chan_dung-ke_si

CĂN NHÀ ĐƠN CHIẾC – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

30-08-2024

Lượt xem 1356

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lê Minh Khuê

CĂN NHÀ ĐƠN CHIẾC – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

Nhà văn Lê Minh Khuê

Chân Dung Kẻ Sĩ: Căn Nhà Đơn Chiếc là tác phẩm rút từ tập truyện ngắn được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016 “Làn gió chảy qua” của nhà văn Lê Minh Khuê.

***

Chú ạ, cháu bị nó lừa thê thảm!

Câu nói ấy mở đầu tất cả các buổi trò chuyện. Của hai con người cùng quê. Làng bên con sông vẫn còn trong xanh. Có lẽ do ở xa nơi đô hội xa nguồn nước thải. Ông Hạng cầm đầu đám thợ đang làm biệt thự cho một ông trông không có vẻ đại gia, đi xe máy tàng tàng, tự phóng đến nơi xây dựng kiểm tra công trình. Nhưng nghe thì khá hãi. Dự toán biệt thự xây một ngàn tỷ, sẽ có vàng thật khảm vào dòng chữ treo trước hiên. Chữ Tàu. Nội thất trong các phòng đã đặt ở Ý, đang trên đường về. Gương Ý. Thảm Ba Tư... Biệt thự có 20 phòng. Ba tầng. Thiết kế kiểu nhà Pháp cổ. Ông Hạng cầm đầu nhóm thợ sáu người. Hai nhóm kia quê trong Nam thường về trong phố nghỉ ngơi. Nhóm thợ của ông Hạng ở gần công trình cho đỡ tiền thuê nhà tiền di chuyển. Đại gia này cũng rộng rãi với thợ nhưng người Bắc có máu dè sẻn, tiết kiệm tiền bỏ ống để lo cho cả nhà. Lo cho tuổi già.

Cách đây ít lâu, Nhâm gọi ông Hạng là chú họ, cùng với thằng con trai bị đẩy khỏi một nơi nào đấy. Mếu máo đến với ông Hạng. Ông Hạng thuê cho cái phòng gần chỗ cánh thợ của ông thuê. Cô Nhâm thường sang chỗ cánh thợ của ông Hạng, đem cho ông cút rượu nếp cô lấy ở đâu đó. Và vào câu chuyện với cái câu: Cháu bị nó lừa thê thảm.

Sau đấy không có câu chuyện bị lừa. Hình như ông Hạng đã nghe rồi. Biết rõ rồi nên không nhắc lại. Ông Hạng và cô Nhâm ngồi ở ghế băng. Chuyện gần chuyện xa. Chuyện giá cả. Chuyện việc làm. Nghe chuyện thì biết cô Nhâm không ở làng mà ở một nơi gần thành phố đây. Cô bị đẩy ra. Cô chỉ muốn lấy lại nơi cô ở. Một căn nhà không nhiều tiền nhưng nó là nhà cô. Nghe chuyện thì cũng biết cô Nhâm do có nhan sắc nên được vào làm trong quán rượu, không sáng choang nhưng lại là chỗ được những kẻ sành sỏi tới uống. Thằng Quốc con trai cô mới 15 tuổi đã được mẹ sắm xe SH. Nó đeo kính cận. Đi xe SH đến gần trường phải gửi tháng vì nhà trường cấm học sinh đi xe máy. Xe SH của nó nhìn đã thấy trịch thượng, thấy thật đáng nể. Cô Nhâm xin cho con chuyển trường giữa năm học, trái tuyến mà xin vào được lớp chọn trường chuyên. Cả một sự tốn kém. Nhiều nghĩa...

Cứ như vậy. Chú và cháu thầm thì chậm rãi.

Trong đám thợ có một cậu không phải người làng. Ông Hạng thấy là người khỏe mạnh, tay chân như gấu nhưng làm ăn rất cẩn thận, cư xử đàng hoàng, ông cho nhập nhóm. Là thợ sơn, lúc này công trình mới khởi công nên làm tạm thợ xây. Có cái tên nghe lạ tai. Tho. Ông Hạng bảo tên gì mà chả dùng được dấu gì ngoài dấu nặng, mày thêm cái dấu nặng có phải tên hay hơn không. Tho lắc đầu bảo ông cháu chọn tên, không dám đổi. Tho đã học xong đại học xây dựng. Học song song trường kinh tế. Có hai bằng trong tay nhưng Tho bảo chạy việc cực khổ hơn làm thợ sơn. Tho xếp hai bằng đi làm mấy công trình rồi. Thời buổi này thợ xây thợ sơn lành nghề có giá hơn nhiều kẻ bằng cấp đầy mình mà không lắp nổi đường dây điện trong bếp. Nghe vậy ông Hạng bảo mày thực sự là thằng có chữ đấy.

Ông Hạng nói chuyện với Nhâm thường ngồi quay lưng lại phía Tho. Tho nửa nằm nửa ngồi trên cái sa lông cũ, đồ thải của chỗ thuê trọ, dán mắt vào chu du khắp thế giới trong cái iphone nhưng tai để cả ở chỗ ông Hạng cô Nhâm. Cô Nhâm tấm tức: Cháu bị nó lừa thê thảm chú ơi!

Thôi. Nhắc làm gì nữa!

Nhưng cháu không chịu được. Ruột gan cháu quặn lại mỗi khi nhớ đến cái sự để nó lừa ngon ơ như thế. Tình ngay lý gian, cháu phải đòi lại được cái nhà trên đó cháu mới yên chú ạ.

Mày cũng ổn ổn rồi mà. Mày xin chuyển trường cho thằng con cưng, mày mua xe xịn cho nó. Mặt mũi mày lại trắng trơn ra, nghĩ tới chuyện kia làm gì nữa.

Nhưng cháu phải về. Cháu không thích tạm bợ như thế này...

Lão ở quán rượu vẫn chu cấp hả?

Vâng. Chú ạ. Chứ cháu lấy tiền đâu. Mẹ con cháu trắng tay mà. Ông ấy thì giàu. Giàu quá. Y như ông chủ đang thuê bọn chú xây nhà. Giàu không ra mặt. Không đi xe tiền trăm tỷ. Không mặc sơ mi năm trăm đô. Không đeo đồng hồ vàng Thụy Sĩ... Ông ấy đi cái ô tô cũ cũ, tự lái. Nhưng cháu nghe nói ông ấy có nhà máy. Tháng nào cũng chi tiền lương cho công nhân cỡ 3 tỷ. Ông ấy có vài biệt thự ở Sài Gòn. Còn ngoài này ông ấy ở chung cư. Bà chủ quán cháu làm nghe được thế không biết có chính xác. Cháu không mất gì đâu chú có tin không?

Tho hơi ngẩng đầu khỏi cái sa lông. Dừng mắt ở cái tin đang đọc dở “Nổ bom ở Iraq”. Tho muốn nghe cô Nhâm nói lại: Cháu không mất gì. Tho nhìn khuôn mặt cô qua vai ông Hạng. Khuôn mặt đàn bà nhìn là muốn ấp vào giữa hai bàn tay, để cảm nhận sự mềm mại, sự kiều diễm, cảm nhận mùi thơm, cảm nhận sự run rẩy của con tim đàn bà đang chênh chao giữa yêu đương và sợ hãi. Tho chưa thấy ai có vẻ đẹp này. Con người như thế mà bị đẩy ra khỏi tổ ấm, mà phải tức tưởi vì bị lừa đảo. Tho nhìn cô Nhâm rất lâu nhưng cô không biết. Tho ở trong phía tối, còn cô Nhâm ngồi giữa ánh sáng cây đèn treo trên tường.

Cháu không mất tí gì chú ạ!

Cô Nhâm, lần đầu tiên thổ lộ cho ông chú cái nguồn tiền mà cô chuyển trường cho con, mà cô mua SH cho nó, có lúc cho nó thịt cá bánh kẹo cao cấp trái cây nhập khẩu. Cô bảo thằng con cô ngu dại. Nó nhìn săm soi tiền cô đưa cho nó rồi có lần hỏi: Ở đâu ra tiền này? Rồi còn tinh tướng tuổi học trò chơi trò cao thượng: Tiền có sạch không hả mẹ? Cũng đầy ngụ ý ngụ tứ. Ngu quá con ơi! Cô không cười nổi khóc nổi. Cô bảo: Nếu tiền bẩn thì con có dùng không?

Không, mẹ ạ! Nó cương quyết. Con sẽ đi vác gạch cho ông Hạng, con không muốn mẹ lấy tiền bẩn. Mẹ là mẹ đẹp nhất của con, tốt nhất của con, mẹ không nên làm những việc ấy vì con. Thằng ngu 15 tuổi đầu yêu mẹ đến độ đó thì cô phải sống cho ra sống.

Câu chuyện với ông chú cứ thầm thì như vậy. Tho đã nằm xuống xem sang tin ở Ucraina. Một vùng đất xinh đẹp đang bị xâu xé. Tho xem cái thế giới hỗn loạn mù mịt trong cái iPhone mà không hiểu. Tho vẫn bị chuyện của cô Nhâm cuốn đi. Ông Hạng đủng đỉnh: Tao cũng biết cái thằng đại gia mà mày nói rồi. Cách đây hai chục năm phất lên từ bất động sản.

Phải. Chú ạ. Lần đầu tiên ông ấy nhìn thấy cháu trong quán hơi sững người. Nhìn rất lâu. Chả nói chả rằng. Rồi từ đó tuần nào ông ấy cũng đến quán bar buổi tối. Chỉ thích ngồi ở cái bàn bên trong gần cửa sổ, chỗ có cành táo dại rủ xuống. Cháu ngồi đối diện với ông ấy. Cháu biết ý, cháu mặc cái áo màu xanh dương, ông ấy thích áo ấy, cổ rộng, tóc búi cao cho ông ấy nhìn cái gáy, chỉ yêu cầu cháu chừng ấy. Rồi im lìm uống rượu. Cháu là nhân viên rót rượu nhưng không cho cháu làm. Cho một cậu khác làm. Chai rượu này cháu biết, giá hơn hai trăm triệu. Chai nhỏ tí thôi. Ông ấy uống trong tuần. Nhâm nhi. Có khi đến 12 giờ đêm mới về. Về rồi lần nào cháu cũng thấy cái phong bì để trước mặt cháu. Phong bì nặng lắm chú ạ. Mọi thứ tiền ở đó ra đâu có phải là tiền không sạch.

Không bẩn cũng không sạch! Ông Hạng nói. Nhưng mày nhận được. Kể thì đại gia nó cũng lắm kiểu thật. Ngồi uống rượu cạnh một đứa đàn bà mà chả nói năng gì... Nó có hé ra là mày giống đứa nào không?

Không hề chú ạ. Cứ im như thóc ấy. Mà rượu cũng không uống nhiều. Một tuần có cái chai ấy. Thích ăn phomat. Cháu thấy ông ấy thật đủng đỉnh. Đủng đỉnh như thế sao lại lắm tiền nhỉ? Hôm vừa rồi ông ấy cho cháu năm trăm đô, bảo phải đi vào Nam hai tuần. Bà chủ bảo cháu nên dè chừng cô vợ ông này. Trẻ lắm. Thời trang cao cấp lắm. Học hành cũng cao lắm. Bà chủ biết hết. Nhưng chú ạ, cháu có làm gì đâu?

Không làm gì mới đáng lo.

Tho biết câu nói đó có nhiều ý. Nhâm ngây ngô không hiểu. Nhiều khi nhìn Nhâm, Tho thấy sợ. Hay cái cách người đàn bà này sống mà không đề phòng gì. Không một ai bảo vệ. Còn Tho? Chị ấy chỉ đi lướt qua Tho xem Tho là thằng nhóc.

Mọi việc cứ thế diễn ra. Tốp thợ đang xây móng nhà cho đại gia. Đại gia thích chơi trội thích khoe của. Sẽ khảm cả vàng thật sẽ lát toilet bằng gạch Ý... Nghe nói ông này đang xây chỗ “mai sau” tiền tỷ. Tho đã học hai bằng đại học khoa học, Tho lẳng lặng nghe cái sự chơi trội của đại gia. Tho cũng lẳng lặng mỗi buổi chiều đi ra ngã tư nhìn thiên hạ phóng xe máy. Hai cái vỉa hè bên đường không ai đi bộ được nữa. Hàng đoàn zombie ào lên bất cứ lúc nào. Đoàn zombie không còn não điên cuồng trào lên vỉa hè bất chấp cái gì ngăn cản như không đếm xỉa đến điểm dừng. Cái cách bọn zombie hung dữ mất phương hướng cắm đầu trên những chiếc xe máy làm Tho thực sự sợ hãi. Những bộ phim kinh dị Mỹ cũng không kinh dị như thế này. Thế giới rồi sẽ có dịch zombie. Người sống không thể chống cự với sự ào ạt của xác sống đi xe máy tràn ngập vỉa hè kia! Vậy mà có người đàn bà đẹp nhường ấy, sống động nhường ấy đã không có ai bảo vệ phải đưa con chạy mà phải mặc áo rộng cổ ngồi mấy tiếng đồng hồ cho một gã trọc phú học làm sang uống rượu ngắm. Như một thứ mồi nhậu!

Ngày hôm ấy, thằng Quốc con trai Nhâm nghiêm nghị phóng xe SH đi học. Nó về chỗ trọ buổi trưa, buổi chiều không thấy mẹ. Mẹ nó vẫn đi làm từ 4 giờ chiều. Hôm nay cả ngày không thấy mẹ. Nó gọi điện thoại không được. Nó đợi đến tối mịt, nó phóng đến quán rượu. Mẹ mày bị công an phường giữ từ sáng. Cái tin đó làm thằng bé xanh xám. Nó nhìn xung quanh. Những khuôn mặt dửng dưng, lạnh tanh, có cả cái mặt háo hức tò mò nhìn số phận người khác, nhìn nỗi đau người khác. Nghe nói tối qua một bà trung niên ngồi quán bị mất của. Một dây chuyền vàng trắng. Hai ngàn “oi” - gọi kiểu dân Đức gọi đồng Rô. Bà này vừa chân ướt chân ráo ở châu Âu về. Đòi chủ khám túi nhân viên. Khám cả Nhâm. Không có. Vậy thì khám tủ cá nhân của nhân viên, nơi để các vật dụng trước khi vào làm. Tủ cá nhân của Nhâm có hai ngàn “oi” giấu dưới lớp giấy báo. Có dây chuyền vàng trắng để trong túi áo sơ mi máng trong tủ. Bà kia tru lên như sói xứ lạnh: “Quán rượu mà thế à?”. Có sẵn một gã choai mặt lạnh, tranh thủ chưa có nhà chức trách, đã thẳng tay tát má phải Nhâm. Thẳng tay tát nốt bên trái. Nhâm chảy máu mũi ngã dập mặt xuống sàn, má xước một vệt dài, cũng chảy máu. Nhâm không khóc, mắt ráo hoảnh tiếng khàn đặc: Tôi không làm gì tôi không lấy.

Chủ quán quay đi tránh ánh mắt cầu khẩn của nhân viên cưng. Cưng vì có Nhâm quán có đại gia ngồi thâu đêm tiền chai rượu lãi gấp đôi. Nhưng vụ này phải thôi vì món tiền “cắt hợp đồng” này cũng to lắm. Chủ quán bảo: tôi không biết. Tội ai nấy chịu.

Người ở phường hỏi cung ghi biên bản. Nhâm phải ký cái giấy gì đó mà Nhâm không đọc. Tâm trí đâu để đọc? Có đọc cũng không thể hiểu. Xong việc, nhà chức trách nói nhỏ để cho Nhâm nghe. Tôi cũng tin cô. Cô bị bẫy rồi. Như vậy là cô đã có tiền sự. Phải cẩn thận!

Nửa đêm về sáng, con trai đưa Nhâm về. Ông Hạng không nghe cũng không chạy ra. Ông nằm trong màn thở dài sườn sượt. Đám thợ ngủ say. Chả phải việc của họ. Chỉ có Tho. Tho im lặng dắt xe máy vào cho Quốc rồi quay lại kéo tay Nhâm, bảo Quốc: Pha cho mẹ em ly trà gừng. Nước nóng ở bên anh.

Ngoài kia là mùa đông. Đang có gió bấc. Tho cầm tay Nhâm. Chị đừng sợ. Không ai tin là chị làm gì xấu.

Đến câu nói đó của Tho thì Nhâm khóc. Tức tưởi. Thả phanh cho nước mắt. Thả phanh cho nỗi sợ hãi bị làm nhục. Thằng Quốc đứng một bên mẹ. Tho một bên. Chả ai can, để cho Nhâm khóc. Tho để tay lên vai người đàn bà. Trong tức tưởi tủi nhục đang thả phanh, Nhâm co vai cảm thấy sức trẻ, da thịt trẻ, mùi trẻ, sự rắn chắc của tuổi trẻ. Thanh khiết và mãnh liệt. Như có chỗ dựa, như hy vọng cái gì đó mơ hồ, Nhâm dựa hẳn người vào phần thân thể trẻ trung ấy mà dịu dần. Nước mắt vơi dần. Thằng Quốc ôm vai mẹ: Uống nước nóng đi này, mẹ! Đến lúc đó, ông Hạng mới vạch màn ra ngoài.

Ngu ngơ thế thì còn oan khuất con ơi!

Vâng! Cháu không đi làm ở đó nữa...

Ngu thế. Ai cho mày quay lại. Tao đã bảo mà! Vợ nó trẻ thế cao cấp thế, nghe nói xách cái túi ba mươi ngàn đô, ông chủ tao đang làm nhà này biết vợ chồng nó. Thấy bảo thế! Giới ấy ai bảo mày dính vào! Mày ngủ với chồng nó, ngủ ngày ngủ đêm với cái thằng uống rượu ấy, con vợ nó không thèm chấp, xếp mày vào đám cave... Nhưng mày ngồi cho chồng nó nhìn uống rượu là không được. Là nguy rồi con ơi. Ngu ơi!

Nhưng hiện giờ ông ấy đang ở trong Nam mà!

Càng nói càng ngu. Thằng uống rượu ấy đi vắng thì mày mới bị nó xơi tái. Nó xơi mà mày bị nhục bị xem như con ăn cắp. Hết cao giá con ơi. Từ mai nhận việc thổi cơm cho thợ. Đi chợ thổi cơm. Tao trả tiền đủ cho mẹ con mày ăn.

Con chỉ muốn về nhà thôi. Con lại đi trông trẻ, lại dạy mẫu giáo. Cửa hàng tạp hóa lặt vặt của con vẫn đông khách mà. Nhưng con bị lừa thê thảm. Thê thảm lắm chú ơi!

Thôi mà mẹ!

Thằng Quốc siết chặt vai mẹ. Nhâm bất ngờ thấy tay mình trong bàn tay rất to bản của Tho.

Từ đó Tho lầm lì. Đi làm về lầm lì. Về lán trọ dán mắt vào cái điện thoại xem thế giới mỗi ngày một hỗn loạn xem con người tự tước mất hạnh phúc của chúa ban cho hàng ngày. Rồi một hôm Tho đứng với ông Hạng xa chỗ mọi người. Không ai nghe hai người nói gì, thấy tay vung loạn xạ. Thấy Tho đỏ mặt. Thấy ông Hạng giơ tay như sắp đánh nhau. Nhìn xa thấy khuôn mặt của Tho sắt lại, như già đi mấy tuổi. Sau cùng ông Hạng quát: Thì kệ mẹ mày! Mày muốn làm gì thì làm!

Ngay hôm đó Tho xin nghỉ làm mấy ngày. Đi xe máy ra phía ngoại thành. Tho cao lớn, hơi bị mập một chút ở phần vai nhưng chiều cao giúp Tho oai vệ. Tho đi về phía ông Hạng chỉ nhưng có lẽ cái cớ để Tho đi là những giọt nước mắt của người đàn bà mà Tho cảm thấy đời sẽ đẹp lắm nếu được chị ấy nắm tay đi cùng. Mọi chuyện phải để sau. Có lẽ phải để rất xa sau này.

Ôi, một đứa trẻ và một người đàn bà trong thân thể kiều diễm trời ban. Tho thở một hơi rất sâu. Đã nhìn thấy ngôi nhà. Nhìn sang trụ sở chính quyền đối diện ngôi nhà nhỏ. Tho bỏ qua trụ sở chính quyền. Tho phóng xe vào sân ngôi nhà nhỏ theo địa chỉ ông Hạng vẽ cụ thể...

*

Mười giờ đêm Nhâm nấu cho cánh thợ nồi chè đỗ xanh nóng. Từ hôm có đầu bếp đàn bà khéo tay, thợ được ăn đêm. Cháo gà. Chè nóng. Nhâm lầm lũi làm việc, khuôn mặt thanh tú giấu trong cái khẩu trang lớn. Có cái gì tủi thân tủi phận trong dáng ngồi bếp củi, ánh lửa hắt lên vầng trán sạch sẽ. Tho ngồi đọc tin trong điện thoại gần bếp lửa. Tin tức chẳng có gì vào đầu. Thế giới đang vỡ ra từng mảng chẳng quan trọng với Tho. Thế giới của Tho ở đây. Tho đi làm cái việc chỉ mình Tho biết, ông Hạng không biết cặn kẽ. Hơn một tuần qua rồi.

Buổi sáng hôm sau ông Hạng dậy sớm. Ông đọc tin nhắn trong điện thoại. Rồi ông đàm đạo gì rất lâu trong điện thoại. Lúc ấy Nhâm đang gọt khoai chuẩn bị bữa trưa cho thợ. Ông Hạng quát: Nhâm, lại đây tao bảo.

Nhâm đứng bên cạnh rất lâu, ông Hạng không nhìn Nhâm, ông nhìn cái cây mới trồng ở khu nhà trọ. Cái cây này do Tho mang ở đâu tới trồng đã bén rễ làm cho khu nhà có vẻ có tương lai bóng mát. Rồi ông Hạng nói rất to: - Thu xếp mà về đi! Về đâu hả chú? Về nhà. Nhà của mẹ con mày. Mày không mong như thế còn gì?

Nhâm bỏ khẩu trang ra. Gạt món tóc trên trán làm khuôn mặt thật sáng. Rờ rỡ sáng như mặt trăng. Nhâm xoay cái thân thể mảnh dẻ hai vòng làm ông Hạng suýt phì cười. Tho cúi nhìn đọc báo trong điện thoại, không để ý đến chú cháu Nhâm. Nhưng phút chốc Nhâm lại ỉu đi. Sao thế được hả chú. Anh ta với cái con kia mà chịu bán xới đi à? Sao thế được hả chú? Tao không biết. Cứ về chỗ thằng Hưng ủy ban mà lấy giấy tờ. Cứ về trước xem mọi việc đi. Thằng Quốc để yên đây cho nó học. Nó học dở năm chuyển làm gì. Yên tâm đi không ai làm gì cháu nữa đâu... Ông Hạng xuống giọng đột ngột, trìu mến, như thương đứa cháu đến đứt ruột mà chưa làm được gì cho nó. Cái tin này làm ông như không thể thở bình thường được. Ông liếc nhìn Tho. Tho đút điện thoại vào túi áo, đi ra bể nước của khu nhà trọ. Tho thản nhiên làm mọi việc hằng ngày: đánh răng rửa mặt ăn sáng rồi đi ra công trình. Tho không để ý đến Nhâm khi ấy đang mắt tròn xoe nhìn ông Hạng: Chú ơi, ai làm được việc này?

Tao không biết. Hỏi mãi sốt ruột. Đi mà lo việc của mày!

Nhâm bỏ găng tay làm bếp. Ông Hạng đã chỉ một người trong nhóm thợ ở nhà làm bếp chờ thuê được người mới. Nhâm đi về phòng trọ của hai mẹ con. Hoài nghi, xúc động nhưng không hiểu sao thấy rất tin là mọi việc đã ổn. Nhâm ngước nhìn qua cửa sổ sang bên khu thợ trọ thấy Tho, cầm cái bay trên tay, tay kia cài cúc áo bông. Tho cũng ngẩng lên nhìn. Một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt suốt ngày nghiêm nghị của Tho như gửi một chút gì đấy cho người đàn bà. Một chút thanh xuân mà Tho đang sở hữu...

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.