chan_dung-ke_si

HAI CHỊ EM - Truyện ngắn Nhất Linh

11-08-2023

Lượt xem 1264

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Nhất Linh

HAI CHỊ EM - Truyện ngắn Nhất Linh

Nhà văn Nhất Linh và các con

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nhất Linh tên thật là Nguyễn Tường Tam, có thơ đăng báo từ năm 16 tuổi. Ông còn có hai người em trai cũng là nhà văn rất nổi tiếng là Nguyễn Tường Long, tức nhà văn Hoàng Đạo; Nguyễn Tường Lân, tức nhà văn Thạch Lam.

Năm 1932, sau nhiều lần làm đơn ra tờ báo “Tiếng Cười” nhưng đều bị thực dân Pháp trả lời “chờ xét”, nhà văn Nhất Linh mua lại tờ Phong Hóa và làm chủ bút tờ báo này. Cùng năm, ông cùng các nhà văn đồng chí hướng thành lập Tự Lực Văn Đoàn, một tổ chức văn chương nổi tiếng và có ảnh hưởng sâu rộng nhất của Việt Nam trước năm 1945. Là một người từng du học Pháp, Nhất Linh chủ trương dùng tiếng cười trào phúng để đả kích các hủ tục phong kiến, hô hào "Âu hóa", đề cao chủ nghĩa cá nhân. Cũng vì vậy, tờ Phong Hóa có một số bài châm biếm lề thói cũ của triều đình Huế nên đã bị thực dân Pháp mượn cớ để đóng cửa vào ngày 5 tháng Sáu, 1936.

 

Bà xã Vực có hai cô gái đầu lòng: Bìm và Lạch. Bìm hơn Lạch hai tuổi, nhưng trông già hơn nhiều: người nàng béo chắc, chân tay to, mắt nhỏ và hơi toét. Hai mí mắt hùm hụp, đôi má bánh đúc và cặp môi dầy làm cho nét mặt Bìm có vẻ nặng nề, đần độn. Bìm suốt ngày làm lụng vất vả, thức khuya dậy sớm, ăn uống kham khổ nhưng cứ một ngày một béo đen ra. Bìm không hay nói, không cãi lại ai bao giờ, lúc nào cũng lì lì, vui buồn không lộ ra nét mặt. Bà Xã rất yêu Bìm, và tuy Bìm mới hai mươi tuổi bà đã cho là con ế chồng, ngày đêm lấy làm buồn và thương con. Bà tự an ủi rằng con mình tuy xấu, nhưng được cái tính nết tốt, đứng đắn và chăm chỉ công ăn việc làm.

Cùng xóm có ông lý Thịnh, nhà giầu, cầy cấy trên hai mươi mẫu. Ông Lý, bà Lý hiếm hoi chỉ có một người con trai, năm ấy mười ba tuổi. Bà xã Vực biết rằng ông Lý cần người làm nên rất hy vọng Bìm được về làm dâu nhà ấy. Bà Lý cũng đã để mắt tới Bìm và dò tính nết Bìm rất cẩn thận; chỉ có một con nên bà thận trọng trong việc kén chọn nàng dâu. Có người chê Bìm chậm chạp. Bà đáp:

- Chậm nhưng mà chắc chắn. Tướng người như thế được việc.

Trong lúc nói câu ấy, bất giác bà nghĩ đến mấy con trâu ở chuồng nhà bà.

Hôm mới sang hỏi, bà Xã xin khất để còn dò ý con. Thật ra bà không cần hỏi, vì bà biết chắc rằng thế nào Bìm cũng bằng lòng. Bìm nghe người ta nói chuyện nên biết tin. Nàng không hề nghĩ đến người chồng mới mười ba tuổi của nàng; cậu bé con ấy không kể đến. Việc chính là việc nàng về làm dâu nhà bà Lý. Làm dâu một nhà giàu ấy, Bìm cho là rất hân hạnh.

Hôm đón dâu vì một việc hiểu lầm suýt xảy ra sự lôi thôi. Sau khi mặc cả hai, ba phen, bà Xã yên trí rằng nhà trai sẽ nộp cưới đủ tám chục bạc. Nhà trai lại tưởng bà Xã bằng lòng sáu chục. Trước mặt hai họ đông đủ, ông Xã phàn nàn về việc đó và xin hoãn ngày cho dâu về. Sau một hồi bàn tán thương lượng, ông Xã bằng lòng vậy vì nhà trai có hứa sau sẽ nộp đủ số bạc.

- Xin ông bà nghĩ tình cho trẻ, cho chúng thành vợ thành chồng là điều cần nhất. Đợi mãi mới chọn được ngày tốt, để xin đón dâu. Sau sẽ xin chu tất.

Vợ chồng ông Xã biết trước rằng con đi thì tiền không về nữa, và tự cho là mắc lừa. Bà Xã thương con, sợ hỏng việc nên đành chịu mất số hai chục bạc. Bà bảo thầm chồng:

- Thôi thầy nó ạ. Già néo đứt dây.

Vì thế dây không đứt. Chỉ đứt những dây chăng ngang trên đường làng từ nhà ông Xã đến nhà ông Lý để mở lối cho Bìm về nhà chồng, cho Bìm lấy một cậu bé mười ba tuổi sau khi đã bán thân bằng một số tiền sáu chục bạc.

Bà Xã chỉ cốt lo xong việc cho con gái lớn; đối với Lạch, biết rằng không sao răn bảo được, bà đã coi như một đứa con bỏ đi. Bìm đứng đắn bao nhiêu thì Lạch lẳng lơ bấy nhiêu. Lạch không biết nghe lời ai cả. Lạch như con chim vành khuyên đẹp mã, nhảy nhót luôn chân, ai trông cũng muốn yêu. Hai con mắt nàng trông ai cũng hình như đưa tình và đôi môi nàng nói với ai cũng như trao đổi những lời ân ái. Lạch hát rất hay; những đêm thu trăng sáng, không nơi nào là không có tiếng nàng. Nàng đứng lẩn trong bóng cây, những quãng đường vắng, hát ghẹo trai làng đi qua, rồi cười khúc khích, lấy làm sung sướng. Nàng không có tính nết đứng đắn, nên gặp người đàn ông nào nàng cũng coi thường. Thấy chị sắp lấy Ngẩu, con ông Lý, nàng ôm bụng cười lăn. Có lần gặp Ngẩu, Lạch ẩn vào một bụi cây, đợi Ngẩu đi quá gọi:

- Em Ngẩu ơi, vào đây chị bảo tí ti.

Rồi nàng kéo cậu bé vào, lấy hai tay xoa đầu một lúc, lại thả cho đi. Không phải nàng biết nghĩ cho việc lấy chồng như vậy là vô lý; nàng vốn có bản tính ngang tàng nên thấy việc ấy buồn cười quá, như nàng, nàng không sao kham nổi. Bà Xã vẫn bảo:

- Con này ngày sau chỉ đi làm đĩ... Chị mày còn cho tao được mấy chục bạc, chứ mày rồi thì tao mất nhờ lại mang tiếng xấu lây.

Cách đó ít lâu, Lạch theo một phường hát chèo đi lang thang hết làng này đến làng khác. Kiếm không đủ tiền, Lạch bỏ nghề hát chèo. Nhờ có nhan sắc và giọng hát hay, Lạch trở nên một danh ca của một xóm bình khang gần Hải Phòng.

Trong lúc đó, Bìm vẫn sống yên lặng ở nhà ông Lý. Nàng giữ đủ bổn phận một cô nàng dâu, nghĩa là suốt ngày làm vất vả để hầu hạ nhà chồng.
Bốn giờ sáng, Bìm đã dậy để băm bèo, đun cám cho lợn ăn và thổi cơm cho những người đi làm. Rồi cả ngày trông nom những việc trong nhà, hầu hạ cơm nước bố chồng, hầu chồng và các em gái bé. Những khi nhà có việc, ngày giỗ ngày tết, một mình nàng, con dâu trưởng, phải cáng đáng mọi việc; đầu tóc đầy tro bụi, mặt mày nhem nhuốc, mình mặc chiếc áo vá và chiếc váy đụp không bao giờ giặt, Bìm hết ngồi trước bếp lửa nóng vần cơm, lại chạy bưng các món ăn hầu những bô lão đến uống rượu, mắt đỏ gay. Quanh năm suốt tháng, công việc của nàng không bao giờ thay đổi. Nàng không bao giờ được nghỉ ngơi và cũng không bao giờ cần phải nghỉ.

Sau ngày cưới mấy tháng, nửa vì Ngẩu đã quen Bìm không sợ hãi như trước, nửa vì bố mẹ chồng bắt buộc nên hai vợ chồng đã ngủ chung một buồng. Nhưng Bìm làm việc suốt ngày mệt mỏi, vào đến giường chưa đặt mình đã ngáy; Ngẩu sợ lạnh ngủ rúc vào nách vợ để tìm hơi nóng như một đứa bé nằm trong lòng mẹ.

Một lần trên quãng đường vắng, Bìm gặp một người đàn ông. Nàng không hối hận, nàng chỉ sợ thôi, và khi về đến nhà thấy sự nguy hiểm đã qua, chắc rằng không ai hay, và nếu có con cũng là con của Ngẩu, nên Bìm coi như là một việc thường đã xảy ra. Nàng không hề áy náy trong lương tâm. Như một con gà trống thiến, như một con lợn không tư tưởng lẫn lộn trong nơi bẩn thỉu mà vẫn béo tốt, Bìm một ngày một béo hơn, mắt Bìm một ngày một toét thêm ra

Ông Lý có nuôi trong nhà một ông đồ để dạy dăm ba đứa trẻ trong làng học chữ nho. Ngẩu cũng có học, học để biết dăm ba chữ xem nổi văn tự và gia phả. Nhiều khi trong lúc vợ Ngẩu đứng cho lợn ăn, mặt mũi chân tay bẩn thỉu không kém gì những con lợn trong chuồng, mà đời nàng với đời những con lợn kia biết đằng nào có giá hơn, đáng sống hơn, thì trên nhà tiếng Ngẩu ê a như tiếng ở thời cổ đưa lại:

- Đại học chi đạo... đại học chi đạo, đại học chi đạo, a... Tại minh minh đức, tại tân dân, đại học chi đạo ư a... tại tân dân... âm a...

Rồi Ngẩu vừa đọc vừa dịch ra tiếng An Nam:

- Đại học chi đạo ư... a... tại tân dân... ở mới dân, tại tân dân,... ở mới dân.

Bìm không còn nghĩ gì tới người em gái đốn mạt đã bỏ nhà đi. Có ai nhắc tới thì nàng thầm mắng em:

- Con đĩ!

Nàng coi như là không có người em ấy nữa. Lạch không những chỉ làm nghề ả đào. Khách làng chơi đêm nào cũng rủ nàng đến các tiệm khiêu vũ; ít lâu nhờ có bạn trai dạy nhảy nàng bỏ nghề cũ làm một vũ nữ cho một tiệm nhảy ở Hải Phòng. Đêm đến, trong lúc Bìm ở nhà quê nằm ngáy bên cạnh một đứa bé bẩn thỉu, mình đắp một mảnh chiếu rách, thì dưới ánh đèn xanh đỏ, Lạch tươi đẹp như bông hoa, ôm một chị em bạn cùng nghề nhảy lượn theo điệu đàn du dương, đợi khách chơi đêm. Quặt tay ra sau vai, Lạch vừa nhảy vừa đùa, nhí nhảnh. Thỉnh thoảng thích chí, nàng ngả nghiêng đầu theo dịp đàn, chân đạp mạnh xuống nền gạch, rồi ôm bạn quay vòng mấy lượt. Nàng cất tiếng hát theo bài đàn, rồi bất giác nhớ lại những đêm trăng ở nhà quê, nhớ lại những bụi tre khóm ổi, cảnh cũ của đời ngây thơ nay đã xa lắc; nàng cảm động se sẽ ngâm:

Khi đi trúc chửa mọc măng,
Khi về trúc đã cao bằng ngọn tre.

Một ngày kia tình cờ có người nhân tình đưa nàng đi chơi ôtô về qua làng; Lạch xin phép bạn về thăm nhà và dặn bạn khi quay về đón ở quán nước đầu xóm. Bà Xã thấy con về, ôm mặt khóc:

- Sao mày không chết đường chết chợ ở đâu cho rảnh, còn bén mảng về đây làm gì cho tao thêm nhục.

Thấy Lạch, bà lại nghĩ đến Bìm và tự an ủi rằng hỏng em, nhưng được chị. Lạch nói:

- Con xin phép u sang thăm chị con và anh con... xem đã nhớn được tí nào chưa. Anh gì nhỉ, u nhỉ?

Lạch cất tiếng cười rồi nói tiếp:

- à, con nhớ ra rồi... Anh Ngẩu, Ngẩu!

Bà Xã vội can:

- Thôi, mày đừng sang đấy bêu xấu tao, bêu xấu chị mày.

Lạch không nghe lời mẹ. Lúc sang tới nhà ông Lý, Bìm đang ngồi bắt chấy cho mẹ chồng cạnh đống rơm. Lạch vén áo, ngồi trên bức tường thấp bao bọc khu vườn cảnh. Dưới ánh nắng, chiếc áo lụa màu vàng và chiếc quần cẩm nhung của nàng bóng loáng. Mùi nước hoa bay thoảng.
Bìm hỏi gọn một câu lãnh đạm:

- Cô về chơi.

Bìm ngượng quá, cúi mặt, bới tóc mẹ chồng một lúc rồi rứt trứng chấy đưa lên miệng cắn:

 

- Gớm! Đầu bu lắm chấy quá.

Ngẩu đương ngồi ở trước hiên nghêu ngao đọc "đạo thánh hiền là rộng,... đạo thánh hiền là rộng", thấy người lạ mặc áo đẹp, vội chạy ra, rồi sợ hãi đứng ở xa, bên cạnh một đàn lợn con thả rong vừa mút ngón tay, vừa trố mắt nhìn. Lạch trông thấy Ngẩu, mỉm cười, nhắm một bên mắt lại, nháy mắt chế giễu quen như độ còn ở nhà. Nàng toan cất tiếng cười, nhưng phải cố giữ lại. Lâu không thấy bà Lý và chị mời vào trong nhà, Lạch đứng lên cáo từ.
Bìm đưa mắt nhìn theo dáng đi õng ẹo của Lạch, bĩu môi. Nàng hết sức ngượng mặt với mẹ chồng vì có người em làm đĩ. May quá, lúc đó nàng bắt được con chấy to, liền đặt vào lòng bàn tay mẹ chồng, nói để che ngượng:

- Bu nà! Con chấy kềnh đó nà.

*

Bạn tôi kể xong câu chuyện, kết luận:

- Lẽ cố nhiên là Bìm được trọng vọng và Lạch bị khinh rẻ. Nhưng đời một người bán thân bằng số tiền mấy chục bạc để về làm nô lệ một đứa bé hỉ mũi chưa sạch, đời một người vẫn được tiếng là con hiền, dâu thảo, đứng đắn, nết na, cái đời lương thiện ấy khốn nạn quá, bẩn thỉu quá đến nỗi tôi lưỡng lự không biết có thể đặt lên trên đời Lạch, một con đĩ, được không? Đời Lạch tuy xấu xa nhưng còn là đời một người, và Lạch tuy làm đĩ, nhưng còn biết mình làm đĩ, không u lì như một con trâu người ta trả tiền lôi đi vì nó được việc. Bìm khinh Lạch, nhưng thật ra Bìm không có quyền ví mình với Lạch, một người đã có hơn nàng cái giá trị làm một người.

- Nhưng đó là chuyện thật?

- Không hẳn là chuyện thật. Song như Lạch rất ít mà như Bìm, ở xã hội quê ta thiếu gì. Tôi kể anh nghe câu chuyện này vì tôi vừa thấy một cậu bé toét mắt, trọc đầu, ước độ mười tuổi mà có vợ hơn ba năm, và mới đây vào tiệm khiêu vũ ở Hải Phòng tôi đã được thấy một cô cắt cỏ lẳng lơ ôm một bạn gái nhảy lượn dưới ánh đèn như hai con thiêu thân. Cô cắt cỏ - tôi tạm gọi là cô Lạch - có hai con mắt đẹp nhưng nhiễm đầy vẻ buồn ảo não hình như đương nhớ tới quê hương, mong mỏi một cảnh đời khác mà không sao được. Tôi tưởng nghe thấy tiếng cô ta bảo tôi, đau đớn tuyệt vọng:

- Em thế này để khỏi phải sống như chị em!

 

Nhất Linh
(Tối Tăm – nxb Đời Nay, 1936)

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.