Sự kiện đánh dấu lần đầu Minh Ngọc tổ chức ra mắt sách trong nước. Nhiều tên tuổi kỳ cựu của kịch nói TP HCM tham dự, như Thành Lộc, Kim Xuân, Ái Như, Thành Hội, Quốc Thảo. Ở mảng cải lương, Lệ Thủy, Phương Hồng Thủy cũng đến mừng tác phẩm Cô đào hát của nhà văn 70 tuổi. Bà Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, đơn vị tổ chức - nói lâu rồi bà mới chứng kiến một buổi gặp quy tụ nhiều gương mặt gạo cội.
Các nghệ sĩ cho biết dự sự kiện vì trân trọng tài năng, đóng góp cho sân khấu, điện ảnh của Nguyễn Thị Minh Ngọc. Từng cùng học trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM), Thành Lộc nhận xét Minh Ngọc thành công ở nhiều vai trò như nhà văn, đạo diễn, diễn viên, biên kịch nhờ luôn làm việc kỷ luật, chuyên nghiệp.
Anh nhớ thập niên 1990, trong vở Ngôi nhà không có đàn ông - tác phẩm ăn khách một thời ở sân khấu 5B, Minh Ngọc đóng vai dì Ba Duyên - người phụ nữ lỡ thời. Khi đó, dù đã nổi tiếng ở vị trí đạo diễn, chị vẫn nghe theo sự chỉ đạo của Hoa Hạ, không tự ứng biến như nhiều ngôi sao khác, nhờ đó ghi dấu với nét diễn duyên dáng, hài hước.
Năm 2015, khi thực hiện cuốn hồi ký Tâm Thành và Lộc Đời, Thành Lộc nhờ Minh Ngọc chấp bút và tiếp tục ngạc nhiên với tài viết lách của đồng nghiệp. Khi đọc bản thảo của chị, Thành Lộc cảm giác chính anh là người viết bởi văn phong giống hệt. "Tôi thắc mắc vì sao chị làm được như thế và nhận ra, đó là nhờ tài diễn xuất. Khi nghe tôi kể, chị nhập vai và tái hiện cuộc đời của tôi qua trang sách", anh nói. Thành Lộc cũng là gương mặt thể hiện thành công nhiều kịch bản của Minh Ngọc, như Tía ơi... má dìa!, Hãy khóc đi em, Người đàn bà thất lạc.
Nghệ sĩ Kim Xuân - từng đóng Có ngôi nhà nằm nghe nắng mưa, Nhà không bán, hai kịch bản điện ảnh của Minh Ngọc - ngưỡng mộ đồng nghiệp từ thuở thanh xuân. Thời trẻ, chị từng thấy Minh Ngọc luôn cầm trên tay cuốn sổ, ghi lại mọi điều chứng kiến trong cuộc sống. Nhờ vậy, các tác phẩm của nhà văn dung hòa nhiều cung bậc cảm xúc, đạo - đời, bi - hài, thực và mộng, bình dân và bác học.
Với Thành Hội, Minh Ngọc có nhiều tật xấu đáng yêu. Cả hai thường bàn bạc ý tưởng viết kịch bản cho sân khấu Hoàng Thái Thanh. Do Minh Ngọc ở Mỹ, mỗi lần về nước, chị vừa làm việc vừa gà gật vì trái múi giờ. "Con người tác giả và ngoài đời của chị khác nhau lắm. Cứ vài bữa, tôi lại nghe nói chị mất bóp hay thất lạc gì đó", Thành Hội trêu đàn chị.
Sách in sáu kịch bản sân khấu, tuyển chọn từ hơn 70 tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của Minh Ngọc, gồm: Cô đào hát, Vầng trăng ai xẻ, Tía ơi... má dìa!, Giữa hai bờ sương khói, Hãy khóc đi em và Người đàn bà thất lạc. Nhà văn Bích Ngân đánh giá sáu kịch bản đều có giá trị văn học, trở thành vở diễn ăn khách nhiều thập niên qua, góp phần giúp các đạo diễn, diễn viên khẳng định tài năng.
Nguyễn Thị Minh Ngọc sinh năm 1953, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp văn nghệ TP HCM. Chị là người đồng sáng lập câu lạc bộ Đạo diễn thể nghiệm (năm 1985) - tiền thân của nhà hát sân khấu Nhỏ 5B, đoạt nhiều thưởng về văn học, kịch bản sân khấu, phim điện ảnh lẫn tài liệu.
Tác giả cũng là chủ biên quyển sách 100 câu hỏi đáp về sân khấu Cải lương Nam bộ - Sài Gòn. Chị góp phần mang sân khấu Việt Nam đến môi trường quốc tế qua diễn đàn văn hóa tại các nước: Australia, Anh, Pháp, Ðức, Tanzania, Na Uy, Thụy Ðiển, Philippines, Mỹ, Indonesia.