Đánh giá
Nhân viên Viện Phim Việt Nam giới thiệu bản gốc Chung một dòng sông, bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đang được bảo quản theo điều kiện tiêu chuẩn nghiêm ngặt tại viện - Ảnh: TRẦN HUẤN
Trước đó, các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam gửi đơn đến bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị giải quyết vụ nhà đầu tư chiến lược vào Hãng phim truyện Việt Nam Vivaso "thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm", đã làm hư hỏng toàn bộ gần 300 cuốn phim dương bản, được cho là bản gốc, đang được lưu trữ tại hãng.
Trả lời vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết cuối năm ngoái, Cục Điện ảnh và Viện Phim Việt Nam đã cử cán bộ đến đánh giá hiện trạng bảo quản kho phim tại Hãng phim truyện Việt Nam và xác nhận những cuốn phim này đã bị hư hỏng nặng.
Theo ông Thành, tình trạng này đã diễn ra vài năm, do các cuốn phim không được bảo quản đúng điều kiện tiêu chuẩn. Trách nhiệm của vụ việc thuộc về Công ty Vận tải thủy (Vivaso), nhà đầu tư chiến lược, nắm phần lớn cổ phần.
Các nghệ sĩ của hãng phim hầu như không ai được vào kho phim để nắm bắt thực trạng bảo quản phim.
Kho phim này có tổng cộng 291 bộ phim, gồm 278 phim do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng, tài trợ và 13 phim do Hãng phim truyện Việt Nam tự hợp tác sản xuất.
Theo quy định, mỗi phim nhựa trong số 278 phim đặt hàng sau khi sản xuất đều có một bản gốc và các tài liệu, hồ sơ liên quan gửi về Viện Phim Việt Nam để lưu trữ, bảo quản. Ngoài ra còn có một bản lưu chiểu tại Cục Điện ảnh.
Ông Thành khẳng định hiện các bản phim gốc do Nhà nước đặt hàng, trong đó có nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam kinh điển, đều đang được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế tại Viện Phim Việt Nam, có thể sẵn sàng sử dụng để trình chiếu, phục vụ các đợt phim kỷ niệm, các nhiệm vụ chính trị.
Các bản phim được giữ tại Hãng phim truyện Việt Nam, theo ông Thành, là để phục vụ nhiệm vụ sản xuất phim và công tác phát hành, giới thiệu phim, không phải là để lưu trữ.
"Cần phải nói rõ rằng từ khi ra đời bộ phim điện ảnh cách mạng đầu tiên do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất cho đến khi Luật điện ảnh ban hành năm 2006, chức năng nhiệm vụ của Hãng phim truyện Việt Nam luôn được quy định là sản xuất phim, không phải lưu trữ", ông Thành nói.
Luật điện ảnh cũng quy định cơ sở lưu trữ phim của ngành văn hóa chỉ duy nhất có Viện Phim Việt Nam. Phim sau khi sản xuất được lưu chiểu tại Cục Điện ảnh và lưu trữ tại Viện Phim. Hết thời gian lưu chiểu thì đưa về lưu trữ tại Viện Phim. Như vậy Viện Phim có hai bản gốc.
Bản gửi tại Cục Điện ảnh để lưu chiểu là bản positive hoàn chỉnh. Viện Phim Việt Nam lưu trữ, bảo quản cả bản gốc là negative son + negative hình (màu hoặc đen trắng) và bản positive (hoàn chỉnh) chuẩn màu và hình.
Bản gốc phim Bến không chồng tại Viện phim Việt Nam - Ảnh: TRẦN HUẤN
Chưa cần thiết in lại toàn bộ phim bị hỏngVề kiến nghị của các nghệ sĩ, gợi ý bộ yêu cầu Vivaso in lại toàn bộ phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, ông Thành khẳng định điều này là chưa cần thiết trong điều kiện thực tiễn hiện nay, cũng như không phù hợp theo quy định của Luật điện ảnh. Nhưng ông bày tỏ: "Tôi hiểu rằng các nghệ sĩ rất bức xúc trước thực trạng nói chung của hãng phim cũng như tình cảnh của kho phim hiện giờ. Việc không chú trọng bảo quản tạo nên hỏng hóc nặng nề như thế này chắc chắn tạo nên thiệt hại không nhỏ cả về vật chất lẫn tinh thần". Ông cũng chỉ rõ trách nhiệm Vivaso trong việc bảo quản, lưu giữ kho phim với hàng trăm cuốn phim nhựa giá trị: "Đặc thù của những cuốn phim này đòi hỏi phải được bảo quản trong điều kiện kỹ thuật ngặt nghèo, phải có các chuyên gia kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ chứ không thể bỏ bẵng đi trong suốt một thời gian như thế. Nếu hãng phim coi những bản phim này là tài sản thì nhất thiết phải có kế hoạch và phương án bảo quản". |
Theo Thiên Điểu Tuoitre
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com