chan_dung-ke_si

CHẤM DỨT KIẾP HOANG - Truyện ngắn Nguyễn Dậu

08-01-2024

Lượt xem 1524

Đánh giá 3 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Dậu

CHẤM DỨT KIẾP HOANG - Truyện ngắn Nguyễn Dậu

Nhà văn Nguyễn Dậu (1930-2002)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Trong Mật Rắn (Chân Dung Kẻ Sĩ đã giới thiệu), chúng ta thấy một ông thợ cạo, ở đây, trong CHẤM DỨT KIẾP HOANG, người ta cũng thấy một ông thợ cạo, hơn thế, ông thợ cạo cũng tên Dậu, trùng tên tác giả.

Tác giả của Mở Hầm (1961), dù đã tham gia cách mạng từ sớm, quãng năm 1946, kinh qua phòng Văn nghệ quân đội, Xưởng phim Việt Nam 1955, biên tập viên Nhà xuất bản phổ thông 1957, Tòa soạn báo Văn nghệ 1960... nhưng cuối cùng đã phải ngừng viết hơn 20 năm kể từ khi Mở Hầm, cuốn sách bị phê phán nặng, ra đời.

Hóa ra, có ông thợ cạo là bởi vì, năm 1970, Nguyễn Dậu bị kỷ luật, cuốc bộ ra hớt tóc ở Hồ Gươm, rồi thì vào Nam, sải bước sang Phnom Penh, bị bắt ở thủ đô Cambodia, dẫn độ về Nam, nhốt tại Chí Hòa, rồi lại ra Hà Nội ăn cơm tù...

Đến năm 1990, Nguyễn Dậu mới vào Hội nhà văn Việt Nam, lúc ông 60 tuổi, và, ông tiếp tục viết. Cuốn sách cuối cùng của Nguyễn Dậu xuất bản năm 2000, 2 năm trước khi ông vĩnh viễn dừng chân.

Hai cửa sổ trổ ngay trên tường cạnh lối đi. Từ hai cửa sổ này tôi có thể nhìn ra suốt cầu Thê Húc, nhìn thấy Nghiên Đài và cả một khoảng mênh mông có Long Môn và Hổ Bảng, có tháp bút với cổng ngoài cùng. Còn hai cửa sổ hướng chính Nam, nhìn ra đình Trấn Ba, mặt hồ Tháp Rùa và phố Hàng Khay. Nhờ bốn cửa sổ lớn đó, tôi có thể ngắm thấy và nhận biết muôn ngàn sự kiện đã xảy ra mỗi ngày ở trong khu Ngọc Đảo này. 

  Hôm ấy, tôi lưu ý đến một đứa trẻ khoảng mười tuổi, đầu trọc lốc, áo sơ-mi cháo lòng, quần đùi xanh sẫm đang ngồi ngủ gà ngủ gật ở đầu một phiến xá cầu mé bên ngoài lan can gỗ. Sự việc và hình ảnh ấy rất không bình thường, khiến tôi kinh hãi. Những kẻ vào ngủ nhờ trong đền thì rất nhiều. Họ ngủ trên thềm đình Chắn Sóng, ngủ ở phiến đá mé sau có hai chữ "Phong Nguyệt", ngủ ở trên Môn Lầu, hoặc nhiều trẻ bụi đời thường leo lên chạc cây rất cao rồi ngủ say li bì giữa hai cành cây, còn như ngủ ngồi mà lại ở mé ngoài thành cầu như thế này thì tôi chưa từng thấy vì chỉ cần gật gù một cái là lộn cổ xuống hồ ngay.

  Vốn đã quen thuộc mọi mưu ma chước quỷ của lũ trẻ "kiếp bụi", linh tính báo cho tôi biết ở thằng bé đầu trọc này hẳn có một điều gì là lạ đây. Thế là tôi không tập trung đầu óc vào việc dịch sách Hán Nôm nữa, mà cứ hai bàn tay bíu chặt song gỗ kiểu "con tiện" mà theo dõi thằng bé lạ mặt đang ngủ với tư thế quái quỷ nọ.

  Người ra vào đền quá đông. Mỗi lần có người qua, ván gỗ lát cầu thường kêu lách cách. Thằng bé chỉ mở hé mắt nhìn qua rồi lại lim dim ngủ. Lát sau có một đôi thanh niên nam nữ qua cầu Thê Húc. Họ khá sang trọng về cách ăn mặc và khá thơ mộng về kiểu cách vắt tay qua lưng nhau mà thong thả đi lên giữa cầu. Thằng bé đầu trọc quay hẳn mặt lại nhìn họ chầm chậm. Thế rồi đột nhiên nó kêu "ối" rồi rơi tõm xuống nước, chìm nghỉm. Thỉnh thoảng nó lại vươn tay nhô đầu lên kêu cứu, sau đó lại chìm mất tăm.

 Anh thanh niên rời tay khỏi bạn gái. Anh chỉ kịp tụt bỏ đôi giày da, để nguyên cả quần áo anh lao xuống mặt nước đúng tư thế của kẻ giỏi bơi lội. Anh túm ngay được thằng bé. Thằng bé túm chặt được anh. Nó túm chặt lấy anh, đến nỗi anh không sao bơi được. Anh loay hoay vừa đạp nước, vừa gỡ tay nó ra. Sự lạ đã xảy ra, thằng bé đột nhiên biến mất. Anh thanh niên bơi đi bơi lại, có lúc đã lặn hẳn xuống đáy bùn mà tìm đứa trẻ bị chết đuối. Lát sau thấm mệt, anh thanh niên liền ôm lấy cột bê-tông chân cầu, miệng thở hổn hển, mắt vẫn nhìn động tĩnh khắp mặt nước chung quanh để tìm tăm hơi đứa trẻ. Cô bạn gái đứng trên cầu nhìn xuống nói những gì đó cùng anh bằng âm thanh trong trẻo của phụ nữ.

  Tôi vội khóa cửa buồng lại rồi chạy ra ngoài cầu, và cúi xuống bảo anh thanh niên.

  - Này, anh bạn trẻ tốt bụng. Anh bơi vào bờ đi.

  Đầu tóc, quần áo ướt sũng, anh vẫn ôm lấy cột cầu nói vọng lên:

  - Còn thằng bé? Không sao tìm thấy nó! Tội nghiệp! 

  - Chính anh mới là kẻ tội nghiệp. Anh nghe tôi, cứ vào bờ đi, rồi anh sẽ rõ. Nó không chết được đâu.

  Cô gái cùng giục chàng trai:

  - Bác ấy đã bảo thế thì anh cứ bơi vào bờ đi.

  Chần chừ ít giây sau, rốt cuộc chàng trai cũng nghe lời tôi. Anh bơi vào phía Nghiên Đài, rồi mỏi mệt bước lên bờ. Không rõ là từ lúc nào, chung quanh chàng trai và cô gái đã có hàng chục đứa trẻ cả trai lẫn gái, quần áo bẩn thỉu, mặt mũi câng câng vừa cười rộ vừa nhảy nhót chung quanh, hai tay múa may, miệng rúc lên như người Châu Phi.

  - Rum! Ba-la-la... Rum! Ba-la-la...

  Giận quá, tôi gầm lên với lũ trẻ:

  - Chúng mày có nể tao không đấy, hả?

  Lũ trẻ nhìn tôi rồi nháy nhau, huýt còi miệng chạy về phía bên nhà Thủy Tạ cả.

  Tôi ái ngại hỏi anh thanh niên:

  - Anh sợ nó chết đuối à?

  Vâng! Nó đã ngã xuống hồ. Nó không có tóc. Cháu định cầm tay nó lôi vào bờ, thế là nó biến mất.

  - Nó không biến mất đâu. Ngược lại anh thử xem trên người anh có cái gì biến mất không?

  - Chàng trai sờ nắn túi áo túi quần, mặt tái hẳn đi: 

  - Thôi chết cháu rồi. Rơi hết cả kính, bút và chiếc ví xuống hồ rồi.

  Trong ví của cháu có nhiều giấy tờ và tiền bạc. Cháu phải bơi ra lặn tìm...

  Tôi gạt đi một cách dứt khoát:

  - Vô ích! Chính thằng nhãi "lính mổ" (ăn cắp) ấy đã "rủ" được anh xuống hồ, rồi lột sạch của anh đấy. Bây giờ thì nó đã sang phía Thủy Tạ từ lâu và biến rồi. Có giời tìm.

Lúc đầu tôi được biết đến thằng Hùng "sư cọ" là như vậy. Tôi không phải là một bậc cao vị, một nhà đạo đức, mà chỉ là một bác phó cạo tầm thường nhưng xin phép độc giả cho tôi được phép nói rằng hôm ấy tôi rất buồn. Vì thế là ở khu vực tôi trú ngụ, hay nói rộng ra, là ở xã hội lại thêm một cao thủ nữa trong nghề "hai ngón" và mất đi một đứa trẻ thơ ngây, ở quanh khu bờ hồ có rất nhiều trẻ bụi. Nhưng thủ đoạn bụi ở trình độ cao cấp thế này quả thực tôi mới thấy lần đầu.

  Cả ngày hôm sau ra đứng cắt tóc kiếm ăn mà lòng tôi cứ nghĩ vương vấn về thằng Hùng "sư cọ". Sóng gió cuộc đời cuốn nó từ miền nào tới? Nó ở băng nào? Tôi đã gạn hỏi mấy thằng trưởng băng mấy thằng đại ca khét tiếng như Hùng "chó", Hùng "đá", Hùng "hổ", v.v. nhưng chẳng đứa nào biết đến thằng lính "mổ" mới toanh này cả.

  Chiều hôm đó, tôi dắt xe thồ đồ nghề trở về đền Ngọc Sơn thì trời đất ạ, ngồi lù lù ở ngay bậc thềm cánh cửa buồng tôi chính là thằng Hùng "sư cọ". Hình như nó cố ý đợi tôi nên vẻ mặt và ánh mắt có nét lấp lánh, hồ hởi:

  - Cháu chào bác ạ?

  Tôi lừ lừ nhìn nó: 

  - Mày định bẻ khóa cửa buồng tao hả?

  - Không ạ! - Đứa trẻ thành thực đáp. - Cháu mà lại dám "dạt vòm" - (lẻn vào nhà) của bác. 

  - Thế mày ngồi đây làm gì?

  - Cháu đợi bác.

  - Đợi ta làm gì?

  - Những thằng lớn bảo cháu vào xin lỗi bác.

  - Vì cái gì thế?

  - Vì đã dám "múa may" ở nơi bác ngụ, bác sẽ vặn cổ...

  - Tao chưa hề vặn cổ ai cả.

  - Nhưng chúng nó bảo bác "nghiêm" lắm.

  - A, điều đó thì đúng đấy. Mày táo tợn quá, lột ra lột. Thế hôm qua mày được bao nhiêu?

  - Thề với bác là chẳng được cái mốc xì gì.

  - Anh thanh niên cứu mày hôm qua nói là mất rất nhiều tiền cả kính, cả bút nữa.

  - Vâng. Nhưng bọn "nhớn" trấn hết của cháu rồi. 

  - Ra thế. - Tôi mở khóa, đẩy xe vào buồng.

  Thằng bé làm thân với tôi bằng cách nâng hộ bánh xe sau, rồi nó theo tôi vào nhà. "Sẽ hỏi chuyện cu cậu, đó là điều lý thú". Tôi thầm nghĩ vậy và cứ để mặc nó.

  - Giấy tờ của anh ta mày vứt đi đâu rồi?

  Khi tôi rút khăn mặt lau mặt thì nó tự nhiên ngồi xuống ghế như một khách quen:

  - Cháu vứt ở... ở...

  - Ở đâu? Đưa đây để tao trả lại cho người ta. Mày nhớ là hơn chục loại giấy tờ là chuyện đau lòng lắm. Người ta thà mất hết tiền còn hơn là mất giấy tờ. Mày vứt ở đâu?

  - ở... ở...

  Tôi giận dữ thật sự, quát lên:

  - Ở đâu?

  - Ở trong túi quần của bác ạ.

  - Bố láo!

  - Bác thử sờ túi quần bác xem, cháu không dám nói bậy với bác đâu.

  Tôi thọc tay vào túi quần của mình và quả thật đã rút ra được cả một cái ví dày cộm giấy tờ: Tất cả hãy còn ẩm ướt!

  - Mày nhét vào túi tao từ bao giờ thế này?

  Hùng "sư cọ" chỉ nhoẻn miệng cười không đáp. Tôi nhìn tên "đại bợm" với ánh mắt đăm đăm. Kẻ gian phi, cứ một trăm đứa thì có một trăm lẻ một cặp mắt giống nhau. Chúng nó đã quen lừ lừ vì hằn học cuộc đời, đã quen nhìn xéo để dõi theo túi áo và hành lý của mọi người, đã quen chớp nhoáng đảo nhoàng để đề phòng cảnh sát và những tên bất trị lớn tuổi hơn. Đằng này thằng Hùng "sư cọ" không có kiểu mắt ấy. Mắt tròn, to, đen, thiệt dễ thương trên khuôn mặt trắng trẻo tròn trịa. ở nó chỉ có cái đầu sư cọ trọc lốc là đáng ngờ. Giữa đỉnh đầu trọc nổi gồ lên một đường dài như nóc nhà - nó nhiễm độc chưa nhiều, chưa nặng!

  Tôi thăm dò nó:

  - Tao cần đi tắm cháu ạ. Cắt tóc cả ngày, nhiều tóc vụn bám vào người, ngứa ngáy quá.

  - Thì bác cứ đi tắm đi: Bác để cháu trông nhà, bác có sợ không?

  - Sợ gì?

  - Sợ cháu cuỗm cái gì của bác rồi biến.

  Tôi quắc mắt:

  - Tao chấp mày chạy trước ba ngày - Rồi tôi phì cười bảo nó. - Bác tin cháu, rõ chưa. Nhưng phải cài then cửa lại.

  Thằng bé đại bợm nhìn quanh nhà tôi rồi hỏi:

  - Cháu sẽ cài chặt then cửa. Nhưng bác cho cháu mượn một cuốn sách cháu đọc. Bác lắm sách quá. Lại cả sách Tây sách Tàu nữa...

  - Có cuốn Không gia đình cháu có thích đọc không?

  - Vâng! 

  Ra vậy! Nó còn thích đọc sách, có nghĩa là còn uốn nắn được. Sau khi tôi đưa sách cho nó, nó bảo tôi:

  - Bác cứ khóa trái cửa lại.

  - Không. Đã bảo tao tin cháu mà.

  - Hay là...

  - Hay là cái gì?

  - Cháu cùng tắm với bác cho vui.

  - Cũng được!

  Đã từ lâu tôi cũng nổi tiếng là "ma hồ Gươm" vì tài câu cá và tài bơi lội. Nhưng tôi giả đò ngờ nghệch bảo nó:

  - Hùng này, hai bác cháu mình bơi ra Tháp Rùa rồi lại bơi về, đi!

  - Xong béng!

  Tôi nghiêm mặt mắng nó:

  - Hùng, từ nay trở đi, trước mặt bác, cháu tuyệt đối không được ăn nói kiểu "lính" đấy. Thế nào là "xong béng".

  - Vâng ạ! Chúng nó bảo bác nghiêm lắm, thế mà đúng.

  - Nào bơi đi!

  - Bác thử đuổi cháu xem nào.

  Thằng bé bơi thật êm, thật nổi và nhanh như nhái bén. Song cố nhiên là tôi bắt kịp nó không mấy khó khăn. Có điều, mỗi lần tôi gần tóm được cẳng nó là nó lặn mất hút, không hề sủi tăm, sủi bọt, nó đã hiện lên ở nơi xa lắc xa lơ và gào lên: "Xin chào!".

  Buổi tắm rất vui. Tôi vui vẻ như trẻ lên mười. Thằng Hùng còn kỳ cọ cho tôi nữa. Điều đó khiến tôi xúc động đến rớt nước mắt. Chao ôi, cả đời tôi thui thủi, cô đơn, cô đơn, cô đơn...

  Tắm rửa xong, tôi sửa soạn đi ăn cơm tối. Nó bảo tôi:

  - Cháu xin bác cái bánh mì.

  - Đói à?

  - Vâng, hôm nay cháu đói, vì... vì... xui xẻo quá.

  - Cháu có đói luôn không?

  - Nhiều ạ. Có khi đói liền hai ba ngày.

  Tôi ôm ghì thằng bé bụi đời vào lòng, áp má vào đầu trọc của nó, rồi nói nhỏ.

  - Hai bố con mình cùng đi ăn cơm bình dân, nhé!

Chúng tôi nghiễm nhiên trở thành hai bố con. Cũng cần nói rằng trẻ con quanh mấy phố Hàng Dầu, Lò Sũ, Hàng Bè, Hàng Vôi đều quen gọi tôi là "bố". Nay có cậu đã bốn mươi, vợ con đàng hoàng râu ria rậm rạp, vẫn còn gọi tôi là "bố" như hồi xửa xưa "Bố Dậu hớt tơ" (hớt tóc) - bốn tiếng giản dị và thân thương ấy, có hàng núi vàng cũng không mua được.

  Quán cắt tóc của tôi ở ngay sau lưng đền Bà Kiệu. Hằng ngày, tôi bắt Hùng "sư cọ" tuân thủ tuyệt đối bốn điều kiện: một, không "hai ngón" nữa; hai: đọc truyện; ba: học văn hóa; bốn: tập sự tay dao tay kéo. Thằng bé hoàn toàn ngoan ngoãn vâng lời. Nó để tóc trở lại (vì có sợ bị túm tóc nữa đâu), hiền lành ít nói và có thể nói rất siêng năng trong việc học văn hóa cũng như học nghề. Đôi khi có bọn đầu gấu đến dọa dẫm hoặc lôi cuốn nó đi vào con đường cũ, song chúng đều ngại tôi, nên thằng bé được yên thân.

  Tiểu sử của nó có thể tóm gọn chưa đầy mười dòng chữ. Gia đình ở xóm chài ven sông Cấm, Hải Phòng. Hai tuổi, bố đi bộ đội rồi hy sinh. Tám tuổi, mẹ đi lấy chồng khác. Bố dượng độc ác hay đánh đập thế là nó đi vào kiếp bụi, thường hoạt động ở chợ Sắt, quán Bà Mau, phố Ga và bến Bính. Hồi đầu năm mới mò lên Hà Nội kiếm ăn. 

  Cách quán cắt tóc của tôi chừng vài mét, ở gốc cây đa có một quán hàng nước. Quán này rất đông khách. Người ta ngồi nghỉ chân, ăn uống và chờ xe khách đi Mơ, đi Hà Đông, đi Mai Động. Đôi khi Hùng sang quán nước ngồi hóng chuyện hoặc nô đùa với đám trẻ con bà hàng nước. Lúc đầu, tôi không bằng lòng, hay khuyên nhủ hoặc cằn nhằn nó. Sau, nghĩ kỹ, tôi thấy dù sao nó cũng là một đứa trẻ, nó có thế giới riêng, nó có quyền được chơi, được nghịch. Nghiêm khắc quá với nó là điều thiển cận và sai lầm. Do đó, tôi đã lỏng lẻo với nó hơn trước. Đôi khi tôi có nghe thấy những ông thợ khóa, thợ kính và những người ngồi chờ xe kêu ca mất đồ nghề hoặc mất tiền nong, hàng hóa, song tôi chẳng hề ngờ vực gì nó cả. Nó vẫn học bài ở ghế đá cạnh tôi, hoặc tí tách nhịp dao kéo cơ mà? Chỉ thỉnh thoảng, rồi hầu như mỗi ngày, tôi lại thấy có một con bé khoảng tám chín tuổi ở đâu đến gặp nó, thì thầm to nhỏ điều gì đó. Sinh nghi tôi hỏi thằng Hùng về mối quen biết đó nhiều lần, thì nó chỉ cười:

  - Con gái bà hàng rau ở ngoài bờ sông. Trước đây con có nợ của bà ấy ít tiền, nên bà ấy vẫn cho con gái đến đòi. 

  - Con đã trả hết chưa?

  - Con trả gần hết ạ.

  - Con lấy tiền đâu mà trả?

  - Thưa bố, ngày nào bố cũng cho con vài hào ăn quà.

  - Vậy ra con vẫn nhịn quà sáng?

  Thằng bé đỏ mặt im lặng. Tôi hỏi nó:

  - Cần bao nhiêu nữa để trả một lần cho hết đi?

  - Bố cứ mặc con.

  Tôi nghiêm giọng răn đe trước nó:

  - Này, Hùng! Cẩn thận đấy. Nếu con vẫn chứng nào tật ấy thì bố sẽ quyết liệt với con, bố không tha đâu.

  - Vâng ạ.

  Nghe nó nói "vâng", song quả thực tôi không yên tâm chút nào. Tôi liền nhờ một thằng cháu lớn ở phố Hàng Dầu tên là Thành, theo dõi hộ tôi xem con bé hay đến tìm nó nhà cửa ở đâu. Tôi nhận được tin tức chính xác ngay. Con bé tên thật là Gái, con bà hàng rau tên là Thuần ở ngoài xóm bãi. Hùng "sư cọ" chẳng nợ nần gì bà Thuần cả. Có điều hiện nay bà ấy đang ốm thập tử nhất sinh. Nhà lại chỉ có hai mẹ con, nên túng quẫn lắm, đến độ cơm chẳng có mà ăn.

  Thế là tôi hiểu ra mọi nhẽ. Tối hôm ấy, Hùng cứ bồn chồn ra đứng vào ngồi, không ôn được bài tập nữa. Tôi liền hỏi nó:

  - Con có điều gì lo buồn giấu bố thế?

  Nó thú thực ngay:

  - Vâng ạ.

  - Có phải bà Thuần vừa ốm vừa đói không?

  - Sao bố biết ạ?

  - Thế đấy. Bố biết đủ thứ. Bố lại biết rằng lâu nay con vẫn hay ăn cắp vặt của mọi người nữa, đúng không?

  Nó ngồi ngây ra, nước mắt lã chã, rồi khóc rống lên: 

  - Con không ăn cắp.

  - Thế gọi cái việc ấy bằng cách gì bây giờ? 

  - Con chỉ phân chia lại của cải thôi. Người thì thừa mứa ra, người khác lại ốm đói.

  - Vì sao con thương xót bà Thuần thế?

  - Tại vì lúc con ốm đói, bà ấy đã nuôi con, bố ạ. Cũng như bố đang thương con. Sau này nếu bố ốm đau, con cũng đi ăn cắp về nuôi bố.

  Lòng tôi vừa đau đớn vừa mềm nhũn. Tôi liền mở ngăn kéo, rút ra năm chục đồng (tiền năm 1972) đưa cho Hùng và dặn:

  - Con đem tặng bà Thuần đi. Con gọi thêm cả anh Thành đi cùng, kẻo bọn đầu gấu nó trấn mất.

  Hùng sung sướng ôm ghì lấy tôi. Đôi mắt đen to của nó cũng ươn ướt. Sau đó nó nhảy tâng tâng ra ngoài cầu Thê Húc.

  Hai hôm sau, tôi sửa soạn hành trang rồi dặn dò Hùng:

  - Bố có việc phải đi xa chừng hai hôm mới về. Con ở nhà lúc nào cũng khóa trái cửa, cấm tuyệt đối không được ra ngoài.

  - Thế... còn phải đi ăn cơm chứ ạ?

  - Con sẽ ăn với cụ Từ ở mé sau đền. Bố đã dặn dò cụ rồi. Có làm được như lời bố dặn không?

  - Thưa bố có ạ.

  - Bố tin ở con đấy. Con sẽ ở nhà học bài, đọc truyện...

  - Vâng ạ!

  Chuyến đi của tôi kéo dài từ hai thành bốn ngày. Khi tôi về đến, dáng chừng nó nhớ lắm, nên cứ ôm lấy tôi thật chặt, nước mắt ứa ra. Tôi cũng nghẹn ngào xúc động ôm lấy bé Hùng. Lát sau, tôi mở túi xách lấy ra hai bộ quần áo rất đẹp, đưa cho nó, nói: 

  - Quà của con đây.

  - Ôi bố ơi... Con có đủ rồi mà. Bố mua thêm làm gì cho tốn tiền hả bố?

  - Con mặc thử xem nào. Hơi dài rộng một tí. Sang năm thì vừa xoẳn. Con trai là chóng lớn lắm đấy!

  Bé Hùng nhìn tôi chòng chọc, đôi mắt to đen dường như có tia lửa lấp lánh. Nó hỏi tôi một câu rất thông minh: 

  - Có lẽ bố sắp đưa con đi đâu phải không?

  - Con cho là như vậy à?

  - Bố đưa con đi đâu?

  Tôi ôm lấy nó. Hai bố con cùng lăn ra giường, nằm sát bên nhau. Đầu nó rúc vào ngực tôi.

  - Thế này, con nghe nhé, Hùng. Bố đã về Hải Phòng xin được giấy chứng nhận con là con của liệt sĩ. Bố lại lên trường Thiếu sinh quân gặp chú giám hiệu là bạn cũ của bố để xin cho con vào đó. Chú ấy đã nhận.

  Hùng đột nhiên giãy nảy lên:

  - Không! Con không đi thiếu sinh thiếu sủng nào cả. Con ở với bố suốt đời.

  - Nghe bố nói đây. - Tôi dỗ dành nó. - Bố cũng không muốn xa con đâu. Nhưng bố đã nghĩ kỹ rồi: vì tương lai của con bố phải làm thế. Đời con còn dài, dài lắm, con phải được học hành, được dạy dỗ chu đáo mai sau con sẽ phải trở thành một sĩ quan hữu ích cho xã hội. ở cùng bố, con sẽ chỉ là một người thợ cạo thôi. Thêm nữa, hoàn cảnh chung quanh của xã hội là rất bất lợi đối với con. Con cần chấm dứt kiếp hoang!

  - Con không đi đâu cả.

  - Con yêu bố cơ mà? 

  - Vâng!

  - Bố cũng rất yêu con. Bố nghĩ gì thì chỉ là nghĩ điều tốt lành cho con thôi. Con lên trường Thiếu sinh quân sẽ được học hành sinh hoạt vui lắm. Chính bố ngày xưa trước khi trở thành sĩ quan cũng đã theo học Thiếu sinh quân đấy.

  - Nhưng con sẽ rất nhớ thương bố.

  - Bố sẽ luôn lên thăm con. Và có dịp, con sẽ về đền thăm bố. Con đã có gan xa nhà từ lúc lên tám tuổi con phải đi vào con đường sáng sủa, tốt đẹp. Sẽ không bao giờ ốm đói, không đi ăn cắp, và cũng không bị trấn lột nữa. Nhớn lên có đủ học vấn và trí lực con sẽ có cách đúng đắn "phân chia lại tài sản" thật công bằng cho xã hội, chứ không phải như cách làm hiện nay.

  - Hu... hu... hu... Bố ơi, con xa bố thật à?

  - Không phải là xa hẳn. Chỉ là tạm biệt ít lâu thôi.

  Ít phút sau, thằng bé ngủ li bì. Còn tôi, tôi cứ trằn trọc không sao chợp mắt được.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.