn cho anh, sục tìm một lúc trong đám lá dày, anh vẫn còn thấy sót lại một bông hoa chưa nở. Tim phập phồng, anh tìm kéo cắt vội cả cành hoa, thận trọng mang cắm vào lọ.

   Và đêm nay, trong căn phòng vắng, anh thấp thỏm chờ hoa nở. Dưới vầng ánh sáng ngọn đèn bàn giờ phút này, đối diện với nhau chỉ có anh và bông hoa còn khép cánh.

   "Em có nở không bông hoa...

   "Em có chịu nở không bông hoa hoang dã và hết mực vô tư kia?". Anh thầm thì và hơi thấy buồn cười với cái ý nghĩ chải chuốt của mình. Không, anh đang nghĩ đến một điều thật nghiêm chỉnh. Ðến mức gần như gắn liền với hạnh phúc và số phận của anh lúc này. Lẽ ra, cẩn thận hơn, anh phải đi hỏi bạn anh, một nhà thực vật học, xem hoa quỳnh có còn nở được không khi đã cắt lìa thân đem cắm vào lọ. Và bây giờ anh thấy lo lắng, canh cánh trong lòng một mối băn khoăn, day dứt.

   Hai nửa thành phố như không còn nữa. Cái biên giới thực hư lửng lơ trên căn nhà không còn nữa. Mà ngoài cửa sổ chỉ là một thứ ánh sáng bàng bạc mầu xanh của đêm cuối thu, không có thời gian. ánh sáng ấy chiếu tỏa khắp nơi, đến mãi nơi đáy lòng của anh. Và đúng lúc ấy, anh thấy búp hoa cựa mình, giống như một sinh vật vào phút giây thoát xác. Rồi một chớp mắt sau, rất nhanh, khi những chiếc lá bên cạnh chưa ngớt rung rinh, những cánh hoa trắng muốt chậm rãi xòe ra với dáng mực thước, tự tin của những ngón tay nghệ sĩ, một mùi hương thoang thoảng tỏa ra từ những nhị hoa vàng nhạt.

   Lúc đó, anh nghẹn ngào cảm thấy như có hàng vạn đóa hoa như thế, cùng một lúc bung nở khắp thành phố với một mùi hương thầm trìu mến và hòa giải.

   Riêng với anh, bông hoa này mới thực là bông hoa chị giữ lại cho riêng anh. Cùng với năm ngàn đồng chóng tan thành mây khói, với chìa khóa, với sổ gạo, phiếu dầu và bao nhiêu thứ vụn vặt làm nên hạnh phúc.

   Những bông hoa như thế vẫn nở mãi từ ngàn xưa trong lịch sử.

Mùa xuân 1989

Bài liên quan
  • VỰC THẲM – Truyện ngắn Nguyễn Kiên

    VỰC THẲM – Truyện ngắn Nguyễn Kiên

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vực thẳm là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Kiên. Ông là một trong số các văn nghệ sĩ được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I, cho các tập truyện ngắn: Trong làng, Vụ mùa chưa gặt, Trái cam trong lòng tay.
  • Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ở xứ vô loài là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Đình Tú in trong tuyển tập Hoa Cúc Vàng, gồm các truyện ngắn hay đăng trên Tạp Chí Nhà Văn, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2007.
  • XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đức Sơn (bút danh Sao Trên Rừng - 1937-2020), một trong ba kỳ nhân của làng văn, tức ba người có cá tính kỳ dị bậc nhất làng văn, gồm Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện. Về tài năng, giới văn chương xếp Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên là tứ trụ thi ca miền Nam. Đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn, Nguyễn Đức Sơn nghỉ ngang và tuyên bố: "Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu." Năm 1979, Nguyễn Đức Sơn đưa vợ con lên đồi Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng lập nghiệp. Trên quả đồi do nhà sư Nhất Hạnh tặng, ông trải qua bốn mươi năm cùng vợ con sống như những sơn nhân. Năm 2020, ông ra đi và để lại cho Bảo Lộc một đồi thông Phương Bối tuyệt đẹp rộng 15ha do chính tay ông trồng, canh giữ, và thậm chí đổ máu để bảo vệ.
  • NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngôi đền và ông già câm là truyện ngắn trong tập truyện Khuyển Đế của nhà văn Trần Tâm xuất bản năm 2017.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tôi kéo xe là thiên phóng sự mẫu mực của nhà báo Tam Lang, in lần đầu trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1932. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua, giá trị văn học của tác phẩm vẫn nóng hổi cho tới tận ngày nay, thời mà truyền thông, mạng xã hội bùng nổ chưa từng thấy. "Nghề viết văn viết báo ở xã hội VN là nghề bạc bẽo và bấp bênh nhất. Đâm đầu vào nghề mà không có được người vợ đảm đang tháo vát, tần tảo nuôi nổi gia đình trong thời gian mình thất nghiệp vì bất mãn, vì báo bị đình bản có giới hạn hoặc thu hồi giấy phép thì chuyện treo niêu gác bếp là chuyện rất thường" - Tam Lang.
  • MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Trong suốt năm mươi năm cầm bút, nhà văn tài hoa của Miền Đông Lý Văn Sâm đã để lại một số lượng tác phẩm khá đồ sộ, bao gồm nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như Kòn Trô (1941), Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thùy (1948), Sau dãy Trường Sơn,... Năm 2007, nhà văn Lý Văn Sâm được trao Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm; Sau dãy Trường Sơn, tập truyện ngắn Sương gió biên thùy và Toàn tập Lý Văn Sâm.
  • CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuồng nuôi ngựa là truyện ngắn của nhà văn Như Phong in trên Báo Mới số 2 (ngày 15-5-1939) và số 3 (ngày 1-6-1939). Nhà văn Như Phong được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 Năm 2007.
  • NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người Thày Thuốc là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Thanh Châu, Tân Dân xuất bản năm 1938. Ông chính là tác giả của truyện ngắn Hoa Ti-gôn, vốn là khởi đầu cho một cuộc tranh luận bất tận cho tới tận ngày nay về bài thơ  “Hai sắc hoa Ti-gôn”, của nhà thơ “bí ẩn” T.T.Kh.