chan_dung-ke_si

ĐỐI MẶT - Truyện ngắn Nguyễn Hồng Thái

08-04-2023

Lượt xem 2496

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

ĐỐI MẶT - Truyện ngắn Nguyễn Hồng Thái

Nguyễn Hồng Thái

   Ðồn rằng hắn là một thằng cướp khá kỳ quặc. Có lần toán cướp ba thằng do hắn chỉ huy chặn cả một xe khách biển trắng. Hơn bốn mươi hành khách mặt cắt không còn một giọt máu khi nhìn hắn tay súng, tay thuốc nổ, mắt đảo nhanh như điện, miệng nhoẻn cười không thèm quát hay dọa nạt lời nào. Sau khi cầm khóa điện, vứt bao thuốc Vi-na cho lái xe, hắn nói giọng nửa nam nửa bắc.

   - Tụi tôi khuyên mọi người không nên chống cự mà thiệt mạng - Rồi hắn lách từ đầu xe đến hàng ghế cuối cùng hất hàm hỏi - Những ai là cán bộ đi công tác thì đứng dậy, tụi này có chế độ riêng.

   Bốn người đàn ông trung niên, ba cô gái, sáu người luống tuổi rụt rè đứng dậy. Hắn hỏi từng người làm gì, quê quán và đi công tác ở đâu. Hắn yêu cầu mười ba người trên tháo nộp cho hắn nhẫn vàng, lắc vàng, khuyên tai. Hắn bảo đây là những thứ dự trữ của từng người trong khi có nhiều người đang rất cần hằng ngày. Một chị phụ nữ làm bên thuế vụ sợ quá, tháo luôn cả đồng hồ Sen-kô Phai đưa thì hắn bảo: "Không, cô cứ giữ lấy đồng hồ. Cái ấy rất cần cho các vị. Tụi này không cạn tình đến như vậy". Riêng tiền mặt, hắn cho hai thằng đàn em tận thu được đến gần hai mươi triệu. Sau đó hắn "lại quả" cho mỗi người một trăm, nói rằng để các vị còn ăn đường và quà cáp cho ai đó. Riêng những người buôn thúng bán mẹt, hắn cho qua.

   - Xong rồi. Cho xe chuyển bánh! - Hắn giục lái xe đang sợ xanh cả mắt.

   Trước khi nhảy xuống xe, hắn còn ra đòn trấn áp. Câu này hắn dành cho hành khách:

   - Nếu công an Quỳ Hợp hỏi: Các vị cứ nói tôi là "Cung cùng đường". Nhớ đấy.

   Xe chuyển bánh đến chừng hai cây số. Ai đó thốt lên "Sống rồi!".

   Lần khác toán thằng Cung chặn hẳn một xe U-oát biển số Nhà nước. Lần này thằng Cung khoác hẳn một khẩu AK báng gấp. Hắn lại tận thu hết tiền của bốn người thuộc Viện Kiểm sát huyện đi về tỉnh để xin tiền xây trụ sở. Lúc bọn đàn em lật ghế ngồi lên, thằng Cung phát hiện có đến năm cân thuốc phiện. Lạ thay thằng Cung không vui tí nào, hắn quát:

   - Từng này thuốc phiện nếu theo pháp luật bắn cả năm vị một lúc mới hết có ba cân. Còn hai cân bắn vào đâu? Nào xuống xe xếp hàng ngay đi.

   Người lái xe run rẩy đứng ra nhận tội. Thằng Cung tát hai cái khiến tay lái xe té vào vách núi hộc cả máu miệng. Theo lệnh hắn, bọn đàn em nổi lửa.

   - Cái này, chắc các vị đồng ý với tôi là ta thiêu luôn. Còn mày - Hắn chỉ vào lái xe - Muốn sống thì gập người xuống lạy các anh bên Viện Kiểm sát đi. Nếu tao không bắt được về đến Nghĩa Ðàn thể nào công an huyện cũng cho tất cả mọt gông. Ðúng là oan gia.

   Hắn thả cho cả đoàn đi.

   Xe đi, vì tay lái run quá đâm vào núi hỏng máy phải chờ suốt cả một ngày giữa đường nhựa nóng bỏng mới có xe tải đi qua kéo hộ.

   Công an tỉnh đã nhiều lần cử đội đặc nhiệm, hình sự vây ráp, nhưng chưa phát hiện tăm hơi thằng Cung. Tỉnh cử trinh sát đóng giả nhử thằng Cung vào tròng nhưng hắn lặn không sủi tăm. Tỉnh về bản hỏi dân, già làng lại khen thằng Cung tử tế. Chết thật. Dân bản kể, nếu bản có đám cưới, thằng Cung gửi quà về mừng. Bao giờ hắn cũng đề ngoài phong bì là "Cung cùng đường". Hồi nọ vợ chồng trưởng bản có đứa con duy nhất bị lũ cuốn, toán thằng Cung gửi đến một dây chuyền vàng dễ đến năm chỉ để giúp. Ngay hôm đó, sợ quá trưởng bản đem nộp cho chủ tịch xã. Chủ tịch gói lại đem đến trụ sở cất vào tủ cẩn thận. Nhưng đêm đó toán thằng Cung đột nhập đòi lại ngay. Có người nghe toán thằng Cung nhắn lại: "Ai không cần thì thôi, Cung đây sẽ phân phối lại".

   Ðến hỏi một bản khác, trưởng bản nói cách đây một tháng toán cướp thằng Cung nửa đêm vào cướp một nhà giàu trên thị trấn. Chủ nhà là một đàn ông lực lưỡng giỏi võ nghệ, một mình đánh nhau với hàng chục thằng cướp. Tụi cướp đã bắn chết người đàn ông này, nhưng sau đó chúng bí mật mang trả toàn bộ của cải. ở thị trấn đã xảy ra hơn chục vụ cướp như vậy. Dân bảo là cũng toán của thằng Cung cả thôi. Hắn cướp toàn nhà giàu.

   Qua rất nhiều nguồn tin, công an tỉnh nhận định rằng, toán cướp của thằng Cung đã vượt ra ngoài những vụ cướp thông thường theo góc độ hình sự. Thanh niên nhiều bản đã gia nhập toán cướp này. Số thanh niên này thường ngày thì sống ở bản, lúc cần lực lượng để cướp vụ lớn thì thằng Cung mới cho người về huy động. Như vậy bọn thằng Cung đã là nửa cướp nửa phỉ. Thằng Cung có uy, biết mua lòng người rất giỏi. Hắn từ thiện cho nhiều nhà nghèo nhưng luôn giấu mặt. Chả thế mà bao nhiêu lần công an tỉnh tổ chức mật phục ở nhiều bản, nhưng mọi động tĩnh đã có người báo hết cho thằng Cung.

   Thế là những ngày đó thằng Cung lủi vào hang moi của dự trữ ra ăn dần. Nhiều con gái đẹp ở bản lại mê hắn, theo hắn vào hang dâng hiến cho hắn một cách tự nguyện. Khi về bản còn kể cho nhau cười khúc khích...

   Thằng Cung trước đây là một công nhân phọt phẹt của lâm trường Sông Hiếu. Chuyện hắn trở thành tướng cướp có liên quan đến ông giám đốc lâm trường này. Lúc hắn là đội trưởng đội bảo vệ thì hắn quả là một anh hùng hảo hớn. Cánh buôn gỗ mời bia là hắn uống, mời thuốc là hắn hút, nhưng đố tay nào đưa gỗ ra khỏi cửa rừng. Ngày ấy lâm trường có hàng ngàn mét khối gỗ. Khi có lệnh đóng cửa rừng thì đống gỗ trở thành đống vàng. Cánh lâm tặc không mua được thằng Cung bèn tuyên bố:

   - Mày thích thì cho rượu thịt chó. Mày không thích thì để thứ ấy cho giám đốc. Ðời mày thế là bốc đất rồi con ạ!.

   Thằng Cung ức lắm. Nhưng nghĩ thân phận là thằng bảo vệ, số trời sinh ra đóng ở cung nhường nhịn, đâu được quyền hách với ai, tranh đấu với ai. Thế là ngậm miệng. Nhưng ông trời lại cạy miệng hắn ra. Giám đốc ra lệnh xuất gỗ. Hắn mở cổng mà tứa cả máu mắt. Những cái xe tải vào ra cố tình xả khói dầu ma-dút vào mắt hắn cay xè. Hắn nghiến răng kèn kẹt. Thế là miệng há ra, cãi nhau với giám đốc. Một bữa, giám đốc gọi hắn lên phòng quát:

   - Này, nói cho chú mày biết. Thời thị trường này không có dân chủ đâu. Thích lý sự thì về quê chăn vịt, cãi nhau với vịt. Nhé! Tao đây này. Một tại chức, một chuyên tu chẳng gấp vạn cái đít-lôm thời bao cấp của mày à. Tao học chán thầy rồi, chẳng cần chú mày dạy thêm.

   Thằng Cung cứng miệng phải mượn cái bút viết đơn kiện. Ông bố ở quê nhắn người lên dặn: "Phải làm tới cùng, trắng đen cho rõ cái mặt bọn tham nhũng. Nhỡ có làm sao về quê bố nuôi". Bố thằng Cung cũng là giáo làng, được cái trong sạch nhưng nhiều người bảo là hâm. Giám đốc gọi Cung lên bảo:

   - Cho cậu nghỉ ba tháng nguyên lương để đi kiện. Sang tháng thứ tư, kẻ nào thua thì đi khỏi lâm trường này.

   Cung hiểu đây là keo vật cuối cùng liền về tỉnh đi kiện. Sau ba tháng lên lâm trường thì đống gỗ ngày trước không còn một cây mục nào. Ðau đớn, Cung chạy lên gặp ông giám đốc. Ông giám đốc vứt toẹt cái quyết định buộc thôi việc vào mặt Cung kèm theo một câu nói mà chỉ ở miền quê ấy mới có:

   - Cả họ nhà mày ngu!

   Máu nóng bốc lên. A ha! Nó dám động đến dòng tộc nhà ta à? Số trời thế mà sai, thằng Cung đâu có nhịn mãi. Nó nhảy tới. Hai bên đu đẩy, đầu giám đốc tóe máu. Có tiếng kêu thất thanh: "Gọi công an mau lên!". Có tiếng xe xít-đờ-ca. Thằng Cung bỏ chạy. Tối hôm đó, đã khuya lắm, thằng Cung mò vào nhà giám đốc tuyên bố: "Tôi sẽ chơi với ông bằng một thứ luật khác. Ông phải khuynh gia bại sản". Giám đốc gọi điện thoại cho công an. Cung biến vào đêm tối mênh mông của rừng đại ngàn...

   Thằng Cung trở thành cướp từ ngày ấy. Hai tháng sau, hắn dẫn quân về cuỗm sạch tiền, của... trong nhà giám đốc, chỉ để lại ít gạo muối cho bọn trẻ. Tưởng đã xong mối thù cũ nhưng dẫu sao một tay thằng Cung đã nhúng chàm mất rồi. Thế là hắn trượt dài rồi vấy tay kia vào máu...

   Ðã sáu năm nay, toán cướp của thằng Cung có khi lên tới hàng trăm. Cả một con đường huyết mạch bị bọn này khống chế, dân quanh vùng, cán bộ đi công tác lẻ sợ hết vía. Sự tồn tại của "Cung cùng đường" trở thành sự thách thức đối với công an tỉnh. Ta đánh cơ sở vào được biết hiện thằng Cung đang sai đàn em tìm dấu vết ông giám đốc cũ. Sau khi bị mất chức, ông ta bí mật đưa cả gia đình đi đâu không ai biết. Thằng Cung bảo chỉ cần giáp mặt tay giám đốc một lần nữa. Thế là đủ. Ðủ là như thế nào không ai rõ.

   Nhiệm vụ Bộ giao phải bắt sống bằng được thằng Cung, từ đó mới có thể bóc dỡ hết cơ sở tay chân của nó. Muốn vậy phải tìm được tay giám đốc ngày xưa, nhử thằng Cung đến đấy mà bắt. Hiềm một nỗi sau khi rời lâm trường vào miền nam, tay giám đốc bỏ luôn vợ con trong đó. Nghe nói, một mình ông ta chạy ra Hà Nội mua nhà sống với bồ nhí. Nhưng Hà Nội rộng lắm, sống bất hợp pháp tìm còn khó hơn tìm chim. Nhưng chả nhẽ cả một nghìn người mà lại chịu thua trí một thằng cướp. Tương kế tựu kế, một kế hoạch vạch sẵn nhử thằng Cung rút chân khỏi vùng sơn cước. Hắn đã từng thề phải cắt gân thằng giám đốc cũ. Khát vọng trả thù đẩy một người hiền như cục đất, óc có mấy lạng trở thành tên cướp gian ngoan xảo quyệt...

   Ngồi ở phòng, hai trinh sát tăng cường ở Nghệ An ra, rủ rỉ, kể cho Ðinh nghe như vậy, bởi họ biết Ðinh là đồng hương. Công an Nghệ An khẳng định thằng Cung đã trúng kế, và đã lên xe ra Hà Nội tìm giám đốc cũ theo địa chỉ mà ta cho cơ sở tung vào sào huyệt. Ðinh nghe một cách dửng dưng, nghĩ, dân gian thường tô vẽ những chuyện hiếu kỳ để kể cho sướng cái tai. Tuy vậy, anh cũng thấy thời buổi thị trường tội phạm ở ta cũng biến thiên một cách khó hiểu không thể đoán trước được. Người tử tế hôm qua phút chốc giết người một cách vô cớ. Rồi xuất hiện những chàng Lía hiện đại chuyện ăn cắp của người giàu vứt cho kẻ nghèo hèn. Ðứa trẻ con mới lớn, và ông già trước khi xuống lỗ tự nhiên cũng làm những chuyện vô luân. May mà Nhà nước cấm tàng trữ vũ khí chứ nếu để thả cửa mua bán súng đạn như phương Tây, thì tội phạm sẽ mọc lên phức tạp, dã man đến mức nào...

    Có tiếng điện thoại. Ðinh nhấc máy. Ðầu dây bên kia, giọng trưởng phòng ra lệnh:

   - Ðinh hả. Cho hai trinh sát Nghệ An ra đây ngay. Còn cậu, cho cậu nghỉ. Mới đi Yên Bái về, giữ sức không quỵ đấy. Báo động toàn phòng nhé. Thông báo, thằng Cung cắp một đứa trẻ con chạy ra hướng sông Hồng.

   Ðinh đặt ống nghe. Chưa kịp thông báo thì tiếng chuông lại réo. Ðầu dây bên kia tiếng nói khẩn trương:

   - Nghệ An đây! Hà Nội hả? Ai đó? Lấy giấy ghi bổ sung ngay. Thằng Cung tên thật là Nguyễn Văn Bôn, con giáo học, xóm Dàn, làng Yên...

   Bôn..., con... giáo học, xóm chợ Dàn, làng Yên... Ðinh lẩm bẩm. Thôi bỏ mẹ rồi. Cung cái phải gió, cái thằng Bôn chó chết. Cái thằng bạn học cùng làng với mình.

   Ðinh nhanh chóng dẫn một tốp lính trẻ phóng xe ào đi ra hướng bờ sông. Trời đã tối từ lúc nào.

*
*   *

    Vứt xe, Ðinh chạy một mạch tới Ban chỉ huy đang túm tụm bên gốc cây xà cừ. Tiếng trưởng phòng:

   - Khép chặt vòng vây. Không được bắn! Thư đâu, đưa loa đây. Rồi, bật lên!

   Lại tiếng trưởng phòng:

   - A lô! A lô! Anh Cung nghe đây! Anh không được làm gì đứa bé. Ðằng nào anh cũng không thể thoát, đầu hàng đi! A lô! A lô!...

   - Ðoàng!

   Thằng Cung trả lời bằng một phát đạn.

   Trưởng phòng tắt loa chửi: "Sư bố nó!".

   Thỉnh thoảng tiếng loa vang lên.

   Ðáp lại chỉ là tiếng súng phát một như A.K điểm xạ. Hai trinh sát Nghệ An chạy lên thở hổn hển. Trưởng phòng đang sốt ruột thấy Ðinh lên, quát lớn:

   - Ông lên đây làm gì. Khổ quá. Ðã bảo ở nhà. Thôi về đi! Ðinh tiến gần trưởng phòng nói nhanh:

   - Nghe tiếng súng tôi biết thằng Cung chỉ còn một vài viên thôi. Anh để tôi lên nói chuyện với nó.

   - Nói chuyện! - Trưởng phòng đai dài - Không được ! Nó khử cậu ngay. Không được đâu. Thôi... thôi!...

   Vẫn tiếng Ðinh:

   - Nghệ An vừa gọi ra nói trích ngang thằng Cung anh ạ. Bây giờ tôi mới biết thằng Cung là bạn học cùng làng với tôi. Tên thật của nó là Bôn, anh cứ để tôi lên...

   Tất cả cùng im lặng. Trưởng phòng đi đi lại lại. Hình như có tiếng kêu nhói đau của đứa trẻ. Giọng trưởng phòng trầm xuống:

   - Ðến nước này thì tùy cậu.

   Ðinh bật loa gọi:

   - A lô, a lô, Bôn ơi! Tao là Ðinh đây. Ðinh con cô giáo Thụ ở làng Yên đây. Bôn ơi! Bôn ơi! Nghe rõ không? Tao là Ðinh đây! Tao muốn gặp mày để nói chuyện. Nghe rõ không?

   Sau tiếng loa, không có tiếng súng đáp lại. Hình như thằng Cung nhận ra tiếng Ðinh. Ðinh vứt loa, bấm đèn pin chạy lên phía trước. Vừa chạy vừa gọi: "Bôn ơi, Bôn ơi! Ðinh đây, Ðinh đây!". Ðinh cứ nhằm hướng có tiếng súng nổ mà lao tới. Ðược hơn trăm mét Ðinh bỗng nghe tiếng quát:

   - Ðứng lại! Thằng Ðinh!

   Ðinh thở hổn hển:

   - Mày đấy... ư. Hả... Bôn?

   Thằng Cung giật giọng quát:

   - Mày quay lại ngay! Không tao bắn!

   Tiếng Ðinh nói vào bóng đêm:

   - Thôi! Tao không quay lại đâu. Mày  muốn làm gì tao thì làm. Chỉ xin mày thả con bé ra. Nó bằng tuổi con tao ở nhà. Ðây! Mày hãy nhìn rõ mặt tao đây.

   Nói rồi, Ðinh bấm đèn pin vào khuôn mặt mình. Mắt hơi nheo lại. Chắc thằng Cung nhìn thấy rất rõ khuôn mặt hơi rỗ của Ðinh. Thằng Cung hạ giọng xuống:

   - Uổng quá! Quá uổng! Mày ngu, mày xông lên trước hòn tên mũi đạn; mày xông lên trước mũi súng của tao! Khờ, khờ... khờ lắm! Sau lưng mày là ai hở Ðinh? Là sếp của mày với nhà cao cửa rộng. Sau lưng mày, hậu phương của mày là ai? Là vợ con mày không một tấc đất cắm dùi. Sao để vợ mày phải khổ. Mày thừa biết điều đó chứ? Người ta đẩy mày vào chỗ chết mà mày không chịu hiểu. Giỏi lắm. Nào. Mày bước lên đi!

   - Tao sẽ bước lên. Nói trước với mày câu này. Mày không được giết đứa trẻ. Viên đạn cuối cùng mày cứ nhằm vào trán tao mà bắn. Rồi mày bỏ chạy đi. Nhưng mày phải hiểu: Chẳng ai, ngay cả sếp của tao cũng không thể đẩy tao lên trước mũi súng.

   - Tao hiểu. Vợ mày sẽ đeo vành tang trắng. Con mày được hưởng tiền tuất. Và sau đó, vợ mày thành vợ người ta, con mày thành con người ta. Có phải như thế là hy sinh đời bố để củng cố đời con không Ðinh? Chua chát hay ngọt bùi đây?

   - Tao bất ngờ vì mày lọc lõi và nghiệt ngã quá. Ðúng! Nếu tao buộc phải chết thì tao hy sinh để củng cố đời con. Ai dạy mày nói về những đồng tiền tuất. Anh trai mày, chú ruột tao cũng hy sinh ở Tết Mậu Thân thành Huế, chẳng nhẽ để bố mẹ mày, để bà nội tao hưởng số tiền ấy ư? Với tao, chỉ cần sau này con gái tao lớn lên, nó biết rằng bố nó vì nghĩa hiệp mà xông lên như một anh hùng. Như anh trai mày, như chú ruột tao. Chỉ cần thế là con gái tao sẽ có đủ bản lĩnh để đối chọi với cuộc đời thời mở cửa này.

   - Mẹ ơi...ơ...i! - Tiếng đứa trẻ rấm rức... Ðinh nhói đau.

   - Im ngay!

   Và gió thổi hun hút. Sóng tràn vào bãi lầy ì oạp. Ðinh thấy nóng ruột tiến lên một bước.

   - Ðứng lại!

   - Ðoàng!

   - M...ẹ...ẹ ới... ới. - Tiếng đứa trẻ.

   - Thằng Bôn... Bôn... B...ô...n! - Tiếng Ðinh.

   Chỉ còn lại màn đêm và tiếng con chim kêu oang oác ngang trời.

   Cả tiểu đội ào ào lao lên. Tiếng í ới thúc giục, tiếng ùm ùm rút chân trên bãi lầy. Ðinh trúng đạn rồi ư?

   ánh sáng đèn pin loang loáng. Người ta phát hiện cả người Ðinh cựa quậy nằm trùm lên tấm thân bất động của đứa trẻ. Trời ơi! Có tiếng kêu thất thanh, thằng cướp giết đứa trẻ rồi! Bỗng Ðinh ngồi bật dậy. Ðứa trẻ nhoài theo ôm lấy cổ anh mà khóc rưng rức. Mọi người đổ xô đến. Ai đó bế thốc đứa trẻ lên. Ai đó sờ nắn khắp người Ðinh. Anh nói trong hơi thở mệt nhoài: "Không sao cả".

   Còn thằng Cung, không hiểu nó biến hóa kiểu gì. Mất hút!

*
*   *

   Gần Tết, Ðinh chuẩn bị đưa vợ con về thăm quê thì nhận được bức thư từ Nghệ An gửi ra. Thư không dán tem, vợ Ðinh phải trả cho nhân viên bưu điện số tiền phạt gấp ba lần giá một con tem trong nước. Sợ ở quê bố mẹ Ðinh có mệnh hệ gì nên anh bóc rất vội. Thật bất ngờ. Thư thằng Cung. Chữ hắn viết nguệch ngoạc: "Ðinh. Mày hiểu cho tao. Tao không muốn rơi vào tay mày trong cái đêm nghiệt ngã ấy. Ðể mày không phải mang tiếng với làng xóm, với người đời rằng mày cố bắt bạn mình để lấy thành tích. Mấy chục năm gặp lại, mày được lắm.

   Tao tự đến nhà giam vì hiểu lẽ đời có vay có trả. Việc tao tự thú chẳng liên quan đến mày; cũng chẳng liên quan đến thằng đếch nào cả. Mày không nên nói với ai về lá thư này. Thôi. Vĩnh biệt".

   Sững sờ, đút thư vào túi áo, tự nhiên Ðinh lẩm nhẩm, đúng cũng chẳng nên kể cho ai biết chuyện này.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.