Nhà văn Tiến Đạt
Năm thứ ba đại học, tôi bị đuổi khỏi ký túc xá vì khuya nào cũng vượt cổng, leo tường. Ông quản lý viết bản tường trình lên ban giám hiệu cho rằng tôi nhậu nhẹt, đàn đúm, "nhảy múa". Không phải vậy. Quán cà phê tôi chạy bàn bưng bê đến 12 giờ đêm chủ quán mới cho nhân viên nghỉ việc. Tôi túc trực ở quán từ lúc phố vừa đỏ đèn, lương tháng bốn trăm ngàn đồng, tiêu pha dè dặt, đủ tiền ăn học.
Tôi ôm rương đến xóm Chùa thuê nhà trọ. Xóm Chùa nổi danh tệ nạn xã hội. Những tấm liếp, vải bạt được phủ lên tạm bợ; con đường dẫn vào ngoằn ngoèo, nước từ các hộ thải ra có, nước cống rãnh từ nhà máy bao bì to tướng ngoài đường xì vào cũng đầy. Bạn bè khuyên tôi đừng đến đây. Tôi có gì phải sợ! Tuổi thơ mười lăm năm lăn lóc ở khu chợ nghèo Nghĩa Trung, tám năm tôi cày cục trong thiếu thốn ở làng Châu, ba năm đại học tôi vừa làm vừa học, va chạm với quá nhiều thành phần... Tài sản tôi mang đến xóm Chùa có gì ngoài ba bộ quần áo không còn hợp thời và đống sách vở.
Dân xóm Chùa từ các xứ đổ về, nhiều nhất là miền Trung, kế đến miền Bắc. dân miền Tây chiếm số ít. Ngoài phụ hồ, chạy xe ôm, đĩ điếm, ma cô, còn phần đông hành nghề tu giả. Những ông, những bà, những anh, những chị, thằng nhóc, con bé cạo đầu nhẵn bóng, áo thụng cà sa, ôm bình bát, tay nải sách bói toán... đi vào các ngôi chùa lớn trung tâm phố gạ gẫm khách nước ngoài cùng thân đồ tín nữ. Kiếm được bao nhiêu, dân xóm Chùa bỏ bụng bấy nhiêu. Ở xóm Chùa hai tháng, tôi chưa thấy người nào giàu; ăn nhậu thì có nhiều. "Đại đức Lân" là ví dụ điển hình. Lân cắn đùi cầy, ngấu nghiến, nói:
- Túng quá làm liều, mày?
"Nhưng anh còn có khả năng làm nghề khác", tôi định mở miệng.
- Xài sang, làm việc nhẹ nhàng quen rồi, mày!
Lân ngửa cổ đón những giọt rượu mầu đỏ chạch.
Căn nhà tôi thuê của bà cụ điếc, giá ba chục ngàn một tháng. Bà cụ lúc trước có cô con gái, từ ngày cô này lấy chồng Đài Loan, cô ta không tin tức gì về cho mẹ.
Bà cụ đêm ngồi góc tối, lần tràng hạt.
Lân nói với tôi, bà cụ thành tâm thờ Phật. Còn Phật của Lân là Phật giả.
Chính quyền địa phương cùng các phương tiện thông tin đại chúng nhiều lần truy quét, lên án tệ nạn tu hành giả ở xóm Chùa, nhưng việc ra tay nhổ tận gốc thì chưa rốt ráo. Một tháng Lân bị chính quyền mời lên một lần, nhắc nhở, viết cam kết nhưng chứng nào vẫn tật ấy. "Nhốt tao vào tù chỉ tổ tốn cơm", Lân ngang tàng. Một phần chính quyền không rảnh để theo dõi mãi những thành phần như Lân; một phần việc Lân làm chưa gây tác động mạnh đến xã hội; một phần nữa, Lân giỏi đối phó. Tôi nghĩ thế.
Bình thường Lân đội tóc giả, mặc đồ "dân sự", ăn nói bặm trợn.
Lân tự hào:
- Tao tu giả, nhưng sống thật!
Lân muốn ám chỉ gì? Tôi. Không, tôi đâu dám ba que xỏ lá với dân xóm Chùa. Tôi sống giả với tôi thì có.
Tôi vừa bị chủ quán đuổi việc. Tội tôi gian lận tiền bạc. Chuyện bất nguồn từ sự bày vẽ của thằng bạn (cũng sinh viên như tôi, nhưng khác ngành).
Khách quán tôi ngồi toàn trai gái đang yêu, ban đêm chở đến quán ghế đôi, chọn góc tối tình tự. Nhân viên tính tiền ít khi khách chú ý giá, trừ khách quen. Thằng bạn bày tôi "chém". Lần đầu tiên tôi run tay, cũng lần đầu tiên tôi bị chủ quán chộp cổ. Té ra đã nhiều lần khách phản ánh với chủ quán vì hiện tượng gian lận của đám nhân viên. Chủ quán phải giữ uy tín với khách, và chủ quán phải dạy nhân viên tính liêm chính.
Tôi rời quán hai ngày, nghe thằng bạn giới thiệu cho chủ quán đứa nhân viên mới, cũng sinh viên đi làm thêm.
Tôi bị mất việc, lâm vào tình cảnh bi đát. Bà cụ tinh ý phát hiện, cho tôi trọ và ăn cơm với điều kiện khi có tiền tôi trả đủ. Tôi vui bởi xung quanh còn những người có tấm lòng. Cha tôi từng nói cái khó nhất của đời người là thời gian để tìm hiểu người khác. Cha tôi thích mặc đồ cũ, chơi với người cũ. Tôi thích mặc đồ mới, quan hệ với nhiều người, nhưng tìm bạn tâm giao thì khó quá.
Vợ Lân dân giang hồ. Cặp này đúng câu "Trai tứ chiếng...". Vợ Lân tên Bé Hai, ở quán bia lúc Hồng, lúc Cúc, lúc Thủy... Bữa nào có tiền kha khá, đủ xài, tối Lân không cho vợ ra khỏi cửa. Những lúc như vậy nằm bên nhà bà cụ (nhà Lân sát vách nhà bà cụ), tôi nghe rõ tiếng giường Lân cút kít, cút kít...
Bé Hai ăn nói đốp chát, tục tĩu. Ả máu mê tứ sắc, ngồi lê đôi mách. Ả khoái chọc chuyện đời tư người khác. Một lần ả hỏi cặn kẽ thành phần gia đình tôi. Tôi không dối ả điều gì, cả chuyện chú Hiếu cuỗm bộ "Dân sinh toàn tập" cùng chuyện cha tôi có thời gian lén chạy xích lô phụ tôi ăn học.
Ả la lên:
- Kinh khủng quá, nhưng có thật không cha nội?
Ả không tin chú Hiếu tôi đọc nhão "Dân sinh toàn tập" mà tham ô công quỹ. Ả cũng nghi ngờ dân ăn học mà nghèo túng, xuất thân từ bần nông gốc rạ. Cũng có thể "Thượng đế" đến với ả phần đông những tay ăn học nghiêm túc, nhiều người tước vị đầy ngực, tiền vung như rác...
Túng tiền, tôi không còn thú vui đến trường. Tôi nằm bẹp dí trong căn nhà; bốn góc đầy hợp âm chuột, thằn lằn, gián; ngoài đường tiếng cãi cọ chửi tục ầm ĩ. Tôi cũng thường đạp xe long rong đến các quán sách cũ, ngồi mân mê những tác gia tôi hằng kính phục. Càng túng tôi càng khát khao và ngộ nhận.
Tôi mơ trở thành nhà văn lớn có những trang sách để đời cùng đám độc giả chờ tác phẩm của tôi như đói chờ cơm. Nhà văn cần yếu tố gì? Thầy ở trường dạy tôi quan niệm kiến thức, vốn sống, tạng... Kiến thức tôi có, vốn sống tôi không ít, tạng tôi gân guốc. Vậy sao tôi chưa cầm bút?
Chẳng còn ai tâm sự, tôi qua nhà Lân, giữa lúc Lân đang gỡ tóc giả ra khỏi đầu, chuẩn bị uống rượu. Lân nghe xong, cười hô hố.
- Mày mà làm nghệ sĩ? Tao khuyên suy nghĩ lại - Sau khi bỏ miếng chả dồi qua kẽ răng, Lân nói tiếp - Tao thấy tụi nghệ sĩ đói nhăn răng! Nếu mày muốn kiếm tiền, tốt nhất là theo tao.
Tôi cạo đầu, mặc cà sa, mang bình bát, tay nải như Lân? Tôi cười văng nước bọt. Con người tôi mà tu giả? Nếu cha tôi biết được, thế nào ông cũng đập cho bể mặt.
Tôi lắc đầu. Lân khoát tay.
- Tùy mày. Tao không ép. Dù gì thằng có học như mày cũng biết xoay cách.
Ở gần, tôi tởm Lân. Bộ cà sa hắn không bao giờ giặt, cả tháng tôi mới thấy hắn giũ giũ rồi đem phơi nắng; bộ tóc giả thì khỏi nói, khứu giác tôi không chịu nổi. Tính cha tôi ghét nhất ở dơ, đến đôi dép nhựa cũ mèm, ngày nào ông cũng chà đi chà lại.
Cuối cùng, tôi cũng tìm được việc làm. Thông qua mẩu quảng cáo nhỏ xíu nằm góc khuất một tờ báo, tôi biết được có một tập san số lượng phát hành hạn chế cần tuyển một cộng tác viên.
Sau khi nhìn kỹ thân hình, kiểm tra sơ qua trình độ, ông thư ký tòa soạn chịu nhận tôi. Công việc tôi không có gì khó, chỉ tốn công tôi chạy khắp các chợ lớn nhỏ trong thành phố, tìm hiểu giá gạo, nếp dầu, cùng giá thịt heo, bò để viết tin.
Bài đầu tiên của tôi được xài. Tôi cầm vài ngàn tiền còm lòng không vui không buồn. Công việc cứ thế trôi qua.
Lân biết chuyện, hỏi tôi:
- Nếu báo mày cần điểm người đi chùa thì tao giúp - Lân cười - tiền công là hai xị cùng đĩa cầy càng tơ càng tốt.
Tôi đi làm, có tiền trả cho bà cụ. Và khi có tiền sự vui thú đến trường trong tôi trở lại.
Một lần, ông thư ký đưa mục phiếm đàm xã hội cho tôi, bảo tôi viết thử. Thật ra, hàng ngày đối mặt với dân xóm Chùa, chất liệu đời sống trong tôi ngồn ngộn.
Phiếm đàm đầu tiên tôi đề cập đến vấn đề nạn tu giả. Báo lên khuôn, tòa soạn nhận được thư khen ngợi. Ngặt nỗi, tôi chỉ nhận nhuận bút bởi bài ký tên ông thư ký.
Tôi không đem tờ báo về nhà trọ. Chẳng hiểu sao, chiều, Lân ném tờ báo trước mặt tôi:
- Đ.m mày, mai tao đập vào mặt thằng phóng viên tòa soạn mày.
Tôi năn nỉ Lân đủ điều, nào đâu phải báo tôi mới lên án chuyện này, người viết bài này chỉ làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. Lân vẫn nóng bừng bừng. Tôi bắt đầu dọa hắn, nếu anh quậy thì có khả năng anh bị đòn và thằng em này cũng sẽ bị mất sở làm!
Chắc Lân nghĩ lại. Hôm sau và mấy hôm sau nữa tòa soạn tôi vẫn không có biến cố nào.
Tôi viết phiếm đàm say mê. Nội dung tôi sâu sát nhân tình thế sự; câu cú tôi gãy gọn, khúc chiết; lập luận tôi lô-gíc; tư duy tôi đủ chuyện Đông chuyện Tây... Thư khen ngợi, điện thoại gọi về tòa soạn tôi rối rít. Tên tuổi ông thư ký được dân báo chí, cùng đám độc giả đánh giá có tầm cỡ. Tôi cũng được lợi, nhuận bút ngày càng tăng. Ông thư ký chiều cuối tuần chở tôi đến quán uống bia, ôm gái. Trời xui đất khiến, một hôm tôi gặp mặt Bé Hai.
Hôm sau, cả xóm Chùa biết tin một thằng sinh viên là tôi ăn chơi trác táng. Bé Hai tung tin tôi từ trước đến giờ mang mặt giả, giả nghèo, giả khổ để ăn cơm, sống nhờ tiền bún riêu bà cụ.
Ả chỉ phía tôi, rồi khoanh hai ngón tay bàn tay trái vào nhau, sau đó ả đưa ngón tay của bàn tay phải "thụt" vào.
Lân hỏi tôi có chuyện đó không. Tôi lấp lửng. Trước khi bỏ đi, Lân nghiến răng:
- Tùy mày, đểu đâu cũng được, phải trừ bà cụ.
Tôi đểu? Tôi đểu cái gì chứ?
Tôi nằm xoay qua xoay lại, không tìm được câu trả lời. Bên kia giường tre của Lân phát tiếng cút kít, cút kít...
Số lượng phát hành báo tôi tăng từ hai ngàn đến ba chục ngàn, ngoài sức tưởng tượng! Lúc đầu trên những bài tin giá cả thị trường tôi ký tên thật, sau ký tắt lung tung. Giai đoạn này ông thư ký chỉ yêu cầu tôi viết tốt phiếm đàm, phần "râu ria" có cũng được, không có cũng chẳng sao.
Bà cụ nấu bún riêu bằng thứ nước đùng đục - nước mua của gã chở thùng phuy bán dạo. Một khối nước gã bán sáu ngàn.
Một đêm hứng chí, trong phiếm đàm, tôi nêu lên tình trạng thật giả trong xã hội, đơn cử trường hợp chính tác giả mắt thấy cách nấu bún riêu bằng nước cống của một bà già ở xóm Chùa! Nội dung tôi đề cập đến ghê rợn đến nỗi đọc xong, ông thư ký khạc nhổ liên tục. Số là lúc sáng ông đưa vợ con đi ăn quán.
Viết sướng, tôi quên phéng thái độ đùng đùng nổi giận của Lân hôm trước. Khi ông thư ký cho biết báo đã lên khuôn, tôi giật mình. Tôi biết trốn đâu bây giờ ngoài chỗ dựa duy nhất là xóm Chùa? Vào ký túc xá, chỉ nhác thấy tôi, ông quản lý đã ghi vào "sổ đen". Ông ta làm như tôi là ung nhọt cho cộng đồng!
Cuối năm thứ hai đại học, tôi tố cáo ông quản lý tham ô số gỗ trong khi ký túc xá nới thêm cơ sở hạ tầng. Cuối đơn, tôi ghi rõ họ tên địa chỉ người viết, thế mà đợi mãi, tôi chẳng nghe ban giám hiệu có ý kiến gì. Tôi không bao giờ nghĩ rằng ông quản lý trù dập tôi, bởi tôi biết mọi bí mật của người viết đơn tố cáo các cơ quan phải tuân thủ...
Cha tôi nông dân rặt, ghét cay đắng dân nghệ sĩ. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ chú Hiếu.
Số là gia phả họ tộc tôi thời Gia Long có một người làm xã trưởng, tên húy Kiên, tự là Nhị Dân. Ông Kiên theo học Tống - Nho, mộng quan trường. Không những giỏi thơ phú mà ông còn rành thiên văn, địa lý, toán pháp, điển lệ. Cái gì ông Kiên cũng học qua căn bản. Thấy kinh sử có chỗ nào lợi cho dân ông ghi chép cẩn thận. Sách để lại cho gia phả họ tộc có cuốn Dân Sinh toàn tập nội dung bàn đạo đức của kẻ làm quan.
Làm quan, ông Kiên chăm việc công, bỏ việc tư, thực hiện rập khuôn lời dạy Thánh hiền. Chỉ tội quá mê đàn bà, đến năm đó, ông Kiên vi phạm điều luật Gia Long "Nghĩa vụ cùng chung sống tại một nơi". Thê thiếp của ông Kiên quá nhiều, đi đến làng nào cũng nghe các bà đẹp gọi tên ông. Theo luật, ông Kiên bị phạt 100 trượng, giáng làm thứ dân; sau đó ông bỏ làng đi, sống chết ở đâu chẳng rõ.
Cha tôi quý cuốn sách "Dân Sinh toàn tập" lắm.
Chú Hiếu mê thơ ca, hát hò, được đội văn nghệ xã giao chức trưởng ban. Chiều nào tôi cũng nghe tiếng chú Hiếu phát ra từ loa phát thanh xã. Giọng chú Hiếu khàn đục, mùi mẫn, theo tôi nghĩ, chưa bắt nhịp đúng tinh thần bài hát.
Từ văn nghệ, chú Hiếu được nắm cương vị kế toán trưởng. Vậy mà, cha tôi chửi "đồ mất dạy! Thằng Hiếu không xứng đáng mang họ nhà ta!". Chú Hiếu biển thủ của công xây nhà lầu, cưới vợ tơ.
Chú Hiếu trốn khỏi làng, cuỗm theo cuốn Dân sinh toàn tập. Nghe đâu chú Hiếu bán cuốn sách cho một tay buôn đồ cổ. Máu từ mũi cha tôi chảy ra...
Thoát khỏi cơn say cùng ông thư ký, tôi lừ đừ lẻn về nhà trọ, lúc đồng hồ điểm mười hai phát.
Người tôi ê ẩm. Tôi sờ mặt, bất giác giật mình.
Thịt dư trên mặt tôi đóng thành cục.
Bên ngoài Bé Hai chửi rủa tôi ầm ầm. Sau này tôi biết, nếu không nể tình bà cụ chắc mạng tôi đã nằm ở xóm Chùa.
Lân đánh tôi gãy ba chiếc răng cửa. Tôi không tiếc răng cũ, tôi cũng không xót tiền trồng răng mới, nhưng thật lòng, tôi ngại đeo răng giả, nụ cười tôi không còn tròn trịa.
Bà cụ năn nỉ vợ chồng Lân cùng dân xóm Chùa cho tôi ở lại. Tôi nghĩ rằng chẳng còn mặt mũi nào nữa khi hàng ngày phải cúi gầm mặt chòng chọc xuống con đường ngoằn ngoèo nước dơ.
Nhác thấy tôi trước tòa soạn, ông thư ký lật đật lôi tôi vào phòng kín. Ông ta cười gượng gạo:
-Cậu phải hết sức bình tĩnh. Việc này lỗi không phải tôi.
Tôi thu nắm đấm, lù lù:
- Ai?
- Thằng cha đầu trọc đe dọa tính mạng tôi cùng toàn thể gia đình, cuối đường tôi phải...
Tôi hét:
- Câm miệng!
Tôi tháo răng giả thả cộc xuống bàn. Ông thư ký bấm nút điện thoại di động.
Tôi thách:
- Anh cứ gọi chính quyền. Tôi chẳng có gì phải sợ!
Ông thư ký đặt thả máy điện thoại xuống bàn, rút từ túi ra xấp bạc láng coóng.
- Tôi bồi thường danh dự cho cậu.
Tôi trừng mắt:
- Tôi không cần!
- Tôi đưa thêm cho cậu năm triệu đồng nữa.
Ông ta đi tới chiếc tủ đặt góc phòng.
Tôi nghĩ bụng, mình đang túng, mà cầm tiền của thằng chả thì có tội tình gì? Thôi thì từ nay tôi dẹp viết lách...
Tôi đóng răng giả vào miệng, bọc mười triệu vào túi, không một lời chào.
Tôi về xóm Chùa, dự định ôm rương đi thuê nhà khác. Lân chặn tôi đầu xóm.
- Mày há miệng tao xem.
Tôi tuân lệnh.
- Cũng đẹp, nhưng đồ giả.
Bé Hai chạy xộc đến, miệng toang hoác:
- Mày dân đểu cáng! Tụi tao đánh vỡ mặt mày?
Lân nạt vợ:
- Câm miệng lại, con này!
Xế chiều, tôi đặt mười triệu trước mặt bà cụ, sụp lạy. Bà cụ cầm xấp bạc, xem kỹ, đưa lại cho tôi, lắc đầu.
Cha tôi nghe xong câu chuyện, gật gật đầu:
- Mày đã thành người lương thiện.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com