chan_dung-ke_si

CHUYỆN THẰNG TÌNH - Truyện ngắn Trần Tâm

09-12-2024

Lượt xem 1541

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Trần Tâm

CHUYỆN THẰNG TÌNH - Truyện ngắn Trần Tâm

Chân Dung Kẻ Sĩ: CHUYỆN THẰNG TÌNH là một truyện ngắn khác rút từ tập truyện ngắn Bời bời bão dựng, NXB Hội nhà văn, xuất bản năm 2023 của nhà văn Trần Tâm.

           Chỉ bằng nghị lực và sự tự học, Tình đã vượt lên trên tất cả bạn bè đồng lứa. Cuộc đời hắn chẳng ra sao nhưng nghị lực vươn lên thật đáng trọng nể. Vừa đội bom vừa học, chúng tôi từ một thày một lớp bay lên như cánh chim mỗi đứa một phương. Gia đình công nhân hai sương một nắng, không biết bấu víu, không dây dợ chằng chịt, không tai ách ốm đau gì, đủ ăn uống tằn tiện đã đầy may mắn. Học hết cấp 2, Tình theo cha vào công nhân, tiếp tục nghề cấy lúa đường nhựa, rải mồ hôi xuống mặt tầng. Sự giáo dục của cha mẹ được chăng hay chớ với mớ lý luận Cha mẹ sinh con trời sinh tính, trăng đến rằm trăng tròn, trời đã sinh đàn voi thì đất dày cỏ mọc. 

          Trời đâu chưa thấy, trăng cũng qua rằm, Tình giao du với bạn bè nhăng nhố, cùng một lũ học ít chơi nhiều. Làm việc được chăng hay chớ, cấp trên nhắc nhở là kiếm cớ tránh né, đổ vấy đổ vá trách nhiệm. Rượu chè, thuốc lá liên miên. Mải chơi sao đó, Tình để cháy máy. Chiếc máy hàn mấy chục ngàn đồng, mỏ vừa mới lấy về chưa được nửa năm. Án kỷ luật buộc thôi việc. 

           Bao giờ người nhà cũng là tốp người sau biết sai sót của con. Thấy Tình loanh quanh, làm ăn chấm chớ, bà mẹ mới nghi ngờ. Khi biết, bà chỉ còn giơ tay kêu giời. Giời lại quá nhiều việc nên không để ý. 

        Tình trở về, tu dưỡng tại nhà. Hắn đóng cửa lại, chịu sự mắng nhiếc của bố mẹ, xin, lấy và tìm kiếm sách. Bạn bè không còn là gì nữa. Hắn cứ một mình lầm lũi, đọc và học. Thỉnh thoảng ra cửa hàng, dùng sức bốc vác lấy tiền công khuân về những cuốn dày cộm. Bố mẹ không hiểu con mình, thắc mắc không dám nói. Hắn rành rọt: 

         - Bạn bè như đánh bạc. Đứa nào cũng vui đâu chầu đấy thôi. Con xin bố mẹ, cơm ăn nước uống hai năm. Sau đó con rời nhà, không gây phiền nhiễu cho bố mẹ nữa.

         Chưa đủ hai năm, hắn đăng ký tham gia cuộc thi tiếng Anh tổ chức từ địa phương. Thế nào lại đoạt giải nhất tỉnh rồi giải nhì toàn quốc. Cha mẹ rất mừng vì thằng con hư nay được vua biết mặt, chúa biết tên. Hắn ở nhà đúng hai tuần, rồi lại đi đâu, không ai biết. 

           Ở đời, không thiếu người mong muốn cho con cái học vượt chúng vượt bạn bằng kiến thức. Hắn được mời đi dạy tiếng Anh tại nhà, làm gia sư. Chả có nghiệp vụ sư phạm gì nhưng hắn tận tâm. Học sinh tiếp thu tốt, tiến bộ trông thấy. Hắn thuê điểm, mở trường. Lớp lứa này chưa qua, lớp sau đã ngấp ngó, mong nhờ thày. Hắn dạy theo giờ và có nguồn thu nhập khá cao. Thời bấy giờ, lương người thợ lái máy bậc năm mới có ba trăm đồng một tháng. Hắn nói phóng sinh quãng hai ngàn. Dạy ở Bắc Giang, Hòa Bình xa cách thế, hắn đi đi về về như cơm bữa. Tiền nhiều, bố mẹ vinh dự, vợ con đàng hoàng, chiều hắn như chiều vong.

          Được dăm năm, bố mẹ lần lượt qua đời. Tình ở nhà hai năm. Cô vợ trẻ ngoan hiền cùng thằng con trai kháu khỉnh bước vào lớp một. Cuộc sống khó khăn hơn. Việc học hành vào nề nếp dần. Những đứa trẻ năm nào theo học giờ đã vượt thày. Chúng dạy học, làm việc khắp viện này viện khác. Đôi khi gặp lại, chúng vẫn tôn trọng Tình nhưng sự tôn trọng không nuôi sống ai. Tình bắt đầu thấy số học sinh học thêm ngày một vắng. Thu nhập thiếu hụt. Hắn bắt đầu nốc rượu. Trước uống chừng mực, uống cho vui. Sau rồi uống như khoe. Khi thằng con trai độc nhất đến tuổi trưởng thành, dính ma túy, nhiễm HIV. Lúc ấy, Tình chẳng kêu trời nhưng bắt đầu thấy xót xa cho mình, xót xa cho vợ, cho con. 

          Hắn giải tán lớp, lang thang đàn đúm mọi nơi cho khuây khỏa. Khi Hà Giang, Yên Bái, lúc Kon Tum, Đăk Lăk. Đồng tiền tích cóp bao năm không cánh mà bay. Những người già không chịu dốt còn tìm đến hắn. Hắn dạy kiến thức cho họ, đổi công sức lấy tiền lấy rượu. Con chết rồi vợ chết. Hắn thành người vô công rồi nghề. Nhà cửa có, tiền có nhưng người tử tế không ai dám gần. Một hôm, Bản - thằng học trò năm xưa - về huyện chấm thi, lớ ngớ gặp thày. Thày trò thấy nhau, quyến luyến vui vẻ lắm. Nhân có thằng bạn là chủ doanh nghiệp, chuẩn bị khai trương một xưởng may quần áo thời trang mới. Thấy Bản, nó mời luôn. Bản giới thiệu Tình với bạn mình. Thế là thân thiết, tiện thể mời cả.

          Bọn hắn đến sớm. Còn hơn hai giờ nữa mới khai mạc. Thày trò kéo nhau sang quán bên cạnh, đá đưa tùm lum. Tình làm nửa lít rượu. Bản uống có sáu chai bia. Hai người dắt díu nhau vào hội trường. Do không biết Tình, vợ chủ nhân mời Bản lên ngồi hàng ghế đầu. Người người đi lại tới tấp, chào hỏi nhau. Giờ khai mạc bắt đầu. Tình ngồi ghế dài sau cùng. Đến mục giới thiệu chủ nhân bước lên bục, cả hội trường đang lặng phắc, chợt thấy rèn rẹt tiếng vỗ. Tiếng vỗ tay rèn rẹt bắt đầu ngừng thì ba tiếng vỗ tay rõ ràng rành rọt và: 

         - Ô hô! Dũng sỹ diệt hoa hậu đã lên!

        Cả hội trường quay lại nhìn. Không ai tưởng tượng ra được bầu không khí nặng nề và buồn thăm thẳm lúc đó. 

       Năm sau, bố thằng bạn từ thời chân đất đầu trần mất. Hắn đang uống ở đâu nghe tin, vội vã chạy đến viếng. Tay lăm lăm cái chai không, Tình chỉ vào sáu người đang kéo nhị thổi kèn đánh trống, hỏi: 

       - Chúng mày có đánh được Hoa sứ nhà nàng không? 

       - Dạ được! 

        Rút trong túi quần ra nắm tiền, Tình xỉa cho mỗi người hai trăm. Hắn ngồi vào một góc, giơ ngón tay ra, giục:

       - Chúng mày đánh đi! Đánh cho hay vào.

        Tiếng nhạc dào lên từng hồi: Đêm đêm dậy mùi hương, mùi hoa sứ bẽ bàng/ Hoa tình yêu rụng vỡ một trời tim tím thở than/ Nhà nàng với nhà tôi tình thân thiết vô vàn/ Làm sao nàng nỡ phụ phàng để tình tôi dở dang…(*). 

       Tiếng xôn xao trong đám tang. Không ai biết sự thể sẽ ra sao nếu không có một ông khách tới:

       - Sao lại thế này? 

        Mấy người chỉ tay. Tình vẫn cầm chai nhưng đầu đã nghẹo ra. 

        - Chúng cháu sợ bác ấy đập!

        - Dẹp! Dẹp tất cả lại! 

         Hôm sau, theo lời nhắn, Tình tìm tới nhà ông khách ấy. Pha trà rót nước, ông mời Tình. Chỗ làng nước quen biết cả. Ông lại có thời làm cùng với bố Tình. Bố Tình coi như anh nên Tình coi như cha chú. Chờ hắn uống vài ngụm nước, ông khẽ khàng:

         - Cháu ạ! Hôm qua trong đám tang, bác nhìn thấy cháu. Người ta nói thằng dại để… thằng khôn xấu hổ. Tùy cháu nghĩ, bác không muốn nói thêm. Bác cũng gần đất xa giời rồi. Chắc sẽ gặp lại những người bạn cũ, thăm hỏi chuyện xưa sau. Bố mẹ cháu ở dưới ấy biết thế, chắc là buồn lắm!

         Tình không nói gì chỉ chào rồi ra về nhưng từ đấy, trong nhấp nhô buồn vui một đời người không ai nhìn thấy hắn uống thêm dù chỉ giọt rượu. Cuộc đời vốn chẳng vui thú gì nhưng nghị lực phi thường của hắn được truyền lại, chúng tôi khâm phục thực sự và không bao giờ quên!

_______________

(*) Bài hát Hoa sứ nhà nàng. Sáng tác của Hoàng Phương.

Bài liên quan
  • XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đức Sơn (bút danh Sao Trên Rừng - 1937-2020), một trong ba kỳ nhân của làng văn, tức ba người có cá tính kỳ dị bậc nhất làng văn, gồm Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện. Về tài năng, giới văn chương xếp Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên là tứ trụ thi ca miền Nam. Đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn, Nguyễn Đức Sơn nghỉ ngang và tuyên bố: "Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu." Năm 1979, Nguyễn Đức Sơn đưa vợ con lên đồi Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng lập nghiệp. Trên quả đồi do nhà sư Nhất Hạnh tặng, ông trải qua bốn mươi năm cùng vợ con sống như những sơn nhân. Năm 2020, ông ra đi và để lại cho Bảo Lộc một đồi thông Phương Bối tuyệt đẹp rộng 15ha do chính tay ông trồng, canh giữ, và thậm chí đổ máu để bảo vệ.
  • NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngôi đền và ông già câm là truyện ngắn trong tập truyện Khuyển Đế của nhà văn Trần Tâm xuất bản năm 2017.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tôi kéo xe là thiên phóng sự mẫu mực của nhà báo Tam Lang, in lần đầu trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1932. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua, giá trị văn học của tác phẩm vẫn nóng hổi cho tới tận ngày nay, thời mà truyền thông, mạng xã hội bùng nổ chưa từng thấy. "Nghề viết văn viết báo ở xã hội VN là nghề bạc bẽo và bấp bênh nhất. Đâm đầu vào nghề mà không có được người vợ đảm đang tháo vát, tần tảo nuôi nổi gia đình trong thời gian mình thất nghiệp vì bất mãn, vì báo bị đình bản có giới hạn hoặc thu hồi giấy phép thì chuyện treo niêu gác bếp là chuyện rất thường" - Tam Lang.
  • MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Trong suốt năm mươi năm cầm bút, nhà văn tài hoa của Miền Đông Lý Văn Sâm đã để lại một số lượng tác phẩm khá đồ sộ, bao gồm nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như Kòn Trô (1941), Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thùy (1948), Sau dãy Trường Sơn,... Năm 2007, nhà văn Lý Văn Sâm được trao Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm; Sau dãy Trường Sơn, tập truyện ngắn Sương gió biên thùy và Toàn tập Lý Văn Sâm.
  • CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuồng nuôi ngựa là truyện ngắn của nhà văn Như Phong in trên Báo Mới số 2 (ngày 15-5-1939) và số 3 (ngày 1-6-1939). Nhà văn Như Phong được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 Năm 2007.
  • NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người Thày Thuốc là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Thanh Châu, Tân Dân xuất bản năm 1938. Ông chính là tác giả của truyện ngắn Hoa Ti-gôn, vốn là khởi đầu cho một cuộc tranh luận bất tận cho tới tận ngày nay về bài thơ  “Hai sắc hoa Ti-gôn”, của nhà thơ “bí ẩn” T.T.Kh.
  • ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Từ lời khuyên của nhà văn đàn anh Vũ Bằng: “Ông viết về nông thôn không bằng cụ Tố (Ngô Tất Tố), Nam Cao, ông nên viết về nông thôn kiểu Đôi Chim Thành.", nhà văn Kim Lân đã viết một loạt truyện ngắn phóng sự rất thành công in trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy về nông thôn,  Ông Cản Ngũ, như loạt truyện khác của ông, đã lưu giữ cho đời sau biết được rằng; vào thời bị thực dân Pháp cai trị, dân ta dù bị áp bức bóc lột, vẫn có những hoạt động văn hóa, những kiến thức dân gian vô cùng sâu sắc.
  • ĐOẠN TUYỆT - Nhất Linh - Phần cuối

    ĐOẠN TUYỆT - Nhất Linh - Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Đoạn Tuyệt là truyện của nhà văn Nhất Linh, ra mắt vào năm 1934, đúng năm văn đoàn nổi tiếng nhất thời bấy giờ do chính ông thành lập là Tự Lực Văn Đoàn ra mắt. Đây là tác phẩm không chỉ đóng đinh về một tài năng văn chương Nhất Linh, nó còn tiêu biểu cho cả văn đoàn mà ông là chủ soái.