chan_dung-ke_si

CON CÁ CHẾT DẠI - Truyện ngắn Sơn Nam

24-09-2023

Lượt xem 1100

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

CON CÁ CHẾT DẠI - Truyện ngắn Sơn Nam

Chiếc xuồng lướt tới ngon trớn. Hồng như không hay biết, mải mê nhìn cánh đồng lúa chín hai bên bờ rạch. Nàng nghĩ đến ngày mai. Mẹ con nàng từ Long Xuyên đến miệt Rạch Giá làm mướn với hy vọng đem về vài giạ lúa sớm và một hũ mắm.

Bỗng dưng Huệ, con gái nàng, ngừng tay day mặt lại, buông mái dầm lơ lửng:

- Mẹ, ai kìa mẹ!

Hồng ngước lên, từ nãy giờ nàng đã thấy kẻ lạ mặt ấy rồi. Hắn tên là Hai Tỵ, ai cũng biết mặt. Hôm qua, lúc đậu xuồng bên trại ruộng, Hồng nghe thiên hạ thuật lại vài giai thoại đáng ghét về nhân vật Hai Tỵ. Đại khái, hắn có vợ rồi nhưng chẳng bao giờ sống gần vợ. Hắn xuất hiện tại xóm này như một hiện tượng quái đản: suốt ngày rong chơi, nơi nào động dao động thớt hoặc có gái đẹp, đàn bà là hắn đến.

Hắn không làm nghề gì rõ rệt, vẫn sống thênh thang ở cái xứ "trên bờ có lúa, dưới sông có cá".

Huệ còn thắc mắc, nhắc lại lần nữa:

- Mẹ! Ai kìa! Hồng lên tiếng:

- Ai thì mặc họ, mẹ con mình lo bơi xuồng.

Hai Tỵ cau mày, đứng trên bờ rạch hút thuốc rồi hinh hinh mũi, thở ra hai làn khói. Trông hắn bỉ ổi, hơi ngốc, mái tóc sửng lên như rễ tre. Trong phút giây, Hồng có cảm giác mình gặp tên lâu la đến chặn đường. Làm sao bây giờ? Nàng muốn tri hô lên, dù Hai Tỵ chưa phạm tới tội gì rõ rệt. An ninh và trật tự trong xóm đâu bị lung lay vì sự có mặt của hắn. Nàng hơi mừng vì đằng kia còn xóm nhà khá đông. Lát nữa, nàng sẽ ghé lại xóm nhà. Nhưng Hai Tỵ rõ là kẻ lì lợm. Hắn từ từ bước lại như muốn chận xuồng.

Huệ nói khẽ:

- Thằng cha vô duyên quá. Để con mắng nó một trận. Hồng cản lại:

- Đừng để mẹ xem thử.

Hai Tỵ vụt cái tàn thuốc xuống nước ngay trước mũi xuồng. Để tỏ rằng ta đây nào thiếu bản lãnh, Hồng lên tiếng:

- Anh muốn "quá giang" qua sông?

Dụng ý của Hồng là sỉ vả, liệt Hai Tỵ vào hàng ngũ những con "dê xồm" đòi thỏa mãn yêu đương trong chốc lát. Hai Tỵ cứ cười hì hì:

- Cô lầm rồi. Tôi mời cô lên bờ.

Huệ tức giận, lên tiếng để hỗ trợ với mẹ:

- Ổng không quá giang thì mình cứ bơi tới, hơi đâu mà hỏi.

Hồng không nghĩ rằng mình là kẻ đang yếu thế. Tuy "mẹ góa con côi", nàng đã nuôi con đến khôn lớn. Nàng dám xuống miệt này để gặt lúa và làm mắm, bất chấp đường xa.

- Ủa! Bơi đi đâu lạ vậy? Tôi đâu phải ăn cướp. Tôi là đứa biết điều, giàu lòng nghĩa hiệp. Đời tôi cô độc lắm. Tôi nhảy xuống rạch bây giờ!

Đòi tự tử để hăm dọa kẻ giàu tình cảm chăng? Hồng mỉm cười để lộ hai núm đồng tiền:

- Chết đâu chết phứt đi. Lì lợm quá. Để người ta làm ăn.

Hai Tỵ nói:

- Tôi nhảy xuống rạch để níu chiếc xuồng của cô.

- Đủ rồi nghen! Đừng nói dai.

Hồng nghiêm mặt, mắng lớn. Những lời mắng nhiếc tương tự như thế đã lọt vào tai Hai Tỵ hàng trăm ngàn lần rồi. Hắn nghĩ thầm: "Hồng muốn nói to để cho con gái nghe vậy thôi. Trước mặt con, nàng muốn tỏ ra gương mẫu". Phải chi nàng bơi xuồng một mình thì chưa chắc hắn bị mắng oan như thế.

Bỗng dưng Hai Tỵ cảm thấy hãnh diện "thất bại là mẹ thành công". Vả lại hắn chưa thất bại. Chiếc xuồng cứ lướt vùn vụt. Hắn chạy lúp xúp theo. Hồng quả là người đẹp đã đành, nhưng từ phía sau nhìn tới thì càng đẹp hơn. Hắn thầm cảm ơn định mệnh khiến hắn gặp Hồng mùa gặt năm nay. Mấy năm trước nhiều cô gái mơn mởn chưa chồng đến xóm này gặt lúa hoặc làm mắm. Họ thuộc vào hạng mặn mòi, tóc dài mắt đen, cườm tay no tròn. Tuy nhiên, hắn chưa bao giờ sảng sốt, ngơ ngẩn như khi gặp Hồng lần đầu tiên. Hôm qua, lúc mẹ con Hồng nấu cơm bên nhà ông hương Cả, hắn nhìn trộm hàng giờ rồi về nhà mang bệnh mất ngủ. Hắn nhớ rõ dáng điệu những cậu trai tơ, những người tuổi sồn sồn đứng ở nhà ông hương Cả. Trầm trồ khen ngợi người đẹp là quyền riêng của mỗi người. Hắn đứng lặng thinh mãi đến khi có người bên cạnh chế giễu thẳng vào mặt:

- Thằng cha Hai Tỵ này mê mệt rồi đa! Mọi lần, nghe đồn thằng chả đạo đức lắm.

Hai Tỵ bẽn lẽn:

- Bà con phá tôi hoài. Lần này tôi cương quyết đạp lên xác chết của kẻ nào ngạo mạn, dám qua mặt tôi. Tôi nhường nhịn lắm rồi. Ai khen đứa con gái của "bả". Tôi già, tôi giành "bả" riêng cho mình.

- Nghĩa là cha nội đòi "cưới" "bả".

Hai Tỵ hiên ngang nhìn mọi người rồi nói nhỏ:

- Cưới gấp. Vái trời.

Cả bọn cười rộ lên, Hồng vẫn ung dung chắt nước cơm để chứng tỏ mình vẫn bình thản. Nàng muốn nói thẳng: "Các anh dở hơi quá: đàn ông mà làm vậy, đàn bà nó khinh".

Chỉ tội nghiệp cho Huệ. Nàng ngỡ mình sắp bị bao vây nơi xứ lạ quê người.

 

 

 

Đêm đã khuya.

Hồng nói với con gái:

- Huệ à! Con đi ngủ sớm để mai lo gặt.

Trước khi chui vào nóp, Huệ lộ vẻ sợ sệt. Căn chòi trống trải quá. Rủi bọn bất lương và nhất là Hai Tỵ đến hăm dọa thì kêu cứu quá trễ. Đoán được tâm lý con, Hồng nói ôn tồn:

- Ở đây gần xóm. Chẳng lẽ mẹ con mình ngủ nhờ trong nhà thiên hạ. Cọp, gấu gì đâu mà sợ! Thiên hạ còn gặt lúa, ngủ ngoài trời, sát mé biển nữa kia.

Nằm trong nóp hồi lâu, Hồng cựa quậy vì tiết trời hơi nực, ngứa ngáy. Nàng tung nóp ngồi ngóng vẩn vơ. Đêm ở miền biển cũng thơ mộng, nếu không có muỗi cắn. Nàng đặt mấy que củi vào bếp un, rồi nghĩ đến công việc ngày mai. Dưới rạch, nước gần cạn. Cá lóc táp mồi nghe đùng đùng. Xứ này nhiều cá hơn mức tưởng tượng của nàng. Nếu siêng năng, có thể câu hoặc tát mấy vũng cạn, khỏi tốn tiền. Dưới ánh trăng, cá đua nhau đớp bọt như nồi cơm đang sôi.

Bỗng một cục đất khá to rơi tõm xuống rạch, trước mặt Hồng chừng vài bước. Nước văng lấp lánh. Nàng nói hoảng:

- Ma nhát hả! Trời! Có giọng cười the thé:

- Tôi mà! Chừng này cô chưa ngủ? Hồng phát giận, nghiêm giọng:

- Anh này kỳ cục quá. Chừng này tới đây làm gì? Hai Tỵ nghiễm nhiên đến ngồi trước mặt Hồng:

- Cô biết rồi mà còn hỏi hoài. Tôi tới vì tôi ngủ không được.

- Tôi la làng bây giờ!

Hai Tỵ với tay để khều nhẹ bàn tay Hồng:

- Đừng nói lớn.

Rồi quay qua chiếc nóp của Huệ.

- Cháu nó ngủ rồi hả?

Hồng rút tay lại kịp thời. Hai Tỵ đem gói thuốc rê vấn rồi hút phì phà cho đỡ ngượng. Bầu không khí trở nên im lặng. Huệ vẫn ngủ say trong nóp.

Hồng ngồi lui lại bên con. Bấy giờ Hai Tỵ nói khẽ:

- Cô xuống đây làm gì? Tôi sẵn sàng giúp cô.

- Tôi biểu anh về nhà. Tôi không muốn nghe thiên hạ đàm tiếu.

Hai Tỵ làm mặt lỳ:

- Tôi không có nhà. Thưa cô, tôi muốn thăm cô trong giây lát. Xóm này chẳng ai đàm tiếu. Mấy người gặt lúa, giăng câu họ thức nói chuyện sáng đêm để nói chuyện một mình.

- Bây giờ, ừ được rồi, tôi sẵn sàng nói chuyện nhưng nói chuyện khác. Chuyện đó chán lắm, chuyện khác là chuyện làm ăn, lo sống...

Vô tình, Hồng lọt vào cạm bẫy tình cảm của Hai Tỵ. Hắn vấn thêm điếu thuốc, lần lượt trình bày cách thức kiếm cá để làm mắm rẻ tiền nhứt ở xóm này.

- Sáng mai, cô đi theo tôi. Tôi bảo đảm. Sắm vòng vàng, cất nhà lầu thì tôi chịu chớ kiếm chừng trăm ký lô cá dễ ợt. Cô hãy tin nơi lòng thành thật của tôi. Nếu nói dóc, mặt mũi nào tôi nhìn cô. Nếu cô không nhìn tôi, tôi chết.

Hai Tỵ mừng thầm, hiểu rằng đã đến lúc từ biệt. Ở đây mãi, câu chuyện sẽ hóa ra nhảm nhí. Anh đứng dậy, nói run run:

- Cám ơn cô. Hồi nãy, cô nói hơi ác độc.

Hồng gật đầu:

- Cũng tại anh nói dai.

- Cô nói sao? Tôi ngồi đây cho tới sáng.

- Thôi, lỗi tại tôi. Sáng mai tôi chờ anh tại đây.

Ra về, Hai Tỵ phơi phới trong lòng. Anh đến quán chú Kỵ, đập cửa om sòm:

- Bán một chai rượu thuốc con cọp coi!

Chú Kỵ thừa hiểu tính nết Hai Tỵ. Tuy hắn chưa phải là thân chủ lớn nhưng ít khi thiếu chịu. Chú nói đùa:

- Làm gì hăng quá vậy?

- Bữa nay tôi là một ông vua nghe chưa!

Rồi hắn đến từng người bạn, đánh thức, hối thúc đốt đèn. Hắn hứa cho người này cái nón nỉ, cho người kia chiếc xuồng. Và vài ngày nữa hắn sẽ làm việc với lý do còn giữ bí mật.

Hồng căn dặn:

- Huệ à! Con gặt lúa cho rồi công. Mẹ lo kiếm cá.

Mặt trời mọc rồi đó.

Huệ áy náy vô cùng. Hai Tỵ ngồi sẵn dưới xuồng. Nơi giữa khoang, hắn trải chiếc chiếu sạch sẽ. Huệ chưa hiểu mẹ nàng đi đâu với gã xấu nết này. Huệ nói khẽ:

- Kiếm cá mà như đi ăn giỗ. Thôi, mẹ ở nhà với con. Con không chịu như vậy đâu.

Dè đâu câu ấy lọt vào tai Hai Tỵ, hắn nói:

- Cháu đừng lo. Đi ban ngày. Đi rồi về bây giờ. Tôi đâu có nói giỡn hồi nào đâu.

Cực chẳng đã, Hồng xuống xuồng quay mặt về phía trước.

Hai Tỵ bơi thật hăng, bơi ra phía vàm biển. Hai bên bờ rạch, cây mắm, cây vẹt mọc um tùm. Gió thổi mạnh, nàng lắng tai nghe rồi nói nhanh:

- Anh đưa tôi ra ngoài biển hả? Tôi muốn về. Sóng gió tôi sợ lắm.

Hai Tỵ vẫn cố lỳ vừa bơi vừa hỏi.

- Xin lỗi cô tên gì? Cô có gia đình chưa?

- Tên Hồng, vợ chồng tôi xa nhau, ở riêng từ mười mấy năm rồi. Biết vậy là đủ. Còn anh?

- Đừng hỏi, tội nghiệp tôi. Cô biết tôi như vầy cũng là đủ rồi.

Một con cá lóc bỗng nhảy dựng lên cao, rơi xuống. Cá giẫy mạnh, như chạy nhanh trên mặt nước, Hồng thích chí:

- Cái gì vậy? Anh bơi xuồng tới thử coi.

Con cá nọ nằm ngửa đưa bụng trắng phau, quạt đuôi nhè nhẹ rồi nằm nghiêng. Để làm vừa lòng người đẹp, Hai Tỵ chụp con cá, ném vào xuồng.

Hồng day mặt phía sau. Hai Tỵ cau mày. Từ nãy giờ nàng chỉ thấy con cá. Nếu không có con cá đó chắc mình chẳng thấy mặt nàng. Con cá tốt phước hơn mình nhiều. Bàn tay Hồng vuốt mắt cho con cá đang chết, nhưng mắt nó cứ mở trao tráo.

Nàng hỏi:

- Ủa! Sao lạ vậy? Cá mang bệnh chăng?

- Gặp ngày may mắn, tôi muốn cho cô thấy vài chuyện lạ. Bữa nay mười sáu trăng tròn. Hồi đêm qua, nhớ cô quá tôi đánh bạo tới chòi để thăm cô và thăm cá.

Ngỡ rằng Hai Tỵ buông lời thô tục, Hồng im lặng.

Chẳng lẽ giữa ban ngày hắm dám giở thói vũ phu.

Qua khỏi gốc cây bần quỳ, Hai Tỵ quẹo xuồng vào bãi:

- Mời cô lên chòi!

Nói xong hắn vác chiếc chiếu, nhảy xuống bùn, tay kéo xuồng, tay vịn chiếu. Căn chòi quá nhỏ, tư bề có kèn, ô rô và nhiều loại cỏ hoang mọc um tùm:

- Mời cô nhảy cho khỏi lấm bùn.

Hồng còn do dự. Trong khi ấy Hai Tỵ trải chiếu lên bộ vạc. Gió thổi hù hù, sóng vỗ vào bãi nghe như gần lắm. Hồng ớn xương sống, có cảm giác như lọt vào động quỷ của tay thầy bùa đang chực giết người để luyện thiên linh cái!

Bầy khỉ kêu chót chét, hái trái bần chín mà ném xuống. Hồng đau khổ quá chừng. Nếu Huệ gặp mẹ trong cảnh này, nó sẽ nghĩ những điều oan uổng.

- Mời cô nằm nghỉ trên vạc. Tôi trải chiếu rồi đó. Sau khi ngồi mỏi lưng, cô nằm cho khỏe, chòi này của thiên hạ bỏ hoang. Tôi chiếm cứ.

Hồng lắc đầu:

- Cá ở đâu, tôi muốn trở về. Anh không về thì tôi về. Đừng gạt tôi.

- Ủa! Cô nói lạ vậy. Tôi ngồi ngoài này. Cô nằm nghỉ trong chòi một mình.

Rồi Hai Tỵ kể thao thao bất tuyệt:

- Tôi gặp cô vào lúc may mắn. Âu cũng duyên trời đặt. Ở xứ này, mỗi năm lại có một lần "cá dại". Nước mặn cuối năm tràn vô rạch. Bao nhiêu cá lóc quen nước ngọt bị say nước mặn, chạy trốn không kịp, chết trôi lờ đờ như con cá hồi nãy cô thấy đó. Vùng rạch hoang vu này thuộc về cô. Sáng mai nước biển sẽ tràn vô rạch lần đầu tiên. Lứa cá dại đầu mùa thuộc về tay cô rồi đó. Cô tha hồ mà bắt trên khúc rạch mình bơi qua nãy giờ.

Hồng chợt tỉnh, dè đâu Hai Tỵ tử tế mức ấy, nhưng đối với nàng, chừng nào cá vào tay thì mới chắc ăn. Giờ đây cá còn lội dưới nước. Nàng mỉm cười, hai núm đồng tiền rung rinh. Hai Tỵ nói:

- Thiên hạ lo đào đìa, xây rọ, giăng lưới để bắt cá. Hoặc họ sắm ruộng đất lập vườn lấy huê lợi để mua cá. Còn tôi, mỗi năm uống rượu phủ phê vài ngày, lúc trăng tròn cuối năm nhờ mớ cá trời cho này. Gặp cô, tôi bơi xuồng đi ra ngoài mé biển này cho cô tin. Tài sản của tôi là bao nhiêu đó.

Hồng gật đầu. Dưới rạch một con cá lóc to trồi đầu lên, chạy lướt vào bãi, giãy giụa rồi nổi lình bình, nàng với tay bắt.

- Cá này ngon, còn tươi để tôi đem về chòi cho con Huệ nó mừng.

Nét mặt Hai Tỵ nhăn nhó đau đớn khôn tả, quả là tâm trí Hồng mãi nhớ tới con cá và đứa con gái thân yêu. Chừng nào nàng mới nhớ đến mình? Hắn thở dài:

- Cô về trong xóm một mình. Tôi ở ngoài suốt đêm. Cứ để tôi ở đây. Hừng sáng mai, cô nhớ thức sớm, rủ cháu Huệ đi theo xuồng. Gặp cá là vớt, cá vô chủ là cá của tôi. Không ai tranh giành. Xứ này thiếu gì cá.

Hồng bịn rịn:

- Anh về trong xóm chớ!

- Không! Tôi ở đây. Cô về cho sớm.

 

 

 

Vào khoảng tám giờ sáng hôm sau, Hồng và Huệ bơi xuồng ra tới chòi của Hai Tỵ. Khoang xuồng đầy cá lóc chết dại. Cá nổi trắng mặt nước, hai bên bờ rạch không có nhà cửa, nên mẹ con Hồng độc quyền nguồn lợi ấy. Người ở xóm ngọn chưa hay cá đang chết dại vì nước lớn chưa chảy tới. Hơn nữa, cá lóc ở xóm ngọn đang cố gắng sống lây lất từng bầy chạy thoát về rừng. Hai Tỵ ngồi nép trốn bên sân chòi. Hồng mừng quýnh:

- Vậy mà tôi tưởng anh chết rồi chớ!

Hắn đáp:

- Mai cô về, tôi mới chết. À, cháu Huệ đem cá lên sân chòi mà mổ ruột đánh vảy, làm khô, làm mắm.

Hai mẹ con Hồng cười nói lăng xăng: cá nhiều, cá mập, cá bán có giá, cá bắt dễ dàng. Hồi lâu, Hồng sực nhớ Hai Tỵ.

Kìa! Hắn ngồi ngoài gốc cây bần, hai tay ôm đầu nhìn xuống đất.

Giọng Hồng thỏ thẻ:

- Để "em" đền ơn cho anh chút ít tiền.

Hắn nói gắt:

- Nín đi! Cá của trời đất chớ đâu phải của tôi.

- Để "em" mua cho anh một chai rượu. Anh tính toán, làm ăn giỏi quá.

Hắn ngước mặt nói nhỏ:

- Cô xưng "em" với tôi thiệt tình hả? Tôi dại lắm.

- Thấy anh mà tội nghiệp. Rồi anh lấy gì mà sống.

- Nếu em chịu ở đây, anh có cách để sống hoài. Hết mùa cá dại, anh xoay qua bắt trăn bắt rắn. Toàn là những món của trời, không vốn liếng. Mai này em bắt rắn với anh nghe không? Rồi ở đây luôn.

- Lạy anh, em về xứ. Em sợ rắn lắm.

Hai Tỵ trợn mắt:

- Xứ nào?

- Ở Long Xuyên.

- Anh đâu dám theo.

Bao nhiêu hình ảnh phức tạp nhảy nhót trước mặt Hai Tỵ: Hồng sống với con gái, Hồng còn trẻ còn đẹp. Ở Long Xuyên, xứ văn minh, Hồng đã và sẽ là đóa hoa thơm để cho ông Tây kiểm lâm hoặc ông chủ nhà máy xay nào đó tới lui thưởng thức. Họ có ca-nô, họ có xe hơi, mình chỉ nên theo Hồng về Long Xuyên khi nào mình có chiếc ca-nô để đưa nàng. Mình đã thua kém thiên hạ từ thuở mới lọt lòng khóc oa oa chào đời, từ hồi mang bịnh giang hồ, thích gió rừng, yêu sóng biển.

Giọng Hồng ngọt ngào:

- Rảnh thì anh về xứ em cho biết nhà.

Hai Tỵ cười chua chát:

- Ờ, anh tới nhà em, rồi anh giả bộ đau vài ngày. Chắc em quăng anh xuống sông, bỏ xác. Xứ em đẹp lắm, nước ngọt mãn năm, ai nấy đều có làn da mơn mởn. Tới chiếc lá rụng còi cũng đủ màu sắc, thấy mà thèm. Còn ở đây nắng cháy, nước mặn, anh như con cá chết dại. Em thấy chưa?

Hồng day mặt chỗ khác. Bây giờ đôi mắt Hai Tỵ đỏ lòm với hai giọt nước mắt chưa rơi xuống.

Hắn nói:

- Em biết cá "dại" là cá điên như chó dại, chó điên. Tại sao anh điên, em biết không? Như con cá gặp luồng nước mặn ngoài biển đang tới tấp. Nó không chạy kịp, nó chạy không nổi. Thà chết lờ đờ như vầy.

Gió biển vẫn thổi. Nhưng giữa hai người, không khí như đứng im nặng nề. Huệ nói to, hươi cây dao:

- Mẹ ơi! Lại đây tiếp xẻ cá. Mẹ nói chuyện gì mà nói hoài vậy?

Vừa nói Huệ vừa vung tay đập đầu con cá dại, Hồng rợn người khi nhận ra sự thật: Tuy chết rồi nhưng con cá vẫn còn mở mắt đỏ ngầu, trao tráo như cá còn sống! Lần đầu tiên bàn tay nàng với tới Hai Tỵ.

Huệ hơi bực tức:

- Ông đó nói cái gì vậy má?

Trong giây phút lãng mạn Hồng nắm tay Hai Tỵ.

Nàng nói với con gái:

- Đừng kêu "ông đó" bằng "ông đó". Lát nữa mẹ về Long Xuyên với con mà!

 

Cùng tác giả: 

Bắt sấu rừng U minh hạ

Một cuộc biển dâu

Mùa len trâu

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.