Tôi tháp tùng theo đoàn nhà văn, nhà báo đến thăm trại cải tạo để tìm đề tài sáng tác. May mắn lại được gặp anh Năm Ngôn là bạn kháng chiến ngày xưa, nay phụ trách giám thị ở đây nên được tiếp xúc chung và riêng đối với phạm nhân rất dễ dàng.
Anh Năm đưa chúng tôi đến từng trại, đầu tiên là một trại nữ phạm - đa số là chị em bán phấn buôn hương khi còn ở ngoài đời.
Theo nề nếp, khi được báo trước có khách đến thăm chị em đứng dậy chào, nghiêm chỉnh như một lớp học. Đột nhiên, tất cả kêu thét lên, người cúi mặt xuống, người ngoảnh đi che tay, còn bao nhiêu dồn vào một góc, túm tụm vào lưng nhau khi một anh phóng viên nâng máy ảnh quay phim chỉa ống kính vào họ.
Duy chỉ có một cô - tuổi trên dưới ba mươi, suối tóc mềm, ánh mắt lung linh, nếu ở ngoài đời có chút lụa là son phấn khối kẻ phải điêu đứng - bình thản nhìn vào ống kính mỉm cười pha chút mỉa mai. Không vội vàng đánh giá cô là hạng lõi đời nhưng tôi có cảm giác cô này sống nội tâm đây.
Sau nửa tiếng giao lưu, mọi người bước ra, tôi chậm lại. Khi đi qua gần một cô trẻ tuổi xinh đẹp, tôi ghé tai nói khẽ:
- Sao cháu không đi thi hoa hậu?
- Cái bác này! Cháu xấu như ma ấy!
Nói xong cô đi vào một góc ngồi xuống có vẻ thẫn thờ. Tôi lại ái ngại tự trách đã để lời khen không phải lúc.
Khi các chị em ra ngoài phân phối cuốc xẻng, quang gánh để đi làm, tôi lân la đến gần cô gái không che mặt khi nãy:
- Có thể làm quen được không (mỉm cười đáp lại), tên của cô?
- Dạ cháu tên Tươi, Nguyễn Thị Tươi! Đó là tên cúng cơm. Trong "giới" quen gọi là Mimô.
-Sao lại thiếu một âm (xa)?
- Lỡ chừng xuân mà bác!
- Tôi tò mò một câu được không: lúc quay phim tôi thấy cô rất thản nhiên?
- Nghĩa là tại sao không che mặt như chị em phải không? Vì mỗi con người trong họ ít ra cũng còn chút nhân phẩm...
Tôi nói trống không: "Vậy là tôi tìm đúng địa chỉ rồi...".
- Cuộc đời cô ít ra cũng bằng một quyển tiểu thuyết.
- Vậy ra bác là nhà văn.
- Sao cô biết?
-Vì con mắt bác đa tình lắm... Xin lỗi bác đừng hiểu theo nghĩa vớ vẩn - năm ngón tay cô bơi trong không khí - mà theo nghĩa có nhiều tình cảm như thương hết mọi người, chẳng hạn!
- Cô học đến lớp mấy?
- Dạ đại học năm thứ hai dở dang... Chữ nghĩa trả thầy hết rồi bác ạ!
Chiều hôm ấy đội bóng của trại thi đấu với đội bóng lâm nghiệp, đá chân đất nhưng mặc áo mayô màu có in số cầu thủ, đến đêm lại tổ chức liên hoan văn nghệ cây nhà lá vườn. Hội trường trang hoàng rực rỡ, điện máy nổ phát sáng trưng, sân khấu của hội trường trên thành phố chưa hẳn là hơn. Tôi chọn chỗ ngồi lẫn giữa chị em phạm nhân, tất nhiên là bên cạnh Mimô.
Nhạc trỗi lên, một cô áo dài đứng cao bên trong lĩnh xướng, một đoàn diễn viên cầm quạt múa theo và liên tiếp thay phiên nhau các đội hình khác biểu tượng cho các giới trí thức, lao động ngoài đời, nam có, nữ có. Bao nhiêu y trang đẹp nhất xếp kỹ trong gói để chờ ngày được tự do đều đem ra diện, phấn son và cả nước hoa nữa.
Anh phóng viên tha hồ bấm máy. Cũng chiếc máy quay phim ấy lúc ban sáng, cũng người cầm máy ấy, đối tượng ghi hình vẫn là những chị em ấy nhưng ai cũng nhoẻn miệng cười làm duyên trước ống kính, muốn phóng viên đến gần mình hơn, muốn ánh sáng rọi chiếu hình ảnh thật rõ dáng hình.
Mimô hỏi tôi:
- Bác biết rồi đó! Vì sao hồi sáng chị em che mặt giấu mình, bây giờ cũng người ấy, máy ấy chị em lại phô diễn rất vui vẻ hồn nhiên.
- Vì sao?
- Vì ông nhà báo và cái ống kính hồi sáng là tò mò, soi mói. Còn ống kính ấy, nhà báo ấy bây giờ lại tình cảm và ca ngợi...
Tôi thầm nghĩ: "Cảm ơn cô gái! Cô cho tôi thêm một bài học nghề nghiệp quá ư sáng giá...".
- Ngày mai cô có vui lòng tiếp chuyện với tôi được không, tất nhiên tôi sẽ xin phép giám thị, nhưng quan trọng nhất vẫn là khách mời có tin cậy và coi nhau bình đẳng, không ngăn cách bằng bức rào mặc cảm tự ti.
- Vậy hả bác? Lâu nay cháu chưa được gặp đối tượng nào để rửa óc cho hả nên ngứa miệng lắm. Cháu đồng ý nhưng buổi sáng thôi. Buổi chiều cháu phải dạy văn hóa cho anh chị em phạm. Bác Năm Ngôn bảo ở tù một năm mà không học thêm một lớp văn hóa coi như uổng công cải tạo...
Sáng sớm, tôi ra vườn rau nơi hiện trường lao động cải tạo, bảo vệ cho phép cô đến tiếp chuyện tôi dưới bóng cây râm mát.
- Cô có hút thuốc không?
- Còn gì bằng.
Tôi moi túi xách lấy bao thuốc lá "ba số".
- Bác hút "Sài Gòn", sao lại mời "ba số"?
- Gu của tôi là "Sài Gòn", cái này dành cho khách.
- Ông già điệu đàng quá!
Tôi tỏ ra quan tâm:
- Dịp lễ này cô chắc có trong diện được ân xá?
- Sao bác đoán chắc thế?
- Tôi luôn luôn ước ao chuyện tốt lành.
- Xét về chấp hành nội quy, biểu hiện tốt, lao động tốt, không nói năng bừa bãi, không bè phái mất đoàn kết thì xứng đáng đặc xá... Nhưng thấy bác vui tính cháu chẳng giấu, về mặt tự giác thì có lẽ cần xét lại... Mà cháu thật lòng hỏi bác, đối với một người có lịch sử như cháu, trước mắt là một phạm nhân, ngoài đời là một gái bán thân, cảm nhận hay nói đúng hơn là sự đánh giá của bác thế nào?
- Nếu cháu bảo bác tự đánh giá mình có lẽ bác có nhận xét đúng về mình, còn đánh giá người khác có lẽ người lớn tuổi chủ quan hơn cả. Người già mà là nhà văn càng dễ dại dột hơn bất cứ ai, vì họ để cái đầu sai khiến nhưng lại nhầm lẫn đó là trái tim. Trăm năm của một đời người đúng hay sai, tòa án là một điểm dừng chân để nhận sự phán xét, còn bước tiếp của cả cuộc đời tự thân mỗi con người chọn lấy hướng mà đi, đâu có ai dắt tay mình mãi được.
- Nếu bác đã nghĩ vậy, cháu ngại gì mà không kể cho bác nghe.
* * *
Nhà cháu có ba chị em. Cháu là lớn, khi trưởng thành làm lý lịch để đi học mới hay cha cháu họ Phạm mà chúng cháu lại mang họ Nguyễn.
Thắc mắc hỏi mẹ.
Cha cháu mất sớm. Mẹ cháu một nách ba con như cây mất gốc. Mẹ cháu đành đi bước nữa với ông giáo làng. Ông nội cự tuyệt thẳng thừng, cho rằng thuyền theo lái gái theo chồng, chồng chết theo con, đi bước nữa là trái đạo. Mẹ cháu không vâng lời nên bị truất quyền thừa kế nhà chồng, ruộng chia lấy lại, nhà cửa dỡ đi. Mẹ cháu nách con về quê cũ. Ông ngoại cháu cả giận nên đoạn giao, ngày khai hộ tịch ông xóa họ nội, ghi thành họ ngoại nên tên cháu trong chứng minh là Nguyễn Thị Tươi. Nghe đâu trước khi nhắm mắt, ông nội cháu có nghĩ lại muốn giải oan để được thanh thản về bên kia thế giới, có trối lại dặn dò hằng năm người con út, là chú ruột của cháu, đã thừa kế phần ruộng đất của cha cháu, ngày tết phải có mâm quả làm quà cho ba mẹ con cháu đến hết đời.
Từ lúc cháu bắt đầu hiểu, cứ sắp tất niên năm nào như năm nào, một chiếc xuồng cập bến, cháu thấy chú út bê lên một thúng nếp, trên xếp đầy cam sành. Mãi sau này mẹ cháu mất rồi, cháu lưu lạc lên thành phố có nhà cửa rồi, giáp tết chú út vẫn khệ nệ bê lên một thúng nếp đầy cam và hai con vịt.
Người cha kế của cháu, nhà giáo nghèo nhưng chuộng chữ nghĩa học vấn. Nhờ ông mà ba chị em cháu đều học tới đại học. Tiếc rằng ông mất sớm nên mẹ cháu như mất một cánh tay. Nếu không có cái tang ấy, có thể cháu không rẽ vào bước ngoặt định mệnh đưa đẩy cuộc đời đến sự thể như ngày nay.
Bảo là đổi họ nhưng làm sao thay được giống dòng. Kiến họ với nhau sao dứt được sợi dây ràng buộc. Nên họ hàng bên nội, bên ngoại, người lớn kèn cựa với nhau ra sao đi nữa, cháu con hậu duệ đâu thể coi nhau là người dưng. Ông nội cháu khó tính nên hai người cô của cháu đều quá lứa lỡ thì. Cô Năm cháu, gái già cô độc, lại giống tính ông cháu đạo đức quá độ nên rất thích dây vào chuyện của người khác. Đã thế còn suy phận mình nên nhìn đứa cháu gái nào bà vừa lo bom nổ chậm, vừa sợ chúng ế chồng, phải kiếm chỗ gả tống đi để nhà khác khỏi xí mất phần.
Cháu học hết năm thứ hai đại học, về quê nghỉ hè là phải nghỉ luôn. Không còn ba kế cháu nâng đỡ tinh thần lại vì kinh tế thúc bách, bà cô lại làm áp lực theo quan niệm thiển cận của bà, tự dắt mối đến.
Đám dạm hỏi như trên trời rơi xuống. Họ nhà trai đi một xe lam đầy, ba bà cô bắt cháu phải chải gỡ tươm tất, bưng nước ra để người ta xem mặt. Nhận thấy vẻ hợm mình hớn hở, đầu chải sáp thơm láng coóng của hắn cháu đã thấy không ưa. Tình yêu là ưng phải không bác? Vừa bụng thấy là ưng liền đâu có đợi xét nét này nọ. Không hiểu sao lúc ấy tự dưng cháu khôn thế! Cháu giở cái trò xét tiêu chuẩn ra để phá đám. Nào tại sao anh chọn tôi, nào điều kiện nào để có hạnh phúc...? Anh ta khoe học vấn, khoe chức danh, khoe tiền của, khoe đối xử bình đẳng... Cháu bất ngờ xỉa cho một câu hỏi: "Anh có tật xấu gì không? Nhược điểm của anh là gì?". Tất nhiên anh chàng cà lăm không đáp được. Bọn con trai có bao giờ xét tật xấu của mình phải không bác! Cháu phăng teo ngay cho một câu: "Anh chưa hiểu được mình làm sao hiểu được vợ, tôi khó tính lắm anh khiển không nổi đâu. Đi tìm đám khác đi!".
Các cô giũa cho cháu một trận nên thân, bảo già kén là chết giá. Nhưng các bà không chịu thua, lại đưa đến một đám nữa. Lần này có kinh nghiệm, cháu hỏi ngay một câu: "Anh đã từng yêu ai chưa?...". Tất nhiên hắn ta nói dối rằng "còn trinh", cháu bồi cho anh ta cụt hứng ngay: "Sao anh hèn vậy? Hai mươi tám tuổi chưa hề yêu cô nào. Tôi con gái chưa quá hai mươi tuổi đã qua mấy đời bồ rồi!".
Mấy bà cô tức điên lên được, còn cháu dư biết rằng khó sống nổi với nếp nghĩ của các bà, ngày hôm sau cháu xách gói vù luôn cho đến bây giờ.
* * *
- Tôi tiếc cho cháu quá - Nói xong câu này tôi biết ngay mình lỡ lời, hơn nữa tôi đã méo nghề, nhà văn phải lắng nghe đối tượng đến cùng, không nên sớm bộc lộ thái độ, ai dám nói hết sự thật sâu kín để mình khai thác. Tôi đổi hướng - Trước cháu học về môn gì?
- Dạ khoa học xã hội. Cháu lại là con mọt sách. Nghề của chúng cháu, ngoài việc cho đàn ông mua vui còn có làm gì ngoài đọc sách. Không có chúng cháu, sách của các bác chắc phải in ấn ít hơn. Cháu nói vui bác đừng giận. Hồi còn đi học, thầy cô bảo học và hành. Nhưng nhờ có đi ở tù bây giờ cháu thấy thêm: còn nghiệm nữa! Học - nghiệm - hành mới đủ nghĩa. Bác cho cháu điếu thuốc nữa đi, cháu sẽ nói cho bác viết một quyển tiểu thuyết.
- Cháu có chồng chưa?
- Cháu có! Một cục cưng giỏi, hiền lành và rất bô trai (mỉm cười), đi với một trăm người đàn ông không bằng một đêm với anh ấy! Anh ấy có đặc điểm mà Võ Hậu ngày xưa ưa thích nên còn có biệt danh là Hai Nạng.
- Xem ra cháu yêu chồng lắm?
- Dưới mắt của thế giới đạo đức, bọn buôn phấn bán hương như cháu làm gì có tình yêu. Nhưng thật ra cũng có đấy bác. Cháu sống với anh này, tình bạn ngày càng được củng cố. Nghe ngược đời lắm phải không bác, nhưng mà đích thực có đấy. Anh ấy đến với cháu thường xuyên, đôi ba ngày, cao lắm là năm ngày, ăn bánh rồi trả tiền thôi. Với kẻ khác xong rồi là vất xuống lề đường, đi đâu thì đi, có khi không cần biết tên, không buồn nhớ mặt, nhưng với anh ấy thấy vắng lại mong, còn về phía ảnh hết tiền không dám tới thôi mà. Một dạo khi lâu không thấy anh ấy đến, tình cờ gặp ảnh trên đường tự dưng cháu thốt lên tự đáy lòng: "Sao anh không đến? Không có tiền cũng được, không sao đâu!".
Sau lần ấy, chúng cháu đến với nhau như đôi bạn tình. Ba bốn năm sau cháu mua được nhà, anh ấy không có đóng góp xu nào đâu nhưng thật ra là tiền của ảnh, vì từ khi nghĩ đến vấn đề chung sống, cháu không bạt mạng buông thả tiêu xài mà bắt đầu biết dành dụm. Thiên hạ khởi đầu bằng tình yêu, kết thúc bằng sự ham muốn. Vợ chồng cháu khởi đầu bằng sự ham muốn, kết thúc bằng tình yêu... Sao bác lại thở dài? Bác muốn bố thí cho cháu tí xót thương ư? Không cần đâu bác, cháu rất hạnh phúc. ba mươi sáu cửa chừa một cửa để lấy chồng mà! Với cháu, cái cửa ấy đã có người bước vô rồi, tin cậy và bảo đảm, mặc dù bây giờ cháu đang ngồi tù. Xét cho cùng, bọn bán phấn buôn hương như cháu còn hơn khối kẻ dơ dáy khác, từ anh chánh văn phòng cất công xách xe đi Vũng Tàu thuê khách sạn cho sếp chơi gái để hưởng phần trăm hoa hồng bỏ túi, anh có cỡ hơn được món hối lộ, anh thương gia giỏi lừa được một cú phe, cho đến cả mấy anh nước ngoài mang đầy ngực cái mác kinh doanh đầu tư đều phải đem tiền nộp cho bọn cháu không cần sổ sách... Bác lại thở dài rồi, cho cháu điếu thuốc nữa đi! Trông bác giống ông ngồi ở tòa án quá. Ông ấy xử cháu mà ông ấy không vui. Cũng thở dài...
- Vừa rồi cháu nói là học - nghiệm - hành, vậy có thể nói cho bác nghe cho đến bây giờ cháu nghiệm được gì?
- Đàn ông họ bỏ tiền ra, người nào cũng đặc đầu óc đầu tư có lãi, xài cho đáng đồng tiền nên có kẻ muốn chiếm trọn thân xác, linh hồn mình để chà đạp, để hưởng thụ. Cầm được đồng tiền của họ sau đó là triền miên lo âu sợ hãi không biết có dính thai hay không, họ có đổ bệnh cho mình không? Tinh lực hao mòn, nhan sắc tàn phai nhanh chóng... Kẻ nào trong bọn cháu may mắn lập được gia đình rồi lại day dứt nhớ câu nói của người xưa: "Cưới đĩ làm vợ, không ai cưới vợ về làm đĩ", nhưng đâu dễ dàng kiếm nghề gì để làm ăn khi có một dĩ vãng chẳng ra gì!
Kẻng đổ hết giờ nên phải đứng dậy, lấy cái nón lót ngồi đội lên đầu, cô tranh thủ nói thêm:
- Bởi vậy làm sao nghiệm đúng được nếu không có xã hội ra tay vớt. Có gì bác hỏi thêm ông Năm Ngôn.
Tôi nói với anh Năm Ngôn rằng tiếc cho cô gái có hiểu biết, không biết rồi đây trở lại ngoài đời làm sao thoát được cái thiên la địa võng của đồng tiền cám dỗ.
- Anh đừng lo, nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là trừng phạt mà đưa họ trở về vị trí làm người lương thiện. Trưa nay anh đi với tôi!
Anh Năm Ngôn đưa tôi xuống một chiếc xuồng gắn máy phóng toé nước trắng xoá. Gió của biển của rừng mát rượi. Nhọc mệt quên đi theo cảm giác như đang lao tới tương lai. Xuồng rẽ vào một con kênh mới đào thẳng tắp. Trên bờ đất là nhà cửa mới mọc lên khoảng cách đều nhau, cột tràm mái lá đơn sơ thôi nhưng có trẻ em nô đùa, trên sân có gà, có heo, có máy công nông cày đất, nhà nào cũng có ăngten trời.
Anh Năm Ngôn đưa tay ra hiệu cho máy chạy chậm lại để nói:
- Anh đừng tưởng ở đây chúng tôi chỉ có phạm nhân, phía bên trái này là công nhân tự do của chúng tôi. Anh chị em nào hết án, ra trại nếu lưu luyến với mảnh đất này, muốn ở đây làm lại cuộc đời lương thiện, tôi cấp đất cho làm nhà, sản xuất tự túc rồi làm giàu. Có những gia đình muốn được ở gần thân nhân phạm trọng án, kéo lên xin lập nghiệp tôi cũng xin Nhà nước cấp đất. Nhà này của Bảy Rỗ, anh chị khét tiếng Cây Da Xà. Nhà này là tay anh chị trấn lột xe khách trên đường 4. Nhà này chủ hụi vỡ nợ bạc tỉ. Nhà này là tay kế toán xí nghiệp ghen tuông giết vợ. Thằng này hiếp dâm... Hàng trăm nhà như thế, mỗi nhà tám mươi thước đất mặt tiền, còn sâu vào trong sức tới đâu làm tới đó, đất rừng thiếu cha gì! Còn phía bên phải này công sở và nhà máy sẽ mọc dài dài đến lập làng - Anh cười hề hề - Để rồi anh xem! Nghe nói nước Úc hồi xưa cũng khởi thủy từ những kẻ lưu đày mà! Đó, cái cụm mới xây này là trường học cho trẻ.
Ông Năm Ngôn ra hiệu cho xuồng cập bến một ngôi nhà. Nhìn lên vách thấy treo một bức ảnh phóng to, một cháu gái cỡ năm, sáu tuổi đang ngồi nhai khoai mì nướng xe tivi.
- Ba đâu?
- Dạ ba ngoài ruộng.
Chúng tôi theo chân cháu ra đường đi dọc theo hàng dừa tơ vừa xây tán. Có những liếp dây bí bò xanh um, những quả bí đỏ phơi mình đây đó đếm không xuể, xa nữa là những giàn bắt chéo thẳng tắp trồng khoai mỡ. Phần đất gần nhà lập vườn, đào ao nuôi cá, bên ngoài nữa là ruộng có cắm mốc nhưng không có đắp bờ ranh để cơ giới làm đất cày bừa chung. Ruộng ai nấy cấy, thu hoạch lấy, thanh toán tiền thuê máy móc xăng dầu bằng lúa khi cuối vụ.
Đang vớt đất lên liếp, trông thấy chúng tôi anh chàng trung niên buông xẻng khoát nước rửa tay vội vã bước lên mừng rỡ.
- Đây là chồng của cô Mimô, còn đây là vị khách tham quan - Ông Năm Ngôn giới thiệu. Tôi đưa tay, anh ngần ngại vì tay còn ướt nhưng rồi cũng bắt tay thật chặt. Tôi khen:
- Khá lắm! Dân Sài Gòn về quê làm ăn coi được lắm.
- Cũng vì tình thôi bác à! Cô ấy đang ở trong trại, cháu ở trên Sài Gòn làm sao yên. Cháu xuống đây là để chia sẻ với cô ấy.
- Vậy anh bạn tính ở đời luôn nơi đây sao làm dữ vậy, như anh dân cày chính cống?
- Quen đi bác ơi! Được hạt lúa củ khoai rồi cũng thấy ham đất lắm. Không có tình với đất lấy gì để có tình với người phải không bác.
- Nhưng sau này khi mãn hạn, cô ấy có bằng lòng ở đây với anh không?
- Hoàn toàn là ý kiến của vợ cháu, có bác Năm đây cố vấn. Sau lần thăm nuôi ấy cháu lập tức về bán nhà, có số vốn kha khá lên đây lập nghiệp. Lần sau bác về đây có nhà máy gạch của trại rồi, cả xóm này sẽ lên nhà ngói để rước bác. Nếu 2-9 năm nay cô ấy được ân xá, nhờ ơn bác Năm cô ấy sẽ là cô giáo dạy ở bên trường mới xây bên kia bờ. Còn cháu làm vườn, làm ruộng, chăn nuôi. Vợ chồng hủ hỉ với nhau nuôi con, cực một chút mà có tương lai, khỏi nơm nớp lo âu như trước. Còn chút nhân phẩm cần có đất mới để gieo trồng.
Tôi trở về trại, kể lại lời nói của chồng cho vợ nghe. Cô Tươi còn cắp quyển vở giáo viên trong lớp học trại viên ra, ngẩng mặt nhìn lên bầu trời bao la của vùng sông nước, chép miệng:
- Gần một nghìn ngày đêm suy ngẫm rồi không vỡ lẽ sao được hả bác. Hoàn lương khó lắm bác ơi! Nếu trở lại chốn phồn hoa nơi đồng tiền ngự trị làm sao tránh khỏi cám dỗ để đi theo vết cũ. Chẳng hóa ra ba năm cải tạo thành công cốc ư? Trở lại kiếp người đâu phải dễ.
- Vậy tôi mừng cho cách nghiệm của cô.
- Bác nên cám ơn bác Năm đây hơn. Chính bác ấy mới là người đưa tay dắt chúng cháu trở lại kiếp làm người, có ai làm nổi hở bác!
Cùng tác giả:
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com