chan_dung-ke_si

ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

30-09-2024

Lượt xem 1371

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Trọng Nghĩa

ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

Minh họa Nguyễn Ngọc Thuần

Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...

Trên xe bốn người, cả bốn đều có vẻ sang trọng: ông sang trọng nhứt cũng đồng thời là ông lớn tuổi nhứt.

Nói lớn tuổi bởi dáng ông hơi lụm cụm chớ tóc vẫn đen, răng vẫn đều, ăn bận vẫn model nhờ vào thời trang và công nghệ hiện đại. Ông sang trọng nhì tóc để dài, ăn mặc bụi, có dáng nghệ sĩ. Chú sang trọng ít (sau đây xin gọi ông Nhứt, ông Nhì, chú Ít cho tiện) tuổi cũng không còn ít, nếu sống ở nông thôn chú cũng đã là người ngồi mâm trên mỗi khi có tiệc tùng giỗ quảy. Tuy nhiên bởi chú là dân thị thành nên hai ông già cùng đi coi chú như con nít, còn lại anh tài xế cũng chẳng kém phần sang trọng. Thử bắt bốn ông đứng xếp hàng thì việc chỉ ra ai là tài xế thiết nghĩ cũng không phải chuyện dễ. 

Nước để coi tất nhiên không phải nước thường, thứ mà hằng ngày ta vẫn ăn uống tắm giặt. Nước đó... tuy cũng là nước nhưng nồng nặc mùi hóa chất, nóng lạnh một cách nhân tạo, lại phun ra từ trong tường thì có gì đáng coi? Nước đáng coi nhất thiết phải tự nhiên, mênh mông, dữ dội và thứ nước hùng vĩ đó ở miền Tây mới có, mỗi năm chỉ một mùa - một món đặc sản khổng lồ của tạo hóa.

Đi coi nước - đó là một chuyến công cán chớ không phải đi chơi. Xác định rõ mục tiêu nên nhóm người sang trọng trên (trừ anh tài xế chỉ mỗi nhiệm vụ lái xe) đã lên lịch từ trước đó khá lâu và chính ông Nhứt, người chủ động cả về thời gian lẫn tài chính, đã kịp chuẩn bị mọi thứ. Xe đi từ sáng sớm và đích đến của họ là Thị Trấn, có khả năng sẽ nằm giữa rún nước. Theo lịch, tại đây, sau khi coi nước đã đời họ sẽ có một bữa tiệc với mấy món đặc sản địa phương chỉ mùa này mới có mà họ đã trù tính trước, dùng với loại thức uống phù hợp mà ông Nhứt đã chu đáo cụ bị mang theo. Chương trình kế tiếp tùy cơ ứng biến, trường hợp nước không còn hấp dẫn nữa thì về! Tuy nhiên, để đến được Thị Trấn cũng đâu phải chuyện đơn giản, nghĩa là muốn coi được thứ nước thiệt, nhóm người sang trọng trên còn phải nỗ lực nhiều.

Đêm đầu tiên họ phải ngủ lại ở chân núi. Tại đây họ được biết trên ngọn núi này người ta đang xây dựng một khu vui chơi cũng thật đáng để coi. Nhưng tính đi tính lại, cái đáng coi hơn cả vẫn là nước và ông Nhứt quyết định bỏ lại ngọn núi phía sau, tiến thẳng vào rún nước. Chẳng bao lâu thì nước bắt đầu bao vây họ.

Con đường độc đạo dẫn vào Thị Trấn bình thường cao hơn mặt ruộng đến ba bốn mét giờ đây nước cũng đã khỏa bằng, chỉ còn nhận ra nhờ vào hàng cột điện thưa thớt. Trừ ngọn núi họ vừa bỏ lại phía sau, còn lại phía trước, bên trái, bên phải dài đến mút tầm mắt toàn nước, nhà chỉ còn ló nóc, cây cối chỉ còn nhận ra phần ngọn của những loại cây cao, sóng đuổi nhau từng lượn lớn, chim chấp chới từng đàn trên sóng để bắt mồi. Xa xa, mấy chiếc xuồng câu bập bềnh, nhỏ tí tẹo tựa những chiếc lá tre... Cảnh vật đẹp một cách mê hồn, tưởng chỉ có ở thời khai thiên lập địa.

Nước vầy mới là nước chớ!

Hai ông Nhứt, Nhì bắt đầu chụp ảnh. Ông Nhì chụp bằng máy di động nhưng chất lượng hình ảnh chẳng thua máy ảnh thứ thiệt vì di động của ông “xịn”. Họ bấm liên hồi vì loại máy nào cũng xài kỹ thuật số. Chú Ít nhìn bốn bề nước rồi tự hỏi ngoài vài người rải rác trên mấy chiếc xuồng câu tí tẹo kia, số dân còn lại họ đi đâu hết rồi? Và giữa bốn bề nước như vầy họ sống bằng cách nào? Tất nhiên là khó khăn trăm bề cho mọi thứ sinh hoạt, có cả những thảm họa như hàng loạt trẻ con bị chết đuối. Tuy vậy nước năm nào cũng nổi và cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn...

Chiếc xe của họ vẫn kiên trì bám theo hàng cột điện. Nhìn từ xa nó như thứ đồ chơi nổi lên giữa biển nước. Đích đến là Thị Trấn quả không dễ dàng đạt được như dự định, muốn hỏi han cũng chẳng biết hỏi ai. May sao, cuối cùng họ cũng gặp được đôi vợ chồng, có lẽ vậy, trên chiếc xuồng câu nhỏ.

“Ới, đây tới Thị Trấn còn bao xa nữa?” - trong xe hỏi. Trên xuồng không nghe vì khoảng cách còn khá xa, vì sóng và vì gió. Câu hỏi được lặp lại, lớn hơn. Lần này họ mơ hồ nghe được câu đáp vẳng lại từ xuồng: “Còn xa lắm!...”, rồi chiếc xuồng câu của đôi vợ chồng cũng nhanh chóng biến thành cái lá tre. Xuất hiện tiếp theo là đám trẻ bốn năm đứa, tuổi khoảng chục đổ lại, mỗi đứa ngồi trên lưng một con trâu, còn dẫn theo cả năm sáu con khác. Chúng đang điều khiển đàn trâu từ biển nước tiếp cận với con đường độc đạo dẫn vào Thị Trấn. A, chúng đang đem trâu đi “len”! Đứa nào đứa nấy ướt loi ngoi, quần áo tả tơi, tóc xơ xác nhưng gương mặt thì tươi rói. Đàn trâu ngơ ngác nhìn chiếc xe hơi, ngược lại đám trẻ chăn trâu thì vui mừng, chúng chỉ trỏ và kêu la í ới.

Mấy người sang trọng trong xe trìu mến nhìn lũ trẻ, không loại trừ khả năng họ bắt gặp ở chúng một chút gì đó tuổi thơ của mình. “Trầm nghịch đã đời hén!”; “Ai bảo chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chớ”; “Nhìn tụi nó mà tội nghiệp cho con mình, suốt ngày ngồi trong phòng lạnh khư khư ôm cái máy tính. Rầu!” - trong xe bình luận. “Nước nôi kiểu này rồi làm sao tụi nó học hành ta?” - cũng trong xe tự vấn.

Hai bên nhích lại gần nhau. Trong xe giơ máy ảnh chụp lia lịa. Trên lưng trâu đám trẻ khoái chí cười toe toét. Đàn trâu cảnh giác thận trọng xếp hàng một khi qua mặt chiếc xe hơi. “Ê, có học hành gì hôn tụi bây?” - trong xe hỏi. “Học hành gì?” - trên lưng trâu hỏi lại. “Biết chữ chớ?” - trong xe hỏi. “Biết làm gì?” - trên lưng trâu hỏi lại. “Ê, Thị Trấn còn cách bao xa?” - trong xe hỏi. “Còn xa lắm...” - trên lưng trâu trả lời. Xe và nhóm người sang trọng tiến về phía trước, trâu và đám trẻ yêu đời lùi lại phía sau.

“Còn xa lắm” là bao xa? Nước ngày càng nhiều hơn. Hàng cột điện ngày càng thưa thớt. Tiến thoái lưỡng nan. Kiểu này khả năng tiếp cận Thị Trấn coi mòi khó thực hiện được và như vậy bữa tiệc với món đặc sản được trù tính cũng sẽ vuột khỏi tầm tay. Không tiệc tùng được ngay giữa rún nước kể cũng tiếc. Tuy nhiên, nhóm người sang trọng trong xe tức thời đưa ra phương án dự phòng: cũng coi nước, nhưng coi từ trên cao.

Họ quay lại. Quả thật, đâu đó trên đỉnh núi người ta đang xây khu vui chơi. Chưa biết công trình quy mô cỡ nào, chỉ mục kích mỗi việc bạt núi làm đường dẫn đã phải kính nể. Trước đây muốn lên đến lưng chừng núi người ta phải trèo cả mấy ngày, giờ nhóm người sang trọng chỉ mất khoảng mười phút ngồi xe hơi. Tất nhiên họ không lên đỉnh làm gì bởi họ đâu còn trẻ.

Sau khi coi nước đã đời từ bốn phía núi theo đường trôn ốc (nước nhìn từ trên cao cũng có cái thi vị của nó. Hóa ra đó đây vẫn còn vài thảm xanh vốn có thể là những cánh rừng nhưng giờ đây chỉ vật vờ như rong rêu, từng hàng cột điện dọc các tỉnh lộ giờ giống như những dải đài câu ai đó vừa mới cắm, những mái chùa cong vút từng uy nghiêm một thời giờ thảm hại như thứ đồ chơi bằng gốm của một hòn non bộ...), họ dừng xe bên ngôi quán nghèo dựa lưng vào vách núi. Một sự tương phản giữa sạch - dơ, sang - hèn thấy rõ khi nhóm khách kéo vào quán.

Tuy vậy khách không tỏ ra khó chịu mà có thái độ hòa đồng. Quán không đủ ghế ngồi thì họ thay phiên nhau đứng, không đủ chén đũa thì họ bốc tay, rau không có nước rửa thì họ bảo rau rừng cần gì rửa. Nước mắm không có à? Thì thay bằng muối. Nhưng muối cũng hết, phải đi mua. Chị chủ quán cầm tờ tiền ngoắt thằng con: “Đạt, đi mua cho má 500 đồng muối”. Nhóm khách tưởng chị sai ai, hóa ra đó là thằng nhóc chừng ba tuổi, đứng cao hơn con chó con một chút nhưng gương mặt cực kỳ lanh lợi. Chị bảo đảm nó làm được (đi mua muối) khi khách tỏ ý nghi ngờ.

Thằng Đạt đi. Thức ăn thức uống bày sẵn chỉ còn chờ muối. Mười lăm phút, hai mươi phút. Thằng Đạt vẫn không về. Để đỡ sốt ruột, chú Ít kể một câu chuyện hầu giết thời gian, chú bảo mới đây có đọc bài báo, nói rằng đầu năm tới Viện Khảo cổ học Hoa Kỳ sẽ xuất bản cuốn sách của một tay tiến sĩ người Mỹ viết về Việt Nam. Trong sách, tay tiến sĩ này quả quyết rằng tại nơi họ đang ngồi đây hơn 2.000 năm trước đã từng tồn tại nghề nấu muối truyền thống của người Việt cổ, và để chứng minh được điều đó anh ta đã phải lang thang qua rất nhiều bảo tàng muối trên thế giới để tìm tài liệu tham khảo. Chị chủ quán nằm ôm đứa em gái mới đẻ của thằng Đạt trên võng, chăm chú nghe nhưng chắc không hiểu gì. Ông Nhứt phán: “Tào lao!” mà không biết ông phán bài báo hay phán tay tiến sĩ.

30 phút trôi qua, khi khách bắt đầu sốt ruột và lo lắng thì thằng Đạt về, áo thun ba lỗ quần cụt, hai chân như hai cọng tăm, gương mặt biết lỗi. “Muối đâu?” - mẹ nó hỏi. Thằng Đạt tự hào chìa bịch muối vẫn giấu sau lưng. “Sao hổng ngủ ở đẳng luôn đi, về làm gì” - mẹ nó mắng. “Coi đá gà” - nó giải thích. Khách cười ồ vỗ tay khen ngợi: “Thằng này ngon à nghen! Tướng trời đây!”. Ông Nhì lấy di động ra bấm lia lịa cảnh thằng Đạt đi giữa các con thú nuôi trong nhà như gà, chó, mèo mà chẳng thấy nó nổi trội hơn bao nhiêu, duy đôi mắt thì tròn xoe long lanh của đứa khôn trước tuổi.

“Bà chủ quê ở đâu, năm nay mấy mươi rồi?” - khách vừa ăn uống vừa hỏi. “Quê con ở tuốt dưới Hải Minh lận. Còn tuổi mới 25 à”. “Vậy thì đồng hương với tui. Mà sao trôi dạt lên tới trên này?” - chú Ít hỏi. “Bởi, cũng tại nghe lời thằng chả...” - chị chủ nhà thở dài. Khách chẳng những sang trọng mà còn thông minh. Chỉ qua một câu trả lời phần nào họ đã đoán được câu chuyện có thể là nguyên nhân dẫn đến cái kết cục buộc đôi vợ chồng trẻ phải nương náu nơi ngôi quán nghèo heo hút dựa lưng vào vách núi này. “Mà ổng đâu rồi? Ổng nhậu không bà chủ?” - khách hỏi. “Ối, như cái hũ chìm, mấy chú ơi!”.

Khách ăn uống no say. Khi chuẩn bị ra xe thì “Cái hũ chìm” của chị chủ quán cũng vừa về tới. Anh đi đứng không còn vững nữa. Hóa ra anh là thợ chụp ảnh cho khách du lịch, tướng tá khá phong lưu, xem chừng không hợp vai ông chủ ngôi quán quá nghèo nàn và vai chồng, cha của đám vợ con khá nheo nhóc. Chủ say gặp khách cũng say nên “tình thương mến thương” diễn ra ở mức độ trên bình thường. Họ chụp nhiều ảnh lưu niệm. Anh chủ quán, dù mọi động tác không còn chính xác, vẫn cố bấm róc rách cái máy ảnh cơ cổ lỗ đến mức người ta có quyền nghi ngờ trong máy không có phim. Xe đi xa vẫn còn thấy anh đứng xiên xẹo, vẫy tay, ngực lủng lẳng cái máy ảnh, bên cạnh là thằng Đạt chỉ cao quá gối cha nó một chút.

Như vậy là kết thúc chương trình đi coi nước, chuyến đi có thuận lợi, trở ngại; có cái rủi, cái may - đó là sự thường, chẳng cần đúc kết hoặc rút kinh nghiệm.

Nhưng có lẽ điều mà chú Ít lấy làm hài lòng nhứt sau cuộc ngao du sơn thủy này là khi chi trả cho cuộc ăn nhậu. Trong đời chú nhiều lần cho tiền kẻ nọ kẻ kia, những đồng tiền sòng phẳng, vô tri, không cảm xúc. Riêng lần này khi nhón mớ tiền đưa cho chị chủ quán mà không cần đếm, chú thấy tay mình run, lòng nghèn nghẹn một cảm giác hạnh phúc hiếm khi gặp. Rốt lại thì chú cũng làm được điều tốt cho người đồng hương ít may mắn của mình.

Trong xe, trên đường về, ông Nhì mở máy di động xem lại những hình ảnh mà ông đã chụp được trong chuyến đi: cảnh đồng nước mênh mông, những chiếc xuồng câu như những cái lá tre, đám trẻ chăn trâu mặt mày tươi rói... Tại ngôi quán nhỏ bên sườn núi, mấy món ăn dân dã đủ màu sắc được chụp cận cảnh nhìn thật đẹp mắt, mấy con gà đi thẩn thơ ngoài sân, cảnh chị chủ quán gầy gò nằm cho con bú trên chiếc võng lưới rách nát nhưng gương mặt thản nhiên chẳng chút lo âu, thậm chí nét hài lòng và hạnh phúc còn long lanh nơi khóe mắt.

Rồi cảnh thằng Đạt đi mua muối. Cảnh này được ông Nhì chụp nhiều và phải công nhận có những bức rất sinh động: một thằng nhóc quần đùi áo ba lỗ, đứng chỉ cao hơn con chó con một chút xíu nhưng gương mặt cực kỳ lanh lợi (“giống thằng cha nó” - lời mẹ nó) được mẹ phái đi làm công việc mang tính giao dịch thương mại, cái công việc quá lớn so với một thằng nhóc quá nhỏ.

Dù vậy, chẳng những nó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà còn biết tranh thủ thời gian ngao du tham quan đây đó (tạt dọc đường coi đá gà)! Hình ảnh tiếp theo là một loạt các hoạt động hăng hái hơi quá lố của “Cái hũ chìm”: anh chọc ghẹo, ôm hôn vợ trong khi chị phản ứng lấy lệ, miệng nở nụ cười tòng phạm; cảnh anh mân mê con cu nhỏ xíu của thằng Đạt mà thậm chí nó không thèm phản đối - chắc nó đã quá quen; cảnh anh ngả nghiêng tay cầm ly rượu tiễn khách... Tuy nhiên, bức mà nhóm người sang trọng trên xe ưng bụng nhất đó là hình ảnh thằng Đạt hiên ngang cầm bịch muối về, được đám khách thành phố khen ngợi nên nó hãnh diện cười đưa hai hàm răng sún...

 

Bài liên quan
  • Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ở xứ vô loài là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Đình Tú in trong tuyển tập Hoa Cúc Vàng, gồm các truyện ngắn hay đăng trên Tạp Chí Nhà Văn, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2007.
  • XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đức Sơn (bút danh Sao Trên Rừng - 1937-2020), một trong ba kỳ nhân của làng văn, tức ba người có cá tính kỳ dị bậc nhất làng văn, gồm Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện. Về tài năng, giới văn chương xếp Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên là tứ trụ thi ca miền Nam. Đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn, Nguyễn Đức Sơn nghỉ ngang và tuyên bố: "Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu." Năm 1979, Nguyễn Đức Sơn đưa vợ con lên đồi Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng lập nghiệp. Trên quả đồi do nhà sư Nhất Hạnh tặng, ông trải qua bốn mươi năm cùng vợ con sống như những sơn nhân. Năm 2020, ông ra đi và để lại cho Bảo Lộc một đồi thông Phương Bối tuyệt đẹp rộng 15ha do chính tay ông trồng, canh giữ, và thậm chí đổ máu để bảo vệ.
  • NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngôi đền và ông già câm là truyện ngắn trong tập truyện Khuyển Đế của nhà văn Trần Tâm xuất bản năm 2017.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tôi kéo xe là thiên phóng sự mẫu mực của nhà báo Tam Lang, in lần đầu trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1932. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua, giá trị văn học của tác phẩm vẫn nóng hổi cho tới tận ngày nay, thời mà truyền thông, mạng xã hội bùng nổ chưa từng thấy. "Nghề viết văn viết báo ở xã hội VN là nghề bạc bẽo và bấp bênh nhất. Đâm đầu vào nghề mà không có được người vợ đảm đang tháo vát, tần tảo nuôi nổi gia đình trong thời gian mình thất nghiệp vì bất mãn, vì báo bị đình bản có giới hạn hoặc thu hồi giấy phép thì chuyện treo niêu gác bếp là chuyện rất thường" - Tam Lang.
  • MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Trong suốt năm mươi năm cầm bút, nhà văn tài hoa của Miền Đông Lý Văn Sâm đã để lại một số lượng tác phẩm khá đồ sộ, bao gồm nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như Kòn Trô (1941), Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thùy (1948), Sau dãy Trường Sơn,... Năm 2007, nhà văn Lý Văn Sâm được trao Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm; Sau dãy Trường Sơn, tập truyện ngắn Sương gió biên thùy và Toàn tập Lý Văn Sâm.
  • CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuồng nuôi ngựa là truyện ngắn của nhà văn Như Phong in trên Báo Mới số 2 (ngày 15-5-1939) và số 3 (ngày 1-6-1939). Nhà văn Như Phong được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 Năm 2007.
  • NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người Thày Thuốc là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Thanh Châu, Tân Dân xuất bản năm 1938. Ông chính là tác giả của truyện ngắn Hoa Ti-gôn, vốn là khởi đầu cho một cuộc tranh luận bất tận cho tới tận ngày nay về bài thơ  “Hai sắc hoa Ti-gôn”, của nhà thơ “bí ẩn” T.T.Kh.
  • ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Từ lời khuyên của nhà văn đàn anh Vũ Bằng: “Ông viết về nông thôn không bằng cụ Tố (Ngô Tất Tố), Nam Cao, ông nên viết về nông thôn kiểu Đôi Chim Thành.", nhà văn Kim Lân đã viết một loạt truyện ngắn phóng sự rất thành công in trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy về nông thôn,  Ông Cản Ngũ, như loạt truyện khác của ông, đã lưu giữ cho đời sau biết được rằng; vào thời bị thực dân Pháp cai trị, dân ta dù bị áp bức bóc lột, vẫn có những hoạt động văn hóa, những kiến thức dân gian vô cùng sâu sắc.