chan_dung-ke_si

CHUYỆN CÔ CHIÊU NHÌ - Truyện ngắn Nguyễn Bá Học

23-10-2023

Lượt xem 982

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Bá Học

CHUYỆN CÔ CHIÊU NHÌ - Truyện ngắn Nguyễn Bá Học

Nhà văn Nguyễn Bá Học (1857-1921)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Bá Học được coi là một trong những nhà văn đầu tiên viết truyện ngắn bằng chữ Quốc Ngữ của văn học Việt Nam hiện đại. Chuyện cô Chiêu Nhì của của ông đăng trên Tạp chí Nam Phong năm 1921, nằm trong hoàn cảnh buổi đầu sơ khai của văn chương sáng tác bằng chữ Quốc Ngữ nói trên. Mặc dù câu chuyện ra đời đã hơn một thế kỷ, nhưng nội dung câu chuyện nói về cách dạy con, cách làm người vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay.

Cổ nhân có câu cảnh ngôn rằng: "Con nhà giàu hay xa xỉ, con nhà sang hay kiêu căng". Thật như vậy, nhà giàu ăn tất cao lương, mặc tất gấm vóc, ở tất lâu đài, đi tất xe ngựa, thị dục ngày càng nhiều, đụng độ (1) ngày càng rộng; như thế muốn cho con em có thói cần kiệm làm sao được. Thực chưa hề có dạy con xa xỉ, mà xa xỉ đã thành ra cái thói quen.

Nhà sang gọi có người dạ, bảo có người vâng, nói dở không ai dám chê, làm dở không ai dám bẻ, tai chỉ nghe những tiếng phỉnh nịnh, mắt chỉ trông những người xu phụ. Như thế mà muốn cho con em có thói khiêm nhường làm sao được. Thực không hề dạy con kiêu căng mà kiêu căng đã thành ra cái thiên tính.

Than ôi! Xa xỉ tất là bại gia, kiêu căng tất là bại đức; vậy giầu sang là cái hạnh phúc hiện thời, biết đâu không phải là cái di hoạ cho con cháu! Cổ thi có câu rằng:

Phú quý bất dâm bần tiện lạc,

Nam nhi đáo thử thị hào hùng (2).

Người không hào hùng mà phú quý, chẳng cũng nguy lắm ru! Cho nên giáo dục ở trong nhà nghèo hèn thời dễ, giáo dục ở trong nhà phú quý thời khó. Nếu cho câu nói này là không thật, xin đọc câu cảnh thế tiểu thuyết (3) như sau này:

  1. Mức tiêu dùng.
  2. Phú quý không ham, vui với nghèo hèn, làm trai nên thế là hào hùng.
  3. Tiểu thuyết răn đời.

Ký giả vốn là người Kinh đô, nhân đi thiết trướng (1) và lưu ngụ tỉnh xa, cứ mỗi ngày hưu hạ (2), lại về câu lưu ít ngày mà hưởng cái cố viên phong vị. Mới hơn mười năm nay, phong khí mở mang, việc đời thay đổi, y quan đệ trạch (3) đều không còn cái quang cảnh cựu thời khiến người lưu lãm mỗi nơi, đều có cái tích kim quan cảm (4).

Một hôm tôi với người bạn đi chơi các phố đã hơi mỏi, đưa nhau vào nghỉ trong một cái trà lâu. Vừa ngồi trông ra ngoài bao lan thấy người bạn tôi nói:

- Kìa cô Chiêu Nhì đã đến! Cô Chiêu Nhì đã đến!

Mới nghe hai tiếng "cô Chiêu", tôi tưởng là một vị nữ công tử nào, lạc lối Đào nguyên đâu mà đến đó, tôi cứ chú ý mà xem. Ai ngờ bước vào là một con ăn mày, chừng 30 tuổi, đầu bù tóc rối, mặt bủng da chì, quần không che đùi, yếm để hở ngực, tả tơi như hoa gặp gió đã tàn, u ám như trăng tuần mưa đã úa. Thế mà bước đi ưỡn ẹo, vẫn ra cái phong vận đại gia. Một tay cầm mẩu "xì gà" hút lấy hút để, một tay dắt đứa con chừng ba bốn tuổi, mặt mũi bẩn thỉu, mới trông không biện (5) là con nhà nào, đầu không có mũ, đít không có quần, mình đeo cái áo tướp như bươm bướm.

Người con gái đi đến từng khách ngồi mà hỏi xin: tiếng nói khẽ mà nhỏ như tiếng ve sầu, mới nghe không rõ là nói gì. Người ta cho một đồng kẽm, không chịu lấy, cứ năn nỉ, đổi cho đồng xu, mới nhặt lấy mà đi chỗ khác.

Tôi đang trông đang nghĩ, người bạn tôi vừa cười vừa nói:

- Bác có muốn nghe cái lịch sử cô Chiêu Nhì này không?

Tôi cũng cười mà nói:

- Có.

Nhân rót một chén nước chè đầy. Bạn tôi vừa dấp giọng vừa nói:

- Cô này, lúc còn nhỏ, tôi biết, là con gái một nhà phú quý, đây tôi không muốn nói tên, là để danh dự cho một người tai mặt. Cô là con thứ hai, cho nên gọi là "Nhì".

Cha anh đều phát đạt sớm, có danh vọng thế lực một thời, không may đều thất lộc đi sớm; chỉ còn một mẹ hiền lành quá, không có tư cách giáo dục. Hiếm hoi chỉ còn một cô là con gái, nâng niu như hòn ngọc trên tay, không nỡ để một chút gì cho trái ý con cả.

  1. Dạy học.
  2. Nghỉ hè.
  3. Mũ áo nhà cửa.
  4. Mối cảm xúc xưa nay.
  5. Phân biệt.

Bấy giờ cô Chiêu còn nhỏ, đã có tính hay hỗn hay hờn. Cả ngày chỉ hát hổng cười đùa, mắng đầy sai tớ, phàm trong nhà vá may nấu nướng không biết một việc gì. Năm 14, 15 tuổi đã biết vuốt ve làm dáng, hộp son bình phấn, ấy là cái đồ nữ tắc nữ công. Mẹ thấy con hoa ướp hương xông, cũng ra ý mừng thầm: con trẻ đã ra vẻ người lớn. Gặp những ngày thanh minh, trùng cửu tất cho con sửa xe sắm ngựa, để đi khoe cái tốt cái đẹp với người.

Từ bấy giờ cô Chiêu tính càng kiêu ngoa, nết càng phóng túng, nay chán thứ mặc cũ này, mai sắm thứ thời trang khác, hết sức chua ngoa, cùng cực xa xỉ. Không hội hè đình đám nào cô không đi xem; không ngõ liễu đường hoa nào mà cô không đi dạo. Những lũ thiếu niên hoàn khóa (1) ở hai bên đường, khêu cô bằng mắt, ghẹo cô bằng lời, cô càng ngắm nghía càng vui, lấy thế là người ta khen cô xinh cô đẹp. Cho đến phu xe con hát không ai là không biết cô, tranh nhau đón rước chào mời, cô càng ra mặt hào, càng lên vẻ quí; còn bao nhiêu lời vặt nghị (2) cùng danh tiếng ông cha, cô không đoái hoài chi đến cả.

Chẳng bao lâu, lời ve tiếng én nghe đã ỏi cả tai, người mẹ muốn làm thinh không được. Một tối chờ con đi chơi về, đuổi cả con ăn cái ở ra bên ngoài, sẽ gọi cô Chiêu đến mà nói: "Mẹ xem nay con đã lớn, chưa có chỗ xứng đôi, mà con cứ suồng sã rong chơi, không giữ giá con nhà, mẹ e không có người hay chuộng đến con nữa. Nay mẹ những lo đêm lo ngày vì con, nếu con không sửa đổi tính nết con đi thế nào, con để phiền cho mẹ mà cũng tự khổ cho con nữa".

Cô Chiêu nghe mấy lời từ huấn, như gió thoảng ngoài tai, cứ thản nhiên không cảm động, lại bảo mẹ rằng: "Gái có chồng như gông mang cổ; người ta ở đời ăn chơi cho thoả, con ơn cha nhờ mẹ được no cơm lành áo, ấy là có phúc có phận, chồng mà làm gì. Mẹ, đừng khóc nữa! Nào ai phiền não mẹ, chẳng qua là mẹ tự cầu lấy phiền não!". Nói rồi, nguây nguẩy đi về chỗ ngủ.

  1. Bãi học trở về.
  2. Chê bai dị nghị

Người mẹ nghe bấy nhiêu lời, biết con mình đoạ lạc đã sâu, không sao mà cứu vớt được nữa, càng hối từ khi còn nhỏ mình quá yêu con mình chính mình hại con mình đó. Cứ một mình ưu ưu uất uất, đau ngấm đau ngầm, không được bao lâu mà chết. Lúc sắp chết còn cầm lấy tay con ứa hai hàng nước mắt, muốn khuyên con hối cải, song nói đã không nên lời, mà cô Chiêu cứ dạ sắt gan vàng, không đau cũng không ngứa.

Khi người mẹ đã chết, cô càng không cố kỵ (1) gì nữa; bao nhiêu của tư trang đồ tế nhuyễn cầm bán huỷ hoắc cho hết.

Nước bạc đã thạo, lược rượu cũng cao, tinh thần ngày một hao tổn, ngọc thể ngày một võ vàng, lại mượn ả Phù dung, để làm đồ bổ trợ. Ngày đêm đi theo một chàng đãng tử, như điên như dại, như mộng như si. Ít lâu thấy mình đã có mang, trước còn cấm con ăn đứa ở không được hở han ra ngoài. Sau nhân sự nhỏ mọn trong nhà đánh chửi đứa đầy tớ, tức mình nó đem cái bí sử của cô mà tuyên bố ra ngoài, tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa, thực cô đã đứng đầu con gái tự do ở nhà Nam Việt.

Người trưởng tộc nghe biết, giận lắm, bắt cô uống thuốc sổ, rồi đuổi cô ra khỏi nhà, nỡ nào để danh giá một nhà trâm anh ô nhục vì một đứa con bất hiếu. Bấy giờ cô Chiêu như bông liễu đã dính đất bùn, hoa thơm đã rơi lỗ hỗn (2), bao nhiêu người khi trước được biết cô là vinh, đến bây giờ lại lấy quen cô là nhục; thấy bóng cô ai cũng lánh mặt, nghe tiếng cô ai cũng bĩu mồm. Thương ôi! Vừa mới ngày nào thân vàng vóc ngọc, mỹ miều thay! Một vị tuyệt diệu giai nhân, nay đã bẽ bàng thay lá rụng hoa rơi, thành ra một cái uế vật trong đường, không ai thèm ngó đến!

  1. Kiêng kỵ.
  2. Cái lỗ bẩn thỉu, hỗn trọc.

Đang lúc nghiêm đông, mưa phùn gió bấc, đường vắng người đi, trời đen như mực, cô Chiêu mình mặc cái áo bông rách, xo ro như con cò bị bão, đứng dưới đầu hè nhà người ta, ruột đói như cào, cơn nghiện vừa đến, đứng không vững dựa mình vào tường mơ màng trông thấy mẹ mặt giận hầm hầm như tức tối vì thấy con không nghe lời di chúc.

Than ôi! Nhỡ nhàng một giọt mưa sa, đường cùng thân gái biết là về đâu! Bất đắc dĩ, cô gõ cửa một cái nhà láng giềng cũ, xin ngủ nhờ một tối, sớm mai sẽ nhờ người tìm nơi cho mà đi ở vú. Nhà kia đánh lửa mà xem, biết là cô con gái nhà ông Mỗ bà Mỗ tủm tỉm mà nói rằng: "Con nhà khuê tú, sang trọng đã quen, xưa nay chỉ biết sai người, nay chịu cho người sai sao được. Nhà chúng tôi đây không phải là lữ quán, không dám dung quý nhân". Nói rồi, tặng cô một bát cơm và mấy đồng tiền, mời cô đi chỗ khác.

Cô Chiêu nghe bấy nhiêu lời mai mỉa đau đớn hổ thẹn nghìn phần, vội lùi chân ra vừa được mấy gian nhà, liền ngã xuống bên đường, mê mẩn không biết gì nữa.

Đêm đã khuya, mưa đã tạnh, mây vừa quyển (1), trăng vừa lên, chợt nghe tiếng chân người từ xa lại gần, ấy là cái cứu tinh của cô Chiêu đã đến. Khán Xuân là một người phu điếm trong phố, tuân lệ vừa đi tuần. Bên đường chợt thấy có thây người, lại gần mà xem là một người con gái. Sờ ngực còn có hơi thở, vội cõng ngay về điếm. Lấy rơm mà sưởi, lấy nước cho uống, dần cô Chiêu tỉnh lại. Khán Xuân mừng lắm, hỏi nhân sao mà nằm đây. Cô Chiêu nhân kể lể sự mình, và có ý hối hận, nghĩ mình sống không bằng chết, nay đã đội ơn cứu tử, cam lòng kết nghĩa ba sinh. Khán Xuân vốn là anh lạc phách gặp cô Chiêu là ả hàng cơm, hai bên liền kết bạn cùng giao (2), cũng được cái tiên duyên túc đế (3). Được một năm sinh được đứa con, cứ ban ngày Khán Xuân đi làm tôi trong phố, cô Chiêu bế con đi ăn mày, tối tối lại về cùng hưởng cái tư vị đoàn viên nơi điếm sở.

  1. Cuốn
  2. Kết giao trong khốn cùng.
  3. Duyên trước, gốc xưa.
  4. Cuốn.

Cái lịch sử cô Chiêu Nhì kết quả là thế, hồng nhan mạt lộ, nghĩ cũng nên thương, ai biết rõ câu chuyện này, cũng đồng thanh thán tức.

Tôi ham nghe câu chuyện, trông ra trời đã chiều hôm. Tôi từ bạn về nhà, còn bâng khuâng như có điều gì nghĩ ngợi.

Bèn khêu đèn mà chép kỹ càng, để bạn nữ lưu đọc xem, cũng có điều cảnh giới.

Tạp chí Nam Phong,

Số 43, Tháng Giêng 1921

CHUYỆN ÔNG LÝ CHẮM - Truyện ngắn Nguyễn Bá Học

CÂU CHUYỆN NHÀ SƯ - Truyện ngắn Nguyễn Bá Học

CÂU CHUYỆN GIA ĐÌNH - Truyện ngắn Nguyễn Bá Học

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.