chan_dung-ke_si

CÂY BỒ KẾT NỞ HOA - Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà

03-08-2023

Lượt xem 1026

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Võ Thị Xuân Hà

CÂY BỒ KẾT NỞ HOA - Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà

Khi con gái xách va li ra sân bay cùng người chồng ngoại quốc, bà bắt đầu cuộc chờ đợi dài dằng dặc. Nhưng nếu chỉ có mỗi việc chờ đợi thôi thì không ai thiết sống cả, cứ việc nằm xuống một mảnh đất nào đó, chờ đến khi người thân của mình trở về và rơi xuống cỏ xanh những giọt lệ. Đằng này bà còn vô khối việc phải làm và thế là sự chờ đợi cứ len lỏi trong tim vào những đêm dài.

Buổi sáng, như thường lệ chị giúp việc gõ độp độp vào cánh cửa gỗ. Bà vội vàng nhấc đôi chân tê cứng vì giấc ngủ chập chờn, thập thễnh chạy ra nhấc cái then to đùng nặng tới hàng ký, đặt đứng vào xó cửa.

- Sáng sớm mà thuyền cá đã ghé chợ rồi.

Chị ta thông báo - Nhà chị ở cuối chợ - cái chợ đối diện dãy phố chạy ra biển. Sau nhà là dòng sông Hương chảy lặng lẽ và bẩn thỉu vì rác chợ thải ra. Buổi sớm, thuyền cá từ cửa Thuận hay phá Tam Giang ngược lên, khách buôn đón từ khúc này, được giá thì dân chài khỏi chạy thêm hàng cây số ngược sông nữa để đổ vào chợ Lớn. Chị giúp việc lúc nào cũng tất tưởi, nên tất tưởi cả trong lời thông báo có cá tươi. Bà lấy rổ và tiền, đi ra chợ. Bà chọn lựa cá ngon, đặt 3 con nục hoa tươi rói vào rổ, trả tiền và thầm nghĩ: "Bên đó lúc nào nó cũng phải ăn đồ ướp lạnh, không hiểu có chịu nổi cái rét không?".

Một người con trai đi ngang qua trước mặt bà, khẽ chào:

- Bà đi chợ sớm ạ!

- Chào cậu!

- Bà còn nhớ con không? Hồi lâu con đưa chị gì ra sân bay.

- A, cậu lái tắc xi. - Bà reo nho nhỏ, như vừa gặp lại cái dĩ vãng chia ly ngày nào.

- Chị ấy chắc gửi tiền về nuôi bà chứ?

Anh hỏi một câu xã giao.

-Ồ - Bà nhăn mặt, dĩ vãng vụt tắt - Tôi có lương hưu.

Chợt nhận ra không cần phải giãi bày, nhất là với người lạ, bà vào nhà và đóng sầm cửa lại. Bà ngó cổ vào căn phòng tối om đầy mùi dầu tràm của chồng, gọi:

- Ông dậy mà ăn cháo cá, cá tươi ông ạ.

Cứ như thể ông chưa từng được bà cho ăn cá tươi bao giờ. Chị giúp việc đã đặt sôi nồi cháo, xắn tay làm cá, rồi lọc, ướp thật kỹ thật đều với tiêu hành và muối.

Bà xắn cao tay áo ra vườn. Ở khoảng đất bé xíu bằng hai mảnh chiếu to ghép lại, là cả một mảnh vườn chen chúc các loại rau thơm, ớt, đu đủ, những gốc bí đao, mướp. Ngày trước còn có một cây trứng cá rợp bóng cả khoảnh sân rộng. Nhưng vì rễ nó ăn rộng ra khắp vườn và lá rụng không xuể nên chồng bà quyết định đốn cây trứng cá đi. Ông ra sân ngắm nghía tiếc rẻ mãi rồi bảo chị giúp việc ra chợ tìm người. Chị ta đưa vào một người đàn ông với con dao chặt cây sắc lẹm. Bà ngồi trong nhà buồn rầu:
"Con bé mà còn ở nhà là nó sẽ không cho chặt. Sáng ra lấy gì để leo lên ngắm mặt trời?"

Khi cái cây đổ xuống, tim bà buốt nhói. Bà còn buồn bã một thời gian nữa. Trong lá thư gửi cho con gái, bà viết như tự an ủi mình: "Cây trứng cá to quá, nhiều quả chín rụng ngoài sân. Sáng ra mẹ không kịp quét là nhặng xanh bay tới cả đàn. Nên ba mẹ quyết định đốn nó đi. Bây giờ sáng ra, mặt trời rọi vào tận cửa sổ. Thế hoá lại vui con ạ".

Con gái bà viết thư về thường chẳng kể rõ điều gì. Có lần gửi tiền về và nhắn: "Nếu có người sang, mẹ mua cho con một cân bồ kết. Tóc con bây giờ cứ ngả sang màu đỏ, chán quá. Không hiểu do khí hậu bên này hay do nước gội đầu công nghiệp?".

Thế thì có khó gì. Hai ông bà bàn nhau gửi cho nó cả yến. Bà sai chị giúp việc ra chợ khuân cả gánh bồ kết xanh về. Hai ông bà ngồi bứt từng quả rải ra trên chiếc sân đầy nắng. Cả ngày hôm đó mùi bồ kết bốc lên làm họ thi nhau hắt hơi. Mỗi lần như vậy chị giúp việc lại chạy bổ đến cái túi lôi ra một quyển sổ xem bói, lẩm nhẩm những điều ứng nghiệm. Nào là cô con gái đang nhớ mẹ. Nào là con gái đang nhớ mẹ. Nào là hôm nay cô mặc một chiếc váy đỏ thắt nơ đen, trông lộng lẫy như một bà hoàng và đang rất hạnh phúc. Đến chiều thì chính ông cũng tò mò muốn xem quyển bói. Ông muốn biết con gái có cần dầu tràm không, trong thư không thấy nó nói gì về việc đã hết đau khớp chân hay chưa? Ông ngồi ngẩn ra trong bóng chiều. Bà phải giục:

- Ông vào nhà đi kẻo gió.

Rồi bà tất tưởi chạy ra phố mua cho con gái ít măng khô, hành khô. Bà muốn tự tay lựa thứ măng lưỡi lợn, mỏng và vàng sẫm.

Thế là cũng đủ hết ngày. Một ngày nhẹ nhõm trôi qua. Đêm, mùi dầu tràm từ chiếc giường ông nằm bay ra. Bà nhỏm dậy loẹt xoẹt dép ra bàn lấy cái phích nước sôi đổ vào chậu pha tí nước nguội và tí muối, rồi bưng vào.
- Ông ngâm chân vào đây. Nguội nước thì lại pha thêm nước nóng vào.

Thế, như mọi khi tôi bày cho ông ấy. Rồi sau hẵng xoa dầu. Bà nằm thượt ra sau một ngày đầy rẫy những việc không tên. Nỗi nhớ con len lỏi trong giấc ngủ không được sâu của bà. Bà với tay sang bên cạnh, cứ ngỡ đứa con gái đang cuộn mình ở đâu đây. Bà xoa bàn tay lên trái tim, tự nhắc nhở: "Hãy cố đập đều đặn. Hãy cố...".

Đột ngột, họ nhận được thư con gái báo tin sắp về thăm nhà. Sáng nào ra chợ bà cũng dặn:

- Mấy hôm nữa cháu nó về là phải phần tôi những con cá tươi nhất đấy, ngộ nhỡ tôi có ngủ quên đi.

Chị giúp việc phì cười:

- Cứ để con lo khoản chợ búa cho. Bà cứ tha hồ ngồi chơi với cô ấy.

Cả phố chợ nhanh chóng biết là cô con gái của hai ông bà sắp về.

- Bà sướng nhé. Thế nào cô ấy cũng vác về cả núi của.

Họ thèm khát chia xẻ. Ngay cả anh lái xe, một sớm nọ cũng chặn bà ngang phố để nhắn nhủ:

- Chị ấy về, bà cứ gọi cháu nhé. Cháu sẽ biếu ông bà một chuyến xe.

Bà gật đầu. Nhưng trong bụng thầm nghĩ, rõ khéo thế.

Rồi thì cô con gái về thật, cô bước xuống sân bay vào trong mùa hoa mai hoa đào chưa nở. Cái giá lạnh thân thuộc ập vào khiến cổ họng cô tắc nghẹn. Sáng sớm ông bà đã đứng ở cửa đón khách của sân bay, run lên vì rét và hồi hộp. Anh lái xe nhanh nhẹn chạy ra mua giúp họ hai bông hồng đỏ rực được bọc cẩn thận trong giấy bóng kính.

- Dù sao với người ngoại quốc, cũng phải lịch sự một chút.

Anh bẽn lẽn cười và trao cho mỗi người cầm một bông. Nhưng cô con gái chỉ về một mình. Cô ngơ ngác bước ra khỏi phòng kính, nhìn thấy mẹ, cô chạy bổ tới. Nước mắt người mẹ chảy kín đáo trong khoé mắt. Bà quên trao hoa cho con. Thế là người lái xe vội đỡ lấy để trao cho cô. Anh mỉm cười vẻ bối rối. Ông cũng trao hoa cho con, thấy vui hẳn vì lần đầu tiên được trao hoa cho con gái. Họ ríu rít cười nói suốt chặng đường về.

Chị giúp việc nói rằng cả góc chợ để dành thức ăn tươi cho bà. Cá cua, tôm hùm mỗi thứ một ít để sáng rực cả góc bếp. Cô con gái nhăn mặt.
Bà sáng kiến mời luôn xóm giềng thân thuộc sang ăn bữa cơm họp mặt. Cả người lái xe cũng được mời ở lại. Anh luôn kín đáo ngắm cô gái, dù đã biết chồng cô là một anh chàng ngoại quốc cao to và khá đẹp trai so với đàn ông xứ sở này. Còn cô thì dù không ưa mấy vẻ lam lũ của mọi người, nhưng sự kiêu hãnh khi được họ vây quanh thán phục.

Đêm hôm đó cô nằm gác chân lên mẹ nũng nịu:

- Tóc mẹ bạc rồi, hay con mua thuốc nhuộm tóc cho mẹ.

- Mẹ già rồi, cần gì.

- Ba đang xoa dầu hở mẹ?

- Ừ, đêm nào cũng vậy. Chồng con thế nào?

- Cô khẽ thở dài. Khẽ đến nỗi bà không hề nghe tiếng. Ánh trăng chiếu hênh chếch qua cửa sổ, lọt vào giường hai mẹ con.

- Hắn cũng bình thường thôi mẹ ạ. Chúng con đi làm hầu như rất ít gặp nhau.
Bà cảm thấy lo lắng. Mùi hương thơm sực của con gái làm tim bà đập gay gắt.
- Nó có yêu con không?

- Cũng như những thằng đàn ông khác thôi mẹ ạ.

- Con phải chú ý đến mình nhé. ở nơi đất khách quê người, mẹ lo lắm.

- Mẹ đừng lo làm gì. Số con là sống trong nhung lụa, không bao giờ đói đâu.
Cô rúc rích cười, rồi thiếp ngủ trong ánh trăng dịu dàng. Bà trở dậy lấy nước cho ông ngâm chân. Nhưng ông khẽ thì thào bảo bà:

- Đấm hộ tôi cái chân một lúc kẻo con bé sợ mùi dầu.

Buổi sáng cô trở dậy, nhăn mặt khi bước vào toa lét.

- Tiền con đưa, ba mẹ xây ngay cái toa lét mới đi. Hôi quá, dễ sinh bệnh tật lắm.

Cô ngồi ngây ra nghĩ, ừ, kỳ lạ thật, mình nhìn thấy cái gì cũng nhỏ hẳn đi. Cái gì cũng mốc meo cũ kỹ. Nhưng đây là quê mình, là ngôi nhà mà mình thèm khát được nhìn thấy nó. Cô chạy ra hàng gội đầu ngoài phố. Đứa bạn cũ bụng chửa vượt mặt đang đứng gò lưng gội đầu cho khách, reo:

- Ôi, khách quý! Tao định vãn khách thì vào thăm.

- Cho mày hộp phấn làm quà. Mấy nhóc rồi?

- Sắp hai. Còn mày? Nó đâu mà không về cùng?

- Tao chưa có con. Đẻ bên ấy không dễ, phải kèm theo nhiều khoản tiền lắm mới nuôi nổi. Mày đun bồ kết gội đầu cho tao nhé.

- Ờ, bà đầm mà cũng gội bồ kết sao?

Cô bạn ríu ran hỏi đủ thứ chuyện. Rồi dìm tóc cô trong thứ nước vàng sánh màu mật ong. Cô hỏi:

- Mày còn hay tắm sông không?

- Lâu lắm rồi, từ cái dạo thành phố không có nước, còn sông thì cạn.

- Nước sông trong lắm, nhưng đến gần thì toàn rác.

Cô bạn phá lên cười:

- Trong không có nghĩa là sạch.

Cô đợi cho trời tối hẳn mới chạy ra sông. Trời rét nhưng hơi ấm của nước sông làm cô phấn chấn hẳn lên. Cô nhảy xuống nước và oà khóc nức nở. Có nên nói ra hết những gì mà cô đã phải chịu đựng? Nhưng cô không có quyền làm cho mẹ lo lắng. Cô sải tay bơi theo chiếc thuyền chài đang thả lưới đêm. Ánh lân tinh lấp lánh trên cánh tay trần và rực rỡ trên mái tóc như những chùm hoa sao, dòng nước thân thuộc ôm lấy cơ thể cô vỗ về. Bà hốt hoảng chạy ra sông gọi:

- Lên thôi con! Nước triều đang lên!

Cô nói vọng lên từ trong nước:

- Mẹ về đi. Bên ấy con còn bơi ngược sông Xen.

Bà không dám bỏ cô một mình dưới dòng sông, đành ngồi phệt bên mép nước chờ.

Những ngày vui vẻ trôi qua nhanh chóng. Cô con gái lại xách va li ra sân bay. Trước khi máy bay cất cánh, cô giúi vào tay người lái xe một phong thư, dặn:

- Chốc nữa nhờ anh đưa giúp cho ba mẹ tôi.

Vậy mà tim anh vẫn đập thình thịch. Như có ai thò tay vào bóp nặn trêu chọc nó. Tiếng cười trong trẻo và giọng nói ấm áp của cô như bủa vây quanh anh. Khi máy bay đã mất hút trên bầu trời xanh thẳm rồi, anh vẫn đứng lặng lẽ ở góc cửa tiễn khách. Ý định mở bức thư ra, tò mò chút ít một góc cuộc đời cô cứ thôi thúc trong anh. Mà lá thư cũng chỉ khẽ lách ngón tay là mở được ra. Những dòng chữ tròn trĩnh rõ nét đập vào mắt anh.
"Ba mẹ!

Con quyết định nói rõ cho ba mẹ hay hoàn cảnh của con hiện tại. Những ngày ở nhà thấy ba mẹ vui quá, mọi người cũng vui quá, nên con cứ chần chừ không dám. Bây giờ thì con hối hận đã không kịp làm một việc là lau khô dòng nước mắt của mẹ.

Con lấy phải một người có bệnh. Anh ta sang Việt Nam lấy vợ cốt có người hầu hạ và vì anh ta cho rằng dù sao nơi đất khách quê người chúng con cũng không có lối thoát. Anh ta kết bạn trai và con chưa bao giờ được thừa hưởng một mối tình vợ chồng thực sự.

Nhưng con không có tiền để đưa đơn ra toà. Bên này bỏ nhau tốn kém lắm. Một ông già giàu có đã bao con tiền để về thăm nhà. Con hứa sau đó sẽ lấy ông ta nếu ông ta cho con tiền để ra toà. Sau này khi có chút vốn liếng mà ông ta hào phóng cho, con sẽ lại ly dị với ông ta.

Ba mẹ, con ghê sợ một cuộc sống đạm bạc. Con sợ những con đường lầy lội, con sông rác rưởi lềnh bềnh. Con cần phải có tiền để trở về.

Sau này về, con sẽ lấy một người chồng Việt tử tế. Con tin là sẽ có người nhìn con bằng con mắt vẹn nguyên, trong trẻo. Nhất định người ấy đang đợi con ở đâu đó.

À mà lúc ba mẹ đọc thư thì con đang bay trên bầu trời, con đang nhìn rõ dải đất hình chữ S. Mẹ nhớ trồng cho con cây bồ kết thế vào chỗ cây trứng cá bị chặt nhé. Nó sẽ nở hoa và cho trái...".

Anh thẫn thờ nhìn lên bầu trời. Nơi ấy không một gợn mây. Bầu trời trong veo và thoáng đãng. Anh cũng chẳng biết mình định chờ đợi điều gì, lặng lẽ lê bước ra khỏi căn phòng kính.

Rồi anh quyết định giấu lá thư vào trong lồng ngực.

Lúc đó hai ông bà đang ngồi chờ người lái tắc xi. Ông đấm khớp chân mỏi nhừ, kêu lên:

- Anh ta làm gì mà lâu thế nhỉ?

Còn bà thì ngồi thu lu dưới ánh nắng hanh heo. Khi ấy nước mắt bà đã khô và trong lòng không nghĩ ngợi gì, chỉ thấy trống vắng và lạnh đến ghê người.
Nhưng khi người lái xe bước ra với nụ cười bẽn lẽn trên môi (đôi tay run rẩy giấu trong vạt áo khoác), bà đột nhiên thấy mùa đông còn lại không đáng sợ và cuộc chờ đợi dài dằng dặc lần này cũng không đáng sợ nữa.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.