chan_dung-ke_si

HỌA MI ĐANG HÓT - Truyện ngắn Đỗ Chu

30-06-2023

Lượt xem 1230

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Đỗ Chú

HỌA MI ĐANG HÓT - Truyện ngắn Đỗ Chu

Nhà văn Ðỗ Chu

    Nhiều năm qua rồi vậy mà anh Thiêm vẫn không sao quên nổi cảnh bãi sình lầy nơi quê nhà thuở ấy.

   Thật rất vớ vẩn, chỉ là mấy bông lau bông sậy nhu nhơ lắt lay theo gió, những thân lau sậy bị lửa táp cháy đen đúa nom đến buồn. Gì nữa nhỉ, một chú bói cá vẫy cánh trên nền trời chiều và đâu đó lác đác vẫn đang còn tiếng súng nổ. ấy thế mà vẫn cứ nhớ mãi, nhớ lấy được là nghĩa làm sao.

   Sắp già với nhau rồi, phải vậy không chị Lương. Thời trẻ trung tìm bạn đã là khó, nay luống thời, để tìm ra bạn tưởng là chuyện mò kim đáy bể mới phải. Nhưng với hai ông bà này thì không hẳn thế. Là vì chưa biết nên mới phấp phỏng dò đoán đấy thôi. Họ có chung một khoảng trời, có chung một vùng lau sậy kín đáo nhiều âu yếm và họ biết gìn giữ nó lâu bền.

   Thế cho nên mọi người trong khắp khu tập thể quân đội vốn rất bình yên này mới ngớ cả ra với nhau khi thấy hai người bỗng thành một đôi bạn già tâm đầu ý hợp, thức với nhau thâu đêm suốt sáng mà vẫn còn chuyện để nói. Không hiểu cái đôi ấy họ to nhỏ với nhau những gì. Chà chà, ông trời sinh ra cái con người, nghĩ cũng hay.

   Những người cao tuổi vốn thận trọng sự chờ đợi vốn là bản tính của họ; còn bọn trẻ thì khác, chúng cứ bô vô   và hớn hở ra mặt, làm như thể trong khu mình sắp có đám hỷ, sắp có cảnh chim câu chữ lồng vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Nghĩa là chúng nó hào hứng chào đón  cái ngày mai đang tới với hai cụ một cách rất chân tình. Cô mới làm đầu đấy ạ, con nom cô lạ quá không dám nhận ngay, bao giờ cô cho tụi con cắn hạt dưa hở cô. Bác Lương à, tới đây trên cung Hữu nghị có cuộc thi người đẹp đêm Nôen,  chúng cháu sẽ kéo bác cùng đi, bác mới đúng là ứng cử viên có hạng của khu ta chứ chẳng phải ai khác. Mấy năm trước tìm người đẹp trong khu ta chúng cháu cho rằng phải là bác Lý, khổ nỗi từ dạo nghỉ hưu bác ấy xuống mã nhanh quá, mặt tự nhiên đang trắng bỗng chốc xạm xanh như đít nhái, ăn nói thì cấm ca cấu cảu như người hóa dở. Chả bù cho lúc đương chức đương quyền, bà giáo sư viện trưởng khoa học kính đeo túi xách, bước lên xe đi làm mà trang trọng như sắp bay sang Mỹ hội đàm với ngài Poussue. Bác Lương ngồi phơi mặt ngoài chợ suốt ngày mà sao dáng lại vẫn sang, kẻ lên xe xuống ngựa mà sao chợt nhìn thấy mặt mũi lại bự ra, lại vác lên đến khiếp. Cứ bảo nhà phải có thổ công thổ địa phù hộ độ trì, vậy chứ hai mẹ con bác Lương thui thủi sống mấy chục năm trên căn gác sát nóc ngôi nhà cao tầng kia thì biết tìm thổ công thổ địa ở đâu mà thờ, sao họ sống vẫn cứ thơ thới, mẹ nào con nấy, ra đường gặp nhau còn muốn chào mời. Cái con Hoa nhà bác ấy sớm sớm ngoay ngoảy xách hàng ra chợ cho mẹ, lúc nhỏ người như cái mạ, như cái que, vậy mà bước vào tuổi dậy thì  bỗng bồng bồng lên như một cô Tấm. Ði lấy chồng rồi, lại được đài truyền hình tuyển vào làm phát thanh viên rồi, người sao tên vậy, nó tươi sáng thế cho hiện lên màn hình cũng đỡ nhức mắt thiên hạ. Hôm nào bật ti vi gặp được con bé ấy đọc bản tin sáng đích thị hôm ấy làm ăn có may mắn, đi chơi cũng vui.  Sắp tới bác Lương cũng có thể đi bước nữa lắm chứ, gặp lũ trẻ trong khu thấy chúng nói vui bác có tỏ ra khó chịu đâu, bác chỉ gạt đi, chúng mày bớt mồm bớt miệng để tao còn sống với chứ, sao cứ như liếu điếu thế hả, rõ là rỗi hơi.

   Chị Lương nói, giá hôm đó em đừng lội ra chỗ ấy, đừng kéo anh lên.

   Anh mà chết, chị Lương kêu lên như không thể tin, anh là người đâu có dễ chết thế. Gò má chị chợt ửng hồng, vầng trán sáng lên, đôi con mắt nhìn anh long lanh tinh quái. Chú mèo tam thể biết là chủ đang vui liền nhảy tót lên giường, nơi chị đang ngồi, quanh mình quấn hờ hững tấm chăn len. Ðập khẽ vào lưng nó, chị mắng yêu, muốn nghe lỏm hả, có xéo ngay không. Con mèo nũng nịu dụi đầu vào đùi chị, nó muốn được ở lại cùng họ.

   Năm ấy em mười sáu mười bảy chứ mấy, nhưng hình như đã khôn hơn đám trẻ bây giờ nhiều. Bọn chúng bây giờ tính toán kiếm tiền thì lanh, các bà không kịp được, nhưng ý tứ xem chừng ít, phấp phới xanh đỏ vậy mà nhạt thếch. Chả biết ai khôn ai dại, chị thở dài, chỉ biết cũng đã sắp qua một kiếp với nhau rồi, cái khổ của lũ chúng ta là chưa chịu già cho, trong khi chúng nó, là em nói lũ trẻ đó, chúng nó lao vào sống hết mình, sống tàn bạo xả láng. Vậy mà đứa nào xem ra cũng sớm già, tưởng như con cháu chúng ta chưa hề có tuổi trẻ bao giờ.  Là vì trong chúng không có gì để cháy cả. Anh bảo cái gì cháy. Một cái gì đó âm ỉ cháy, thật lâu bền. Ðừng nghĩ ngay rằng đấy là tình yêu, cái đó còn phải cao hơn tình yêu kia, một kiếp người tưởng chỉ cần có vậy cũng là quá đủ. Vâng, cũng là quá đủ. Em nhớ lúc ăn xong bát cháo anh quàng tay ôm lấy eo lưng em, nhột tưởng sắp chết đến nơi. Về sau em vẫn thầm trách sao anh nghịch thế, ông quỷ sứ chứ không phải người, người đâu có người lạ thế. Khắp lưng khắp vai em đến giờ vẫn cứ như đang có những cái gai của những cây sậy cứng quèo cắm vào, nhiều lúc em bật khóc một mình khi chợt nhớ tới cái đêm ăn nằm với anh. Bây giờ anh vẫn muốn làm thế một lần nữa   đấy Lương ạ. Bây giờ thì không nên thế nữa. Sao. Em không biết, nhưng anh đừng, mọi chuyện đều đã lùi xa lắm rồi, mờ mờ tỏ tỏ như ta đi trong đám sương vào tiết giêng hai ấy. Ta chợt gặp, chợt gọi, rồi là tất cả lại tan biến đâu hết.

   Chị rúc mặt vào tấm chăn phủ qua hai đùi gối. Mái tóc chị đã bạc trắng. Tóc anh nào có hơn gì. Anh lại gần đặt tay lên đó, vuốt từng sợi. Biết là không xuể, tóc chị đang rối bời. Anh nghe ai nói dạo này em năng đi chùa, em thường đi chùa nào. Khuất sau mé Hồ Tây có chùa Trích Sài, phong cảnh còn tạm gọi được là thanh vắng, mấy mụ già rủ nhau lên đó tìm sự khuây khỏa. Trích Sài có nghĩa là cây sậy cháy đấy, ở đó ngày xưa chắc hẳn nhiều lau sậy. Buổi em lẻn ra ngoài đồng sậy quê mình tắm táp, nom thấy cẳng chân anh ngọ ngậy trong bùn, sao em không sợ mà bỏ chạy nhỉ. Lúc đó thì không sợ, nhưng giờ nghe anh nói lại cảm thấy rờn rợn thế nào. Lôi được anh lên đã thấy cái miệng ngáp như bị ngạt, hàng tuần lễ nằm mê man lảm nhảm. Bố mẹ em bảo đấy là nó đang lúc ở trên trần lúc xuống âm ti, lang thang bờ mê sông lú. Người ta có thể sa vào cơ cảnh đó thật sao anh. Ðó là một vùng dở sống dở chết, về sau anh còn sa vào vùng ấy vài ba lần nữa. Trên người anh đếm được bao nhiêu vết thương là ngần ấy lần đã tới sát cõi âm. Quả là mơ màng lặn hụp, nhiều cái chưa bao giờ thấy có, không thể có, không dám tin, lạ lùng thật. Nhưng cứ tỉnh lại là chỉ thấy em, thấy một cô bé đang đi trên bờ đầm, bên những đám lau sậy cháy sém, vậy là biết mình còn sống, mình đã trở lại trần gian rồi. Mai đã là mùng một đầu tháng, anh có lên chùa cùng mấy đứa trong nhóm "bát tiên" chúng em không. Ði chứ, được rong chơi với các bà còn gì vui bằng, những tám bà tiên kia à. Tám đứa tám cảnh, rủ nhau lập thành một hội, có điều lệ hẳn hoi, có quỹ chung, lập được một năm, đi đâu cũng có nhau, đang vui thì một đứa lăn đùng ra chết, thọ năm mươi bảy tuổi, anh nghỉ ở nghĩa trang khu B Văn Ðiển. Ðến lượt em thì không biết là nên như thế nào đây, anh thế nào thì em cũng theo thế. Em phải năng ra ngoại thành, tìm về làng mà thăm thú đồng nước hoa cỏ, vui lây với muôn vật, như thế dễ chịu hơn. Ru rú trên nóc nhà này, mở mắt lại gồng gánh xuống chợ, xung quanh chỉ những xi-măng, là xi-măng người ngợm khéo sắp héo khô cả với nhau rồi. Nhà mới, đường mới, nhấp nhô chen chúc, trông vào đâu cũng là cảnh nhớn nhác tất tưởi. Sống thêm một ngày là thêm những lo toan ham muốn, chả mấy ai thoát được. Lo mẹ già con dại, lo chỗ ăn chỗ ở, thì cũng phải có chỗ che nắng che mưa, phải có cái mà đút vào mồm chứ sao. Thế nào đã đủ, sống là còn phải ganh đua với đời, còn phải lập ngôn lập đức lập công, công đức chả biết hay dở thế nào nhưng trước tiên cứ phải thấy có tiền tài có danh vọng cái đã. Tao phải khác mày, tao phải hơn mày. Ðấy, đã bao nhiêu năm nay anh lặn hụp giữa đám đông, một hai chỉ những chực ngoi lên, ngoi nữa lên. Chỉ đến buổi gặp lại em anh mới giật mình, anh muốn sống khác, nghĩ khác, có thể muộn nhưng bao giờ cũng vẫn kịp, hành trình qua một kiếp người thật quả khó khăn.

   Anh gặp lại em hôm ấy là ở đâu nhỉ. ở ngoài chợ chứ còn ở đâu. ở ngay cái chợ của vợ con lính trong khu này này, cũng là duyên ông trời run rủi mà anh được gặp lại em, suốt một thời trai trẻ dọc ngang, qua chỗ nào cũng có ý tìm mà không gặp, mãi tới hôm được phân ngôi nhà mới, dọn về sống dưới này, bỗng thấy nóng ruột thèm một bát cháo tiết ăn cho mát, mới đánh liều mò ra chợ, sà vào đúng quán bà Lương. Chính mấy bà ngồi ngoài đó đã chỉ chỗ em ngồi cho anh tìm đến. Tưởng bác cần cao lương mỹ vị gì thì chợ này mới hiếm chứ tìm một bát cháo lòng thì xin cứ ra quán bà Lương.

   Bây giờ khuya rồi, câu chuyện tạm gác lại đã, bà Lương cũng đang cảm thấy phải có cái gì cho vào bụng, vậy bà Lương sẽ nhóm lò làm cho bác Thiêm một tô cháo thật ngon, bác Thiêm chắc bằng lòng.

    Chị Lương cười, nụ cười đến là tươi. Mà dáng chị xem vẫn cứ nhanh nhẹn xốc vác như thuở còn con gái. Những người đàn bà nhiều lam lũ bao giờ chả thế, không nhanh thì chết, không xốc vác cũng chết, chả nói bom đạn xa xôi gì mà trước tiên là chết đói. Khi thấy chị tung tấm mền len vụt đứng lên là con mèo tam thể liền vươn vai đứng theo ngay, nó lẻn ra bếp mau lẹ, bỏ anh Thiêm ngồi lại một mình.

   ở đời mỗi tuổi mỗi già, lúc đó cái khiến cho người  ta dễ buồn nhất có lẽ là mặc cảm bị  bỏ quên, là sự cô quạnh, tính nết hóa thuần hơn, dễ dãi hơn, bớt đúng sai bớt đòi hỏi ở nhau hơn. Cũng là vì không muốn mất bạn.

    Sáng sáng dậy lọ mọ đun một siêu nước pha ấm trà ngồi uống một mình trên tấm đi văng bọc gấm giả da hổ, hết nhìn mấy chậu cây cảnh lại nhìn sang bể cá vàng. Ðồng hồ điểm tám chín tiếng bính boong vẫn thấy ngày sao còn quá sớm. Nghỉ hưu là một nghệ thuật, không chịu khó lần ra cái nghệ thuật ấy thì sụp nhanh lắm. Chơi cá với người xưa cũng là cách dưỡng trí, còn gì im lặng nhiều suy tư hơn loài cá. Chơi cây với người xưa là để dưỡng lòng nhân ái, đến những kẻ thất phu hung hãn một khi trông vào cái cây cái hoa lòng dạ cũng mềm mại đi. Cho nên nếu hỏi người xưa sao hiền hậu hơn người nay, là bởi vì xưa rừng nhiều lắm, trong nhà ngoài đường đâu đâu cũng gặp cây, gặp chim. Nghe một tiếng chim lảnh lót đâu đó là con người ta chợt cảm thấy mình đang sống thanh thản giữa trời đất yên bình. Một con gáy thổ đồng khi nó gù mới khơi gợi làm sao, cứ như ta đang đi dưới một rặng tre nào, trên một cánh đồng lúa nào của miền đồi trung du những năm xa xôi. Có mấy anh làm như ta sành sỏi lắm, thật ra chỉ  là một đám con nít so với các cụ ngày xưa. Các cụ  là những ông bành tổ, chơi ra chơi, chơi cả một rừng bàng Yên Thái, khắp một vùng ven hồ những bàng là bàng, gốc bàng cổ thụ một người ôm không xuể. Cây bàng mùa xuân mùa hạ đẹp một cách, sang thu đông lá đỏ như giát đồng rồi lá trút xuống chỉ còn trơ cành, lại thấy đẹp một cách khác. Trong thành phố nếu không trồng sấu là phải trồng bàng, hai cây ấy chịu được gió bão, dễ tỉa mà lại cao tuổi thọ. Ngẫm mới thấy người xưa thật khôn ngoan, tưởng dung dị mà hóa ra sang quá, chúng ta giờ không bén gót. Ai lại đi chơi chó nhật chó phốc như một lũ rồ như thế bao giờ, có thứ chó nào lại đến vài chục triệu đồng một con mà vẫn nhắm mắt rước về, bắt vợ con nhường nhà, nhịn ăn nhịn mặc vì chó. Căn nguyên cũng chỉ tại trọng đồng tiền quá đấy thôi. Ðến khi giá chó sụt xuống, chả ai thèm mua thì thân phận của chúng thật đến là thảm. Bà Lương ngồi bán cháo ngoài chợ, mỗi lần thấy con chó nào ủ rũ bước tới, lông lá bẩn thỉu, mắt mũi kèm nhèm là bà lại thương hại vứt cho nó một miếng dồi, bà hỏi nó ân cần như hỏi người, chủ  mày là ai, rõ khổ, đang sống trong thịt sữa bỗng chốc bị hất ra hè, một bước cầu bơ cầu bất là vậy đấy con nhé.

   Chị Lương đâu phải là người được học hành nhiều, thời kỳ còn chế độ tem phiếu chị  làm nhân viên quèn của một cửa hàng gạo, là vợ lính nên chị hóa công nhân của khu tập thể này. Ðến lúc chồng hy sinh, nhà cửa hồi đó rẻ ợt, chị mấy lần đã toan ôm đứa con gái dọn ra bên ngoài, mua một túp nhà nào có vườn, trồng thêm ít hoa, cộng với nhúm tiền lương hưu mất sức sống tùng tiệm. Cứ nấn ná nấn ná, chưa kịp đi đâu thì có chủ trương bung ra, mình tự cứu lấy mình, thế là chị lao ngay ra chợ. Chị có mặt ngoài đó ngay từ lúc cái chợ của vợ con lính vừa hình thành. Thoạt đầu nó chỉ mới là cái túp lều dựng tạm, hàng hóa bày biện cũng dè dặt, ăn nói cũng phải mắt trước mắt sau, người bán chưa quen với việc chợ búa và người đến mua cũng vậy. Giờ thì khác lắm rồi, họ đã làm chủ tình hình, họ đùa cợt trêu chọc nhau, nói kháy nhau, họ khoa chân múa tay nặng lời với nhau. Gọi nhau là thiếu tá, trung tá theo cấp bậc đã từng có của các ông chồng hiện đang còn sống hoặc đã hy sinh. Bà Lương được chị em gọi là bà đại úy, chức vụ gần như bét ở ngoài chợ. Cái chợ của mấy bà vốn lèo tèo mà nay đã ra dáng một cái chợ thực sự, đi từ xa người ta đã nhận ra tiếng ồn ào của một đám người tay cầm miệng nói.

   Như đã thành lệ, thường cứ ngang trưa là anh Thiêm lại mò ra đó. Ông ấy ra rồi kia kìa, bây giờ chúng tôi biết gọi bà chị như thế nào đây, bà đại úy hay bà tướng. Chị Lương chỉ cười. Chị sắp cho anh một bát tiết canh có rắc lạc rang lên trên, mấy miếng ngon nhất của một cỗ lòng để phần dưới gầm chõng và một chén rượu. Khách lúc đó cũng đã vãn, anh có thể ngồi lâu lâu, chuyện trò với mấy bà bạn hàng ngồi bên chị Lương. Trong số năm sáu bà gần đó thì anh Thiêm ít nhiều có quen biết chồng của bốn bà. Cũng chỉ là quen sơ sơ vậy thôi, nói chung họ đều là cấp dưới của anh trong một lúc nào đó, ở mặt trận nào đó. Các bà cũng chẳng vừa, lý lịch đời tư của anh các bà nói vanh vách, trước anh sống ở chỗ nào trong thành phố, giữ cương vị nào trong thành, bà vợ anh bị bệnh gì và mất năm nào. Chỉ có hai điều quan trọng nhất thì mấy bà lại rất lơ mơ. Vậy chứ giữa cái ông Thiêm còm này và bà Lương có một bí mật gì chăng, không vậy sao họ vừa gặp mà đã quấn lấy nhau như mật ấy nhỉ. Một điều nữa, bà Lương có một mụn con gái, cái đó rõ rồi, nhưng ông ta với bà trước không được mụn con nào hay sao. Thực ra anh Thiêm cũng có một mụn con, một thằng con trai cao lớn lộc ngộc nhưng học hành thì có phần đuối, nó được gửi sang học nghề bên Ðức từ hàng chục năm trước, rồi nó ở lại không chịu về nữa, lấy vợ đẻ con luôn bên đó. Khi con người ta trở nên kẻ có đồng tiền thì ăn nói dễ thành ngạo ngược lắm. Vừa rồi anh đã viết cho vợ chồng nó một bức thư, kể chuyện mình về hưu, mới được chia một ngôi nhà khá khang trang trong thành phố, khuyên vợ chồng nó mang cháu về sống với ông nội vài năm cuối đời.

   Nó trả lời tắp lự, nếu anh cần đô la thì nó có thể gửi ngay về chứ về nước thì nó không bao giờ còn nghĩ đến. Ngôi nhà của anh dù có khang trang cũng chỉ là khang trang so với những ngôi nhà xung quanh, chứ đã bằng sao được so với chỗ nó đang sống. Lý do làm nó sợ sự trở về đơn giản chỉ vì nó sợ khổ nghèo. Có vậy thôi. Nghe cứ ngỡ chuyện vui, ấy vậy mà là mất trắng một đứa con rồi đấy. Mất mà phải chịu, phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Cái cay đắng ở đây là cái rất khó nói ra, thằng con đã sổ toẹt cả quá khứ và hiện tại, cái mà cha nó đã gắn bó, đã mất một đời mới tìm được. Cho nên những ai chủ quan đang quá trông đợi vào con cháu, đang rắp tâm kỳ vọng sự nhờ cậy vào chúng nó lúc mình về già thì xin hãy cứ từ tốn đôi chút, tỉnh táo đôi chút, kẻo lại thành kẻ hấc lờ, không khéo sẽ bị nhục.

   Cũng còn rất may là anh Thiêm đã gặp lại được chị Lương. Ðã gặp lại không phải chỉ một quá khứ đẹp mà là một hiện tại cũng đẹp. Ðẹp như chị Lương, như chính cuộc đời chị vậy. Ði vòng rất lâu cái ngỡ đã mất bỗng chốc đã tìm lại được, mà tìm lại một cách đầy đặn, như chưa bao giờ bị mất.

   Chỉ có một điều không thể không thấy, đấy là ở điểm xuất phát trước tóc họ đang xanh, còn hôm nay tóc họ đều đã bạc. Sự thể sẽ ra sao đây, mọi người xung quanh hỏi nhau như thế đã đành, chính họ cũng tự hỏi mình như thế.

   Dẫu sao thì đời vẫn cứ rất hay - Ngay việc mọi người đang được hồi hộp bàn tán về họ cũng đã là hay. Sống để có cái cho người khác bàn làm sao dám nó là buồn được. Thế là vẫn đang rất trẻ, rất nồng cháy. Lũ trẻ bằng sự nhạy cảm của tuổi thanh xuân ngửi thấy ngay, đánh hơi thấy ngay. ở đây đang có những dấu hiệu không thể nói là đơn giản, rất tuyệt vời và giữa cuộc sống tưởng chừng tẻ nhạt, chuyện đó là hiếm, nó có mang một dư vị riêng. Hay là hai người đang muốn đặt một vấn đề gì mới mẻ cho cái khu phố lính này chăng. Có lẽ là không, nom ra họ vẫn cứ uể oải thế, lửng dửng và nhã nhặn thế, trước mắt tất cả.

   Anh Thiêm nói, đôi khi đi trong rừng ta có thể bắt gặp xác một con họa mi nằm phơi khô trên cỏ, lũ kiến đen kiến đỏ bu kín. Cúi xuống nhìn thật kỹ thấy trên mình nó mang nhiều vết thương, có con mắt bị móc lòi ra, có con gãy cánh, rách cổ. Ðó chính là xác của những chàng dũng sĩ. Họa mi sống có đôi, mỗi đôi chiếm giữ một giang sơn, một vùng trời vùng đất. Một hôm nào đó có một chú họa mi từ đâu lạc đến, thế là cuộc tỷ thí bắt buộc phải xảy ra. Một là sống, là có tất cả, kể cả tình yêu, hai là chết. Hai con họa mi đực lao vào nhau chẳng còn biết trời đất là đâu, trời không còn thấy xanh nữa, đất không còn thấy chập chùng sông núi nữa, tất cả đều ngả nghiêng hoa cà hoa cải. Và con cái bay đâu đó, nấp đâu đó ra sức xùi, thúc giục người tình của mình không được nản chí, không được cam chịu thất bại. Một lần anh thấy có một con mi đực bị đối phương khóa chặt họng, hai chân đã duỗi ra giãy giãy, tưởng mười phần chết chín rồi, sắp xong một kiếp rồi, sắp mất tất cả rồi, vậy mà chỉ cần một tiếng xùi đúng lúc của con cái, nó bỗng thu hết tàn lực đạp bật kẻ thù ra để thoát hiểm. Rồi nó lao vào tiếp tục chiến đấu như vừa được tiếp thêm sức mạnh, như có phép thần giúp sức và sau cùng đối phương đành phải bỏ chạy.

   Ngày anh bị thương nằm trong bãi sậy, càng cố gắng với vào thân mấy cây sậy cháy thì thấy mình càng ngập sâu xuống bùn. May mà gặp em. Lần ấy một mảnh đạn đã làm anh gãy đùi nhỉ. Phải, cái sẹo giờ vẫn không đầy lên nổi. Em có biết anh đủ sức sống trở lại là nhờ ở đâu không. Là nhờ có em lúc nào cũng ngồi ở bên cạnh, không hỏi han, không động viên an ủi, nhưng nhìn vào mắt em anh hiểu tất cả, chính em đã giục anh gắng mà sống, gắng mà đẩy lùi cái chết. Lúc anh sắp ra đi em đã tin cậy trao cho anh hết thảy những gì được xem là quý giá nhất của một đời con gái. Nhờ có tình yêu ấy mang theo mà nhiều năm sau này anh đã lần lượt vượt qua được mọi hiểm nghèo.

   Anh tưởng chỉ em đã giục anh cố gắng phải sống thôi ư, ngược lại thì có, chính anh từ cái đêm trời đánh ấy cũng đã đi bên em, luôn luôn ở bên cạnh em, lúc vui nhất cũng như lúc buồn chán nhất, anh xui em nhiều chứ đâu phải là em đã xui anh. Em cũng đã đi qua không biết bao nhiêu đận tủi khổ, sống được đến hôm nay một phần là có hình bóng của anh đã bám theo suốt cả cuộc đời. Em ngồi giữa chợ, nói nói cười cười, lắng nghe chuyện này, trả lời chuyện kia, mà lòng dạ lúc nào cũng chỉ ngong ngóng chờ anh một hôm nào đó sẽ hiện ra, nhất định anh sẽ hiện ra. Rồi anh hiện ra thật, anh như người âm hiện về trước mắt em, cả ngày hôm đó em không còn làm ăn gì nổi nữa, em cũng không kịp cả khóc nữa, có đúng thế không.

   Anh Thiêm trầm ngâm gật đầu. Anh ôm con mèo lên lòng vuốt ve nó như vuốt ve những kỷ niệm không thể quên. Rồi anh đứng dậy, ra đứng bên cửa sổ nhìn ra thành phố. Sương mù đầy trời, đúng là sương mãn thiên, như ý trong một câu thơ Ðường. Chẳng thấy nhà cửa, chẳng thấy đường xá, cây cối, cũng chẳng thấy bóng dáng một ai. Một buổi sáng đang tới, một ngày đang bắt đầu, giữa mờ mịt hơi sương.

   Trong thinh không im lặng bỗng vang tới một tiếng chim lảnh lót. Họa mi hót. Một con họa mi của ai đang hót.

   Chị Lương tung cái mền len ra giường rồi với tay ấn nút chiếc ti vi. Bản tin buổi sáng bắt đầu phát được mấy phút rồi. Chị gọi anh Thiêm lại ngồi bên mình. Anh nhìn trân trân vào màn hình, con bé hôm nay mặc áo dài vàng có thêu hoa cúc trắng trước ngực, nom nó trang trọng quá, giản dị quá. Và giống mẹ nó quá. Giống mẹ nó những năm giờ đây đã thành xa lắc xa lơ rồi chăng.

   Anh vòng tay ôm lấy ngang lưng chị nhưng chị đã nhè nhẹ gỡ tay anh ra. Chị nắm lấy bàn tay anh hồi lâu rồi nói, tất cả đã lùi xa lắm rồi, hôm nay là ngày bọn em rủ nhau lên chùa, anh có đi thì cùng đi, thêm anh nữa là lại đủ bát tiên. Ôi con họa mi kia, sao mày vẫn cứ hót mãi thế, mày không thể im đi được sao.

Hà Nội tháng 12 năm 1995  
Ð.C

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.