chan_dung-ke_si

Chịu hết nổi đóng góp "tự nguyện", mẹ dắt con ra khỏi trường công

01-10-2023 00:52:00
Lượt xem: 1552

Đánh giá

Chia sẻ

(Dân trí) - Trải nghiệm nhiều khoản tiền "tự nguyện" trong trường học đến mức mệt mỏi, chán ghét, chị M.D. quyết định chuyển con sang trường tư.

Òa khóc khi bước ra khỏi cuộc họp toàn nói về tiền

Chị M.D. có hai con đang học tại một trường tư thục ở TP Thủ Đức TPHCM. Hơn một năm trước, chị đã chuyển con sang trường này khi không thể tiếp tục chịu đựng hai chữ "tự nguyện" ở trường công.

Trước đây, đứa con đầu chị cho học cấp 2 tại một trường ở quận Gò Vấp, đứa sau học tiểu học ở quận Bình Thạnh. 

Chịu hết nổi đóng góp tự nguyện, mẹ dắt con ra khỏi trường công - 1

Nhiều cuộc họp phụ huynh để hợp thức hóa tinh thần "tự nguyện" về các khoản tiền trường (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Ở cả hai trường, ngay từ trước khi chính thức bước vào năm học mới, vừa nhận lớp đã lập tức tấp nập bàn chuyện tiền nong. Hàng loạt thứ được cô giáo và nhà trường nêu ra như sửa sang lớp học, lót gạch, mua sắm trang thiết bị, các hoạt động vui chơi, liên hoan, quà tặng giáo viên...  

Trong mọi trao đổi nào về tiền bạc với phụ huynh, giáo viên luôn nhấn mạnh vì các con, trên tinh thần tự nguyện. Nhưng theo chị D., tất cả mọi kế hoạch thu chi đã được giáo viên chuẩn bị sẵn từ trước, thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh "ấn định" xuống, chia theo đầu người. 

Đến khi họp trực tiếp thì mọi dự toán thu chi gần như đã được xây hoàn thiện. Thu thế nào, chi ra sao, chứ chẳng... còn là lấy ý kiến phụ huynh. Cùng với đó, luôn có vô số khoản chi tiêu, chi phí dịch vụ báo giá mà chị D. - một người làm kinh doanh - cho rằng luôn cao hơn giá trị trường, thậm chí cao hơn nhiều lần. 

Cô giáo và ban đại diện phụ huynh sẽ liên tục đánh vào tâm lý tất cả làm vì học sinh, nếu phụ huynh phản đối chỉ thiệt thòi cho các con.

Theo quy trình, trong cuộc họp giáo viên sẽ hỏi phụ huynh nào đồng ý giơ tay biểu quyết để cô ghi chú lại cụ thể, hoặc phụ huynh ký tên vào danh sách xác nhận tự nguyện. Cô nào "cao tay" hơn còn chụp lại ảnh phụ huynh giơ tay đồng thuận để hợp thức hóa việc "tự nguyện".

"Không ít lần, sau buổi họp phụ huynh cho con, vừa bước ra ngoài là tôi òa khóc nức nở vì ức chế và thấy chán ghét bản thân hèn quá, không dám lên tiếng phản đối. Đã có lúc tôi quyết tâm sẽ lên tiếng nhưng cứ nghẹn cứng ở cổ", chị D. thừa nhận. 

Người mẹ này kể, không phải đóng quỹ phụ huynh một lần là xong, trong năm rất nhiều đợt... phát sinh. Có đợt quỹ đang còn nhưng được giải thích là để dành cho khoản này khoản kia nên ban đại diện lại yêu cầu phụ huynh đóng tiếp để các con hoạt động.

Chị D. và một số phụ huynh thấy vô lý nên không đóng thêm thì liên tục nhiều ngày sau đó bị Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh gắn tag (gắn tên) hỏi tiền trong nhóm trao đổi thông tin của cô giáo chủ nhiệm. 

Chị chuyển khoản "tự nguyện đóng góp" đi cho yên thân trong cảm giác xót xa lẫn tủi nhục. 

Không đóng tiền tự nguyện, học sinh bị "bêu tên" trong nhóm 

Chị M.D. cho biết, sức chịu đựng của mình chạm đến giới hạn với sự kiện diễn ra vào cuối năm 2021 khi trường cấp 2 của con chị phát động phong trào "Nụ cười hồng" giúp đỡ các bạn khó khăn dịp Tết Nguyên đán năm 2022 với tinh thần tự nguyện. 

Thời điểm đó, ảnh hưởng của dịch bệnh, gia đình nhiều học sinh cũng đang đối diện với hoàn cảnh khó khăn, cùng cực. Nhưng rồi chị D. bị sốc khi cô giáo gửi danh sách ghi rõ tên những học sinh chưa đóng tiền vào nhóm của lớp để nhắc nhở. Cô nhắc đi nhắc lại những bạn chưa đóng kèm đề nghị phụ huynh cho con tham gia. 

Chị D. đã đóng khoản này, con chị không bị "bêu tên" nhưng nhìn những đứa trẻ khác bị chỉ mặt đặt tên trong nhóm mà chị đau nhói. 

quylop4-1695884168638

Sau đó, cô giáo tiếp tục nhắc cụ thể tên từng bạn chưa đóng thêm hai lần như vậy. Thấy sự hối thúc vào khoản gọi là "tự nguyện" và cách hành xử phản sư phạm của cô, nhiều phụ huynh chán nản không muốn tham gia nữa. 

Mọi việc không dừng lại, ngoài nhóm phụ huynh, cô giáo gửi công khai danh sách 4 em chưa đóng vào nhóm của chính học sinh. Bạn của con gái chị  đã òa khóc xấu hổ khi bị cô "gọi tên" như vậy. Lúc đó, sau dịch bệnh, bố mẹ cháu đều không có việc làm. 

Cuối năm học đó, chị D. quyết định chuyển trường cho hai con. Theo chị D., ở những trường mà có những khoản đeo mác "tự nguyện" trong sự ép buộc, một là phụ huynh cam chịu chấp nhận, hai là đứng dậy phản đối, đương đầu. Hai cách này, chị đều không thực hiện được. 

Dù rằng con học tư tốn kém hơn nhưng chị D. nhẹ cả người khi học phí, chi phí đều được thông báo rõ ràng ngay từ đầu, không phát sinh này nọ, gia đình có thể chuẩn bị kế hoạch từ trước. 

Chị cũng không còn phải chịu đựng cảm xúc tiêu cực trước các khoản gọi là "tự nguyện", không còn phải chịu đựng cảm giác mình rất... hèn, không phải quỵ lụy sống không thật với suy nghĩ của mình. Con cái chị cũng không phải ở trong môi trường mà ở đó giáo viên hay phụ huynh suốt ngày dành tâm sức, thời gian để bàn bạc chuyện tiền bạc, đóng góp chứ không phải là dạy dỗ. 

Đã có loạt vụ lạm thu, nhiều khoản thu "khủng" trong trường học được khoác lên bởi chiếc áo "tự nguyện". Hai chữ "tự nguyện" trong nhiều khoản tiền trường hay nhiều vấn đề khác trong trường học đã gây ám ảnh với phụ huynh khi con đi học. 

Chịu hết nổi đóng góp tự nguyện, mẹ dắt con ra khỏi trường công - 3

Khoản sửa chữa phòng học 220 triệu đồng tại lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà được giải thích là "trên tinh thần tự nguyện" (Ảnh: Hoài Nam).

Như sự việc tiền quỹ phụ huynh hơn 310 triệu đồng, trong đó dự toán chi 220 triệu đồng sửa lại phòng học của lớp 1/2 tại Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, TPHCM gây sốc cho dư luận những ngày qua cũng được lý giải "trên tinh thần tự nguyện".

Theo cáo cáo của UBND quận Bình Thạnh, phụ huynh cam đoan việc đầu tư cơ sở vật chất của lớp thực hiện trên tinh thần tự nguyện và đồng thuận, nhà trường đồng ý theo nguyện vọng của phụ huynh trong việc sửa chữa cải tạo lớp. 

Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh về sự việc, theo Phòng GD&ĐT quận này, dù tự nguyện nhưng việc thu - chi thực hiện không đúng nên ban đại diện lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà sẽ hoàn trả số tiền gần 250 triệu đồng cho phụ huynh học sinh cùng những khoản chi sai khác. 

Theo dantri.vn

Bài liên quan