Nhà văn Dương Hướng (bên phải), thành viên của Hội đồng Chung khảo đánh giá cao chất lượng của các tác phẩm tham gia cuộc thi. Ảnh: Tô Thế
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - thành viên Hội đồng Chung khảo Cuộc thi viết văn về Công nhân - Công đoàn giai đoạn 2021 - 2023 hoàn toàn bất ngờ về chất lượng các tác phẩm dự thi, ở cả thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết.
Trong khuôn khổ Cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn giai đoạn 2021 - 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, Báo Lao Động chủ trì, đến chiều 16.10, từ 43 truyện ngắn, 18 tiểu thuyết, Hội đồng chung khảo đã chọn ra 15 tác phẩm xuất sắc nhất của cả 2 thể loại để trao giải chính thức vào tháng 11 tới.
Chia sẻ về chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay, nhà văn Lê Minh Khuê - thành viên Hội đồng Chung khảo cho biết, “Ở cuộc thi lần này, hầu hết các tác phẩm có chất lượng trên trung bình. Qua vòng sơ khảo và chung khảo, tôi đánh giá có một số truyện ngắn, tiểu thuyết xuất sắc. Cuộc thi mang đầy ý nghĩa đối với người công nhân, lao động trên cả nước. Qua cuộc thi này, độc giả có thể hiểu thêm về đời sống, số phận, môi trường làm việc vất vả của công nhân, người lao động.
Công tác tổ chức, chấm giải năm nay cũng diễn ra rất tốt. Vòng sơ khảo, chúng tôi đọc kỹ các tác phẩm và phân loại ngay từ đầu. Đến vòng chung khảo, chất lượng các tác phẩm được rút gọn đều ở mức khá trở lên. Lâu lắm rồi mới có một cuộc thi về người lao động như thế này. Tôi rất vui, hứng thú khi đọc các tác phẩm dự thi và đánh giá cuộc thi này đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, để chúng ta thấy được rõ hơn vai trò, vị thế của người công nhân, lao động”.
Theo đó, nhà văn Lê Minh Khuê chia sẻ, chị ấn tượng với những chi tiết, tình tiết về cuộc sống, môi trường lao động được miêu tả sinh động ở nhiều tác phẩm. Đời sống của công nhân, người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường, nông trường trên khắp các vùng miền đang phản ánh rõ nét đời sống xã hội, đời sống kinh tế đất nước.
“Bám vào đề tài người lao động, người viết có thể nói lên rất nhiều vấn đề trong kinh tế, xã hội. Trước kia, đề tài công nhân và nông nghiệp được phân rõ. Hiện, rất cần những cuộc thi như thế này để các tác giả, những cây viết chuyên nghiệp và không chuyên tập trung khai thác cuộc đời, số phận của người công nhân, người lao động như thế này. Những vấn đề xã hội luôn tác động đến văn học. Chắc chắn khi được khơi nguồn cảm hứng từ các cuộc thi, những người cầm bút sẽ viết, sẽ tâm huyết và theo đuổi đề tài” - nhà văn Lê Minh Khuê nói.
Cùng quan điểm với nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - thành viên Hội đồng Chung khảo đánh giá cao ý nghĩa của Cuộc thi viết văn về công nhân - công đoàn.
“Viết về công nhân, công đoàn và người lao động là đề tài rất khó, đòi hỏi sự thâm nhập thực tế, đòi hỏi chất liệu đời sống thực tế rất cao của người viết. Hội Nhà văn Việt Nam cũng có ban riêng dành cho các cây bút về viết công nhân, người lao động. Các nhà văn phải thâm nhập đời sống công nhân, ăn ngủ, sinh hoạt, lao động cùng họ để sáng tác. Tuy nhiên, đề tài này bẵng đi một thời gian chưa có những tác phẩm xứng tầm, gây tiếng vang. Những cuộc thi như lần này của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Báo Lao Động chắc chắn sẽ khơi nguồn, sẽ là bệ phóng để chúng ta có được những tác phẩm lớn” - nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nói.
Tác giả của “Xin hãy tin em” bày tỏ sự ấn tượng dành cho chất lượng những tác phẩm dự thi lần này. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ khẳng định, chị đã bất ngờ và ám ảnh với nhiều tác phẩm, khi miêu tả chân thực đời sống, môi trường làm việc khắc nghiệt của công nhân, người lao động.
Nhà văn Dương Hướng cũng khẳng định, ông đã ám ảnh với chất liệu dữ dội, cách viết gai góc ở những tác phẩm dự thi Cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn lần này. Nhà văn Dương Hướng hy vọng, ở những mùa tiếp theo, cuộc thi sẽ tìm ra những tác phẩm gây tiếng vang, thậm chí có thể là “quả bom” xuất hiện giữa văn đàn đang yên ắng.
Theo laodong.vn
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com