chan_dung-ke_si

CÔ GÁI LÀNG SƠN HẠ - Truyện ngắn Ngọc Giao

12-08-2023

Lượt xem 1026

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Ngọc Giao

CÔ GÁI LÀNG SƠN HẠ - Truyện ngắn Ngọc Giao

Ảnh chụp CÔ GÁI LÀNG SƠN HẠ đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy năm 1939

CÔ GÁI LÀNG SƠN HẠ là truyện ngắn tiêu biểu thời kỳ đầu sáng tác của nhà văn Ngọc Giao, in lần đầu trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 289, 16 Tháng Mười Hai 1939. 

 

Trong đêm tối, một mình anh ta đi như thế mãi: đầu cúi thấp, chân bước nặng nề, guốc nghiến rào rạo những hòn than vụn ướt. Mưa phùn dai dẳng từ mấy ngày nay vẫn chửa ngớt cơn. Từng vũng nước đục lấp lánh ánh sáng mấy cây đèn dầu trồng rải rác trên bến tầu vắng lạnh. Những con đường goòng chạy theo dọc bến tầu khuất sau những trái núi than lù lù trong bóng tối mênh mông. Từng chỗ, nhô lên trên mặt đất một tảng sắt hoặc một đoạn gỗ lim tròn, quấn chặt sợi xích lớn hay sợi thừng chắc khỏe của những chiếc tầu buôn ở các ngả sông xa vừa tới cắm neo. Nước sông ngầu đỏ cuồn cuộn chẩy. Sóng âm ỷ vỗ mạn tầu, mạn thuyền, xô cọ vào nhau bật thành những tiếng kêu khô rắn. Gió rít mạnh, làm lảo đảo những cột buồm cao vút trên giời tối, và kéo căng những đầu dây neo trên bến. Anh ta ngẩng đầu lên. Một rặng núi đen sì sừng sững đứng trên đường cao, và dưới chân núi có một vạch lửa vàng le lói. Đó là ngọn lửa ấm áp của gia đình anh. Tự nhiên, anh thở dài. Anh nghĩ đến người mẹ già, giữa lúc khuya khoắt này, đang ngồi co ro trong xó bếp, tay nhem nhuốc nắm những hòn than, nắm chất thành đống cao để sáng mai đội xuống tầu bán cho khách trú; và anh nghĩ đến người cha, có lẽ lúc này vẫn ngồi khoác chăn ngất ngưởng ôm chai rượu vào lòng. Đầu lại cúi xuống, anh chậm chạp bước theo dọc bờ sông. Chán nản, anh không muốn về nhà, định bụng đêm nay gặp đâu ấm chỗ thì ngủ nhờ ngay đấy; rồi mai lại thức dậy từ mờ đất, còng lưng đẩy hết chuyến xe goòng này đến chuyến xe goòng khác, vác hết bao than này đến bao than khác, như tất cả những con người sống lam lũ ở bến tầu này.

- Bác Vĩnh! Hãy vào uống nước đã nào!

Anh ta dừng lại. ánh sáng gắt của cây đèn phẫn trong nhà hàng cơm làm chói mắt anh, và giọng thân mật của cô gái dậy thì kia làm cho anh phải mỉm cười.

- Thế nào, canh tài bàn đêm qua Vĩnh đại phát tài, bây giờ đãi chúng tới một bữa rượu đi !

Mấy người phu mỏ bạn Vĩnh đang ngồi đố quít với nhau, xúm cả vào Vĩnh cười nói huyên hoa. Một người đã có vẻ say, quay lại cô gái nhà hàng:

- Có thế thì mới đúng lẽ chứ phải không, cô Nhàn?
- Cái đó ở như bác Vĩnh, chứ em biết đâu ạ!

Nhàn mở nắp cóng chè tươi, múc nước đổ vào cái bát đàn Vĩnh vừa lật ngửa trên mặt chõng hàng. Hơi khói ở miệng cóng bốc lên nghi ngút; trong làn hơi khói ấy lóng lánh cặp mắt đen nháy và hàm răng hạt huyền đều đặn của Nhàn. Thấy Vĩnh ngắm mình, mặt Nhàn đỏ bừng lên, cô ngượng nghịu cúi xuống têm giầu bày ra đĩa. Mấy người bạn lại quay về Vĩnh:

- Kìa, tiếc chúng tớ một bữa chén xoàng ư?

Vĩnh quay lại trừng trừng nhìn bọn họ, rồi anh trật cái mũ cát két sũng nước mưa trên đầu xuống, đập mạnh vào mặt chõng, làm nẩy lên những chiếc bánh gai, bưởi, quýt và khiến những bát nước chè tươi sóng cả ra ngoài. Tức thì lũ bạn Vĩnh không cười đùa nữa. Họ đã biết Vĩnh đang buồn bực chuyện gì. Cử chỉ ấy, Vĩnh thường thường có. Lắm khi người bạn mới nào chưa biết tính anh mà trêu cợt mãi, tất bị anh lẳng lặng đứng dậy đánh liền. ở đây từ mấy năm nay, người ta đã biết cái tính nết kỳ quặc đó, người ta cũng biết anh có khá nhiều miếng võ, người ta còn phải công nhận nữa rằng anh còn một cái vốn chữ nho. Những cô con gái trên bến tối tối thường tụ họp trong quán nước đua nhau bói Truyện Kiều, nhờ anh xem hộ; mùa xuân, họ đi lễ về lại tìm anh nhờ đoán thẻ. Đó là những quẻ thể cầu duyên. Vĩnh khéo tán nghĩa, giọng lại ngọt ngào, gương mặt lại sáng sủa giỏi giai, khiến các cô xúm xít quanh anh phải say mê. Nhưng chưa cô nào được Vĩnh thực tình yêu lại; tuy vậy các cô vẫn không ghét Vĩnh. Các bạn giai đối với anh cũng thế, họ mến anh và nhất là phải nhường nhịn anh, nhiều khi khiếp sợ nữa, những lúc thấy anh mắt đỏ ngầu, lầm lì không nói, cười. Nhưng vào những buổi chiều nào thấy Vĩnh chải đầu, cạo mặt sạch sẽ, điếu thuốc lá ở trên môi, miệng nhai bỏm bẻm miếng giầu, là các bạn Vĩnh reo lên, kéo anh vào hàng nước, giục anh kể chuyện. Anh kể rất có duyên, và những chuyện anh kể khiến họ nghe chăm chú lắm, ấy là truyện Đề Thám, truyện Tây Sơn mà anh được đọc trong sách sử chữ Hán của cụ đồ, cha anh. Hôm nào muốn làm đẹp lòng các cô gái, Vĩnh hát trống quân hoặc hát chèo. Giọng đã hay, lại hát toàn bài hát lạ, có nhiều tích anh thuộc hết, anh làm cho các cô chết mệt. Các nhà hàng cơm, hàng nước, mong được anh vào vì hôm nào anh hát thì gái, giai kéo nhau vào chật cả cửa hàng. Bởi thế mà Vĩnh bị ông đồ gắt mắng luôn. Ông cho là Vĩnh nhố nhăng, trơ trẽn. Ông muốn Vĩnh phải nghiêm trang, thùy mị như là con một nhà nho sĩ chính tông. ấy là ý muốn của ông trong khi say rượu ngồi chống tay lên chồng sách giấy bản, mực tàu, để mê man nghĩ đến một cảnh gia đình nhà nho êm ả, trong đó có một ông già ngồi đốt trầm đọc sách Thánh hiền, có một người đàn bà chăm việc tầm tang, có một người con giai hèn kém ra cũng là ông Nghè, ông Cống. Nhưng lúc chai rượu đã cạn rồi, lúc giật mình tỉnh dậy, chống cánh liếp nhìn đám mây chiều đã trùm ngọn núi, nhìn xuống dưới sông những cánh buồm đã giạt cả vào bờ, và nghe tiếng chân bước nặng nhọc của con giai bụi đất đầy mình, nghe tiếng ho yếu ớt của người vợ già đang ngồi nắm than ở giữa giời, thì ông ứa nước mắt: "Vĩnh đã về đấy ư? Con đi tắm giặt rồi ăn cơm con ạ; bà mày nữa, ho thế thì làm làm gì cho lắm, thôi, nghỉ tay mà dọn cơm hai mẹ con ăn kẻo đói". Chỉ lúc này là lúc ông đồ thương con, thương vợ, và tủi cho cái phận nhà nho của mình. Ông đồ khó tính, nên bạn Vĩnh chỉ dám lên nhà Vĩnh khi biết ông đồ đi chơi vắng. Bà đồ dễ dãi, lành hiền, thấy bạn của con đến nhà là vội vàng rửa tay đi têm giầu, đun nước. Có khi họ chung tiền mua chó về mổ thịt chè chén với nhau suốt cả ngày.

- Kìa, bác Vĩnh xơi nước đi cho nóng. Nước ban nẫy nguội, em đã múc bát khác rồi đấy ạ.

Vĩnh, từ nãy chống bàn tay vào má, cúi gầm mặt xuống, ngồi không nhúc nhích, bỗng ngẩng lên. Các bạn anh đã không còn đấy nữa, mà Nhàn thì đang ru đứa em bé trong lòng, đôi mắt đăm đăm nhìn anh. Vĩnh đưa bát nước lên môi, anh không thể không ngắm đôi mắt đẹp của Nhàn qua những sợi khói nóng bốc trên miệng bát. Nhàn e lệ, vờ cúi xuống hôn em, cô sung sướng lắm, vì chỉ có tối hôm nay cô mới được người con giai mà cô thầm yêu mến ấy nhìn đôi mắt bồ câu và hàm răng mới triết của cô. Hàm răng đen cô nhuộm riêng vì Vĩnh. Đã bao nhiêu đêm khuya giá lạnh, thức dậy ra sân nhổ thuốc để rồi vào thay lá khác, cô đã đứng run cầm cập nhìn lên nhà Vĩnh trên đường núi mà thở dài.

Mưa ngoài sông và gió bấc trên núi hắt lùa vào làm chao cây đèn phẫn dòng dây từ trên mái xuống. Gió mạnh quá làm đổ cả tấm giại dựng bên ngoài. Nhàn toan đứng lên, nhưng Vĩnh đã ra dựng lại, rồi anh lại vào ghế ngồi, vẫn im lặng như lúc nẫy.

Nhàn vào giường đặt em, rồi ra mở cái tủ kính nhỏ lấy bao thuốc lá, bóc đầu giấy sẵn đặt vào đĩa giầu. Giọng thân mật, cô bảo Vĩnh:

- Nhà em sẵn nồi than hồng sấy cau, bác Vĩnh có rét, để em bưng ra bác sưởi.

Vĩnh ngước nhìn Nhàn... Anh khẽ lắc đầu.

- Thôi cảm ơn cô, giời này đã lấy gì làm rét lắm...

Vĩnh uống cạn bát chè tươi, chụp chiếc cát két lên đầu, đứng dậy. Anh móc túi bỏ vào đĩa hai đồng chinh, rồi bước ra thềm. Bóng Vĩnh đặt chếch lên bóng cây bàng ốm yếu ngoài mảnh sân hẹp sũng nước mưa. Tiếng guốc Vĩnh rào rạo, mất dần trên những lối đi đầy than vụn lờ mờ dưới ánh sáng mấy cây đèn dầu trồng theo dọc bến tàu.
Giọng hát ru em của Nhàn buồn thảm vẳng bay theo gió bên tai Vĩnh. Anh cắn môi lại, và anh nhai nghiến đầu mẩu thuốc lá đang lòe cháy trong bóng tối đen đặc quấn lấy mình anh. "Sao con bé ấy mãi chẳng lấy chồng cho xong chuyện! Yêu mình làm gì, cho thêm bận bịu mình ra thế này !

*

 

Vĩnh vào nhà cai Cửu. Đây là cái sòng bạc cai Cửu mở ra để lấy hồ, và để bóc lột bọn phu mỏ và phu bến. Anh nào say gỡ, say đánh mà không có tiền thì hắn cho vay, rồi đến ngày lĩnh tiền, hắn sẽ trừ, tính thêm lãi nữa. Có lắm anh, kỳ lĩnh không còn dính tay một đồng xu. Vĩnh thấy cái tai hại ấy đã khuyên nhủ anh em, nhưng đó là một việc làm vô ích. Đêm mùa đông ở cái bến tàu hẻo lánh này người ta, sau một ngày dài làm ăn cực nhọc, nếu không đánh bạc thì cũng đến phải hút thuốc phiện, hay uống rượu cho say khướt mà thôi.
Bọn phu phen ở đây phần nhiều từ các phương xa tới làm ăn, và phần nhiều không có vợ con gia đình. Họ chia từng tốp độ mươi người dựng một cái lều trên núi hay dưới bãi, ở chung đụng với nhau. Ngày tết, họ bỏ lều không, kéo về quê hương tất cả, chỉ còn lại gia đình Vĩnh. Những ngày đó bến vắng tanh vắng ngắt, các ống khói ở trong sở mỏ, sở than không nhả một tia khói lên giời. Vĩnh, xa các bạn, một mình đi thẩn thơ dưới bãi nhìn một hai con tầu đầy hành khách chạy ngoài sông. Ông đồ thì tay chắp sau lưng, ngửa mặt ngắm những đám mây lưu lạc để ngậm ngùi nhớ tới quê nhà.

- Anh Vĩnh, lẻ rền luôn sáu tiếng rồi, bạc đang hồi khát nước, đánh đi cho vui!

Cai Cửu, chiếc mũ nồi úp lệch trên mớ tóc rối, mặt rỗ nhằng nhịt, mấy vết sẹo ghi rõ hình tích những nhát dao sâu lõm, miệng sặc sụa hơi men, hắn quàng tay vào cổ Vĩnh, làm ra thân mật tiếp:

- Đánh đi! Nếu không mang tiền thì tớ có sẵn đây.

Nói rồi, hắn móc ví, rút ra tờ giấy 5 đồng, giúi vào tay Vĩnh. Vĩnh lắc đầu, gạt tay hắn, cười nhạt. Anh rẽ đám đông rảo bước ra.
Thoát khỏi hơi người nặng nề hôi hám và cái mặt gớm ghiếc kia, Vĩnh thấy nhẹ cả lòng. Anh lại lủi thủi đi theo dọc bến, định xuống một cái bè quen nào ngủ cho xong. Bỗng có tiếng người rú lên. Thì ra trong lúc cắm cúi đi, Vĩnh đã vô ý chạm phải người. Người đó đứng phắt lên: đó là một cô con gái. Vĩnh móc túi lấy chiếc đèn bấm soi: cô ta đang lúi húi buộc đầu một sợi dây thừng vào cái cọc gỗ lim trên bến để giữ cho thuyền khỏi bị sóng mạnh đẩy ra xa. Cô gái nheo mắt lại vì ánh sáng chói của chiếc đèn bấm trong tay Vĩnh, rồi cô vội vàng giơ tay lên che mắt, lùi trở lại. Nhưng Vĩnh đã có đủ thì giờ nhìn kỹ gương mặt xinh vô cùng của cô. Thốt nhiên, tâm hồn Vĩnh xáo động lên như gặp phải một sự lạ lùng tốt đẹp mà từ đâu kiếp trước anh mong đợi, và bây giờ sự ấy Giời đã đưa lại cho anh. Vĩnh hỏi dịu dàng:

- Cô ở đâu đến chơi đây mà phải đi thuyền?

Cô trả lời nhanh nhảu:

- Em ở bên sông.

Vĩnh không biết nói gì hơn nữa; anh tắt đèn bấm đi, và anh lặng im một phút.

- ... Gió đêm thổi dữ, sóng mạnh như thế mà cô dám sang ngang với chiếc thuyền thúng kia à?

Cô cười tự nhiên, miệng cười xinh quá:

- Gió thế này, sóng thế này đã thấm vào đâu ạ. Em là con nhà chài lưới, em chở được. Lượt sang em chở, lượt về sẽ đến phần anh em... Anh em vẫn đi nghề, ra bể hàng sáu bảy ngày đêm còn được, nữa là qua một con sông lành này.
Cô nhìn người đàn ông đứng trước mặt cô. Cái anh chàng giỏi giai này sao thoạt đầu đã có thể yêu ngay. Cặp mắt to sáng ấy chứa đựng biết bao là ý tình êm dịu, cái vóc người và dáng điệu hiên ngang ấy hẳn là mang một tâm hồn mạnh khác người.

Vĩnh hỏi đột nhiên:

- Cô ở về đâu nhỉ?
- Em ở làng...

Bỗng nhiên cô nín lặng, ngẩng nhìn lên bóng núi.

- Làng nào?
- Tôi hỏi cho biết... rồi khi nào tiện qua, tôi sẽ vào thăm các cụ nhà...

Cô e dè, rồi đáp rất nhanh:

- Em ở làng Sơn Hạ.

Sơn Hạ! Đó là một tiếng sét bên tai Vĩnh. Vì đó là một cái làng khuất nẻo ở bên kia sông mà giai làng thì vừa làm nghề chài lưới vừa làm nghề trộm cướp, gái làng thì đĩ thõa, anh em trong họ hỗn dâm là thường.

Vĩnh khẽ kêu lên:

- Cô là gái làng Sơn Hạ?

Anh lùi trở lại. Không phải Vĩnh sợ cái tên ghê gớm đó như những người quanh vùng này vẫn sợ, anh chỉ vụt tiếc cho người con gái, có nhan sắc ấy mà sao giời lại sinh ra giữa cái làng bạo nghịch này. Đoán biết ý nghĩ Vĩnh, cô quắc mắt nhìn vào mặt anh:

- Ông khinh cái tên làng tôi lắm phải không, cũng như nhiều kẻ khác. Tôi biết. Nhưng mà người ta không có quyền khinh như thế, khi người ta chưa đến gần. Mặt đỏ bừng lên, cặp mày nhỏ như tơ liễu cau hẳn lại, người con gái lúc này càng tức giận, càng xinh đẹp thêm lên. Vĩnh thấy nhủn cả cả tâm hồn, anh vội đáp:

- Không, tôi không nghĩ như mọi người. Tôi tin rằng họ nhầm tất cả. Mà sao họ lại nỡ đồn đại ra như thế trong khi ở cái làng ấy, có một người con gái đẹp tuyệt trần như cô...

Giọng nói êm ngọt, và cái miệng cười có duyên của Vĩnh làm tan ngay cơn giận của cô gái lạ. Vĩnh thân mật tiếp:

- Tôi có thể sang thăm các cụ nhà được không cô nhỉ?

Cô cũng thân mật giả lời:

- Còn gì vui cho cụ em và anh em hơn nữa.

Cô quay lại, trỏ tay về phía bờ sông xa xa:

- Kia kìa, nhà em ở dưới những bóng dừa cao vút ấy. Sáng mai, em sẽ trèo lên buộc một tờ giấy hồng điều vào một ngọn cây cao nhất để ông dễ tìm.

Vĩnh hoan hỉ, ghé gần tai cô:

- Tên em là gì, em?

Cô nũng nịu đưa con mắt sắc như dao cầu liếc anh chàng xinh giai có cái giọng nói trai lơ quá:

- Tên em ông sẽ biết sau, bây giờ thì... kia kìa, anh em đã ở sòng bạc đang ra đấy. Thôi em xin phép xuống thuyền, em lại xin ông tránh xa ra một quãng, kẻo tính anh em khó chịu lắm cơ, nhất là khi anh ấy vừa thua bạc.

Vĩnh quay lại phía nhà cai Cửu. Một người con trai cao lớn, tay cầm chiếc gậy vuông và xách chiếc đèn gió đang xăm xăm bước đến. Vĩnh đứng yên, lấy thuốc lá châm hút. Người con trai kia nhìn Vĩnh. Vĩnh điềm đạm nhìn trả lại. Giá không có cô em gái xinh đẹp ngồi dưới thuyền nhoẻn miệng cười với Vĩnh thì Vĩnh đã lẳng lặng quẳng anh ta xuống nước sông. Anh chàng này thấy Vĩnh to lớn và ngang ngạnh thì cúi xuống cởi đầu sợi dây thừng ở cái cọc lim rồi anh ta nhảy xuống, đẩy thuyền ra khỏi bến. Vĩnh đứng lặng nghe tiếng mái chèo khuấy trên dòng sông lạnh. Khi ngọn đèn trong tay cô gái đã thu dần dần lại bằng cái chấm lửa đỏ ở tít đằng xa, anh mới buồn bã thấy rằng dưới giời khuya chỉ còn trơ lại một mình mình.
Vĩnh trèo lên con đường núi ở mãi tận trên cao. Anh thấy nhà anh, ánh lửa vẫn còn le lói lọt ra ngoài cánh liếp. Đến gần anh dừng lại bên một gốc cây mọc liền cạnh vách, anh ngồi thụp xuống dưới cái cửa sổ con, từ từ nhô đầu lên nhòm vào. Một cái bóng gù cúi lom khom bên chum nước, tiếng bát đũa kêu lạch cạch trong cái chậu sành mà bàn tay bà đồ run bây bẩy vì nước giá lạnh. Bữa rượu của ông đồ mãi đến tận canh hai này mới xong. Bà đồ phải thức để hầu hạ ông chồng, để ngồi nắm than trong khi ông chồng đã ngậm que tăm nằm lăn ra ngủ. Giữa cái tịch mịch của đêm khuya, bà luôn luôn ngóng chờ tiếng guốc của con. Đêm nào Vĩnh cũng la cà dưới bến, có khi ngủ nhờ nhà bạn, có khi ngủ dưới thuyền. Đêm mùa hè anh nằm ngủ ngay trên bến, hay trên những chiếc ván của những thuyền bè bắc làm cầu lên xuống.

Qua canh ba canh tư rồi mà Vĩnh chưa về, bà đồ lại phải cầm đèn xuống bãi tìm từ lều này qua lều khác, không thấy thì bà lại xách đèn lom khom đi suốt bến, hỏi khắp các thuyền bè. Bà chỉ lo Vĩnh vì quá buồn bực mà bê tha cờ bạc, lăn vào những người bạn có bàn đèn thuốc phiện, hay là quá chén mà ngã giúi vào xó xỉnh nào.
Từ nãy, mắt Vĩnh mờ đi, nhìn theo bóng mẹ. Và lòng Vĩnh đau thắt lại khi thấy mẹ anh úp xong bát vào chạn, rón rén ôm cái chăn của bà đến đắp thêm vào mình ông đồ đang ngáy. Bà thổi tắt đèn, Vĩnh nghe thấy tiếng chiếu sột soạt trong bóng tối: mẹ anh đã nằm xuống ổ rơm, co quắp dưới manh chiếu rách. Có cái giường tre bà đã nhường cho chồng nằm, có hai chiếc chăn bông cũ bà cũng nhường cả cho chồng đắp.
Lúc này, anh biết, mẹ anh tuy nằm đó nhưng vẫn còn mở mắt đợi nghe tiếng guốc của anh.
Nước mắt bỗng dưng giàn giụa, anh thương xót mẹ vô ngần, anh muốn lén ngay vào nằm ngủ bên chân mẹ, song nghĩ đến ông đồ, anh lại cắn chặt môi. Gục đầu vào thân cây, Vĩnh khóc như một đứa trẻ còn thơ dại. Lời ông đồ xỉ vả anh giữa đêm khuya khi anh ở nhà bạn hay vui chơi trong quán nước về, lời ông gắt mắng tàn nhẫn mẹ anh khi ông say rượu, lúc này lại theo tiếng ngáy ở trong lều vẳng đưa vào tai anh. Anh thấy anh không còn có thể phục tòng người cha khó tính, cố chấp, rượu chè như vậy mãi, mặc dầu anh đã viện tất cả những chữ của Thánh hiền chứa trong đầu anh để dẹp lòng phẫn uất. Đã nhiều lần Vĩnh định bỏ nhà nếu chẳng còn vướng mẹ già.

Tối nay tránh cơn say của ông đồ, Vĩnh phải xuống bến đi lang thang dưới cơn mưa lạnh, và sự tình cờ dắt anh đến cô gái lạ kia. Men say của mối tình mới mẻ, lúc này sực nghĩ tới, lại làm rạo rực lòng anh. Vĩnh bước đi, xa tiếng ngáy của ông đồ, xa cái góc bếp tối tăm trong đó người mẹ thân yêu của anh đang nằm đợi anh về. Gió trên đỉnh núi rùng rợn rít từng hồi quật vào da mặt anh như những ngọn roi. Đến một túp lều bên khe núi, anh đứng lại. Đó là túp lều của tên phu vừa chết được mấy hôm nay, bây giờ bỏ hoang không ai dám ở. Vĩnh bước vào ngồi xuống đống rơm. Dưới chân anh, ở cái bãi tối mịt mù và rộng mông mênh kia, những ống khói của sở than, sở mỏ nhô lên trên những mái lá thấp đen sì nối liền như bát úp. Đó đây có ánh lửa chập chờn, đấy là một hai sòng bạc mà bọn áo rách đang bóc lột nhau, và đấy là những hàng cơm mở gần tới sáng bán cho khách ở sòng ra. Kẻ thua cũng như kẻ được, ăn cho no, nốc hàng chai rượu để chờ rạng sáng lại đi làm liền.
Vĩnh nhìn sang cái làng xa xôi tít bên sông. Những bóng dừa ở đâu, người con gái xinh đẹp ấy đang nằm ngủ say sưa bên gốc dừa nào, trong khoảng nước giời đen đặc tối? Vĩnh chỉ thấy ở ngoài bể, mãi đằng xa xa, ánh ngọn hải đăng sáng lập lòe. Lắng nghe, Vĩnh thấy tiếng sóng bể đêm nay vọng lại rõ hơn cả mọi đêm khuya khác. Vĩnh có cảm tưởng giời đất đêm nay cao rộng hơn thường, người con gái kia mất hút vào trong đó, không còn ngày nào anh tìm thấy nữa.

Vĩnh thở dài. Chưa bao giờ Vĩnh phải buồn vì một người con gái, vì anh chưa bao giờ thất vọng. Nhờ vẻ đẹp giai, miệng nói có duyên, lại có chút nho học, có sức khỏe, và nhờ cái tính nết ngay thẳng khí khái, Vĩnh đã được tất cả con gái ở bến này yêu mến. Thường ngày Vĩnh ít nói cười là tại Vĩnh buồn vì cha, thương mẹ già cực khổ. Thực ra, Vĩnh là người vui tính, hôm nào được nhẹ nhàng, anh cất tiếng hát thì những cô gái đang ngồi sảy than đãi cát trên bến đều ngẩng cả lên nhìn Vĩnh, và tiếng hát ấy cũng giúp sức cho những cánh tay rắn khỏe của các bạn anh đang còng lưng đẩy những cái xe goòng chạy rầm rầm trên đường sắt.

Vậy mà đêm nay, Vĩnh đã phải buồn vì cô gái bên sông. Cô gái làng Sơn Hạ! Cô gái đã dám chở con thuyền thúng đè làn sóng mạnh qua sông dưới giời khuya mưa gió. Cô gái đã cười bảo anh rằng: "Nếu thuyền có lật thì em đã biết bơi..." và cô đã ngỏ cảm tình với anh nhiều rồi, nếu không, sao cô lại hẹn "ngày mai, em trèo lên một cây dừa cao nhất buộc một tờ giấy hồng điều cho ông dễ kiếm nhà em..." Vĩnh nhủ lòng: "Sao người con gái ấy lại sinh ra ở làng Sơn Hạ!" Cái tên một làng ăn cướp! Cái tên mà người lương thiện không thèm nói đến, hoặc có thì cũng bằng một giọng khinh bỉ, ghê tởm mà thôi. Nhưng sự đó không thể giảm tình yêu trong lòng Vĩnh lúc này. Anh muốn yêu một cách khác thường, một cách liều lĩnh, dù rằng anh tưởng tượng ra cô gái xinh đẹp ấy đã có lần cầm dao đi cướp bóc ở một làng nào, đã xông xáo chém đứt một cánh tay, một cái đầu, đâm thủng một cái bụng, ruột kẻ bị chết lòi ra. Cái bàn tay xinh nhỏ ấy đã cầm một con dao sáng loáng nhuộm máu người! Cái bàn tay ấy, vừa rồi đã dịu dàng giơ lên vuốt sợi tóc mai bay lả lướt trên làn da mát mịn, và đã để ngoan ngoãn nằm trong bàn tay cóng lạnh của anh trước khi cô bước xuống thuyền.

Vĩnh nhìn xuống cái quán nước của mẹ con Nhàn. Anh lại nghĩ đến người con gái lành hiền ấy cũng có cặp mắt bồ câu, có cái miệng cười tươi tắn, cái bàn tay, nhất là cái bàn tay, thực là lành hiền như tất cả các nết của cô. Cái bàn tay lúc nào Vĩnh đi qua cũng thấy nựng vỗ đứa em nhỏ trong lòng, hoặc têm giầu mời khách, và mới đêm nào giời giở rét, đã vá áo cho anh.
"Nhàn ơi!", tên cô gái lành hiền ấy vang lạnh trong tâm tưởng Vĩnh như một cơn gió bão, anh tự trách lòng tại sao anh lại cứ hờ hững với Nhàn như thế mãi. Còn mấy cô gái khác: Hiền, Thoa, Cúc, Lộc, họ cũng yêu anh lắm mà anh có thực tình lưu ý đến họ đâu. Có lẽ tất cả tình thầm kín, mạnh mẽ ở lòng anh, chờ đêm nay dâng cả người thiếu nữ xa lạ ấy. Anh cho là duyên số và anh thấy rằng cuộc đời anh cũng từ đêm nay phải thay đổi ít nhiều. Vĩnh ngả lưng xuống nệm rơm, mệt mỏi thiu thiu ngủ.

Mờ sáng, anh mở mắt ra đã thấy mẹ ngồi bên cạnh mình. Bà đồ nhìn con, lắc đầu:

- Con cứ ngủ xó, ngủ xỉnh thế này mãi, nhỡ ngộ cảm chết còng queo ra thì mẹ biết làm sao được. Về ăn cơm, rồi còn xuống bến làm chứ. Bố mày đã thức dậy đâu! Đây, mặc thêm áo vào. Cứ cậy khỏe mà phong phanh thế, ho thì lại khổ mẹ mày thôi con ạ!

Vĩnh đỡ chiếc áo vàng ở tay bà đồ. Anh cúi đầu cài khuya áo cho mẹ khỏi biết mắt mình đang ướt, và anh đi sát vào bên mẹ. Bà đồ xuýt xoa, lập cập dẫm đôi guốc mòn lên những hòn đá vụn bên chân núi. Anh nhìn đám khói trắng ở mái bếp nhà mình đang bốc lên cao. Còi tầm vừa dứt, Vĩnh xuống bờ sông rửa mặt, rửa chân tay bám đầy gio than. Buổi trưa hôm nay, mưa phùn đã tạnh, giời khô ráo, hoe hoe nắng. Mù trên núi đã tan. Nước sông chảy lành hiền. Vĩnh nhìn ra cái dải cát, có thể gọi là một cù lao nhỏ, ở xa xa... Thốt nhiên Vĩnh reo lên một tiếng, mắt anh quắc hẳn lên. Thái độ ấy khiến Lũy, bạn anh, phải ngạc nhiên, ngẩng đầu hỏi:

- Cái gì vậy Vĩnh?

Vĩnh không giả lời. Anh mải miết nhìn một ngọn dừa, trên dải cát xa xa ấy, có một tờ giấy hồng điều bay phấp phới. Tâm hồn Vĩnh bỗng rạng ngời lên và tưởng như có thể mọc cánh bay ngay đến đấy. Cô gái làng Sơn Hạ đã giữ lời hẹn với anh, cô đã đánh dấu nhà cô cho anh dễ tìm. Vĩnh thấy mình đã được yêu. "Chắc người ấy đang mong mình lắm đây!" Nghĩ vậy, lòng Vĩnh càng xao xuyến, mặt Vĩnh càng tươi tỉnh. Chưa có cuộc đắc thắng trong tình yêu nào làm cho anh xúc động có thể điên rồ lên được như cuộc đắc thắng này. Là vì chiếm được cảm tình cô gái lạ kia anh chưa hề phải tốn công, anh chưa từng phải chờ đợi, kết quả tới mau chóng quá đến nỗi anh tưởng rằng người con gái đẹp bên sông ấy cợt đùa mình.
Nhưng lúc này, Vĩnh muốn tin tưởng hơn là ngờ vực, mặc dầu cái tên "cô gái Sơn Hạ" vẫn làm anh giờn giợn. Bây giờ là một cuộc chơi dao sắc, chứ không phải là yêu một cô gái lành hiền ngoan ngoãn như Nhàn. Anh biết thế, song tấm giấy hồng điều trên ngọn dừa xa xa ấy bay rướn lên theo gió, tựa hồ bàn tay ai vẫy gọi anh sang. Vĩnh đấm mạnh vào lưng Lũy; làm cho anh này ngã lộn đầu xuống nước. Anh ta ngoi lên nhìn theo Vĩnh, miệng há hốc ra rồi lại lẳng lặng cúi xuống lau khô đầu tóc. Vĩnh chạy vùn vụt trên bãi, nhảy qua cả những chiếc xe goòng trên đường sắt. Thấy anh tự nhiên vui vẻ thế, người ta cười rộ cả lên. Vĩnh cũng cười theo, và âu yếm nhìn tất cả mọi người.

*

 

Thuyền đã ra quá giữa sông, Vĩnh chèo mải miết. Mắt anh ngắm thẳng vào tờ giấy hồng điều mỗi lúc mỗi gần anh thêm. Da thịt nóng bừng, anh không còn biết rét là gì nữa. Con thuyền mỏng mảnh chồm cao chúi xuống, đi vun vút, nước bắn cả vào. Gần hơn, gần hơn nữa, thuyền Vĩnh đã sắp tới rừng dừa. Bao nhiêu sức khỏe dồn cả vào đôi cánh tay to rắn, Vĩnh chèo rất nhanh và trong khi ấy, tim anh cũng đập rất nhanh. Thốt nhiên hai cánh tay anh mềm lại, cái mái chèo đứng yên dưới nước, mắt anh chăm chú nhìn về phía có người con gái tựa vào một gốc dừa đang giơ tay vẫy. Mái chèo lại mạnh mẽ khuấy dòng nước lạnh, thuyền đi mau hơn ban nãy. Và bây giờ thuyền lách vào khóm lau.Vĩnh nhẩy lên bờ. Cô gái ấy vẫn đứng yên ở gốc cây cười khanh khách, đôi mắt sắc như dao cau tít hẳn đi, đôi mắt đẹp hơn đôi mắt Nhàn! Vĩnh nắm chặt lấy hai bàn tay cô. Gió thổi lộng, lá dừa đập vào nhau sàn sạt, và mấy giải dây lưng lụa mầu cá vàng, mầu cánh chả của cô bay múa.

- Hồi chờ anh lâu quá, em nói dối anh Phiên em rằng em ra chợ, để ra đây đứng ngóng anh. Anh chở thuyền nhanh nhỉ! Nhanh hơn cả anh Phiên em đấy. Hôm nay bể lành, anh Phiên em vừa mới cùng các giai làng rủ nhau đi nghề, có lẽ dăm hôm nữa mới về. Em đã nói trước với thầy em rằng hôm nay anh sang chơi.

Hai người đi bên những gốc dừa. Lá reo ở trên đầu, cỏ mềm nép ở dưới chân.

- Kia, nhà em đấy!

Nhà Hồi là một gian nhà xinh xinh bên một gốc đa cổ thụ. Ngoài có giậu nứa vây quanh, trong có vườn giồng hoa, và giồng rau cải, su hào. Hồi mời Vĩnh vào sân. Thấy một cụ già ngồi vá lưới, Vĩnh đưa mắt hỏi Hồi. Cô khẽ nói: "Thầy em đấy".
Nói rồi, cô lùi lại rẽ vào trong bếp, Vĩnh bối rối chưa biết khi đến trước ông già kia thì anh sẽ tự giới thiệu thế nào. Nhưng ông cụ đã ngừng kim lại, gật đầu, hiền từ nhìn Vĩnh:

- Mời cậu vào chơi trong nhà!

Giọng nói dịu dàng của ông già khiến Vĩnh được yên lòng. Anh theo ông già vào ngồi trên tấm giường tre, dưới chiếu giải rơm khô. Ông cụ ngồi sắp bằng tròn, nạp thuốc lào vào điếu, bàn tay xương xẩu mốc meo run run dí đầu que đóm vào ngọn đèn con, và trong khi ấy cả hai mắt ông mở to ra để nhìn cho rõ ngọn lửa đèn bé như hạt đỗ. Làn khói trắng che lờ mờ mái tóc trắng và khuôn mặt phương phi đen xạm của ông già. Ông trầm ngâm, chờ cho khói thuốc tan đi hết, mới từ từ với tay nhấc cái khay chén trên bàn thờ xuống, cầm mảnh vải trắng từ từ lau từng cái chén. Cử chỉ chậm chạp của ông cụ lúc này trái hẳn với vẻ niềm nở lúc Vĩnh mới vào sân, khiến Vĩnh lại hồi hộp, lo lắng. Anh đưa mắt ngắm quanh nhà. Trên hai cột giữa treo một cây đàn nguyệt, một chiếc ống tiêu. Mặt vách, chỗ nào cũng toàn là câu đối. Anh lẩm-nhẩm đọc từng bức một, có nhiều câu hay quá khiến anh thích chí, bất giác đùi anh khẽ rung rung. Hồi ở dưới bếp lên, bước nhẹ sau lưng anh, đưa cho cha ấm nước sôi. Thấy người yêu rung đùi như một thầy đồ, cô bật lên cười. Vĩnh giật mình nhìn Hồi. Má cô ở bếp lửa ra, đỏ hồng hồng và đôi mắt long lanh sáng. Cô vội giơ tay che miệng rồi e lệ chạy ra sân. Vĩnh ngượng nghịu, mặt anh cũng đỏ bừng.
Trà đã ngấm, ông già rót nước ra chén. Lúc này ông mới để ý ngắm người con giai lạ ngồi trước mặt ông. Vĩnh ngượng nghịu thêm, anh vờ nghếch mắt nhìn bức hoành phi treo bên gian hữu.
Ông già khẽ gật đầu. Mà trong khi để ông già ngắm diện mạo mình, Vĩnh đã tự tin rằng dù khó nết đến đâu ông cũng không chê anh được. Buổi trưa, nhìn thấy tấm giấy hồng điều bay phấp phới đầu ngọn dừa, anh đã chạy như bay đến nhà người bạn mượn bộ cánh thắng vào. Chị Năm, vợ bạn anh đã cười với chồng, khen rối rít: "Mặt bác Vĩnh hồng hào vuông vắn thành ra đội chiếc khăn của nhà tôi đẹp lắm. Chứ nhà này mặt quắt lại đen, đội xấu xấu là! Cặp áo the bác Vĩnh mặc thì vừa vặn, nhà này mặc thì rộng dài quá! Gớm, bác Vĩnh con nhà nho có khác, thắng bộ tịch vào thế kia thì gái nào chẳng chết mê tơi!" Ông già nhấc một chén trà lên mời Vĩnh:

- Cậu xơi nước đi cho nóng!

Vĩnh lễ phép đỡ chén nước ông đưa.

Cụ nhắp từng ngụm nhỏ, chậm rãi:

- Con em nó đã nói chuyện với tôi về cậu, nó tin chắc rằng hôm nay thể nào cậu cũng sang chơi. ấy, lúc sáng thấy chim khách hót ngoài bụi tre, tôi đoán ngay là có khách. Thế nào, cụ Tú bên nhà có mạnh không, cụ vẫn làm thơ như thường đấy chứ?

Vĩnh ngạc nhiên:

- Bẩm cụ cũng biết thầy con?

Ông già vuốt râu cười:

- Tôi thường được nghe người ta nói rằng bên bến có cụ Tú thơ hay và chữ tốt lắm, tết năm nay tôi định sang mừng tuổi cụ, xin bức đại tự treo nhà. Bình sinh tôi chỉ thích chơi câu đối thôi cậu ạ. Nhờ tổ ấm khi xưa tôi cũng được theo đòi chút bút nghiên, nhưng rồi cũng chẳng thành công cán gì. Con cháu Hồi và thằng anh Phiên nó, tôi vẫn bắt học tập khi nào rỗi rãi, song chúng nó dốt nát lắm, học đâu bỏ đấy ngay. Thấy cháu nó nói cậu là con cụ Tú, có lòng yêu cháu, mến tôi mà hôm nay sang chơi, thực tôi mừng lắm. ở cái đất làng này, nói nhỏ riêng với cậu, con giai, con gái chẳng ra sao cả, tôi vẫn buồn phiền lắm. Nay được cậu thỉnh thoảng có thì giờ sang đây làm bạn với hai em, dạy bảo cho hai em mỗi khi dăm ba chữ thì thật là quý hóa. Tôi bây giờ yếu rồi, sinh lười ra cậu ạ. ở gần sông, gần bể rét lắm, cứ ốm đau luôn. Hễ giời ấm ráo như hôm nay, mới ngồi dậy được, cất nhắc một vài việc vặt cho giãn tay chân một chút.

Những lời thân mật của ông cụ làm cho Vĩnh cảm kích và vui sướng. Anh biết rằng những câu ấy cũng đã lọt vào tai Hồi đang đứng nghe trộm đằng sau vách, vì thỉnh thoảng anh nghe tiếng cười khúc khích.

Vĩnh kính cẩn đáp ông già:

- Mới buổi đầu cụ đã thương con như là con trong nhà, con tưởng không còn gì may mắn cho con hơn nữa...

Anh ngừng lại, ngượng nghịu vì câu anh sắp muốn nói. Trong khi ấy, anh thò ngón tay út vào chén nước cời ra một con ruồi mới sa vào.

- ... Thưa cụ, lát nữa về, con sẽ thưa chuyện này với thày mẹ con để thày mẹ con có lời sang trình cụ.

Ông già rót nước vào chiếc chén khác mời anh.

- Cậu xơi đi, cái con em Hồi nó ướp nhiều hoa sói vào chè thành ra hương nồng quá! à thế nào, những vế chữ này cậu thấy có tạm được không? Cứ hôm nào con em Hồi nó đi chợ, thằng anh Phiên nó đi bể vắng, ở nhà một mình buồn, tôi lại viết nhảm nhí thế chơi. Gân tay yếu rồi, chữ trông run lắm nhỉ?

- Thưa cụ, văn rất hay. Còn chữ thì con tưởng già mạnh lắm.

Có một cái bóng qua ngoài cánh giại, Vĩnh nhìn ra. Hồi đứng giữa sân, tay bưng chiếc rá. Bỗng ở đâu kéo ra một đàn ngan trắng kêu váng lên xúm xít dưới chân Hồi, tranh nhau những hột cơm, hạt thóc cô đang rắc xuống. Mấy con bồ câu ở trên mái rạ bay sà xuống đậu vào vai Hồi, rồi bay tản ra các góc sân. Vĩnh say sưa nhìn người yêu giữa đàn ngan trắng. Anh có cảm tưởng đó là một bức tranh tố nữ, một bức tranh tiên. Ông già khẽ gọi:

- Hồi ơi, con liệu làm cơm khách nhé! Ra chợ xem có cá tươi thì mua về làm gỏi. Hôm nay ấm giời, rượu với gỏi cá thì tốt lắm phải không cậu nhỉ!

Chưa bao giờ Vĩnh cảm động sung sướng bằng lúc bấy giờ, có lẽ đây là lần đầu trong cả cuộc đời anh. Hồi đã cắp rổ ra ngoài ngõ. Anh liếc trông theo. Hồi ngoảnh lại nhìn anh chúm chím cười.

*

- Lấy cho tôi chai Văn điển nữa ra đây cô Nhàn!

Vĩnh đặt cái chai không xuống chõng hàng, mắt anh ngầu đỏ.

Nhàn ngồi nép bên cái tủ nhỏ và cóng nước chè tươi, rung rung đứa em bé trên tay đang khóc.

- Thôi bác Vĩnh, say rồi đấy, về mà nghỉ.

Vĩnh quay nhìn ra ngoài sông tối, giọng anh thấp xuống như là nói với ai kia đang mong chờ anh ở bên sông:

- Tôi không về, không bao giờ tôi còn về nữa. Có lẽ tôi sẽ phải bỏ nhà...
- Đấy bác Vĩnh say thực rồi, về đi kẻo cụ bà phải xuống tìm...Giời rét mướt!

Vĩnh gục mặt vào lòng bàn tay, tóc anh rũ rượi. Anh lẩm bẩm:

- Cơ sự thế này thì tôi đến phải bỏ nhà mà đi mất, ai đời lại mắng chửi mình, xô đuổi mình như con vật thế này...

Anh ngồi lặng yên một lúc lâu rồi bỗng anh ngẩng đầu lên, hai mắt đỏ hơn ban nãy, anh đập tay chan chát xuống chõng hàng.

- Tôi không say! Cô cứ lấy thêm một chai nữa ra đây! Tôi cần uống.

Vĩnh thét:

- Ô hay chửa! Tôi uống thì tôi giả tiền. Tôi say thì mặc xác tôi việc gì đến cô mà cô ngăn cấm mãi. Cô không lấy thì để tôi lấy vậy.

Vĩnh đứng dậy mở tủ kính nhấc chai rượu, ghé răng cắn bật cái nút ra. Anh đổ rượu vào cái bát đàn, uống một hơi cạn, lại cạn luôn bát nữa. Hớp rượu cuối cùng chưa kịp nuốt thì đã sặc ra, rồi thì nôn thốc tháo. Anh ngả đầu dựa vào cái cột, hai mắt nhắm nghiền. Một lúc mở mắt, anh thấy Nhàn đang đứng đắp chiếc khăn mặt dúng nước nóng vào trán anh. Vĩnh nắm lấy cổ tay Nhàn, giọng mệt nhọc, khe khẽ:

- Cô Nhàn!
- Dạ...

Nhàn không rút tay lại, má cô đỏ bừng, cúi nhìn xuống đất. Vĩnh kéo Nhàn sát lại gần:

- Cám ơn Nhàn lắm...

Giọng anh nghẹn lại. Anh nhớ đến những lần ông đồ quá say, mẹ anh cũng sợ hãi đắp khăn nóng vào trán ông như thế này. Anh nhớ đến vẻ mặt buồn phiền và đôi mắt chứa đầy thương xót của bà đồ nhìn cha anh, rồi bà thở dài cúi xuống. Nhàn lúc này cũng săn sóc anh như là người vợ, cũng có vẻ mặt sầu khổ và đôi mắt ướt lóng lánh nhìn anh một cách vô cùng thương xót. Anh xiết chặt cổ tay Nhàn:

- Tôi cảm ơn Nhàn lắm...
- Thưa anh, có gì đâu ạ...

Hơi thở của Nhàn rộn lên. Bỗng Vĩnh rời tay Nhàn ra, gọi một cái bóng vừa thoáng qua ngoài bến tối.

- Lũy, xuống thuyền chờ tôi nhé!

Anh dứng dậy, chụp cái mũ nồi bẩn thỉu lên đầu, lảo đảo bước ra. Nhàn khẽ thở dài; cô thu hàng, khép tấm giại, trèo lên ghế thổi tắt đèn.

*

 

Lũy khép ván cửa khoang thuyền cho khỏi gió. Rồi anh thổi mồi rơm châm đóm, rít một hơi điếu cầy. Khói tỏa lên, lởn vởn đọng trên vòm mui nứa. Sóng vỗ óc ách, thuyền chòng chành.Vĩnh nằm yên, mở to mắt nhìn vào mặt Lũy. Anh này đưa cái bàn tay sần sùi thô kệch lên gãi cái sẹo ở cằm, rồi kể:

- Ngày bé, đã có một lần tôi theo mấy người anh em sang Sơn Hạ. Bên ấy mở hội to, người các làng gần đấy kéo nhau đến đấy xem đông lắm. Nhưng những kẻ dám đặt chân vào đất Sơn Hạ ấy thảy đều là những tay chơi liều lĩnh và cần nhất là phải dắt dao trong mình. Tôi nhớ rằng vì sợ mình bé quá không được đi, tôi đã lẻn xuống thuyền trước, cậy ván chui xuống nấp. Khi đến Sơn Hạ, chờ cả bọn lên bộ rồi, tôi mới chui lên đuổi theo sau. Lúc này thấy tôi, họ chỉ trợn mắt nhìn, đành cho theo vậy. Chúng tôi xem vật thi. Tôi nhớ cái anh đô vật của Sơn Hạ to lớn lạ lùng, đã thắng hết cả mọi tay vật khác ở các nơi. Có một người cũng to lớn chẳng kém gì anh ta, xông vào. Mọi người thì thầm bảo nhau đó cũng là một tay thuyền chài, ở ngoài bãi bể, vật có tiếng xưa nay. Rút cuộc, anh đô vật làng Sơn Hạ bị ngã. Lúc xẩm tối chúng tôi đang ngồi uống rượu trong một cái quán thì cô con gái bà hàng chạy về cười rú lên báo cái tin ngoài rừng dừa mới có một cái xác lòi cả ruột. Cô ta thản nhiên nhổ cốt giầu rồi tiếp "Đó là xác anh đô vật thuyền chài bị anh đô vật làng Sơn Hạ mình giết đấy!"
Ăn uống xong thì xẩm tối. Chúng tôi vào đình. Mới bước đến sân đình, tôi đã sởn tóc gáy vì thấy những cây thiết lĩnh, những ngọn mác sáng loáng cắm trên hai cái giá tre bầy hai bên, dưới những lá cờ ngũ hành xanh đỏ. Bọn tuần tráng anh nào cũng khỏe mạnh đi đi lại lại. Trong đình, ở hai gian bên có mấy đám thò lò, xóc đĩa. Tiếng cười thét ầm ầm như chợ vỡ. Thỉnh thoảng lại có cuộc đánh nhau, con gái, trẻ con chạy ùa cả ra ngoài. Giữa đình, phường chèo đang hát. Phường hát này mà dám đến hát ở đây chắc cũng phải là một phường hát giang hồ, tay trùm cũng phải là tay ăn chơi giỏi võ. Có một người kể cho chúng tôi nghe rằng: Một năm, phường hát này có cô đào đẹp lắm. Anh con giai ông Lý ngỗ nghịch và võ khá có tiếng xưa nay chòng ghẹo cô đào. Bố cô là bác trùm Vạn, đánh ngay anh con giai ông Lý ở giữa đình. Anh con giai ông Lý bị thương, nhưng anh ta không tính việc báo thù. Sáng hôm sau anh làm rượu mời cả phường vào nhà riêng thết đãi. Từ đấy, phường bác Vạn được giai làng Sơn Hạ phục lắm, và cũng từ đấy hễ có hội hè đình đám, là phường bác Vạn lại được dân Sơn Hạ đi mời.
Chúng tôi ra đám hát trống quân. Gái làng này đẹp lắm, cô nào hát cũng hay. Giai trong làng, giai các nơi, hễ anh nào hát thua thì bị các cô làm cho xấu hổ, nhục nhã. Các cô bảo trẻ con lén vào đứng sẵn sau lưng, anh nào thua, tức thì chúng đổ ngay nước tiểu vào đầu, vào quần áo. Mà anh con giai thắng được thì có thể bế xốc ngay cô gái lên đùi.
Cái trinh bạch của các gái tơ làng Sơn Hạ không có nghĩa lý gì. Chỉ chết những thằng đàn ông. Anh nào bị thiệt, bị phỗng tay trên thì lẳng lặng ra nhà hàng nốc vài chai rượu, rồi ra bác thợ rèn ở cuối chợ mua một con dao. Công việc tính toán với nhau rất chóng. Một cái xác buộc vào hòn đá vất ra sông, nó sẽ từ từ trôi ra bể.
Một đêm hội hè vui vẻ, một đêm giai gái mặc thích nô đùa, vài ba cái xác trôi đi là thường lắm. Trong khi ấy thì những cặp nhân tình cứ tự do dắt nhau đi dưới bóng giăng, ra rừng dừa, ra vườn rau, ra bờ sông, ngồi ngay trên miếng đất còn ướt máu, còn lại một vài ngón tay bị chém vướng vào chân cỏ. án mạng trên đất Sơn Hạ ngày thường cũng như ngày hội, xảy ra nhanh chóng và dễ dãi như là ta nhai vã một miếng giầu mà thôi. Vì cái xác buộc vào hòn đá nặng cứ việc trôi ra sông, ra bể, để cá nó ăn cho béo. Mà cá béo thì lại lọt vào lưới chính những anh đã giết những anh thuyền chài làng Sơn Hạ; họ đem cá đi bán cho cha mẹ, cho vợ con những anh con giai đã nằm trong bụng cá kia. Quan không làm gì họ cả, vì huyện ở xa, phủ ở xa. Đến nơi thì tang tích không còn. Cho nên quan cũng chán, chẳng muốn giây vào Sơn Hạ nữa. Nhưng đó là làng Sơn Hạ mười mấy năm về trước. Bây giờ anh Vĩnh ạ, tôi chắc dân đã thuần rồi. Một điều ta trông thấy là từ khi anh đến ở bến này, có nghe thấy nói làng Sơn Hạ đi cướp bóc gì ở đâu không? Có thấy một cái xác con giai con gái nào dạt sang bến này không? Xưa kia chính mắt tôi trông thấy luôn luôn. Đã có một lần tôi ra đây vo gạo, thế nào mà đặt ngay cái rá lên mớ tóc nổi lều vều. Lũy cười phá lên, cái miệng đã méo sẵn của anh ta xếch hẳn sang một bên má đầy những hột cơm và sẹo nhỏ.Vĩnh không cười. Mặt anh đượm một vẻ vô cùng đau đớn. Lũy thấy Vĩnh không cười, thì ngẩn mặt ra. Rồi tiếp:

- Có phải thế không? Tôi thấy nói bên Sơn Hạ hiện mấy năm nay người ta dẫy cả vườn hoang để cầy cấy. Một nửa dân làm ruộng, một nửa dân vẫn theo nghề chài. Thỉnh thoảng con giai bên ấy chả sang đây mua than, bán cá là gì đấy? Họ cũng lương thiện y như cái anh chàng hôm nọ vào đánh bạc trong sòng bác Cai, dắt theo một cô gái xinh xinh ấy mà, Vĩnh còn nhớ không? - Anh ta lành ra phết, thua ba chục bạc mà chẳng cắu kỉnh gì. Thế mà bây giờ ai cũng khinh ghét làng Sơn Hạ, ai cũng yên trí rằng giai làng Sơn Hạ thì ăn cướp, gái thì làm đĩ loạn dâm. Cái miệng người đời chó đểu thật!

Lũy thở khói thuốc lào. Xong rồi, anh ta dụi mạnh đầu que đóm xuống sạp thuyền, tỏ vẻ bất bình sau cái câu chửi đời rất chua chát ấy. Anh ta nằm xuống kéo chiếu đắp lên mình bạn và đắp cho mình. Một lát, anh ngoi đầu lên khỏi mép chiếu, giọng chán nản:

- Vĩnh ơi, thế đằng ấy có tận tâm giúp tớ cái việc can hệ nhất đời tớ đó không? Cái việc Nhàn ấy mà... Vĩnh ngồi lên, âu yếm vỗ vào đầu Lũy:

- Tôi giúp anh. Anh có thể tin rằng chỉ từ giờ đến Tết, Nhàn sẽ là vợ anh. Cứ cố để dành tiền, đừng rượu nữa. Lũy thở phì ra, ấy là anh ta thở dài:

- ít lâu nay tôi sinh ra rượu chè là tại tôi buồn vì Nhàn hết sức. Nhàn không yêu tôi, có thể nói là Nhàn ghét tôi lắm lắm. Tôi biết mình xấu xí chẳng bằng ai, nhất là chẳng bằng anh; Nhàn mê anh, tôi đã biết. Tối nào tôi cũng phải đi qua nhà Nhàn chứ không dám vào, vì vào thì ra về thêm tủi, lại phải nốc thêm dăm cút rượu nữa mới đặt mình ngủ được. Ban nãy tôi đã đứng bên ngoài, dòm xem Nhàn đắp khăn ướt vào trán anh. Giá Nhàn làm thế cho người khác thì tôi đã lăn vào, nhưng Nhàn săn sóc cho anh như thế là phải lắm. Đã có một lần tôi khổ sở quá, uống cả một chai trước mặt Nhàn, rồi gục xuống. Thế mà Nhàn cứ mặc xác tôi nằm đấy. Như vậy anh bảo tôi còn hy vọng gì?.

Giọng Lũy gần như muốn khóc. Vĩnh ấn đầu bạn xuống mỉm cười:

- Anh cứ tin ở lời tôi! Tôi chắc rằng tối mai, anh sẽ được ngồi nói chuyện với Nhàn.

Lũy thò tay ra ngoài chiếu lấy ra một chuỗi dây xà tích bạc:

- Đây này, tôi đã nhịn may áo để mua cái này biếu Nhàn. Nhưng gặp Nhàn, tôi lại hồi hộp..., thế rồi thì không dám bỏ ra, không dám nói câu gì cả.

Vĩnh bật cười thương hại bạn:

- Sáng mai anh đem bán lại cho hàng bạc, lấy tiền may áo rét, hay bỏ ống để mai kia mà mua cau giạm ngõ.

Vĩnh kéo chiếu lên đắp kín đầu Lũy, đoạn anh với tay mở cửa thuyền. ánh giăng mùa đông buồn lạnh giãi trên sông, trên bến. Nhìn tảng đá bên đường goòng, Vĩnh nghĩ đến tối qua, anh ngỏ lời xin cha mẹ cho anh lấy Hồi. Ông đồ thét lên: "Mày mà lấy nó thì tao giết chết. Tao như thế này mà lại đi thông gia với quân kẻ cướp à? Tao còn sống đây lại để cho mày mang con đĩ ấy về nhà này ư! Giấy rách phải giữ lấy lề con ạ. Mình tuy nghèo khó, nhưng ở cái bến này ai cũng có lòng kính nể, nay mày rước đứa con gái làng ăn cướp ấy về làm dâu tao thì phỏng mày định bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ mày ư?".
Anh đã đau đớn, đã tức giận đến nỗi không sao nhịn được: "ấy là thày chỉ nghe người ta đồn đại những tiếng xấu cho cái làng ấy mà thôi. Hiện giờ người ta cũng làm ăn lương thiện như mình. Cha nó, anh nó cũng có chữ nghĩa như mình, nó cũng trong sạch, lành hiền y như là... mẹ tôi..."

Ông đồ vơ lấy cái chén ném vào mặt anh, và ông thét: "à thằng này hỗn láo, mày ví những quân ăn cướp với cha mày, mày so sánh con đĩ với mẹ mày!" Rồi ông bước xuống giường cầm tay anh lôi ra cửa. Bà đồ cuống quít níu lấy con: "Thôi, tôi lạy ông, con nó dại, ông để tôi bảo nó..." Nhưng ông hất tay bà ra, ông kéo Vĩnh xuống bến. Đến cái tảng đá bên đường goòng ông đẩy Vĩnh ngồi xuống đấy, chỉ tay ra ngoài bể, ngoài cái mù mịt xa xôi: "Tao nói cho mày biết: bao giờ ngọn hải đăng kia tắt, tao chết, thì mày muốn làm gì mặc ý mày. Chứ ngọn lửa ấy còn, tao còn, thì tao quyết không cho mày lấy con giặc ấy. Tao để mày ngồi trên hòn đá suốt đêm nay mà nghĩ..." Rồi ông lại trèo lên dốc núi. Vĩnh một mình gục đầu xuống cánh tay, khóc nấc lên.
Vĩnh lắc đầu, chua xót. Anh trông lên chân núi, gian nhà anh lờ mờ dưới bóng giăng khuya, trong đó anh còn để lại một người mẹ già đang khóc vì anh.

*

 

Chờ tinh sương, Vĩnh lại sang bên Sơn Hạ. Phiên, anh Hồi, đang cuốc đất trong vườn rau bước ra niềm nở chào anh. Vào giường ngồi, đã uống hết hai chén nước rồi mà chưa thấy bóng người yêu, anh băn khoăn, mà hỏi thì không dám. Ông già cũng vừa ngủ dậy ở buồng ra, thấy anh thì có vẻ bằng lòng lắm. Có tiếng cười của Hồi ngoài ngõ. Hồi bước lên thềm, tình cờ thấy Vĩnh, mặt cô đỏ bừng. Có lẽ Hồi đã mừng thầm rằng hôm nay Vĩnh sang sớm thế chắc là để báo cho mình một tin mừng. Phiên tinh ý mỉm cười hỏi cho em đỡ thẹn:

- Em ra chợ mua gì thế?
- Em mua một cái gương. Nhà chả có cái gương nào, em cứ phải đội khăn mò, có soi thì lại phải ra chum nước.
- Em tôi dạo này sao hay làm dáng quá. Đưa anh coi gương có đẹp không nào!

Xem gương rồi Phiên cười nhìn em bảo:

- Chiếc gương sáng quá! (và quay lại cười với Vĩnh) Chú Vĩnh ạ, em tôi về việc mua bán thì kén chọn sành đáo để, chả mấy khi bị hớ đâu...
Má Hồi lại đỏ bừng, và mắt Vĩnh cũng sáng lên. Cả hai người cùng hiểu nghĩa câu nói của Phiên. Lúc này, Vĩnh yêu người con giai ấy quá, anh muốn nắm lấy bàn tay Phiên thật chặt. Một lát sau, Vĩnh bấm Phiên ra vườn. Vĩnh thú thật sự cự tuyệt của ông đồ, giọng anh thành thật và đau đớn. Phiên cắn môi dưới, lắc đầu. Hồi nấp sau một bụi chuối, bước ra. Mắt Hồi đã ướt, nhìn Vĩnh:

- Thày em và chúng em cũng đoán trước sự này rồi. Cái làng này, ai chả có quyền khinh. Bây giờ, tùy anh...

Vĩnh cúi nhìn xuống đất. Rồi bỗng nắm lấy tay Phiên và tay Hồi, mắt anh quắc hẳn lên:

- Cơ sự đã thế này thì ngay từ hôm nay tôi không về nữa, tôi sẽ dựng một gian nhà gianh ở làng này để theo bác đi ra bể đợi khi nào thày tôi hồi tâm sẽ hay.

Hồi ngước lên nhìn Vĩnh, hai bàn tay nắm chặt lấy nhau.

*

Gian nhà gianh, Phiên và Hồi đã giúp Vĩnh dựng xong bên cây đa cổ thụ. Hai nhà cách nhau một quãng gần, nên ngày nào ba người cũng qua lại chơi bời thân mật. Mới được chừng nửa tháng, Vĩnh đã theo Phiên ra bể hai lần. Vĩnh khỏe mạnh, can đảm, sáng ý, thành ra mới hai lần mà Vĩnh đã thông thạo như một nhà nghề lâu năm. Mỗi khi đi vắng về, Vĩnh thấy đồ đạc trong nhà lau chùi sạch sẽ, ngoài vườn lại mới thêm vài luống rau tươi. Vĩnh có cảm tưởng như mình là gã tiều phu ngày xưa, sống với một nàng tiên lạc xuống trần. Tình yêu Hồi, mỗi ngày thêm nồng đượm, nhưng anh vẫn cố giữ gìn đè nén cơn rạo rực của lòng, những đêm hai người ngồi sát vai nhau. Ông già quý anh như con đẻ. Ngày nào cũng gọi anh sang ngâm thơ đọc sách. Phiên và Hồi, hai anh em tối tối sang nhờ Vĩnh bảo học; đêm nào có giăng ba người bắc chõng ra sân trò chuyện, có khi Vĩnh cất cao tiếng hát.

Tiếng hát của anh, cũng như ngày còn ở bến sông nhà, lại làm cho giai gái ở đây chú ý kéo nhau vào chật cả sân. Họ có cảm tình ngay với anh, họ làm thân, mời anh đến chơi nhà. Họ phục anh vì có chữ, và sau này, nhân một tối anh dạy Phiên vài miếng võ, họ lại phục anh hơn nữa. Những cô gái làng thường lả lơi cợt ghẹo anh, song anh giữ vẻ đứng đắn kẻo sợ Hồi ghen. Những giai làng cũng có kẻ bướng bỉnh tức tối vì thấy cô gái đẹp nhất làng của họ yêu anh, nhưng rồi họ cũng trở nên bạn thân của anh tất cả, họ nhờ anh dạy võ và dạy chữ. Nhưng mỗi ngày, người ta càng nhận thấy Vĩnh buồn rầu, ít nói. Nhất là Hồi, cô băn khoăn vì thái độ của anh. Một buổi chiều Hồi ra bờ sông, thấy Vĩnh đang đứng tựa gốc dừa nhìn sang bên chân núi xa xa. ở đấy, nổi rõ một mái lều gianh bé tí và một làn khói tỏa lên giời. Hồi len lén đến sau lưng, khẽ đặt tay lên vai Vĩnh.

- Đấy, em đã biết là anh nhớ nhà, thế mà anh còn chối mãi em!

Vĩnh ngảnh lại kéo đầu Hồi vào sát ngực mình âu yếm vuốt cái vai tròn đẹp của Hồi đang nhè nhẹ rung lên vì nức nở.

*

Mùa đông năm sau. Một buổi trưa, Vĩnh đang ngồi vót nan đan giỏ, thì Hồi vào đưa Vĩnh một lá thư.

- Bác Xã sáng nay sang bến bán cá, có một bà cụ nhờ bác ta mang thư này về cho anh. Bác ấy vừa gặp em ngoài giếng.

Vĩnh nhận ngay ra nét chữ ông đồ. Mặt anh tái đi, và tay vừa run vừa bóc. Hồi lo lắng lặng im nhìn Vĩnh đọc, mắt Hồi mở to ra đợi chờ. Bỗng Vĩnh bỏ tờ giấy xuống, vồ ngay lấy hai vai Hồi, nhìn trừng trừng vào mắt Hồi, rồi nước mắt anh ràn xuống má:

- Đây là thư của thày anh viết trong cơn đau nặng. Cụ tỏ ý hối hận đã ghét bỏ anh. Bây giờ cụ muốn anh về, rồi cho cưới em ngay kẻo bệnh tình đang nguy lắm.

Hồi mừng rỡ nắm chặt tay Vĩnh, nước mắt cũng ràn rụa ứa ra.

*

Vừa ghé thuyền vào bến, không kịp buộc dây, Vĩnh đã nhảy lên bờ, chạy. Mấy cô gái, mấy người bạn rối rít gọi tên, anh cũng không quay đầu lại. Lên tới nhà, Vĩnh rón rén đến bên giường ông Tú, vén màn. Ông Tú đang thiêm thiếp, mở mắt nhìn anh khẽ gật. Mẹ anh ở trong bếp ra thấy anh, vội đặt niêu cháo xuống, kéo anh vào bếp. Bà mếu máo:

- Thầy con khó mà qua được. ấy, con bỏ nhà được vài tháng, thầy con cũng sinh buồn bã, bỏ cả rượu, cả cơm, rồi cứ thế mà gầy sút đi dần dần.

Một hồi sau, ông đồ đã tỉnh ra một chút, bảo bà đồ:

- Bà ăn cơm chưa? Dọn cho con nó ăn với chứ! Hôm nay là bao nhiêu Vĩnh nhỉ!
- Thưa thày hăm ba.
- ừ thế là ngày phiên chợ đấy, bảo u mày liệu xoay xỏa lấy món tiền mà mua cau. Phải chọn lấy những chùm to quả ấy. Nhà mình không thể luộm thuộm như nhà khác được... Giấy rách phải giữ lấy lề, nghe không!
Vĩnh vui mừng móc túi đưa mẹ món tiền bán cá mà anh dành dụm được hơn một năm giời. Anh nhìn theo mẹ tất tưởi cắp thúng xuống con đường núi dốc và anh trông sang những ngọn dừa ở xa xa, lòng xao xuyến.

*

 

Hôm nay nắng đầy giời. Con sông dài êm đềm chảy, cuốn theo cả nắng rực rỡ ra khơi. Một đoàn ngót chục chiếc thuyền đè ngang sóng từ bên Sơn Hạ trèo về bến. Tiếng hát của một bọn giai đã say rượu bên nhà gái, cất vang lên. Họ lôi cả chú rể lên mui thuyền bắt hát. Anh vui vẻ hát lại những bài anh đã hát cho Hồi nghe trong những đêm giăng.Vĩnh vừa hát dứt câu thì Lũy, mặt rượu đỏ hơn tất cả mọi người, ngẩng lên giời cười rất lớn, rồi đứng giữa mui, bóc bánh pháo to, châm diêm đốt cầm vung ra từ phía.Tiếng nổ dậy một khúc sông, những giấy hồng bay tới tấp, nổi lềnh bềnh theo sóng cuốn. Đã vào tới bến. Mấy cô phù dâu dắt Hồi lên mảnh ván gỗ, vào bờ. Vĩnh và bọn anh em phù rể đi bên cạnh. Vĩnh đang ngơ ngác trên cái bến thân yêu mà anh xa lìa trong hơn một năm giời, và tưởng rằng không còn có ngày nay nữa thì Lũy thích vào cánh tay anh:

- Anh Vĩnh, nhà tôi đứng ở cửa kia. Đã đẻ thằng cháu giai, được hai tháng rồi đấy. Thực là nhờ anh nói giúp cho có một câu mà nó bằng lòng tôi ngay, có thần tình không chứ! Mai thể nào cũng mời hai bác sang xơi chén rượu!

Lũy cười rộ lên, để hở cả hai hàm lợi xám và những chiếc răng cải mả.

Vĩnh đưa mắt nhìn Nhàn. Nhàn đứng ở ngoài hàng bồng con. Nhàn vẫn như xưa, đôi má vẫn hồng, đôi mắt bồ câu vẫn đen nhanh nhánh. Vĩnh toan chào nhưng Nhàn đã vội quay vào. Tự nhiên, một nỗi bâng khuâng vụt thoáng qua lòng. Vĩnh thờ thẫn nói:

- Thế à? Đã có cháu rồi... Thấm thoắt ngày nào nhỉ!

 

Ngọc Giao
(Cô Gái Làng Sơn Hạ - nxb Văn Học)

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.