06-07-2023
Lượt xem 1548
Đánh giá 1 lượt đánh giá
Nhà văn Lê Tấn Hiển
Cánh đồng chó ngáp - nghĩa là cánh đồng dài, rộng quá, đi hết, đến chó cũng phải ngáp. Có thể những đoàn quân đầu tiên qua đây đã đặt tên như thế. Dẫu có hơi quá quắt, nhưng quả thật, lính mình không ngoa. Giữa chiến trận, cái quá quắt của ngôn từ lại có gì như dễ thương, thậm chí, cần thiết nữa. Ðơn vị chúng tôi đang hành quân qua cánh đồng mang cái tên khôi hài dữ tợn này.
Ðêm ấy không trăng. Nhưng trời đầy sao. Chúng tôi đã thấm mệt mồ hôi ướt đầm lưng áo, thấm cả sang ba lô, rồi lại khô. Cứ thế đến mấy lần, mà vẫn chưa đi hết cánh đồng. Tiểu đội hậu cần vốn đã lủng củng xoong nồi, lại dắt thêm con cầy tơ - đổi được của đồng bào dân tộc, nghe đâu bằng một cái chăn chiên. Biết lính trung đội mê món "mộc tồn", mấy cậu anh nuôi cố giữ, định đến vị trí tập kết làm bữa khao quân trước khi vào trận mới. Nhưng chưa hết nửa cánh đồng, con chó đã nằm rịt, không chịu đi, tròng dây kéo cũng không nổi. Ðành để cu cậu nằm lại. Tội nghiệp. Nó chưa ngáp nhưng chắc gì sống nổi giữa đồng đất bao la này. Mấy thằng tích giữ được củ riềng trong túi cóc, chép miệng tiếc. Có ai đó lên tiếng: "Dào, nó chưa chết là may. Ngay tao cũng sắp... ngáp đến nơi rồi. Khát khô cổ...".
Người vừa nói là Vinh. Vinh "ba toác". Nó là thằng đa ngôn bạo mồm nhất đại đội. Thằng ruột ngựa nhiều khi đến sống sượng. Nhưng chẳng một ai giận được nó bao giờ, mặc dù nhiều khi phát chối, phát ngượng vì nó.
Không giận nổi, vì nó luôn luôn đúng. Hồi còn ở pháo, thời huấn luyện, có đoàn kiểm tra của "sư" xuống thăm. Vinh đang "đóng vai" trực chiến. Thấy không mang mũ sắt trên mâm pháo, một ông trợ lý hỏi: "Sao không đội?", nó tỉnh bơ: "Dạ trực vờ, đội làm gì, đánh nhau thật, khỏi nhắc. Mới lại, cơm đã ít, nặng đầu chỉ chóng đói...". Mấy đứa cùng khẩu đội tức lắm, mà không nhịn được phải quay đi, cười. Vậy mà nó được việc. Ngay hôm sau đoàn về, thấy cơm nhiều hơn. Không ai nói ra nhưng biết đấy do công thằng "ba toác".
Một lần khác, hồi còn ở trên đất Bắc. Ðơn vị chuẩn bị ăn tết. Có mấy chàng lính, nhớ nhà không chịu nổi, trốn ra đường cái, vẫy xe "vù". ú ớ thế nào vớ ngay được xe trung đoàn bộ. Thế là cả tốp bị mời về. Hôm sau, hội bỏ ngũ phải lên đọc kiểm điểm trước đại hội. Ông chính ủy dự nghe, bảo: "Khuyết điểm rõ rồi. Còn tự nhận kỷ luật, chưa thấy ai nói...".
Bỗng từ dưới hàng quân một người bước lên, giậm gót, đứng nghiêm chào. Thì ra Vinh. Nó dõng dạc: "Tôi xin bảo lãnh và cam đoan với danh dự chiến sĩ, đây sẽ là lầm lỗi cuối cùng của chúng tôi trước lúc ra trận!". Chính ủy nhíu mày, nhưng xúc động nhiều hơn là ngạc nhiên: "Ðồng chí nhân danh gì?" - "Dạ đồng hương" - Vinh đáp gọn lỏn. Kết quả thật không ngờ. Mấy tay trốn hụt được về hàng. Kỷ luật cũng xí xóa. Ông chính ủy, thay vì sự "lên lớp", nán lại hàng giờ với đại đội, kể chuyện kỷ niệm thời tân binh...
Từ đó, Vinh "ba toác" trở thành niềm tin cậy và chỗ dựa của lính tráng đại đội. Bất kể đầu bò đầu bướu đến đâu, hễ Vinh đã nói một tiếng, là răm rắp.
Trước ngày vào B, Vinh được đề bạt A trưởng. Rời đất Bắc, nó được phong trung đội phó. Hành quân được hai trạm, tay trung đội trưởng "khung" lăn ra sốt rét, phải nằm lại. Thế là "ba toác" được chỉ định nắm quyền. Lên cán bộ, nhưng mồm miệng nó vẫn thế, có khi còn bỗ bã hơn. Ðược cái, nó làm ra trò, từ chỉ huy, quản lý, phân công, cách đánh, cách lui... một mình nó một kiểu. Nhưng trận nào cũng thắng. Lính các trung đội khác, trông sang mà thèm.
Chỉ còn chừng cây số nữa là hết cánh đồng. Quân lính anh nào cũng khát. Nước trữ trong bi đông vắt giọt đến mấy bận, khô cong. Dẫu Tào Tháo ở đây cũng khó mà động viên nổi binh sĩ. Vinh cho trung đội dừng lại, bảo: "Xóm làng kia rồi. Nhưng liên lạc tiền trạm chưa báo. Ðịch ta khó biết. Cứ đi. Chỉ được qua. Cấm dừng. Khát ráng chịu, còn hơn tất cả phải ăn đòn!".
Ðến khi qua cái làng ấy, nghe tin đơn vị khác, mấy thằng suýt chết vì uống phải giếng có thuốc độc. Cả trung đội lè lưỡi. Thoát nạn. Chúng nó xúm nhau vào tung Vinh lên, reo hò, khâm phục.
Nhưng vẫn không có nước. Lại suốt một ngày nhai lương khô thay cơm, bụng dạ ráo như bánh đa. Ðến mồ hôi cũng không còn mà ra nổi. Ai cũng biết, nhịn ăn một ngày, còn dễ. Chứ nhịn uống, khó lắm... Vinh vừa đi ngược hàng quân vừa nói: "Thằng nào có tiếu lâm, kể đi. Giời bể, đông tây, yêu đương, ma quái gì cũng được. Hay thằng nào có giọng, thì hát, nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc xanh cho phép tất. Cố lên vài chặng nữa. Cây cỏ sống được thì mình sống được. Lính chưa gặp đạn bom, muốn chết cũng khó...".
Tang tảng sáng. May thay, có liên lạc của C báo: "Vùng an toàn. Cho quân nghỉ nấu cơm. Nhắc các đơn vị tuyệt đối chấp hành chính sách dân vận!". Vinh nghe xong, cười ha hả. Ðợi cậu liên lạc đi khuất, bảo: "Lại có "chất tươi" rồi. Nghe đây, thằng nào thằng nấy cất kỹ "chim" đi! Ðứa nào để sổng, để bay, cứ đúng luật thời chiến mà xử: Chặt!".
Các A trưởng: Anh em xin được đi kiếm nước uống. Vinh lệnh: "Giữ nguyên hàng quân. Tạt vào ven đường mắc võng. Sẽ có người mang nước đến tận mồm". Mệnh lệnh cứ ào ào, bỗ bã như thế, mà nghiêm. Xuống tới tiểu đội, quân chấp hành tắp lự. Cấm thấy tiếng kêu ca phàn nàn gì. Lính trung đội quen rồi. Vinh đã nói là làm. Vả lại, càng vào sâu vùng lửa đạn, họ càng biết rằng, nắm giữ sinh mạng chiến sĩ, không ai khác, chính là người chỉ huy trực tiếp này.
Vinh đi kiểm tra một lượt hàng quân. Rồi lấy thêm hai người - Chi và Tối - hai vị đồng hương trốn hụt hồi tết năm ngoái cùng đi. Tối, thực ra tên là Tôi. Ðiểm danh trung đội đến lần thứ hai, Vinh bảo: "Tên gì nghe khó chịu bỏ mẹ, vào đánh nhau rồi lẫn lộn, chết oan có ngày. Ðổi! Từ nay gọi là Tối. Xấu một tý nhưng đố thằng nào dám nhầm...".
Vinh - Chi và Tối, thành cái bộ ba "tam cúc", cũng chẳng ra "tướng sĩ tượng" hay "xe pháo mã" gì, chỉ biết cứ hành quân hay đánh trận thì thôi, nhưng hễ có chặng nghỉ, lại kè kè, không thể thiếu. Thấy Chi vẻ giữ ý, Vinh to tiếng tuyên bố trước trung đội: "Chúng tao đồng hương thân nhau hơn là đương nhiên. Ðừng thằng nào thắc mắc ghen tị gì. Luật chiến trường không ai cấm móc ngoặc. Mẹ, toàn súng, đạn với cát-tút, thằng nào cũng có cả. Móc cái gì?". Vinh bằng tuổi Tối. Còn Chi kém hai. Thấy hai đứa cứ "anh anh, em em", Vinh phát khùng: "Tao hỏi thật, chúng mày gọi tao là anh vì sao?". Cả hai đứa ngớ ra, chưa hiểu, Vinh tiếp: "Vì tao là chỉ huy hay vì hơn tuổi?", rồi thẳng một lèo: "Thôi, cứ mày tao mẹ nó đi cho dễ, anh em rồi có lúc phải nể, phải nhường. Nể, nhường ngoài mặt trận khó xử lắm... Tối, vốn dân đại học văn hóa lý lẽ: "Thôi, đã là anh em, căn vặn làm gì. Cũng chẳng nệ tuổi tác hay chức vị. Chúng mình kết nghĩa. Xong chưa". Từ đó, Vinh mới chịu nghe, nhưng còn dặn thêm: "Thằng nào không thực lòng, vào trận, cho dính đạn chết quách. Giả dối, chả cứ anh em, sống cũng bằng thừa".
Ba người vào làng. Vinh bảo: "Tao đi lo nước cho anh em. Thằng Chi kiếm nhà nào không có con gái, mình mắc võng, làm một giấc. Còn thằng Tối, xem đâu có hoa quả gì, "dân vận" một ít về đây".
Ðộ một tiếng sau, thấy từ trong làng, bốn năm cô gái, chừng như cũng vừa thay bộ cánh mới, lũ lượt gồng gánh tiến ra. Họ mang nước tới tận hàng quân. Chè tươi hẳn hoi. Lính tráng được dịp thỏa thuê, đem hết bình tông, cả thùng lương khô ra chứa. Lại lâu lắm mới có dịp gặp dân, nhất là con gái, anh nào anh ấy ra sức khua môi múa mép. Pha trò, châm chọc. Lính mà, ở đâu chẳng thế. Ai giận được.
Chi đi khắp làng, rồi quay về thẽ thọt: "Khó quá, nhà nào cũng có, ít là một cô gái, anh Vinh ạ...". Vinh thở dài: "Thôi cũng đành! Chọn lấy một nhà, mắc võng ngoài vườn... mà mình có ngủ với chúng nó đâu mà sợ".
Còn Tối, sở dĩ Vinh phân đi kiếm hoa quả, cũng có lý do của nó. Thằng này cứ như thể sinh ra để làm chỉ huy, biết người biết của, ranh mãnh ra phết. Chả là có một bận, ba đứa vừa mắc võng giữa rừng, đang đung đưa kể chuyện quê, chợt Tối nhìn lên tán lá phát hiện một cành quéo, có quả hẳn hoi. Tối la lên. Ba đứa chụm đầu nhìn, nuốt nước miếng. ở rừng, vớ được thứ hoa quả vườn, cứ như bắt được vàng, lại là của chua, quý lắm. Hóa ra, họ nằm ngủ cách một cây quéo rừng có dăm mét mà không biết. Nhưng khốn nỗi, cây cao chót vót, thân to lỳ chẳng thấy cành chạc gì, xung quanh lại toàn giống săng lẻ trơn tuồn tuột, khó mà trèo hái. Chỉ có bắn tỉa từng quả là chắc ăn nhất, đạn thì không thiếu, nhưng tiếng súng, sợ lộ bí mật hành quân. Ðành chịu chết. Tối chót mạnh mồm: "Tao vốn dân trèo me trèo sấu thành phố, cao thế chứ cao nữa cũng chưa là gì...". Vinh cười khẩy: "Nói phét! Tao thách! Thằng Tối mà hái được mươi quả xuống đây, tao xin... giặt quần cho mày!". Bị kích động, Tối nghĩ mưu, nối ba cái thắt lưng to vào nhau, buộc ngang lưng như kiểu dây an toàn của thợ điện. Loay hoay một hồi cũng leo được tới ngọn. Bữa ấy, chẳng phải mươi quả, mà cả trung đội ăn canh chua gần tuần mới hết quéo.
Trưa. Lính trung đội mệt, ăn uống xong là lên võng ngủ hết. Tối, Vinh và Chi chọn ba gốc cây sau vườn, mắc võng thành hình tam giác. Mà nào đã ngủ được. Chi ngây thơ: "Làng xóm gì chỉ thấy rặt con gái!". Vinh quát: "Ngu, thế mà cũng mở miệng nói. Có về làng mình, bây giờ cũng thế. Khác gì. Trai tráng ra mặt trận cả, gì mà không chỉ còn con gái... Thế con bé nhà này đâu mà chưa thấy mặt mũi ra sao cả?" - "Chắc nó thẹn..." - "Thẹn? Tao cam đoan, nếu đang trong nhà, thế nào nó cũng nấp khe cửa nhìn trộm chúng mình...". Rồi cả ba phá lên cười.
Nửa đêm hôm ấy. Liên lạc báo. Chúng tôi được lệnh thu võng hành quân. Ðời lính kiểu thoắt đến thoắt đi oái oăm thế là thường. Nhưng với Vinh lần này, thấy nó cứ ngơ ngẩn đến khó hiểu. Chi nháy tôi: "Lại có chuyện gì rồi!".
Quả nhiên, độ ba giờ sau, đi qua một cánh rừng khộp lưa thưa. Vinh lệnh cho trung đội dừng lại, đặt ba lô, tập hợp thành hàng ngũ hẳn hoi. Giữa đường hành quân chuyện như thế là hiếm. Nên mọi người đều đoán hẳn có việc gì hệ trọng sắp xảy ra.
Sáng trăng suông. Vinh đứng trước hàng quân dễ đến mấy phút, chẳng nói năng gì. Không khí lặng lẽ, hồi hộp. Cuối cùng nó nói, giọng run run là lạ: - Chúng ta từ đất Bắc vào đây, sướng khổ, sống chết có nhau. Lòng dạ như cái bánh, chẳng giấu giếm lừa dối nhau điều gì. Từ ngày trên bảo tôi làm chỉ huy, tôi đã biết số phận chúng mình gắn bó với nhau rồi. Biết anh em tin, tôi cũng cố xứng đáng với anh em, bấy nay chẳng nề hà phân biệt...
Ngừng một lát, Vinh tiếp:
- Nhưng hôm nay, tôi đã phạm tội đã lừa dối anh em, hưởng vui thú một mình... Tôi muốn dừng lại đây, để trung đội xử tội, đúng luật chiến trường như tôi vẫn nói...
Cả trung đội ngạc nhiên ngơ ngác chưa biết chuyện gì. Như hiểu ra, Vinh nói:
- Ðêm qua, cũng là lần đầu tiên trong đời, không làm sao giữ nổi, tôi... đã ngủ với một cô gái trong làng. Anh em không biết, trên không biết, cấp trên không biết, nhưng tôi biết. Tôi phải chịu kỷ luật trước anh em. Tất cả có thế. Anh em xử đi!...
Cả trung đội im phăng phắc, không biết xử lý ra sao. Anh em ngạc nhiên và bàng hoàng nhiều hơn vì cái tính cách "thẳng thừng" đến độc đáo chưa từng thấy ở người chỉ huy của họ. Cuối cùng, các tiểu đội xin phép được hội ý, thảo luận, rồi cuối cùng thống nhất uỷ quyền Chi và Tối truyền đạt ý kiến anh em tới Vinh. Ðại ý là: "Ðể bảo đảm hành quân chiến đấu, trung đội tiếp tục lên đường. Khuyến điểm B trưởng chưa có căn cứ và nhân chứng, chưa thể quyết định kỷ luật. Ðợi hết chiến dịch xét lục lại. Mệnh lệnh chiến đấu là trên hết, ai cũng phải chấp hành". Vừa mềm vừa rắn, lại có lý có tình, ấy thế mà cũng phải mỏi mồm mới thuyết phục nổi Vinh. Trước lúc hành quân tiếp, Vinh còn nói: "Chúng mày quá đáng lắm. Nghĩ cho kỹ mà xem. Ðừng tưởng vậy là tốt với tao. Người đời bảo: "Nhất tội nhì nợ", đáng tao chỉ mắc một, giờ lại phải đeo hai... Tội còn cho, nợ - lỡ tao chết, ai trả?..." Rồi cứ thế lùi lũi đi. Suốt đêm hành quân ấy, không thấy nó nói gì.
... Chiến dịch nối tiếp chiến dịch. Trung đội đã cùng C phối hợp đánh chiếm và giải phóng nhiều chốt điểm và địa danh quan trọng. Trên gọi trung đội này là "trung đội Nguyễn Quang Vinh", nên thành đơn vị điển hình với nhiều cách đánh táo bạo và dũng cảm. Các tiểu đội cũng đều đã có đứa hy sinh. Bận rộn, tất bật, chuyện của Vinh với cô gái nào đó, cũng không ai nhắc nữa.
Cho đến một đêm, giải phóng xong thị trấn Ð., trung đội nghỉ trong một rừng cao su bên sườn đồi. Ba người lại mắc võng bên nhau, thức rất khua. Vinh hỏi: "Mai mốt toàn thắng, nếu được về, việc đầu tiên chúng mày làm là gì?". Tối nói sẽ trở lại trường đại học. Chi bảo sẽ "Cưới vợ trước đã, rồi làm gì thì làm. Nó chờ lâu quá rồi". Còn Vinh, sau khi im lặng hồi lâu nó nói:
- Việc đầu tiên là tao sẽ đào một cái giếng, thật sâu, cho mẹ tao tắm. à, ừ, phải xây một cái nhà tắm đàng hoàng nữa. Tội nghiệp bà cụ, tao đi rồi phải gánh nước mà dùng. Chúng mày còn nhớ không, cái ngày hành quân qua đồng "Chó ngáp" ấy. Càng khát, tao càng thương mẹ ở nhà, đến rớt nước mắt. Quê mình nghèo quá, mang tiếng gần thành phố, mà đến hạt nước lã cũng chẳng mấy nhà sắm nổi làm của riêng...
Ngừng một lúc như nuốt cơn nghẹn ngào, Vinh trầm ngâm: "Rồi cũng từ cái giếng, mới sinh ra chuyện của tao với đứa con gái làng chiến khu ấy...".
Rồi nó kể:
- "Tối hôm ấy, sau khi cho trung đội giải tán về ngủ lấy sức hành quân, tao cũng về võng, ở cái vườn nhà cô bé mà thằng Chi chọn ấy, đặt lưng, ngủ liền. Ðược một giấc khá dài, tự nhiên tao thức dậy. Không gian im ắng. Trời trăng suông, mà sáng lắm. Trong gian nhà vẫn thấy có ánh đèn. Tao thấy nóng nực nhớp nháp, bỗng muốn đi tắm. Mà của đáng tội, nào đã biết cái giếng ở đâu. Thế là trở dậy, đánh bạo và vô tư nữa, vào gõ cửa. Có tiếng con gái đáp ngay, chứng tỏ cô ta vẫn đang thức. Ngọn đèn khêu to, rồi cửa mở. Trời, chúng mày có biết không, khó mà tưởng tượng nổi, một cô bé trẻ, chừng hai mươi, đẹp, tóc buông sau vai trong bộ đồ ngủ, nói không quá, cứ như tiên giáng trần. Giọng nói nữa, sao mà nhẹ nhàng duyên dáng đến thế. Tao sững lại một lúc. Ðâm lúng túng, mãi mới nói nổi câu hỏi. Cô bé gọi tao là "thủ trưởng". Chứng tỏ đã theo dõi sinh hoạt của trung đội từ lúc sáng. Dẫn tao ra cái giếng sau nhà, nhìn phía sau, dưới ánh trăng thân hình cô bé cân đối, chắc lẳn, và nói thật, hấp dẫn nữa. Ra tới giếng, cô ta còn hướng dẫn "thay đồ chỗ này, để quần áo chỗ kia, múc nước ở đó...", rồi bảo: "Cứ tắm tự nhiên, qua giếng nhà em, thủ trưởng không tắm cũng uổng..." và quay vào.
Khi múc nước tắm, tao mới hiểu ý cô bé vừa mới nói. Cái giếng tròn và to hiếm thấy, đầy ắp, múc không cần dây. Nước mát, ngọt và cảm giác trong sạch tinh khiết kỳ lạ. Ðang dội ào ào, lại thấy cô bé đi ra, tao vòng sang thành giếng bên kia, thụp thấp người xuống, quay lưng lại. Nghe tiếng cô bé: "Em mang xà bông để anh dùng. Mấy bữa nay kẹt ở khẩu, không mua được thứ tốt. Xài tạm nghen...". Tao chờ cô bé vào hẳn, mới quay ra tắm tiếp. Xong xuôi rồi, mát mẻ, thơm tho, tìm áo mặc chẳng thấy đâu nữa. Thì ra, lúc ra đưa xà phòng, cô bé đã cầm cái áo của tao vào nhà. Tình thế thật quá quắt, nhưng không biết đây là âm mưu hay vô tình, tao đang luống cuống thì có tiếng vọng ra, nhỏ nhẹ: "Tắm rồi há, áo của anh mang vô đây rồi. Vô nhà mà thay...". Chết cha đến nước này còn biết làm gì hơn. Thế là tao khép nép, khúm núm bước vào. Cánh cửa khép hờ, đèn khêu đủ sáng, tao thấy rõ cái áo của mình vắt trên sợi dây thép căng trong nhà, bên trên có tấm khăn tắm trắng tinh. Ðẩy cửa bước vào, trong nhà không có ai. à, ra thế, cô gái tế nhị nhường chỗ cho tao thay đồ. Có phần yên tâm hơn, tao máy nhỏ ngọn đèn, rồi bình tĩnh lấy khăn lau người.
Có tiếng chốt cửa rất khẽ, tao quay ra, chúng mày có tin nổi không, trong bóng tối mờ mờ. Cô bé, và cả tao nữa, như chết lặng, đứng im mấy giây, nhìn nhau, rồi đột nhiên, cô lao vào ôm lấy tao, ghì xiết...
Cuối cùng, trước lúc tao về võng cô bé mới bảo: "Hết chiến tranh, anh về đây nhé. Ba má em giặc bắn. Anh Hai cũng hy sinh rồi...". Tao xúc động quá, quay vào ôm chặt cô bé, nghẹn ngào: "Tan giặc, nhất định anh sẽ về. Anh sẽ lấy em!". Sực nhớ, còn giữ được tấm ảnh, tao giở túi lấy ra đưa cho cô, rồi quay về võng.
Cũng may, chỉ lát sau có lệnh hành quân, thú thực, không thì, một là tao sẽ lại vào, hai là sẽ nằm mà khóc suốt đêm ấy mất. Tao thương cô bé vô cùng. Ðơn vị đi, tao cũng chẳng kịp nói với cô lời nào. Nhưng chúng mày tin tao không, cái câu tao nói lúc ấy là nói thật đấy. Hết chiến tranh tao sẽ lấy cô ấy, rồi đưa về Bắc với mẹ tao".
Chi và Tối lặng đi, không ai nói thêm nữa. Câu chuyện kể như một lời tự thú, mà họ cảm thấy không gợn chút tội lỗi nào. Có tiếng pháo địch ì ầm từ xa, kéo ba dòng suy nghĩ chân thành và non trẻ trở về thực tại. "Ôi, chiến tranh, bao giờ hết chiến tranh. Bao giờ đất nước sạch bóng quân thù!".
Và họ cùng đi vào giấc ngủ với những mộng mơ khác nhau. Nhưng thảy đều trong trẻo, hiếm hoi và thật xa lắc, mênh mang với thực tại.
Sớm hôm sau, trước lúc lên đường, tự nhiên Tối và Chi nắm chặt tay Vinh. Mà sao lại bắt tay? Cùng trong hàng quân cả mà. Vinh bảo: "Kỳ này ác liệt đây. Còn lâu mới gặp lại". Tối như bịn rịn: "Gì thì gì, tan trận, tìm nhau nhé". Còn Chi, mắt nó long lanh: "Còn sống, thì chúng mình trước sau cũng gặp lại. Nhưng anh Vinh anh phải về với cô ấy nhé, cô gái có giếng nước trong ấy...".
Mệnh lệnh hành quân thần tốc. Ðơn vị được lệnh phối hợp cùng các binh chủng tiến về Sài Gòn. Trung đội phải xé lẻ ra, đi với tăng, với thiết giáp, với pháo... Bộ ba, mất liên lạc với nhau ngay từ sớm hôm ấy. Và họ không thể ngờ rằng, đêm qua, lại là đêm cuối cùng còn được mắc võng bên nhau...
Chiến tranh qua đi. Ðã hai trục năm đất nước im tiếng súng. Với một cuộc đời, thời gian ấy cũng dài. Nhưng với những người lính của trung đội, một phần năm thế kỷ yên bình sao mà nhanh, và ngắn ngủi. Dư âm của đạn bom cùng những kỷ niệm của chiến trường, trong mỗi chiến sĩ trung đội, vẫn còn rõ nét lắm. Tất cả như vừa mới hôm qua...
*
Cả trung đội ngoài những người đã vĩnh viễn nằm xuống ngoài trận địa, cứ rơi rớt, thưa thớt dần mỗi năm... Tất cả chỉ còn non nửa. Non nửa, theo cách gọi của chiến trường, nghĩa là trung đội vẫn còn.
Họ thỏa thuận với nhau một cái nếp: hàng năm, cứ đúng ngày kỷ niệm hội tòng quân, tất cả mọi người, bất kể xa gần bận rộn, họp về bên nếp nhà tranh ở gần một xã ngoại thành, nhà liệt sĩ Nguyễn Quang Vinh - gặp mặt. Họ góp nhau xây, đào cho bà cụ Vinh một cái giếng, có căn nhà tắm xinh xinh. Cứ mỗi lần về đây, họ lần lượt ra tắm. Cái giếng nước mát, trong lạ kỳ, nhìn thấu tới đáy. Một điều lạ, giữa lòng giếng, trồi lên một vật gì lấp lánh, như tỏa sáng. Những hạt bọt nước li ti cứ từ đó nổi lên liên tiếp, không ngừng.
Lần nào cũng vậy, khi xả nước đầy mặt mũi, nước giếng mát lạnh, mà cảm giác những giọt nước ấm nóng ứa ra từ khoé mắt mỗi người còn rõ lắm. Họ vừa tắm, vừa thầm khóc thương nhớ Vinh, không sao cầm lòng nổi...
Ðoạn kết
Chi đã lấy vợ, vẫn cô bạn chờ đợi từ ngày đăng lính. Họ đã có hai đứa con gái. Cậu ấy tốt nghiệp bác sĩ, lại vừa đi tu nghiệp ở Pháp về. Còn Tối, được giữ lại giảng dạy ở trường đại học. Ngành văn.
Cuối năm vừa rồi, họ quyết định rủ nhau trở lại miền Nam, thăm những vùng đất xưa họ đã đi qua một thời lửa đạn. Và đặc biệt, họ muốn tìm lại cái làng chiến khu có người con gái mà đã từ lâu, họ coi như người thân của trung đội.
Làng xóm đã thay đổi nhiều quá, phải mất non hai ngày đường, họ mới tìm được cái làng xưa. Ðây rồi, căn nhà có giếng nước to tròn, và vườn cây ngày ấy mắc võng. Ra đón họ là một phụ nữ tóc điểm hoa râm nhưng vẫn còn đọng nhiều nét xinh đẹp thuở thiếu nữ. Giữa gian nhà xây khang trang, dáng dấp một trụ sở làm việc nhiều hơn là nhà ở, tấm ảnh Nguyễn Quang Vinh được phóng to lồng trong khung kính trân trọng, tuyệt không thấy một dải băng đen. Nghĩa là, chị ấy chưa biết Vinh không còn nữa? Hay cũng có thể, chị không muốn nghĩ rằng anh đã chết? Dẫu sao họ không thể biết, và không ai bảo ai, hai người tự thấy mình phải tôn trọng những điều mà người phụ nữ này ước muốn. Chị chỉ lên tấm ảnh Vinh, chưa kịp hỏi, thiếu phụ đã lên tiếng vô tư và vui vẻ: "Chồng tôi đấy. ảnh đi xa chưa về".
Không biết như thế có phải là tàn nhẫn không, hai người đồng đội im lặng trong niềm xúc động trào dâng. Và họ quyết định không nói ra sự thực đau đớn về người chồng thân yêu của chị.
Họ ở chơi tới trưa, và được biết chị là phó bí thư và kiêm chủ tịch xã. Hai người được tiếp đãi nồng hậu hơn khi chủ nhà biết rằng họ cũng là những người lính vượt Trường Sơn năm ấy.
Cuối cùng, họ xin phép được ra giếng tắm. Cái giếng đã gắn bó một mối tình thủy chung, sắt son mà chỉ mình họ biết. Hai người lặng lẽ, trầm ngâm bên thành giếng. Và kia, lạ chưa, dưới đáy nước trong suốt, một điểm sáng lấp lánh trồi lên. Và từ đó, những hạt bọt nước li ti cứ nổi lên, liên tiếp, không ngừng.
Nước giếng long lanh. Và trên khóe mắt hai người đồng đội, hai cựu chiến binh, cũng long lanh ướt.
1-1995
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com