Đánh giá
Cuộc thi Đi giữa đường thơm đã diễn ra được hai mùa (năm 2019 và 2022). Đến với cuộc thi này, thí sinh dự thi sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc, kịch, múa, cải lương hoặc các hình thức biểu diễn sân khấu khác được cải biên từ tác phẩm văn học. Đi giữa đường thơm luôn hy vọng rằng sẽ ngày càng đưa sứ mệnh lan tỏa tình yêu văn học và văn hóa dân tộc của chương trình lan rộng khắp trong cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Các thí sinh của Vòng Chung Khảo chụp hình lưu niệm cùng Ban giám khảo
Ngày 4.12 vừa qua, tại Hội trường Nhân văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) - ĐHQG TP.HCM, vòng chung khảo cuộc thi Trình diễn các tác phẩm văn học và Âm nhạc dân tộc Đi giữa đường thơm mùa 2 đã diễn ra thành công tốt đẹp cùng với sự góp mặt của đông đảo các bạn sinh viên đến tham dự.
Đặc biệt, Hội đồng Ban giám khảo là những chuyên gia văn học, sân khấu dày dặn kinh nghiệm, gồm có: TS. Đào Lê Na - Trưởng Bộ môn Sáng tác và phê bình sân khấu - điện ảnh khoa Văn học, ĐH KHXH&NV TP.HCM; TS.NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng - Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP.HCM; TS. Vũ Thị Phương - Phó trưởng khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật Trường Đại học Văn hóa TP.HCM và nhà biên kịch Nguyễn Đức Bình - Hội viên Hội Điện ảnh TP.HCM.
Tại vòng chung khảo cuộc thi, 10 tiết mục xuất sắc nhất đã có những màn thể hiện vô cùng ấn tượng và mãn nhãn người xem. Sau một hành trình dài, với biết bao tâm huyết và cố gắng, các thí sinh trình diễn xuất sắc đã nhận được những giải thưởng có giá trị của cuộc thi: Giải Quán quân thuộc về nhóm Hương Ngọc Lan với tiết mục Đời thừa; Á quân thuộc về nhóm Vân Du với tiết mục Xúy Vân; Quý quân thuộc về sinh viên Phạm Nguyên Chương với tiết mục Yêu thầy; hai giải khuyến khích thuộc về sinh viên Nguyễn Đức Huy với tiết mục Con cò và sinh viên Cao Thị Hoàng Yến với tiết mục Chuồn chuồn ớt. Đồng thời hạng mục giải thưởng phụ của cuộc thi Tiết mục được yêu thích nhất cũng thuộc về sinh viên Cao Thị Hoàng Yến với tiết mục Lý mười thương.
Hai giám khảo NSƯT Hải Phượng (bìa trái) và Nhà biên kịch Nguyễn Đức Bình (bìa phải) trao giải quán quân cho Nhóm kịch Hương Ngọc Lan với tác phẩm kịch Đời Thừa, dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao
TS Lê Quang Trường, Trưởng khoa văn Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc Gia TP.HCM đại diện BTC cuộc thi tặng hoa và quà lưu niệm BGK Đi giữa đường thơm
Ở sân khấu của Đi giữa đường thơm mùa 2, văn học và âm nhạc dân tộc đã được vang lên một cách ấn tượng. Những màn trình diễn được dàn dựng công phu và độc đáo được các bạn thí sinh lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học như: Đời thừa (Nam Cao), Mùa lúa chín (Nguyễn Khoa Đăng), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Kim Nham,... và các loại hình âm nhạc dân tộc như: hát chầu văn Cô đôi thượng ngàn, dân ca Bắc bộ Chuồn chuồn ớt, trích đoạn cải lương Yêu thầy...
Đi giữa đường thơm không ngừng khuyến khích các bạn sinh viên thỏa sức sáng tạo cũng như tìm tòi về các truyền thống dân tộc và văn học nghệ thuật. Ở Đi giữa đường thơm mùa 2, không chỉ có các bạn thí sinh thể hiện hết mình với đam mê mà các bạn khán giả còn có dịp thưởng thức, chìm đắm vào không gian văn học nghệ thuật và âm nhạc dân tộc ấn tượng.
TS.Đào Lê Na chia sẻ tại chương trình: “Điều khiến mình cảm thấy rất vui là cuộc thi Đi giữa đường thơm không chỉ là sân chơi mà sau đó những điều các bạn sinh viên làm cho văn học, âm nhạc dân tộc là rất đáng trân trọng”. Bên cạnh đó, TS.Đào Lê Na cũng bày tỏ cảm xúc hân hoan khi chính các thí sinh Đi giữa đường thơm đã tạo nên các tiết mục tại cuộc thi và đóng góp tiếng nói vào sự phát triển chung của đời sống văn hóa tinh thần đương đại trong cộng đồng.
Một số tiết mục tại cuộc thi Đi giữa đường thơm
Nối tiếp những thành công từ mùa 1, lần quay trở lại này, Đi giữa đường thơm đã khoác lên trên mình một diện mạo mới, mang đến một nguồn năng lượng tích cực mới dành cho các bạn trẻ. Năm nay, song song với hạng mục dự thi trình diễn các tác phẩm văn học, Đi giữa đường thơm có thêm hạng mục trình diễn âm nhạc dân tộc nhằm đẩy mạnh niềm say mê của các bạn trẻ với nền văn hóa nước nhà và còn nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com