chan_dung-ke_si

CHUYỆN ĐẦM SEN ĐỀN ĐỒNG CỔ - Truyện ngắn Tô Hoài

28-10-2023

Lượt xem 2489

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Tô Hoài

CHUYỆN ĐẦM SEN ĐỀN ĐỒNG CỔ - Truyện ngắn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài (1920-2014) - Ảnh Trần Văn Lưu, 3/1951 

Chân Dung Kẻ Sĩ: Độc giả thường biết tới Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của nhà văn Tô Hoài, tất nhiên, không sai, đó là một kiệt tác của ông. Nhưng nhà văn Tô Hoài cũng đã để lại một gia tài văn học khổng lồ với hơn 160 cuốn sách, trong đó nhiều cuốn được tái bản nhiều lần, được dịch ra tiếng nước ngoài, và không ít trong số ấy, cũng là những kiệt tác.

Nhà văn Tô Hoài, theo nhà văn Đỗ Chu mô tả là “đứng chống đòn gánh, dưới chân là hai quang sách nặng” và những tác phẩm của Tô Hoài là những tòa ngôn ngữ khiến ông phải đứng khép nép. 

Còn Hoàng Ngọc Hiến, trong lời giới thiệu một tập truyện ngắn của nhà văn Tô Hoài, đã viết:

Một lần Hội nghị nhà văn trẻ, nghe giới thiệu nhà văn Tô Hoài lên phát biểu ý kiến, cả hội trường im phăng phắc. Trái với sự chờ đợi của mọi người, nhà văn lão thành lên diễn đàn chỉ để nói với các nhà văn trẻ một câu: “… chừng nào chưa phân biệt được “mồm” và “miệng” thì đừng có cầm bút… ”. Tôi thiết nghĩ các bạn trẻ háo hức viết văn nên tìm đọc Chuyện đầm sen Đền Đồng Cổ , đọc xong mà nhận ra được vốn ngôn từ của mình sao mà nó nghèo nàn, thảm hại, xô bồ đến thế thì dù có tiến hay thoái cũng là một sự thức nhận hết sức có ích.

  

CHUYỆN ĐẦM SEN ĐỀN ĐỒNG CỔ

Đền Đồng Cổ tựa lưng vào phía Tây Bắc thành.

Ngôi miếu nhỏ, dáng dấp cũng cầu kỳ như chùa Một Cột đầu làng Yên Quang. Đủ cửa chính, cửa hậu, cửa cung, cửa nách. Cửa ông chạm rồng. Cửa bà miêu tả nỗi cung cấm khó đường ra vào, chạm chín lần gai dứa.

Các cụ kể: Ngày xưa khởi công làm đền, bốn hiệp thợ Bắc đấu lại. Cứ làm đến đâu khớp nhau đến đấy. Được thì cùng chầu rượu mừng, nếu chệch thì sửa lễ kêu suốt cả trong mấy tháng làm lại. Ròng rã hàng chục năm trời…

Có người thợ mới đến, học phó nhỏ, chỉ biết chổng mông thổi lửa vỏ bào đun nước cho thợ xẻ, đến năm làm lễ dựng nóc đã được thắt lưng nhiễu, mang tai gài bút, cái bút lông phó kép, trèo lên thượng lương, đưa cành thiên tuế bọc vuông nhiễu điều cho ông phó cả đã đứng sẵn trên xà ngang. Và cô gái làng lẳng lơ mới ngày nào lăn lóc mê anh thợ trẻ, bây giờ đã ba mặt con với nhau rồi.

Ngày xưa nữa, nghe nói đền Đồng Cổ được đúc toàn bằng vàng, vàng mười. Một đêm mưa to, cái đền vàng biến mất. Người ta còn đồn đến bây giờ: Ai hợp bóng hợp vía, gặp giờ linh, sẽ thấy tòa nhà vàng hiện ra trong mặt nước sông Tô Lịch. Câu chuyện huyền hoặc cứ được kể lại, như một ước mơ xa xôi mà gần gũi, tưởng ai tốt số rồi cũng có khi gặp. Nhưng chẳng ai gặp bao giờ - tất nhiên.

Đám rước đền Trại lên Đồng Cổ năm nào cũng có kiệu bay. Kiệu “bay” qua cánh đồng Thủ Lệ, rồi kiệu “bò” lên Cống Vị, từ Cống Vị thong dong tiến vào cửa đền. Mỗi cỗ bốn cụ nóc họ Lý đứng đầu các chạ ra đón. Nhưng các cụ không thưởng rượu cho lũ trai kiệu đương quỳ một gối nâng đòn kiệu, mà, cứ lặng nghiêm như không để ý, các cụ đợi bọn con trai kiệu con trai nhà các trưởng họ đi tới. Đám khố đơn khiêng kiệu khó nhọc vừa hô vừa bay qua cánh đồng, quỳ chán rồi đến ngồi xúm một chỗ, lát sau, lẳng lặng lùi ra hai bên.

Thứ bậc trai làng đã chia rành. Đầu cánh đồng, trai kiệu khiêng quãng đường phẳng được dành cho các chân tư văn. Bọn cầm tàn, cầm tán, che quạt, gươm vàng, bát bảo đi song hành quãng ấy cũng toàn mặt trai nhà chức việc.

Nhưng đến trạm nghỉ đầu Cống Vị, từ quãng này, kiệu lên đồi phải thay vai. Đã nhìn thấy đền Đồng Cổ đằng chân thành, thế là “bà” mừng. Kiệu bà quay tròn, lúc “bay”, lúc “bò” tiến qua cánh đồng. Đám trai bạch đinh mới ra thay vai kiệu ở quãng lên núi quay đảo nặng nhọc này.

Bốn góc đòn kiệu tám múi nở đều chăm chắm thành hai mươi bốn trai kiệu cởi trần trùng trục, vai nổi quánh. Dải khố điều rủ trên bắp vế, con mắt nhìn ngang, đứng yên như những tay đô vật sắp vào “sới”.

Lúc ấy, từ trong làng, trang nghiêm bước ra một đám các cô đội quả cơm nén. Cơm nén gạo tám xoan, giò lụa, rượu sen và bánh cốm Vòng, trai kiệu “thời” xong rồi mới ghé vai.

Hạ ở trong đám gái đội quả cơm nén.

Chư là trai làng đón cơm nén của chạ thết, ngồi cơm rượu ngay bên đòn kiệu.

Xong, tất cả tề tựu trong vòng kiệu. Chư cởi trần, vuông khăn điều che nửa vai, cái quạt hoa giắt trên búi tóc, đứng đầu hàng ngang chữ nhất.

Kiệu bát cống quay tròn, bây giờ mới thật như chiếc hoa giữa đám hội, vừa bay vừa cong cánh nở. Lòng hân hoan mong đợi của cả nghìn người xem hội cứ thế bồng bột mãi lên. Hai mươi bốn trai kiệu, nghe tiếng trống khẩu, một lượt quỳ như hai mươi bốn thớt voi rồi từ từ bò qua gò, vai kiệu vẫn phẳng lừ như tường đứng.

Rồi kiệu quay trên những khuôn mặt phừng đỏ, quay đến đâu, người xem giãn ra rồi lại chụm, mỗi lúc một đông và dồn dập. Kiệu với người như đám quần thảo. Người xem hội đầy các cánh đồng, các gò cao. Người ta tấm tắc khen, ngắm từng trai kiệu.

Đêm đến chèo phường Bắc sang dựng ba rạp, hát thi suốt sáng.

Không biết cô Hạ mê người trai kiệu ấy từ lúc nào. Trông thấy nhau lúc đội cơm nén, lúc kiệu “bay”, hay lúc vào đầu gò, người trai lực điền khéo lựa một bên gối quỳ xuống cho cái vai kiệu oai nghi nhô lên?

Hay là say nhau ở đêm chèo sáng trăng, ngay từ lúc tiếng trống vào hát vỡ nước rộn rã hai bờ sông Tô Lịch?

Đêm cuối tháng Bảy.

Đĩa dầu trên quang đã lụi bấc. Dầu rớt xuống thành đọi đen nhẻm. Trong “tầu seo” vừa róc rách nước “vét tầu” bây giờ đã lặng tiếng động liềm. Những cô thợ tan “seo đèn” đã đốt đuốc về trong xóm từ lâu.

Hạ đứng seo mà bồn chồn.

Vừa im tiếng khuôn đổ rào nước xuống lòng “tầu” đã nghe xa xa nhịp chày giã dó, từ hồ Tây thanh vắng vang lại, từng tiếng mỏng tanh nện vào bóng trăng.

Hạ xách chiếc bùi nhùi rơm thổi lửa dựng sẵn ngoài lều tầu, bước ra bờ đầm.

Đầm sen trước đền Đồng Cổ cạnh vạc nấu dó làng Hồ ăn ra sông Tô Lịch chỗ đầu thôn đến cống Đõ, vào hồ Tây, qua dưới một dãy lều của người phường giấy giã dó ngoài bờ nước.

Hạ đứng bờ đầm, vung mồi lửa.

Chưa giập bã trầu, đã thấy động đậy trong đầm trước mặt. Có chiếc thuyền chui ngang đám sen tàn. Tiếng con sào chống vào lá khô rào rào. Chiếc thuyền nhỏ tách ngấn nước nhô ra. Bóng người bước lên bến, còn vương theo mùi cẳng sen gẫy thơm ngát.

Hạ bíu cánh tay Chư, khóc:

- Anh ơi, lái dó nó lại xuống rồi.

- Thằng lái Ẻn à?

- Nó còn ngoài bến Chèm.

Nghe những tiếng rên rỉ cầu cứu của Hạ, Chư có cảm tưởng mình phải nói: “Đừng lo” và tự hỏi: “Mình cần làm gì đây?” Chư quả quyết:

- Tao phải ra giết thằng lái Ẻn đi mới xong.

- Em sợ lắm. Giết người phải đền tội…

Chư cười nhạt:

- Đứa nào dám bắt người phường ta đi thì nó nhớ để lại hai cái chân. Tao bảo nó thế.

Hạ chỉ nức nở khóc.

Giết người hay cắt gân chân. Hạ nghĩ đến nước cùng ấy thì việc nào cũng thế, việc nào cũng may rủi, chỉ đem lại một nỗi lo sợ.

Hôm sau, Chư xách chiếc câu liêm đi giữa ban ngày qua cổng làng. Cứ cởi trần, đóng khố đơn, như lúc khiêng kiệu.

Chư tắt đồng lên bến Chèm. Lão lái Ẻn kia chiều nào cũng uống rượu trên bè. Nhá nhem, Chư sẽ xuống, giơ câu liêm, giựt đứt phăng cổ nó xuống sông. Bằng như lão đã vào nhà ả đào trên phố bến, Chư sẽ theo vào, đằng nào cũng giựt đứt cổ nó. Chết thôi, không chịu nổi cái uất. Chư hầm hầm đi.

Hàng năm, các lái đường ngược chở vỏ dó xuống bán cho phường làm giấy vùng Bưởi. Từ thượng nguồn sông Thao, những đống vỏ dó cuốn thành bó một vác, thả bè về bến Chèm. Rồi dó đem chất vào những vạc cao bằng quả núi vôi trắng bờ sông đầu các làng Yên Thái, làng Đông, làng Hồ. Những tay thợ người Đại Từ ở đầm Linh Đường đã lâu đời lên đất Bưởi làm nghề nấu dó, lập thành xóm Vạc ở chen chúc bên các vạc dó quanh năm nồng thối hơi vôi.

Đến mùa đưa dó lên xuôi, bến Chèm tấp nập, nhộn nhịp các chủ dó và người buôn ra ăn giá. Tiếng phách gõ cóc cách, khấp khểnh vào ngang câu hãm của cô nhà trò quê kệch hát hẻo lánh trên bến nước. Nhà hát đầu bến kiếm ăn có mùa, chỉ đón khách được vào dịp lái trên ngược về. Lái dó lắm tiền, hống hách, ngỗ ngược, đi hát cũng xô bồ. Có khi họ thuê ả đào luôn mấy phiên chợ, đêm ngày liên miên ăn cỗ, nghe hát và chen vào đấy là những cuộc lừa lọc, mặc cả hàng, những canh xóc đĩa sát phạt nhau đáo để.

Cái dó Phố vỏ khô, kém bột, cỏ nương cao bằng cây, mọc khắp rừng Lục Yên, chủ dó nào cũng muốn bán tống ngay. Dó Lâm, dó Nghĩa Lộ thì rộng vỏ hơn nhưng cũng ngắn cây, kém mã. Một tối nhà trò hay một canh bạc thì lái gốc và các tay buôn đổi vai đã xoay ngã giá nhanh như bèo trôi đổi hướng. Chỉ có giống dó Thao cây dài vỏ rộng, da đẹp, nhiều ngọn thì bao giờ chủ dó cũng làm cao như nhà có con gái đẹp đến thì. Người chen vào ganh nhau đặt giá, ở dưới bến không xong, còn theo về tận kho trọ dó trại Hàng Hoa.

Lái Ẻn là tay trùm giống dó Thao thượng hạng, chiếm cả đất nương dó từ Hạ Hòa ngược lên. Chỉ mình lái Ẻn có nhiều dó Thao “đất trên”. Mỗi năm, hàng chục bè về đỗ chật bến. Lái Ẻn làm giàu như giữa chợ bốc được của.

Chư đến Chèm vào chập tối. Trông xuống sông, thấy liên tiếp bè dó cao như đống rơm. Dó chưa ăn giá, chưa dỡ lên bến. Có lẽ chủ dó trên ngược chưa xuống. Hỏi dò, biết lái Ẻn chưa xuống thật. Mới có bè xuôi trước với đám tay chân chở bè.

Bây giờ trở về cũng tiếc công. Mà cơn tức thì chưa hả. Chư đứng tần ngần. Chợt nhìn dưới nước có ánh đèn cây tỏa sáng. Hay là thuyền lái Ẻn mới xuống chỗ ấy, chưa ai biết? Chư phải đi dò mới được. Chư xách câu liêm trườn ra đầu bè, như con mối bò trên vách.

Quanh cái quang đèn đại treo khoang giữa, tựa lưng vào đống dó, bọn người nhà lái Ẻn đương ngất ngưởng đánh chén. Chư đến tận sau lưng mà không ai biết. Chư đếm từng người. Không có lái Ẻn. Mắt thấy thế, Chư mới tin.

Chư bước ra, giắt mồi lửa lên cái mái cọ che lều, rồi lặng lẽ lên bờ. Phải nổi lửa đốt cả đám bè này mới xong. Tối thế này, Chư không sợ ai. Chư lên đê chém tất những buộc song neo bè. Cả đoàn bè với người gặp cơn nước bị tống băng ra. Tiếng kêu inh ỏi lạc vào giữa vùng trời nước mù mịt. Phút chốc, gió đưa đỏ rực, đám cháy bồng bềnh suốt dãy bè dài lan qua bến.

Mấy hôm sau cũng không thấy Chư về.

Hạ ra đầm sen trước cửa miếu Đồng Cổ huơ mồi lửa. Mất cái mồi dài cũng không thấy Chư sang. Nhưng bên hồ Tây vẫn vang lại những nhịp chày lúc đều đều, lúc tới tấp, lúc thản nhiên.

°
°     °

Chư đi suốt đêm ấy trên bờ sông Cái. Trong đầu lúng túng có một điều mà nghĩ mãi không biết. Nỗi đau quanh quẩn như mắc tóc.

- Một đời tao giã dó không mang nổi cái thân, cũng không có được quan tiền chẵn trong người. Nghề phường giấy ta không cứu nổi người đâu. Làm thế nào bây giờ?

Đi đến sáng, Chư trông ra, thấy đám bụi bốc trước mặt. Con ngựa nhà trạm Tứ Tổng chạy thư sớm đương mải miết qua cánh đồng xuống tổng Trung.

Cái điều loay hoay nghĩ suốt đêm, bây giờ trông như người phu trạm chạy ngựa, chợt Chư thấy ra:

- Ờ, tao không có của, tao không được ngậm cái bút lông mèo 1 nhưng tao có sức. Có khi tao cứ chịu khó ra công như thằng phu trạm kia rồi cũng có ngày được lên quan. Thiên hạ đã khối người vậy đấy!

Chư giơ tay lên trời, toan nói rồi lại thôi. Nhưng Chư nghĩ khoan khoái trong bụng: “Bấy giờ thì ông không phải bẩn tay, ông chỉ sai thẳng lính xách con dao ra, thằng lái Ẻn cũng đủ chết”.

Một hôm, từ phía Tây Bắc thành men sông Tô Lịch đến chợ Bưởi có một chiếc xe ngựa phi tới. Đất cát pha bốc từng đám đỏ xuộm quyện lên tận mặt thành. Ngựa đã phi khuất mà bụi chưa tan.

Vùng Bưởi vốn quần cư ở gốc thành ngoài, hàng đời chẳng nghe tiếng vó ngựa. Không biết chuyện lành hay dữ. Người làng cứ xớn xác. Bởi vì ai cũng đã biết ngựa quan về làng chỉ mang đến cái lôi thôi và điềm dữ.

Những người gần nhất, tò mò lắm, thập thò sau lũy tre cuối làng, ghé mắt trông ra.

Tưởng ai cưỡi ngựa, hóa ra thằng Chư giã dó.

Xưa nay chưa hề trông thấy Chư lạ mắt như thế. Ngày ngày chỉ thấy Chư bện khố lửng, cong lưng nâng cái chày giã dó. Quanh năm không khác. Cả đến lúc khiêng kiệu đền Trại, danh giá thế, Chư cũng vẫn đóng cái khố đơn.

Nhưng hôm nay Chư nghiêm hẳn lên trong cái áo nâu da bò khuy tết, vạt tỏa ngang gối. Tuy chiếc thắt lưng điều đã tã xuống màu huyết dụ cằn, nhưng cũ đến đâu cũng không giống cái dải khố, mà vẫn là chiếc thắt lưng của người đi việc quan. Ngang vai, Chư khoác cái bao nâu vải gốc to. Con ngựa xám tro bước kiệu, cái bao vải phồng nhấp nhô theo nhịp vó, chạm lên tận gáy, chỗ tóc cuốn vào mép vòng khăn vải gốc vểnh tai chó. Phải, chiếc thắt lưng điều rách xơ mướp cũng vẫn là thắt lưng điều, dù sao Chư cũng đã ra tay làm việc quan, được như Chư ao ước rồi.

Những người đàn bà thì thào câu gì, không ai nghe rõ. Một ông lão nhìn ra lần nữa nhận thật đích mặt thằng Chư rồi mới chép miệng một cái:

- Thằng phu chạy giấy chứ làm nên đỉnh đùng gì!

Rồi bỏ đi.

Mấy cô gái còn rốn lại, hỏi nhau:

- Thằng Chư đi làm phu trạm bao giờ?

Các cô lại cười khé khé:

- Mày đi mà hỏi con Hạ!

Những câu nói, câu tò mò và cả những câu giễu cợt nữa buông ra rồi lặng đi, không gợi thêm băn khoăn ai. Bởi, cho thật rõ, người phu trạm chạy giấy cũng chẳng có gì đáng để mắt.

Lần ấy, hai người gặp lại nhau tại miếu Đồng Cổ.

Đột nhiên, Chư khoe với Hạ:

- Tao được khẩu súng đây này.

Rồi hạ cái bao trên vai xuống, Chư lấy ra một khẩu súng có nòng dài.

Ô, khẩu súng! Ở trạm, thỉnh thoảng ông cai trạm đi việc công cũng chỉ có con đại đao buộc mũi ngả xuống bên nách cái áo vải sồi rộng ống. Cả trạm cũng chưa được phát khẩu súng, thế mà phu trạm Chư có khẩu súng.

Trông thấy khẩu súng lần đầu trong đời người, Hạ vừa sợ vừa mừng. Hạ đương có một niềm tin, cái tin của người trôi sông thấp thoáng thấy cành củi rều ngỡ đấy là cái cọc, cái cọc chắc. Lúc ấy, Hạ nhìn Chư có khẩu súng bỗng dữ dội và khác thường, chẳng hiểu sao, Hạ thấy trong lòng hy vọng một điều tốt đẹp sắp đến.

Khẩu súng ấy không phải của Chư mà của người đã gửi Chư đem về nhà ông khóa Chữ.

Ông khóa Chữ ngồi bảo học ở phường Hồ Khẩu đông học trò lắm. Trí lực của ông khóa Chữ khác nhiều nhà nho lúc ấy đương đắn đo trước thời thế. Có ông vờ đi cày cuốc để nghe ngóng đợi thời. Có người cơm đùm cơm nắm vào Kinh tìm công danh. Ông khóa Chữ kết giao với người ngang tàng các vùng, ngầm tính chuyện dựng cờ.

Hồi ấy, những người phu trạm trung tín, bộc trực, công việc chuyển dịch vùng này sang vùng khác, thường dễ cũng là người bí mật đưa tin cho nghĩa quân các nơi. Người chạy thư vào nghĩa quân cũng đã nhiều.

Bấy giờ, các làng đạo vùng dưới phía Nam Kẻ Chợ đương bối rối. Dân vốn ghét Tây, biết làng đạo tích súng, có nơi lén đào hầm giấu cố Tây, nhân tức sự úp mở, thế là cả trấn Sơn Nam lại một lần nữa nổi lên tìm giết cố đạo. Được cơ hội nghĩa quân đi kiếm súng chuyển lên trữ quanh Hà Nội, chuyến nào về trạm, Chư và vài người nữa cũng lén tải súng đạn. Có hôm bọc mo cau, bó cả chục khẩu dưới bụng ngựa.

Chuyến ấy, Chư đem súng về giao cho ông khóa Chữ. Hạ rơm rớm nước mắt. Chư nói to:

- Thằng lái Ẻn mà bén mảng xuống, tao quyết cắt gân cả hai chân nó. Bây giờ tao không sợ nữa rồi.

Điều ấy làm cho Hạ phấp phỏng mà lại yên tâm.

Con ngựa trạm xám nhờ nhệch, gầy móp, lông xơ xác dựng đứng, chân ống sậy, khoeo nhấp nhô. Tuy vậy, con ngựa còm cũng làm bốc lên một rúm bụi trong cái làng không mấy khi trông thấy ngựa. Chòm xóm khét tiếng thằng Chư ra làm việc quan được cưỡi ngựa.

Thế là Hạ lại nguôi tâm. Hạ đưa Chư vuông lĩnh nhuộm thâm làm khăn gối đựng quần áo. Chư lại đi.

°
°     °

Từ ô Đồng Lầm ra hay ô Đống Mác xuống, đều trải qua trạm chạy giấy Đuôi Cá phía Nam.

Tên thật là trạm Hà Mai, như ai cũng quen gọi là trạm Đuôi Cá, vì trạm nằm án ngữ giữa ngã ba đường tõe hình đuôi cá. Tường trạm toàn đá tảng lổn nhổn quanh như cái nhà ngục. Phu trạm lạ đến phải ngủ đỗ trong dãy nhà ngang lớp tranh cạnh tàu ngựa bên ngoài. Trước mặt, trông sang hồ Linh Đường. Bên trái theo sông Cái xuống Thanh Trì. Bấy giờ đương lắm rối ren, trấn nào cũng có người dựng cờ khởi nghĩa cho nên việc quan nha càng nặng nhọc, các trạm phải túc trực hàng chục phu, hàng chục ngựa. Hỏa tốc nối nhau như tên. Người phu trạm như cái vạc lặn lội suốt đêm. Việc toàn nóng và lệ phạt ở các trạm cũng ngặt nhất.

“Đại khẩn”, ngựa bôn suốt đêm. Chạy rút ngắn, giỏi bậc nhất, bậc nhì, bậc ba, chia hạng có thưởng. Nhưng quan nha chỉ đặt bậc công hờ chứ chẳng ai được thưởng bao giờ, chỉ thấy cái roi vút vào đít là cơm bữa, một ngày về trễ phải phạt ba mươi roi. “Đại khẩn” chậm một phiên thì mất đầu, quy tội vào trạm nào, người nào người ấy chịu. Đao phủ về đóng cọc ra án chém ngay trước cửa trạm.

Trạm Đuôi Cá buổi trưa ấy, những bóng nhà im lìm trong nắng giãi đường quan vắng tanh. Mấy chiếc cọc tre đặt đòn cáng khênh ra chỗ ngoài mái tàu ngựa trống hốc. Ngựa ban ngày đi hết, chỉ đến đêm mới nghe tiếng vó đạp muỗi. Và cũng lúc đêm tối công việc nhà trạm mới bề bộn bốn phía tới. Tíu tít đến quá đầu hôm.

Nắng chiều đã nhạt trắng bờ lau. Những phường chài lưới ở hồ Linh Đường, đầm Sét vào bán cá chợ ô Đống Mác từng tốp đi cởi trần, mảnh áo rách ướt phơi vắt trên cái cán dậm, cũng đã qua ngoài cổng trạm từ nãy. Con đường vắng người, hình như nhỏ lại, mờ dần trong làn sương.

Đến lúc lên đèn thì đám phu trạm chạy chân ở các huyện phía Nam cũng vừa về. Trời ập tối. Người phu bước vào nhà trạm giữa bụi khói quanh cây đèn dầu chẩu, mồ hôi vã nhếnh nhoáng khắp mặt. Có be rượu mua sẵn, người ấy ngửa cổ, hé cái miệng đã nhạt thếch, tu một hơi cạn be rồi mới treo bao văn thư lên cái cọc vách đã cắm sẵn chiếc thẻ tre đề tên huyện sở. Hôm sau đi tiếp, người khác chỉ việc quơ tay lấy. Ai cũng thuộc đến nỗi chẳng người phu trạm nào biết chữ mà cũng không nhầm cọc, nhầm bao thư bao giờ.

Một chốc, đã vang tiếng người ì òm tắm đằng ao sau, trong khi ở dãy nhà ngang cho phu trạm lạ trọ, lửa thổi cơm đã lên lom đom.

Đám chạy ngựa thì chưa về đủ.

Ông cai trạm Đuôi Cá mới được hàm tòng cửu phẩm. Lão này có tiếng xốc vác, lên làm cai trạm đã ngoài mười năm. Thế mà việc thăng quan tiến chức có chiều ì ạch. Nghe nói lão trước cũng chân thày đồ ngồi bảo học. Có chữ nghĩa nên lão giữ sổ sách phân minh, xem đếm công việc nhanh chóng.

Bây giờ lão đã được vào hàng quan, đầu quan đứng cuối thềm thì cũng là quan, lão cai trạm tòng cửu phẩm càng lập nghiêm và hách tợn.

Chốc chốc, lão xách cái bùi nhùi nhựa thông, khói hắc hốc nghi ngút, ra chõ vào khe liếp, quát:

- Thanh Trì về rồi à? Phủ Thường đã có thằng nào chưa?

- Chưa.

- Chúng mày phải bệnh xa đì cả rồi hay sao? Chạy chậm lòi tù và ra thế này thì ông cho rơi đầu đến nơi.

Lão càng sốt ruột. Mấy hôm nay, tin cấp báo tới tấp qua trạm như bươm bướm.

Ngựa trạm Sở Kiện đem tin tức về tổng trấn một ngày bụi mù bất kể mấy chuyến. Tin các nơi giết cố đạo dồn dập bừng bừng cả tám đường dây trạm. Từ phủ Thường lên, chợ búa, quán xá, đò giang vắng ngắt. Ai cũng sợ. Giết đạo thế, ngộ các quan trong Kinh bênh thằng Tây mà ra làm cỏ thì chết mất ngáp cả.

Chốc, lão cai trạm lại ra hỏi. Cũng chốc chốc lại có người từ đường cái chạy bổ vào, mặt nhoáng hơi rượu và mồ hôi, cánh tay đen như muội đèn, cứ xồng xộc thò lên vắt cái bao văn thư vào cọc. Không cần thốt lời nào, vì đã thuộc mặt, lão cai trạm cúi xuống mở sổ, ghi giờ về. Không việc gì thì được ra tắm, thổi cơm. Có chậm trễ thì bị gọi giật lại. Và tiếng roi vút rít lên trong bóng tối.

Đã đến giờ điểm danh. Lão cai trạm Đuôi Cá xách hẳn cái quang đèn đặt lên án thư. Trước tiên, làm oai như lệ thường, lão quật cái hèo hoa xuống mặt phản. Cả mấy chục con người phu đương ngủ cũng bật dậy. Đời phu trạm, khi rượu bí tỉ nhất cũng vẫn nhớ kỹ hơn nhớ giỗ bố, là đúng nửa đêm thì để tai nghe tiếng đập roi mà ngồi lên cho nhà trạm điểm.

Lão cai trạm đứng giữa nhà, say với tiếng roi đập, cứ lảm nhảm nói như người lên đồng, tay khêu cái đọi đèn, tay chọc ngọn hèo hoa vào trán từng người. Mõ đồn Trung Đô trong phường đã dạo vào trống canh đầu.

- Thằng nào chạy trạm Thanh Trì, Cầu Tiên? Phú Xuyên, trạm Giẽ đâu? Thiếu trạm Giẽ! Chưa thấy trạm Giẽ! Cái thằng trạm Giẽ hôm nào cũng rùa! Có phải thiếu thằng trạm Giẽ không? Chúng mày câm hả? Thế thì ông đánh tất.

- Bẩm… phải… phải…

Lão quất nghiến một hèo vào giữa mặt người vừa lắp bắp mau miệng.

- Phải… cái thằng bố mày à… Phải thế nào?

- Ối, phải, nó chưa về… phải…

- Rõ thân lừa ưa nặng, con ạ. Đánh cho bận sau chừa dấp dính. Khóa sổ! Cho thằng chạy trạm Giẽ vào sổ phạt. Hừm!

Lão khoắng bút, nhưng lão cứ nói như lão sai người khác. Lúc ấy, một cái đầu xõa tóc, hớt hải nhô vào. Chiếc nón chóp lá đã rách tõe như đuôi chim, chỉ còn vừa kín chỏm, ngật đằng sau.

- Bẩm quan con đây.

Lão cai trạm thót người lại, con mắt lộn tròn. Vẫn chưa trông rõ ai.

- Thằng nào?

- Trạm Giẽ ạ.

Thế là lão cai trạm bình tĩnh lại, giơ tay xoe một bên ria mép rồi nhặt cái hèo.

- Mày nghe tiếng trống vào canh không?

- Có ạ.

- Số ăn mày! Ông khóa sổ rồi.

Lão trợn mắt:

- Cho mày một trận tỉnh rượu. Từ nay nhớ về cho đúng!

Người phu trạm Giẽ khoát tay lên, nói to:

- Bẩm quan ngửi mồm tôi mà xem. Lạy trời, tôi chưa được giọt rượu nào vào bụng từ sáng ngày. Các làng dọc đường chạy tiệt rồi. Người ta nói quân ông Lưu lại về, nói sợ đồng chiêm đương giết đạo, nói trong Kinh sắp ra dẹp, nói…

Cai trạm hét:

- Thôi!

Tiếng quát như cái hiệu ấn rập đầu người xuống. Người phu trạm khượt mặt, nhẫn nại một vẻ khủng khiếp, bước lên một bước rồi nằm mọp trước mặt cai trạm. Lão ta vứt cây hèo quấn da bò cho người phu trạm gần nhất.

- Cho mày đánh mười roi.

Tại các nơi khảo đả trong dinh quan tỉnh, khi đánh người thì có trói tay, buộc chân, buộc tóc, tròng cổ vào cọc rồi căng người ta ra chỗ phản tra nhất định, nhưng ở trạm, việc vội và nhiều, cách đánh phạt không được phép tắc như thế.

Lúc ấy, người phu nọ giơ hai tay bắt cây hèo, bước tới, hoa lên. Lập tức, bóng tối cứ kêu chan chát, chẳng biết ngọn roi phóng xuống lưng, xuống mông hay vào đầu người nằm dưới đất.

Bỗng cai tạm lại ném ra một tiếng:

- Thôi!

Rồi giằng roi, ẩy một cái, thét:

- Thằng đánh vờ kia nằm xuống!

Người cầm roi bỗng ngã đùng xuống như cây chuối đổ. Lão cai trạm quen tay vuốt xoắn một bên ria mép, phất cây hèo, bước một chân lên như làm điệu múa dùi trống giữa đám rước, rồi đột nhiên, ráng cật lực xuống một cái. Ngón roi nhấc lên đến đâu, người bị đòn cong oằn lưng theo lên đến đấy.

Xong một roi, lão quát:

- Cho dậy!

Và lại vứt cái roi, ra lệnh:

- Cứ thế, nện! Chệch roi nào ông lại nọc cổ mày, ông đánh ra kiểu cho mà xem.

Thế là người nọ chồm đến. Lần này hắn vụt húc chúi cả đầu theo ngọn roi. Người bị phạt nằm dưới đất, oằn oại mấy cái rồi im như chết. Đến lúc đánh xong, cái roi đã được cất đi cũng không thấy người nhúc nhích.

Mặc đó, lão cai trạm lên nhà, khêu thêm bấc trong đọi đèn, lấy sổ trên án xuống, ghi tội đã thi hành vào tờ mục trạm Giẽ. Dưới nhà, cả mấy chục con người vừa ngồi điểm danh lúc nãy lại lặng lẽ leo lên trên chiếc giường phên, nằm thò nửa bàn chân ra ngoài. Một chốc, đã ngáy như sấm. Bấy giờ gần canh hai.

Trong bóng tối mặt đất, một lát sau, người phu trạm Giẽ từ từ ngồi dậy, bò lên ngồi một mình giữa đường, cúi xuống, lần thắt lưng, như người bắt rận, bỗng lấy trong hầu bao ra một cái nậm quả bầu lọ nhỏ đựng rượu. Mở nút rồi lại đặt nậm xuống, thừ mặt nhìn không uống, rồi chép miệng. Không hiểu sao.

Người bên cạnh đương ngáy kho kho thế mà ngửi thấy mùi rượu tăm cầu Tiên thơm phức đã tỉnh ngủ, rướn hẳn cổ lên, nói:

- Tài nhỉ, nó đánh thế mà không vỡ.

Trên khuôn mặt người phu cầu Giẽ, mồ hôi đòn còn nhễ nhại, nhệch một nụ cười vàng khè.

- Tao ấp cái nậm dưới bụng thế này, có đánh vỡ bụng tao mới vỡ được be rượu.

Thần tình làm sao, hơi rượu ngon lan nhanh đến đâu thì chỗ ấy nghe im tiếng ngáy và có tiếng thở dài trở mình đến đấy, lại mấy người nữa ngóc dậy. Họ chụm đầu vào nhau.

- Sợ gì mà sợ!

Người phu trạm Giẽ nói thế rồi lại nhếch mép cười nhạt:

- Tao chỉ cần thêm ngụm nữa cho giã đòn. Còn thì chúng mày dốc nốt rồi ngủ đi, sắp tan canh rồi đấy.

Trống canh hai đã đổ trên gác đầu làng Hoàng Mai sau trạm. Trời đất nín thinh bao la, chỉ riêng chỗ trạm Đuôi Cá này cũng ủ trong bóng tối biết bao đau khổ, vui buồn của một ngày con người.

Nhà trên, lão cai trạm vẫn chưa yên. Lão nghĩ cái thân lão làm quan được cưỡi cổ vài chục phu trạm mà cũng cực nhọc. Suốt sáng chìm vào công việc tính chuyến phu đi phu về, trạm cái, trạm con đã đủ bối rối. Rồi đêm nào cũng có đứa bị phạt, về muộn, say bét, đêm nào cũng phải ra roi sái cánh tay.

Quá canh hai, lão cai trạm bước ra cửa nhà ngang, cầm cái khóa đuôi chuột to bằng bắp tay, khóa trái lại.

Lão cũng chỉ còn được một chút chợp mắt. Có lẽ chưa trọn trống canh. Sang canh tư, phu các đường đã lại lục đục trở dậy vo gạo, nắm cơm. Thế là lão phải ngồi lên, vừa đi ra vừa xỏ tay áo, quơ khăn, quấn vội vòng tóc, đến ngồi ngay ngắn trước án thư, trao từng tay phu trạm những phong công văn mới. Không còn được một trống canh bây giờ đâu.

Lúc nãy, lão hạch thằng phu nát rượu, kỳ tình lão cũng tay bợm, ngày vẫn ba bữa rượu cữ. Lão với tay nhấc cái be sành, tu một tợp nữa rồi túm nắm bấc ném thêm vào đĩa đèn. Cứ nguyên cả áo dài khăn đóng, tựa án thư, thiu thiu.

Trời nghiêng về sáng, đã rạng một chút. Những ngôi sao lung lay từ chập tối bây giờ lỏng chân, muốn rời chỗ rơi xuống gần hơn.

Xa xa, tiếng rầm rập như tiếng nghè giấy, mỗi lúc một dồn. Nghề cai trạm cũng có cái thính của nghề cai trạm, dù đương ngủ chập chờn, lão đã nhận ra đấy là tiếng vó ngựa. Quả thực, một chốc, ngay ngoài trạm, vang tiếng ngựa hí như chiêng gióng. Rồi đột ngột im. Chỉ còn cái đuôi ngựa cáu kỉnh cứ phần phật như ai giằng chiếc chão to trong bóng tối.

Lại thằng phu trạm nào về. Lão đoán con ngựa về chậm, lại toan nhắm mắt. Kệ cho nó phải ngủ đứng ngoài cổng cho đến sớm mai sẽ được ăn đòn mở hàng. Những đêm đầu thu, sương giá xuống ê ẩm bắp chân và bả vai người ngoài năm mươi tuổi. Đến nỗi cái hơi rượu tốt lão cai trạm vừa uống cũng không lại người mà chỉ còn thấy đặc chát cổ. Nhưng lão chợt hốt hoảng: Nhỡ nó mang cái “thượng tốc” mà để chậm thì cả lũ mất đầu. Thế là lão cai trạm lật đật thả chân xuống đất.

Trời đông nam hẩng nhẹ, như ai vừa cất công quét cho quang đãng, bình lặng lạ thường. Cảnh tang tảng sáng, khi dứt trống canh, chỉ thoáng thấy trong khoảnh khắc, giữa lúc đêm khuya ngày rạng sắp lìa nhau.

Cái bầu khóa đuôi chuột rơi xoảng xuống đất. Nhưng cẩn thận, chưa rút roi, lão cai trạm đứng trong nhà hỏi với ra:

- Ai?

- Bẩm quan, Chư tôi đây.

Chiếc dõi gỗ nghiến bị quăng đột ngột, thịch vào xó tường đá. Chư đẩy cánh cổng, thò đầu rồi lách người vào tấm cửa lim hé một cánh. Cái nón băng đâu mất, tóc xõa rũ xuống. Người Chư sũng hơi sương và mồ hôi. Bao văn thư khoác trên lưng hạ xuống, ướt một nửa lần vải mé bụng.

Cả đêm Chư đã phóng luôn hai trạm. Phải chạy như hỏa tốc đường dài, phu ít thay tay, thường lướt các trạm lẻ. “Tối khẩn” thì vó ngựa nối liền ngày đêm, bụi cuồn cuộn trên lưng. “Phi đệ” 2 còn nhanh hơn. Ống công văn “phi đệ” truyền vai hai người phu ngay ngoài cửa, cai trạm đem sổ chuyển ra ghi giữa đường.

Chư giơ tay vật mạnh bao thư lên cọc, kéo vạt áo chùi trán rồi lùi ra. Lão cai trạm cầm tờ giấy lệnh ghi giờ qua trạm kề đến tận quang đèn, rồi quay đầu, gọi giật:

- Chư!

- Bẩm quan, tôi chạy…

- Mày lại chạy vào cầu Tiên đánh chén chứ gì!

- Bẩm quan, tôi chạy hỏa tốc khứ hồi kiệt hết hơi.

- Mày đã rõ tội về chậm.

- Bẩm quan biết công cho…

- Thôi!

Rồi không đổi nét mặt, lão cai trạm lại xoắn một bên râu mép lên như lúc nãy, với tay rút cái hèo gài vách. Lần này lão đánh lấy. Nhưng lão chưa kịp hạ roi thì Chư đã run người lên, vùng đứng dậy, hai mắt trố thất tinh, nảy đom đóm.

Chư nói lớn:

- À, mày mà đụng vào người ông, ông đá một cái vào dái thì mày chết tươi ngay. Thằng này ngậm bút lông mèo mà bạc ác bất nhân quá. Ông bở hơi tai chạy về, đáng nhẽ mày phải trình quan trên có thưởng, lại mà xử với ông thế à? Ông thách mày.

Những tiếng “ông thách mày” như những nhát dao bổ xuống. Đám phu đã trở dậy, đương sửa soạn thổi cơm trong bếp, lên đứng lộn xộn ngoài cửa.

- Ai đấu khẩu với cai trạm thế?

- Thằng Chư!

- Giỏi!

- Tao vào giúp nó một tay.

- Thôi ông ơi!

- Ức nhau thế không được.

Không ai vào nhưng có người giữa đám đột nhiên réo lên:

- Vặt râu thằng cửu phẩm đi, tội vạ đâu ông chịu!

Giữa lúc ấy, lại nghe tiếng vó ngựa dồn đằng xa. Lão cai trạm vừa phất ngọn roi lên cũng dừng lại, vểnh tai. Tiếng ngựa nhịp băm kiệu nhỏ, không phải lối ngựa chạy trạm. Nhưng, đã biết chẳng ngựa trạm thì ngựa quan, bởi vì lệ Kẻ Chợ, chỉ việc công mới được cưỡi ngựa vào nội thành. Lúc ấy, đã tảng sáng. Đàn vạc ăn đêm về muộn, từ mặt nước hơi sương hồ Linh Đường cất mình lên, loạng quạng bay như những lượm lúa đã đập sạch, ai ném tơi tả qua nền trời thấp đương loãng ra.

Tiếng chân ngựa rậm rịch tới. Một đầu nón chóp ghé vào cửa trạm. Đấy là lính vụt roi dẹp đường cho ngựa quan trảy. Tiếng người lính dẹp đường đứng ngoài quát:

- Đứa nào bỏ ngựa ngoài đường kia? Muốn chết à?

Một người phu vội chạy ra kéo thừng cương ngựa của Chư, ấn bờm con ngựa đã rã rượi mệt, bước lảo đảo vào tàu rồi tra dõi lại, người phu lôi lùm cỏ đã gác sẵn xuống cái máng trước mõm nó.

Tiếng ngựa hai người lính dẹp đường đã phóng qua. Đường lại im như tờ rồi tiếp theo tiếng chân người đi đất rậm rịch rền lại. Một chiếc cáng cánh sáo riềm tua hoa hiên lừng lững nhô đầu vào khoảng sáng xám đương nhạt dần. Sau cáng, một lính cầm loa. Chiếc cáng bốn đòn của quan tổng trấn đương qua cửa nhà trạm Đuôi Cá.

Chư chạy bật ra giữa đường, nằm phục xuống.

Lão cai trạm đứng ngây trong nhà nhìn ra. Lão đương tức, lão đương sợ, lão không dám nhúc nhích. Lão muốn nhảy xô tới dựng thằng Chư, ấn đầu nó vào gông. Nhưng lão không động được chân. Lão khiếp quá. Thằng Chư dám ra chặn đường kêu quan tổng trấn. Quả thế thì lão chết đến nơi. Lão cai trạm lẩy bẩy níu tay lên cánh cửa mới đứng được. Cái hèo trên tay lão rơi cụp xuống đất.

Bọn lính vút roi dẹp đường thấy động đã quay lại. Rồi cơ lính hộ vệ đằng sau vừa tiến đến, nón dứa, áo nậu, dàn hai bên, cầm ngang đại đao. Những phu trạm tụ tập trước cửa cũng sửng sốt nhìn ra.

Tiếng loa chõ lại:

- Đứa nào nằm kia?

Chư nói to:

- Bẩm quan lớn, con xin kêu oan.

Loa truyền:

- Cụ lớn cho mày kêu.

Chư vẫn úp mặt xuống đất, nói như quát:

- Bẩm đèn trời soi xét, con chạy “phi đệ” về kiệt sức rũ xương ra sắp chết mà nó đánh con…

Chư mới nói đến đấy, đã nghe loa đóng:

- Cụ lớn cho thằng kêu oan đứng dậy.

Chư đứng phắt, hiên ngang, thắng thế.

Tiếng quát truyền từ trong cáng ra:

- Thằng quỷ rẫy! Mày hét khỏe như con trâu điên thế mà bảo sắp chết! Triều đình đã đặt các bậc quan coi pháp luật trên dưới, ai oan khuất đã có thứ tự kêu kiện. Sao mày dám hỗn láo cản đường quan? Cai trạm đâu?

Lão cai trạm dạ ran, nhảy từ trong nhà ra.

- Cho mày vật cổ thằng này đánh năm chục roi. Rồi giải nó vào tòa quan lãnh, đuổi đi mạn ngược.

Đường không có một bóng lúc ấy, nhưng hai người lính cưỡi ngựa cầm roi lại như lệ khoan thai tiến ra múa dẹp đường. Những quan và lính hộ vệ đeo đại đao lên vai, lùi xuống hai bên. Chiếc cáng điều bốn vai đòn từ từ qua trạm. Người lính ôm điếu ống, cúi, rón rén mở rèm cáng để cụ lớn tổng trấn nhìn ra. Lão cai trạm sướng run rẩy còn lạy phủ phục dưới đất. Nhưng người phu trạm uất ức, ngơ ngác liếc nhanh vào cáng. Tối đất, chỉ thấy hình tấm áo vóc hồng, thanh gươm và cái nón chóp bạc, cánh sáo rèm cáng đã lại buông.

Chiếc cáng vừa qua thì lão cai trạm xốc dậy hô phu ra vật Chư xuống. Không cọc trói, cứ ngay giữa đường cái, một chặn cổ, hai giữ chân, hai giữ tay, người bị đòn phải nằm sấp ra, thế là ngọn roi quất rào rào trong tiếng hô đếm dõng dạc từng chặp mười roi một. Lão cai cốt đánh cho ở đằng xa, cụ lớn còn nghe được tiếng lệnh của quan tổng trấn được thi hành tức thì.

Chư bị đánh đau. Nhưng vì tức quá, phát ốm thêm, khi bị khiêng vào tỉnh, Chư nằm liệt dưới nhà giam trong tòa ông lãnh.

Ngày kia, có một chiếc ngựa trạm từ trong thành chạy ra vùng Bưởi. Chòm xóm không ai biết câu chuyện dữ vừa xảy ra, lại tưởng thằng Chư ở trạm Đuôi Cá có việc quan về.

Nhưng khi tan đám bụi ngược gió, trông ra, thấy một người phu trạm lạ.

Người phu trạm về làng đưa giấy báo cho các chức việc biết sắp đến hạn quan về thu số lương tiền của xã hàng năm đóng lên huyện nuôi phu trạm. Lúc nghe xướng danh sổ phu làng, không nghe tên Chư có ở trạm Đuôi Cá. Hỏi thì bảo xóa sổ rồi.

Người phu trạm về đưa giấy cho làng xong ra “lều tàu” ngoài lũy tìm Hạ. Tiếng người phu trạm nói giọng cao như tiếng dưới phường Nghĩa Đô. Đúng, người ấy bảo Hạ:

- Tôi người Nghĩa Đô đây. Thằng Chư nhắn tôi về bảo cô rằng đã có lòng với nhau thì đợi đấy. Vài ba tháng, vài ba năm. Nó không chết đâu. Thế nào nó cũng về.

Rồi người ấy hạ cái bao thư trên lưng xuống, cởi nút, lấy ra một nòng súng khai hậu. Lại một cái súng!

- Chư bảo tôi đưa cho cô cái này. Cấm không được lộ cho ai biết mà chết đấy. Đem ngay đến nhà ông khóa Chữ. Bảo ông khóa rằng tháng sau lại có chuyến. Tôi không tiện đến, cô nhớ đi ngay.

Hạ lại trông thấy cái súng. Hạ sẽ đem cái súng này cho ông khóa Chữ trên phường Hồ. Hạ không biết việc dẹp loạn Tây của người đàn ông đi thiên hạ còn những gì nữa, nhưng Hạ cứ nghĩ khẩu súng ấy, công việc trong bóng tối ấy có liên quan to lớn đến cuộc đời của Hạ và Chư.

Tháng Hai, lại hội lệ đền Đồng Cổ.

Năm ấy, con đường bờ thành từ đầu trại Hàng Hoa góc Tây Bắc lên đến trại Kho Than, trại Cống Vị, hàng nghìn dân phu nội ngoại thành ngày đêm phải đi phá tường dỡ gạch. Quan tổng trấn Bắc Hà đương cho lệnh đốc dân triệt phá dinh thự, đền miếu to ở Hà Nội để lấy gạch đá tải vào kinh xây thành Phú Xuân.

Từ đời Gia Long dời đô vào Thừa Thiên, đến bây giờ đã sang triều Tự Đức mà nhà Nguyễn vẫn sợ cái thế thành Thăng Long, bởi vậy đời vua nào nối nhau cũng tiếp tục triệt phá Thăng Long, triệt mãi, triệt hết, bây giờ dỡ đến cả tường thành.

Đến năm ấy thì cái lũy trúc dày hàng trăm sải ngăn phường Hồ với phường Thụy cũng bị đốt rồi, chỉ còn cái tên cổng Rong. Chuồng voi gần chùa Bà Đanh nuôi năm ông voi lẫm liệt đã từng đi trận, ông Ất, ông Kiên, ông Cường, ông Vểnh, ông Cú, các quản tượng được lệnh điệu năm ông voi đi Thái Nguyên kéo gỗ vào Kinh rồi không thấy ông nào về nữa. Chuồng voi cũng bỏ hoang nốt.

Thế nhưng hội đền Đồng Cổ tháng Hai vẫn như niềm hy vọng lay lắt của con người mỗi năm lại đến.

Trong hàng trai kiệu mấy năm ấy không có Chư.

Trong đám gái làng được kén ra đưa cơm nén mời trai chạ năm nay cũng vắng cái Hạ.

Bởi vậy, không còn gì mà nói về đám rước kiệu hát cống mọi khi.

Năm ấy, mới ngoài Tết đã nghe cánh lái dó trên ẻn về chơi hội.

Đã mấy đời nhà lái Ẻn buôn bán với các phường làm giấy đất “ba làng Yên Thái, bốn làng Nghĩa Đô”. Giấy sắc làng Nghè tiến vua, giấy moi giấy bản phường Yên Thái, phường Hồ bán vào Hàng Gai, Hàng Phèn, Hàng Giấy trong Kẻ Chợ. Phường nào cũng chuộng giống dó Thao của cánh lái Ẻn. Cho nên, gái phường giấy lấy chồng lái dó trên ngược đã không lạ mà còn làm cho việc đi lại mua bán với phường buôn càng thuận lợi. Có người ao ước được thế là đằng khác.

Đầu tiên, cha mẹ khuyên bảo. Hạ khóc, nghĩ đến Chư. Nhưng bao giờ Chư về? Bao giờ Chư đem súng về cứu Hạ?

Không thấy Chư mà chỉ còn cái chết thôi. Hạ đã nhất quyết. Hạ ra hồ Tây nhìn thấy trời đất Giêng Hai trở lại đã lâu. Gió nam thổi tới, đượm hơi mát lá sen nõn - từng chiếc lá nẩy trên mặt nước, như những đồng tiền xanh ai thả rải rác. Câu chuyện tòa nhà vàng ngày xưa trong đầm nước chập chờn đến, quyến rũ, mong ước, bồn chồn.

Hạ đứng dậy, buông váy, lội xuống hồ. Ánh nước chao quanh chân càng đưa tòa nhà vàng sóng sánh đến gần. Hạ như người mê, lội ra.

Lúc ấy, mẹ Hạ đến. Thấy Hạ ngẩn ngơ đứng trong nước, mắt lơ láo nhìn lại, mẹ khóc to:

- Con ơi! Con đừng để cái lụy cho cha mẹ.

Hạ lội trở lại.

Hạ tỉnh. Công cha nghĩa mẹ, phận làm con không thể để cái khổ cực cho cha mẹ. Nhưng từ lúc ấy, Hạ chẳng nói một lời nào nữa. Mắt Hạ ráo không. Cả xóm thấy thế, tưởng cô bé đã nguôi cơn bỏ mồi bắt bóng, biết con đường ngay rồi. Người ta đưa Hạ xuống thuyền. Người trước, người sau ồn ào như ngày Tết khiêng lợn. Đấy là cảnh Hạ đi lấy chồng nhà giàu trên mạn ngược.

Chuyến thuyền ngược này dài hơn một đời người. Ngày chí tối, nhà thuyền quăng dây song lên bờ, hàng chục phu chài gò cổ kéo. Những người kéo thuyền đóng khố đơn, đen cháy như ếch đồng hạn hán, cứ gập đôi người lại, nối nhau, bấm chân đi. Những lời hô vui mà thảm thiết:

Ra khoang… em bước… qua cầu…

Bến vui em đến…

Trên mui bỗng lóng lánh một trời sao. Con thuyền đêm nao cũng đi qua một trời sao ấy. Dù cho con người có cạn nước mắt rồi cũng vẫn muốn sống hy vọng, như người chèo thuyền mong đến bến…

Nhưng Hạ chỉ mỗi lúc một sợ hơn. Hạ ngồi trong khoang, trông ra cái cửa sổ bé bằng bàn tay, nhìn thấy giữa sạp sàn hai cái đầu gối lão lái Ẻn vênh lên, kẹp vào cả một mâm rượu. Người kéo sào cái thở hồng hộc, lên xuống trên mui, đẩy tăm tắp. Ngước ra chỉ thấy mặt nước và trời cao lẫn nhau, không biết thăm thẳm đến đâu. Hạ ôm tay lên mặt. Bây giờ thì xa lắm rồi. Chư biết đâu mà đuổi theo cứu Hạ được. Bây giờ thì cha mẹ cũng khỏi lo nợ, lo tù tội được rồi.

Một đêm, Hạ ra khoang sau. Hạ ngồi một lúc thật lâu. Bốn bề lặng ngắt. Những ngôi sao long lanh nhỏ lã chã những giọt nước mắt xuống thế gian.

Thuyền sắp vào bến. Hạ đến nơi cuối cùng rồi. Hạ càng nghĩ không sống làm gì nữa.

Thế là Hạ nhắm mắt, ngã xuống tiếng sóng.

Bỗng khắp mặt nước rộn lên tiếng kêu: Cướp! Cướp! Cướp!

Thì ra Hạ gieo mình đúng cái thúng con của nhà thuyền vẫn buộc cho trôi sau khoang lái, thường đêm có người xuống nằm dưới thúng, canh bốn phía, phòng cướp.

Thế là Hạ không chết.

Nhưng lão lái Ẻn đâm sợ, gặp điềm người tự vẫn. Nghĩ ngợi thế nào khi đến bến, lái Ẻn bảo bác thợ cả phường bóc rằng:

- Năm nay tôi đem phường ta về xuôi xem hội, đi đến nơi về đến chốn, dó dướng bán hết, tôi thưởng cho ông cái may đi hội hái hoa, thế là năm mới sao thiên di, sao đào hoa, sao tiền sao bạc chiếu cả một lúc vào ông. Tôi thưởng cho ông cô nàng ba tài sắc nhất đất Bưởi đấy.

Người thợ cả không lường ra hết những lo tính thâm hiểm của ông chủ dó mà chỉ biết mừng được không cô vợ lẽ. Còn Hạ thì đã không chết, Hạ lại có ý nghĩ khác:

- Số mình không chết được. Trời xui khiến vậy, khéo rồi gặp may cũng nên.

Hạ tưởng tượng có khi Chư đem súng lên đây cứu Hạ. Từ đấy, Hạ có một quả quyết khác.

Thế là Hạ đi làm lẽ thứ ba bác thợ cả phường bóc vỏ dó, ngày ngày gắng gượng, nhưng trong lòng yên tĩnh lạ lùng.

Con người từ đấy sống theo mùa cây dó. Giống dó “đất trên” tháng Ba ươm hạt. Mùa xuân, nhổ cây con, chặt ngọn và rễ phụ, hồ bùn rồi cấy lên nương. Cây dó được một Giêng đã trổ cum cúm. Thấm thoắt, dó hai Giêng rồi ba Giêng được bóc.

Hàng trăm người phường bóc trải ra trên đồi. Người trước chặt chéo gốc, người sau nhấc cây chém sạch cành nhỏ, bốc thân cây về một chỗ. Người thứ ba cầm con dao sắc tước dó như ta cầm dao vạch cắt áo. Dó cái một cây một vỏ, dỡ ra gọn như cởi áo.

Tháng Chín, khắp rừng, hoa dó trắng ngà từng chùm lắc lư như đèn lồng treo, thơm ngào ngạt.

Năm đầu tập bóc dó, Hạ ốm tưởng chết. Nhựa dó ăn tay, ăn mặt, sưng tím cả cánh tay. Hơi dó bốc ngạt thở, nóng phổng thịt, mặt phù to như cái lệnh.

Rồi mùa dó qua. Cô thợ seo người Bưởi đã quen cực nhọc hơi nhựa cây dó. Có lẽ bởi vì Hạ không nghĩ đến cái chết. Hạ đã có ý định khác. Đêm nằm mê chỉ thấy Chư đem súng lên đưa Hạ về.

Cạn kỳ dó chính tuyết, vừa cuối thu. Lần sang vụ dó một Chạp đến tháng Giêng là “đầu giao”. Một Chạp hay “đầu giao”, áo dó mới lột, quệt sương hay mưa đều ố nước, mất công phơi nhiều nắng mới đóng bó được. Nhưng vừa xong cái vất vả rừng này lại phải lăn lội sang rừng khác, đã vào vụ dó chiêm. Dó chiêm tiếp dó đuôi tháng, quanh lại vừa trở lại chính tuyết.

Suốt năm, người đen thui nhựa dó. Hạ quen tất. Nghị lực con người là sắt đá tất cả. Hạ bóc dó đã đuổi kịp tay thợ giỏi.

Chẳng bao lâu, hoa dó thơm lại quấn về quanh mình. Nhưng ai ốm hơi dó, ngửi hoa dó ngọt lịm càng khiếp. Trong mùi thơm ma chài đã sẵn cái ma muốn rút xương tủy người đi. Hạ nghĩ thầm:

- Mùa dó chính tuyết tới rồi.

Lòng mong mỏi của Hạ còn to lớn hơn nỗi khiếp mùi nhựa dó, hoa dó. Hạ bồn chồn lắm. Hạ quyết định.

Hạ trốn xuống một bè dó bến Ẻn vừa kịp kỳ xuôi tháng Giêng.

Mõ canh đối đáp bè đầu bè cuối, như tiếng cú kêu lạc trong sóng sông. Đống dó xếp kín bè nứa lớn. Bè gác nổi đèn đỏ đòng đọc, kéo đoàn bè tiếp theo, lổm nhổm từng khúc, quãng trắng, quãng đen, như con rắn mai gầm quăng mình trên mặt nước.

Hạ chui vào đóng dó bè giữa.

Nhịn đói một phiên thì về đến bến Chèm.

°
°     °

Tiếng chó sủa eo óc từ ven thành ra, dồn dập, nối tiếp không dứt. Một đám cướp đương bật hồng? Một con ngựa trạm chạy “thượng tốc” qua làng? Đêm nay quân ông đề nào, ông lãnh nào vào hạ thành? Cướp súng? Không đêm nào ngớt những lo âu cho mọi người. Mỗi khi có được một lúc im lặng ngắt quãng thì cái ghê rợn lại càng tăng lên.

Trong gió, những cẳng sen khô cọ vào tàn lá, tiếng ngơ ngẩn, xào xạo, thơm gây lên tận cửa đền.

Hạ đứng nhìn sang cuối phường Hồ. Ba năm nay mới lại được bước chân trông ra hồ Tây bát ngát trước mặt. Hạ choáng váng, đứng tựa vào cột trụ. Tiếng chày giã dó bên kia đều đặn, tíu tít, vẫn thế. Lòng bỗng xốn xang như năm nào nghe tiếng hát vỡ nước rộn ràng của đám chèo phương Bắc. Bao nhiêu khát khao, đêm hát chờ đợi đã vào giáo đầu. Hạ lặng yên, hồi hộp nghe những tiếng chày giã dó.

Hạ thấy mình vẫn như xưa. Không nghĩ mình đã phải bao năm đày đọa. Niềm tin gặp nhau đã nung nấu tiêu tan mọi nỗi đau khổ. Hạ nghẹn ngào. Bây giờ Hạ nhìn trong làn sương ánh trăng đầu phường Hồ rõ cả dãy lều cối giã dó ẩn trong bóng trúc.

Cái lều cối che ba tàu lá cọ. Trên cối đá, chiếc chày gỗ nghiến buộc vào néo tre, vắt ngang đầu người giã dó. Hạ lại như nhìn thấy cái lều cối của Chư vẫn ở ngoài cùng. Chư đương trần lưng, nghiêng vai lấy đà, tay bắt chặt cái chày đã hõm nhẵn. Nhấc lên, buông xuống, tảng đá nặng dồn theo. Tum! Tum! Trên những sợi dó đương tơi, tiếng chày tan, trong óng, xa mãi.

Cái mồi rơm cầm trong tay đã bắt cháy khét lẹt. Hạ đứng thẳng, vung mồi lửa, vòng lửa rực lên, quay tròn, quay tròn. Đấy là hiệu lửa cho bờ bên kia.

Bỗng nhiên, trong những nhịp chày gióng giả bên mặt nước, có một tiếng bặt im. Tai Hạ nghe vẫn thuộc lắm.

Hạ chít lại khăn vuông, bối rối ngồi xuống bậc tam quan. Thế là Chư đã thấy ánh lửa. Chư đã nghe tiếng Hạ. Chư trông thấy Hạ. Hạ trở về với Chư rồi. Chư đương xuống thuyền sang đây. Hạ tựa đầu vào cột trụ nín thở.

Tiếng lạt sạt như có đàn vạc đuổi mồi rúc qua đám cẳng sen, rồi một chiếc thúng nhỏ ló ra chỗ nước phẳng, lướt vào bờ. Một bóng người nhảy thoắt lên sân miếu. Hạ còn chớp mắt chưa nhìn lại, người ấy đã đến trước mặt, hỏi to:

- Cô Hạ đã về à?

Không phải Chư. Người trai cao lớn, ánh trăng ướt nhễ nhại trên cánh lưng vạm vỡ, không biết đấy là mồ hôi hay những đám sương trong bụi sen khô vương thành giọt đọng lại. Hạ cũng vừa nhận ra anh chàng nói tiếng Nghĩa Đô này là người phu trạm năm trước về đưa tin Chư và đem cái súng bảo Hạ mang vào nhà ông khóa Chữ. Phải, người ấy, Hạ nhớ cái giọng nói như trễ tràng của các chạ vùng dưới.

- Chư đã dặn tôi khi nào cô về thì đưa lại cô vuông vải này cho cô mừng.

Cái vuông lĩnh làm khăn gói, Hạ cho Chư ngày đi phu trạm. Trông thấy cái khăn gói, Hạ trạnh nghĩ như đếm lại bấy lâu đời người chồng chất những gian nan. Hạ ứa nước mắt, Hạ hỏi:

- Thế anh Chư đi đâu?

Người ấy trỏ tay phía Kẻ Chợ:

- Chư vào thành lấy súng. Đi mấy ngày thôi.

Hạ cúi mặt, không hỏi gì nữa.

- Chúng tôi vẫn đi tìm súng, bây giờ được nhiều súng hơn trước. Bọn chúng nó ngậm bút lông mèo mà óc thối, lại đi rước Tây về giữ mả bố. Giờ mới vỡ nhẽ ở trong Kinh hay ở Kẻ Chợ thì chỗ nào vua quan cũng một duộc. Bây giờ chỉ có một sống hai chết, chỉ có tin mình thôi.

Người trẻ tuổi cười toang toang:

- Tôi cũng mới vào thành phiên chợ trước đấy. Thịt thằng Tây mặc váy 3 gác kho dễ quá. Đến tận nơi bóp cổ mà nó không biết.

Khác trước thật. Những chuyện súng đạn, giặc cướp, vua chúa, giết Tây, giết quan rất lạ mà như thường ngày, tưởng hồ nghe quen đã lâu.

Hạ lại biết Chư vẫn nguyên một tính bồng bột, mạnh mẽ như thế. Nhưng Chư không còn là người trai giã dó như xưa, Chư đã đi nhiều nơi, Chư đã biết ở đời còn nhiều ý nghĩa to lớn khác bên ngoài cái lều cối giã dó. Đến đâu cũng thấy nói rằng chỉ có đem bỏ rọ trôi sông cho sạch cái giống quan ta quan Tây thì thiên hạ mới bình yên được. Chư thấy như thế là phải. Chư đã về đem ông khóa Chữ phường Hồ chạy khỏi vòng truy nã của quan huyện Từ Liêm đương cho lính về bắt.

Chư đi mua vỏ cây cãnh 4 bên Đông Triều. Vỏ cãnh làm giấy ngòi pháo, những hiệu khách Hàng Buồm hay đặt hàng Tết cho các phường giấy. Chư và ông khóa Chữ là người phường giấy, biết giấy vỏ cãnh dai, dễ vê thuốc, để làm ngòi súng kíp.

Những người trai vùng Bưởi, bỏ vào đẫy, quẩy từng bó giấy vỏ cãnh. Không phải đem ra bày bán ở các cầu chợ đầu phường ngày phiên, nhưng gánh đến các lò đúc bên kia sông Cái, làm ngòi súng kíp.

- Cô Hạ ơi! Quân ta các nơi đã về vây khắp bên kia sông rồi. Đêm ở Chèm cũng nghe loa gọi “ba quan thượng hạ”. Quân Đốc Tít đã đi tuần đến đầu đền Ghềnh rồi. Ông khóa Chữ làng ta thì về đóng bến Bồ Đề, đứng đấy trông sang thấy cả cái chỏm mũi thằng Tây ở Đồn Thủy. Chốc lát thì đổi đời thôi.

Hạ nhìn xuống đầm sen. Bóng trăng tỏa ngợp vàng. Lại như thấy tòa nhà vàng trong tưởng tượng. Tòa nhà vàng, cái vui cái sướng sắp được gặp.

Hạ náo nức tưởng đến hôm gặp Chư, Chư đương về.

Đêm sau có chuyến vào thành lấy trộm súng Tây. Hạ theo vào tìm Chư.

Đã qua tháng Hai hội đền Đồng Cổ.

Năm nay hội lệ không có kiệu “bay”. Vì, không còn ai khiêng kiệu. Bọn quan viên tư văn không khiêng nổi kiệu “bay”, kiệu “bò” từ Cống Vị lên. Trai làng đóng khố khiêng kiệu đã sang sông theo quân khóa Chữ.

Các cụ nóc họ Lý ra thắp hương hội lệ Đồng Cổ, cũng không trạnh nỗi đền miếu vắng vẻ. Các cụ bảo: Trai thời loạn thế mới phải.

--------------------------------

1. Ý nói không phải người có chữ biết cầm bút lông mèo.

2. Thời nhà Nguyễn, lễ trạm quy ngày giờ và thứ hạng chạy các loại giấy tờ trên dưới từng loại: phi đệ, thượng khẩn, tối khẩn, thứ khẩn, thường hành…

3. Hai lần đánh chiếm Hà Nội (1872-1882) Pháp đều đưa lính thuộc địa Ả Rập - quấn vải đen vải trắng rộng, người thời ấy gọi là Tây mặc váy.

4. Một loại cây có vỏ như vỏ dó, mọc hoang trong các rừng ở Đông Bắc.

 

Cùng tác giả:

NHÀ NGHÈO - Truyện ngắn Tô Hoài

VỢ CHỒNG A PHỦ - Truyện ngắn Tô Hoài

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.