Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ
Chân Dung Kẻ Sĩ: Nguyễn Thị Thụy Vũ là nữ nhà văn người Vĩnh Long, cùng với bốn nữ nhà văn khác được xem là năm nữ tác giả viết văn hay nhất Miền Nam trước năm 1975. Sau năm 1975, chồng bà là nhà thơ Tô Thùy Yên, người có bài thơ phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng Chiều về trên phá Tam Giang qua Mỹ với chánh thất. Bà ở lại Lộc Ninh nuôi các con, trong đó có người con gái út bị liệt não từ khi hai tuổi. Bà ngừng viết văn do tác phẩm bị quy là đồi trụy. Để có tiền nuôi các con, nữ nhà văn tất tả ngược xuôi, buôn bán vặt, làm lơ xe đò, làm rẫy, chăn dê, trồng cà phê…
Chân Dung Kẻ Sĩ trân trọng giới thiệu lại tác phẩm "Đêm tối bao la" (Bà Điếc) của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ dưới đây:
DUY choàng tay qua đôi vai tôi, đôi môi chàng mẫu tro nặc mùi thuốc lá hờ hững đặt lên môi tôi. Nụ hôn chia tay này không còn nồng nàn như mấy năm về trước. Tôi lách ra khỏi vòng tay ấy, ngoái lại nhìn chàng. Da chàng trắng nhờn nhợt như da bụng con thằn lằn. Mặt chàng sần sùi và thô nặng như một tảng đá không còn làm da thịt tôi nháng lửa nữa. Đôi vai rộng và cái mông tròn của chàng ngày trước đã lôi cuốn sự chú ý của tôi. Bây giờ cuộc yêu đương hờ hững không đem đến cho nhau nhiều rung động nữa. Đàn ông đâu phải chỉ mê hoặc đàn bà ở cái vai và cái mông.
Thân thể của chàng đã xa lạ với thân thể tôi từ mấy tháng nay. Tôi muốn tìm ở đàn ông sự dịu dàng ở khuôn mặt, một lời nỉ non, một nụ hôn đơn sơ không cần có kỹ thuật. Tôi đứng nhìn Duy cho đến lúc chàng khuất sau khúc quanh của ngã tư đường rẽ lên chiếc cầu qua thành phố.
Trở vào nhà tôi ngồi lại bên cửa sổ cạnh chiếc bàn con. Trên bàn, mẫu thuốc lá hút dở còn bốc khói trong chiếc gạt tàn bằng sứ trắng. Tờ chương trình hát bóng nằm bên cạnh xâu chìa khóa của tôi. Ly cà phê còn vương chút cặn đen ngòm dưới đây. Tôi đã từ chối không làm một cuộc phiến du với chàng vào chiều thứ bảy này vì không thích đến những nơi đông người. Tiếng nhạc ầm ĩ ở rạp chớp bóng sẽ làm thần kinh tôi căng thẳng. Tôi thích ngồi một mình ngắm dòng sông vào mùa nước nổi. Mối buồn bâng quơ của tôi dâng lên ăm ắp như nước sông đầy.
Gần cửa sổ, những chùm hoa hoàng lan lủng lẳng trên cành. Mùi thơm thoang thoảng bay khắp mặt sân ùa tới gian phòng ngủ. Mặt trời đang giãy chết bên kia sông. Những tia nắng cuối cùng đỏ nhạt đang run rẩy trên mái lá. Gió sông ập vào cửa làm tóc tôi bay bay. Những ý nghĩ về Duy rối rắm như mớ tóc trước gió này. Vài con dơi từ mái ngói uốn cong bay vụt ra sông. Sự vắng ngắt của buổi chiều ôm chầm lấy tôi và dìm tôi muốn ngộp thở. Tôi uể oải đứng dậy đóng ầm cửa sổ rồi lửng thửng đi bách bộ một vòng quanh nhà. Bóng tối từ từ chụp lên ngôi nhà hoang vắng này. Gió sông lùa cơn lạnh vào xương sống tôi và làm cứng nó lại.
Duy đem lại cho tôi những gì? Một gương mặt lì lợm không nói lên được một cảm xúc nào? Hay chỉ là một không khí ấm áp ít oi không thể làm tôi yêu đời hơn một phân hay một ly nào?
Cứ thường mỗi buổi chiều, khi tiếng chuông của một ngôi chùa xa âm u vọng tới và khi bóng tối bắt đầu bôi xóa lem luốt những cành cây sà bên khung cửa sổ, mái nhà và dòng sông tôi vụt có một ý tưởng rằng: Cơ khổ! Tại sao tôi cứ ở đây, bên dòng sông quen thuộc, nhàm mắt trước cuộc sinh hoạt âm thầm của lối xóm và trong ảo tưởng lạnh lẽo? Tôi phải rời khỏi bóng tối của căn nhà này, rời bóng chập chờn của rèm sáo, đàn dơi trong nắng chiều, những quyển sách nhức cả đầu và cái ám ảnh vu vơ, nặng nề để tôi muốn nghẹt thở từ bao lâu rồi.
Cuộc đời sắp tới của tôi sẽ gồm có gì? Một người chồng không phải là Duy? Những ngày bình thản? Hay chỉ là nếp sinh hoạt lạnh lẽo gồm nỗi cô đơn này xỏ khoen vào nỗi cô đơn khác như sợi dây lòi tói? Tôi đi lần ra sân trước ngắt vài đóa hoa “nở ngày” màu tím thẫm đem cắm vào lọ sành màu lục, thắp ngọn đèn Huê Kỳ đặt giữa nhà. Rồi đốt nén nhang và rót nước cúng Phật. Khói nhang bay nghi ngút. Tôi không biết mình phải khấn gì giữa buổi chiều ảm đạm này. Đôi mắt Phật Quan Âm lạnh lùng hướng về tôi.
Tôi đi từng bàn thờ ông bà, cắm mỗi nơi vài cây nhang trầm. Trở lại bàn Phật tôi cầm chiếc dùi đánh nhẹ vào cái chuông đồng rồi có cảm tưởng như mình là một ni cô giữa khung cảnh trang nghiêm này. Trên kèo nhà, con cắc kè há cái miệng đỏ thén như ngậm lửa hưởng về tôi, chậm rãi kêu lãnh lót. Má tôi thường nói: “Khi cắc kè kêu thì mình phải đếm như thế này: tiếng đầu thì hên hai là xuôi, ba là may còn tiếng thứ tư là rủi. Nhưng thực là vô duyên. Lúc nào con các kè khốn nạn này cũng chấm câu vẫn chỉ bốn tiếng.
Cầm đèn đi vào phòng ngủ, tôi ngồi lại bàn viết, dở chồng sách cũ. Tôi nghĩ mình nên ghi những cảm tưởng lên giấy. Từ lâu tôi có cao vọng viết một tập tùy bút lẫn truyện ngắn. Ở ngoài đời tôi thất bại, cô đơn. Chắc hẳn văn chương không cấm những giấc mơ lẫn ảo tưởng của tôi thao túng, vẽ vời. Những nhân vật đàn ông của tôi, phần nhiều nói ra thêm thẹn toàn là các anh chàng đẹp trai, có phong độ. Và tôi không ngần ngại chui vào truyện để làm những mỹ nhân để bắt bồ với họ. Chuyện tầm thường quá, có tốn kém chăng là sự xúc cảm vu vơ của tôi suốt đêm mà thôi. Vậy mà nó giúp tôi không nghĩ đến hiện tại. Còn bây giờ thì tôi hơi mỏi mệt.
Tôi vặn đèn nhỏ lại rồi vào giường. Từ nhỏ, tôi sợ bóng tối chụp lấy tôi. Ánh sáng vàng vọt của đèn chong sẽ làm tôi bớt sợ hãi. Vắng vẻ quá! Tiếng chuột chí chóe ở đâu đây. Lấy mền trùm kín lên tận cổ tôi cố nhắm mắt mong cho cơn buồn ngủ từ từ xâm nhập vào người tôi và những ray rức vụn vặt kia sẽ lụi dần... o O o
ΤΗÌNH LÌNH tiếng đấm cửa đùng đùng tiếp theo sự la thất thanh kêu cứu:
– Mợ Hai ơi! Con Linh bị mấy thằng thợ sửa cầu hãm hiếp, máu me ra đây quần nè. Mở cửa mau đi!
Tôi tung mển, nhảy phóc xuống giường chạy ù ra cửa. Tiếng lắc chốt và tiếng tay đấm mạnh vang dội. Tôi kinh hãi mở vội cửa. Dưới ánh đèn Hoa Kỳ trên tay tôi, nét mặt nhăn nheo như trái vải khô của bà Điếc, cái miệng méo lệch và đôi mắt mở của bà trừng trừng như lạc vào một thế giới nào. Bà há hốc miệng và tiếp tục la. Tôi nắm tay bà gọi giật:
– Bà Bảy, tôi đây nè! Má tôi đã đi làm ăn xa. Còn tôi... có ai làm gì tôi đâu?
Bà dằn tay tôi ra, giọng bà lạc hẳn:
– Rõ ràng tôi thấy đang bị...
Bà ngừng lại, nhướng mắt đỏ ngầu nhìn tôi. Tôi hét to hơn để cho bà nghe rõ:
– Tôi đây! Má tôi đâu có ở nhà. Bộ bà quên rồi sao?
Mắt bà vẫn dán lên mặt tôi. Đôi mắt bà chệch xuống sau một cơn kinh phong. Những tia máu nằm vắt ngang trên tròng trắng và mắt bà nổi phồng lên như sắp rớt ra khỏi lỗ mắt.
Tôi nắm vai bà lắc mạnh, hét:
– Tôi đây, tôi đây nè!
Bà Điếc vẫn la thất thanh:
– Ai cứu nó. Trời ơi! Nó là con gái mà...
Nhìn đôi tay run rẩy của bà. Tôi chợt hiểu. Bây giờ là lúc bà đang sống ở một trạng thái mê loạn, quái đản. Tôi gào lên:
– Tỉnh dậy đi bà! Tôi đâu có đi ra khỏi nhà.
Bà Điếc ngẩn người một lúc rồi nhếch cái miệng méo xệch, không còn một chiếc răng giống hệch cái miệng rùa, cười tỉnh cơn mê:
– Vậy hả! Mày không việc gì sao? Tao thấy...
Tôi đặt tay lên vai bà dỗ dành và đưa bà về cái chòi nằm dưới gốc liễu già cạnh nhà.
– Vào ngủ đi bà!
o O o
NHÀ tôi nằm bên dòng sông Long Hồ. Trước nhà là con đường cán đá xanh không tráng nhựa. Chỉ một chiếc cyclo máy vượt qua cũng đủ làm cho lớp cát bụi có dịp bốc lên và bay tản mác vào thềm nhà. Bên kia đường, một thửa vườn hoang xen lác đác vài mẫu rẫy chạy dài hút mắt. Những ngôi mộ đất nằm rải rác dưới mấy tầng dương thưa lá.
Vào ngày nắng ráo, vài con quạ đứng rỉa lông. Thỉnh thoảng chúng cao hứng kêu thét lên. Tiếng kêu khàn, chát khuấy động bầu không khi oi ả, lặng lẽ. Bên những lập rau chưa trồng vài đống un bốc khói làm mờ đục cả một góc vườn. Khi trận mưa dứt, bọn sóc, nheng phóng từ cành cây cổ thụ này sang cây cổ thụ kia. Đó cũng là nơi trú ẩn của lũ chồn đèn lẫn chồn mướp để rồi đêm đến chúng lẻn vào xóm bắt gà vịt.
Nhà tôi ít khi mở cửa. Mặt tiền tối om om vì nền cao mà mái thấp. Trên nóc nhà những cụm rêu xanh mượt, mịn như trải nhung. Vài ba cây cỏ dại lẫn rau càng cua mọc trong lòng máng xối.
Ba má tôi đi làm ăn xa tận miền đất đỏ và em gái tôi đã đi lấy chồng ở Rạch Giá. Là phận em, nó hỗn hào, dám lấy chồng trước chị. Chuyện đó làm tôi ngượng với chòm xóm khi họ hỏi tôi chừng nào cho họ ăn trầu. Lúc nào tôi cũng rùn vai bảo rằng không thích lấy chồng, trong khi đó tôi cảm thấy bị chế nhạo sau lưng.
Còn lại mình tôi và bà Điếc thay phiên nhau là giữ phận nhang khói cho ngôi nhà hương hỏa này. Bà Điếc không ở chung với tôi, chỉ thích một ngôi nhà riêng biệt nên má tôi cất cho bà cái chòi lá nhỏ ở cạnh bờ sông. Giữa bà Điếc và tôi có hai giang sơn riêng biệt. Bà chỉ giúp tôi quét dọn và làm cỏ trước sân.
Hồi còn con gái, bà đã theo bà nội tôi từ Mỹ Tho về nhà này làm dâu phụ. (Ngày xưa những cô gái nhà giàu thường có mang theo cô phù dâu về nhà chồng). Vì mồ côi cha mẹ, bà bằng lòng theo bà nội tôi đến một xứ lạ hoắc. Ngày bà còn trẻ, nhiều trai tráng hàng xóm thường lui tới với bà. Trong số những người đi qua đời bà, chỉ có ông Tư chăn dê kiêm người tài xế của ông nội tôi, là mối tình chánh. Đứa con gái của hai người khi được hai tuổi thì chết vì bị chứng ban đen và chẳng bao lâu ông Tư mắc phải bịnh dịch tả cũng qua đời. Chưa bao giờ bà có ý nghĩ ra khỏi gia đình tôi, nơi đó đã đem lại cho bà nhiều kỷ niệm vui buồn suốt đời làm tôi tớ.
Bà thường tâm sự với má tôi:
– Mợ Hai à! Thầy bói nói bàn tay tui có đồng tiền vạn nhựt. Số tui phải ở đây hoài, nếu ra đi sẽ khổ sở hơn.
Sau cái chết của ông Tư chăn dê, bà gian díu với ông Năm Còm bạn chè chén của ông Tư. Ông này tặng cho bà một thứ bệnh ngặt ngèo làm ung mủ cả hai chân răng và chúng thi nhau rời khỏi nướu của bà. Bà được đưa vào nhà thương và kết quả là bà phải bị mổ tử cung. Cái đốc giọng của bà cũng bị rụng mất. Tiếng nói của bà lại ngọng nghệu.
Sau cơn bệnh ấy, bà mất cả thăng bằng. Tính tình gắt gao, nóng nảy. Cách giải phẫu của y sĩ chẳng những không làm tình dục bà tắt đi, mà trái lại còn chạm thêm củi đuốc để cho cơn cuồng loạn xác thịt của bà chồm lên cao. Bà khao khát đàn ông đến nỗi không còn biết hổ thẹn là gì nữa.
Tôi không rõ bà Điếc đã đến đây được bao nhiều năm rồi. Khi tôi còn thơ ấu thì tóc bà có vài sợi bạc. Những nếp nhăn trên mặt bà như nếp nhăn chiếc lồng đèn giấy. Tuy vậy, bà vẫn tỉa lông mày, đánh lên đôi má nhăn nheo một chút phấn bột. Thỉnh thoảng tôi nhìn trộm bà đang tẩn mẩn trước tấm gương con. Hai hàng lông mày của bà cong và nhỏ mức như hai sợi chỉ. Bà thích mặc chiếc áo màu sặc sở bó sát lấy cái thân khô đét như cây da. Bao nhiêu tiền má tôi cho đều quy về ăn diện, dù số tiền quá ít chỉ đủ ăn quà vặt. Bà quên hẳn mình già.
Tánh tình bất thường của bà Điếc càng lúc càng tăng.
Một hôm, gần cận Tết, má tôi gọi một ông tá điền ở tận dưới quê lên giúp chăm sóc và quét dọn nhà cửa đề chuẩn bị nước năm mới. Ông Tư Tấn đã ngoài sáu mươi nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Mặt ông lúc nào cũng đỏ au như vừa uống rượu mạnh. Tóc ông trắng như phủ một lớp muối bọt, Ông có thói quen sau ngày làm việc cặm cụi là thường lấy cây đờn cò ra dạo vài bản Kim Tiền. Tiếng đàn ấy tuy không dội được vào tai bà Điếc nhưng bà thích thú ngồi ngắm ông Tư Tấn kéo đờn và thỉnh thoảng đôi mắt lõm sâu của bà tình tứ hướng về ông. Ông Tư Tấn đắc ý với tiếng đờn trầm bổng của mình; chốc chốc ông lại gật đầu theo tiếng nhịp nằm gọn giữa lồng bàn chân khẳng khiu của ông. Ông lỏn lẻn cười đáp lại với bà…
o O o
SAU vài cuộc tình ái phất phơ, bây giờ tôi mệt mỏi thật sự. Tôi bất chấp dư luận để sống, mà rồi vẫn cô đơn. Tìm được kẻ mà mình đắc ý, tính cho chàng ta đắc cử vào giấy hôn thú thì tôi gặp cảnh hụt đôi luôn luôn. Bây giờ, tôi bám vào Duy để lấp vào những ngày trống rỗng. Chàng nhạt nhẽo quá. Tôi lại mơ cao để rồi số tuổi càng ngày càng chồng chất theo nỗi chán chường.
Bây giờ, tôi sống bên bà già bịnh hoạn, khủng khiếp như thế này, ngôi nhà rộng và hiu quạnh như cái chùa. Em gái tôi lâu lâu về thăm nhà. Một con đàn bà trống trải, ngu muội. Nó thường nói toẹt rằng:
– Các cô chưa chồng nhìn phớt qua thì thấy trẻ, nhưng xem kỹ lại thì chát ngầm.
Tôi soi kiếng, xót xa. Con gái chỉ có một thời. Tôi đã đánh mất cái hấp dẫn tươi trẻ. Mình mẩy càng ngày càng đầy ra, co kéo suông đuột như cây cột nhà. Đã lùn lại mập. Con em gái chẳng tha, có dịp lại quở:
– Chị giống như con heo thiến.
Uống dấm, cữ ăn mà tôi vẫn “giàu sang” về thịt mỡ. Lại nữa, đã làm thân con gái, tôi lại sanh vào năm Dần. Bất lợi biết bao! Đi đâu, tôi khai rằng mình tuổi Mùi, làm con dê cho bớt khủng khiếp trong số mười hai con vật tượng trưng cho mỗi tuổi trong một con giáp. Các chàng thích bắt bồ với tôi không mảy may tính chuyện trầu cau vì sợ tôi ăn hiếp lúc về sống chung. Cái thứ đàn bà tuổi Dần cao số thật.
Thôi! Tôi chẳng tính chẳng mơ gì nữa.
Cứ ăn uống thỏa thích. Dầu sao mình vẫn còn có Duy, già nhơn ngãi non vợ chồng. Nhiều lúc đưa tay rờ bụng, vòng eo mà mình muốn đi hiến máu để làm phước. Tuy vậy Duy vẫn nịnh hỗn, cho rằng da tôi mát rượi như bánh đúc, mịn như sa-ten.
Tôi chán viết văn. Văn chương nào phải là cái cớ để cho phụ nữ giải tỏa ẩn ức. May mà tôi không đem bài vở đăng báo. Có một chàng văn sĩ đòi bạt tai lũ đàn bà cầm bút, hăm he đuổi họ trở về chỗ bếp núc và chỗ ngồi lê đôi mách. Thái độ du côn đó chẳng những không làm tôi giận mà tôi còn mê chàng nữa, rồi vẽ ra trong óc là chàng đẹp trai hấp dẫn như James Bond hay chàng điệp viên 007.
Một hôm bà Điếc gọi ông thợ hớt tóc dạo đi ngang qua nhà. Bà đưa cho ông ta năm đồng nhờ cạo lông mặt. Ông thợ cạo hơi do dự. Tôi giục:
– Ông cứ làm cho bả vui lòng.
Bà Điếc bắt cái ghế đầu chễm chệ ngồi bên lu nước mưa. Ông thợ cao quàng trước ngực bà chiếc choàng trắng rồi ông ta cầm cái bông phấn xoa nhẹ trên da mặt. Lưỡi dao sáng, mỏng được rút từ trong bao da. Ông liếc dao soèn soẹt trên bàn tay chai cứng rồi dùng hai ngón tay banh những nếp nhăn chìm sâu trên màu da mặt đen xẫm của bà Điếc. Bầy con nít xúm coi như xem đám hát Sơn Đông. Vì ỷ mình là một khai quốc công thần của gia đình tôi, nên bà tha hồ muốn làm gì thì làm. Ai cũng nể bà vì tuổi tác và cho những trò lố bịch của bà là trạng thái sanh tật của tuổi già. Có lần bà túm áo má tôi quật xuống thềm nhà vì má tôi cản không cho bà đi uốn tóc. Tuy đã ngoài sáu mươi tuổi nhưng bà còn mạnh lắm. Má tôi bị đánh bất ngờ nên ngã quỵ. Lúc đầu tôi và em gái tôi đứng xem sự tranh sức của hai người rồi cười ngất vì tưởng thế nào má tôi cũng quất bả sụm. Nhưng bất ngờ bà Điếc dìm má tôi xuống và leo lên mình đấm đá túi bụi. Cuối cùng má tôi kêu cứu:
– Tụi bây đứng đó nhăn răng cười được hả? Để bả giết tao luôn đi.
Chúng tôi xông vào gỡ tay bà Điếc nhưng vì cơn cười của hai chị em tôi sôi sùng sục nên không đủ sức mạnh rứt bà rời khỏi má tôi. Thấy chúng tôi vào can, bà la to vu khống:
– Bớ làng xã, bớ mà tà, mẹ con nó giết tui!
Hàng xóm nghe la chạy sang rồi đó hai ba người hì hục tiếp chúng tôi lôi xểnh bà Điếc. Tay bà vẫn ghì chặt lấy áo má tôi miệng không ngớt chửi rùm lên:
– Mồ tổ cha nó, ai cũng binh nó hết.
Hàng xóm được dịp cười đùa bàn tán, không khí vui tươi có cơ hội hâm sôi lên trong khu xóm buồn tẻ này.
Khi ông Tư Tấn trở về quê với vợ con bà tư lự suốt mấy tháng. Bà không buồn ngó ngàng đến công việc nhà. Má tôi phải nấu cơm và hầu hạ bà như mẹ chồng. Biết hàng xóm vì nể má tôi nên bà càng có dịp chưởi mắng họ vô duyên cớ. Chẳng ai có phản ứng gì. Trái lại những lời nguyền rủa của bà biến thành những câu hài hước. Bà nghi ngờ ai cũng mê ông Tư Tấn nên bà ghen tương đáo để.
Một buổi sáng bà xách gáo xuống cầu gội đầu. Tóc bà đã bạc hơn nửa mái đầu. Gội đầu xong, bà vào thay bộ đồ lục soạn trắng lớp rồi đội khăn the màu hường õng ẹo đi chợ. Tôi chặn lại hỏi:
– Bà Bảy đi đâu sớm vậy?
Bà nguýt tôi một cái:
– Tao đi uốn tóc. Khéo hỏi!
Tôi vịn vai bà can:
– Bữa nay Chúa nhựt tiệm uốn tóc đóng cửa hết rồi.
Tôi cố nhịn cười để cố làm cho bà tin tưởng, nhưng bà nhìn tôi lộ vẻ nghi ngờ. Cô bạn láng giềng của tôi chơi ác kề tai bà:
– Chị Linh nói gạt, bà đi mau để người ta uốn cho kịp.
Bà gạt phắt tay tôi, phủi đít rồi ngoe nguẩy đi một nước. Khi đứng trước cửa tiệm, bà len lén nhìn vào, rồi cố bạo dạn bước vô trong.
Bà chủ ngồi ở quầy hàng cất tiếng hỏi:
– Bà kiếm ai?
– Tui đi uốn tóc. Giá bao nhiêu?
Bà chủ ngạc nhiên hỏi vặn:
– Phải có người nhà bằng lòng chúng tôi mới dám uốn tóc cho bà.
Bà trả lời đầy giọng cương quyết:
– Tui có tiền để trả cho cô mà.
Trong khi bà chủ còn đang cố giải thích cho bà Điểc hiểu thì tôi và cô bạn đạp xe đạp chạy như bay đi lùng mấy tiệm uốn tóc. Vừa thò đầu vào hiệu Nam Hiệp, chúng tôi thấy hai người đang bàn qua cãi lại. Tôi không dám nói năng với bà chủ tiệm chỉ sợ bà Điếc biết tôi vào cản mũi. Tôi giục Thảnh (cô bạn láng giềng) cho bà chủ biết rằng bà Điếc khật khùng. Bà chủ nhoẽn miệng cười rồi khẽ gật đầu. Bà Điếc nhìn Thảnh rồi quay sang bà chủ tiệm cố lắng nghe sự đối thoại giữa hai người. Sau rốt, bị từ chối, bà Điếc đoán được sự có mặt của Thảnh nơi đây. Bà nguýt dài bà chủ tiệm rồi bỏ ra về.
Hai đứa tôi đã lỏn về trước. Vào nhà tôi và vào phòng đọc sách lắng nghe từng tiếng động của bà trước thềm nhà. Bà rì rầm chửi rủa một mình. Không thấy tôi đâu, bà xông vào buồng lục kiếm. Tiếng guốc lộp cộp của bà lần về cửa buồng. Tôi cố giữ vẻ thản nhiên chúi mũi vào quyển sách. Bà chỉ về phía tôi nhiếc:
– Cái con này nó vô dang (bà muốn nối vô duyên) ghê! Tao đi uốn tóc mắc mớ gì mầy mà mầy xúi con Thảnh qua cản trở? Sao mày biết uốn tóc mà mầy cấm cản tao hả con mập kia? Con chó thiến này làm chuyện lãng òm...
Cố nén tràng cười đang chực tuông ra, tôi chối phắt:
– Nãy giờ tôi ở nhà, đâu có xúi biểu ai đâu.
Bà chẳng chịu tha:
– Mầy cứ sợ ai cũng ngộ hơn mầy nên mày ganh ghét tao. Thấy cái bản mặt phì lũ của mày mà ứa gan...
Tôi vẫn lặng thinh. Mắng nhiếc chán, bà trở về căn nhà nhỏ lầm bầm rủa sả suốt buổi. Không ngờ bà Điệc có địch thủ để ganh duyên đọ sắc. Tội nghiệp! Kẻ đó lại là tôi...
Rồi một cái Tết trôi qua. Lật bật đã đến ngày đưa ông Táo. Trước nhà mấy chậu hồng và thược dược đua nhau nở vào buổi sáng. Tôi đang ngồi tỉa những cánh lá úa, Thảnh nảy ra ý kiến mời bác thợ chụp hình chụp cho tôi vài kiểu. Tôi bác bỏ ý kiến chụp hình ngoài trời vì bữa hôm đó trời âm u quá, và tôi đề nghị cắt vài bông hồng kết thành một bouquet đem vào tiệm chụp lấy rõ mặt mũi.
Để điểm trang cho bó hoa, tôi tẩn mẩn cột vào một cái nơ lụa màu thiên thanh.
Bây giờ thì tới phiên tôi ngồi vào gương đánh phấn nước, kẻ hai bên lông mày cho mặt sáng lên. Đôi môi của tôi được tô bằng một thứ son đỏ hoét. Trang điểm xong, tôi nhìn vào gương ngắm nghía lần chót, hai đuôi lông mày tôi về đậm xách ngược giống như mày của Liz Taylor. Tôi mím đôi môi làm duyên và chọn cho mình một góc cạnh khác hẳn để tránh chưng cái mặt đầy thịt hai bên má như cái bánh bao. Tạm hài lòng về cách hóa trang của mình, chúng tôi đi qua tiệm hình cách nhà vài ba mươi thước. Thảnh trịnh trọng gói bó bông lại cẩn thận.
Tôi ngồi trước máy hình do sự đạo diễn của ông ba Tàu. Ông ta xoay đầu tôi nghiêng bên này bên kia để ngắm nghía. Chưa vừa lòng, ông sửa lại bó bông trên tay tôi.
Tôi áp bó bông vào má. Thú thật tôi không dám cười vì có mặc cảm cái miệng mình rộng như miệng cá vồ, nên cố mím môi lại cho nó mỏng bớt và cho đôi mắt mơ màng huyền ảo thêm.
Về nhà, trước gương tôi cố diễn lại cái màn cũ, ngồi ưỡn ẹo bên bó bông rồi tự mãn chờ ngày lấy hình.
Như mọi chiều thứ bảy, Duy trở lại thăm tôi. Trên tay chàng, tờ báo Điện Ảnh cuốn tròn. Chúng tôi ngồi cạnh cửa sổ hướng ra sông. Tôi dành tờ báo và lật vội. Hình anh chàng Hercule đưa cái ngực dầy và những bắp thịt ở bụng chia làm sáu mảnh nổi bật lên. Quay lại nhìn Duy. Ồ! Cái bụng của chàng cao lên như cái mả mới đắp.
– Anh bự con, nếu anh cố tập thể thao thì chẳng bao lâu ngực anh sẽ nở, nhứt là bụng anh sẽ chia ra làm sáu miếng như bụng Hercule.
Duy nhìn tôi rồi nhìn xuống cái bụng binh rỉnh như giấu cái nồi trong áo. Chàng cười:
– Bụng phải để cho nó thống nhất một khối thì mới mạnh được. Chia ra nhiều khối e mất tinh thần đoàn kết đi.
Trước vẻ yên lặng bất mãn của tôi, Duy lấy thuốc lá ra đốt. Tôi vẫn dán mắt vào tờ Điện Ảnh. Những chuyện không đâu cũng dễ đem đến cho nhau những bất mãn. Những cuộc gặp gỡ như thể đã giết lần những tình cảm tốt đẹp. Không khí buồn tẻ nhốt chúng tôi. Tôi cảm thấy sắp chết ngộp, cần phải giãy dụa để thoát.
Thảnh đem hình về. Mấy con bạn láng giềng giành nhau coi. Chúng nó suýt soa khen hoa đẹp, cái nơ xinh. Cơ khổ! Chúng nó quên cái điều quan trọng nhất là khen hình tôi. Tôi giành lấy hình. Sao mà đôi môi tôi dày dục nằm vắt ngang như hai con đỉa trâu. Đôi mắt tôi đánh “phong” xanh gớm ghiếc. Chụp chung với bông hoa là điều bất lợi cho tôi. Người ta mắc ngắm những vật gì làm phụ tùng cho tôi, hơn là thích ngắm khuôn mặt tôi.
o O o
Duy sắp đi quân dịch. Tôi sẽ kéo dài đời sống cô đơn với số mỡ thừa thải dưới làn da mát như bánh đúc, trơn như saten và bên bà già càng lúc càng chìm đắm trong một thế giới ma quái.
Cứ xem buổi điểm tâm hằng ngày mà mình ngán ngược. Với một tô hủ tiếu tôi chưa thấy thấm tháp gì ở bao tử. Dùng thêm một ly cà phê sữa, tôi chỉ mới no lưng lửng thôi. Phải thêm một khúc bánh mì dồn thịt nguội nữa, tôi mới vững dạ đi làm ở một tiệm may gần nhà lồng chợ Vĩnh Long. Ăn uống như vậy đó, ngoài hai buổi cơm chánh, tối nào tôi cũng ăn hột vịt lộn hoặc hai vắt mì trước khi đi ngủ. Cái ngực tôi đồ sộ, và cái bụng cũng bề bộn không kém. Phen này chắc phải đi đóng phim giả làm đào Ấn Độ.
Có đôi lúc tôi soi gương thấy mình giống hệt con đào Savitri. Đôi mắt ốc bươu này nếu vẽ them một quầng đen, phải vẽ thêm một vết son đỏ giữa hai chân mày, phải gắn hột xoàn ở một bên sống mũi, phải đứng trước tấm phong vẽ hình hai con rắn hổ phùn xòe bàn nạo. Như vậy, tôi có thể thủ vai chính trong phim “Công Chúa Cả Phò Mã Cùi” hoặc trong “Xe Duyên Chỉ Thắm”. Có nhiều lúc tôi muốn lấy chồng Chà và để được ăn Ca-ri để cho xong cuộc đời. Dáng đi ột ệt của tôi làm đề tài hài hước cho trai trong xóm. Có nhiều lúc ngồi may, chợt nghĩ tới cái “ben” chít trên áo dài mà mình tủi thân. Lúc sau, tôi phải xoay qua mặt “rốp xắc” cho tiện.
Ông tư Tấn có dịp trở lên chợ và ghé thăm bà Điếc. Bà dọn cho ông một bữa cơm bỉ bằng gồm có rượu, thịt hầm, cá bống chưng. Ông ngồi ngâm nga uống từng ngụm nhỏ. Hôm đó bà bận rộn suốt ngày. Dan díu được mười bữa thì ông Tấn bỏ đi, tiền bạc mà bà cắc ca các củm mấy tháng nay bị ông tư Tấn vuột sạch. Từ đó, chứng bịnh sống bên lề thế giới quái đản tăng dần. Cơ hồ bà rời khỏi cuộc sống chung đụng với người chung quanh. Bà tự tạo cho mình một thế giới khác, nhiều mơ ước kỳ quặc.
Ít khi bà có mặt với thực tại, bà không mơ mộng, suy nghĩ, bà sống trong cơn đồng thiếp, hay một vũ trụ lạ lùng mà tôi không sao hiểu nổi.
Vào một buổi trưa hè, tôi đang ngồi tra mấy cái nút vào chiếc áo. Bà chạy ù vô đóng cửa ầm ầm miệng gào lên:
– Cọp vô nhà! Mầy phụ tao đóng cửa mau đi.
Tôi vẫn thản nhiên tiếp tục công việc, mặc tình cho bà hò hét và cuống cuồng đóng cửa nọ bế cửa kia. Thấy tôi vẫn ngồi lì trên võng bà vừa đóng cửa vừa nhiếc:
– Cái con này đáng cho cọp nhai lắm. Mầy không sợ cọp ở núi Tà Lơn xuống sao?
Mặt bà xanh lét mồ hôi rịn hai bên mép và trán. Cửa đóng xong bà đến bên tôi thở hồng hộc.
Chán cái trò cọp rượt bà lỏn lẻn rút êm về chòi.
Theo lời đề nghị của hàng xóm, tôi đưa bà đi y sĩ chuyên môn chữa thần kinh. Nhưng y sĩ trả lời bà vẫn là người bình thường. Bà chỉ bình thường vào ban ngày. Khi đêm về, bà sống trong thế giới người chết. Gào thét suốt đêm làm khuấy động cả giấc ngủ hàng xóm.
Lại một buổi chiều, gió lốc trên mái ngói, tuông ồ ạt xuống những ngọn hoàng lan quanh nhà. Bóng tối đầy ắp trong khắp mọi gian buồng. Tôi hé cửa nhìn sang chòi bà Điếc, ngọn đèn dầu hôi vàng vọt đang rung rinh qua mặt cáo. Tiếng càu nhàu đều đặn của bà cũng bắt đầu nổi lên. Cứ mỗi buổi chiều khi nắng đã đi trốn khỏi mái nhà bên kia sông là đến giờ bà Điếc bắt đầu phát thanh. Bà nói luôn miệng, thỉnh thoảng lại cười thét lên ra vẻ khoái trá. Bóng tối đã đưa bà vào một thế giới ma quái. Bà gọi tên những người khuất mặt và lảm nhảm trò chuyện với khoảng không. Hình như có ai ngồi bên bà để bà hỏi rồi trả lời lấy một mình như thế suốt đêm, gần đến sáng bà mới lăn ra ngủ. Thình lình bà hét lên mừng rỡ:
– Vợ thằng Hưởng đó à? Lâu quá mới gặp mầy. Sao bây giờ mầy ốm vậy?
Bất giác tôi thấy lạnh xương sống. Người đàn bà mà bà Điếc vừa nói chuyện là thiếm dâu tôi đã giận chồng uống thuốc ngủ tự tử ngay trong nhà tôi ba năm về trước. Hình ảnh cuối cùng lúc thiếm hấp hối đang diễn lại trước mặt tôi. Đôi mắt thiếm mở tròn sau khi y sĩ chích cho thiếm một mũi thuốc hồi dương. Đôi môi màu trái mồng tơi của thiếm mấp máy sau cơn hôn mê suốt mười tiếng đồng hồ. Những đường gân trên người thiếm chuyển động. Chiếc giường run rẩy nghiến ken két. Thiếm nhìn chòng chọc vào những người có mặt quanh giường, tay quơ lên không gian. Đôi bàn tay trắng xanh, dài, tím đen bỗng co quắp lại. Bọt hai bên mép thiếm trào ra giữa tiếng khóc thét của đàn con nhỏ cơ hồ như vẳng đâu đây.
Tôi lẹ làng quay lại sau lưng hình như có tiếng khua động. Tôi chạy đến vặn đèn to lên. Càng sợ tôi lại hướng mắt về bàn thờ của thiếm. Đôi mắt của thiếm như lườm tôi.
Trong bóng tối chập chờn, tôi có cảm tưởng thiếm sắp rời khung kiếng để lần về hướng tôi đứng? Vội mở cửa tôi chạy tuôn ra ngoài đi băng qua nhà Thảnh năn nỉ:
– Mày qua ngủ với tao đêm nay, nếu không tao sẽ bỏ nhà đi chỗ khác.
Thảnh gắt:
– Hồi đó tới giờ sao chị không sợ mà hôm nay lại bày đặt lộn xộn vậy?
Tôi thuật cho Thảnh nghe chuyện bà Điếc. Thảnh níu tôi chạy về hướng chòi bà. Lúc này bóng tối đầy đặc úp kín khu ngoại ô thành phố. Gió vẫn rít mạnh. Hình như trời nổi cơn giông. Mảnh trăng lúc này nằm vắt qua cây nguyệt quới đã bị trăng che khuất. Tôi nắm chặt tay Thảnh. Chúng tôi đứng bên hè, vạch nhẹ vách lá đưa mắt nhìn vào trong. Bà Điếc ngồi khoanh tay trên bộ ngựa gỗ. Ngọn đèn dầu hôi đặt trên chiếc bàn trầu với hai ly nước trà bốc khói. Bà vui vẻ nhìn đăm đăm vào khoảng không:
– Mày có gặp thằng Thể không?
Ngừng một lúc như để nghe kẻ đối thoại vô hình trả lời, bà tiếp:
– Mày không gặp nó sao? Hôm qua nó vô đây đòi ngủ với tao nè.
Đôi mắt Thảnh mở to nhìn tôi. Chúng tôi đứng sát vào nhau. Bàn tay lạnh cóng của tôi chạm phải làn da đầy gai ốc của Thảnh. Thằng Thể mà bà vừa nhắc đến là chú của tôi đã chết vì chứng bịnh phong đòn gánh mấy năm về trước cũng trong căn nhà này. Hỏi chán, bà lăn ra nằm sắt vào vách tay gối lên đầu, còn cái gối của bà đặt phía ngoài. Bà nép mình tránh và nói tiếp:
– Tao nằm đây, mày có mỏi lưng thì nằm xuống đi vợ thằng Hưởng.
Gió sông ào vào cổ tôi. Tôi lạnh cóng cả người như bị ướp nước đá. Chúng tôi quay vào nhà. Đi độ vài bước, tiếng cười sằng sặc của bà Điếc lại vang lên:
– Tụi bây rình rập gì tao đó? Tao không có đem thằng nào về ngủ đâu.
Tôi chạy nhanh, tiếng cười ghê rợn của bà như đuổi theo.
Chúng tôi xẹt vào buồng ngủ đóng kín cửa. Ngọn đèn chong vẫn để cháy tỏ. Khi chúng tôi vào giường, tiếng rì rầm của bà vẫn còn văng vẳng. Chẳng bao lâu tiếng thở của Thảnh đều đặn. Lấy mền bịt tai lại, mắt tôi nhắm nghiền. Cuối cùng. cơn buồn ngủ vẫn không đến. Tôi lò mò đi tìm viên thuốc an thần. Tiếng đồng hồ bên hàng xóm đều đặn buông hai tiếng. Sự sợ hãi vu vơ từ chập tối đến giờ lên tiếng từ giã tôi.
Thảnh rón rén bước xuống giường, tôi vẫn nằm co ro trong mền ngủ nướng. Ánh nắng buổi sáng len lén bước vào thăm theo đường song cửa số. Tiếng hàng quà vọt lên như vòi nước. Tiếng guốc của Thảnh lốc cốc trở lại, nó tung mùng lôi xểnh tôi dậy:
– Mau ra coi bà Điếc nè!
Tôi chạy ụt ịt sau Thảnh. Đến sàn nước, bà Điếc đang ngồi cạnh lu nước súc miệng bằng bàn chải với kem, bọt bèo ứa hai bên mép. Chiếc bàn chải đưa qua lại đều đặn trên hai nướu không còn răng. Chúng tôi vịn nhau cười sằng sặc. Bà Điếc ngẩng lên, đôi môi trắng xóa y như râu con lân. Tôi đến vịn vai bà, hỏi:
– Răng cỏ đâu mà đánh bằng bàn chải. Coi chừng chảy máu miệng bây giờ.
Bà nhổ xong ngụm nước đầy bọt xà bông rồi há miệng chỉ vào trong cùng:
– Tao còn một cái răng cấm nè.
Thảnh lăn ra cười:
– Hèn chi, hôm trước chị Nguyệt nói là chỉ bắt gặp bà đang ngồi ăn mía ghim.
o O o
MƯA đêm ồ ạt, cơ hồ như muốn trút xuống trần gian để lôi cả nhà cửa trôi theo dòng nước. Nóc nhà tôi tuông ngói rồn rản trong cơn lốc. Tôi cầm đèn đi xuống nhà bếp đẩy hé cửa sổ nhìn về chòi bà Điếc. Cái chòi lắc lư trước gió. Ngọn đèn bên trong tắt phụt tự bao giờ. Bà Điếc không nói nhảm. Văn không có tiếng động nào ngoài cơn gió dữ dội và khối nước ụp xuống mái nhà. Tôi khoác áo mưa cầm chiếc đèn bấm chạy vụt ra chòi. Vệt ánh sáng xanh quét vào chòi. Bà Điếc vẫn ngủ say. Tôi yên trí trở vào giường nằm co rúm trong mền như con tôm kho tàu trong lòng chảo. Hình như tôi đang chìm trong không khí ngột ngạt sâu thẳm không có cách nào ngoi lên được. Những kỷ niệm lợt lạt từ đâu lũ lượt kéo về. Đã bao lần tôi cố né tránh những thứ bận rộn đó, nhưng nó cứ rỉ rả lọt vào cuộc sống bên trong của tôi. Tôi sợ những đêm mưa rả rích như thế này. Ngọn đèn chong đang nhảy múa trong ống khói pha lê trong suốt. Âm thanh đều đặn của những giọt nước mưa trên mái ngói dần dần rủ tôi vào giấc ngủ.
Như thường lệ, cứ mỗi sáng tôi xuống sông lội một vòng cho tiêu bớt những thớ mỡ sa đang tích trữ dưới nây bụng tôi. Cái quần đùi đen để lộ đôi chân ú nần như hai cái ống nhổ và trắng xanh như bụng con cá tra. Tôi đi ngang chòi bà Điếc để xuống cầu. Bất chợt tôi hé vách nhìn vào. Bà đang nằm quay mặt vô vách, thỉnh thoảng lại cựa mình rên khe khẽ. Tôi lách cửa vào trong, rờ trên trán của bà. Sức nóng chuyển sang bàn tay tôi. Bà vẫn chưa hay sự có mặt của tôi. Tôi lay và gọi giật bà. Bà Điếc cố cựa mình một cách khó khăn rồi nhướng đôi mắt lõm sâu nhìn tôi, phều phào nói:
– Tao đau hồi hôm đến giờ.
Giọng bà chìm lĩm trong cổ. Bà run bây bầy, đôi tròng mắt vàng như nghệ.
o O o
Sau khi khám bệnh, bác sĩ trầm ngâm giây lát, nói:
– Bà ta bị chai gan. Nên đưa bà vào nhà thương.
Nghe tiếng nhà thương bà phản đối, cho rằng nằm nhà thương là bị bỏ rơi rồi sẽ chết để cho ruồi bu kiến đậu. Đành chịu thua, tôi để bà ở nhà, rồi nhờ Thảnh đi bổ thuốc theo toa bác sĩ và thay phiên nhau săn sóc bà. Tuần lễ sau, bịnh bà Điếc không thuyên giảm và cái bụng của bà to như bụng ễnh ương. Tay chân bà khô gầy như bộ xương trong phòng thí nghiệm. Tôi nhờ bao nhiêu người đến thuyết phục bà đi nhà nằm nhà thương. Bà Điếc vẫn cho rằng nếu ra khỏi nhà này bà sẽ chết. Cuối cùng tôi nhờ hai ông hàng xóm khiêng bà lên xích lô. Bà cố giãy dụa nhưng sức bà đã kiệt nên bà không tài nào ra khỏi vòng tay lực lưỡng của họ. Trên chiếc giường sắt phủ ra trắng, bà Điếc nhắm nghiền mắt, đôi môi khô tái nhợt. Thỉnh thoảng, bà nhướng mắt lên đỉnh mùng rồi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn.
Thi (cô em họ tôi) ngồi bệt nơi góc phòng lẩm nhẩm đọc tiểu thuyết. Chốc chốc, Thi ngẩng lên liếc vội về phía bà Điếc.
Nửa tháng chầm chậm trôi qua. Chúng tôi thay phiên nhau ngủ nhà thương. Cứ mỗi buổi chiều, hàng xóm lũ lượt tới thăm. Những gói quà chất đầy ngăn tủ. Độ vài ba hôm bà được y sĩ rút nước thừa chứa trong bụng. Nước ào ào chảy xuống thùng thiếc, sủi bọt trắng ngần. Ruồi nhặng mở cuộc liên hoan quanh mép thùng. Số mỡ thặng dư của tôi rút lui dần sau nhiều đêm bị đánh thức. Thân thể tôi như rã rời từng mảnh. Người tôi nhẹ bớt nhưng đầu óc tôi nặng nề. Hai con mắt màu tím xanh như đánh phông. Tôi giao bà Điếc lại cho cậu em (con cô tôi) để về nhà nghỉ ngơi một lúc. Đẩy cửa vào nhà, mùi ẩm ướt trên nền gạch xông lên. Tôi đặt chiếc giỏ trên tay xuống lần ra sàn nước. Dòng nước mát dội từ trên đỉnh đầu chạy dọc xuống tận chân đã lôi tôi ra khỏi cơn nặng nhọc. Mùi cay nồng của chất alcool và mùi tanh tanh của bệnh viện trôi theo dòng nước. Tôi trở vào nhà quăng mình lên võng. Tiếng kẽo kẹt đều đặn vang vang trong căn nhà âm u. Gió sông lòn vào khung cửa. Tấm màn màu da trời bay bay. Mí mắt tôi mỏi mệt ôm choàng lấy tròng mắt. Một ý tưởng chợt nảy lên đầu óc tôi. Nếu bà Điếc chết. Nếu... Tôi giật thót cả mình mẩy. Không, không thể nào... Tôi không dám nghĩ xa hơn. Bà điên rồ, mê muội... Nhưng cuộc đời của bà gắn liền cuộc đời tôi từ lâu. Nước mắt tôi trào ra. Tôi không thể sống ở nhà này với những bóng ma.
Tôi chợt nhớ ra mình đã tắt kinh từ một tháng nay. Duy đã đi Saigon hơn một tuần rồi. Ôi! Tôi phải đi khám bác sĩ. Đàn ông thường không nghĩ tới hậu quả của một phút bồng bột. Tôi lấy tay rờ lên bụng. Từ lúc bà Điếc đau ốm, tôi quên tất cả, chẳng để ý đến sự phòng ngừa. Nhưng sự bồn chồn vẫn không làm giảm cơn kiệt quệ. Tôi mơ hồ như cái đầu tôi rớt qua một bên võng, mọi sự việc đã chuồn khỏi óc. Màu trắng chập chờn của bốn bức tường với bệnh viện và những chiếc giường sắt phủ drap lùi xa rồi mất hút.
o O o
ANH DUY! Sau vụ phá thai em sụt mất mười hai ký thịt. Em gầy gò, xanh xao. Đàn ông như anh là kẻ vô trách nhiệm. Anh chớ tưởng sức mấy mà em trả đũa chuyện anh bỏ em bơ vơ với cái bào thai trong bụng được ba tháng. Đêm đêm, em giật mình, có cảm tưởng mình là kẻ sát nhân. Mai sau, xuống âm ti địa ngục, cũng riêng mình em chịu tội. Càng tội hơn là lúc đầu em chẳng mảy may bị lương tâm cắn rứt.
Bà Bảy Điếc đã chết rồi. Tới phút lâm chung bà chịu rửa tội để về với Chúa. Lẽ nào, một cô gái trẻ tuổi như em ở bên lề cái thế giới âm hồn như vầy mãi sao anh.
Bây giờ em chỉ còn có hai lượng vàng và một cái máy may. Đợi cho đỏ da thẩm thịt để che mắt thế gian, em sẽ tiếp tục may thuê cho thiên hạ. Đời em chưa hẳn tàn như là cảnh chợ chiều. Em sẽ chắt mót từng đồng để tìm bác sĩ giải phẫu thểm mỹ. Em sẽ cho bơm cái ngực teo trở thành cái ngực vĩ đại, sẽ nhờ ông ta vá lại màn trinh. Để rồi anh xem. Em sẽ lấy chồng sĩ quan Thủ Đức. Nhứt định là đời em chưa lâm vào ngõ bí đâu. Trả thù anh, chẳng lẽ em mướn du côn đánh anh. Em sẽ làm một người đàn bà phong nhã. Đôi lúc em còn mơ đi học hát để trở thành ca sĩ phòng trà.
Giờ đây thì em cô đơn quá. Ba má em trị cái tội lầm lỡ của em bằng thái độ hất hủi, bỏ liều. Quần áo em bây giờ rộng phùng phình. Phải sửa sang lối ăn mặc, trang diện, em mới bảo thủ anh cho anh sáng mắt ra là con Linh này không phải là thứ gái gặp chuyện rủi ro là đem nước mắt ra giải quyết.
Nhìn trẻ con lối xóm, em đau lòng. Phải chi anh chịu làm cha thì con chúng ta sẽ chường mặt với thế gian. Trời sẽ phạt em. Mai sau dù có chồng đàng hoàng, em sẽ tuyệt tự, phải xin con nuôi. Em vốn hiền lành, nhân đạo, tại anh, tại anh đó, em mới làm kẻ sát nhân.
Em sẽ ra đi khỏi tỉnh nhà, chạy trốn ám ảnh quá khứ. Mùa này có ốc gạo và xoài tượng. Các bà mang bầu tha hồ ăn cho thỏa thích bù tới lúc nằm giường cữ chỉ ăn cơm trắng với cá kho khô. Bây giờ em bịnh hoạn, chẳng ăn gì ngon, lại ngủ không được. Nhắm mắt lại em thấy đứa nhỏ bò qua qua bò lại, nhe hai cái nướu trống trơn ra cười với em. Lại nữa, hình ảnh bà Điếc ám ảnh em từng giây phút, ban đêm lẫn ban ngày. Biết đâu em sẽ là phản ảnh của bà sau này, điên cuồng vì khát vọng quên mất tuổi già.
Ôi! em sẽ chết trong êm vắng, trong ám ảnh dày vò chăng? Em phải đi, phải đi...
Em nhìn ra một chân trời khác. Em sẽ tìm yên ổn cho mình. Nơi đó, em chỉnh đốn lại cuộc đời. Để rồi anh xem! Kẻ nào khinh dễ em, kẻ đó sẽ hối hận. Anh đừng tưởng rằng đời anh xuông sẻ mãi đâu. Trời phạt anh thất nghiệp. Anh lường gạt tiền bạc thiên hạ nên anh bị tù.
Tuy vậy, em sẽ mở cho anh một con đường khi anh ra khỏi khám. Con đường ấy sẽ đưa anh vào vòng tay rộng lượng của em. Trời sinh chúng ta gắn bó với nhau. Dù có khinh nhau, nhưng chúng ta khó mà bứt sợi dây oan nghiệt đã ràng buộc chúng ta từ kiếp trước...
NGUYỄN THỊ THỤY VŨ
(trích từ BA MIỀN MƯỜI KHUÔN MẶT – Kim Anh xuất bản 1966)
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com