chan_dung-ke_si

Gió Trên Đồng - Truyện ngắn Nguyễn Kim Châu

24-04-2023

Lượt xem 1988

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay nguyễn kim châu

Gió Trên Đồng - Truyện ngắn Nguyễn Kim Châu

Nguyễn Kim Châu

Sụp tối, trời mưa như trút. Cả một giang đồng trắng xóa những nước là nước. Y ngồi trong lều, cạnh bếp lửa, còn người đàn bà thì co ro gần cửa. Ngoài đồng lớn nên gió cắt lạnh, ù ù thổi, sức muốn bật tung cái mái lều tạm bợ. Y chực nghĩ: Ðã cho người ta trú mưa, còn tiếc chi bếp lửa. Ðúng là thị đang lạnh, cái áo xám ướt nhèm, bám riết vào mảng lưng thon lẳn, đôi vai run thảng thốt trong cái thế ngồi co quắp. Chốc chốc, con mắt thị lại liếc nhanh về phía bếp lửa. Ðành vậy, y ngoắc tay. Thị bò lại, rón rén ngồi nép vào một góc chìa hai bàn tay hơ lửa. ánh lửa cháy sáng khuôn mặt hốc hác, trắng bệch của người đàn bà. Thị không đẹp, cũng chẳng xấu lắm, lại có duyên ngầm trong đôi mắt sắc sảo. Khi nhìn thẳng, con mắt ấy đủ sức giết chết khối thằng, ấy vậy mà, thị ít khi nhìn thẳng, chỉ cúi nhìn đất như một thói quen, một kiểu nhẫn nhục của lớp phụ nữ nông dân hay lam hay làm. Rồi y lại nghĩ: Mặc thị, mình còn phải ăn cơm. Vậy là, y dọn cơm ra: Một niêu cơm to đùng, một nồi cá kho thơm lừng mùi nước mắm đồng, một chai rượu chỉ còn phân nửa. Y xới cơm nhưng chưa ăn vội, khà khà quất thẳng một ly đế đầy rồi lại ngẩn ra nhìn người đàn bà. Thật là phiền, chẳng lẽ mình ăn lại để thị nhìn miệng. Dụ dự một lúc, y phẩy tay hỏi trống không: "¡n cơm nghe?". Người đàn bà nhìn y, lạ lắm. Giọt ánh sáng đỏ thẫm phản chiếu từ ngọn lửa in trong đôi mắt mở to của thị khiến y chợt rùng mình. Y tránh đôi mắt đó bằng cách xoay người lấy thêm cái chén, xới đầy cơm rồi đặt trước mặt người khách bất đắc dĩ. Thị ăn liền mấy chén đầy, cứ lặng thinh, chậm rãi mà ăn hệt như cái lều này là nhà thị vậy. Giờ thì y thoải mái hơn để làm ly thứ hai, cũng thật đầy. Men rượu bốc lên đầu làm y đâm ra nghĩ ngợi. Y nghĩ về người đàn bà. Lần đầu tiên, y được nhìn thị thật gần. Trước kia, y cũng hay gặp thị. Năm này sang năm khác, ngày nào cũng vậy, sáng sớm, thị đã có mặt ngoài đồng, cặm cụi trên mảnh ruộng nhà mình. Thị siêng lắm, siêng đến mức khó hiểu vì có lúc thị ra đây mà chẳng có việc gì để làm, chỉ ngồi thẫn thờ dưới gốc cây trâm bầu, trưa nắng thì úp chiếc nón lá rách tươm lên mặt mà ngủ, trời sụp tối vẫn còn lấn bấn mãi trên bờ ranh đầy cỏ. Chừng như, thị không muốn về nhà. Rồi lâu dần, y cũng quên béng thị đi, có gặp mặt cũng chẳng một lời chào. Tính y vốn vậy.

Ðược một chốc người đàn bà không ăn nữa mà dụ dự nhìn ly rượu còn đầy bên cạnh chén cơm cũng đầy của y. Rất hờ hững, y hỏi: "Muốn uống hử?" Thị nhè nhẹ gật đầu. Y chưng hửng. ừ, mà có sao đâu! Mặc xác thị! Này, thì uống đi! Thị uống thật, trông cái bộ điệu đà đến là tức cười! Thoạt tiên, thị cứ nhìn mãi ly rượu trên tay mình hệt như nó là ly thuốc độc, rồi thị nhăn mặt, khịt mũi, hít một hơi thật dài để nín thở trước khi trút lọt thứ nước đùng đục vào cổ họng. Cũng may, thị không bị sặc, chỉ hơi tức ngực thì phải! Y nhếch mép cười, hỏi trống không: "Sao không muốn về nhà?". Thị trả lời lí nhí "Nó đánh!". Y lại hỏi: "Ai?". Thị trả lời: "Chồng tôi. Chiều nào nó cũng say. Hễ say là nó đánh". Nói đến đó, thị lại nhăn mặt cố nốc thêm một ly nữa. Y không cản mà bật cười, nụ cười thốt nhiên mà méo xệch đi. Hèn gì - y nghĩ - chó bị đánh mãi còn chạy, huống gì người. Buồn tình, y lại quất thêm ly nữa rồi trầm ngâm nhìn trời mưa. Tiếng mưa mới buồn làm sao, cứ rào rào, rào rào. Bất giác, y thấy lạnh, cái lạnh tê tái ở đâu đó trong lồng ngực.

Khi y quay lại thì người đàn bà đã ngã dúi dụi ra đất. Say rồi! Ðã nói mà, có uống được rượu đâu! Mặc, cứ để thị nằm đấy, hết mưa, y sẽ gọi dậy mà về. Y bưng chén cơm lên, gằm mặt ăn. Lạ thật, sao cơm cứ nhạt như giấy vụn. Nhưng... lỡ thị bị trúng gió thì sao? Hà, thật là phiền. Y bò lại chỗ người đàn bà đang ngủ, lay vai thị: "Dậy, dậy đi!". Thị vẫn nằm như chết, gương mặt đỏ bừng, khóe môi trĩu xuống thành một nụ cười nặng nhọc. Ðành vậy, y lòn tay qua lưng người đàn bà, xốc thị lên chiếc chõng tre. Ngẫu nhiên mà tay y run bắn khi tiếp xúc với tấm lưng chắc nịch, ấm cúng của người đàn bà. Rồi cánh tay thị chợt quàng qua cổ y, ghì sát xuống... Y gượng lại! Trong khoảnh khắc, nơi cái đầu hưng hửng vì rượu của y vụt thoáng qua một tia chớp, một ý nghĩ nào đó mà y không nắm bắt được. Nó đã thoát ra ngoài bầu trời vần vũ. Hoặc giả, nó đã lặn mất trong vùng ngực no tròn, trắng nhẫy, đột ngột hiện ra ngay trước mắt y bởi những chiếc cúc trên áo người đàn bà chợt bật tung lúc nào chẳng rõ. Theo đà ghì sát của cánh tay, y áp khuôn mặt nóng bừng bừng của mình vào cái vùng da thịt mềm mại, mát lạnh như sương sớm ấy trong lúc ngọn gió lồng qua lều vô tình thổi tắt ngọn đèn dầu leo lét. Bóng tối và tiếng mưa ầm ào xóa được hết những mặc cảm, dè dặt, sự khinh bỉ, nỗi khiếp sợ trước một hành vi mà nền văn minh đạo đức của người đời tàn nhẫn lên án...

... Rồi mưa tạnh. Rồi ngọn lửa trong người y và người đàn bà lụn dần sau giây phút tỏa sáng rực rỡ. Y nằm yên lặng, trong lúc người đàn bà trở dậy, chậm rãi mặc lại xống áo. Y chợt nghĩ về mình, về một điều gì đó gần như là một nguyên tắc sống kể từ lúc y dựng lên căn lều này và trở thành một gã chăn vịt chạy đồng mạt hạng. Rồi y bật dậy, mò tay vào vách lôi một gói tiền, số tiền dành dụm, lẳng lặng đếm, cố làm ra vẻ thật bình thản khi chìa những tờ giấy bạc về phía người đàn bà, thị nhìn tiền, rồi nhìn y lâu lắm. Có cái gì đó như là sự ngỡ ngàng, xa xót lướt qua đôi mắt mở to, ươn ướt của thị làm y chực mủi lòng. Nhưng mà không được! Phải sòng phẳng và ... hết! Y trừng mắt như ra lệnh khiến thị hoảng hốt thò tay cầm lấy tiền rồi lò dò ra ngoài lều. Y ngồi phịch xuống chõng, thở hắt ra, lắng nghe tiếng dầm khuấy nước trong cái tĩnh lặng của đất trời sau cơn mưa. Lòng y chợt quặn thắt một nỗi buồn...

Trăng lên. Trời trong vắt và sâu thẳm. Y cảu nhảu quẳng cái mền rách qua một bên, lồm cồm ngồi dậy, vấn thuốc hút. Quái lạ, sao mà không ngủ được! Sao mà quanh y nồng gắt cái mùi đàn bà! Sao cái gì đó cồm cộm vẫn đang cựa quậy trong y: những dư ba của khoái cảm xác thịt đã lâu mới được thụ hưởng, cái đau tê của dấu móng tay người đàn bà trên ngực y hay là những hồi ức về nỗi đau đã trôi qua trong đời y nhiều năm về trước...?

Y lắc cái đầu bù xù, cố tự nhắc mình đừng nghĩ ngợi nữa. Mà khổ nỗi... người đàn bà đêm nay vô tình đốt lại cái bếp lửa đã tàn than trong lòng y, nhắc cho nhớ rằng, có một thời nào đó, xa lắc xa lơ, y từng có một gia đình, một người vợ, một đứa con và những tháng năm tạm gọi là hạnh phúc. Rồi một ngày đẹp trời nào đó, vợ y bỗng biến khỏi cuộc đời của gã thầy giáo nghèo trường làng và hiện ra trong căn biệt thự lộng lẫy của thằng ma cô giàu lên nhờ buôn lậu. Con y cũng biến mất, đứa con gái đẹp như thiên thần của y! Nó chết vì sốt xuất huyết trong lúc mẹ nó bỏ nhà ra đi, còn cha nó thì lồng lên trong cơn ghen tuông, thù hận... Y thù con đàn bà phản bội đến mức bỏ nghề dạy học, trở về làm thằng chăn vịt, sống trong căn lều xa làng, tự nghĩ sẽ chẳng bao giờ tin vào mụ đàn bà nào nữa để rồi bị phản bội. Y sống đơn độc, ghẻ lạnh như một thằng điên hiền lành và tâm đắc lắm với cái đời sống lạ lùng này. Giờ thì y bình thản hoàn toàn trước cái được và cái mất của cuộc đời. Nỗi đau, nó đã lặn vào tim, nó nhắc cho y nhớ rằng cần phải tránh xa mọi cạm bẫy.

Nhưng mà... đến là khổ! Sao y vẫn cứ thừ người ra, vẫn cố tình trông ngóng? Sao y cứ thấy cay cay ở mắt khi nhận ra cái mùi nồng gắt lạ lẫm lẩn vẩn đâu đó trên chăn chiếu? Sao cái dấu móng tay sâu hoắm trên ngực y vẫn lặng lẽ đau? ... Ba ngày rồi, thị không đến! ừ, mà sao y lại phải buồn? Mọi việc đều đã sòng phẳng và ổn thỏa. Cứ quẳng tiền vào mặt nó. Thế là xong hết, không phải liên hệ, không cần lo lắng, không ghen tuông, thù hận. Y ngẫm nghĩ và bật cười một mình. Xem ra, cái cách trả thù đàn bà của y cũng hay hay dù, xưa nay, y chưa từng một lần đi chơi điếm. Nhưng... thị nào phải là một con điếm! Y nhớ cái ánh mắt ngỡ ngàng của thị khi y chìa tiền ra, ngổ ngáo như một thằng ma cô thực thụ. Y chưa từng nghĩ rằng mình lại có thể tệ đến vậy. Hà, mà sao y lại phải nghĩ ngợi nhiều như vậy? Mặc xác thị, muốn nghĩ sao thì nghĩ! Thị có liên quan gì đến y kia chứ?

Khi y vừa cố tâm thoát khỏi được cái cảm giác ngóng trông khoắc khoải thì người đàn bà lại đến. Từ sáng sớm, y đã thấy thị lom khom trên mặt ruộng nhưng cố tình quay mặt đi, thản nhiên lùa vịt ra đồng. Y về sớm hơn mọi ngày, chẳng biết vì sao y làm như vậy trong khi đầu y lại nghĩ rằng: Sẽ tốt hơn nếu câu chuyện hôm trước chỉ là một giấc mơ hão huyền. Nhưng không, y nghe có tiếng khuấy nước trên dòng kênh. Qua khe hở trống toác trên vách lều, y thấy người đàn bà từ dưới nước lên, nửa thân người trên cứ để trần, ướt nhẫy, chậm chạp đi về phía lều hệt như đây mới chính là nhà của thị. Giữa cái nhập nhoạng của ngày và đêm giao nhau trong căn lều ẩm thấp, y đứng lặng lẽ chờ đợi, thản nhiên đón nhận cái thân thể nóng bừng bừng của người đàn bà, lôi thị xuống cái chõng tre xiêu vẹo, thản nhiên giải tỏa những ẩn ức, những chờ mong khắc khoải, rồi hết sức thản nhiên chìa tiền ra cùng với một câu cụt ngủn: "Tối rồi, về đi!". Người đàn bà nhận lấy tiền, mặc vội xống áo, dò dẫm đi ra cửa, không một lần ngoái lại... Những sự việc "thản nhiên" như vậy cứ tiếp nối nhau đều đặn mà không buồn chán. Cả hai như những kẻ đói khát dài ngày, giờ được ăn thì ăn mãi, vừa no xong đã thèm, đã bị day dứt bởi cái tâm thế dự phòng.

Bởi thế, khi phát hiện ra cả đống tiền dành dụm nhỏ nhoi của mình bị hết sạch cho "những buổi chiều thú vị", y đâm ra hoảng loạn và đau khổ như một kẻ chợt nhận ra mình đã nghiện ma túy. Y chết lặng người đi trong cái đêm phải chìa những tờ giấy bạc cuối cùng ra. Vẫn cố bình thản, y nói: "Ðừng tới nữa! Hết tiền rồi". Thị nhìn y. Chẳng biết đây là lần thứ mấy, nụ cười ma quái trên môi người đàn bà làm y chợt rùng mình. Và thị vẫn lấy tiền, vẫn thản nhiên đi ra cửa không một lần ngoái lại. Chiều hôm sau, y cố tình về trễ. Y sợ phải về lều. Phải sòng phẳng - y nghĩ - rồi y sẽ có tiền. Lúc ấy y sẽ lại chi trả cho những giờ phút thanh thản. Còn bây giờ thì không, nhất định là không...

Nhưng người đàn bà vẫn cứ đến. Lờ mờ nhận ra thị vẫn ngồi trên cái chõng tre, y khựng người, thẫn thờ nhìn, mãi sau mới rít lên khe khẽ: "Ði về, đi!" Thị vẫn ngồi yên, đầu cúi xuống. Y lại hét, lần này to hơn, dữ tợn hơn, giọng lạc đi, cứ khản đặc, ồm ồm như là giọng người khác. Vẫn yên lặng! Mẹ kiếp! Có tức không. Y xộc vào lều, xô bệt người đàn bà ra khỏi cái chõng. Cả thân thể mềm nhũn của thị chợt khuỵu dưới chân y và lúc đó, y sững người khi thấy những giọt nước mắt đang chảy lặng lẽ trên gương mặt người đàn bà. Chao ôi, nước mắt! Bao nhiêu lần, y đã chết ngộp, đã vật vã đau đớn trong những vùng nước mắt ngập ngụa của người vợ phản bội! Vậy mà sao, y vẫn cứ thấy tê lòng, chợt dịu đi: "Cô muốn gì?". Thị vẫn làm thinh mà khóc, lâu lắm mới ngẩng mặt lên, đôi mắt mở to, đằm thắm, xoáy vào y một cách dạn dĩ điều mà y chưa bao giờ ngờ được - và rồi, thị nói, giọng lí nhí, run run: "Tôi... muốn làm vợ anh!". Y chết sững người mất một lúc. Cái vết thương trong ngực lặng lẽ nhói đau khiến y rùng người. Không, không thể có chuyện đó. Y đã thề rồi mà! Y đã chán ngán thật rồi mà! Y như con chim bị tên suýt chết, nó không thể lao đầu vào một cái bẫy khác. Y cố sức lắc đầu, giọng khản đặc: "Không... không được". Người đàn bà bật khóc thành tiếng rồi bỏ chạy ra ngoài trời. Có tiếng khuấy nước vội vã trên dòng kênh, tiếng thở dài rất khẽ lẫn trong tiếng gió lộng tứ bề...

... Nhiều ngày trôi qua... hai tháng trôi qua... thị không đến nữa. Khoảng thời gian đó vừa đủ cho người ta kịp quên đi một giấc mơ kỳ lạ nhưng sao y vẫn thấy trống vắng đến tê lòng. Thảng đôi khi, y vẫn gặp người đàn bà lom khom trên mảnh ruộng nhà mình nhưng thị không lấn bấn mãi trên bờ ranh lúc trời sụp tối như trước kia nữa. Bây giờ, y sợ những lúc phải lùa vịt trở về lều. Chạng vạng tối, cánh đồng hoang vu chỉ còn trơ lại vài cái lều của những người chăn vịt giống như y. Họ ở xa lắm! Cái cảm giác cô độc, ghẻ lạnh đè nặng tâm hồn y. Bỗng nhiên mà y có thói quen uống rượu nhiều, mỗi chiều. Không có rượu y không sao ngủ được. Ðôi khi, nửa đêm, y giật mình thảng thốt khi nghe tiếng khuấy nước xa vắng, mơ hồ từ một nơi nào đó trên dòng kênh. Tiếng nước động làm y buồn. Lại ngồi dậy, lặng lẽ cuốn thuốc hút, lại mường tượng ra đủ mọi ngóc ngách của cái miền hoang tưởng mà y đã từng đặt chân vào. Khói thuốc làm y cay mắt. Miệng y nhạt thếch, khô khốc. Ngực y cứ nhói đau trong những cơn xao động âm thầm, khắc khoải. Ðầu y cứ sôn sốt như có lửa. Y cố nấu một bát cháo trắng nhưng cũng không ăn được. Cháo cứ nghẹn cứng trong cổ họng đắng nghét. Rồi y lại uống rượu. Hình như, có rượu, y cảm thấy tỉnh táo hơn, cương quyết hơn. Hóa ra, đôi khi, say cũng có lợi.

Làng đã vào mùa gặt. Tết cũng đã đến bên chân rồi. Lúa năm nay trúng. Người ta hể hả và vội vã mang lúa về nhà để còn kịp sắm Tết. Mấy anh em trong cái hội chăn vịt chạy đồng của y cũng đã bán được lũ vịt vừa đến lứa. Họ làm một buổi tiệc nhỏ, chỉ có cháo vịt và rượu, thật nhiều rượu. Y cũng có mặt trong đám người hả hê đó. Rượu say, câu chuyện cứ râm ran quanh việc tết nhất. Họ sẽ mang tiền về nhà, cho vợ mua cặp dưa, mấy ký thịt; cho con gái, con trai những chiếc áo mới. Ai cũng có một cái nhà để mà về như con chim có tổ, con thú có hang, một chỗ để dừng chân, ngơi nghỉ. Y uống rượu, miệng đắng ngắt, cứ làm thinh mà uống, cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn mà nghe người ta bàn chuyện nhà chuyện cửa. Rồi buồn bã, y bỏ đám nhậu, lén về. Y không về lều mà đi lang thang ngoài cánh đồng, con mắt đau đáu nhìn về phía làng, nơi những mái nhà nhỏ nhô lên khỏi tán cây rậm rạp, quần quận khói cơm chiều. Y ngồi dưới gốc cây trâm bầu, chỗ người đàn bà vẫn thường ngồi, ngẩn ngơ cười, nụ cười méo xệch.

Trở về lều, y thấy một gói nhỏ của ai đó, đặt trên chiếc chõng tre. Y mở nó ra, lặng lẽ nhìn xấp tiền giấy, tờ mới có, tờ cũ có, được xếp theo thứ tự đúng với từng khoản tiền mà y đã đưa cho người đàn bà mỗi đêm. Chiếc khăn gói số tiền đã cũ, những đường chỉ thêu ố mầu, tua ra, đứt khúc, nhàu nát. Y vo chặt cái khăn trong tay mình, thẫn người ngồi phệt ra đất, lâu lắm mới bừng tỉnh, trở dậy, xăm xăm đi về phía làng. Ðã khuya nhưng nhà nhà vẫn còn sáng đèn. Cái làng nhỏ xao động, thao thức chờ tết trong niềm vui lúa trúng. Gặp một thằng bé có lẽ vừa xem chực ti vi về, y chận lại, nói cái tên người đàn bà và hỏi nhà. Nó chỉ tay về phía bờ sông, chỗ rặng bần tối thẫm. Y đi theo hướng đó, rồi dừng lại trước một căn nhà không phải là nhà. Nó rách nát, bừa bãi, rặm rạp những cỏ là cỏ. Từ bên trong vẳng ra những tiếng thét nhừa nhựa, tiếng khóc ri rỉ, tiếng ngả đổ của bàn ghế, cốc chén, tiếng đấm đá thình thịch... Trong cái cảnh bừa bộn, trống hoác của căn nhà, một gã đàn ông gày còm đang cố sức tìm cách lôi người đàn bà dưới gầm giường ra. Tức tối vì không lôi thị ra được, gã lồng lên như một thằng điên. Gã chửi rủa. Rồi tiếng chửi rủa cũng ngơi dần. Gã đã ngủ say lắm rồi, trông cứ như chó đói, thân xác còng queo, trong mơ vẫn lảm nhảm chửi thề. Người đàn bà bò ra khỏi gậm giường, nước mắt nhòe nhoẹt, ống tay rách bươm, thòi ra khoảng da trắng lỗ chỗ những vết bầm tím. Cũng chẳng còn biết đi dâu, thị bò lại góc nhà, ngồi bó gối mà khóc, tiếng khóc không trào ra được, cứ ùng ục trong cổ họng. Khóc chán, thị thiếp đi, đầu dựa vào cột, khóe miệng trễ xuống nửa mếu nửa cười.

Y đứng dưới tán cây xoài rậm rạp, lâu lắm, mãi cho đến khi ngọn đèn trong nhà tắt dụi vì hết dầu mới chịu quay về. Y đi thất thểu trên con đường làng ngập trong ánh trăng hạ tuần vàng vọt. Ðầu y rối rắm, lan man những ý nghĩ. Y nghĩ đến những giọt nước mắt của người đàn bà trong cái đêm y xô thị ra ngoài lều, nghĩ đến vòng tay đã xiết lấy y trong cơn thèm khát hạnh phúc, nghĩ đến cái ánh mắt van lơn, tha thiết mà dạn dĩ, đến cơn mưa chiều này nọ... Suốt đêm, y ngồi ngoài trời. Gió thổi lồng lộng! ừ, giá mà trời mưa, mưa thật lớn như cái buổi chiều người đàn bà bước vào cuộc đời y, bước vào cái lều tăm tối của! Lều ư? Sao nó không thể là một cái nhà?

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.