Giáo sư về truyền thông Christine Seifert tại Đại học Westminster nhớ lại khoảng thời gian bà từng cảm thấy tội lỗi vì đã đọc tiểu thuyết và các tác phẩm phi hư cấu. Thay vào đó, bà nghĩ mình nên dành thời gian tìm hiểu về những sự kiện, con người có thật trong lịch sử, ví dụ như đọc tiểu sử hoặc tự truyện, để hiểu về thế giới.
Nhưng suy nghĩ này bắt đầu thay đổi khi bà phát hiện ra rằng tiểu thuyết không chỉ để giải trí. Trên thực tế, bà thấy rằng việc đọc tiểu thuyết mang lại nhiều lợi ích cho bộ não, điều các tác phẩm phi hư cấu không làm được. Và khi được khai thác đúng cách, chúng có thể giúp phát triển nhiều kĩ năng tốt, đặc biệt là ở nơi làm việc.
Tiểu thuyết không chỉ là để giải trí như nhiều người vẫn tưởng. Ảnh: ABC.
Thôi thúc trí tò mò
Giáo sư Seifert cho biết có một số nghiên cứu chứng minh lợi ích của việc đọc tiểu thuyết và phát huy trí tưởng tượng của con người, thay vì lúc nào cũng tiêu hóa những nội dung thực tế khô khan và khó hiểu. Một yếu tố có lợi là để xây dựng được lòng đồng cảm, thấu cảm.
Giáo sư Seifert chia sẻ: "Tiểu thuyết đặt chúng ta, với tư cách là độc giả, vào vị trí của người khác và tôi nghĩ không có tác phẩm hiện thực nào làm được điều đó".
Bà cũng nói thêm rằng việc đọc các tác phẩm hư cấu, đặc biệt là tiểu thuyết văn học, cũng có thể giúp trau dồi kỹ năng tư duy phản biện. “Tiểu thuyết văn học có xu hướng giúp bộ não của bạn tư duy tốt nhất… đó là bởi vì tiểu thuyết văn học buộc bạn suy nghĩ theo những cách phức tạp theo tình tiết truyện. Chúng ta đôi khi phải nghĩ đến những tình huống nằm ngoài tầm hiểu biết hàng ngày của chúng ta”.
Meg Elkins, giảng viên cao cấp về kinh tế hành vi tại Trường Kinh tế thuộc Đại học RMIT, cho biết những độc giả cuồng nhiệt với tiểu thuyết cũng có nhiều khả năng có trí tò mò cao hơn người bình thường. Tiến sĩ Elkins đã nghiên cứu mối liên hệ giữa trí tò mò với khoa học, toán học và khả năng đọc ở thanh thiếu niên Australia.
Bà nói: “Điều chúng tôi thấy thú vị là chúng tôi vốn biết kỹ năng khoa học có liên quan đến sự tò mò, nhưng tác dụng của việc đọc sách lại khiến chúng tôi hơi ngạc nhiên”. Nghiên cứu của bà cho thấy những sinh viên nào càng đọc sách, báo hoặc tạp chí nhiều thì họ càng được xếp hạng cao về tính tò mò.
Đọc tiểu thuyết giúp ích cho công việc
Giáo sư Seifert cho biết việc đọc mọi thể loại hư cấu, trong đó có tiểu thuyết, đều có lợi và có thể giúp cải thiện khả năng tập trung tại nơi làm việc. Bà cho hay: “Tiểu thuyết buộc chúng ta phải giữ một tâm trí cởi mở trong suốt thời gian đọc toàn bộ cuốn sách. Điều đó đòi hỏi chúng ta không được khép kín hay cứng nhắc trong nhận thức. Và tôi cho rằng đó là thứ mà chúng ta cần tại nơi làm việc."
Tiến sĩ Elkins cũng nói rằng việc đọc tiểu thuyết hay các tác phẩm hư cấu “giúp độc giả đi vào nơi bình yên, an lành và khám phá những thế giới mới”. Đây cũng là một yếu tố giúp ích cho công việc.
"Nếu bạn muốn có một nhân viên có khả năng tìm kiếm những cách làm việc mới hoặc một nhân viên có thể gắn kết một cách đồng cảm, thì chúng tôi thấy rằng những độc giả của tác phẩm hư cấu, đặc biệt là những độc giả trẻ, thường có sự đồng cảm cao hơn vì họ gắn kết được với các nhân vật", bà Elkin nói.
Các câu lạc bộ sách tại nơi làm việc đang xuất hiện nhiều hơn. Ảnh: ABC.
Dành thêm thời gian đọc sách
Trong khi sách hư cấu có thể giúp phát triển óc tò mò, khám phá, sự đồng cảm và gắn kết thì các tác phẩm phi hư cấu cũng giúp mang lại những kiến thức thực tế về chuyên môn – điều rất có ích trong phát triển sự nghiệp.
Tom Corley, một nhà lập kế hoạch tài chính người Mỹ, đã nghiên cứu hoạt động hàng ngày của một số khách hàng giàu nhất của ông. Tổng cộng, ông đã phỏng vấn 233 triệu phú ở Mỹ trong vòng 5 năm và thói quen chung của nhiều triệu phú này là đọc sách.
“Họ đọc để tìm hiểu. Họ chủ yếu đọc về nghề nghiệp, ngành nghề, ước mơ mà họ đang theo đuổi, bất cứ điều gì về công ty của họ và về hoạt động họ đang làm để kiếm tiền”, ông Tom cho hay.
Với những lợi ích lớn như vậy của sách, giáo sư Seifert cho biết nhiều văn phòng đang bắt đầu nhận ra tác động tích cực của việc đọc sách đối với nhân viên của họ. Điều này được thể hiện rõ qua sự xuất hiện của các câu lạc bộ sách tại nơi làm việc.
Bà Seifert cũng hy vọng xu hướng câu lạc bộ sách sẽ ngày càng phát triển chứ không chỉ vì lợi ích ở nơi làm việc. Bà nói: “Đọc sách là một trong những điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để phát triển bộ não của mình. Trong khi nhiều người nói rằng họ không có thời gian để đọc sách thì tôi cho rằng chúng ta bắt buộc phải dành thời gian để làm điều đó”.
Theo znews.vn