chan_dung-ke_si

CHUYỆN TÂM TÌNH BÊN SÔNG – Truyện ngắn Nguyễn Khắc Phê

07-11-2023

Lượt xem 1274

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Khắc Phê

CHUYỆN TÂM TÌNH BÊN SÔNG – Truyện ngắn Nguyễn Khắc Phê

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Một ngọn đèn từ chiếc thuyền đậu ven sông tỏa vùng sáng nhỏ trên mặt nước. Tiếng ru con buồn buồn, chậm rãi và hay đứt quãng làm Bồng ngơ ngẩn… Những tiếng động quen thuộc trên dòng sông làm Bồng nhớ Trà Kiệu day dứt, nhớ đến khổ sở.

Sáng lâu rồi nhưng mặt trời vẫn chưa lên. Một thứ ánh sáng vừa mát dịu, vừa trong trẻo bao phủ bầu trời. Dãy núi Vân phía xa trắng mờ sương sớm. Dưới sông, hơn chục chiếc thuyền đánh cá quây lại thả mẻ lưới đầu tiên trong ngày. Xa xa, một cánh buồm căng đầy gió ban mai.

Trên chiếc phà nhỏ giữa dòng sông, Hoan, Tý, hai nữ xã viên hợp tác xã số 4 sang làm ở công trường, vẫn đều tay bơm hơi cho thợ lặn  Bồng đang làm việc dưới đáy sông.

Trong số các cô gái đến làm ở đây, Hoan là người được công trường chú ý nhiều nhất. Hoan có mái tóc không uốn mà hơi cong, có nước da thấm ánh nắng mặt trời và ngậm mùi lúa chín, hồng hào, khỏe mạnh, có cái miệng xinh xắn, ít cười nhưng rất có duyên. Hoan được nhiều người chú ý còn vì cái tính “say mê” công trường của Hoan, vì một vấn đề chưa có ai trả lời được: “Có đúng là Hoan yêu Bồng không?”

Điều nan giải đối với mọi người lại chính là điều Hoan biết rất rõ. Hoan biết mình đã yêu Bồng, nhưng nếu có người hỏi: “Vì sao Hoan yêu?” thì đó lại là điều nan giải đối với Hoan.

Bồng không có tài gì đặc sắc lắm, cũng không đẹp trai. Bồng và Hoan lại chưa lần nào ngồi trò chuyện tâm tình cả. Thế mà Hoan đã yêu. Có thể vì đôi mắt có cái nhìn xa vời, mơ mộng của Bồng; cũng có thể vì những bài hát không trọn vẹn nhưng làm rung động lòng người mà Bồng hay cất lên trong những sáng tinh mơ. Có thể vì tinh thần làm việc say mê của Bồng. Có thể vì… những điều mà chưa có người nào giải thích được.

Hoan vẫn đều tay bơm, mắt nhìn mãi tận phía xa. Cô mong mặt trời lên, mong những chiếc thuyền kéo lên mẻ lưới lấp lánh màu vẩy cá sáng trắng. “Sao mãi anh ấy chưa lên?” Hoan cúi nhìn mặt nước lòng tự hỏi lòng. Một ý nghĩ khá thú vị nhưng rất khó diễn tả đến với cô. “Mình ở trên này có bầu trời rộng không thước nào đo được. Dưới đáy sông, “bầu trời” của anh ấy chỉ là cái đầu đồng tròn xoe ôm vừa đủ cánh tay. Ở dưới, anh ấy thiếu thốn không khí. Nếu mình ngừng tay bơm là mặt sông sẽ thôi không cuộn lên nữa. Cái mặt nước phẳng lặng đó báo hiệu là anh ấy đã ngừng thở, tim anh ấy ngừng đập… Ồ! Chỉ nghĩ vẫn vơ! Tim mình còn đập thì cánh tay mình vẫn bơm, vẫn chuyền hơi thở cho anh ấy…”.

Hoan nhìn chăm chăm vào mặt nước và bỗng nhiên bơm nhanh hơn. Tất cả những cái đó, Tý đã nhìn thấy.

– Hoan! Làm gì mà mày bơm nhanh thế!

Như vụt tỉnh cơn mê, Hoan ngoảnh vội đi chỗ khác để giấu đôi má tròn trĩnh vừa biến màu.

Bỗng mặt nước rung động mạnh. Hoan nói trong hơi thở dồn dập:

– Anh ấy lên rồi!

Một cái đầu bằng đồng nổi lên. Trên bờ, người đứng tụ lại. Nhiều ngón tay chỉ xuống sông. Nhiều tiếng bàn tán.

Thoát khỏi cái đầu đồng nặng chịch, gò bó, Bồng hít một hơi dài thoải mái. Bồng nhìn Hoan, Tý và nở một nụ cười cảm ơn.

Hoan bắt gặp cái nhìn đó, mặt đỏ bừng làm Bồng đâm bối rối. Bồng nói, giọng mệt nhọc:

– Chà! Kẹt lắm! Tưởng không ra được nữa. Lại dây thép gai…

Tổ trưởng mộc Bé vừa từ trên bờ chạy xuống, vội vàng hỏi:

– Thế bắt xong mấy cái bu lông chưa?

– Rồi!

Hoan, Tý dắt Bồng lê lên thang rồi cởi vòng cao su ở tay cho anh. Cũng là bàn tay của người con gái như Tý mà sao Bồng cảm thấy của Hoan nóng rực và run run. Một cảm giác như vậy cũng đến với Hoan.

Thấy Bé ra lệnh cho tổ Mộc làm việc, Bồng hốt hoảng:

– Khoan! Chờ một chốc nữa! Còn một con bu-lông vì mắt cọc không chun vào lọt. Cha! Chút nữa chết! Dây dẫn hơi vướng cọc gập lại…

Bồng thôi không kể nữa vì thấy lông mày Bé nhíu lại. “Mình không làm tròn nhiệm vụ để bạn bực bội còn huênh hoang nỗi gì. Một con bu-lông… chịu thua à? Không được!”

Tiếng reo hò của đoàn thuyền đánh cá đằng xa đã làm nẩy ra trong óc Bồng một dự định táo bạo. Những ngày lặn lội trên sông Trà Kiệu vừa vụt hiện trong tâm trí anh.

Trà Kiệu, quê hương Bồng. Sông Trà Kiệu, người bạn chí thân của Bồng từ thuở bé. Trên sông Trà Kiệu, Bồng đã lớn lên, đã chiến đấu, trưởng thành. Tháng 10 năm 1953, một mình Bồng đã nhận chìm tên lý trưởng gian ác xuống sông theo chỉ thị của chi bộ xã. Cũng trên dòng sông này người cha nghiêm nghị, kính yêu của Bồng đã bị ca-nô tuần tiễu của địch bắn chết trong một đêm trăng đẹp. Bồng ra Bắc, mang theo nhiều kỷ niệm êm đềm, đằm thắm, nhiều nỗi đau đớn nhớ nhung, mang theo bên mình nhiệm vụ của người lính đang tiếp tục chiến đấu…

Mặc mọi người can ngăn, Bồng cởi áo quần nhảy tùm xuống sông “lặn bộ”. Tiếng Bồng nói tan vào trong tiếng nước bắn lên:

– Lo chi! Chỉ hai hơi thôi!…

Nghĩ đến nét mặt nhợt nhạt của Bồng, đến cổ tay sưng vù vì làm việc quá nhiều, Hoan thấy lòng mình xao xuyến. Hoan nhìn mặt sông, lo lắng, hồi hộp, chờ đợi.

Kẻng nghỉ rồi nhưng bên chiếc giếng xây xinh xắn ở lối vào xóm, Hoan và Bồng vẫn mải mê làm việc. Hai người nhỏ nhẹ nói chuyện với nhau:

– Cô có biết tại sao phải đem áo lặn về giếng giặt không?

– Em chả biết!

– Vì sông nước mặn, không giặt lại, áo chóng hỏng lắm!

– Anh Bồng! Anh về nghĩ đi! Em giặt một mình cũng được mà!

– Nhưng một mình vác cái áo này về nổi à?

Hai người vụt ngửng lên nhìn nhau bật cười thú vị. Cười rồi Hoan mới thấy ngượng. Hoan chẳng dám nhìn Bồng nữa.

Nụ cười thoải mái và duyên dáng của Hoan như làm Bồng thấy rõ hơn điều mà bấy lâu nay anh thường nghĩ tới trong đêm vắng. Nét mặt Bồng phút chốc trở nên thẫn thờ, nhưng ánh mắt lại sáng một cách lạ lùng. Anh mắt ấy nhìn chăm chú vào đôi cổ tay tròn lẳn, vào đôi chân khỏe mạnh của Hoan và đã phát hiện ra một điều mới mẻ: ở cổ Hoan có một nốt ruồi!

Sau mấy phút im lặng, Bồng nói một cách khó nhọc:

– Thôi! Ta về đi!

Hoan đi trước, Bồng đi sau, mỗi người một đầu sào khiêng chiếc áo lặn về công trường. Họ không chuyện trò gì cả nhưng cứ muốn đi chầm chậm, cứ muốn quãng đường kéo dài ra.

Việc đó cùng với những lời bàn rất phong phú đã nhanh chóng đến tai bà cụ Bảo-mẹ Hoan. Bà cụ hoảng hốt đến ngay nhà Tý để hỏi chuyện. Bà cụ hỏi dồn mãi nên Tý phải nói thật ý nghĩ của mình:

– Bác à! Chưa có chuyện gì đâu, nhưng cháu cũng thấy là Hoan với anh Bồng…

– Thế nào? Sao mày biết hở?

Tý bật cười:

– Cháu biết nói thế nào với bác được. Cháu chỉ cảm thấy thế thôi!

– Thế nó không nói gì với mày ư? Rõ khổ! Người ta ở xa biền biệt, đi hàng chục ngày không đến nơi thì bao giờ mẹ con mới gặp nhau.

Tý lại bật cười:

– Bác đến là dớ dẩn! Cứ lo xa, sau này máy bay chỉ vù một cái là đến thôi!

– Ôi! Mày nói như thật ấy!

Bà cụ quay về với ý định dứt khoát: cấm Hoan không được lăng nhăng với anh thợ lặn ấy nữa.

Bà cụ về đến nhà  thấy Hoan đang mơ màng nhìn ngọn lửa rơm rần rật cháy dưới nồi cơm sôi. Cho mãi đến lúc bà cụ đến ngồi cạnh, Hoan mới biết mẹ về :

– U đã về!

– Sao hôm nay mày về muộn thế?

– Còn dở chút việc, con phải làm nốt.

Thế rồi hai mẹ con im lặng. Tiếng cơm sôi, tiếng những hạt lúa sót lại nổ trong bếp nghe như to hơn, dòn dã hơn.

– Hoan à, người ta bảo mày phải lòng cái anh miền Nam thợ lặn có đúng không?

Bà cụ hỏi một lần, hai lần, rồi ba lần nhưng Hoan chỉ trả lời độc một câu: “Không! Không có gì đâu u ạ!”

Bà cụ khuyên, bà cụ mắng nhưng Hoan chỉ im lặng cúi đầu. “U ơi! U lạc hậu lắm rồi! Yêu nhau thì có kể gì Bắc – Nam, có ngại gì xa ngái. U không nghe tin Mặt trận Giải phóng đấy ư? Bây giờ khó khăn là thế mà vẫn còn  tin tức được, huống chi sau này…”

“… Hôm nay làm việc có kết quả nhưng tôi rất buồn. Chiều nay trong lúc đi giặt áo lặn với cô Hoan, tôi đã có ý nghĩ, thái độ thật xấu xa. Từ trước những ý nghĩ đó vẫn được ngụy trang bởi những lời đẹp đẽ nhưng giả dối: “Tình bạn, tình anh em…” Cho đến nay, lương tâm không cho phép tôi lẩn trốn trách nhiệm nữa. Tôi thu hết can đảm viết những điều này lên trang nhật  ký và hy vọng là Lâm sẽ tha thứ và hiểu cho tôi. Tôi không muốn giảm nhẹ tội mình, nhưng quả thật Hoan là một cô gái mà ở gần ai cũng phải thấy mến yêu…”.

Từ ngày ra Bắc, việc ghi nhật ký đã trở thành thói  quen của Bồng. Trong trang đầu của quyển nhật ký đầu tiên, Bồng ghi : “Làm được những gì, học được những gì, nghĩ những gì, tôi sẽ ghi tất cả vào quyển sổ này để ngày thống nhất báo cáo với những người thân…”.

Thói quen đó đã tạo cho Bồng đức tính nghiêm khắc với bản thân mình và luôn suy nghĩ về những việc làm của mình.

Nhưng với Hoan, không chỉ một lần tự kiểm điểm mà Bồng dứt được những ý nghĩ sai lầm; nó vẫn dai dẳng bám làm Bồng khổ sở. Ngay sáng hôm sau, Bồng có một cảm giác trống trải chỉ vì anh nghỉ việc phải xa Hoan. Bồng liền đảo một chuyến khắp công trường. Bồng đã thấy Hoan ở chỗ đào đất, nhưng anh không đứng lại. Chỉ thoáng thấy một chút thôi, Bồng đã yên tâm rồi. Nhưng liền theo cảm giác khoan khoái đó, Bồng cảm thấy mình như đã phạm tội. Bồng thẫn thờ quay về phòng hành chính, tiện tay cầm tờ báo Nhân Dân xem. Bức thư từ miền Nam gửi ra đăng trên báo đã lôi cuốn Bồng, làm anh quên hết nỗi băn khoăn vừa qua. Nhưng đọc xong, một cảm giác nặng nề đè lên tâm trí Bồng. “Ôi! Thật xấu hổ! Bà con mình sống chết đấu tranh mà mình lại nghĩ toàn những chuyện lăng nhăng…”.

Tối đến, Bồng lại ghi những dòng chữ rất nặng nề trong quyển nhật ký. Buồn, giận, Bồng chậm bước dạo quanh lán và đi vào phòng ban chỉ huy công trường lúc nào không biết.

Trong phòng, sực nức mùi nước trà, mùi thuốc lá thơm và rộn tiếng cười. Hôm nay thứ 7, đồng chí đội trưởng Năm lại vừa nhận được thư của đứa con gái từ nước Cộng hòa dân chủ Đức gửi về nên một số anh em tập họp ở đây. Một bác miền Nam buột ra câu chửi:

– Đù mẹ nó! Từ bên Đức thơ về dễ như chơi mà sáu bảy năm trời mong một bức thư của mấy đứa con ở trỏng mà không có. Không biết chúng nó sống chết ra sao?

Bồng vừa vui lên một chút nhờ không khí ấm cúng của căn phòng, nghe câu chửi của bác miền Nam lại thấy buồn day dứt. Đã mấy năm rồi, Bồng chờ một bức thư của gia đình, của Lâm, người vợ yêu, người bạn chiến đấu, cô lái đò hiền lành nhưng dũng cảm trên sông Trà Kiệu. Cưới Lâm được 12 hôm, Bồng đi tập kết. Trước đó, có người khuyên Bồng không nên cưới. Bồng không nghe. Bồng đã yêu, yêu say đắm. Bồng tin, tin mãnh liệt. Niềm tin đó đến nay vẫn không thay đổi dù rằng một cô gái trẻ đáng yêu đang duyên dáng bước lại gần Bồng. Bồng khao khát biết tin nhà. Gia đình, làng mạc có nguyên vẹn như ngày Bồng ra đi nữa không? Ngày ra đi có lẽ Lâm có mang? Không biết trai hay gái?… Những ý nghĩ có khi viển vông nhưng vẫn làm Bồng day dứt, đau khổ, mong đợi.

Bồng rời phòng Ban chỉ huy về nằm vật trên giường. Bồng vớ một quyển sách, nhưng không đọc được một chữ nào. Anh ngồi dậy rút chiếc sáo ra thổi. Bồng không hút thuốc, không uống nước trà, chỉ thích xem chuyện, thích thổi sáo, thích hát. Bồng thổi bài “Chim ơi nhắm giúp” rồi “Tình ca”. Bồng như vội vã, thổi nhanh nên nhiều lúc tắc lại. Bồng hát, tiếng hát trong đêm có tiếng vang rất rộng, nó thấm tận tim… “Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba. Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng xa…”.

Ngoài cửa có một người chăm chú nghe Bồng hát: đồng chí Năm. Đợi Bồng hát hết bài, đồng chí bước vào. Bồng gấp vội vở hát lại, nét mặt lộ vẻ lúng túng. Bồng không muốn để ai biết mình buồn. Đồng chí ngồi lại gần Bồng, tay giở vở hát:

– Bồng hát nữa đi.

– Thôi! Em hát mệt rồi!

Đồng chí Năm vẫn đều tay giở vở hát như chẳng quan tâm gì đến Bồng cả :

– Bồng buồn lắm à?

– Không, em vẫn vui.

– Bồng giấu làm gì. Anh biết Bồng nhớ Lâm. Phải thôi, có gì là xấu hổ. Bồng biết chuyện anh Long chứ? Chỉ như thế mới là đáng xấu hổ thôi!

Bồng ngồi im, không dám ngửng đầu lên. Bồng thấy mình muốn nuốt nước bọt nhưng lại cố nín. “Có lẽ anh ấy biết chuyện mình rồi! Nhưng không; mình không thể như Long được. Long nói dối tổ chức rằng vợ trong Nam đi lấy chồng để lấy vợ khác, nhưng rồi chuyện vỡ ra vì một đồng chí cùng xã Long đã viết thư cho Năm biết vợ Long nay đã trở thành người cán bộ xuất sắc của phong trào xã N. Không! Mình không thể nói dối ai được. Càng không thể dối Đảng, dối Hoan.” Nghĩ như vậy, Bồng thấy lòng mình nhẹ nhõm. Giọng đồng chí Năm bỗng trở nên vui vẻ nhưng vẫn kín đáo:

– Bồng này! Anh nghĩ chẳng bao lâu nữa đâu! Không biết chúng mình còn làm được mấy cái cầu trên đất Bắc nữa?

Đồng chí Năm đã đưa Bồng ra khỏi thế bí:

– Đó! Anh nghĩ thế mà cứ bắt em chơi hoài. Ngày mai, anh cho em làm việc gì đi thôi! Công trường chớ có phải viện điều dưỡng đâu!

– Không được! Bồng phải nghỉ, phải dưỡng sức rồi còn phải lặn nhiều.

Bồng định phản đối thì đã thấy đồng chí Năm đứng dậy, xua tay, giọng nghiêm khắc:

– Không lôi thôi chi hết! Chế độ quy định thế rồi. Thôi, nghỉ đi, anh sang bên hợp tác một tí.

Bồng nhìn theo bóng người chỉ huy rất đáng kính mà nhiều lúc cũng rất đáng thương. Anh có đứa con luôn đem lại những tin vui, những tình cảm rộng lớn nhưng chẳng thể nào bù đắp lại nỗi đau buồn, căm giận vẫn nhức nhối ngày đêm. Bọn Mỹ – Diệm vừa giết hại vợ đồng chí, giết người mẹ của đứa con ở phương xa. Người chỉ huy đó, trong đêm thứ bảy vẫn lo lắng đến công trường, vẫn nghĩ đến những bà con ở hợp tác xã xung quanh, vẫn để tâm đến chuyên tâm tình sâu kín của một công nhân với lòng thương vô hạn. Bồng thấy lòng mình dịu hẳn đi, không phải vì buồn nản, mà vì tỉnh táo hơn, vì một tình cảm mới mẻ đang đến với Bồng.

Bồng chậm bước ra phía bờ sông. Trong đêm, dưới ánh trăng mờ, dòng sông như trong mát hơn, đẹp hơn, êm dịu hơn. Một ngọn đèn từ chiếc thuyền đậu ven sông tỏa vùng sáng nhỏ trên mặt nước. Tiếng ru con buồn buồn, chậm rãi và hay đứt quãng làm Bồng ngơ ngẩn. Giữa sông, một chiếc đò dọc ngược dòng. Tiếng sào cọ vào mạn thuyền hút hết cả tâm trí Bồng. Bồng như nghe cả tiếng bước chân trên mái thuyền, tiếng nước chảy róc rách đầu mũi, tiếng bánh lái “bát cạy” phía sau. Những tiếng động quen thuộc trên dòng sông làm Bồng nhớ Trà Kiệu day dứt, nhớ đến khổ sở…

Trà Kiệu, nước sông trong hơn, có bãi dâu xanh mướt chạy dài suốt hai bờ. Trà Kiệu, những cô gái mặc quần đen, áo cộc tay trắng mịn trảy những lá dâu mềm, kiên nhẫn bên nong tằm chờ ngày được vuốt những sợi tơ vàng óng ả. Trà Kiệu, mùa dâu tằm, trong bữa ăn thường có đĩa nhộng béo ngậy, thơm ngon, Trà Kiệu, nước vẫn còn trong xanh hay đã có lần thấm máu đỏ như Hướng Điền, Duy Xuyên, Phú Lợi…

“Về Nam, mình lại tung lưới trên sông Trà Kiệu. Lâm sẽ nấu nồi cháo cá thơm ngon như trước ngày đi tập kết. Còn thằng con? Bao giờ? Chắc không lâu nữa đâu… Kế hoạch 5 năm lần thứ hai chắc sẽ làm lại cầu Trà Kiệu. Phải làm như cầu Trường Giang…”.

Những ý nghĩ vụt hiện, vụt mất làm người Bồng không yên. Bồng chỉ muốn nói, nói thật to tất cả những ý nghĩ đó với bất cứ người nào, nhưng quanh Bồng chẳng có ai. Bồng đi lên mố cầu.

Trên đó, Hoan và một vài người nữa đang ngồi nghe vở cải lương truyền qua đài phát thanh. Hoan quay lại nhìn Bồng. Bồng nhìn Hoan nhưng không ai nói một câu nào. Như lúng túng ngượng nghịu và cả như lo sợ nữa, Bồng vội vã bước qua. Bồng xuống cầu phao thì gặp Tiến, Đạt – đôi thanh niên khá ngỗ ngáo của công trường – bên kia sông về. Đạt kéo tay Bồng:

– Đi đâu ông anh? Vào đây làm chầu bia với chúng tớ!

Bồng như người mất hồn quay lại. Bỗng Tiến vỗ vai Bồng:

– Này ! Cậu có thấy ai trên mố cầu không?

– À, đồng bào họ nghe phát thanh.

– Vờ nữa! Hoan nó mê tít cậu rồi đấy! Có gì tớ giúp một tay.

– Bậy nào! Tao có vợ rồi. Nói họ nghe thì chết đấy!

Tiến cười phá lên, cái điệu cười giễu cợt pha chút khiêu khích:

– Vợ gì! Sáu bảy năm rồi, ai chịu nằm không?… Con gái 19, 20 hơ hớ ra, ai để cho yên. Tớ mà… Hậy!

Tiến bật ra một tiếng kêu. Bất ngờ quá. Một cùi tay hích vào ngực làm Tiến loạng choạng suýt ngã. Giọng Bồng trở nên dữ tợn lạ thường:

– Cút! Tao không nói chuyện đểu với mày! Tao không cho mày nói vợ tao như thế!

Bồng tức giận đi nhanh về nhà. Đằng sau, Đạt bảo Tiến:

– Mày cứ thói ấy! Không nhớ lần kỷ luật trước à?

Tổ Hoan di chuyển từ núi ra vệ đường để bốc lên ô tô. Chị em cử Hoan lại xe lấy nước.

– Cô Hoan đó phải không?

Cái giọng miền Nam chưa quen thuộc lắm phát ra từ dưới gầm xe. Hoan ngờ ngợ, rồi má thoáng ửng đỏ. Cô cúi xuống. Đúng anh Bồng rồi. Lúng túng mãi, Hoan mới nói được mấy tiếng:

– Em lại lấy nước… À… sao chuyến trước không thấy anh?

– Cậu phụ lại bị mệt. Không có ai, tôi tạm đi vài chuyến.

Hoan đã bình tĩnh hơn. Xung quanh không có ai. Đồng chí lái xe đang ở chỗ chuyển đá. Chỉ có ông mặt trời đứng núp trên mui xe.

– Anh làm gì ở dưới thế?

Bồng ló đầu ra ngoài:

– Tôi rửa “ tay chân” cho xe. Lấm bùn quá.

Bồng  nói được vài tiếng lại “ pụt” một cái, đất ở môi cứ muốn chui vào miệng. Hoan nhìn Bồng, bật cười:

– Ôi! Anh rửa “ tay chân” cho xe, nhưng người anh lại như con ma lem. Anh Bồng, hai ngày nay anh đi đâu thế?

Hoan nhìn Bồng và nở một nụ cười rất duyên dáng. Ôi! Cái nhìn và nụ cười của một cô gái đang yêu, một tình yêu thầm kín nhưng sôi nổi. Cái nhìn cầu khẩn, thiết tha và nụ cười trẻ trung, sung sướng của Hoan suýt nữa làm Bồng quên trách nhiệm. Bồng như vụt tỉnh, nói một lèo:

– Tôi đi mấy công trường bạn hỏi mua sắt giúp các ông vật liệu. Gặp anh em bạn cũ chỉ thêm nhớ nhà. Mấy năm rồi chẳng nhận được tin gì. Cha mẹ, vợ con… không được một tin gì. Chậc! Ít lâu nữa thống nhất thì tha hồ…

Hoan sửng sốt đến ngây dại đi. Để che giấu, Hoan vờ cúi xuống xoay xoay thùng nước. Tưởng Hoan chưa hiểu, Bồng nói thêm:

– Các cô ở ngoài này sướng quá! Không biết vợ tôi lúc này đang làm gì trỏng? Nghĩ mà tội nghiệp!…

Hoan ấp úng:

– Anh chẳng đem chị ấy ra. Thôi, em đi đây…

Hoan bước vội, mặt cúi gầm xuống. Thùng nước va vào chân sánh ướt nửa ống quần. Bồng nhìn theo buông tiếng thở dài rồi lại thụt đầu vào làm việc. Nhưng rồi Bồng lại ló đầu ra.

Lý trí của Bồng đã chiến thắng tình cảm. Bồng đã giữ được tình bạn đẹp đẽ đối với Hoan. “Một đứa con miền Nam được mọi người yêu mến”. Ý nghĩ đó làm Bồng thấy khoan khoái, dễ chịu. Bồng vẫn nhìn theo phía Hoan vừa khuất. Một chiếc xe đạp vừa ra khỏi đoạn đường vòng. Đồng chí Năm đi huyện về. Bồng cảm thấy hơi lúng túng, bối rối. “Có lẽ anh Năm biết hết… Ờ, nhưng có gì là xấu đâu!” Bồng nhảy hẳn ra gọi:

– Anh Năm! Anh Năm! Đợi một chút rồi về xe ô tô luôn.

Thế rồi trên quãng đường vắng, Bồng đã nói tất cả những ý nghĩa vừa rồi với đồng chí Năm. Đồng chí không trách Bồng mà còn nói một câu làm Bồng ngạc nhiên:

– Có cảm tình với Hoan là chuyện thường thôi! Cậu thờ ơ với cô ta mới là chuyện lạ…

Buổi tối, “Tiếng nói thi đua” của công trường biểu dương tinh thần làm việc của Bồng, nhân dịp anh lên đường đi tương trợ đội bạn.

Không biết là lần thứ mấy nữa, Bồng sắp sống cảnh chia tay. Một dòng sông chưa quen thuộc, một công trường chưa quen thuộc, chiếc giường, lớp học mới lạ đang chờ đón Bồng. Đôi lúc Bồng cũng cảm thấy ngại ngần, nhưng những lời chúc tụng của anh em, cái tình cảm đầm ấm đã làm Bồng hết băn khoăn. Bồng chỉ còn ngơ ngẩn một chút vì nhớ thương. Nhớ dòng sông, nhớ tập thể, nhớ đồng chí Năm, thương cô gái trẻ đang buồn.

Lúc đi chào anh em, Bồng nói nửa đùa nửa thật mà giọng nghe rưng rưng:

– Chúng mày ở lại, tao về Nam làm cầu Trà Kiệu đây! Có thằng nào nhắn chi không?

Công trường Bồng sắp đến ở trên đường vào Nam cách chiếc cầu có cô gái trẻ hay ngồi nghe phát thanh hơn 300 cây số.

Tháng 12 năm 1961

Nguyễn Khắc Phê

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.