chan_dung-ke_si

HAI CẢNH NGOÀI PHỐ - Truyện ngắn Nhất Linh

09-01-2024

Lượt xem 1254

Đánh giá 3 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nhất Linh

HAI CẢNH NGOÀI PHỐ - Truyện ngắn Nhất Linh

Nhà văn Nhất Linh - Tranh Nguyễn Gia Trí

Trời vừa mưa xong, đường phố lầy lội. Bên cạnh những cửa hàng đầy tơ lụa màu rực rỡ, Sửu cúi đầu đi thong thả, hai con mắt đỏ ngầu và đầy rử nhìn thẳng ra trước, không để ý đến một vật gì. Trông hình dáng chỉ biết đó là một người nghèo khổ, chứ không hiểu thuộc về hạng nào. Có lẽ người đó đã làm đủ nghề: đi ở, kéo xe... nhưng hiện nay chắc không có nghề gì, vì người bẩn thỉu và ốm yếu quá. Hai con mắt nhìn một cách dại dột, mồm bao giờ cũng há hốc và hai bàn tay lúc nào cũng run run bảo cho ta biết rằng người đó chỉ còn có việc là đi hành khất để chờ ngày vào nhà điên.

Một cơn gió thổi mạnh, Sửu vội giơ tay lên giữ lấy cái mũ đội trên đầu, một cái mũ dạ màu xám rộng thênh thang đội úp xuống che gần khuất hai con mắt. Muốn tránh một người quét hè, Sửu đi rẽ xuống đường. Vừa lúc đó một người mặc âu phục rất sang, đầu tóc chải mượt và đôi giầy bóng loáng, đi vội ở trong một hiệu thợ cạo ra, giơ tay vẫy một cái xe cao su. Vì hai bên cùng vội cả, nên người ăn mặc sang trọng và người ăn mặc rách rưới đụng vào nhau một cái thật mạnh. Người vận âu phục kêu lên một tiếng to, dẩy Sửu ra, mắng mấy câu theo lệ thường, rồi toan bước lên xe. Nhưng đến lúc nhìn xuống thấy mũi giầy của mình bị bàn chân đầy bùn của người kia làm bẩn be bét, thì chàng ta không giữ nổi giận được nữa. Chàng giơ thẳng tay bớp tai người nghèo kia một cái, làm cho chiếc mũ dạ tung ra, rơi ngay vào cái xe tay, trên tấm thảm cao su để chân. Chàng cho thế là đủ giận bèn phủi tay, nhấc hai ống quần cho khỏi mất nếp, và ngồi lên giục phu kéo đi. Thấy cái mũ ngay dưới chân, chàng toan hất xuống trả, nhưng không biết nghĩ được một điều gì hay hay, chàng mỉm cười lấy cái mũi giầy còn sạch thọc vào mũ rồi đặt lên cái mũi giầy lấm bùn cọ đi cọ lại như người đánh giầy.

Chàng lấy làm khoan khoái, ngắm nghĩa mũi giầy bóng trở lại gần như trước. Nhìn cái mũ dạ dúm dó, bẩn thỉu, chàng hơi hối hận, nhưng vội tặc lưỡi nói một câu để tự an ủi:

- Chắc thằng cha mới ăn cắp được của ai... Đáng kiếp!

Rồi chàng bảo người kéo xe:

- Cho anh cái mũ này.

Sửu bị cái tát tai đứng lặng hồi lâu cho khỏi choáng váng, rồi lắc lư cái đầu tìm xem mũ mình rơi đâu. Một người tài xế thương hại bảo:

- Mũ rơi vào xe ông ta rồi còn đâu.

Sửu nhìn theo cái xe chạy đã xa, không hiểu và lẩm bẩm tự hỏi:

- Thầy ấy lấy mũ của tôi?

Rồi Sửu lại cắm đầu đi, mắt nhìn thẳng ra trước một cách dại dột, mồm há hốc và hai tay run run... Trong lúc đó thì ở đầu phố một thầy đội xếp thong thả đi lại phía Sửu, cầm cái gậy lỏng lẻo bằng hai ngón tay và nghịch đưa đi đưa lại như một quả lắc đồng hồ. Đó là cử chỉ thông thường của thầy mỗi khi thầy sắp có dịp ra oai. Đứng xa, tuy thầy đội không nhìn rõ, nhưng thầy đã "đoán" ra được hết. Thầy đoán rằng người ăn mặc rất sang kia vào hiệu mua hàng, lúc ra bắt gặp tên này ăn cắp mũ, liền bợp tai giằng lại cái mũ kia rồi tha... Nhưng thầy thì thầy không tha. Thầy không tha không phải vì bổn phận bắt buộc, nhưng thầy muốn tỏ cho mọi người biết rằng mình tinh mắt. Đến lúc nhìn rõ Sửu thì thầy không còn nghi ngờ gì nữa: những điều phỏng đoán của thầy đã hiển nhiên biến thành sự thực, sự thực có một không hai.

Sửu thấy thầy đội xếp đến gần mình, theo thói quen, đi khép nép tránh sang một bên. Thầy đội chạy săm lại nắm lấy tay Sửu và nghiến răng bóp thật chặt. Thầy nhìn mặt Sửu thấy đáng ghét một cách lạ lùng và bóp chặt thêm một tí nữa cho bõ ghét.

- Về bóp! Hừ, quân bay bạo gan thực, dám giở thói ăn cắp ra trước mắt ông.

Sửu hốt hoảng, lúng túng nói:

- Thầy ấy lấy mũ của con...

Thầy đội trợn mắt, vụt một cái ngang lưng Sửu và nhếch mép cười nhạt:

- à, ra thầy ấy ăn cắp mũ của mày. Quân này to gan thật!

Cái trí khôn lu mờ của Sửu báo cho Sửu biết rằng phân trần không có lợi. Sửu bèn van lơn:

- Con lạy thầy, thầy tha cho con.

Thầy đội cười một cách đắc chí:

- Tha thế nào được, con ơi!

Người tài xế lúc này tiến đến gần nói:

- Ông đội tha cho nó, nó oan. Nó dẫm phải giầy ông kia, ông ấy cho nó cái tát cũng đã đáng đời lắm rồi. Nó lại mất thêm cái mũ... cái mũ khổ ấy mà...

Một vài người đứng gần đó cũng xin hộ.

Nghe mọi người nói, thầy đội lấy làm khó chịu vì mình đoán sai cả và thầy nhìn mặt Sửu càng thấy đáng ghét hơn trước. Thầy lấy ngón tay trỏ hất cằm Sửu lên và nói:

- Cái mặt gian chưa. Ngữ này thì thế nào cũng có ngày ông cho tù mọt.

Thầy đội quay ra nói với mọi người, vẻ mặt vui tươi để tỏ rằng mình sẵn lòng khoan dung:

- Lần này các ông các bà xin hộ thì tôi tha cho nó. Lần sau nó phải liệu mà chừa đi.

Bỗng thầy nhìn cái đầu bù tóc của Sửu, nghĩ ngay được một câu để che ngượng:

- Cái mũ ấy mà không ăn cắp của ai thì tao cứ đi đằng đầu. Cũng may phúc cho mày khi lấy cái mũ ấy lại không gặp tao... Bây giờ thì cút đi ngay.

Nói xong, thầy cầm gậy gõ mạnh vào đốt ngón tay Sửu hai cái. Sửu đau quá, nhưng không dám nhăn mặt, không dám kêu, vì Sửu sợ rằng biết đâu không vì một tiếng kêu mà thầy lại đổi ý kiến không tha nữa.

Thấy thầy đội quay lưng đi, Sửu mừng quá...

Yên lặng như một cái bóng, Sửu cắm đầu đi, mồm há hốc và hai tay run run, nhưng lần này hai con mắt Sửu không dại dột nữa... lại sáng lên một cách khác thường. Trong lúc mừng, Sửu luôn mồm lẩm bẩm:

- Suýt nữa thì vào bóp, may quá, gặp được thầy đội tử tế.

Sửu quên cả đau tay, quên cả mất mũ, chỉ nghĩ đến cái mừng được thoát khỏi bóp. Thấy có cái ngõ con, Sửu vội vàng rẽ vào, yên tâm rằng đã đi khuất mắt thầy đội. Sửu cười và nói một mình:

- Sao lại gặp được thầy đội tử tế đến thế!

Câu ấy vì nhắc đi nhắc lại mãi, dần dần biến ra:

- Sao người ta lại tử tế đến thế.

Lúc đó cái óc tối tăm của Sửu như có ánh sáng chiếu rọi làm cho Sửu lần đầu tiên trong cuộc đời khốn nạn của mình nhận thấy một cách rõ ràng cái lòng tử tế của người đời!

- Suýt nữa thì vào bóp!

Nghĩ đến đó, Sửu vô tình quay nhìn lại...

Mấy hôm sau, Sửu bị bắt vì không có chỗ ở và nghề nghiệp nhất định. ở nhà pha được ít lâu, thầy thuốc khám nghiệm bảo Sửu có bệnh điên. Thầy thuốc chỉ biết rằng Sửu có bệnh điên là tại cha mẹ trước kia mắc bệnh giang mai. Không ai biết Sửu điên hẳn vì cái bớp tai của người mặc quần áo sang trọng làm cho khối óc đã yếu sẵn bị rung chuyển mạnh quá... hay nói cho đúng, chỉ vì đôi giầy bông bị lấm bùn.

Được cái bệnh điên của Sửu rất lành, không hại đến ai. Cả ngày, Sửu lúc nào cũng mỉm cười sung sướng và thỉnh thoảng lại lẩm bẩm nói một mình:

- Sao người ta lại tử tế đến thế!

Còn như người ta có tử tế như Sửu tưởng hay không thì đó lại là câu chuyện khác.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.