chan_dung-ke_si

HOA HẢI SƠN - Truyện ngắn Đặng Ái

22-06-2023

Lượt xem 1671

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Đặng Ái

HOA HẢI SƠN - Truyện ngắn Đặng Ái

 

   Tôi yêu Hậu. Ðây là lần thứ hai tôi yêu. Lần đầu là một cô bạn cùng học. Tôi không muốn nói tên cô ta, bởi bây giờ cô ta đã là mẹ của hai đứa trẻ. Tôi cứ nghĩ không nên để cho trẻ con áy náy về người mẹ mình - thật không gì làm hại những tâm hồn non nớt hơn thế.

   Tôi và cô ấy yêu nhau suốt năm năm trời. Ở thời sinh viên, tình yêu và lý tưởng quyện chặt với nhau. Cuộc đời tinh khiết, thiêng liêng vô bờ bến, đầy những niềm vui rạo rực cùng mơ ước êm đềm. Sự thật là trong gần hai ngàn ngày sống bên nhau ấy, chúng tôi không đòi hỏi nhau nhiều. Những câu chuyện linh tinh, nhiều nhất là về bạn bè, học tập, vài gói quà, thường là ăn ngay được sau kỳ nghỉ hè, nghỉ tết: hai bàn tay rụt rè tìm đến nhau những buổi tối dạo chơi... Chỉ có thế! Cần gì phải nhiều hơn? Chúng tôi là sinh viên. Máu chảy trong người chúng tôi nóng ấm, hồng hào. Trong lớp tôi có nhiều đôi. Cũng như chúng tôi, họ yêu nhau không cần đến lời thề thốt.

   Rồi chúng tôi ra trường. Tôi và cô ấy mỗi đứa làm việc mỗi nơi. Nhưng ba trăm cây số đâu phải là khoảng cách. Chúng tôi viết thư cho nhau đều đặn. Những lá thư dài dằng dặc, sáu hoặc tám trang giấy!

   Một thời gian trôi qua... Thư cô ấy viết cho tôi cứ ngắn dần, ngắn dần. Cô ấy kêu bận, tôi tin thế, bởi tôi cũng bận suốt ngày đêm.

   Nhiều người bạn chúng tôi đã "tổ chức". Thật là hạnh phúc: những tấm thiếp nhỏ mầu trắng như những cánh bướm bay đi khắp nơi trong nước. Và từ khắp mọi miền đất nước, người ta gửi về cho uyên ương những lời chúc mừng chân thành nhất, cái thì âu yếm, cái thì nghịch ngợm, tùy theo cá tính của mỗi người gửi.

   Tôi cũng muốn tình yêu của chúng tôi sang trang mới. Làm sao lại không nghĩ đến cái phông cưới? Tôi liền viết thư cho cô ấy.

   Mười ngày, rồi nửa tháng, một tháng qua đi.

   Trong lúc đang bồn chồn không hiểu sao cô ấy chậm trả lời thì tôi nhận được giấy mời đến bưu điện nhận bưu phẩm. Gói thư nhỏ, tôi nôn nóng bóc ngay trước mặt mấy chị nhân viên bưu điện. Thầm đoán là một cái áo gối, cô ấy may và thêu thùa khá thạo. Nhịp tim tôi đập ghê quá, tôi thấy hạnh phúc đến không lời nào tả được... nhưng gói trong thư là một món tóc... Những sợi tóc của cô ta đen nhánh, mượt mà và thơm dìu dịu... một tờ pơ luya gấp nhỏ, giắt giữa món tóc ấy, cô ấy nói rằng ý định của tôi làm cô ấy đau khổ. Cô ấy không muốn tình yêu bị tầm thường hóa. Cô ấy đã yêu tôi và sẽ yêu tôi mãi mãi. Nhưng tình yêu và gia đình là hai khái niệm khác nhau. Mỗi đứa hãy lập một gia đình riêng mà vẫn yêu nhau như xưa...! Bởi vì theo cô ấy, tình yêu là thiêng liêng lắm! Cô ấy khuyên tôi đừng bao giờ nhắc đến cái chuyện trần tục kia nữa!

   Giọng cô ta tha thiết quằn quại. Văn của cô ta có nhiều chấm than! Tôi cũng đã chết đứng như một cái chấm than lộn ngược trong phòng giao dịch của bưu điện bữa ấy.

   Ai ngờ sự đời lại diễn biến như thế?

   Sau đó thì cô ta lấy chồng. Trước khi làm cái "nghĩa vụ tầm thường" của con người, cô ta còn gửi cho tôi khá nhiều chấm than nữa và khẳng định thêm là dù vậy, mặc dù vậy, cô ta vẫn luôn luôn hướng về tôi.

   Tôi không thể phân tích được tình cảm của tôi lúc ấy, chỉ biết rằng tôi không thích làm thần tượng. Và thấy ái ngại cho anh chồng cô ta.

   Anh ấy hơn chúng tôi độ mười tuổi, có bằng phó tiến sĩ, lương cao, rất có năng lực chuyên môn. Loại như anh ta, nếu cố gắng thì cũng có thể lãnh đạo được một cục hoặc một viện. Còn cô vợ thì, chẳng phải cố gắng gì cũng đã trở thành người lãnh đạo anh. Không phải chỉ lãnh đạo trong bếp đâu. Cô ta đã có lần gợi ý cho tôi là cần gì (muốn làm việc ở đâu, cần nghiên cứu đề tài nào), cô ta sẽ "chỉ thị" cho người bố của những đứa con mình ngay.

   Cho đến bây giờ tôi cũng không biết nên kết luận về cô ta thế nào? Lên án cô ta như các bạn tôi đã làm ư? Tôi không thể. Tán thành những việc làm của cô ta ư? Tôi càng không thể. Nghĩ về cô ta, tôi cứ thấy chơi vơi chuếnh choáng thế nào ấy. Chẳng có gì để mà bấu víu, để mà tự hào, để mà căm ghét. Thành ra... dường như... có thể là... suốt năm năm trời đẹp nhất của cuộc đời tôi như thế là trống rỗng. Chân không. Nhưng áp suất mạnh. Nó đè lên tâm hồn tôi, làm tôi thấy khó thở. Là một thằng đàn ông nhưng nhiều lúc tôi phải nghẹn ngào. Tôi ít nói hơn, tính tình trầm hẳn đi. Tôi không để ý đến chuyện ăn mặc nữa. Gọn gàng, đẹp đẽ mà làm chi? Tôi thấy mình không thể yêu người con gái nào. Tại sao lại có thể yêu lần thứ hai? Thôi, ở vậy cũng được. Có phải ai cũng lấy vợ mới thành người đâu!

   Về tôi như vậy là xong.

   Hiềm một nỗi, có một người, mà mỗi khi nghĩ đến tôi lại thấy nhoi nhói trong ngực. Ðó là mẹ tôi.

   Dạo đó mẹ đã sẵn sàng để đón đứa con dâu mà mẹ rất mực thương yêu ấy. Tuy nhà hai đứa ở hai tỉnh khác nhau, nhưng cô ta cũng đã đến nhà tôi dăm ba lần. Xinh, nhanh nhẹn, ngoan đáo để - mẹ tôi nhận xét. Mẹ đã đi khoe với hàng xóm, đã mẹ mẹ, con con với cô ta. Và, nhất là trong lòng mẹ đã hun đúc biết bao tình cảm đầm ấm về tương lai! Nhưng cô ấy không bao giờ làm con dâu của mẹ... Tôi không dám nói ra sự thật. Thà để cho mẹ thất vọng trong tức giận còn hơn là thất vọng vì buồn nản. Tôi nói rằng chính là tôi chưa muốn cưới vợ, mà con gái họ có "thì" - chính tôi buộc cô ta không được chờ tôi... Tôi hy vọng mẹ hét lên. Song mẹ im lặng, sự im lặng thật là đáng sợ.

   ít khi tôi về nhà. Tôi lao vào công việc. Biển mênh mông, thả vào đấy bao nhiêu sức lực, trí tuệ cũng vừa. Ðược cái quý là chỗ chúng tôi, mọi người đều làm việc say mê. Những khoang cá tươi rói, ánh bạc là niềm hấp dẫn lớn nhất.

   Thời gian cứ lừng lững trôi, bất chấp người ta có để ý đến nó hay không. Tôi đã đến tuổi ba mươi, cái tuổi chín chắn, độ lượng. Nhiều khi chợt như thấy một dáng dấp, chợt như nghe văng vẳng một tiếng cười, một câu nói của cô gái ấy... tôi đã giật mình thảng thốt. Tưởng như vết thương đã không nhức nhối nữa.

   Chính trong thời gian này tôi đã gặp Hậu.

   Và một tình yêu mới đã đến với tôi. Lần này không say mê mộng ảo như lần trước, nhưng nhờ đó tôi thấy mình có trách nhiệm với cuộc đời hơn, thấy cuộc đời đẹp đẽ, đáng yêu hơn là tôi vẫn yêu...

   Dạo ấy, sau những cố gắng liên tục, vượt qua rất nhiều khó khăn, lần đầu tiên chúng tôi hoàn thành kế hoạch sáu tháng đầu năm trước hai mươi ngày.

   Ðể ghi nhớ "sự kiện lịch sử" này, thủ trưởng của chúng tôi - một người rất nghiêm về kỷ luật lao động - cho phép chúng tôi nghỉ thông hai ngày. Ông tuyên bố là ông sẽ xua tất cả đi chơi, còn đích thân ông sẽ ở lại trực.

   Chúng tôi quyết định nghỉ ngơi thích đáng: Ði "du lịch" quanh vùng và "oanh tạc" vào làng, ấy là nói theo cách của cậu Phái. Cậu ta là một trang hào hoa nói như nước chảy, cắt tóc rất "trình độ". Một cái kéo, mười lăm phút - vậy là phát xong một khu rừng. Phái nói như vậy. Phái kéo mấy ông anh tóc xù ra hiên, đánh kéo tanh tách. Tôi cũng được Phái tặng cho một kiểu tóc trứ danh. Chúng tôi tắm rửa sạch sẽ, diện quần áo lành lặn vào rồi kéo quân đi. Năm anh con trai bảnh bao. Ra đường tôi mới biết mình lạc hậu nhiều so với các bạn, nhất là với Phái. Mới hăm mốt, hăm hai mà cậu ta có vẻ thạo đời lắm.

   Cơ quan chúng tôi đóng trong một khu vực dân cư đông đúc, một cái làng khổng lồ, tới hơn một vạn dân. Hầu như cả làng đã lên nhà gạch, những mái ngói cao thấp chen chúc nhau, xoay không phải bốn hướng mà đến bốn mươi hướng, hỗn độn. Nghe nói xưa kia những người đánh cá ở đây rất nghèo, chỉ giàu bệnh tật. Nhất là bệnh đau mắt. Những đôi mắt nhòe nhoẹt của các cụ già nói lên điều đó. Trai gái làng bây giờ diện hơn thành phố. "Xi", "Lon" sặc sỡ, biến hóa luôn luôn... Tuy nhà cửa làm không theo một trật tự nào cả nhưng làng cũng có một cái chung, đó là con đường trục, dài hơn một cây số, chạy song song với bờ biển. Con đường này tuy ngập cát nhưng ô-tô vận tải cỡ lớn vẫn đi được. Rất tự nhiên, con đường trở thành quảng trường của làng. Hễ có chuyện gì, hay vào lúc rỗi rãi, người ta kéo ra đường rất đông. Ðường cũng là chợ; dọc đường thấy nhiều chỗ phình rộng ra, có những túp lều lơ thơ.

   Chúng tôi đi dọc con đường trục.

   Bây giờ đàn ông trai tráng đang ngoài biển. Trẻ con đến lớp học. Các chị con mọn, các cô gái ngồi đánh đay đột chiếu. Làng vắng tanh, chỉ tiếng máy đánh đay đâu đó nghe rào rào.

   Cậu Phái hay láng cháng vào làng hơn cả nên thông thạo thủy thổ, bảo chúng tôi trước hết hãy lên núi, chiều tối vào làng. Cậu ta nháy một bên mắt, vẻ dạy đời: "Lúc bấy giờ các cô gái mới rỗi rãi mà tiếp các ông anh".

   Ra khỏi làng một đoạn là đến núi. Ngọn núi không cao lắm nhưng sát biển. Khi ở ngoài khơi chúng tôi vẫn dùng nó làm chuẩn, để định hướng. Trong mắt tôi, cái dáng núi như con ngựa chầu vó ra biển đã quá quen thuộc, nhưng nay tôi mới lên là một. Khi bước đến, ngọn núi nào cũng khác hẳn, không như ta mường tượng ban đầu. Tai đá lởm chởm, một thứ nấm gì đó bám chắc vào tường ngóc ngách. Những phiến đá to hình thù kỳ dị chồng lên nhau, giữa chúng là những hang hóc đen ngòm. Sẽ rất khó trèo lên đỉnh, nếu không có những bậc đá quanh co, chẳng biết ai đã đục từ đời nào. Lên đến đỉnh, chúng tôi đụng ngay một sự kiện không ngờ: Mấy cô gái, mấy anh con trai của một đoàn văn công đang ngồi nghỉ ở bãi bằng dưới gốc cây đề cổ thụ. Trông thấy đàn sáo và vóc người nét mặt cân đối xinh đẹp... chúng tôi nhận ngay ra họ. Cậu Phái khoái ra mặt, kéo cả bọn chạy ào tới. Rồi thì bắt đầu tán, yêu cầu hát. Và cũng chẳng cần ý tứ gì cả, cậu ta  khen ngay mấy cô văn công đẹp lắm. ấy thế mà họ bắt chuyện với nhau ríu rít cứ y như người quen cũ. Tôi thì ngượng, không quen cái kiểu làm thân ào ào ấy. Mặt tôi dường đã đỏ lên rồi. Nghĩ cũng thèm cái cách sống thoải mái tự nhiên. Nhưng... dù sao tôi cũng phải chuồn!

   Trèo qua mấy mỏm đá, qua bên kia núi, tôi bỗng gặp từng vạt hoa dại. Hoa nở như rắc trên chiếu, ngả nghiêng ngang bắp chân người. Những bó hoa có bông cánh dày mầu hồng nhạt, càng vào trong càng đậm lên và đến nhụy thì thành một vòng đỏ thắm. Lá cũng dày hẳn, mọc đối xứng. Thân cây gầy guộc như cố ẩn đi cho những đóa hoa - cái phần quý nhất của nó - nổi bật lên.

   Giữa nước trời mênh mông ngờm ngợp gió thế này nhìn thảm hoa thật là kỳ lạ. Hoa không giữ hương cho mình, suốt ngày đêm nó gửi vào gió làm không khí xung quanh cứ thoáng một mùi ngọt ngào như mật vàng.

   Tôi sẽ không quên loài hoa này. Nó gợi cho tôi những ý nghĩ tinh khiết, cao cả của cuộc đời. Sau này Hậu cho tôi biết đó là hoa hải sơn. Theo Hậu, nó có họ với hoa mua. ở nước ta, họ hoa mua có mấy loài: hoa ban, hoa sim, hoa mua và hải sơn nữa. Nhưng sao không có sách nào ghi chép cả? Tôi biết hiện tượng này cũng bình thường thôi, như chúng tôi, đôi lúc gặp một loài hải sơn mà trước chẳng ngờ lại có chúng trên đời này. Hậu định quan sát loài hải sơn cho thật chắc chắn, sau đó sẽ viết thư hỏi mấy nhà thực vật học có uy tín, biết đâu... Hậu nói với tôi ý định này bằng một niềm say mê trầm tĩnh và truyền sang tôi sức sống cao quý ở trái tim cô.

   Hậu còn cho tôi biết thêm: Mùa thu, hạt hải sơn rơi vào hốc đá, cả thân cây, lá cây cũng rụng dần xuống đó biến thành mùn thành tấm áo che chở cho hạt dưới bầu trời mưa nắng thất thường, khắc nghiệt. Sang xuân, một cái mầm xanh nhú lên. Và vào một sớm đầu mùa hạ nào đó, bỗng nhiên xòe ra cả một thảm hoa!

   Tôi không nghĩ rằng Hậu nói về hải sơn như là một loài thực vật thuần túy - dù cô là giáo viên dạy sinh vật - mà trong đó có cái gì như ân tình, sự hy sinh, dũng cảm, những đức tính của con người...

   Lần theo vạt hoa, tôi sang bên kia triền núi. Biển nhấp nhô, ầm ào dưới chân. Ðang lúc nước lên.

   Một bầy trẻ, em nào cũng quàng khăn đỏ, chạy tản mát khắp triền núi, đến sát mặt nước. Các em hái những bông hải sơn, cười đùa với nhau. Ðến lưng chừng núi, tôi gặp Hậu. ấy là một cô gái khoảng hăm sáu, hăm bảy tuổi, người đậm đà, trắng. Hậu đã qua cái thì rực rỡ của người con gái, nhưng vẻ đẹp vẫn lưu luyến. Rõ là một người có nhan sắc. Hôm ấy Hậu dẫn học trò lên núi, cho các em học bài thực vật ngoài trời. Hậu ngồi trên một mỏm đá. Bầy trẻ mang đến cho cô giáo những bông hoa hải sơn đẹp nhất mà chúng hái được. Hậu bó lại thành một bó nhỏ để lên lòng. Lũ trẻ lần lượt ngồi xuống quanh cô. Nhìn cái cách chúng đối xử với Hậu, biết ngay là chúng rất yêu cô. Hình như là Hậu bắt đầu giảng giải cho chúng điều gì. Tôi đứng lại, không muốn làm gián đoạn bài giảng của Hậu.

   Ðột nhiên có tiếng kêu ơi ới, tiếng la hét dưới chân núi. Một đứa trẻ từ dưới đó chạy lên, hổn hển, vẫy cô giáo, nói không ra lời.

   Có chuyện gì không may xảy ra rồi!

   Hậu đứng bật dậy, chạy xuống núi. Cô xuống không nhanh dù sao cô cũng là phụ nữ. Dưới chân núi, tiếng la hét lại càng ầm ĩ hơn không nghe rõ là gì, chỉ loáng thoáng những giọng ú ớ...

   Tôi lao theo Hậu và bầy trẻ. Lối xuống núi bên này không có bậc xây mà lại hiểm trở hơn. Con đường mòn vừa đặt hai bàn chân, đầy những vụn sỏi, hơi động là lăn rào rào.

   Dưới chân núi có những tảng đá đổ rải ra đến mấy chục mét. Khi lên triền núi, chúng nhô lên, lổn nhổn như một bầy trâu đen. Một thứ cát trắng, hạt thô, lấp lánh như vụn thủy tinh trải dưới chân "trâu". Lũ trẻ rất thích thứ cát này. Cái đầu chúng đầy những dự kiến khoa học. Chúng thường lấy cát về đựng trong chai lọ. Cát ở phòng thí nghiệm nhà trường chính là do chúng đem về. Hôm nay cũng có mấy em vui chân, xuống tận những tảng đá ấy. Các em ngồi ngắm trời đất, tâm sự với nhau. Mải vui nước triều dềnh lên. Chúng hốt hoảng nhảy đại vào bờ.

   Nhưng có một em gái xúng xính trong bộ quần áo mới, mắc kẹt lại. Nước triều vẫn cứ lên. Càng lên, sóng càng mạnh. Gặp núi đá, biển gầm thét, đánh ập vào, bọt nước tung tóe lên cao. Nước cứ réo cuồn cuộn xoáy tròn, đánh tới tấp vào núi.

   Lúc tôi thấy em bé gào khóc trên một "hòn đảo" giữa sóng biển sôi sục thì cũng thấy luôn tình cảnh của lũ trẻ và Hậu trên "lục địa". Mặt Hậu tái mét, hoảng hốt đến cực điểm. Cô chạy qua, chạy lại trên bờ, bất lực và thảm hại như gà mái mẹ thấy con nhiếp vàng rơi xuống ao.

   Hậu réo lên thất thanh. Tiếng cô lại bị sóng biển ngắt ra từng quãng.

   Không kịp suy nghĩ, tôi ào ngay xuống nước. Sóng, ghê quá, tôi vấp những tảng đá ngầm, ngã nhào ngay. Tôi không phải là loại kỹ sư chỉ biết có cái bằng. Tôi đánh nhau với biển không phải loại tồi, nhưng là ở ngoài khơi, nơi được tha hồ vùng vẫy. Còn ở đây, nó vật tôi chí tử. Cuối cùng, tôi vẫn cứ ra được "hòn đảo".

   Nước đã ngập đến bụng chân em bé. Thỉnh thoảng những đợt sóng chồm lên, phủ qua đầu nó! Thấy tôi, nó nhào ra ngay, bíu chặt lấy cổ tôi và hai chú cháu đều ngã lăn.

   Nước ở đây sâu tới lút đầu. Tôi cố ngoi lên. Nhưng con bé bíu chặt quá, rất lâu tôi mới gỡ được tay nó ra, dùng một tay mình nắm chặt cả hai cổ tay nó. Tôi vác nó lên vai, lội vào. Thực ra không phải tôi lội mà sóng biển ném cả hai vào bờ.

   Mệt lử, tôi ngồi bệt ngang mép nước. Hậu đỡ em bé trên vai tôi. Con bé đã đờ người nhưng cô giáo vừa ôm lấy nó, nó đã tỉnh táo lại, khóc nấc lên tiếng cuối cùng rồi im lặng, nhoẻn cười. Hậu cười theo nó. Nhưng nụ cười vừa nở trên môi cô lại tắt ngay. Mặt tái hơn nữa, Hậu chằm chằm nhìn tôi. Tôi vuốt nước chảy tong tong trên mặt và hiểu: bàn tay tôi đỏ ngầu! Trán tôi đã toạc một mảng vì va vào đá. Một cuộc cấp cứu diễn ra. Hậu luống cuống tháo chiếc khăn mùi soa buộc tóc, ép vào vết thương của tôi. Ðồng thời cô bảo một em học sinh chạy ngay về trường lấy túi thuốc.

   Lúc ấy đám cậu Phái cùng mấy cô văn công nghe có chuyện tai họa dưới này cũng đã chạy lại. Phái hỏi tôi có đi được không, để cậu ta cõng? Cậu đùa tếu làm tôi phì cười đứng dậy. Hậu cũng cười, nụ cười ngượng ngập như có lỗi. Cô tập hợp học sinh lại cho các em về. Ướt lướt thướt, máu loang trên mặt, tôi đi giữa đám người xôn xao, như một người anh hùng chính cống.

   Trường ở ngay đầu làng.

   Lẽ ra chỉ cần đắp lên trán tôi một miếng gạc, hoặc cũng chẳng cần đến thế. Nhưng Hậu băng kín trán tôi lại. Cô giải thích, nếu sơ cứu không tốt có thể bị nhiễm trùng.

   Cậu Phái đã nhặt được bó hải sơn của Hậu từ lúc nào. Cậu ta nói vì chiến công của tôi, thay mặt Hậu cậu ta tặng tôi bó hoa... Và, chẳng cần để tôi nói gì, thay mặt tôi cậu ta nhận luôn. Thằng quỷ, vác bó hoa về, hắn lếu láo, hẹn Hậu, buổi chiều phải mang quà đến úy lạo thương binh, mà phải mang nhiều vào, vì vết thương nguy hiểm lắm!

   Chiều ấy Hậu đến thật. Hậu mang cho chúng tôi mấy gói thuốc lá. Chỉ béo ông tướng Phái. Cậu ta chị chị em em với Hậu ngọt xớt. Rồi khóa tạch cái xe của Hậu lại, cậu ta đòi Hậu phải đi xem với chúng tôi.

   Phải nói rằng văn công miền heo hút này là một sự kiện "tầm cỡ". Năm thì mười họa mới có, cho nên nếu có thì dù bận mấy người ta cũng kéo nhau đi xem. Bãi diễn cứ gọi là chật ninh ních. Ðoàn nào diễn thì cũng thế, chả kể!

   Hôm ấy người ta diễn chèo, trích một đoạn trong truyện Hoa tiên. Phương Châu thi đỗ trạng. Vua muốn gả công chúa Ngọc Khánh cho chàng. Nhưng ở nhà chàng đã có Dao Tiên. Người xem cảm thương mối tình éo le đó. Tất cả nhân vật đều đáng quý. Phương Châu có tài mà chung thủy. Dao Tiên, đức hạnh, nết na. Nàng công chúa Ngọc Khánh xinh đẹp biết tôn trọng tình yêu của người khác, chẳng như cái lẽ thường tình của con nhà vua chúa. Câu chuyện kết thúc tốt đẹp. Các chuyện cổ của ta ít khi tạo được sự hòa hợp khéo léo như thế.

   Hậu xem chăm chú. Tôi thấy như lòng cô thắt lại khi vở diễn đến cao trào. Còn lúc những cốc rượu mừng nâng lên tới tấp thì Hậu lặng lẽ mỉm cười.

   Sau này chúng tôi vẫn thường nhắc đến vở chèo ấy. Nó để cho chúng tôi một ấn tượng, một kỷ niệm khó phai mờ.

   Còn cậu Phái thì rất lâu sau vẫn cả quyết rằng cái cô Ngọc Khánh tuy đối đáp với Phương Châu nhưng mắt vẫn liếc xuống cậu ta!

   Thế là tôi và Hậu quen nhau.

   Tôi thấy mình hay nhớ đến Hậu. Những tình cảm tôi ngỡ rằng mình không còn nữa lại nảy nở. Lần này khác. Dẫu sao tôi cũng đã ba mươi tuổi. Còn Hậu, cô là một cô giáo được các em và bà con trong vùng kính mến. Giữa câu chuyện của chúng tôi không có những lời bóng bẩy. Tôi hỏi Hậu về nhà trường và nói cho Hậu nghe công việc của "ngư ông" là tôi. Nghe nói người ta đang tìm cách nuôi cá biển, Hậu rất ngạc nhiên. Hậu nghĩ là chỉ có thể nuôi cá trong ao. Nuôi cá trên sông cô cũng không hình dung được, huống hồ là biển. Tôi giải thích cho Hậu hiểu. Một bữa tôi đến trường, nghe Hậu nói chuyện với học sinh rằng: người ta sẽ rào biển lại bằng một hàng rào nhiệt độ và thức ăn. Các chú cá sẽ không có đủ can đảm vượt ra ngoài hàng rào ấy vì sự ấm áp và những con mỗi lượn lờ trước mắt chúng. Chúng ta có một trăm hai mươi hải lý biển viền quanh bờ hình chữ S, đó là cái ao của chúng ta... Tôi không khỏi mỉm cười, quả là Hậu lãng mạn hơn chúng tôi, những người đang chinh phục biển. Hậu say mê truyền cho các em những hình ảnh về tương lai sáng lạn của đất nước, về sức mạnh kỳ diệu của khoa học. Những điều còn lâu lắm mới thực hiện được. Nhưng ai bảo nó chẳng giúp ích gì cho bọn trẻ?

   Dạo ấy tôi đi biển luôn, có những chuyến đi hàng tuần mới về, thỉnh thoảng tôi mang tặng Hậu những vật hiếm từ hải đảo xa: khi thì một cành san hô, khi thì một túi vỏ ốc. Hậu rất thích, cô bỏ vào phòng đồ dùng giảng dạy nhà trường. Tôi cảm thấy Hậu vui khi có tôi bên cạnh. Tôi không thể nào diễn tả được niềm vui lặng lẽ ấy...

   Ðôi lần chúng tôi lên núi chơi. Giữa những đóa hải sơn, chúng tôi ngồi hàng giờ. Gió lồng lộng, vạt hải sơn xôn xao. Chúng tôi hái vài bông hoa, lòng dạ còn xôn xao hơn thế...

   Rồi chúng tôi nói về mình cho nhau nghe. Tôi kể hết, cả mối tình ngày xưa. Hậu cũng chẳng giấu tôi điều gì.

   Thì ra Hậu không phải người vùng này. Nhà cô ở một thị trấn sầm uất. Một ngôi nhà nho nhỏ, có tấm biển số xinh xinh. Bố mẹ Hậu còn cả, và vẫn khoẻ mạnh. Cô là con thứ ba trong gia đình. Người anh cả là thợ hàn ở một nhà máy. Chị gái thứ hai đã có bốn đứa con, theo chồng lên tận một nhà ga tuyến đường sắt phía tây. Người em giáp Hậu đã hy sinh ở mặt trận phía nam. Cô gái nữa đã lấy chồng. Cậu em út đang học lớp mười, nếu trượt đại học sẽ đi làm công nhân. ở thị trấn, cuộc sống bằng lặng, êm đềm. Ngôi trường cấp ba với sáu phòng học, nằm giữa một khu vườn xinh đẹp, đầy bóng râm mát. Mùa thu lá xà cừ vàng óng rắc xuống đầy cửa lớp. Còn mùa hè thì có hoa phượng. Cơ man nào là ve lấn lên lanh lảnh. Và hình như chỉ chờ có thế, trong vòm lá thưa, những đốm lửa đỏ xòe ra, cháy bập bùng trong mắt học trò... Chính trong ngôi trường ấy, Hậu gặp một người bạn trai. Anh là một thanh niên miền biển lên thị trấn trọ học. Anh cao to đẹp trai, hơi ngộc nghệch. Anh cao một mét bảy mươi. Người con trai ấy có cái tên dữ dội: Kình! Cha mẹ đã lấy tên loài cá oai hùng nhất ở biển đặt cho anh.

   Chưa kịp thi tốt nghiệp, Kình đã đi bộ đội. Kình bảo Hậu khi nào giải phóng miền nam, anh sẽ nói với Hậu một chuyện rất hay. Nhưng anh đã không giữ kín được câu chuyện rất hay đó. Hết thời kỳ luyện quân, anh trở lại thị trấn, tuyên bố "tình trạng chiến tranh" luôn. Hậu bị đột ngột. Nhưng cô không thể từ chối anh. Rồi anh khoác ba lô vào chiến trường. Năm thì mười họa Hậu mới nhận được một lá thư.

   Hậu trở thành cô giáo. Cô quyết định xin về vùng này nơi quê hương Kình. Cô nghĩ như vậy sẽ được gần gũi gia đình anh, thỉnh thoảng lui tới thầy mẹ anh trong lúc tuổi già. Trường chỉ cách nhà Kình khoảng bốn cây số, nên Hậu có điều kiện đến luôn. Thầy mẹ Kình rất quý Hậu, tất nhiên.

   Một hôm, đứa em Kình hộc tốc chạy đến trường gọi Hậu "về nhà". Thì ra Kình về. Anh đi trên một chiếc com măng ca đầy bụi đường trường. Số là anh cùng với đồng chí chỉ huy đơn vị về Hà Nội báo cáo tình hình với cấp trên. Anh được về nghỉ thăm nhà hai ngày. Kể từ lúc anh đi đến lúc ấy đã được ba năm. Người anh kềnh càng, già hơn một chút, nhưng vẫn là anh! Anh nói vô cùng biết ơn Hậu đã nghĩ đến thầy mẹ anh trong lúc anh vắng nhà. Và đưa ra năm cái huân chương của anh, anh bảo công anh chỉ đáng một, hai cái thuộc về đồng đội, còn hai cái nữa là của Hậu. Anh kể cho Hậu nghe những trận đánh của đơn vị anh, những trận đánh mà qua báo chí, Hậu biết rất sơ sài. Hậu vừa tự hào vừa thương anh. Các chiến sĩ ở chiến trường gian khổ quá, gian khổ vượt ra ngoài sự tưởng tượng của cô. Cô khóc. Nước mắt không phải bao giờ cũng làm mềm lòng người đi chiến đấu. Anh bảo Hậu hãy can đảm như hoa hải sơn quê anh, ở đầu gió ngọn sóng vẫn nở rộ, đẹp tươi.

   Thầy mẹ Kình muốn nhân dịp này tổ chức cho Kình và Hậu luôn. Nhưng anh không nghe. Hậu biết anh sợ cái điều đau đớn nhất có thể xảy ra với Hậu. Anh nằm xuống, thế là xong. Nhưng còn cuộc đời người con gái? Hậu bảo rằng anh nghĩ vẩn vơ. Anh cười xác nhận điều đó là vẩn vơ thật. Anh sẽ trở về, nhất định anh trở về: không dễ gì viên đạn thù bén được da thịt anh đâu!

   Nhưng chiến tranh là chiến tranh. Chưa đầy nửa tháng sau, anh ngã xuống ở vùng ven Ðà Nẵng!

   Hậu đau đớn vô hạn. Nhưng nỗi đau không làm cô gục xuống như bão gió không làm héo tàn được hoa hải sơn. Cô vẫn đến trường. Các em học sinh, các bạn đồng nghiệp là nguồn an ủi lớn lao. Kình không phải là người duy nhất hy sinh trong chiến tranh. Ngay trong vòng mấy xã quanh đó, cũng đã có không ít người ngã xuống ở phương nam Tổ quốc. Nhưng tất cả các người thân yêu của họ vẫn cắn răng chịu đựng như hải sơn chịu giông bão, biển sóng... Cho nên lúc Hậu gặp tôi, Kình mất đã gần bốn năm. Thương Hậu, đã nhiều lần cha mẹ Kình khuyên cô quên chuyện cũ. Ðặc biệt là bà mẹ, bà hiểu thế nào là cái "thì" của người con gái.

   Tôi quyết định ngỏ lời với Hậu. Sau chuyến đi biển thường lệ về, tôi đến trường. Căn phòng của Hậu xinh xắn, dường như lúc nào cũng có mấy bông hải sơn trên bàn. Nơi đầu giường  ngủ còn tấm ảnh Kình. Tấm ảnh chụp từ hồi học sinh, trông trẻ măng. Nhưng cái ánh mắt yêu đời, sáng quắc cứ nhìn thẳng vào mọi người như hứa hẹn sẽ làm một việc phi thường. Tự trong thâm tâm, tôi thấy kính trọng anh.

   Tôi nói với Hậu những lời giản dị. Chúng tôi hiểu nhau từ lâu. Bây giờ chỉ còn chờ thời gian, chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ và về ở hẳn với nhau.

   Hôm đó tôi đưa Hậu từ cơ quan tôi trở lại trường. Buổi trưa nắng rất gay gắt. Cát trên con đường trục như bị rang, nóng bỏng. Vào những dịp như thế này chiếc xe đạp chở kem từ tỉnh thường hay về, đứng bán giữa đường. ở đây kem là thứ hiếm nên người mua thường vòng trong vòng ngoài. Tôi bảo Hậu đứng chờ, tôi còn vào mua kem.

   Lúc ấy có một người cao lớn đứng dưới gốc cây chay gần đó, nhìn chúng tôi chăm chú. Anh ta đeo cặp kính đen rất to, trời nóng thế mà một tay cứ thọc vào túi quần không rời.

   Người bán kem vừa trao hai chiếc kem cho tôi, thì tôi nghe tiếng Hậu kêu thảng thốt. Tôi giật mình, quay lại đưa mắt tìm Hậu. Cô đang bước nhanh lại phía người thanh niên. Một tay vẫn thọc vào túi một tay anh khẽ giơ lên rồi lại thõng xuống, mắt nhìn tôi rất nhanh rồi lại nhìn Hậu. Tôi sẽ nhớ mãi cái nhìn ấy. Dù anh mang kính, sự thông cảm và độ lượng vẫn ánh lên trong tia nhìn.

   Một cảm giác rất lạ lùng dâng lên trong ngực tôi. Tôi biết đó là ai rồi. Ðó là Kình, Kình không chết. Anh chỉ bị thương, mất một tay, một mắt và bên mặt anh đầy những nốt lấm tấm mầu xanh, ăn sâu vào da thịt.

   Việc anh trở về thật là kỳ lạ: về đến nhà rồi anh mới biết mình đã chết cách đây bốn năm: thầy mẹ anh vẫn lĩnh tiền tuất đều đặn! Biết Hậu sắp lấy tôi anh bảo người nhà đừng ai cho Hậu biết anh đã về. Thân thể anh đã tàn phế. Anh muốn cứ im lặng để chúng tôi yên tâm về ở với nhau, như là anh đã hy sinh thật... Nhưng trưa hôm ấy, Hậu đã nhận ra anh...

   Hậu lâm vào tình trạng khó xử...

   Phần tôi, suốt cả buổi chiều và đêm hôm ấy, tôi đã suy nghĩ tường tận một điều... Hôm sau Hậu đến tôi, nước mắt đầy mi. Cô càng đau khổ và thao thức. Thấy cô, tôi sợ cô sẽ nói với tôi rằng, dù thế, việc cưới xin của tôi và cô vẫn cứ tiến hành. Quả tình tôi sợ thế bởi vì, nếu điều đó diễn ra thì Hậu đã chẳng đẹp như tôi tưởng nữa. Nhưng Hậu không nói điều ấy, mà... tôi biết nói sao đây? Một người con gái nữa lại không trở thành con dâu mẹ tôi! Nhưng lần này tôi không giấu người sự thật, bởi tôi biết sự thật này dù có làm cho tấm lòng người mẹ của người thương cái số tôi lận đận, cũng vẫn mang đến cho người một niềm tin một tình yêu cao cả.

   Tôi đã không nhầm về mẹ tôi. Khi Kình và Hậu tổ chức lễ cưới, mẹ đã gửi cho hai người một món quà, như cô bác gửi quà mừng đứa cháu yêu nhất của mình. Phần tôi như tôi đã kể trên, sự việc này làm tôi thấy tin tưởng ở cuộc đời và tình yêu hơn. Vâng tình yêu chính như thế... Bây giờ đôi vợ chồng ấy là những người bạn thân của tôi. Chúng tôi say mê sống ở vùng đất quê của hoa hải sơn này.

1978

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.