chan_dung-ke_si

ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

31-08-2024

Lượt xem 1212

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Đình Tú

ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.

***

Có hai câu chuyện anh muốn kể cho em nghe.

Câu chuyện thứ nhất lý giải nguồn gốc ra đời của phụ nữ. Câu chuyện thứ hai lý giải nỗi thống khổ mà con người phải gánh chịu. Em muốn nghe câu chuyện nào trước?

Thôi được rồi, em là phụ nữ, trước hết anh kể cho em nghe câu chuyện từ đâu mà phụ nữ được sinh ra trên cõi đời này nhé!

Ngày xưa Chúa tạo ra con người, nhưng cái Con Người đầu tiên ấy là một gã đàn ông. Các Thiên Thần xin với Chúa hãy tạo ra một người đàn bà để gã đàn ông kia khỏi buồn... Sao? Em bảo gì cơ? Chúa nặn người đàn bà từ chiếc xương sườn thứ bảy của người đàn ông ư? Em biết chuyện đó rồi á? Không, chuyện em biết chỉ là dị bản thôi, nói đúng hơn, đó mới là khúc đầu. Câu chuyện ấy nguyên vẹn phải là như thế này cơ....

Chúa thấy các Thiên Thần nói có lý, liền sai một vị xuống trần gian tìm cái Thằng Người mà Chúa vừa tạo ra trước đó, lấy một chiếc xương sườn về để Ngài tiếp tục tạo ra một người đàn bà. Vị Thiên Thần kia xuống trần gian tìm mãi không thấy Thằng Người đâu. Trái đất bấy giờ hoang vu, toàn rừng rậm, đại dương, sông hồ, lại chỉ có duy nhất một Thằng Người bé tí nên rất khó tìm. Bỗng Thiên Thần nhìn thấy một tên Quỷ Sứ. Tên Quỷ này trước đây cũng ở trên Thiên Đàng, vì phạm tội đánh vỡ một chiếc chén ngọc nên bị Chúa Trời đày xuống trần gian. Nhác trông thấy Thiên Thần, tên Quỷ Sứ kia sợ hãi, tưởng Chúa sai người nhà trời xuống bắt mình về chịu tội liền chui tọt vào hang đá trốn biệt. Nhưng vì hang đá chật quá nên Quỷ Sứ vẫn thò cái đuôi ra ngoài. Thiên Thần muốn hỏi Quỷ Sứ xem chỗ ở của Thằng Người ở đâu, liền cầm đuôi của Quỷ Sứ kéo ra. Kéo mãi, kéo mãi... kéo đến đứt cả cái đuôi mà Quỷ vẫn sợ, cứ ôm chặt lấy hang đá nhất định không chịu ra. Thiên Thần cầm cái đuôi của Quỷ trên tay bỗng nghĩ ra một cách, liền phù phép cho cái đuôi Quỷ giống hệt như chiếc xương sườn của Thằng Người, rồi bay về trời mang chiếc xương sườn giả đó đến trình Chúa. Từ lúc sai Thiên Thần đi tìm Thằng Người ở dưới trần gian Chúa cứ thế ngồi chờ, lâu quá, cơn buồn ngủ kéo đến lúc nào không biết khiến Ngài thiếp đi. Đúng lúc ấy Thiên Thần về đến dâng lên cho Ngài chiếc xương sườn. Chúa mắt nhắm, mắt mở, chẳng kiểm tra lại, cứ thế nặn ra người đàn bà.

Lúc đầu người đàn bà vô hồn. Chúa phải thổi hồn vào người đàn bà mới biết nói, cười, vui, buồn, giận hờn, làm duyên... Nói chung rất sinh động và quyến rũ! Ngay sau đó người đàn bà được đưa xuống trần gian. Từ ấy Thằng Người có đồng loại. Cũng từ ấy trái đất có đàn ông và đàn bà, có sự sống và tình yêu. Loài người cũng từ ấy mà sinh sôi nảy nở. Đàn ông không thể thiếu được đàn bà và ngược lại, bởi Chúa sinh ra họ là để dành cho nhau. Nguồn gốc ra đời của đàn bà là như thế nên họ phức tạp và khó hiểu hơn đàn ông. Họ là sản phẩm kết tinh từ cái đuôi của Quỷ Sứ, sự lừa dối của Thiên Thần và nỗi mệt mỏi, chán chường của Thiên Chúa...

Em cười ngặt nghẽo. Bia sánh ra chiếc cổ áo đỏ của em. Thú vị? Chắc chắn là như thế rồi. Em đã không nhịn được cười. Cười phun cả bia vào mặt Hoàng.

Lúc trước cái miệng xinh xắn của em còn ghé hờ hững ở cổ chai Hênêken, rồi em ngửa cổ tu ừng ực và bây giờ thì những hạt bia nhỏ li ti đang bắn ra tứ tung từ hai hàm răng trắng bóng, đều tăm tắp.

Chị Dung và chị Phương cũng cười hưởng ứng. Dường như hai bà chị này chưa “tiêu hóa” kịp câu chuyện trên nên không thấy nó mấy ý vị và hay ho, nghe tiếng cười nhạt như vị trà lipton kia là đủ biết. Không sao, với Hoàng thế là thành công rồi. Đối tượng tiếp cận của Hoàng bây giờ là cô bé đang cười hết cỡ kia chứ không phải hai bà chị già này.

- Mười một giờ hơn rồi, mọi người tính về hay định thế nào đây?

- Hoàng hỏi, mắt đánh về phía cô gái mặc áo cổ đỏ.

- Két, em định thế nào?

- Đến lượt chị Phương hỏi cô gái mặc áo cổ đỏ.

- Bọn mình chia tay ở đây thôi. Em đang chờ bạn đến đón. Nhưng anh Hoàng còn chưa kể hết câu chuyện thứ hai kia mà? - Két đáp.

- Em còn đi nữa hay về? - Hoàng hỏi Két. -

Anh hỏi làm gì?

- Anh đi cùng em được không?

- Tốt hơn hết là anh về cùng các chị.

- Vậy thì câu chuyện thứ hai anh sẽ kể cho em nghe vào một dịp khác. Bye!

- Bye!

Đó là buổi trò chuyện đầu tiên giữa Hoàng và Két. Cái mặt Hoàng không hợp với sàn nhảy lắm. Càng không phải là người của những cuộc chơi overnight. Chính vì thế Hoàng phải đi từ chị Dung tới chị Phương, rồi bây giờ thì là từ chị Phương tới Két.

Gần sáu tháng trước, cầm tấm bằng cử nhân văn khoa với tờ giấy chứng nhận đoạt giải ba cuộc thi truyện ngắn viết về học sinh sinh viên tới báo Xã Hội xin việc, Hoàng nhận được câu trả lời rằng:

“Ở đây cần người viết báo chứ không cần người viết văn”.

“Thì tôi viết báo!” - Hoàng ưỡn ngực đáp lại một cách cứng cỏi.

“Cậu có biết tờ Xã Hội này tiara tăng vọt là vì mục nào không? Mục Xã hội muôn màu. Hãy bắt đầu từ những bài viết cho mục ấy. Nếu cậu chứng tỏ được mình ở mục này trong vòng sáu tháng, tôi đảm bảo cậu sẽ được ký hợp đồng”.

Sáu tháng sắp trôi qua đến nơi rồi. Lẹt đẹt được hai bài in ép, in chiếu cố. Niềm kiêu hãnh có được từ giải ba truyện ngắn chết tiệt kia Hoàng đã quẳng xuống cống ngay sau tháng đầu tiên thử việc. Bây giờ thì Hoàng chẳng còn gì để bám víu. Khả năng báo chí của Hoàng có lẽ cũng chỉ đến thế thôi. Tốt hơn hết là về tờ văn nghệ địa phương mà làm. Nơi đó bố Hoàng đã từng có thâm niên 20 năm biên tập. Hoàng sắp cùng đường rồi. Mục Xã hội muôn màu chó chết sắp lẳng Hoàng ra vỉa hè. Ở đây không có chỗ cho những người làm báo sa lông. Câu nói ấy buổi giao ban nào cũng được phun ra từ miệng sếp.

Hôm nọ thư ký tòa soạn thương tình rủ Hoàng đi cà phê và bảo:

“Chú em được mỗi cái hiền lành thôi. Chính vì cái đó mà anh mời chú tách cà phê này và bảo cho chú một cách: Hãy sục vào mấy động thuốc lắc khoắng vài kỳ xem thế nào. Sếp ngán chú như ngán một cục thịt mỡ rồi đấy”.

Hoàng xin giấy giới thiệu mò sang bên công an. Với những gì mà bên công an họ thí cho chỉ đủ làm vài cái tin vặt.

Sếp bảo:

“Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con, chẳng lẽ tôi lại mang cái thân ngoại ngũ tuần này đi vào chỗ lắc lư để các phóng viên trẻ ngồi nhà làm công việc của lão biên tập già?”.

Hoàng hiểu mình phải làm gì. Nhưng bắt đầu từ đâu bây giờ nhỉ? Sàn nhảy.

Hoàng chỉ biết sơ sơ vài động tác cơ bản học lỏm được từ hồi sinh viên, làm sao dám lên sàn? Ngu lắm, lên sàn cũng có dăm bảy loại, có loại chỉ ngồi uống nước không thôi. Nhưng như thế làm sao tiếp cận được đối tượng? Vậy thì xì vài chục ngàn ra mà đăng ký một lớp khiêu vũ cơ bản. Ừ, ngu thật. Sáu điệu thì tám chục, tám điệu thì trăm hai, mười điệu thì trăm rưỡi, thôi cứ xin tạm vào cái lớp dạy sáu điệu vậy.

Thư ký tòa soạn đúng là ông anh tốt, chỉ đường đi nước bước cứ đâu ra đấy, chỉ mỗi cái phũ mồm, câu nào cũng như cú đấm móc, làm người ta nôn ra cả mật xanh mật vàng. Chính từ cái lớp sáu điệu ấy mà Hoàng mới quen được với chị Dung. Chính từ chị Dung mà bài phóng sự ba kỳ ra đời.

Loạt phóng sự có cái tên điệu đà thế này: Tiền sàn nhảy hậu động lắc.

Kỳ thứ nhất được ông anh thư ký tòa soạn quý hóa đặt tít: Chân dung chị Hai.

Tại sao lại là chị Hai? Sabô của loạt phóng sự có viết rằng, vì lý do tế nhị nên các nhân vật trong bài viết sẽ được giấu tên, thay vào đó là những cái tên phiếm chỉ như chị Hai, chị Ba, cô Út...

Có lần chị Dung hỏi:

“Em là nhà báo à? Mỗi bài báo của em được bao nhiêu tiền?”.

Hoàng bảo:

“Phóng sự được trả cao nhất, năm trăm ngàn”.

Chị Dung buông một câu:

“Rẻ nhỉ!”.

Vâng, rẻ thế thôi, với chị, nhưng là đắt với em, nửa triệu kia mà, và ở kỳ đầu tiên này bà chị yêu quý đã được cậu em Hoàng “bán rẻ” như sau:

-Chị chưa đến năm mươi hoặc cũng có thể đã hơn. Đoán tuổi những người đàn bà có mặt ở sàn nhảy là một việc rất khó. Buổi tối và ánh đèn màu thường đồng nghĩa với việc che giấu những nhan sắc đã tàn phai. Chúng tôi có dịp biết chị tại lớp khiêu vũ buổi chiều vì thế có thể đoán được tuổi chị chính xác hơn. Nhưng chính xác để làm gì?

Bài phóng sự này không lấy tuổi chính xác của nhân vật làm điều cốt yếu. Chị Hai là người quản lý ngân quỹ của nhóm nhảy chúng tôi. Chúng tôi đóng tiền cho chị dưới nhiều hình thức, đóng ngày, đóng tuần, đóng tháng, chậm tiền thì coi như chị Hai bao.

Nhóm nhảy gồm bảy người, tám người hay mười người? Không biết. Có một nguyên tắc là không ai hỏi nghề nghiệp, tuổi tác, nhà cửa, gia đình của ai. Tùy theo sự phát triển của từng mối quan hệ mà mỗi người trong nhóm có thể bộc lộ nhân thân, hoặc không. Mục đích của anh, của chị, của tôi là chơi. Vậy thì cứ chơi theo khả năng tài chính cho phép, hỏi han chi cho mệt. Đây là điều khiến cái tôi nhà báo bực mình nhất. Nhưng rồi cái tôi nhà báo cũng biết cách khai thác những gì mình cần ở nhóm nhảy này. Ngôn ngữ là thứ biến ảo khôn lường. Biết sử dụng nó thì sẽ được trả lãi gấp năm, gấp mười. Chị Hai dẫu sao cũng là đàn bà. Đàn bà xưa nay vốn thừa lời. Muốn kinh doanh thông tin từ mớ ngôn từ đổ đi hàng ngày của các quý bà chỉ cần có đôi tai biết tỏ ra đồng cảm và sẻ chia cùng vài ba đường lưỡi đưa đẩy là đủ. Cái tôi nhà báo biết cách làm điều ấy.

Chị Hai là nhân viên tài chính ở một đơn vị sự nghiệp có thu. Sau bốn giờ chiều hàng ngày là khoảng thời gian rảnh rỗi của chị. Chị có con trai lớn giống tôi. “Nhưng nó chết rồi em ạ, chết đúng năm nó hai mươi tuổi, đang là sinh viên năm thứ ba, chuẩn bị được nhà trường cử đi học ở Pháp”. “Tại sao?”. “Tại lão chồng chị”.

Chồng chị là một thạc sĩ chuyên ngành gây men. Hồi còn trẻ họ đã có một tình yêu đẹp theo kiểu truyền thống. Rồi họ lấy nhau, đó là một cuộc hôn nhân cũng đẹp theo kiểu truyền thống. Họ có với nhau hai đứa con. Lớn trai, bé gái. Cả hai đứa con họ đều đẹp, đều ngoan và học giỏi. Tóm lại đó cũng là một gia đình tuyệt vời theo quan niệm truyền thống. Chị hài lòng với số phận và tin rằng sẽ hưởng nốt phần đời còn lại một cách có hậu theo kiểu truyền thống.

Thế rồi con trai chị bỗng phát hiện ra bố nó có vợ bé. Cô vợ bé của bố chỉ ngang tuổi với cậu con trai thôi. Thằng bé rất ngoan, học rất giỏi, thi năm đầu đỗ ngay Bách Khoa, tổng kết năm thứ hai cao phẩy nhất khóa nên được nhà trường gửi sang Pháp học chuyên ngành mười tám tháng. Thằng bé rất thần tượng bố. Thế mới khổ cái thân nó. Thần tượng sụp đổ thì nó sống làm sao được giữa cái tuổi đôi mươi xốc nổi và lãng mạn ấy? Khuyên can bố không được, nó uống thuốc ngủ tự tử. Nó chết, để lại một bức thư tuyệt mệnh gửi bố. Nhưng bố nó đâu còn thiết gì đến lá thư đó nữa. Bị con hồ ly tinh kia làm cho mê muội rồi, thử hỏi, tình phụ tử trong thằng bố nó bị cái chết kia ám ảnh được bao lâu? Đúng là không được bao lâu thì chồng chị mang vợ bé và đứa con trai tròn năm tuổi về đòi chia nhà. Tất nhiên là phải chia thôi. Chia chác xong thì chị lâm vào trạng thái rối loạn tâm thần. Nói nôm na là đau khổ quá mà phát điên. Một người bạn thương tình đưa chị đến một chuyên gia tâm lý để chữa bệnh. Hôm ấy đi nhưng không gặp được ông chuyên gia nọ, lại hỏng xe ngay trước một sàn nhảy, hai người liền mò vào xem thử nó ra sao. Không ngờ cái thứ âm thanh trong vũ trường kinh người kia lại làm chị khỏi bệnh. Trở lại trạng thái bình thường chị liền bán nửa căn nhà được chia, mang tiền đi mua đất. Mua đám nào hời đám nấy. Trời bù đắp cho chị bằng lộc đất. Đứa con gái ở với chị cho đến khi hết cấp ba thì đi du học ở Trung Quốc. Thế là sau một vòng hôn nhân và sinh nở chị lại thành người độc thân. Buồn thì phải tìm vui thôi. Chị bắt đầu la cà ở các lớp học nhảy và vũ trường. Chị không có khiếu nhảy nên qua hết lớp này đến lớp khác mà trình độ vẫn cứ loàng xoàng. Cái quan trọng là chị có thêm nhiều bạn. Bây giờ ở cái tuổi không còn hào hứng giới tính nữa thì chị còn cần gì hơn là có nhiều bạn? Chồng cũ của chị cũng chết rồi. Chết thê thảm. Ngôi nhà xây lại trên mảnh đất được chia bỗng đổ ụp. Cả đám thi công phải ra tòa nhưng cái chết của người chồng già, cô vợ trẻ và đứa con hơn một năm tuổi kia thì không thể cứu lại được.

Chị bảo:

“Lão ấy chết chị không thương nhưng thương đứa trẻ. Nếu nó còn sống chắc chắn chị sẽ nhận nuôi”.

Tôi hỏi:

“Cái chị tre trẻ hay đi với chị tên là gì? Làm ở đâu? Bao nhiêu tuổi?”.

Chị nghiêm mặt:

“Lại phạm luật rồi”.

Ừ nhỉ, đã bảo không được “điều tra lý lịch” cơ mà! Cái tôi nhà báo đành phải tự tiếp cận lấy thôi.

Cái chị tre trẻ tiếp tục được Hoàng “bán rẻ” ở kỳ báo thứ hai chính là chị Phương. Tất nhiên khi lên khuôn bài báo được mang cái tít là Chân dung chị Ba. Chị Phương còn trẻ lắm, chỉ trạc ba lăm, ba bảy gì đó thôi. Chị Phương bán hàng ở chợ Hôm. Biết Hoàng là nhà báo, chị Phương bảo:

“Em có đọc báo An ninh Thủ đô không? Có ảnh chồng chị ở trên ấy đấy”.

Hoàng hỏi:

“Chồng chị là chính trị gia, doanh nhân trẻ hay “người tốt - việc tốt” mà được lên báo?”.

Chị Phương cười buồn:

“Tòa mới xử sơ thẩm tháng trước em ạ. Chị đang cùng nhà chồng cố chạy xem có thoát cái án tử hình không”.

Hoàng kinh ngạc:

“Tử hình?”.

Đúng là đáng phải tử hình thật dù chị Phương cứ nhắc đi nhắc lại rằng chồng chị hiền lắm em ạ, không tin cứ vào khu chị ở hỏi ai cũng thừa nhận điều ấy. Chị bán hàng ở chợ còn chồng chị làm mộc ở nhà. Một hôm chị gái anh ấy tìm đến khóc khóc, mếu mếu, mặt mũi sưng húp lên vì bị hàng xóm đánh. Chuyện có gì đâu, chỉ vì cái đồng hồ đo điện lẫn lộn tên tuổi gì đấy. Thế là đôi co, xích mích. Thế là thằng hàng xóm lao vào đánh chị ấy. Chồng chị điên lắm. Anh ấy mới nhờ một thằng đầu gấu ở gần nhà chị “chủ trì công đạo”, lên dạy cho thằng khốn nạn kia một bài học. Đã dặn nó là chỉ ra tay cảnh cáo thôi, nó lại xiên luôn một nhát, thế là chết người. Ối giời ơi, chị buồn lắm em ạ. Mấy tháng đầu khi anh ấy mới bị bắt, chị khóc đến cạn cả nước mắt. Bây giờ thì chị phải gắng vui lên mà sống, mà còn chạy chợ kiếm tiền nuôi con chứ ủ ê mãi thì giải quyết được gì hả em?

Thế là chị đi học nhảy... Cái gì? Có chứ, chị vẫn thăm nuôi anh ấy đều. Tháng nào chị cũng đi. Anh ấy khóc em ạ. Anh ấy nhớ con lắm. Hôm tòa xử nghe tuyên án xong anh ấy xỉu luôn. Chị cũng choáng váng. Chị đang tìm cách chạy ở tòa phúc thẩm xem thế nào nhưng tốn kém lắm. Chị bán một nửa sạp vải rồi mà vẫn không ăn thua. Có lẽ phải bán cả nhà đi nữa mới chạy được. Em bảo sao? Anh ấy có trực tiếp cầm dao đâm đâu mà bị xử nặng thế á? Người ta bảo anh ấy chủ mưu. Thế mới ngu chứ. Hôm anh ấy đi tìm thằng đầu gấu kia để nhờ nó thì nó vừa đánh bạc thua. Nó bảo: “Em cắm cái xe máy 5 triệu, anh đưa tiền để em chuộc ra rồi đi giải quyết vụ đó cho anh”. Thế là chồng chị đưa cho nó 5 triệu. Người ta bảo đó là tiền thuê giết người. Lại có bàn bạc trước. Thế là thành tội phạm có tổ chức, chồng chị là chủ mưu, còn thằng giết người kia là kẻ thực hiện. Thì hôm ở tòa chị nghe người ta nói thế, biết thế, chứ ai mà nghĩ là chủ mưu với tổ chức tổ chiếc gì. Cãi cũng chả được. Họ vặn câu nào chết câu ấy em ạ. Sau này chị cho con chị đi học luật mới được. Cứ ngu thế này thì chết... Hả? Thì cũng phải quên đi mà sống chứ. Chị học mấy lớp rồi mà nhảy còn kém lắm. Ôi, nhóm của bọn chị vui lắm. Toàn người chẳng ra làm sao em ạ. Rất hoàn cảnh. Nhưng mà chơi hết mình lắm. Cái con bé tre trẻ hay mặc áo cổ đỏ á? Con Két mambo. Nó mới nhập nhóm chị đấy. Không, nó sinh năm tám bảy, chưa đến hai mươi đâu. Nó chơi kinh hoàng lắm. Nhà ở đâu á? Chưa, chị chưa hỏi. Mà hỏi làm gì. Bọn chị thích thì tự kể chứ không ai hỏi chuyện đời tư của nhau đâu. Sao lại gọi là Két mambo á? Sao em cứ tò mò, tọc mạch thế nhỉ? Em đi mà hỏi nó ấy. Nó thích gì á? Thích Karaôkê, thích xem phim Hàn Quốc, thích cắn... Em tán nó được đấy. Bọn con trai ve nó toàn thằng chơi thôi, nhưng nó bảo: “Bọn ấy không biết tán gái kiểu như trên phim, chán lắm, chỉ biết làm nông dân cày cuốc thôi chứ không biết làm thầy giáo”. Sao, em bảo sao? Không, nó không thích cái loại ánh kim, ánh thép ấy đâu. Nó nhiều tiền lắm em ạ. Nó thích những thằng đẹp trai nhưng phải văn cao một tí cơ. Nó toàn chê đám bạn trai là ngu, là không biết nói chuyện, là văn hóa lùn. Ừ, nếu em thích chị sẽ giới thiệu. Nhưng con này nó cứ lẩn như trạch ấy. Tan vũ trường là nó lại vù đi với bọn khác rồi. Em muốn cắn thử á? Vô tư đi. Nhưng nhà báo như em vào chỗ ấy làm gì? Cấm đấy nhé! Không được viết linh tinh đâu đấy nhé. Hả? Em cũng có chuyện buồn, chuyện chán đời á? Ừ, thì chị cứ dặn trước thế...

Vì được chị Phương dặn trước nhiều điều như thế nên Hoàng đã tiếp cận Két mambo bằng câu chuyện Chúa tạo ra người đàn bà. Hoàng muốn tạo ấn tượng cho Két bằng cách ấy. Như thế có vẻ văn cao hơn đám bạn trai của Két chăng?

Phải đến câu chuyện thứ hai thì Hoàng mới chính thức chiếm được thiện cảm của Két. Lần này chỉ còn có hai người ngồi lại với nhau thôi. Tiếng nhạc đã tắt và những đôi nhảy cuối cùng cũng đã rời khỏi vũ trường.

Câu chuyện thứ hai thế này Két ạ.

-Ngày xửa, ngày xưa...

- Lại ngày xửa ngày xưa à?

- Thì tiếp câu chuyện hôm nọ mà. Em còn nhớ câu chuyện hôm nọ được kể đến đâu rồi không?

- Đến đoạn Chúa thổi hồn vào người đàn bà để có thể khóc, cười, giận hờn, làm duyên...

... Sau khi Chúa tạo ra loài người rồi thì lại tiếp tục tạo ra một số loài khác như trâu, bò, lợn, gà, voi, hổ, cá sấu, đại bàng, giun, dế... Rồi Chúa ấn định tuổi cho từng loài. Chúa cho Con Người tuổi thọ hai mươi năm, trâu, bò tuổi thọ bốn mươi năm, lợn một năm, gà sáu tháng, vân vân...

Khi ấn định xong tuổi thọ của từng loài thì Trâu và Bò tìm đến trước Chúa thưa rằng:

“Kiếp Trâu, Bò chúng con khốn nhục là vậy mà Chúa bắt sống những bốn mươi năm, cái Con Người kia sống sung sướng thế lại chỉ có hai mươi năm. Thế thì cho chúng con sống lâu làm gì? Xin Chúa hãy bớt phần tuổi của chúng con sang Người để chúng con bớt khổ mà Người cũng khỏi kêu là được sống quá ít”.

Chúa suy nghĩ một hồi thấy Trâu, Bò nói có phần đúng, liền phán rằng: “Được rồi, ta sẽ bớt của Trâu và Bò mỗi loài hai mươi năm tuổi thọ để bù sang cho Con Người. Tuổi thọ trung bình của Con Người sẽ là sáu mươi năm”

Từ bấy đến nay Trâu, Bò sống được khoảng hai mươi năm là chết, còn Con Người có sáu mươi năm một cuộc đời. Như thế cũng có nghĩa là con người chỉ sống sung sướng hai mươi năm đầu đời thôi. Đó là tuổi của mình. Còn bốn mươi năm sau là đắng cay khổ nhục vì đó là tuổi Trâu, tuổi Bò, tuổi làm lụng cực nhọc, tuổi giơ lưng, giơ cổ ra gánh những cú giáng của số phận. Vì thế, nếu đã là con người, qua tuổi hai mươi rồi, đừng hỏi vì sao mình khổ...?

Két không cười mà ngồi trầm ngâm. Cái mặt mười tám kia trở nên u ám, trĩu nặng như có đám mây đen sà xuống đóa hồng ướp lạnh vậy.

Hoàng chuyển hướng câu chuyện:

“Tại sao em nhảy điệu Mambo phê vậy?”.

Két buột miệng:

“Vì em nhớ đến Vĩnh với vũ điệu bên bãi rác”. -

Bãi rác nào?

- Anh đã bao giờ đi nhặt rác với một cô bạn gái khi mới mười ba tuổi chưa?

Vĩnh có nét giống anh đấy. Lăn lóc đầu đường xó chợ nhưng thư sinh, thanh cảnh lắm. Vĩnh hơn em một tuổi. Có hôm hai đứa bọn em đói quá, cả ngày không kiếm được thứ gì để đút vào bụng. Đúng lúc ấy Vĩnh bới lên được một cái bánh mỳ gối. Không thể nào tả hết nỗi sung sướng của hai đứa em lúc đó. Bọn em vừa ăn vừa nhảy múa điên loạn. Cái bánh mỳ nguyên chiếc được cắt sẵn từng lát mỏng, khô khốc, đôi chỗ đã mốc nhưng sao mà ngon thế! ăn đến lát bánh cuối cùng bọn em còn vừa nhảy vừa chun miệng vào cắn chung.

Nhạc hắt ra từ túp lều của một gia đình nhặt rác gần đấy. Sau này em cứ thắc mắc không biết đó là cái điệu nhạc gì? Đến khi bắt đầu tập điệu Mambo em thấy nó giống điệu nhảy bên bãi rác vô cùng. Em kể với thầy dạy nhảy. Thầy bảo

“Em đã nhảy điệu đó từ vô thức”.

Em mê điệu nhảy ấy. Rồi học nâng cao. Và thích trình diễn...

- Đêm nay em đi cắn chứ?

- Thôi, em về.

Vĩnh biết em hư thế này chắc buồn lắm.

- Vĩnh ở đâu?

- Ở rất xa.

Két không muốn nói chuyện nữa, đứng dậy đòi về. Hoàng lấy xe ra thì Két đã chui vào taxi rồi. Hoàng lặng lẽ đuổi theo.

Taxi đưa Két tới trước một ngôi nhà sang trọng, có khoảng sân rộng ẩn mình giữa đám cây xanh trên một con phố mới mở về phía ngoại ô. Két biến mất sau cánh cổng sắt khổng lồ vẫn thường được dùng cho các tòa lâu đài. Hoàng quay về, đầy nghi vấn nhưng le lói hy vọng vì trong tay đã có số di động của Két.

Bốn trăm ngàn một viên thuốc lắc. Một trăm tám mươi ngàn cho một giờ thuê phòng. Sàn nhảy tan vào khoảng 11 giờ đêm. Nếu chơi tiếp đến 8 giờ sáng hôm sau sẽ ecstasy được khoảng 9 tiếng. Chưa kể chơi hêrôin hoặc cần sa. Chưa kể bia lon, bia chai, nước khoáng, hoa quả với giá tính đặc biệt.

Khoảng một đến hai triệu mỗi người cho một lần bay. Hoàng nhẩm như thế để không quá bị động trước cái ví tiền lép kẹp của mình.

Kỳ ba của loạt phóng sự với cái tít Chân dung cô Út đã được quảng cáo trước rồi.

Thư ký tòa soạn tỏ ra tin tưởng ở Hoàng. Sau loạt bài này sẽ là chân dung một số các “thiếu gia thời a còng”. Từ Két, Hoàng sẽ tiếp tục mua vui cho bạn đọc bằng một loạt những thông tin rẻ tiền kiểu ấy. Nhưng không hiểu sao Két lại không đến sàn nhảy nữa. Điện thoại cũng không nghe. Em đang ở đâu, anh rất cần gặp em? Những dòng tin nhắn như vậy đổ vô hồi kỳ trận vào máy của Két mà em không trả lời. Hoàng tìm đến ngôi nhà có cảnh cổng sắt hoa văn hình sư tử nhưng không biết làm thế nào để có thể vào được bên trong. Im ắng. Lạnh lùng. Bí ẩn. Tại sao một cô bé nhặt rác lại ở trong tòa nhà lớn như thế này? Không ai biết tên thật của em.

Két (Cat), tiếng Anh có nghĩa là con mèo. Người ta gọi em theo tên con vật ứng với tuổi. Vậy nhân thân của em là thế nào? Chịu.

Hoàng cố tìm hiểu qua một vài cậu trai tre trẻ đôi lần thấy cặp kè bên Két nhưng chúng cũng chỉ biết về Két một cách mơ hồ.

“Bố mẹ nó bỏ nhau. Nó có một ông bố rất giàu, mới ở Nga về”.

“Sao bảo từng đi nhặt rác?”.

“Nó bị lão bố dượng làm thịt từ năm mười ba tuổi. Nó chán đời, đi hoang, chơi với dân nhặt rác một thời gian”.

“Rồi sao?”.

“Rồi bố nó về nước, nó về ở với bố và dì ghẻ. Cả hai chỉ lo làm ăn, còn nó thì lo tiêu tiền”.

“Có học hành gì không?”.

“Chỉ học tiếng Anh thôi. Bố nó bắt đi học nhưng nó đến lớp thì ít, lang thang vũ trường thì nhiều”.

“Biết Vĩnh không?”.

“Vĩnh nào?”

“Hình như người yêu của Két, đang lao động ở Hàn Quốc?”.

“Không”.

Thông tin từ vũ trường gạn lọc ra chỉ được có thế. Tìm hiểu thêm về chủ nhân ngôi nhà có cánh cổng sắt trên đường ra ngoại ô cũng chẳng khá hơn. Ông chủ có một người vợ trẻ người miền Nam lấy từ hồi còn ở bên Nga. Ông ta thường hay ra vô trong đó làm ăn. Ngôi nhà to đùng ngoài này Két ở với người giúp việc bị câm. Mấy ngày hôm nay không ai nhìn thấy Két đâu cả. Lần mối đến đây chưa phải là đứt nhưng thời gian dành cho kỳ ra báo đã cận. Hoàng cuống. Để hoàn chỉnh được bài viết, Hoàng cần phải có thêm một vài thông tin cần thiết nữa từ Két. Đúng lúc Két có vẻ như đã biến mất thì Hoàng nhận được điện thoại. Két đang ở một vũ trường nhỏ nhưng khét tiếng dậm dật.

“Hôm nay sinh nhật em. Mai em bước sang tuổi mười chín rồi. Em đã sắp sống hết tuổi Người. Vĩnh đã đánh em. Em buồn lắm. Anh nhảy với em điệu Mambo đi!”.

Hoàng chiều Két. May mắn là điệu này Hoàng nhảy không tồi mặc dù so với Két thì vẫn chỉ dừng lại ở mức cơ bản thôi.

“Vĩnh về rồi à?”.

“Rồi. Mấy ngày qua anh ấy đi chơi với em. Ở bên kia anh ấy vất vả lắm, làm công nhân cơ khí. Anh ấy không biết là em hư như thế này. Anh ấy cứ nghĩ là em được bố nuôi dạy chu đáo cơ. Sáng nay, khi phát hiện ra em dùng ma túy, anh ấy đã đánh em. Em đã bỏ Sapa về đây. Ngày mai em bước sang tuổi mười chín rồi. Em...”.

- Vĩnh làm như thế là đúng hay sai?

Két im lặng trước câu hỏi của Hoàng, mắt nhìn bâng quơ ra phía ban nhạc. Bỗng em ngẩng phắt lên:

“Vũ trường tan rồi. Anh đi cắn với em không?”.

Đây là điều Hoàng mong chờ từ lâu nhưng bây giờ thì không còn hào hứng nữa.

- Về thôi em. Hãy về với Vĩnh đi!

Két ỉu xìu, cố nở một nụ cười buồn. Hoàng muốn được đưa Két về nhưng em đã lại chui tọt vào xe taxi rồi. Hoàng nhìn theo, thấy lố nhố trong đó còn mấy cái đầu đỏ, vàng, xanh, tím nữa. Hoàng bật máy gọi với theo. Két không nghe. Hoàng bấm tí tách lên bàn phím điện thoại.

Hãy về với Vĩnh đi, anh xin em đấy!

Chiếc taxi đã khuất sau một khúc quanh cuối phố. Hoàng phải về viết nốt kỳ ba của loạt phóng sự. Chân dung cô út dẫu có mờ nhòa thì cũng đã cơ bản hiện lên đường nét. Ngày mai nếu không có bài, thư ký tòa soạn lại nguệch miệng ra chửi Hoàng ngu. Khi Hoàng đặt dấu chấm hết cho bài báo cũng là lúc tàn đêm. Một ngày mới đã lại bắt đầu. Hoàng định mang đến tòa soạn nộp cho xong rồi về ngủ bù thì chuông điện thoại reo. Cơ quan công an yêu cầu Hoàng đến ngay hiện trường. Hiện trường là bãi cỏ cách ngôi nhà có cánh cổng sắt hoa văn hình sư tử không xa.

Két nằm đó, gối đầu lên đôi giày của em. Khuôn mặt bợt bạt, mệt mỏi. Cánh tay trái buông thõng xuống bãi cỏ. Cổ tay máu tụ lại, thâm đen. Két đã kết liễu đời mình bằng cái cách quen thuộc mà các con nghiện vẫn làm: dùng dao lam cứa mạch máu ở cổ tay.

“Trong máy điện thoại của cô ấy, tin nhắn của anh là tin cuối cùng. Anh giúp chúng tôi xác định lai lịch cô ấy chứ?”.

Tất nhiên rồi, Hoàng gật đầu và lặng lẽ đi theo mấy người mặc đồng phục cảnh sát. Khi Hoàng về đến tòa soạn thì cả Ban thư ký đang nháo nhác lên vì anh.

Thư ký tòa soạn bảo:

“Đang sử dụng phương án đưa bài khác với một lời xin lỗi ma mị, lừa dối. Cậu chơi trò ú tim như thế này khối người đột tử đấy”.

Hoàng quẳng đĩa mềm cho ông anh quý hóa rồi lao vào toalet rửa mặt. Có lẽ phải làm một tách càphê cho bớt căng thẳng. Đang định băng qua đường để sang quán cà phê đối diện trụ sở tòa báo thì lại có chuông điện thoại.

“Anh Hoàng à, tôi là Vĩnh, một người bạn của Diệu. Tôi vừa ở nhà xác bệnh viện thành phố. Tôi muốn gặp anh được không?”

Vĩnh? Người bạn trai có ý nghĩa nhất đối với Két đây ư?

Hoàng đồng ý và hẹn anh ta đến quán cà phê. Qua Vĩnh, chắc chắn chân dung của Két sẽ hiện lên đầy đủ và trọn vẹn.

Anh ta vừa gọi Két là gì nhỉ? Diệu! Cái tên đẹp quá.

Vũ điệu latinh mà em ưa thích cũng rất đẹp, tràn trề nhựa sống, bay bổng và lãng mạn, mạnh mẽ và hư ảo...

Vậy mà em đã không chịu sống hết tuổi Người.

Câu chuyện vớ vẩn mà Hoàng bịa ra liệu có liên quan gì đến cái chết của Diệu không?

Chúa ơi! Ở thế giới bên kia, những người không chịu sống hết tuổi Người liệu có bị trừng phạt?

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.