chan_dung-ke_si

CÂY BÀNG XÓM CHỢ - Truyện ngắn Minh Hương

27-12-2023

Lượt xem 1053

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Minh Hương

CÂY BÀNG XÓM CHỢ - Truyện ngắn Minh Hương

Chân Dung Kẻ Sĩ: Năm 19 tuổi, nhà văn Minh Hương (1924-2002) rời quê nhà Hội An vào Nam sống bằng nghề giáo, y tá và viết báo. 
 
Ông dùng văn chương, ký họa đời sống của người lao động, các món ăn, các thú vui chơi... ở khắp các nẻo đường Sài Gòn, sau này được tập hợp 
và in thành hai tập Nhớ Sài Gòn 1 và Nhớ Sài Gòn 2 (NXB TPHCM).

Trong đó, Sài Gòn Tôi Yêu, tác phẩm trong tập sách nói trên, đã được đưa vào sách giáo khoa ngữ văn 7.

 

Phố Hội là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Có thể nói, thời ấu thơ tôi đã trải qua phần lớn ở phố cổ (Hội An) và phần còn lại ít hơn ở Hàn (Đà Nẵng). Hội An có ít cây. Dọc bờ sông rải rác một ít dương liễu và bồ hòn. Trên vài con đường khác và trong các sân trường học trồng nhiều phượng vĩ mùa hè hoa nở đỏ rực như phun lửa, và sầu đâu (còn có tên là sầu đông, xoan) hoa tím nở từng chùm. Từ thu qua đông cây rụng lá, cành khẳng khiu. Cây xác xơ như người ốm giơ xương, hắt hiu trước gió bấc, mưa dầm. Một số cây da, theo tín ngưỡng dân gian lúc bấy giờ là nơi u linh, nơi ngự trị của các vị thần linh, chỉ trồng trong khuôn viên của đền miếu, chùa chiền. Rồi đến các cây phi lao được trồng nhiều để giữ không cho đất chuồi ở các cồn, các nổng (gò) và trên các trảng cát mênh mông chạy dọc phía Tây bắc và Đông bắc thị trấn. Lơ thơ trên các trảng cát vài ba căn nhà tranh thấp cất gần nhau thành từng cụm. Quanh nhà có hàng rào xương rồng lớn lởm chởm gai nhọn. Cách quãng trồng me tây (me keo) lá nhỏ xíu, trái cong cong màu xanh, cơm ăn được màu trắng phau, phớt hồng, hột đen, dạng hơi giống trái me chua. Có hàng rào trồng cây cườm gạo. Đất bên ngoài nhà mọc đầy mắc cỡ, bông bằng nút áo tròn trịa, màu hồng lợt, nhỏ. Lá vội xếp lại khi tay sờ vào. Các cây kể trên cây nào cũng có gai. Có thể các loại cây có gai này chịu được gió nắng và sống được trên mấy trảng cát khô hạn.

Từ đầu chợ thông xuống bến sông hai con đường ngắn chạy hai bên hông. Mỗi bên chỉ có một dãy phố buôn bán tấp nập. Nhà tôi ở phía hông mặt. Muốn qua đường bên kia phải băng qua chợ. Đường bên kia, sát bên hông chợ, một cây bàng cổ thụ bề thế, uy nghi, gốc to bành như một khối đá lớn nổi u, nổi bướu, giá ba người ôm cũng không xuể. Cành lá sum sê nhiều tầng, đâm ngang như một cây dù khổng lồ, gần như che mát cả một góc chợ giữa và một phần con đường. Rễ toa? ra xung quanh, nổi chằng chịt ngoằn ngoèo trên mặt đất xung quanh gốc như những con trăn da nâu điểm những đốm mốc.

Đặc biệt ở gốc cây tự nhiên lõm vào một hục lớn ăn sâu vào thân cây. Trong hục tự bao giờ ai đặt một cái trang thờ bằng gỗ sơn đỏ, vẽ hoa văn rồng chầu, phượng múa, mây bay màu bạc, vàng xanh. Ở trong cùng trang có mấy hàng chữ Nho kẻ trang kim trên nền đỏ. Rồi đến một bát hương luôn luôn khói lên nghi ngút. Hỏi, mấy cụ già nói đó là trang thờ thần sở tại. Phía trên cao trang lồ lộ một lỗ lớn. Miệng lỗ bị cháy sém. Trong lỗ là một cái bộng sâu. Nghe kể lại trước kia là nơi cư ngụ thường trực của con quỷ một giò hay phá quấy dân chúng gần đó. Theo lời dạy của thầy pháp, nếu nhà nào có ai đau yếu kéo dài thì phải đem xôi, gà, rượu đến đó cho thầy van vái xin chọ Dĩ nhiên phần lễ vật này thì quỷ thần chỉ hưởng cái hương cái hoa, phần lớn còn lại thầy gói mang về, thêm số tiền thù lao. Về sau, trong một đêm mưa gió sấm chớp đùng đùng, người ta đồn thiên lôi đã đánh vào bộng xẹt lửa sáng loè. Con quỷ hoảng hốt phải trốn biệt xứ. Một thầy pháp ở ngoài Bàu ốc vỗ ngực tự xưng chính mình trong đêm mưa gió ấy tay bắt quyết, miệng niệm thần chú sai bọn âm binh đi cầu viện. Thiên lôi vác búa giáng trần đánh vào con quỷ dữ. Lớn lên, khôn ngoan hơn, tôi nhận thức được rằng mấy lão thầy pháp ở xứ Quảng tôi cũng là những tay nói trạng, nói tướng có hạng lắm!

Theo trí tưởng tượng của người dân mê tín dị đoan lúc bấy giờ, ngự trị trên cây bàng còn nhiều vị thần linh ghê gớm như bà hoả, thần cây, thổ thần, các cô, các cậu thường đi rong chơi rồi bất ngờ ghé lại nghỉ ngơi, còn con quỷ một giò đã dời hộ khẩu và đương bị thiên lôi tầm nã. Cuối cùng thêm con tinh mặc đồ trắng toát thình lình xuất hiện lè cái lưỡi đỏ chót dài hơn một thước. Để kết thúc danh sách hộ khẩu trên cây bàng phải nói đến bà hoả, ác thần thường đốt nhà người dân. Có người còn cam đoan đã từng tình cờ thấy bà di chuyển trong đêm hôm khuya khoắt. Từ ngọn cây xẹt ra một đốm lửa tròn trịa, đỏ rực bằng trái bưởi, sáng ngời cả một vùng rồi thình lình biến mất...

Ngổn ngang xung quanh gốc và giữa những rễ nổi cộm trên mặt đất nào bình vôi bể bằng sứ hay cả bằng đất nung; bát hương, lư hương bằng sứ bể và nhất là các lò, các đầu rìu đủ loại cũng bằng đất nung, nhưng phải thứ đồ bể không dùng được, thêm vào chén, bát bể. Tất cả chất từng đống, từng cụm. Dân chúng quanh chợ và ở vùng quê phụ cận bao giờ cũng gọi các thứ di tích đồ gốm bể này là các ông: ông lò, ông táo, ông nồi, ông niêu, ông trã, ông trách...

Bọn chúng tôi học trò tiểu học, nhà cửa quanh quẩn xóm chợ là những đứa nghịch ngợm nhất. Tuy vẫn một lòng tôn kính cây bàng huyền thoại này, không bao giờ dám trèo phá bắt chim non hay khoèo móc trái chín, loại trái nổi tiếng là ngon nhất thị trấn. Nhưng cũng không kiềm chế được tính tò mò và vẫn không hoàn toàn tin vào những lời huyền hoặc. Thỉnh thoảng làm như vô tình lén nhìn lên ngọn cây để có thể thấy được cái gì lạ. Lần nào cũng thấy từng bầy sáo sậu, chào mào, bù chao bay về đậu trên mấy cành rậm lá. Suốt ngày bọn chim sâu nhỏ xíu vừa kêu líu lo vừa chăm chỉ tìm bắt sâu trên lá, trên cành. Mỗi chiều khi hoàng hôn xuống là đã nghe tiếng ríu ra ríu rít sắc và nhọn như đâm vào lỗ tai của biết cơ man nào là dơi từ trong các bộng cây, các đám lá bay ra chập chờn trong bóng đêm.

Những ngày hè trời oi bức, bọn trẻ chúng tôi thường qua đêm ở hàng hiên ngay trên bệ xi măng hoặc trên sạp gỗ dùng để bày hàng trước nhà. Chẳng là từ xưa, người ta vẫn đồn rằng đêm khuya nằm ngoài mái hiên có thể nghe tiếng vó ngựa rầm rập của con xích thố của Quan Vân Trường trong chùa ông ở con đường chạy ngang đầu chợ. Ngựa thiêng chạy xuống sông để ăn cỏ non và uống nước bến sông. Còn nghe được tiếng ngựa hí nữa.

Thỉnh thoảng ban đêm tôi thường kiếm chuyện qua nằm ngủ với người bạn ở hàng hiên, sát bên con đường tráng nhựa chạy thẳng từ trước mặt chùa ông xuống đền mé sông. Gió sông thổi ngược lên mát lạnh. Chúng tôi phải đắp mền kín mít vì sợ... ma. Mền cũ rách mấy lỗ ở một đầu. Chúng tôi cố ý đắp đầu này lên mặt cho nên qua các lỗ rách, hai đứa vẫn nhìn được lên cây bàng mà chẳng thấy gì cả, chẳng nghe tiếng vó ngựa và cả tiếng ngựa hí vang. Chưa bao giờ thấy một trái cầu lửa sáng lòa trên ngọn cây hay xẹt vào không trung để biết được bà hoa? du hành đi chơi đó đây.

Thuở nhỏ, nhiều loại trái như me, thị, trái xay, xoài sống, ổi, trâm rất hấp dẫn đối với chúng tôi. Nhưng phải công nhận trái bàng chín có sức hút rất lớn. Mùi thơm ngọt nhẹ nhàng như quyện vào mũi, không chịu bay đi chợ. Không để sát mũi vẫn nghe mùi thơm. Giấu ở gầm ván ngựa, người nhà đã ngửi thấy ngay. Gia đình cấm tuyệt hái trái bàng chợ ăn vì sợ các vị khuất mặt trên đó quở trách, bắt bệnh hoạn. Sự thật chúng tôi chỉ bỏ ra ít xu mua của anh em nhà Mót thì có một đống bàng hay một đống mẹ Thắc mắc, tôi hỏi bà Sửu bán thịt heo ngoài chợ, mẹ của một người bạn học:

- Thưa bác, mấy anh em nhà Mót trèo cây, hái trái, bắt chim con, xuống sông lặn lội cả ngày, mót củi, chẳng sợ hà bá hay ma da nào vật chết cả.

Bà Sửu mỉm cười trả lời một cách tự nhiên:

- Đừng tin chuyện ma quỷ lộn xộn đó mà mệt. Mấy anh em nhà Mót đói rách quá thì còn sợ cái chi nữa? Chúng hái trái cây, bắt chim non, mót củi là để bán lấy tiền mua gạo. Có chọc ghẹo, hỗn hào gì với thần thánh, ma quỷ nào đâu!

Từ đó nhờ cái lý luận dung dị và thực tế của bà Sửu mà chúng tôi bớt đi nhiều nỗi sợ hãi hão huyền đối với cây bàng cổ thụ. Một mặt chúng tôi mạnh dạn mua bàng, xoài sống, me chua cổ yếm có tiếng trồng trong Toà đại sứ Pháp của anh em nhà Mót bán và lần lần chúng tôi dám ngừng lại nói chuyện bên cây bàng chợ và dám nhìn lên tận ngọn. Mặt khác, các anh chị lớn hơn ở xóm trên hoặc xóm dưới, đêm tối mượn vị trí cây bàng làm nơi hẹn hò, trò chuyện. Thế mà chẳng thấy có chuyện gì nguy hiểm, khủng khiếp xảy ra cả. Sáng ra chỉ thấy một số lá bị xé vụn rơi vãi trên mặt đất và những hình kỷ hà vẽ trên mặt đất trông giống như chữ bùa, chữ Hời.

Trái bàng xóm chợ ngon đáo để. Màu da vàng ửng đỏ, mượt mà. Phập răng vào nghe thơm ngát, mềm ngọt như ổi sẻ ruột đỏ chín. Ăn sạch cùi, rất sạch. Còn lấy hột, dùng cục đá đập vỡ vỏ cứng, lấy nhân bỏ miệng nhai nát, rất bùi, rất bổ, rất ngon.

Chúng tôi còn lấy lá bàng tươi kết lại làm mũ cánh chuồn và xưng vua với nhau. Có khi kết lá lại khum khum và nhọn hai đầu làm mũ calô, mấy đứa đội mũ calô xếp một hàng dọc tập đi một, hai như lính khố đỏ.

Và mỗi chiều, khi lá rụng nhiều ngập cả xung quanh gốc bàng, có một bà giá quét gom lại đổ vào hai giỏ lớn rồi gánh về phía làng Câu (Phước Trạch, gần cửa Đại, nay thuộc về Hội An). Được biết đem lá bàng rụng về nấu nướng nhuộm lưới đánh cá, lưới cũ cũng như lưới mới để... lưới được bền và giữ lâu được màu nâu...

Hễ thấy bàng hết trái và bắt đầu rụng lá thì biết đã gần đến Tết. Chúng tôi mừng thấp thỏm mơ đến những ngày đầu năm được ăn ngon, mặc đồ tốt và rủng rỉnh trong túi ít nhiều đồng xu, đồng giác (đồng hào, đồng cắc) của người lớn mừng tuổi cho.

Rồi những lá non ló ra mơn mởn màu lục lợt. Mỗi ngày lá đâm ra nhiều, lớn mau, rậm cành. Là đến hè...

Hết hè bàng bắt đầu chín. Trái bàng mũm mĩm từng chùm, lòng thòng trên cành vẫy gọi sự thèm thuồng của tuổi trẻ đương sức lớn. Rồi mùa đông chợt đến, gió lạnh, mưa rả rích... Cây bàng xóm chợ rụng lá, rụng lá, những chiếc lá vàng rồi đỏ au lần lần sẫm lại màu mắm ruốc.

Ngày tháng trôi qua đều đặn, nhưng cũng nhiều bất trắc, gian truân và thăng trầm. Cách đây gần 60 năm, tôi theo gia đình vào Nam lập nghiệp. Rồi lớn lên đi đó đi đây, vì công việc, vì sinh kế gần như không còn nhớ đến cây bàng xóm chợ nữa. Bỗng nhiên gặp lại người bạn cũ ở lục tỉnh lên chơi, tay bắt mặt mừng, hàn huyên suốt mấy ngày liền. Giữa những câu chuyện sôi nổi, thú vị bỗng dưng tôi nhớ đến cây bàng và như vô tình nói mà không chút suy nghĩ: "Không biết tại sao lúc này tôi lại nhớ đến trái bàng và mùi vị của nó. Trong này bộ ít thấy trồng bàng và ăn trái bàng?". Người bạn tủm tỉm cười. Độ ba bốn tháng sau anh lại đến chơi nhà tôi. Trong chuyến này anh mang lên một gói giấy xốp. Mở ra, mùi bàng chín ngọt ngào bay khắp phòng. Một mùi rất riêng, rất độc lập, không lẫn vào đâu được. Tôi bàng hoàng nửa tỉnh nửa mê, đứng tần ngần một lúc. Cả một quá khứ ấu nên với hình ảnh cái chợ, cây bàng, con sông Hoài, mấy dãy phố rêu phong và mấy thằng bạn bé loắt choắt nhưng tinh ranh hết biết hiện rõ mồn một trong trí. Tôi bỗng nhớ câu Kiều của Nguyễn Du: "Hương gây mùi nhớ... ".

Nhớ mùi bàng chín, tôi tìm lại được những mảnh ấu thơ vô tư, mấy người bạn nhỏ hồn nhiên xóm chợ. Đi gần hết quãng đời còn lại - tôi nay đã 76 tuổi - nhờ hương bàng mà nhớ lại, gặp lại chính mình, gặp lại cậu bé của một thời đẹp nhất và cũng sung sướng nhất...

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.