chan_dung-ke_si

ĐÊM XÓM CHÙA - Truyện ngắn Đoàn Lê

29-06-2023

Lượt xem 3254

Đánh giá 3 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay

ĐÊM XÓM CHÙA - Truyện ngắn Đoàn Lê

Nhà văn Đoàn Lê (1943-2017) trong vai Hồng Vân phim Quyển vở sang trang. Bà là một trong những diễn viên tốt nghiệp khoa Diễn viên của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh khóa I cùng thời với diễn viên Trà Giang, Trần Phương, Bạch Diệp, Phi Nga, Lâm Tới...

Ðường lên trời hai mươi cây số trong đêm
Ta trót nắm tay nhau đến là dại dột...

Hạ Thảo (bút danh khác của nhà văn Đoàn Lê)          

   Tôi trở mình.

   Một cái giường xét về phương diện thực dụng cũng như đạo đức vốn được đóng cho hai người nằm, nói rõ hơn, cho một người nam cùng một người nữ của Ðấng - Tạo - Hóa. Khi phải chứa đến ba người thì độ bức bối chuyển thành giông bão không thể chịu đựng được. Tôi, chồng tôi, cô ta đã ở cả trên một cái giường. Ðương nhiên chỉ hai người là có thực, còn người kia quanh quất giữa chồng tôi với tôi. Nhưng ý nghĩa chữ thực, chữ ảo cũng bất định như hai chữ số trên quân xúc xắc. Ðôi lúc sự tồn tại của người ảo còn thực hơn cả người thực. Rất nhiều đêm tôi gặp ánh mắt chăm chắm của cô ấy nhìn đôi tay chồng tôi lần cởi khuy áo lót tôi. Tất cả bỗng lạnh giá.

   Nhạc đêm khuya thật hay. Người ta có sáng kiến đáng kể khi soạn chương trình nhạc suốt đêm cho những cái giường mất ngủ. Ðã lâu lắm tôi mới được nghe lại nét nhạc cũ... Kiệu công chúa từ xa đang tới gần khu chợ phiên ồn ào. Ai cũng biết đằng sau những tấm rèm lụa lộng lẫy dính đầy châu báu là một nhan sắc khuynh thành mơn mởn thanh xuân. Thần dân Ba Tư kính cẩn quỳ rạp bên đường chờ đám rước trang nghiêm với tiếng nhạc dìu dặt, với đoàn thị nữ tha thướt đi qua... Hỡi nàng công chúa mười sáu năm xưa, nay nàng ra sao? Nàng hạnh phúc hay bất hạnh? Ðời sống vương giả có cứu nàng thoát khỏi bi kịch cay đắng?

   Chồng tôi trở mình.

   Tôi bỗng nhớ chiều nay một con ong vàng mật săm soi quanh quẩn bên cái vì kèo chạm đầu rồng của ngôi từ đường cổ kính nhà tôi. Tiếng vo ve dai dẳng khiến tôi sinh lo ngại. Tôi bảo anh:

   - Anh nhìn xem con ong tìm gì ở đó vậy?

   - Nó tìm nơi làm tổ. Em không thấy mẩu sáp bằng hạt lạc kia ư?

   - Chẳng lẽ nó không có tổ hay sao?

   - Sao lại không. Nhưng đến một lúc nào đó chúng chia đàn, đi tìm nơi làm tổ mới.

   Tôi không nghe được hết những lời giải thích của anh ấy. Tự nhiên đầu óc tôi lãng đi. Tổ mới... chia đàn... Sau hai mươi tám năm chung sống có hai con ong cũng sắp chia đàn, tìm nơi làm tổ mới... Chuyện ấy thật khó tin. Phần lớn người ta sống theo thói quen. Như đêm đến cứ phải đi nằm dù không ngủ được. Như gần ba chục năm tôi quen sống bên cạnh anh ấy tựa bóng với hình, quen cả những lúc hình bóng co kéo vật vã để giữ cho cái tổ chúng tôi đứng vững trước sóng gió muôn mặt đời thường.

   Bởi vậy tôi thật bàng hoàng khi nghe anh ấy thổ lộ: "Em thể tất cho anh. Em thuộc con người của những hoạt động xã hội. Anh lại cần một tình yêu tầm thường thôi, một người để làm vợ anh theo nghĩa thông tục nhất". Tại sao anh ấy nhận lấy một sai lầm khó bào chữa như thế? Tôi thương anh. Giá anh chỉ nói đơn giản rằng sau gần ba mươi năm rã rời vì cuộc mưu sinh, tình cảm của chúng tôi đã rách tươm như lá cờ giữa trận tiền, không thể vá víu được nữa.

   Và sẽ không ai có lỗi nếu người ta phải chạy trốn một đời sống nhàm chán đến phát sốt.

   Dù sao con số hăm tám năm chung sống trong thời buổi này cũng đã có một độ bền xấp xỉ mức kỷ lục. Pho ái tình ấy xứng đáng đứng chung hàng ngũ những chàng lực sĩ khổng lồ. Chàng đã chiến thắng mọi gian khổ qua hai cuộc chiến tranh, cái thời chúng tôi tranh nhau phần ngoài cửa hầm tránh bom, nhường nhau nửa giường thoáng gió đêm sơ tán. Chàng khổng lồ ấy chỉ vô ý xỉa răng bằng cái kim sắt rỉ, do đó bị tê-ta-nốt chết. Ðã đành cái chết luôn diễn ra dưới muôn vàn mầu sắc, nhưng chết kiểu anh chàng ái tình to xác này thật quá lố bịch. Lẽ nào chỉ vì một dịp chồng tôi đi công tác, một dịp tình cờ gặp cô ấy, tình cờ phải nói dối... rồi tất cả tự nó chấm dứt, tất cả sụp đổ trong lặng lẽ?

   Tại sao lại ra thế này hở anh? Tôi hỏi chồng tôi đến hàng ngàn lần và lần thứ ngàn lẻ một tôi vẫn đầy ngơ ngác.

   Ông cụ bên ngành thứ, tôi thường gọi là cụ trưởng tiểu tông, mấy hôm trước sang chơi với vợ chồng tôi, khề khà chén chú chén anh một chặp, ông già gần bảy mươi tuổi mới do dự bày tỏ:

   - Thưa hai bác, dù hai bác có bảo em lẫn cẫn, em cũng cứ tình thực góp ý. Hai bác là trưởng ngành đại tông, tức thị trưởng cả Họ ta, lại đang giữ gìn hương khói từ đường thay mặt Họ tộc, làm sao đừng để trong Họ ngoài làng xì xào dị nghị. Họ ta đâu phải vô danh tiểu tốt. Các cụ Tổ được cả nước ngưỡng vọng, cả nước quan tâm. Nay di duệ sống không ra gì tránh sao khỏi tai tiếng. Xin mỗi bác cố gắng một chút.

   Tôi thật cảm kích trước tấm lòng ông. Nhưng người ta không thể cố gắng yêu. Biết đâu hăm tám năm chung sống đối với anh chẳng là một sự lưu đầy. Biết đâu bây giờ anh sẽ tìm được một chút hạnh phúc cho tuổi về già... Tôi chỉ cay đắng tự hỏi những khoảng thời gian hạnh phúc ít ỏi tôi đã trải qua cùng anh rút cục là có thật hay cũng chỉ là một con số ảo trên mặt quân xúc xắc.

   Với tôi như vậy sẽ là một kết thúc buồn. Tôi được anh dắt về đây từ một đêm huyền hoặc cổ tích. Hai mươi cây số ở một địa điểm sơ tán, chúng tôi cứ nắm tay nhau đi bộ. Tới bờ sông Hồng anh rụt rè hôn tôi, cái hôn bị kìm nén sau bao ngày tháng... Nay tình yêu ấy đã bay mất, tôi còn lý do gì ở lại đây? Tôi sẽ chia tay anh. Một người đàn bà tự trọng phải biết rút lui đúng lúc.

   Những lời cuối cùng đã nói với nhau. Tôi bảo rằng đã chuẩn bị một nơi ở mới, nhưng không báo trước sớm mai sẽ lên đường. Với mấy bộ quần áo, chẳng có gì phải chuẩn bị ồn ào. Sự ra đi sao cho giống những đợt công tác càng tốt.

   Tôi sẽ tính cách đưa con cháu đi cùng. Khu nhà thờ hương hỏa này anh ấy cần có mặt để gìn giữ. Tôi chỉ giữ lại căn phòng bên tả mặc nhà thờ, nơi đặt cái giường đôi chúng tôi đang nằm đây. Không phải để phòng lúc quay về. Ðơn giản vì tôi không muốn một người đàn bà khác bước vào phòng, nằm trên cái giường này và anh ấy sẽ nói những lời rất riêng, những lời ngớ ngẩn thơ dại, thứ ngôn từ của những đêm ân ái chúng tôi thường dùng. Ðể tránh xúc phạm cả tôi lẫn cô ấy. Dù sao mọi thứ đang còn nóng hổi. Là tôi vẫn nghĩ anh ấy thuộc diện đàn ông có tâm hồn nhạy cảm.

   Tôi trở mình.

   Tích tắc! Tích tắc! Tiếng cái đồng hồ treo tường kiên nhẫn đếm từng khắc mất ngủ. Gần nửa năm nay, nó thao thức cùng tôi, rất khẽ khàng, trung thành. Một tặng vật tôi giữ làm kỷ niệm. Ngày mai phải nhớ cho nó vào va ly. Trong căn phòng rồi sẽ khóa cửa im ỉm, bụi bặm dần phủ mờ mọi dấu vết tôi, nó ở lại sẽ giống như một trái tim thoi thóp giữa đống phế tích. Tội nghiệp nó.

   Gần nửa năm, quãng thời gian không phải ngắn, đủ để anh ấy suy nghĩ quyết định. Và chồng tôi đã nói rằng anh trót lỡ nặng lời hứa hẹn với cô ta, anh không muốn trở thành người lừa dối.

   Gần nửa năm, quãng thời gian đủ dài để tôi cân nhắc trước quyết định chia tay. Nếu phải ra đi, điều tôi sợ là ở phía đứa con trai duy nhất của chúng tôi. Tuy nó đã lấy vợ lại mới sinh một cháu bé gái đầu lòng, nhưng cái tiểu gia đình ấy thật mỏng manh dễ vỡ. Chúng đang còn như những đứa trẻ chơi trò vợ chồng. Tôi đã không ngăn được một đám cưới xảy ra ba năm trước đây. Rút cục một thiên thần bé bỏng ra đời ngoài sự lựa chọn của chính mình.

   Chồng tôi năn nỉ: Hãy ở lại với con cháu. Cũng đừng khắt khe với anh. Coi như anh đã chết rồi vậy.

   Chồng tôi tính lầm. Những ngày sống của tôi không còn dài lắm. Với thứ bệnh tai ngược tôi đang mang trong người, sự chịu đựng cùng những cơn trầm uất sẽ nhanh chóng cướp nốt cái mẩu quỹ thời gian ít ỏi tôi còn lại. Mà với một quyết tâm sắt đá tôi phải sống, sống để vớt vát gây gột cho đứa trẻ mới rời nôi kia. Như thế tôi đã nhìn thấy trước những số phận nó...

   Ôi hai con mắt đen láy tươi cười nhìn tôi như những đốm nắng rực rỡ chiếu sáng căn phòng u tối tâm hồn tôi. Ngay khi bà đỡ quấn vội mảnh tã cho nó rồi trao vào tay tôi, tôi đã linh cảm rằng cái sinh vật đỏ hỏn vừa mới chào đời sẽ gắn chặt với đời tôi như một tiền duyên từ kiếp trước.

   Những ngày đầu mẹ nó nhiều sữa quá, mỗi khi cho con bú chỉ ngừng năm phút đã phải dứt ra. Thời gian còn lại con bé mút mát vú bà cho đỡ cơn thèm. Và bao giờ cũng thế, khi con bé cuống quýt rúc vào ngực tôi, vồ vập núm vú, nún lấy nún để, tôi bỗng muốn khóc vì một cảm giác sung sướng khó tả. Như thể thiên chức thiêng liêng của người đàn bà đơn giản chỉ là cái nhồn nhột rạo rực đang dâng lên trong ngực tôi từ từ từng chút một... dâng lên nóng hai vai, lên cổ, lên má và tê dại xâm chiếm tận từng ngọn tóc. Tôi ngồi bất động thấm đẫm niềm ngọt ngào nồng nàn của những bản thánh ca vang đâu đó trong một khoảng không gian mơ hồ... Rồi ngọn triều êm đềm rút xuống, rất chậm. Thân thể tôi thoắt trong veo, mềm tựa bông. Con bé ngừng nún từng quãng ngắn. Cái nốt nghỉ ngân nga lâu dần đến lúc tự đôi môi nhỏ xíu rời ngực tôi. Nó đã ngủ. Tôi khe khẽ hít lấy mùi thơm gây của bàn tay bé tí nắm chặt. Tôi không rời mắt khỏi cái miệng ươn ướt, đôi lúc vẫn nhóp nhép núm vú trong tưởng tượng.

   Tôi ngồi như vậy hàng giờ, say mê không chán. Ðó là quãng thời gian sung sướng nhất. Tôi thong thả ngẫm nghĩ về lẽ huyền diệu của trời đất, ngồi xem cái sinh vật mình đang bồng ẵm che chở lúc này đang nhích dần vào thế giới hỉ nộ ái lạc của con người. Mười hai bà mụ đang dạy nó nheo mày, nhíu mắt, cười khóc trong mơ.

   Ðêm đêm tôi đặt tay lên đầu con bé thì thầm niệm Phật: "Nam mô Ðại từ Ðại bi Cứu khổ cứu nạn Quan thế âm Bồ tát...". Lòng tôi thổn thức nhận ra sự mộ đạo chân thành bất ngờ của chính mình. Tôi chỉ nguyện một điều: Xin các đấng từ bi hãy cứu mọi khổ nạn cho sinh linh bé bỏng này. Xin để tôi gánh chịu mọi tai ương nghiệp chướng của số phận nó. Trong giây phút huyền nhiệm ấy tôi có cảm giác một luồng điện từ lòng tay tôi đang truyền sang cơ thể con bé qua nơi được gọi là huyệt Bách hội, là Luân xa số bảy.

   Hồi gia đình tôi chưa xảy chuyện, không hiểu nghĩ ngợi ra sao, tôi đã vẽ bức tranh Thiên đường. Trên một hoang mạc cát có đứa hài đồng ngồi cô đơn, lưng quay về phía nắng chiều. Bên cạnh nơi nó ngồi rải rác những mảnh vỡ của một cái bình cổ. Những mảnh vỡ này ngập chìm dưới cát bụi làm biến mất một phần họa tiết được khắc trên đó. Chân trời mờ mịt gió lốc trắng xóa.

   Dù tôi vẽ phía sau đứa trẻ nhưng ai cũng nhận ra con bé cháu nội chưa đầy hai tuổi của tôi. Tôi đã lấy nó làm mẫu. Nhìn vẻ cô đơn đến thắt lòng của Thiên đường, sau này tôi chợt hiểu đó là một điềm báo chẳng lành. Lẽ ra tôi không được nảy ý nghĩ ví von Thượng đế với đứa trẻ côi cút, một mình lặng lẽ giữa hoang mạc với những mảnh vỡ quá khứ vàng son.

   Tôi luôn tin vào những điềm báo. Tôi đã có những giấc mơ ứng nghiệm lạ lùng. Ví như tôi phát hiện chuyện dan díu của anh ấy cũng nhờ một giấc mơ báo trước. Trước giấc mơ tôi hoàn toàn tin vào sự thủy chung của chồng tôi. Nhưng tôi mơ thấy người đàn bà lạ đang uốn éo quyến rũ anh ấy vào chuyện sa ngã. Hai ngày sau nhờ một bức ảnh tôi tình cờ biết được sự thật như thế. Cũng những tình tiết y hệt tôi mơ.

   Không thể giải thích được. Tôi biết rất nhiều câu hát ru, nhưng không hiểu tại sao cứ ôm cháu tôi lại buột miệng hát:

Con cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về...

   Ðến bây giờ con bé cũng ngọng nghịu véo von: "Ton tỏ đi đón tơn mưa...", đó cũng lại là một điềm báo.

   Ðến bây giờ tôi hiểu cơn mưa giông mù mịt đang sắp ập xuống đầu con cò tội nghiệp của tôi.

   Mỗi lời ru ẩn chứa một tâm sự với nhiều biến thể tùy theo cảnh ngộ người hát. Ngày xửa ngày xưa cũng trên một cánh võng đay cũ kỹ, tôi nhớ như in tiếng mẹ trầm bổng vời vợi hát ru em gái tôi:

Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng...

   Con gái một cụ chánh tổng, mẹ làm dâu nhà nội tôi từ thuở mười lăm. Ba chục năm sau mẹ chiều ý chồng đội lễ đi hỏi vợ lẽ cho ông. Tôi cứ mãi hình dung con đê chiều mùa thu, cỏ bông lau phơ phất, từ bãi dâu bên kia sông tiếng gọi đò tha thiết vẳng sang, mẹ cùng một bà cô già lầm lũi đi. Tráp quả mang trầu cau, cân chè, mẹ đội trên đầu đè nặng từng bước. Nặng hơn nỗi buồn nức nở trong lòng mẹ. Như thể mẹ đang mang trái tim mình đi tới nơi hiến tế cho một thói tục, âm thầm nhẫn nhục.

   Mẹ ơi, cớ sao mẹ cam làm hạt cơm nguội, cái hạt cơm hẩm hiu khiến tim con buốt nhói suốt một đời, khi con nghĩ về mẹ?

   Chồng tôi trở mình.

   Anh ấy cũng không ngủ ư? Hay anh đã đoán được sáng sớm mai tôi đi, lần ra đi mãi mãi? Càng hay. Tôi rất muốn tránh sự sướt mướt.

   Nghe đâu cô ta đã ba con, đứa lớn sắp gả chồng. Năm ngoái anh chồng bỏ cô ta để sống với một cô gái mới ngoài hai mươi tuổi... Rõ cái vòng luẩn quẩn!

   Thuở nhỏ tôi có người bạn trai tên Báu, con ông cụ hàng mã nổi tiếng phố chợ. Báu rất chiều tôi. Một rằm trung thu cậu tự tay làm cái đèn kéo quân thật đặc biệt để tặng tôi. Nhưng Báu không cho phép tò mò xem cậu chuẩn bị. Suốt nửa tháng trời tôi nài nỉ, giận dỗi, đòi được tham gia, nhưng Báu nhất định giữ bí mật. Khi mọi thứ sắp xong, Báu nhặt những sợi tóc rụng dài nhất lúc tôi chải đầu để buộc lũ hình nhân giấy. Báu nói phải buộc bằng chính tóc tôi đèn mới dễ quay. "Tớ đã phù phép như thế đấy".

   Ðúng đêm rằm trung thu, mặc những tiếng trống thì thùng ngoài sân đình, Báu cầm cái đèn vẫn còn được che bọc kỹ rủ tôi ra cầu đá sông Cái để "làm lễ" khánh thành. Tôi sốt ruột tưởng phát điên, luýnh quýnh chạy theo Báu.

   Cầu đá ngay đầu làng tôi, nơi một dải sông xanh biếc êm đềm chạy qua. Lúc này mặt nước gọn gió như mang trong lòng sông cả triệu ngọn lửa vàng rực.

   Ðã đến giây phút long trọng tháo gỡ giấy bọc món đồ chơi thần kỳ. Cậu ta vẫn còn hành tôi, bắt lấy tay che mặt. Nhưng vừa nghe tiếng giấy loạt xoạt tôi đã mở bừng mắt. Trời ơi, quả thật trước mắt tôi là một báu vật chưa hề xuất hiện trên thế gian này. Dưới ánh trăng cái đèn kéo quân rực rỡ lóng lánh những giấy trang kim, tựa hồ nó được dát vàng dát bạc. Tôi mê mẩn nhìn, thậm chí nghẹt thở... Phải nói rằng cái đèn kéo quân ấy là món đồ chơi quyến rũ nhất tôi từng nhìn thấy. Cho đến giờ tôi vẫn không thể quên, dù nó chỉ tồn tại trong chốc lát.

   - Rồi cậu sẽ thấy một điều tuyệt vời ngay bây giờ.

   Báu khéo léo đốt một ngọn nến, cắm vào giữa trụ đèn hình lục lăng. Ngọn lửa làm bừng sáng mầu đỏ huyền hoặc của giấy bóng kính. Mầu đỏ đột ngột choàng lấy hai đứa chúng tôi tựa hồ nó nhuộm cả không gian chung quanh, kéo chúng tôi vào một thế giới bí ẩn. Và khi ngọn nến được thắp lên, trong giây lát tất cả lũ hình nhân bằng giấy cắt bỗng rùng rùng chuyển động. Trước con mắt kinh ngạc của tôi thoắt hiện ra đoàn kỵ binh với cờ bay phấp phới đang truy đuổi quân giặc. Tưởng đâu đây nghe rõ tiếng vó ngựa dồn dập, vũ bão. Tiếp đến chàng Kim Trọng nôn nóng lướt tới hàng liễu rủ, nơi cô Thúy Kiều thướt tha e lệ lùi dần  về phía sau như thể chạy trốn. Bên bờ sông Ngân Hà nàng Chức Nữ cắm cúi dệt vải. Ngưu Lang bên sông dắt trâu đứng ngóng. Cặp vợ chồng ấy trôi nhanh cùng dải sông sao giữa một khoảng cách trời đày. Rồi chú rể chuột gò lưng phóng ngựa nước đại, kéo theo sau một bầy rước dâu chấp chới kèn, lọng.

   Cái vòng quay đã hút tất cả hồn vía tôi. Thật bõ công mỏi mòn chờ đợi. Tôi không còn biết đến trăng thu vằng vặc trên đầu, mặt nước lấp lánh phía dưới. Mắt tôi dán chặt vào món đồ chơi phi thường để mặc cho Báu được nắm tay tôi vuốt ve dịu dàng.

   Thế rồi đến phút thế giới mộng ảo của tôi sụp đổ. ở giữa một vòng quay tôi bỗng rụng rời phát hiện nàng Thúy Kiều biến đâu mất. "Ơ này, cậu xem này..." Tôi chưa kịp chỉ cho Báu thì chú rể chuột cũng không còn. Vài vòng quay sau, đoàn quân dũng mãnh rơi rụng dần tựa hồ bị địch bắn tỉa.

   Tôi hét lên một tiếng.

   - Nóng lâu quá tóc cậu bị cháy mất rồi... Tớ xin lỗi... Báu nói như khóc.

    Phải mất một lúc tôi mới hoàn hồn, trống ngực dịu xuống, nước mắt tự dưng ứa ra. Một nỗi buồn giận xâm chiếm tôi. Và thường ngày đành hanh với Báu thành quen, tôi luồn tay xuống dưới lồng đèn, giật đứt những mảnh giấy bám lủng lẳng, những hình nhân mới đó còn là Thúy Kiều, Kim Trọng, Ngưu Lang, Chức Nữ... Trước đôi mắt rầu rĩ của Báu, tôi thả từng hình nhân xuống dòng nước chảy xiết phía dưới, hờn dỗi, không để Báu kịp phân trần.

   Hơn bốn chục năm đã qua, tự nhiên đêm nay tôi nhớ lại chuyện cái đèn kéo quân tới từng chi tiết... ồ vâng, sự Ðứt là quy luật tối thượng. Rồi sẽ đến lúc định mệnh buông tha chúng ta khỏi vòng quay luẩn quẩn, từng người một rơi rụng chẳng khác lũ hình nhân giấy.

   Tháng trước trong khi chờ đợi chuyện này ngã ngũ, tôi nhận lời mời đi làm bộ phim tài liệu ở Quảng Ninh.

   "... Rất cần một khoảng không gian xa cách, một khoảng thời gian yên tĩnh để người nọ ngẫm nghĩ về người kia, bình tĩnh tìm ra giải pháp tốt đẹp nhất..."

   Tôi đã đọc những lời khuyên đại loại như vậy ở hàng chục tờ báo. Dạo này tình hình ly hôn tới mức báo động, tờ báo nào cũng có ít nhất một bài khéo léo khuyên nhủ mọi người nên khôn ngoan giữ lấy hạnh phúc gia đình. Tôi sinh ra vồ vập nhiều tờ báo mang chất tâm giao. Bài Người phụ nữ làm gì khi có chồng ngoại tình thậm chí được tôi cắt giữ, coi như một cẩm nang.

    Quảng Ninh là vùng đất tôi bỏ quên từ thuở mười ba. Bởi duy nhất một lần năm mười ba tuổi tôi theo lớp học sinh đi nghỉ hè, tham quan mỏ than để trau dồi tinh thần lao động. Sau này tôi lang thang làm phim gần khắp đất nước, nhưng chưa một lần trở lại Quảng Ninh. Tôi hy vọng sẽ được gặp lại ngôi biệt thự mầu vôi vàng sáng rực trên sườn núi với những vòm cột kiểu kiến trúc Gô-tích, gặp lại mảnh sân có cột cờ, những luống hoa sân nhà ủy ban, nơi hồi đó tôi chôn cất một con chim chết.

   Nhưng tất cả đã khác xưa. Không còn Bãi Cháy mơ màng giữa làn sương  buông trắng đồi sim nữa. Bãi Cháy giờ ồn ào náo nhiệt với đủ mọi kiểu khách sạn, nhà nghỉ, nhìn đến chóng mặt.

   Tuy vậy con đường xuống mỏ Mông Dương còn giữ được vẻ hoang vắng thơ mộng của vùng thiên nhiên chưa bị khai phá. Mươi mái nhà bên sườn non yên tĩnh. Một cây gạo đỏ rực giữa những mảng xanh uyển chuyển âm u. Tôi cho hạ máy quay, xuống ô-tô, làm một cảnh toàn lia thật chậm.

   Tôi nói với anh bạn quay phim người địa phương:

   - Sau cảnh này anh cho máy vào gần ngôi nhà sát chân núi kia kìa. Ðàn gà con đang tha thẩn  giữa sân đấy. Giá có người mẹ trẻ cho con bú trên cái võng ngoài thềm nữa kia thì tuyệt... Tôi rất thèm được ở một ngôi nhà nhỏ dưới chân núi như thế.

   Anh bạn quay phim nhìn tôi một giây chăm chú, hơi mỉm cười.

   - Chị có biết cơn bão năm ngoái đã cuốn rơi đá, đè sập một ngôi nhà dưới chân núi. Hai vợ chồng trẻ cùng đứa con năm tuổi chết ngay bên mâm cơm.

   Hình như bằng lời nói thiếu đồng cảm của mình, anh ta muốn dội một gáo nước lạnh vào thói lãng mạn tôi buột ra. Tôi bẽn lẽn. Cảm ơn anh.

   Tôi chẳng giữ được ấn tượng gì về cuốn phim tài liệu đó. Tôi hào hứng với chuyến đi vì một lý do riêng. Tôi muốn tìm kiếm một người đàn bà chưa biết mặt.

   Cũng nhờ dò hỏi anh quay phim người địa phương, tôi may mắn tìm thấy ngôi nhà bên bến sông, nơi những thuyền gỗ, sà lan thu gom than trôi nổi tư nhân. Ðó là một gian hàng bán tạp phẩm, thức ăn, gạo mắm cho những thuyền đỗ dưới bến. Chủ hàng, người đàn bà đứng tuổi với gương mặt héo úa bỗng rạng rỡ hẳn lên khi tôi tự giới thiệu mình ở Hãng phim X. đang trên đường đi công tác.

   - Thế ư? Ngày xưa khi còn trong đoàn văn công tỉnh, mình đã từng tham gia đóng phim đấy nhé.

   Người đàn bà ấy không bao giờ biết chính vì lý do đó tôi đã lặn lội đi tìm chị ta. Ðương nhiên chị cũng không biết tôi thật sự là ai, dưới một cái tên giả.

    Câu chuyện thăm hỏi được tôi dắt dẫn vòng vo cho tới lúc chị nhắc tới tên chồng tôi.

   - Em biết không, tay ấy trước là người yêu của chị. Gớm, mê nhau lắm, một hai sống chết quyết lấy nhau. Nhưng khi gia đình tay ấy mang lễ ra đây ăn hỏi, không hiểu ông bố mình nhìn tướng mạo thế nào, nhất định không nhận lễ, không cho lấy. Ôi chao, giá mà...

   Chị ta bỏ dở câu nói, mắt đẫm buồn. Tôi thương cho sự tiếc nuối dại dột ấy. Ðôi khi dở dang không phải là không may mắn. Như tôi, thà dở dang ngay khi chúng tôi cùng nhau từ nơi cơ quan sơ tán về Hà Nội đêm đó!

   Tôi không biết mình đã nhỏ nhen theo thói đàn bà, sợ người tình cũ của anh ấy hả hê, hay tôi muốn giữ cho hình ảnh anh ấy mãi đẹp trong tâm khảm người đàn bà này, tôi đã không hé lộ tí gì chuyện đã xảy ra giữa chúng tôi, mặc dù chị ta gặng hỏi tha thiết.

   - ở lại ăn cơm với chị đi. Ngồi đây buồn đến nhão người ra, chẳng biết trò chuyện cùng ai cả em ạ.

   Chị ta không ngờ kém tôi đến ba tuổi, vẫn ngọt ngào xưng chị rất tự nhiên. Tôi không hề phản đối, sợ chị ngượng. Chị ta chóng phai tàn hơn tôi hình dung.

   Tôi ra về vẫn không tìm được lời giải cho lòng hiếu kỳ. Anh ấy muốn tìm hiểu gì ở những người đàn bà anh yêu? Những người đàn bà, kể cả tôi đã đặt tình yêu vào con người này vì sao?

   Tôi chấm dứt đợt quay ở đảo khỉ một hòn đảo cách bờ vịnh không xa. Tôi đã chộp được những cảnh sinh hoạt của lũ khỉ thật sinh động. Hàng ngàn con khỉ được nuôi dưỡng ở đây để cống hiến vắc-xin chống bại liệt cho con trẻ.

   "Chúa đảo khỉ" là một người đàn ông dễ mến. ở trên hòn đảo này cùng vợ con gần hết đời người, anh đã thuộc tính nết từng thần dân của mình, chăm sóc chúng với một tình thương rất lạ.

   - Chúng chẳng khác con người là mấy đâu chị. Kia, chị có thấy con khỉ vàng nhạt đang nấp ở cành cụt cây trứng cá kia không? Chị để ý kỹ nhé... Ðấy...

   Con khỉ vàng nhạt ló đầu rình một cặp mẹ con khỉ khác ôm nhau quấn quýt trên chạc cây bên cạnh. Ông chúa đảo phát một tín hiệu bằng thứ âm thanh lạ hoắc, ném quả chuối đang cầm tay xuống gốc cây. Con khỉ mẹ do dự một chút rồi nhẹ nhàng đặt chú khỉ tí hon bám lấy cành cây, nó đu mình nhảy xuống nhặt quả chuối. Con khỉ vàng nhạt chỉ chờ lúc đó, lao vội đến chỗ chú khỉ tí hon, vồ vập ôm ấp hít ngửi. Con mẹ quay lại thấy vậy lập tức buông rơi quả chuối, lăn xả cào cấu kẻ trộm. Tiếng chí chóe đan xen nhau. Con khỉ vàng nhạt xoay mình chịu trận lôi đình của khỉ mẹ, cố hôn hít chú tí hon đến cùng. Nhưng rốt cục nó vẫn phải bỏ chạy. Khỉ mẹ ôm chặt khỉ con sờ nắn, nâng niu. Thỉnh thoảng nó ngoái nhìn, nhe răng gừ con khỉ vàng nhạt vẫn còn lởn vởn cạnh đó.

   - Cô khỉ cái vàng nhạt vô sinh ấy suốt ngày rình mò dỗ dành bế ẵm con của bạn nó. Tội nghiệp, lắm khi bị cắn xé máu chảy ròng ròng, phải bắt về băng bó. Ðám khỉ mẹ yêu con ghê gớm lắm chị ạ. Chẳng may con nó bệnh chết, nó cứ khư khư ôm chặt mà kêu gào kỳ đến lúc cái xác thối rữa, không cho gỡ ra. Tôi nghĩ khỉ sợ mùi mắm tôm có lẽ do vậy chăng.

   Tôi ngẫm nghĩ về những con khỉ. May cho chúng không bị đảo lộn đời sống như con người.

   Vị chúa tể đảo kể cho tôi nghe rằng chuyện tình của khỉ cũng đầy thi vị. Mùa thu, mùa tình yêu, những chú khỉ đực chia từng bộ lạc đánh nhau chí tử để tranh giành bạn tình. Những bạn tình đã gắn bó sẽ sống chết với nhau đến hết đời. Anh kể, hồi chiến tranh ác liệt nhất đàn khỉ phải chia đôi, sơ tán một nửa sang đảo đá bên cạnh, cách xa đây khoảng nửa cây số mặt biển. Người ta không ngờ đã chia rẽ những cặp tình nhân. Thế rồi đột nhiên có những con khỉ cứ leo lên tít ngọn cây cao, hướng về phía đảo đá kêu gào, không chịu ăn uống cho tới lúc chết lả. Ngược lại phía đảo đá có những chú khỉ đực nhào xuống biển bơi về đây. Người bạn tình bên này thương cảm các chàng đuối sức cũng lao ra. Chúng ôm nhau chết đuối giữa mênh mông sóng nước. Không phải lúc nào thuyền cứu hộ của chúa đảo cũng cứu được hết.

   Ngồi trên thuyền rời khỏi đảo khỉ tôi chợt mơ mộng. Tôi hình dung lúc này người ta đang nháo nhác tìm tôi. Tôi đã biến đi đâu mất tích. Người ta lùng sục từng gốc cây ngọn cỏ khắp đảo vẫn không thấy. Cuối cùng mọi người đều nghĩ tôi đã gieo mình xuống biển... Không đâu, ồ không ngu xuẩn như thế. Tôi đang khúc khích trên một cành cây cao nào đó, khẹc khẹc, chào từ biệt con người. Tôi đã ở lại đảo, nhập đàn với đồng loại hoang dã tự do.

   Tôi và chồng tôi cùng trở mình.

   Gà gáy sáng. Một bàn tay tôi chạm vào tay anh. Tự nhiên những ngón tay tôi tìm xiết chặt lấy những ngón tay anh, đan vào nhau. Tôi thấy những ngón tay của anh cũng từ từ riết chặt. Ngỡ chẳng bao giờ chúng ta lạc mất nhau phải không anh? Vĩnh biệt.

Trăm nghìn xin gửi lại
Buồn thương vô tuyệt kỳ...
Xóm núi, năm Mậu Dần
 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.