30-04-2023
Lượt xem 1065
Đánh giá 0 lượt đánh giá
Nhà văn Hoàng Ngọc Hà (1936-2017)
Tôi sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, cha mẹ tôi đã sống bên nhau ba mươi năm, theo trí nhớ của tôi thì hình như chưa bao giờ nghe thấy họ cãi cọ hoặc giận dỗi nhau. Vậy mà không hiểu sao cảm giác giả giả cứ ám ảnh, y như một người đàn bà đẹp hoàn hảo quá thì có vẻ như họ là sản phẩm của mỹ viện.
ẤN tượng nặng nề ấy khiến tôi kinh hãi mỗi khi nghĩ đến chuyện lập gia đình, mặc dù tôi đã từng yêu say đắm một cô gái duyên dáng dịu dàng. Nhưng rồi nàng chẳng đủ kiên nhẫn chờ đợi sự quyết đoán của tôi.
Nàng khóc nức nở trên vai tôi: "Chúng mình yêu nhau đã lâu mà sao anh thờ ơ thế?". Tôi lắp bắp trả lời: "Anh yêu em vô cùng, anh chỉ sợ mất em". Nàng thiết tha hỏi: "Thế tại sao anh không cưới em đi?".
Tôi run lên vì hạnh phúc và đau đớn nghe em hỏi vậy, biết nói sao cho phải đây? Em chân thành quá, thật thà quá, còn tôi thì rối bời: "Anh sợ, anh sợ lắm". Em ngạc nhiên: "Anh sợ điều gì mới được chứ? Cả hai gia đình đều quý chúng mình cơ mà?". Tôi ngu dại thốt lên: "Cưới nhau thì tình yêu sẽ tan biến mất, đó là điều anh sợ nhất". Nàng ngẩng phắt nhìn tôi với đôi mắt kinh hoàng, rồi nàng dằn giọng nói: "Anh là thằng điên, em không cần thứ tình yêu ấy của anh".
Nàng quay ngoắt bỏ chạy, và từ đấy nàng chẳng bao giờ gặp lại tôi nữa. ít lâu sau tôi nghe tin nàng lấy chồng, và gia đình nàng rất êm ấm.
Còn tôi, tôi vẫn yêu nàng, có lẽ càng yêu sâu sắc hơn, bền chặt hơn và tôi nghĩ có thể mãi mãi yêu nàng.
Không hiểu điều gì đã ngăn cản tôi tìm đến hạnh phúc gia đình. Nhiều lần mẹ tôi đã giục dã: "Này con, đã gần ba mươi rồi đấy, đến bao giờ mới chịu lấy vợ có cháu cho mẹ bế?". Tôi đột nhiên buột ra câu hỏi dớ dẩn: "Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?". Mẹ tôi lặng đi rồi lẩm bẩm: "Thế con thấy gia đình ta không hạnh phúc sao?". Tôi lẩn thẩn trả lời: "Gia đình ta êm đềm quá, có lẽ thiếu ngọn lửa tình yêu nên mới phẳng lặng như thế?. Mẹ tôi sững sờ buông rơi tấm áo đang vá, phải một lúc sau bà mới nhỏ nhẹ nói: "Mẹ ngẫm ra ở đời này cái Nghĩa quý hơn cái Tình con ạ". Nói xong mẹ tôi chống tay đứng dậy, lưng còng xuống lững thững đi về phòng riêng. Chẳng lẽ hạnh phúc là một gánh nặng?
Nếu mẹ tôi cư xử với tôi dè dặt như đối với khách lạ thì cha tôi lại thân tình cởi mở với tôi như bạn thân. Hai cha con có thể ngồi đàm đạo suốt đêm về mọi sự trên đời trừ chuyện gia đình. Một hôm tôi hỏi cha: "Thế nào là hạnh phúc hở cha?". Ông cười vỗ vai tôi: "Thế là con trai cha đã bắt đầu quan tâm đến hạnh phúc rồi đấy, cha mừng cho con". Tôi hỏi lại: "Cha có hạnh phúc không cha?". Cha cười cười: "Hạnh phúc tự nơi mình con ạ". Tôi ngơ ngác hỏi lại: "Sao lại thế được?". Cha nghiêm trang nói: "Nếu biết tự bằng lòng thì hoàn cảnh nào cũng có thể hạnh phúc". Thật mập mờ quá, hình như cha tôi muốn lẩn tránh điều gì đó. Biết vậy nên cha con tôi chẳng bao giờ trở lại với đề tài đó nữa.
Còn tôi vẫn triền miên gặm nhấm mối tình không thành của mình, và nhất quyết không muốn xây dựng một gia đình yên ổn mà lạnh lẽo như cái nhà mồ bằng cẩm thạch thật đẹp đẽ ở nghĩa trang xứ Ðạo quê tôi.
Có thể đó là hội chứng tâm thần của con người được sống trong một gia đình bão hòa về hạnh phúc???
Ðể tôi kể chuyện nhà tôi, mọi người thử xem xét có phải đó là một gia đình tuyệt vời không?
Cha tôi là giáo sư Ðại học Văn khoa, ông chinh phục lòng ngưỡng mộ của mọi người không chỉ bằng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, mà chính là bằng những bài giảng có sức truyền cảm với kiến thức uyên bác và sự rung động tâm hồn. Nhiều nữ sinh viên đã thầm lặng say đắm thầy giáo của mình. Vậy mà cha tôi lấy mẹ tôi, một người đàn bà học vấn tầm thường mà dung nhan cũng chẳng có gì đặc sắc, tính nết lại trầm lặng. Thực ra tôi không hiểu hai người có yêu nhau không, họ đối đãi với nhau trân trọng như khách quý.
Tôi có hai đứa em gái song sinh xinh xắn vui vẻ. Cha tôi yêu quý chúng bởi các em tôi là niềm vui của gia đình, chúng tếu táo đùa nghịch suốt ngày. Mẹ tôi chăm sóc hai đứa cứ như hầu hạ những nàng công chúa. Tôi nghĩ vậy với đôi chút hậm hực, bởi mẹ tôi lạnh lùng xa cách tôi cứ như tôi là con riêng của cha. Nhưng tôi chẳng nhỏ nhen ghen tị, tôi cũng yêu các em tôi với tình thương bao dung của người anh cả, chấp gì cái thói nhõng nhẽo của bọn con gái.
Mẹ tôi có biệt tài nấu ăn rất ngon, mỗi bữa cơm mẹ thường sung sướng ngắm nhìn cha con tôi ăn ngon lành. Cha gắp một miếng thức ăn nhấm nháp rồi gật gù nói: "Cứ như thế này thì chẳng thể bỏ cơm nhà mà đi ăn quà được". Mẹ tôi tủm tỉm cười: "Ông cứ việc ăn quà, tôi có cấm ông đâu". Hai đứa em tôi ré lên cười: "Cơm là vợ, bồ là quà. Ai ai cũng phải ăn quà, ai ai cũng phải về nhà ăn cơm".
Tôi chợt nghĩ phân vân cha có người yêu không nhỉ? Chẳng lẽ một người hào hoa phong nhã như thế mà sống khô khan như vậy sao?
Gia đình tôi là một gia đình hạnh phúc, nhất định là thế, bởi vợ chồng rất mực chung thủy với nhau, con cái đều thành đạt cả, mọi người đều tự hào về nhau.
Thế mà tôi vẫn không tin cái hạnh phúc đó, càng chẳng muốn mình sẽ có một gia đình như thế. Vậy thì tôi mong muốn điều gì mới được cơ chứ?
Chính cái sự mung lung đó đã kìm giữ tôi với cuộc sống độc thân. Trái lại hai đứa em gái của tôi thì yêu đương cuồng nhiệt và thành lập gia đình rất sớm.
Mỗi đứa đều có một gia đình sung túc, chúng sống phong lưu vui vẻ, nhưng mà cãi cọ giận dỗi nhau suốt ngày, có khi còn định làm đơn ly dị nữa, vậy mà vợ chồng vẫn không thể rời nhau được một ngày.
Mẹ tôi cứ lắc đầu phàn nàn: "Yêu nhau lắm, cắn nhau đau".
Tôi cứ ngầm nghĩ mãi về câu nói của mẹ.
*
* *
Năm cha tôi bước vào tuổi sáu mươi ba, ông bị một cơn đột quỵ do nhồi máu cơ tim. Ông vẫn tự hào về sức khỏe của mình có thể làm việc thâu đêm suốt sáng mà vẫn tỉnh táo, chỉ phải tội hút thuốc lá liên miên. Mỗi buổi sáng mẹ tôi đem đổ một gạt tàn đầy ắp mẩu thuốc. Thế rồi bây giờ hậu quả đã ập đến một cách bất ngờ.
Tối hôm ấy cả nhà đang ngồi xem ti-vi, trên màn hình hiện lên hình ảnh một cô giáo đã luống tuổi nhưng vẫn còn rất đẹp, họ đưa tin cô vừa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Tôi bật dậy reo lên: "Cô Mai, giáo viên chủ nhiệm của con kia kìa". Cha tôi cũng nhổm dậy rồi bỗng từ từ xỉu đi trên ghế. Hai đứa em gái của tôi cùng xô đến lay gọi và kêu khóc ầm ĩ, còn tôi thì đứng sững như trời trồng. Mẹ tôi điềm tĩnh gạt hai đứa ra xa, từ tốn nói: "Ðể yên, đừng lắc như thế nguy hiểm lắm, gọi điện thoại cấp cứu đi". Mẹ nhẹ nhàng đỡ cha nằm xuống đi văng, lấy một viên thuốc trong túi áo cánh ra đặt dưới lưỡi cha, rồi xoa nhè nhẹ lên ngực một cách kiên nhẫn. Lúc đó tôi không hiểu tại sao mẹ lại sẵn thuốc như thế, chẳng lẽ mẹ đã tiên đoán được bệnh tình của cha sao? Sau này tôi mới biết mẹ đã bị suy động mạch vành từ lâu, nhưng bà lặng lẽ chịu đựng một mình. Khi bác sĩ cấp cứu đến, họ khen mẹ tôi đã xử lý tình huống bệnh tình của cha tôi rất kịp thời, nếu không thì khó mà cứu được. Cha đã hơi hồi tỉnh mở mắt ngơ ngác nhìn mọi người. Hai đứa em gái vô tích sự của tôi lúc này lại hơn hớn tếu táo nói với cha: "Suýt nữa thì cụ đã trốn đi Văn Ðiển rồi". Ðến nỗi cha phải bật cười, và hai tay vội ôm ngực đau đớn. Tức giận quá tôi đuổi hai đứa ra khỏi phòng. Mẹ tôi giúp các bác sĩ làm các công việc sơ cứu mãi cho đến sáng thì tạm ổn mới chuyển đi bệnh viện. Tôi nhìn mẹ tôi vừa khâm phục vừa băn khoăn, tại sao bà lại có thể lạnh lùng bình tĩnh đến thế? Bà cứ như là một y tá giỏi chứ không phải là người vợ yêu thương chồng.
Bệnh viện bảo cha tôi phải nằm viện từ hai đến ba tháng mới có thể phục hồi được, bác sĩ dặn dò mẹ tôi: "Quả tim của ông nhà bây giờ như quả trứng dập phải gượng nhẹ, nếu không thì sẽ vỡ tung ra đấy".
Mẹ tôi ở lại bệnh viện suốt ngày đêm với cha. Ðêm đêm bà không dám ngủ, mắt lúc nào cũng chăm chăm theo dõi màn hình nhịp tim. Còn ban ngày lại tất bật lo thuốc men, ăn uống cho cha. Cái bệnh tim này rất kỳ lạ, sau cơn đau đột ngột ban đầu, bây giờ lại chẳng còn dấu hiệu đau đớn nào, vậy mà phải nằm bất động, không được tiếp khách, thậm chí cấm cả đọc sách, và chỉ được ăn tí chút một. Bởi vậy mà cứ một giờ đồng hồ lại ăn một lần, mà mỗi lần chỉ được ăn nửa cốc sữa hoặc nửa bát xúp. Ðang ốm mà cha tôi vẫn đùa: "Cha bây giờ như trẻ sơ sinh, mẹ các con lại phải nuôi con mọn một lần nữa".
Hàng ngày tôi vào thăm cha vào lúc hết giờ làm việc. Tôi ở lại bệnh viện vài tiếng đồng hồ để mẹ tôi nghỉ ngơi chốc lát. Những lúc đó cha con tôi lại rì rầm tâm sự, bởi bác sĩ cấm nói nhiều sợ mệt tim. Cha tôi thường nắm chặt tay tôi "Con là người bạn tâm đắc nhất của cha". Quả có thế, ông vừa là cha vừa là bạn vong niên của tôi. Cha con tôi quấn quít nhau từ thuở tôi còn đi học mẫu giáo cho đến bây giờ, lúc nào hai cha con tôi cũng có chuyện để kể cho nhau nghe cùng tìm ra những nhận xét độc đáo nào đó để rồi cùng thú vị tán thưởng nhau.
Một buổi chiều rảnh rỗi công việc, tôi vào bệnh viện sớm để mẹ tôi được nghỉ dài hơn. Vừa đến phòng bệnh tôi nghe cha mẹ tôi đang nói chuyện, nên tôi ngồi xuống ghế ở hành lang, tôi không muốn ngắt quãng câu chuyện của hai người.
Cửa phòng he hé nên tôi nghe rành rọt câu chuyện của cha mẹ tôi.
Cha tôi nói: "Suốt đời mình đã tận tâm chăm sóc tôi, nếu không có mình thì tôi chẳng thể làm nên sự nghiệp gì".
Tiếng mẹ nhỏ nhẹ: "Ông đừng nói thế, tôi biết ơn ông vô cùng. Ông ơi tôi đã mắc tội lớn với ông, hôm nay tôi muốn nói thật mọi điều để ông xá tội cho tôi". Giọng trầm trầm của cha tôi: "Mình đừng nói, tôi biết hết rồi, biết từ lâu. Nhưng tôi cám ơn mình đã đem đến cho tôi một đứa con trai tuyệt vời".
Tiếng thút thít nghèn nghẹn: "Vậy ư? Vậy ra ông đã cưu mang người đàn bà lầm lỗi này, lại còn đem đến cho đứa con hoang tình cha con ấm áp, tôi xin quỳ lạy tạ ơn trời biển của ông". Tiếng cựa sột soạt. "Ðừng! Mình đứng dậy đi, đừng làm thế".
Tai tôi ù lên, mắt tôi tối sầm, ngực tôi đau tức, tôi vịn tường lần lần đi ra khỏi bệnh viện. Hết cơn choáng tôi phóng xe trên suốt dọc đường đê, rồi tôi đi vòng quanh Hồ Tây, và cuối cùng tôi đi ra bờ sông, lang thang suốt đêm mà đầu óc vẫn chẳng nghĩ ra được cái gì, chỉ ước muốn sao mình biến thành dòng nước để cứ trôi, trôi mãi chẳng bao giờ trở lại nữa. Tôi không dám giáp mặt cha, từ trước đến nay tôi yêu quý ông với tình yêu hồn nhiên của đứa con trai, còn bây giờ hóa ra ông lại là ân nhân của tôi, tôi biết dành cho ông tình cảm nào đây?
Tôi cũng không muốn gặp mẹ tôi nữa, người mẹ mà tôi hằng tôn sùng như Ðức Thánh Mẫu. Vậy mà suốt đời bà đã lừa dối tôi.
Tiếng gà eo óc gáy ở xóm ven bãi, mặt sông đã loang loáng ánh hồng, gió ban mai thấm đẫm sương đang tỏa lan mơn man mái tóc bù xù của tôi. Tôi chợt tỉnh lại. Trời ơi! Tôi đã làm gì thế này? Có lẽ cha mẹ tôi đang hốt hoảng lo lắng cho tôi, mà có thể vì thế bệnh tình cha tôi sẽ... Tôi không dám nghĩ tiếp nữa, tôi lao vào bệnh viện.
Phòng bệnh ngộn lên những máy móc, bình ô-xy, những bóng áo trắng đi lại khẩn trương, mẹ tôi quỳ xuống cạnh giường bệnh, mặt trắng bệch thất thần, mấy đứa em tôi đứng thút thút khóc. Cha tôi nằm thiêm thiếp, vầng trán xanh xao dưới mái tóc bạc lòa xòa. Tôi lao vào hét lên: "Cha ơi". Chợt mi mắt ông nhấp nháy, một tiếng gọi phào ra như hơi thở: "Con trai của cha!". Mọi người xôn xao: "Tỉnh lại rồi". Mẹ tôi ghé sát tai cha tôi nói: "Tôi mời cô Mai đến với ông nhé". Cha tôi lắc đầu: "Ðừng! Gặp cô ấy tim tôi đau lắm". Lặng đi một lúc rồi ông nói tiếp: "Nếu tôi ra đi, bà báo tin cho cô ấy biết". Mẹ tôi rũ xuống như tàu lá héo, nước mắt chan hòa. Cha tôi mỉm cười, đầu ngật ra khỏi gối.
Vừa lúc đó tia nắng sớm thả một bông hoa mai long lanh trên mặt gối trắng.
*
* *
Khi tôi viết chuyện này thì tôi đã cưới vợ và có một cậu con trai kháu khỉnh. Chẳng hiểu tại sao cháu rất giống ông nội. Không giống dáng nét mà giống ở thần thái khí sắc. Cũng điềm đạm mà hóm hỉnh, cũng có nét cười đôn hậu, và ánh mắt trong trẻo hơi buồn buồn.
Tôi thường đem cháu đến thăm bà Mai, cô giáo năm xưa của tôi, người đã dẫn dắt tôi đi vào con đường khoa học. Nhờ cô mà tôi đã đỗ thủ khoa khi tốt nghiệp phổ thông và được vào thẳng đại học. Sau này nối tiếp đà đó tôi đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ xuất sắc và được chuyển tiếp làm luận án Tiến sĩ.
Vợ tôi là một người đàn bà hiền hậu. Mẹ tôi yêu quý con dâu hơn con trai của mình. Bao giờ mẹ tôi cũng yêu những người khác hơn yêu tôi.
Thỉnh thoảng mẹ tôi lại nhắc câu nói thuở trước: "Tình yêu vốn không bền, cho nên phải vun đắp cái Tình thành cái Nghĩa. Ðó là nền tảng vững chắc của một gia đình con ạ".
Tôi nghiệm ra quả có thế thật!
Hà Nội 10-10-1998
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com