chan_dung-ke_si

VỢ CHỒNG A PHỦ - Truyện ngắn Tô Hoài

19-10-2023

Lượt xem 2512

Đánh giá 5 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Tô Hoài

VỢ CHỒNG A PHỦ - Truyện ngắn Tô Hoài

Cảnh trong phim Vợ Chồng A Phủ: nghệ sĩ Đức Hoàn (vai Mỵ) và nghệ sĩ Trần Phương (vai A Phủ)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được nhà văn Tô Hoài sáng tác 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc (1953), từng được tặng giải Nhất - Giải thưởng hội văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955. 

Đây cũng là một trong các truyện của nhà văn Tô Hoài nằm trong danh sách các tác phẩm của ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật Đợt 1 năm 1996. 

Song hành với tác phẩm văn học gốc còn có bộ phim điện ảnh cùng tên rất thành công của Xưởng phim truyện Việt Nam.

Năm 1959, nhà văn Tô Hoài hoàn tất kịch bản phim truyện Vợ chồng A Phủ từ truyện gốc của ông theo yêu cầu của đạo diễn Mai Lộc, một nghệ sĩ Miền Nam tập kết, và được Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền là nhà thơ Tố Hữu ký duyệt.

Năm 1961, Vợ chồng A Phủ hoàn thành và sau đó trở thành một trong những bộ phim kinh điển của Điện ảnh cách mạng Việt Nam thời bấy giờ, cùng với Con chim vành khuyênChị Tư HậuHai người lính.

Năm 1972, Vợ chồng A Phủ thắng giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai.

 

Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý (1) Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa.

Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Người ta nói: nhà Pá Tra làm thống lý, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán, giầu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn.

Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải con gái thống lý: cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lý.

Mỵ về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, không nhớ, cũng không ai nhớ. Những người nghèo ở Hồng Ngài thì vẫn còn kể lại câu chuyện Mỵ về làm người nhà quan thống lý.

Ngày xưa bố Mỵ lấy mẹ Mỵ không đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lý, bố của thống lý Pá Tra bây giờ. Mỗi năm đem nộp lãi cho chủ nợ một nương ngô. Đến tận khi hai vợ chồng về già mà cũng chưa xong nợ. Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ.

Cho tới năm ấy Mỵ đã lớn, Mỵ là con gái đầu lòng. Thống lý đến bảo bố Mỵ:

- Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xóa hết nợ cho.

Ông lão nghĩ năm nào cũng phải trả một nương ngô cho người ta, tiếc ngô, nhưng cũng lại thương con quá. Ông chưa biết nói thế nào thì Mỵ bảo bố rằng:

- Con đã biết cuốc nương làm ngô, con làm nương ngô trả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu.

Tết năm ấy, tết vui chơi, trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Những nhà có con gái, bố mẹ không thể ngủ được vì tiếng chó sủa. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách.

Trai đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mỵ.

Một đêm khuya Mỵ nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hẹn của người yêu. Mỵ hồi hộp lặng lẽ quờ tay lên, gặp hai ngón tay lách vào khe gỗ. Một ngón đeo nhẫn. Người yêu Mỵ đeo nhẫn ngón tay ấy. Mỵ nhấc tấm ván gỗ. Một bàn tay dắt Mỵ bước ra.

Mỵ vừa bước ra, lập tức có mấy người choàng đến, nhét áo vào miệng Mỵ rồi bịt mắt cõng Mỵ đi.

Sáng hôm sau, Mỵ mới biết mình đang ngồi trong nhà thống lý. Họ nhốt Mỵ vào buồng.

Ngoài vách kia, tiếng nhạc sinh tiền cúng ma rập rờn nhảy múa.

A Sử đến nhà bố Mỵ.

A Sử nói:

- Tôi đã đem con gái bố về cúng trình ma nhà tôi. Bây giờ tôi đến cho bố biết. Tiền bạc để cưới, bố tôi bảo đã đưa cả cho bố rồi (2).

Rồi A Sử về. Ông lão nhớ câu nói của thống lý dạo trước: cho con gái về nhà thống lý thì trừ được nợ. Thế là cha mẹ ăn bạc nhà giàu kiếp trước, bây giờ người ta bắt con trừ nợ. Không làm thế nào khác được rồi.

Có đến mấy tháng, đêm nào Mỵ cũng khóc.

Một hôm, Mỵ trốn về nhà, hai tròng mắt còn đỏ hoe. Trông thấy bố, Mỵ quỳ, úp mặt xuống đất, nức nở. Bố Mỵ cũng khóc, đoán biết lòng con gái:

- Mầy về chào lạy tao để mày đi chết đấy à? Mày chết nhưng nợ tao vẫn còn, quan lại bắt trả nợ. Mày chết rồi không lấy ai làm nương ngô, trả được nợ, tao thì ốm yếu quá rồi. Không được con ơi!

Mỵ chỉ bưng mặt khóc. Mỵ ném nắm lá ngón (một thứ lá độc) xuống đất. Nắm lá ngón Mỵ đã đi tìm hái trong rừng. Mỵ vẫn giấu trong áo. Thế là Mỵ không đành lòng chết. Mỵ chết thì bố Mỵ còn khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ.

Mỵ lại trở lại nhà thống lý.

Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mỵ chết. Nhưng Mỵ cũng không còn nghĩ đến Mỵ có thể ăn lá ngón tự tử. Ở lâu trong cái khổ, Mỵ cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.

Mỵ cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, lúc nào cũng nhớ lại những việc giống nhau, mỗi năm một mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời thế. Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày.

Mỗi ngày Mỵ càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở buồng Mỵ nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông ấy mà trông ra. Đến bao giờ chết thì thôi.

Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên các nhà kho.

Trẻ em đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đốt những lều quanh nương để sưởi lửa. Ở Hồng Ngài, người ta thành lệ, cứ ăn tết thì gặt hái vừa đoạn, không kể ngày tháng.Ăn tết thế cho kịp mưa xuân xuống, đi vỡ nương mới.

Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, rét càng dữ.

Nhưng trong các làng Mông Đỏ, những chiếc váy hoa đã được phơi ra mỏm đá, xòe như con bướm sặc sỡ. Hoa thuốc phiện nở trắng lại nở mầu đỏ hau, đỏ thậm, rồi nở mầu tím man mát. Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà.

Ngoài đầu núi, đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mỵ nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi.

"Mày có con trai con gái

Mày đi làm nương

Ta không có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu".

Tiếng chó sủa xa xa. Những đêm tình mùa xuân đã tới.

Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm sân chơi chung ngày tết. Trai gái, trẻ con ra sân ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi kèn và nhảy.

Cả nhà thống lý ăn xong bữa cơm tết cúng ma. Xung quanh chiêng đánh ầm ỹ, người ốp đồng vẫn nhảy lên xuống, run bần bật. Vừa hết bữa cơm tiếp ngay cuộc rượu bên bếp lửa.

Ngày tết, Mỵ cũng uống rượu. Mỵ lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Rồi say, Mỵ lịm mặt ngồi đấy nhìn người nhảy đồng, người hát. Nhưng lòng Mỵ đang sống về ngày trước, tai văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước Mỵ thổi sáo giỏi. Mùa xuân đến, Mỵ uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mỵ uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mỵ hết núi này sang núi khác.

Rượu tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả, Mỵ không biết. Mỵ vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mỵ mới đứng dậy. Nhưng Mỵ không bước ra đường. Mỵ từ từ vào buồng.

Chẳng năm nào A Sử cho Mỵ đi chơi Tết.

Bấy giờ Mỵ ngồi xuống giường, trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Từ nãy Mỵ thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mỵ trẻ. Mỵ vẫn còn trẻ. Mỵ muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mỵ, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau. Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mỵ sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra.

Mà tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường.

"Anh ném pao

Em không bắt

Em không yêu

Quả pao rơi rồi...".

A Sử vừa ở đâu về, lại sửa soạn đi chơi. A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trắng lên đầu. Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn đương rình bắt nhiều người con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mỵ nói.

Bây giờ Mỵ cũng không nói. Mỵ đến góc nhà, lấy ống mỡ, sắn một miếng, bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng.

Trong đầu Mỵ đang rập rờn tiếng sáo. Mỵ muốn đi chơi. Mỵ cũng sắp đi chơi. Mỵ quấn lại tóc. Mỵ với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách. A Sử sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. A Sử nhìn quanh thấy Mỵ rút thêm cái áo.

A Sử hỏi:

- Mày muốn đi chơi à?

Mỵ không nói. A Sử cũng không hỏi thêm. A Sử bước lại, nắm Mỵ, lấy thắt lưng trói hai tay Mỵ. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mỵ vào cột nhà. Tóc Mỵ xõa xuống. A Sử quấn luôn tóc lên cột, Mỵ không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong, A Sử thắt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi phẩy tay tắt đèn, đi ra khép cửa buồng lại.

Trong bóng tối, Mỵ đứng im, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mỵ vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mỵ đi theo những cuộc chơi. "Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào...". Mỵ vùng bước đi. Nhưng chân đau không cựa được. Mỵ không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mỵ thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.

Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này, lúc trai đang đến gõ vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mỵ nín khóc, Mỵ lại bồi hồi.

Cả đêm Mỵ phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại tràn trề tha thiết nhớ. Hơi rượu tỏa. Tiếng sáo,tiếng chó sủa xa xa. Mỵ lúc mê, lúc tỉnh. Cho tới khi trời tang tảng rồi không biết sáng từ bao giờ.

Mỵ bàng hoàng tỉnh. Buổi sáng âm âm trong cái nhà gỗ rộng. Vách bên cũng im ắng. Không nghe tiếng lửa réo trong lò nấu lợn. Không một tiếng động. Không biết bên buồng quanh đấy, các chị vợ anh, vợ chú của A Sử có còn ở nhà, không biết tất cả những người đàn bà khốn khổ sa vào nhà quan đã được đi chơi hay cũng đang phải trói như Mỵ. Mỵ không thể biết.

Đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài, một đời người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng. Mỵ chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến, vợ chết rồi. Mỵ sợ quá, Mỵ cựa quậy. Xem mình còn sống hay chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói xiết lại, đau đứt từng mảnh thịt.

Có tiếng xôn xao phía ngoài. Rồi một đám đông vào nhà. Thống lý Pá Tra xuống ngựa vứt cương cho "thị sống" (một chức việc đi hầu thống lý như người làm mõ thời trước) dắt ngựa vào tàu. Nghe như bọn họ khiêng theo con lợn, hoặc một người phải trói, vừa vứt huỵch xuống đất, cứ thở phò phò.

A Sử chệnh choạng vào buồng. áo rách toạc một mảnh vai. Cái khăn xéo trắng loang lổ máu, xụp xuống quanh trán. A Sử nằm lăn ra giường. Thống lý Pá Tra bước vào. Theo sau thống lý, một lũ "thống quán" (một chức việc như phó lý) "xéo phải" (như trưởng thôn) và bọn thị sống vẫn thường ra vào hầu hạ, ăn thịt uống rượu, hút thuốc phiện nhà thống lý.

Có người bấy giờ mới nhìn thấy Mỵ phải trói đứng trong cột. Nhưng cũng không ai để ý. Họ xúm lại quanh giường A Sử.

Pá Tra, tay vẫn cầm cái roi ngựa, lại từ từ đi ra. Mỵ nhắm mắt lại, không dám nhìn. Mỵ chỉ nghe hình như có tiếng ông thống lý gọi người ra ngoài.

Mỵ hé nhìn ra, thấy chị dâu bước tới. Người chị dâu ấy chưa già, nhưng cái lưng quanh năm phải đeo thồ nặng quá, đã còng rạp xuống. Người chị dâu đến cởi trói cho Mỵ. Sợi dây gai bắp chân vừa lỏng ra, Mỵ ngã sụp xuống.

Chị dâu khẽ nói vào tai Mỵ:

- Mỵ! đi hái thuốc cho chồng mày.

Mỵ quên cả đau đứng lên. Nhưng không nhích chân lên được. Mỵ phải ôm vai chị dâu. Hai người khổ sở dìu nhau bước ra. Vào rừng tìm lá thuốc, Mỵ nghe nói lại, mới biết chuyện A Sử đi chơi bị đánh vỡ đầu.

Nửa đêm qua, A Sử vào làng tìm đến đám tiếng sáo, tiếng khèn. Nhiều chàng trai làng ấy và các làng khác, chơi quay, thổi sáo suốt ngày, chập tối vừa tan xong chầu rượu trong nhà, bây giờ vẫn còn chưa chịu tan về.

Lúc A Sử và chúng bạn kéo đến, không còn ai chơi trong nhà. Nhưng người ra người vào còn dập dìu quanh ngõ.

A Sử đứng ngoài, tức lắm. Nó bàn với lũ khác, dọa đánh bọn trai lạ bám quanh nhà, khiến bọn A Sử bị vướng không thể vào được.

Bọn A Sử ném vào vách. Ông bố trong nhà ra chửi. Vẫn ném. Ông lão vào trong cửa, bắn ra hai phát súng. Thế là tan những đám hẹn.

Nhưng cũng chưa người trai nào vội về. Họ tản vào các nhà quen trong xóm. Đợi sáng mai lại lên sân đánh pao với con gái trong xóm.

Bọn A Sử cũng không chịu để cánh kia yên. Sáng sớm, khi họ vừa ra đầu ngõ, bọn A Sử đã kéo đến gây sự. A Sử đi trước, nạm vòng bạc rủ xuống tua chỉ xanh đỏ, chỉ riêng con cái nhà quan trong làng mới được đeo. A Sử hùng hổ bước ra. Bọn kia đứng dồn cả lại, xôn xao.

- Lũ phá đám ta hôm qua đây rồi.

- A Phủ đâu? A Phủ đánh chết nó đi!

Một người to lớn chạy vụt ra, vung tay ném con quay thẳng vào mặt A Sử. Con quay gỗ ngát lăng vào giữa mặt. Nó vừa kịp bưng tay lên, A Phủ đã xộc tới, nắm vòng cổ, kéo dập đầu xuống, xé vai áo, đánh tới tấp. Người làng nghe tiếng hò hét đổ ra. Bọn trai làng lạ tản hết lên rừng. Mấy người đuổi đón đầu A Phủ.

A Phủ bị bắt sống, trói gô chân tay lại. Vừa lúc thống lý Pá Tra tới. Chúng nó xọc ngang cái gậy, khiêng A Phủ mang về ném xuống giữa nhà thống lý.

Mỵ đi hái được lá thuốc về, thấy trong nhà càng đông hơn lúc nãy. Ngoài sân, dưới gốc đào lại buộc thêm mấy con ngựa lạ.

Mỵ đi cửa sau vào, lé mắt nhìn thấy một người to lớn quỳ trong góc nhà. Mỵ đoán đấy là A Phủ.

Bọn chức việc cả vùng Hồng Ngài đến nhà thống lý dự đám kiện.

Các lý dịch, quan làng thống quán, xéo phải, đội mũ quấn khăn, xách gậy, cưỡi ngựa kéo đến xử kiện và ăn cỗ.

Trong nhà thống lý đã bày ra năm bàn đèn. Khói thuốc phiện tuôn ra các lỗ cửa sổ tun hút xanh như khói bếp. Cả những người chức việc bên làng A Phủ cũng tới. Chỉ bọn trai làng ấy phải ngồi khoanh tay cạnh A Phủ, vì họ bị gọi sang hầu kiện. Bọn chức việc nằm dài cả bên khay đèn.

Suốt từ trưa cho tới hết đêm, mấy chục người hút. Trên nhất là thống lý Pá Tra. Thống lý hút xong một đợt năm điếu, đến người khác, lại người khác, cứ thế lần lượt xuống tới bọn đi gọi người về dự kiện.

Chỉ có đàn bà ngồi trong buồng và đi bên ngoài dòm ngó đám xử kiện và A Phủ quỳ chịu tội ở xó nhà, không được dự tiệc hút ấy.

Một loạt người vừa hút xong, Pá Tra ngồi dậy, vuốt ngược cái đầu trọc dài, kéo đuôi tóc ra đằng trước, cất giọng lè nhè gọi:

- Thằng A Phủ ra đây.

A Phủ ra quỳ giữa nhà. Lập tức, bọn trai làng xô đến, trước nhất, chắp tay lạy lia lịa lên thống lý rồi quay lại đánh A Phủ.

A Phủ quỳ chịu đòn, chỉ im như cái tượng đá...

Cứ mỗi đợt bọn chức việc hút thuốc phiện xong, A Phủ lại phải ra quỳ giữa nhà, lại bị người xô đến đánh. Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt giập chảy máu. Người đánh, người quỳ lạy, kể lể, chửi bới. Xong một lượt đánh, kể, chửi, lại hút. Khói thuốc phiện ngào ngạt tuôn qua các lỗ cửa sổ. Rồi Pá Tra lại ngóc cổ lên, vuốt tóc, gọi A Phủ... Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút.

Trong buồng bên cạnh, Mỵ cũng thức suốt đêm, im lặng ngồi xoa thuốc dấu cho A Sử. Lúc nào Mỵ mỏi quá, cựa mình, những chỗ lằn trói trong người lại đau ê ẩm. Mỵ lại gục đầu nằm thiếp. A Sử đạp chân vào mặt Mỵ. Mỵ choàng thức, lại nhặt nắm lá thuốc xoa đều đều trên lưng chồng.

Ngoài nhà vẫn rên lên từng cơn kéo thuốc phiện, như những con mọt nghiến gỗ kéo dài, giữa tiếng người khóc, tiếng người kể lào xào, và tiếng đấm đánh huỳnh huỵch.

Sáng hôm sau, đám kiện đã xong. Mấy người, chẳng biết từ bao giờ, ngủ ngáy ngay bên khay đèn. Bọn xéo phải đang bắc cái chảo đồng và xách ấm nước ra nấu thêm lạng thuốc để hút ban ngày cho các quan làng thật tình, các quan làng còn một tiệc ăn cỗ nữa.

Thống lý mở tráp, lấy ra một trăm đồng bạc hoa xòe bày lên mặt tráp, rồi nói:

- Thằng A Phủ kia, mày đánh người thì làng xử mày phải nộp vạ cho người phải mày đánh là hai mươi đồng, nộp cho thống quán năm đồng, mỗi xéo phải hai đồng, mỗi người đi gọi các quan làng về hầu kiện năm hào. Mày phải mất tiền mời các quan hút thuốc từ hôm qua tới nay. Lại mất con lợn hai mươi cân, chốc nữa mổ để các quan làng ăn vạ mày. A Phủ, mày đánh con quan làng, đáng lẽ làng xử mày tội chết, nhưng làng tha cho mày được sống mà nộp vạ. Cả tiền phạt, tiền thuốc, tiền lợn, mày phải chịu một trăm bạc trắng. Mày không có trăm bạc thì tao cho mày vay để mày ở nợ. Bao giờ có tiền trả thì tao cho mày về, chưa có tiền trả thì tao bắt mày làm con trâu cho nhà tao. Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi. A Phủ! Lại đây nhận tiền quan cho vay.

A Phủ lê hai cái đầu gối sưng bạnh lên như mặt hổ phù. A Phủ cúi sờ lên đồng bạc trên tráp, trong khi Pá Tra đốt hương, lầm rầm khấn gọi ma về nhận mặt người vay nợ. Pá Tra khấn xong, A Phủ cũng nhặt xong bạc, nhưng chỉ nhặt làm phép lên như thế rồi lại để ngay xuống mặt tráp. Rồi Pá Tra lại trút cả bạc vào trong tráp.

Con lợn vừa bắt về cho A Phủ thết làng ăn vạ đã kêu eng éc ngoài sân. Đếm tiền rồi, A Phủ không phải quỳ, phải đánh nữa.

A Phủ đứng lên cầm con dao, chân đau bước tập tễnh, cùng với trai làng ra chọc tiết làm thịt lợn hầu làng.

Trong nhà, thuốc phiện vẫn hút rào rào.

Thế là từ đấy A Phủ phải ở trừ nợ cho nhà quan thống lý. Đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò chăn ngựa, quanh năm một thân một mình rong ruổi ngoài gò rừng. A Phủ đương tuổi sức lực. Đi làm hay đi săn cái gì cũng phăng phăng. Không còn có lúc nào trở về làng bên. Nhưng A Phủ cũng chẳng muốn trở về làm gì bên ấy.

A Phủ cũng không phải người bên ấy. Bố mẹ đẻ A Phủ ở Hắng Bìa. Năm xưa, làng Hắng Bìa phải một trận bệnh đậu mùa, nhiều trẻ con, cả người lớn chết, có nơi chết cả nhà. Còn sót lại một mình A Phủ. Có người làng đói bắt A Phủ đem xuống bán đổi lấy thóc của người Thái dưới cánh đồng. A Phủ mới mười một tuổi, nhưng A Phủ gan bướng, không chịu ở cánh đồng thấp.

A Phủ trốn lên núi, lưu lạc đến Hồng Ngài. Đi làm cho nhà người, lần nữa mùa này sang mùa khác. Chẳng bao lâu A Phủ đã lớn, biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo.

A Phủ khỏe, chạy nhanh như ngựa. Con gái trong làng nhiều cô mê. Nhiều người nói: "Đứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà. Chẳng mấy lúc mà giàu". Người ta ao ước đùa thế thôi chứ phép rượu cũng chẳng to hơn phép làng, còn tục lệ cưới xin, mà A Phủ không có bố mẹ, không có ruộng, không có bạc, A Phủ không thể lấy nổi vợ.

Tuy nhiên, đang tuổi chơi, trong ngày Tết đến, A Phủ chẳng có quần áo mới như nhiều trai khác, A Phủ chỉ có độc một chiếc vòng bằng sợi dây đồng vía lằn trên cổ. A Phủ cứ cùng trai làng đem sáo, khèn, đem con quay và quả pao, quả yến đi tìm người yêu ở các làng trong vùng.

Vì thế mà sinh sự đánh nhau ở Hồng Ngài.

Một năm kia, phải khi đang đốt rừng. Hổ gấu từng đàn ra phá nương, bắt mất nhiều bò ngựa. Nhà thống lý lúc nào cũng đầy ngựa trong tàu trước cửa, đầy lưng bò đứng chen chân trong cột cửa, và dê, chó, lợn nằm quanh nhà. Ngày nào cũng lũ lượt hàng mấy chục con đi nương ăn. Bây giờ gặp khi rừng đói, mỗi lần bò ngựa đi nương, A Phủ phải ở lại trông.

A Phủ ở lều hàng tháng ngoài nương. Đêm đến, dồn bò ngựa về nằm chầu nhau ngủ quanh lều.

Mấy ngày A Phủ mê mải đi bẫy nhím, không đếm được ngựa. Hôm ấy vào rừng thấy vết chân hổ. A Phủ vội phóng ngựa chạy vờn quanh đàn, dồn chúng quần lại để đếm. A Phủ đếm lại mấy lần. Thiếu một con bò. A Phủ nhào vào rừng, lần theo lốt chân hổ, tìm được con bò đã bị hổ ăn thịt, chỉ còn lại một nửa mình nằm ngay dưới cây thông cụt.

A Phủ nhặt mấy miếng thịt rơi quanh đấy rồi vác nốt nửa con bò về. Nghĩ bụng: "Con hổ này to lắm. Hãy còn ngửi thấy mùi hôi quanh đây. Ta về lấy súng đi tìm, thế nào cũng bắn được".

Về đến nhà, A Phủ lẳng vai ném nửa con bò xuống gốc đào trước cửa. Pá Tra bước ra hỏi:

- Mất mấy con bò?

A Phủ trả lời tự nhiên:

- Tôi về lấy súng. Thế nào cũng bắn được. Con hổ này to lắm.

Pá Tra hất tay, nói:

- Quân ăn cướp mất bò tao. A Sử đâu! Đem súng đi lấy con hổ về.

Rồi Pá Tra quay lại, bảo A Phủ:

- Mày ra ngoài kia, lấy vào đây một cái cọc, một cuộn dây mây. Tao trói mày đứng chỗ kia. Bao giờ chúng nó bắn được con hổ về thì mày khỏi phải chết. Nếu không được con hổ thì tao cho mày đứng chết ở đấy.

A Phủ cãi:

- Tôi được con hổ ấy còn nhiều tiền hơn con bò.

Pá Tra cười:

- Lấy cọc dây mây vào đây!

Không nói nữa, như con trâu đã đóng lên tròng. A Phủ lẳng lặng ra vác chiếc cọc gỗ rồi lấy cuộn dây mây trên gác bếp xuống. Tự tay A Phủ đóng cọc xuống bên cột, Pá Tra đẩy A Phủ vào chân cột, hai tay bắt ôm quặt lên. Rồi dây mây cuốn từ chân lên vai, chỉ còn cổ và đầu lúc lắc được.

Đàn bà trong nhà, mỗi khi đi qua đều cúi mặt. Không một ai dám hỏi. Cũng không một ai dám nhìn ngang mắt.

Đến đêm, A Phủ cúi xuống, nhay đứt hai vòng mây, nhích dãn dây trói một bên tay. Nhưng trời cũng vừa sáng. Pá Tra quảng thêm một vòng tròng lọng vào cổ. Thế là A Phủ không cúi, không còn lắc được nữa.

A Sử và lính dõng của thống lý đi đuổi, mấy ngày không lùng bắt được con hổ. Thì cũng mấy ngày A Phủ phải trói đứng góc nhà. Đằng kia, bếp lò bung ngô cao ngang đầu người vẫn hừng hực đỏ rực. Mỗi hôm hai buổi, người ra người vào ăn uống tấp nập. A Phủ đứng nhắm mắt, cho tới khuya.

Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn. Nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mỵ cũng đến chết héo. Mỗi đêm, Mỵ dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần.

Thường khi đến gà gáy, Mỵ dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu, các chị em trong nhà mới bắt đầu ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn.

Mỗi đêm, nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa bùng lên, cùng lúc ấy Mỵ cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng. Mới biết nó còn sống. Mấy đêm nay như thế.

Nhưng Mỵ vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng chết đấy, cũng thế thôi. Mỵ vẫn trở dậy, vẫn sưởi. Mỵ chỉ biết, chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về thấy Mỵ ngồi đấy, A Sử ngứa tay đánh Mỵ ngã xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mỵ vẫn ra sưởi như đêm trước.

Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên. Mỵ trở dậy thổi lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên. Mỵ trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen. Thấy tình cảnh thế, Mỵ chợt nhớ đêm năm trước, A Sử trói Mỵ, Mỵ cũng phải trói đứng thế kia. Nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ... Mỵ phảng phất nghĩ như vậy.

Đám than đã vạc hẳn lửa. Mỵ không thổi cũng không đứng lên. Mỵ nhớ lại đời mình. Mỵ tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng trốn được rồi, lúc đó bố con thống lý sẽ đổ là Mỵ đã cởi trói cho nó, Mỵ liền phải trói thay vào đấy. Mỵ chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, nhưng làm sao Mỵ cũng không thấy sợ...

Trong nhà tối bưng, Mỵ rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt. Nhưng Mỵ tưởng như A Phủ biết có người bước lại... Mỵ rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ thở phè từng hơi, như rắn thở, không biết mê hay tỉnh.

Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mỵ cũng hốt hoảng. Mỵ chỉ thì thào được một tiếng "Đi đi..." rồi Mỵ nghẹn lại. A Phủ khuỵ xuống không bước nổi.

Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mỵ đứng lặng trong bóng tối.

Trời tối lắm. Mỵ vẫn băng đi. Mỵ đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy xuống tới lưng dốc.

Mỵ thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:

– A Phủ cho tôi đi.

A Phủ chưa kịp nói, Mỵ lại nói:

– Ở đây thì chết mất…

A Phủ chợt hiểu.

Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình.

A Phủ nói : “Đi với tôi”. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi.

Hai người đi liền hơn một tháng. Họ đi truyền trên những triền núi cao ngất, lốm đốm nhà, thấp thoáng ruộng, đất đỏ, suối trắng tinh, trông thấy ở trước mặt mà đi mấy ngày chưa tới. Đi từ Hồng Ngài xuống qua vùng ruộng ở Mường Quài của người Thái, đi từ Nậm Cắt sang Chống Chia, từ Chống Chia qua dốc Lùng Chùng Phủng lại trở về bờ sông Đà phía giữa châu Phù Yên sang châu Mai Sơn, là chỗ đầu mối giao thông của ngoài vùng tự do và các khu du kích của các dân tộc Thái, Dao, Mèo bên kia sông, rồi họ về ở trong những làng Mèo đỏ hẻo lánh vùng Phiềng Sa. Xa lắm rồi, thống lý Pá Tra không đuổi được nữa, - họ nghĩ thế.

Dòng dã hơn một tháng, ăn rau rừng, củ nâu, mộc nhĩ, đi vừa hết mùa mưa mới tới Phiềng Sa.

Hai người tới Phiềng Sa thì ở đấy không ai còn biết đấy là A Phủ, người ở nợ nhà thống lý, cũng không ai biết đấy là cô Mỵ, con dâu gạt nợ của nhà thống lý. Người ta ngỡ đây là hai vợ chồng trong một nhà đông anh em ở làng bên kia dốc Lùng Chùng Phủng, ruộng vỡ được ít mà miệng ăn thì nhiều, cho nên anh em, vợ chồng phải chia ra, đem nhau đi tìm ăn nơi khác. Hai người nhận là vợ chồng. Mà thật thì A Phủ và Mỵ đã thành vợ chồng từ những hôm vượt rừng vượt núi sang.

Từ những hôm ấy Mỵ mới thật thấy được có chồng, có vợ. Tuy vậy, có lúc chợt nghĩ tới ma nhà Pá Tra nó đã nhận cho Mỹ là vợ A Sử. Nhưng cũng chỉ sợ từng lúc. Thế rồi mấy ngày sau, chẳng những chẳng sợ ma làm chết, mà còn quên tất cả. Ở Phiềng Sa thì người ta đều gọi là vợ chồng A Phủ.

A Phủ làm nhà theo đảnh ra một ngọn đồi gianh. Những ngày quang trời trông thấy dòng sông và cánh đồng Bản Pe có ruộng xòe như cánh quạt.

Được ít lâu, một hôm A Phủ bỗng thấy dưới Bản Pe có một vệt đỏ như ở mối đùn. A Phủ không biết là cái gì, sang bên làng hỏi mọi người, rồi về nhà bảo vợ:

- Ở đồn Bản Pe, thằng Tây mới đục đất làm nhà ở, đất đỏ ta trông thấy đấy.

A Phủ vẫn cho là thằng Tây thì cũng như “người khách” bán muối, bán vải, kim chỉ ở cửa Vạn ngoài sông Đà (Nghe người ta nói chử A Phủ cũng chưa được đi cửa Vạn bao giờ), họ làm buôn làm bán, không bận gì tới ta. Rồi A Phủ cũng không đề ỷ hơn nữa.

Bản Pe và dòng sông kia, đôi khi trông thấy đấy, nhưng chẳng biết mấy ngày đường mới đi tới được cũng chẳng có ngày tháng thong thả nào mà đi tới, chẳng thì giờ nào mà nghĩ tới. Bao nhiêu việc đang làm, đang đợi. Từ khi sang, nhờ làng giúp, A Phủ mượn được cuốc, được dao làm. Người ta có trâu thì con trâu làm đỡ một nửa công, đẳng này không có, hai vợ chồng làm cả việc con trâu.

Năm sau, đến mùa, vợ chồng đã có bắp ăn đủ, lại trồng được một nương gai để may váy áo.

Mỵ ngồi trước cửa dệt vải, không rũ mặt xuống như những năm trước còn ở nhà thống lý, mà Mỵ ngẩng mặt theo chiếc thoi, tay Mỵ vỗ con cuốn quấn vào lưng, nhanh thoăn thoắt. Trong chuồng nhà nuôi được hai con lợn nhỡ.

Vợ chồng đang bàn tính phải làm nhà gỗ, vì ở đây đầu núi, nhà gianh không chịu được gió lốc tháng tám, có khi bay cả người, cả nhà, phải nhà gỗ mới chắc chân đứng được. Thế là họ bắt đầu công việc làm nhà gỗ, như mọi người chi thú khác ở trong làng. Mỗi buổi đi rừng chặt củi, A Phủ vác rìu chặt một cây gỗ, đem về, cái thì đẽo làm ván, cái làm cột, cái làm mái. Đã vác về một chục mảnh. Chỉ độ ba năm sau sẽ được một cái nhà tốt.

Vợ chồng A Phủ thường nghĩ đến cái nhà gỗ tốt ấy cho cả đời mình ở, đời con cháu ở, một cái nhà gỗ có tàu ngựa quanh mái hiên, đẳng trước đằng sau nhà có hai dãy đào. Trước cửa này ta sẽ nhặt hết đá sỏi dọn làm một khoảng vườn to, có ván gỗ rào quanh, đến mùa khô ráo thì trồng đủ rau cải xanh, đậu răng ngựa. Trên những tảng đá to quanh nhà, Mỵ đem vảy áo ra hong nắng. Gặt hái đã xong, lại sắp Tết. Mấy nhà mổ chung một con lợn to, ăn thịt, uống rượu, còn bao nhiêu mỡ thì để dành làm dầu thắp đèn quanh năm. Hai vợ chồng thường bàn tính những chuyện tốt đẹp tưởng tượng ra như thế.

Một hôm A Phủ đi nương. Giữa trưa, về thấy trong nhà có một lũ lính ngụy. Hai con lợn trong chuồng lính đã bắt ra từ lúc nào, trói nằm trước cửa. Nếu về chậm, chắc họ đã mang đi rồi.

Lạ quá, A Phủ xăm xăm chạy đến hỏi:

Mày muốn ăn lợn của tao à?

Mấy người lính ngụy chỉ khinh khỉnh nhìn A Phủ, không nói. A Phủ lại hỏi:

- Thống lý bảo mày sang ăn lợn của tao à ?

Những người lính ngụy Thái cũng không nói, mà họ hất hàm về phía mấy người quan Pháp vừa từ ngoài rừng bước vào, không biết họ tìm kiếm gì ngoài ấy. Cả đời A Phủ bấy giờ mới thấy thằng Tây lần này là một. A Phủ giật mình, rón chân chạy trở lại. Nhưng A Phủ đã quên ngay sợ và lại chăm chắm mắt vào hai con lợn của mình. Trong lúc sợ hãi, A Phủ cũng nghĩ luôn rằng bọn Tây có thể giống những “người khách” bán muối, vải, kim chỉ, xưa nay làm buôn làm bán ở ngoài cửa Vạn, bèn hỏi:

- Mày về đây muốn mua lợn của tao à?

Người lính ngụy gật và nói:

- Ừ, quan về mua lợn của mày. Mày phải khiêng lợn cho quan đi với chúng tao.

Họ bắt A Phủ khiêng lợn di. Vừa sợ người Tây và lính có súng, vừa sợ mất không lợn, A Phủ chẳng kịp ăn cơm, chẳng kịp hú gọi vợ về, đã phải cùng ba người lính Thái khiêng hai con lợn, xuống núi về đồn Bản Pe.

A Phủ đi chuyến ấy, rồi năm ngày, mười ngày, mười hai ngày, nửa tháng cũng không thấy về.

Mỵ ra đứng đầu nương trong xuống Bản Pe: cái đồn vẫn đỏ hoe như tổ mối. Trong một lúc thì mắt hoa lên, nước mắt lo lắng giàn giụa ra.

Một buổi, A Phủ hớt hải chạy về. Bộ quần áo đen vẫn rách tơi tả thế. Nhưng trên đầu, không biết làm sao, đã bị cắt cụt cái đuôi tóc, mất cả cái hoa roi mọi khi dài xuống đến vai.

Người trong làng ra hỏi thăm. A Phủ vừa kể vừa chửi:

- Con chó đẻ ra thằng Tây. Tôi khiêng lợn xuống, nó trói, bắt tôi nằm hai ngày một chỗ với con lợn. Nó bảo tôi nuôi cán bộ, nên bắt tôi về bỏ tù. Tôi bảo: tao không biết cán bộ đâu, tao không biết nuôi ai, từ khi tao về ở đây mới chỉ có mày đến, máy lấy lợn của tao, thế là mày bắt tao phải nuôi mày đấy. Chúng nó đánh tôi nhiều lắm. Cái tóc tôi dài thế này, cái tóc bố mẹ tôi đề cho, mà một lũ nó đè đầu tôi xuống, nó đem cắt hết đi. Rồi nó bắt tôi khiêng đá, bắt tôi khiêng nước... Con chó đẻ ra thằng Tây! Tôi khổ quá, phải trốn về, đành bỏ mất hai con lợn cho nó ăn rồi.

Từ đấy, những khi trời sạch mây mù, trông xuống Bản Pe thấy cái đồn Tây đỏ như tổ mối, thì A Phủ lại kể chuyện và mở vai áo ra, đếm những vết bị đánh đã vẫn thành vết sẹo. A Phủ vừa kể, vừa chửi. Bây giờ trông cái đồn không thấy dửng dưng như trước, hễ trông thấy lại thấp thỏm lo. Chạy đi đâu ở thì tiếc nương, tiếc công. Mà ở đây thì lo sớm tối mất của, mất người, không biết thế nào.

Một hôm, vợ chồng A Phủ đương cuốc nương. Nghe phía nhà ở vắng lại tiếng sáo thổi một bài hát.

Thấy ruộng không thấy nương

Thấy nhà không thấy người...

Có một người lạ vừa lên nhà A Phủ. Theo thói quen, thấy nhà vắng, khách thường thổi sáo gọi chủ về. Người lạ ấy mặc quần áo chẽn đen, đuôi tóc dài, nói giọng người Mèo trắng. Lát sau, vợ chồng A Phủ đã cùng ở nương về. A Phủ trông thấy khách lạ, đoán là một anh Mèo trắng, những người Mèo trắng ở dãy núi phía trong vẫn thường ra vùng ngoài này tìm đổi muối ăn.

Đầu câu chuyện với khách, theo thường lệ thân mật, A Phủ hỏi:

- Ăn cơm chưa? Ăn cơm nhà ta đi.

Rồi A Phủ và người lạ vào ngay bếp, lấy mấy nắm bột ngô xuống ăn với thịt chuột nấu rau cải của Mỵ vừa nhổ ở nương về. Họ ăn nhấm nháp và nói chuyện.

- Ở đâu về đây?

- Ở ngoài vào.

- Ngoài nào?

Ở ngoài vào khu du kích.

A Phủ đứng ngay lên, tay vẫn cầm cái thìa đầy nước canh vừa múc, chưa kịp húp, đồ lênh láng cả trên mặt đất. A Phủ gọi vợ, hốt hoảng. Rồi lại quay ngay vào hỏi người lạ:

- Có phải là cán bộ?

- Ừ, tôi là cán bộ Chính phủ. Tôi nghe nói anh mới bị Tây bắt, tôi về hỏi thăm anh.

A Phủ tái mặt. Mỵ đang ăn cơm một mình ngoài sân, chạy vào ngơ ngác đứng cửa.  A Phủ hấp tấp bảo vợ :

- Nó là cán bộ!

Rồi A Phủ đột nhiên hăng lên, nhảy lại trước mặt người lạ, kêu:

- Pá chính! (3)

Người lạ ấy vẫn điềm tĩnh cầm bát bột ngô. A Phủ trợn mắt:

- Tao thù mày!

Người lạ cười:

- Sao A Phủ lại thù cán bộ?

Một đời tao chưa trông thấy cán bộ mà thằng Tây cứ bảo rằng tao nuôi cán bộ, thằng Tây đánh tao, cắt tóc tao.

Người lạ nhìn thẳng vào mặt A Phủ, nói :

- Thẳng Tây muốn ăn lợn của A Phủ nên nó nói dối thế thôi. Chứ cán bộ cũng như A Phủ, cũng người chín châu mười mường trong đất nước Việt-nam, cùng nghĩ một bụng, cùng uống con suối chảy trong đất ra, vẫn thường ở với nhau, có gì khác đâu.

Rồi người lạ nắm tay A Phủ, đứng xích lại, đo cánh tay mình với A Phủ:

- Ta chân tay dài bằng nhau, nói tiếng nhau. Ta là anh em. Nó chỉ nói dối A Phủ để lấy lợn ăn không phải trả tiền A Phủ đấy.

Từ nãy nghe cán bộ nói, A Phủ đã thấy xuôi. Rồi dần dần nghĩ ra. Cán bộ nói tiếng như ta, tóc dài như tóc ta, cũng người họ ta, ăn như ta, cánh tay bằng cánh tay ta, đến nhà ta chơi biết thổi sáo gọi người về, không lấy lợn, không đánh ta, cán bộ không phải như thằng Tây, có gì mà phải thù? Thôi, thằng Tây nói dối rồi. Nghĩ thế, A Phủ liền quay ra thì thào với vợ. Đồng chí cán bộ ấy thoáng nghe hai vợ chồng A Phủ nói chuyện với nhau, đoán nét mặt và cử chỉ, biết tình hình đã đổi khác lúc nãy. Rồi thấy A Phủ lại nhồm nhoàm ăn cơm.

Mỵ thì đã bắt đầu ngẩng lên nhìn người lạ. Đợi A Phủ vừa nói với vợ xong, anh liền thân mật hỏi:

- Tây bắt A Phủ mấy hôm? Làm sao trốn về được?

Thế là A Phủ mở áo cho đồng chí cán bộ xem những nốt sẹo, rồi kể chuyện Tây đánh, Tây sai lính bắt cắt tóc, bắt tù, bắt gánh đá, khiêng nước... A Phủ nhớ vợ, nhớ nhà... A Phủ nhảy qua bờ rào, chạy... Kể xong, A Phủ hỏi:

- Nó đánh ta, nó bảo ta nuôi cán bộ. Trong cán bộ thì cũng như anh em ta thôi, sao nó sợ cán bộ thế? Đồng chí cán bộ bèn cười:

- Nó sợ cán bộ Chính phủ. Nó cũng sợ cả người nào nuôi cán bộ Chính phủ, cho nên nó phải đánh người ta.

Từ lúc ấy, đồng chí cán bộ đã trở nên thân thiết như người trong một nhà. Đã hiểu cán bộ là người anh em thì A Phủ nhìn bằng anh em ngay, A Phủ bảo: “Người Mèo chúng ta bao giờ cũng thù đứa nói dối, thù đứa ăn tham, bao giờ cũng thích người tốt làm anh em một bụng. Cán bộ có một bụng thể không?”

Ngay buổi chiều, A Phủ bảo cán bộ cùng ra phá cái chuồng lợn, lấy gỗ vào đẽo làm vách. Đồng chí cán bộ ấy đẽo vách nhanh và phẳng, thật rõ ràng một bụng như ta.

Vừa làm, đồng chí cán bộ vừa hỏi:

- Sao không để chuồng nuôi lợn khác?

- Rồi Tây lên ăn mất, thôi không nuôi nữa.

- Có cách nuôi được.

- Cách nào?

- Ở Pú Nhung trên Lai châu bây giờ nhà nào cũng có hai nhà. Người ta nuôi lợn ở nhà trong rừng, để ngô để bí ở nhà trong rừng, cái nhà trong rừng có đủ cả còn cái nhà ngoài làng thì không có gì. Thắng Tây lên tìm sẽ không có gì mà cướp được. Cả nương ngô, nương khoai, nương rau cải người ta cũng làm bí mật thật xa, Tây đi tìm không trông thấy thì không làm hại được. Các làng bên kia người ta cũng đang làm như thế đấy.

A phủ bảo vợ:

- Ta cũng bắt chước như người Pú Nhung. Nếu thế thì ta vẫn ở đây được, không sợ mất cướp.

Luôn hôm sau, A Phủ và đồng chí cán bộ ấy vác gỗ, đeo những quảy khoai, ngô, những thùng gỗ đựng nước vào rừng sâu làm lán, làm chuồng lợn, lại đắp cả cái lò bung ngô trong rừng. Ba hôm làm đã xong, A Phủ thích quá, ra đứng đầu nương trỏ xuống cánh đồng Bản Pe:

- Thằng Tây kia mà lên đến cái dốc này thì ta vào rừng. Này, chúng ta đi bảo cho cả vùng Phiềng Sa cùng biết cách làm nhà trốn trong rừng như ta nhé.

-  Người ta làm cả rồi. Chỉ còn có A Phủ làm sau cùng đấy thôi.

- Cán bộ bảo cách à?

- Ừ.

Hai người ngủ một đêm ở lán trong rừng.

Đêm ấy A Phủ hỏi chuyện vợ con nhà cửa, đồng chí cán bộ nói: “Quê nhà tôi dưới xuôi, ở đấy cũng có giặc Tây đến, nó cũng đi cướp thế này. Nhân dân cũng phải đem của đi cất giấu và đã lập đội du kích đánh nó để giữ người, giữ của. Vì tôi biết giấu của, tôi biết đánh du kích nên Chính phủ cho tôi đi các nơi, bảo mọi người cùng làm như thế. Quê nhà tôi cũng thế này. Anh em tôi cũng không còn ai nữa. Tây giết mất cả rồi . Nghe xong, A Phủ vùng ngồi dậy, nắm chặt hai tay anh cán bộ: “Ta giống nhau thế thì làm anh làm em với nhau được”.

Rồi A Phủ lại kể chuyện đời mình, đời Mỵ cho tới khi tại sao hai người trốn đến ở đây và lấy nhau. Đồng chí cán bộ ấy nghe, trong lòng xót xa lắm. Nửa đêm mà vẫn thao thức chưa ngủ được. Đồng chí cán bộ bảo A Phủ:

- Được rồi, tôi xin ăn thề làm anh làm em cho thật bền với A Phủ.

A Phủ sung sướng quá:

- Tên là cán bộ à?

- A Châu.

- Cán bộ A Châu !

-A Phủ!

- Bây giờ làm anh làm em rồi, nếu A Châu còn nhiều công tác Chính phủ phải đi đâu thì A Châu viết một cái giấy để lại, đến bao giờ lấy được nước độc lập thì tôi mang cái giấy ấy về xuôi, đến tận nhà mà nhận nhau.

Hôm sau, về đến nhà ngoài làng, A Phủ bắt một con gà trống mang lên giữa nhà để làm lễ ăn thề (ăn sùng) nhận nhau làm anh em, theo phong tục người Mèo.

A Châu treo trên vách một lá cờ đỏ sao vàng nhỏ mà từ sáng sớm A Châu đã đi sang mượn được của một tiểu tổ du kích bên Phiềng Sa. A Phủ thắp lên mấy nén hương. Mùi hương thơm ngan ngát tỏa bay khiến cho đồng chí cán bộ miền xuôi ấy nhớ lại khi xưa còn ở làng, mỗi lần trong nhà có cúng giỗ. Bây giờ mình đã thoát ly và trở nên một đảng viên cộng sản, Đảng đã phân công cho đi chiến đấu chống đế quốc phong kiến cùng với các dân tộc anh em trên rừng núi, mà lại tự tay làm cái việc phong kiến này, anh thấy vừa buồn cười, vừa ngượng. Tuy nghĩ như vậy nhưng anh vẫn lặng lẽ và nghiêm trang để nhích đầu lá cờ lên trên những nén hương, ngay đầu bếp.

A Phủ lâm râm đến giữa nhà, khấn vào bàn thờ cúng ma một lát rồi quay sang bên bếp, đứng trước nén hương và lá cờ, A Phủ cúi đầu thề:

- Tôi là Vừ A Phủ, tôi đã đem trình ma em tôi là Vừ A Châu, tôi thề suốt đời làm anh em với nó, ăn ở với nhau tốt mãi, bây giờ cũng thế, bao giờ được độc lập cũng thế, không bao giờ tôi hài lòng mà đi báo Tây hại nó, nếu tôi làm sai lời thì trời làm chết vợ chồng, chết hết giống nhà tôi.

A Châu giơ tay thề:

- Tôi là A Châu, tôi thề trước lá quốc kỳ, tôi suốt đời làm anh em với A Phủ, ai bắt nạt A Phủ thì cùng nhau đánh đứa thù, đánh thắng Tây, không bao giờ bỏ anh em, nếu tôi sai lời thì tôi phải chịu kỷ luật của Đảng.

Hai người đã thề xong, A phủ kê con dao lên cắt cổ gà. Được lưng bát tiết, A Phủ quỳ xuống, uống một nửa, A Châu quỷ, uống một nửa.

A Châu uống liền hai hơi hết bát tiết gà, không thấy tanh mà cũng không ghê lợm gì cả. Ý nghĩa tinh thần lớn lao của công việc đã khiến người cán bộ vượt qua những điều ngần ngại lúc nãy. Từ lúc nghe A Phủ thề, nét mặt nghiêm, tin tưởng, rồi chính mình bước ra thề suốt đời làm anh em với A Phủ, cũng như với dân tộc Mèo, không bao giờ phản nhau, thì người cán bộ không còn ngượng và sợ mình phong kiến nữa, mà trước bàn thờ lúc này anh chỉ thấy chói lọi một lòng trung trực tha thiết của hai người. Anh đã cảm động, thấm thía, điềm nhiên uống cạn bát tiết gà, không để ý gì khác.

Mỵ chạy từ trong bếp ra. Đàn bà không được ăn thề, nhưng Mỵ trông, Mỵ nghe hai người thề thì Mỵ không ngồi bếp được, Mỵ chạy ra quỳ xuống trước cờ và mấy nén hương thắp dở, Mỵ bưng mặt khóc. A Phủ cũng bật khóc. Mỗi người nghĩ lại ngày qua, cay đắng một cách.

A Châu nói với Mỹ:

- Bao giờ nhân dân ta lấy được độc lập thì vợ chồng A Phủ về quê tôi chơi. Bấy giờ tha hồ đi, đâu cũng được ở yên, làm ruộng, làm nương, làm buôn làm bán đâu cũng sung sướng như nhau.

Nghe A Châu nói, hại vợ chồng A Phủ ngược lên, nước mắt còn chan hòa, cùng nghĩ đến lúc sung sướng ấy. Có cái nhà gỗ trên núi tranh, có trâu, có ngựa quanh nhà, có trẻ con chạy chơi dưới những cây đào trước cửa, như họ đã ước từ ngày mới sang Phiềng Sa.

Từ đấy. A Châu thường khi đi, khi về nhà A Phủ. Mỗi lần công tác xa, lại dặn: “Ở đây nhé, rồi tôi trở về, ở đây nhé !...” Vợ chồng A Phủ vẫn ở đấy.

Một năm sau, vùng Phiềng Sa thực sự đã trở nên một khu du kích. Thằng Tây đồn Bản Pe lên cướp lợn, cướp bò, bẻ ngô, thì làng chạy hết, du kích ở lại phục bắn đuổi. Lâu lâu, không dám nhung nhăng lên và khinh thường người ở trên núi nữa.

Nhà nào cũng làm nương bí mật và cỏ lớn trong rừng. Hôm Ủy ban xã làm lễ ăn thề cho đội du kích thành lập, có bộ đội và ban huyện về tham dự, mít tinh xong nhân dân lại ở lại chơi đánh pao, đánh yến. Đội du kích đủ súng kíp, có cả ngựa. Những ngày nắng, du kích lên tập bắn trúng lá cây trên đỉnh núi. Đấy là tình hình khu du kích Phiềng Sa đương hăng hái tin tưởng, mong chờ.

Mùa xuân lại đến trên những đỉnh núi cao của các làng Mèo. Tết của khu du kích đương kháng chiến không có tiếng chiêng cúng ma rập rờn như mọi năm. Nhưng trong đồi cỏ tranh mênh mông, gió cứ giật từng cơn vàng rực và trong một phong cảnh khô héo cũng từa tựa mọi năm, mỗi khi gặt hái xong, năm nào cũng như năm nào, trời cao mà như gần, cỏ tranh đã bắt đầu úa, có những con đường đất đỏ ối, dài hun hút, vờn lên từng nét ghê rợn bên sườn núi trọc, có những buổi chiều buốt, lạnh teo, thì trong khi ấy cái Tết đầm ấm thong thả tới. Nhà nào cũng nghỉ đi làm nương. Củi gỗ thông trong bếp bốc mùi thơm. Tiếng sáo réo rắt suốt đêm ngoài đầu núi tranh. Nhà nhà giã bánh dày, giết lợn làm tết. Năm nay trai gái không chơi Tết trước sân đầu làng, sợ tiếng sáo và tiếng reo hò sẽ kinh động xuống cánh đồng, khiến Tây đồn nghe tiếng. Trai gái kéo nhau lên núi chơi. Đi chơi trên núi từng đoàn. Chỉ có trẻ con và người già ở lại nhà. Mấy năm qua không sắm được gì mới, nhưng cái Tết của khu du kích hoàn toàn vui bởi vì người nào cũng đã khéo dành dụm: các chị Mèo đỏ, váy thêu, áo khoác, khăn hoa chùm rực rỡ. Các chị Mèo trắng chít khăn xếp nếp phẳng lì, tóc mai cao xanh nhẵn. Con trai thì áo trên, bịt đầu khăn trắng, thắt lưng màu thiên thanh.

Nhà A Phủ cũng giã bánh dày. Tết này là Tết đầu tiên hai người có thịt, rượu mà ăn với nhau, từ khi lấy nhau. Hai vợ chồng cứ mừng rỡ, vui sướng như trẻ con thấy Tết.

Buổi sáng, có một bọn trai gái trong làng trèo đồi sang nhà A Phủ chơi và uống rượu. Một bát rượu chuyền tay nhau, mỗi người uống một hớp, rượu bát chuyền quanh bếp sưởi củi thông thơm, uống hết bát rượu ấy họ lại uống bát khác. Vừa uống vừa hát.

... Em không yêu anh

Quả pao anh ném đi

Quả pao rơi xuống đất,

Khi sương mù bắt đầu tan, đám trai gái mới kéo nhau lên núi.

Họ vừa ra khỏi đây. Tiếng hát, tiếng sáo, mùi rượu, tiếng cười còn đầm ấm đầy nhà. Mỵ và A Phủ chưa đi, hai người chếnh choáng say.

Mỵ ngồi bên bếp, má đỏ rừ, lặng lẽ cời than, nướng miếng bánh ăn. Đột nhiên Mỵ nhớ lại ngày con gái của mình. Những ngày đầu tiên trong đời người con gái ở nhà mình cũng uống rượu, cũng cời than sưởi ấm, cũng có nhiều trai gái cùng lứa tuổi đến chơi thổi sáo, hát, cười. Nhà Mỵ nghèo lắm, váy áo cũ của mẹ để lại cho thôi, thế mà sung sướng bao nhiêu. Nhưng những ngày con gái êm ấm ấy chỉ ngắn ngủi, nhanh như bóng nắng. Rồi đến khi về nhà Pá Tra, khổ quá, Mỵ không còn nhớ, không còn muốn nhớ. Nhưng sao đến tận bây giờ Mỵ cũng chưa thể quên dứt được cái lỗ cửa vuông mà bao năm Mỵ đã ngồi trong bóng tối ngước mắt ra, lúc nào cũng chỉ thấy mờ bóng sương. Mỵ đang nghĩ lại...

A Phủ đã buộc xong gói bánh, xách đến ngồi trước bếp bảo vợ:

- Ta đi chơi.

- Không đợi A Châu về cùng đi chơi à?

Nghĩ đến đi chơi, rồi Mỵ lại nói:

- Bao năm nay không đánh pao, không thổi sáo, quên hết rồi.

- Bây giờ không ai cười nhau đâu.

Biết thế, nhưng Mỵ vẫn hỏi:

- Anh không có vòng bạc, em không có váy thêu mới, rách hết mà cũng đi chơi được à? Bây giờ thành khu du kích, có ủy ban về ta, ta chơi.

A Phủ cười thật to:

Tết không còn đứa ăn mặc đẹp đi đánh nhau cướp vợ đâu. Đây khác Hồng Ngài rồi.

Nghe thế, Mỵ mủi lòng, nước mắt rỏ xuống. Mỵ khóc, nhưng trong lòng Mỵ thì phơi phới. Mỵ với tay rút cái sáo cài trên ngực áo A Phủ. Nước mắt giàn giụa, Mỵ nhấc ống sáo. Sáo thổi một bài hát tình, mười mấy năm nay không thôi, nhưng Mỵ vẫn nhớ tiếng cầu :

Em muốn yêu anh

Anh không yêu

Em bỏ anh không được

Em phải về, em lấy anh

Làm thế nào cho em lấy được anh.

A Phủ cũng xách cái khèn, đứng dậy.

... Trời hết rồi, em ạ

Tay em biết cầm kim khâu áo

Em không có lòng thì thôi

Em có lòng thì về

Ta ở với nhau một đêm

Ngoài cửa, bọn trai gái khác đi qua, lao xao gọi vào:

- Chơi một mình với nhau ở nhà a?

Chẳng biết vợ chồng A Phủ có nghe tiếng không, nhưng hai người vẫn mải mê thổi sáo, thổi khèn. Ngoài kia đám trai gái nọ không đợi, lại đi, tiếng sáo cũng véo von đi.

Lúc sau, A phủ chợt chống khèn, nhìn ra ngoài:

- Người ta đi hết rồi. Ta cũng đi thôi. Có thể lên núi thì đã gặp A Châu trên ấy.

Mỵ khoác tay nải bánh lên vai. Hai người bước ra, theo đường dốc đi lên,

Vẫn vui như lúc nãy, vợ đi trước, thổi sáo. Chồng, đằng sau hát theo. Tiếng hát ủ dài, mênh mông trong đồi tranh. Hôm ấy trời trong như một bóng sáng. Trông xuống thấy chảy qua chân núi một dòng suối trắng tinh. Tới đầu dốc, sắp vào một vệt rừng thưa, bỗng A Phủ che ngang tay lên trán, đăm đăm nhìn xuống, rồi chậm chậm nói, theo mắt nhìn:

- Con chó đẻ ra thằng Tây! Nó kéo lên cướp Tết của ta kìa, đông lắm.

A Phủ vứt cái khèn xuống tảng đá, chạy lao về nhảy dắt ra một con ngựa của đội du kích đưa cho Mỵ.

- Em lên báo tin cho du kích.

Mỵ vội vã phóng lên núi, trong khi A Phủ ra khe đá lấy khẩu súng kíp vẫn giấu ở đấy, rồi chạy tắt núi tranh sang Phiềng Sa,

Từ trên rừng, các đám trai gái đang chơi đã thành đội du kích tập hợp lại.

Đội du kích trở về đến làng, thì lính đồn đã ùa vào khắp nơi rồi. Không có chỗ phục, súng kíp không đến gần được, nhưng du kích cứ leo mỏm đá, đứng ngay trên đầu những nơi chúng xục xạo, mà bắn súng và lăn đá. Các chị chạy theo đưa bánh, tiếp đạn.

Ở đầu dốc vào rừng, một tổ phụ nữ tiếp tế đã phải giặc vây bắt được. Cả Mỵ cũng bị bắt.

Cuộc càn quét của giặc lên khu du kích Phiềng Sa kéo luôn ba ngày.

Ngày thứ nhất chủng khuân hết của cải các nhà, từ cái thùng gỗ, cái váy, cái cối đá, đem về một chỗ và bao nhiêu người già, trẻ con còn mắc trong làng chưa chạy được thì chúng cũng nhốt cả ở đấy.

Ngày thứ hai, lần lượt đi đốt nhà, cho ngựa phá các vườn rau cải, bẻ nốt những nương bắp muộn, rồi lùa trâu, bò, dê, ngựa ngoài đồi tranh về, cuối cùng, chúng lên xục đốt phá các lán trong rừng.

Du kích bắn lại, chúng chạy bật xuống.

Ngày thứ ba, bọn lính đã tỏa ra trên các dải núi, bắt đầu họp lại. Ngô thóc và mấy chục người già, trẻ con và các chị bị bắt, hàng trăm bò ngựa và cáng mười thằng chết, thằng bị thương, chúng đem cả xuống núi.

Suốt một ngày chưa xuống tới chân núi. Cứ qua mỗi mô đá, một khe hẻm hiểm trở lại gặp súng nổ, phải chững lại. Nhờ thế, có một số chị em bị bắt đã tan chạy. Mỵ cũng chạy được.

Mỵ về chỗ lán cũ. Nhưng lán cũ đã bị cháy hết. Mỵ theo liên lạc du kích vào cánh rừng khác. A Phủ cũng vừa về đấy lấy đạn. Thấy chồng, Mỵ bíu chặt vai, òa khóc, mặc mọi người xung quanh xúm đến.

Những người du kích đứng nghe Mỵ kể lại chuyện bị bắt. Mỵ vừa khóc vừa khiếp sợ kể lại:

–Vợ con A Chế chết ngay từ lúc xuống giữa dốc, chết thảm lắm. Chị ấy sắp đẻ, lại cõng con. Đến giữa dốc thì ngã xuống, đau bụng quá, những thằng lính đi sau cứ giẫm lên, chị phải nằm chết giữa đường. Còn có đứa con lên ba, một mình nó lạc lại sau. Thắng lính đến kéo tay, kéo cổ, kéo tóc nó, càng đi càng đánh, đến đầu dốc thì nó ngã không dậy được nữa. Trời ơi!

Mỵ ngồi xuống, hai mắt tròn xoe, mặt tái nhợt, không nói, không thở, không khóc Nhiều người khóc, người chửi. A Phủ bảo Mỵ :

- Em đi cả đêm, nhọc quá rồi, đừng kể chuyện khổ ấy nữa.

Rồi A Phủ xốc vợ lên, cõng về chỗ lán cũ, đặt Mỵ xuống một tấm ván còn sót lại. Mỵ nằm thiêm thiếp. Nhưng giấc ngủ mê man ấy cũng đã làm cho Mỵ lại sức. Tỉnh dậy, Mỵ thấy A Phủ đương nức mây buộc một miếng thịt bò tót rồi đốt lửa. Mỵ vẫn nằm yên quay ra nhìn chồng nướng thịt.

Lát sau, A Phủ đến ngồi cạnh vợ. Mỵ nhìn trước nhìn sau rồi nói khẽ:

- Này, sợ lắm, anh à. Lúc nãy chưa nói hết. Thống lý Pá Tra bây giờ ở dưới đồn Bản Pe đấy. Nó về đi lính, ở làng tập trung với thằng Tây rồi.

A Phủ thản nhiên nghe, không tỏ vẻ lạ lùng gì. Nghe xong, giận dữ nói:

- Quân ấy không phải giống Mèo ta nên nó phải đi ở với Tây. Không được sợ. Thằng thống lý Pá Tra thì càng phải thù nhiều hơn, nhớ chưa?

Mỵ nói:

-Em vẫn còn sợ lắm. Bố con nó mà bắt được ta lần này...

A Phủ quát:

- Mê à? Đây không phải Hồng Ngài, đây là khu du kích Phiềng Sa, A Phủ là tiểu đội trưởng du kích mà.

Rồi, không nghe vợ nói thêm, A Phủ cứ lầm bầm chửi thống lý Pá Tra, chửi chán lại nói: “Nghĩ xem ngày trước nó trói đánh ta, làm ta khổ hại, có khác gì việc thằng Tây làm ác bây giờ. Nó không phải giống người Mèo. Nó không được làm dòng giống ta”. A Phủ lại ngồi xuống nướng thịt, vừa làm, lại vừa chửi.

Thấy A Phủ quả quyết và chửi rủa bố con thống lý như thế, Mỵ cũng lấy cái bình tĩnh lại.

Chỉ một lát im lặng, rồi những lo sợ lại đến day dứt. Mấy hôm bị bắt đã quá sợ vừa qua không làm cho Mỵ yên tâm ngay được. Mỵ lo nhà cháy, ngô lúa hết, bây giờ lại phải cặm cụi cày cuốc lấy lương ăn, như ngày mới sang đây, vất vả, khổ cực, mà chắc đâu đã được ăn. Hay ta lại đi? Ý nghĩ “lại đi” cứ luẩn quẩn, gạt đi nó vẫn trở lại, và khi nhớ, lại ghê sợ nhớ xa cả đến những tình cảnh ngày trước ở nhà thống lý Pá Tra, ghê sợ cả cái chết giữa dốc của vợ A Chế hôm trước. Mỵ cùng thêm bị ray rứt, hoang mang, khó nghĩ.

A Phủ đã nướng xong miếng thịt bò tót, quẳng xuống mặt ván, reo to :

- Có lương khô đi cứu người già trẻ con rồi.

Mỵ định nói một ý nghĩ rồi lại thôi. Lưỡng lự mãi sau Mỵ mới nói Mỵ muốn đi ở nơi khác.

A Phủ sầm nét mặt:

- Thằng Tây bắt em một ngày mà nó đã làm cho cái gan của em bé đi rồi... Một đời ta mới có anh em, không bao giờ được bỏ nó. A Châu đã bảo ta giữ đường này cho bộ đội, thì ta giữ đường này cho bộ đội.

Nghe nói đến A Châu, Mỵ tỉnh. Mỵ vẫn thường nghĩ: đời mình có bố mẹ thì bố mẹ đã chết, còn thì chỉ toàn quân ác. Bây giờ mới thấy A châu, mới biết có người tốt. Giữa bao nhiêu hoảng hốt, nay bỗng chen thoáng lên những chuyện thủy chung ấy, thì Mỵ lại bồi hồi tin tưởng, mong chờ.

Mỵ không nói “đi” nữa. Mỵ trở dậy, cùng A Phủ ngồi nướng thịt bò. Chiều hôm, đã hướng xong thịt “lương khô” của du kích. A Phủ nói:

- Mai đi họp đội du kích bàn cách xuống đánh đồn Bản Pe cứu người già, trẻ con về.

Mỵ tủm tỉm cười:

- Bây giờ khỏi sợ rồi. Mai em đi.

Hôm sau, A Phủ và Mỵ đi họp đội du kích. Đi đường, A Phủ chợt nhớ, nói chuyện:

Ở Hồng Ngài cũng thành du kích như ta rồi. Chỉ có bố con thống lý Pá Tra muốn theo Tây, Tây phải lên đánh tháo cho nó về đồn Bản Pe đấy. Bây giờ ở đâu cũng thành du kích.

Lần này nghe nói đến bố con Pá Tra thì Mỵ không lo sợ nữa. Mà Mỵ nghĩ: “Không biết các chị ở nhà thống lý bây giờ ra sao? Có theo du kích vào rừng, có thoát được không?” Mỵ nói với A Phủ ý nghĩ hồi hộp ấy. A Phủ im lặng, A Phủ đương mải nhìn ra những làng xóm vừa bị đốt cháy.

Vùng Phiềng Sa trước kia, nhà cửa san sát, trâu bò ngựa dê đi vàng cả núi tranh, bây giờ chỉ thấy thấp thoáng người đứng bới cái bát, cái lưỡi cuốc còn sót trong đám tro đen. Từng đàn quạ lượn trên những vũng máu khô, trên những nơi mà bọn linh đã vứt lại những đầu bò, lòng lợn, hãy còn tanh xặc.

Rồi, nửa tháng đã qua vẫn thấy từng đàn quạ nối nhau lượn tìm mùi tanh trên các đầu núi.

Chú thích:

  1. Tổ chức cai trị của thực dân Pháp trước đặt chức thống lý cho bọn chức việc người Mông, cũng như chánh tổng, lý trưởng ở xuôi, phìa ở làng Thái.
  2. Người Mông có tục bắt vợ, nhưng chỉ khi đôi trai gái bằng lòng với nhau.
  3. Tiếng lóng biểu lộ sự tức giận, cũng có nghĩa như một tiếng chửi.

 

1953

TRUYỆN TÂY BẮC của TÔ HOÀI

NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC - Năm 1971.

 

PHIM ĐIỆN ẢNH VỢ CHỒNG A PHỦ

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.