Họa sĩ Lê Thiết Cương (giữa) chia sẻ những câu chuyện thú vị về Nguyễn Huy Thiệp tại buổi ra mắt sách Anh hùng còn chi - Ảnh: T.ĐIỂU
Câu chuyện chiếc ghế ngồi viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại có ngăn kéo, mà nhờ đó một số tác phẩm của nhà văn này đã không bị "mang đi" được họa sĩ Lê Thiết Cương vừa chia sẻ khiến nhiều độc giả trẻ ngạc nhiên lẫn thú vị.
Câu chuyện của một thời, liên quan tới nhà văn vừa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật được các bạn trẻ ngày nay đón nhận một cách cởi mở, nhẹ nhàng.
Họa sĩ Lê Thiết Cương - một người bạn, người em thân thiết của tác giả Tướng về hưu, đồng thời là họa sĩ vẽ bìa cho cuốn di cảo của Nguyễn Huy Thiệp Anh hùng còn chi (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Nhã Nam) - đã chia sẻ câu chuyện trong buổi ra mắt tập di cảo này vào tối 22-11 tại Hà Nội.
Nhiều độc giả trẻ, sinh viên đã đến với buổi ra mắt sách của tác giả văn chương họ yêu thích. Và những câu chuyện về cố nhà văn từ bạn bè, người thân, nhà nghiên cứu mà họ nghe được đã khiến họ càng thêm thú vị về tác giả đặc biệt này.
Chuyện chiếc ghế cứu một số bản thảo của Nguyễn Huy Thiệp thực ra đã được kể giữa một số bạn bè của tác giả Tướng về hưu, nhưng với hầu hết bạn đọc thì đây là câu chuyện lần đầu họ được nghe.
Lê Thiết Cương kể một lần nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận được món quà của người phụ nữ ngưỡng mộ văn chương ông - bà Đinh Hoa. Quà là một bộ bàn ghế cho nhà văn ngồi viết.
Nhưng cái ghế lại là ghế cho người chơi piano, với ngăn kéo nhỏ dưới chỗ ngồi để các bản nhạc.
Một ngày (khoảng năm đầu thập kỷ 1990), khi thấy có người lạ vào tới sân, Nguyễn Huy Thiệp nhanh tay cất được một số bản thảo vào ngăn kéo chiếc ghế ngồi viết của ông. Còn những bản thảo trên bàn viết bị tịch thu mang đi.
Sau này, tình cờ, họa sĩ Lê Thiết Cương có được bản photocopy của một trong số những bản thảo đã bị mang đi lần ấy.
Tại buổi ra mắt sách, ông ngỏ ý sẽ tặng lại cho gia đình nhà văn để trưng bày trong nhà lưu niệm Nguyễn Huy Thiệp mà hai con trai nhà văn đang xây dựng tại chính căn nhà xưa của bố mẹ.
Về câu chuyện ly kỳ này, Nguyễn Phan Khoa - con trai út của tác giả Tướng về hưu - kể với Tuổi Trẻ Online cho biết chuyện xảy ra vào khoảng năm 1990.
Lúc ấy nhà văn đã công bố bộ ba truyện lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, bị một số ý kiến quy kết ông phản động, hạ bệ thần tượng.
Cơ quan chức năng đã đến nhà tịch thu một số bản thảo và đưa ông đi. Đó là bản thảo hai truyện ngắn khác trong bộ truyện lịch sử năm truyện, chứ không phải chỉ ba truyện Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết mà bạn đọc biết lâu nay.
Còn một số bản thảo thì đã giữ lại được nhờ ngăn kéo "bí mật" của chiếc ghế.
Anh Khoa còn nhớ lần đó bố mình bị đưa đi khoảng một tháng. Sau nhờ ông Phạm Chuyên - giám đốc Công an Hà Nội lúc bấy giờ - can thiệp, nhà văn được về nhà, tiếp tục sáng tác.
Nhưng hai bản thảo từng bị mang đi không được trả lại. Ông cũng không viết lại hai truyện này, nên cuối cùng chỉ có bộ ba truyện lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết mà độc giả biết.
Tham dự tọa đàm ra mắt sách Anh hùng còn chi, TS Jason Picard - giảng viên sử học Đại học VinUni, người đã đọc Nguyễn Huy Thiệp từ năm 1997 ở Việt Nam và từng viết về Nguyễn Huy Thiệp - chia sẻ nhận định về giá trị của văn chương Nguyễn Huy Thiệp.
Theo ông, những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có giá trị rất lớn với thế hệ bây giờ, bởi vì các bạn trẻ ngày nay không biết thế hệ trước khổ thế nào, không chỉ trong chiến tranh mà kéo dài cả những năm hậu chiến, bao cấp. Văn của Nguyễn Huy Thiệp cho họ biết về quá khứ, về cha ông mình.
"Các em thế hệ sau này phải nhớ rằng quá khứ lúc nào cũng đi cùng mình", TS Jason Picard nói.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com