chan_dung-ke_si

BỨC TRANH – Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu

07-08-2024

Lượt xem 3356

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Minh Châu

BỨC TRANH – Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Minh Châu viết Bức Tranh năm 1976, ngay sau khi nước nhà thống nhất nhưng mãi năm 1982 mới công bố. Truyện ngắn này cùng với Chiếc thuyền ngoài xa, đánh dấu một giai đoạn mới trong các sáng tác của ông; Đằng sau một bức tranh đẹp đẽ luôn có mặt sáng và mặt tối. 

Tôi là một họa sĩ. Tôi không phải là một người viết văn. Tôi phải tự giới thiệu như vậy ngay từ đầu, không hề có ý muốn mong chờ hay cầu khẩn nơi các bạn đọc một thái độ rộng lượng. Ngay từ đầu, tôi phải nói vậy để tự dặn mình, tự ra lệnh cho mình, tôi viết chuyện này ra đây là viết cho tôi, cho một bức tranh tôi vừa vẽ xong. Thứ nữa, tôi viết cho một người thứ hai. Viết cho tôi hoặc cho một người thứ hai, một người thợ cắt tóc, thì những điều tôi sắp viết ra đây cũng chỉ là những lời tự thú.

Không biết đã bao nhiêu tháng nay, từ cái hôm vô tình tôi đến cắt tóc ở cái hiệu đó và phát hiện ra anh thợ cắt tóc đó, tháng nào tôi cũng tự bắt buộc mình đạp xe hai ba cây số đến cắt tóc ở đó. Cũng đã không biết bao nhiêu tháng nay, tôi cặm cụi để hết tâm sức vẽ một bức tranh sơn dầu. Sơn dầu vốn là một chất liệu không phải thuộc sở trường của tôi, nhưng với cái nội dung đó, tôi không muốn dùng thuốc nước hay sơn mài. Thuốc nước, cái nghệ thuật chấm phá của thần bút cũng như không khí lấp lánh hư ảo của sơn mài không thỏa mãn tôi, - tâm trạng một họa sĩ muốn dùng ngọn bút vẽ để tự tìm hiểu mình, tự phán xét mình. Sáng nay tôi đã vẽ xong, và lúc này, tôi đang ngồi trước bức tranh tự họa của mình, tự đối diện với mình. Các bạn hãy thử tưởng tượng khuôn mặt của một người khách đang ngồi như bị đóng đinh vào chiếc ghế mộc của một cửa hiệu cắt tóc, với một tấm khăn choàng trắng buộc trùm kín ngực. Một cái mặt người rất lớn chiếm gần trọn bức tranh. Những luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và trên đầu chiếu thẳng xuống một nửa cái đầu tóc tốt rợp như khu rừng đen bí ẩn, và một nửa mái tóc đã cắt thoạt trông như một phần bộ óc mầu xám vừa bị mổ phanh ra. Khuôn mặt của người khách: một cặp mắt mở to nhìn trừng trừng vào luồng ánh sáng, một cái nhìn khắc khoải, bồn chồn, kinh ngạc và đầy nghiêm khắc. Phần bên dưới của khuôn mặt như vẫn đang được giấu kín dưới một cái mặt nạ: cái cằm hai bên mép bị phủ kín bởi bọt xà phòng. Không thấy rõ cái miệng, chỉ trông thấy một vệt lờ mờ mầu đen nổi bồng bềnh trên đám bọt xà phòng phồng to.

Cái khuôn mặt đó thoạt nhìn thật xấu xí và lạ lùng, nhưng càng nhìn lâu càng giống tôi. Đó là khuôn mặt của mình, khuôn mặt bên trong của chính mình, tôi tự nhủ thầm. Đó là khuôn mặt của tôi lúc ngồi trên chiếc ghế mộc, đầu kê trên thành chiếc ghế được lót bằng một khúc gỗ lõm có lót da và đang ngước nhìn lên, đối mặt với người thợ cắt tóc.

Để các bạn dễ theo dõi, tôi phải kể ngay rằng cách đây khoảng tám năm, tôi đang công tác ở một chiến trường cực kỳ xa xôi giáp biên giới miền Tây Nam Bộ.

Khi nhận được lệnh trở ra miền bắc để cùng các họa sĩ ngoài Hà Nội chuẩn bị một cái triển lãm ở nước ngoài, thì tất cả tranh và ký họa của tôi vẽ trong mấy năm đã chất lên đầy một cái sạp lán giữa rừng căn cứ. Tôi lọc lấy chỉ độ một phần ba, vậy mà trên đường tôi đi ra, các đồng chí phụ trách các trạm giao liên trên từng chặng từng chặng một, phải thay phiên nhau cử một chiến sĩ của trạm đi theo "thồ" tranh cho tôi.

Hôm đó, đoàn chúng tôi đi qua một vùng trên đất bạn nổi tiếng nhiều biệt kích, lại rất đói, cũng là cái "rốn" của bệnh sốt rét. Chúng tôi được nghỉ lại một ngày để dưỡng sức, lán của nhóm khách đi đường chúng tôi dựng ngay trên đầu một cái lán khác của anh em chiến sĩ trong trạm. Buổi trưa, tôi đang ngồi vẩn vơ ghi mấy cái dáng hòn đá, thân cây trước lán nghỉ của mình, thì trông thấy một người chiến sĩ nước da xam xám và cặp môi thâm sì đang leo mấy bậc dốc từ lán dưới đi lên. Người chiến sĩ đi thẳng đến trước mặt tôi ngồi xuống xem tôi vẽ. Rồi sau mấy câu chuyện làm quen, người chiến sĩ tha thiết thỉnh cầu tôi vẽ cho anh một bức chân dung.

Tôi bỗng thấy tự ái. Tôi là một họa sĩ, chứ đâu phải một anh thợ vẽ truyền thần (!) Tôi từ chối khéo bằng cái mặt lạnh lùng. Người chiến sĩ tỏ vẻ phật ý, anh nhìn vào cái mặt lạnh lùng của tôi một thoáng rồi lẳng lặng quay lưng lại tôi, chậm rãi đi xuống dưới những cái bậc dốc.

Sáng hôm sau, chúng tôi lại lên đường. Thật một điều không ngờ, chẳng biết ai xui khiến thế nào mà chính người chiến sĩ trưa hôm qua lại "thồ" tranh cho tôi, chính lại là anh chứ không phải một người nào khác. Thật là phiền cho tôi quá!

Vừa ra khỏi trạm, người dẫn đường đã báo cho khách biết trên dọc đường phải vượt thật nhanh khi leo một con dốc, sau đó là một con suối rất trống trải, đã có một vài đoàn bị bọn biệt kích bắn lén hoặc máy bay thám thính phát hiện. Cái nghề đi đường rừng nó là như vậy, nói một chữ chung chung là đèo, dốc, suối... nhưng ở thực địa mặt mũi chúng chẳng chỗ nào giống chỗ nào cả. Đi đến quá trưa, chúng tôi gập lưng lại, lội qua một quả núi đất không dốc lắm, mọc đầy cỏ tranh đang trổ bông rất đẹp và lác đác có những hòn đá tai mèo. Những vỉa đá tai mèo mọc lởm chởm giữa cỏ tranh mỗi lúc một dày, và khi quả núi đổ sang sườn dốc bên kia thì chỉ có rặt đá tai mèo đen kịt, chúng tôi vừa thở dốc ra cả bằng mũi, bằng tai, năm ngón tay bịt chặt lấy chỏm đầu từng hòn đá một mà lần xuống.

ác thay cái bãi đá tai mèo nằm giữa khúc suối dưới chân núi. Có lẽ nó rộng đến năm trăm thước. Con suối chảy đến đấy thì phình rộng ra chảy lênh láng và réo lên ầm ầm trên một cái nền đá lởm chởm. Tuy đã được nghỉ một ngày nhưng sau khi leo qua được quả núi thì tôi đã thấm mệt. Tôi dò dẫm đi giữa khúc suối một cách vất vả quá, cứ dần dần bị tụt lại sau. Rồi chân tôi tự nhiên bị sỉa xuống một hẻm đá ngầm dưới nước. Tôi giơ hai tay lên trời chới với...

Người chiến sĩ "thồ" tranh cho tôi đang đi phía trước, cách một quãng khá xa, vội vã quay lộn lại. Nếu anh không đến kịp có lẽ là tôi bị dòng suối cuốn đi. Anh cởi chiếc ba lô sau lưng cho tôi, khoác vào trước ngực mình. Anh đỡ lấy tôi, giúp tôi rút cái chân lên. Rồi dìu tôi đi. Tôi thở dốc. Mồ hôi vã ra như tắm. Hai mắt đổ đom đóm. "Đồng chí cố gắng lên - Người chiến sĩ vừa đi vừa động viên tôi - Tôi dìu đồng chí đi nhanh qua bên kia suối sẽ nghỉ. Nếu thằng L.19 đến, chúng mình cứ ngồi xuống. Nó chẳng thấy gì cả đâu!".

Tôi không đủ sức theo kịp đoàn được nữa. Qua bên kia suối, người chiến sĩ lấy dầu con hổ bóp chân cho tôi, lúc ngồi nghỉ. Rồi bắt đầu từ đó, chỉ có hai người, anh và tôi, đi trong rừng. Tôi chỉ có thể đi người không. Người chiến sĩ vừa phải "thồ" đống tranh của tôi sau lưng (to và nặng gấp đôi một cái ba lô bình thường của khách đi đường) lại vừa phải mang thêm chiếc ba lô riêng của tôi trước ngực. Có lẽ tất cả đến sáu bảy chục cân. Mà người chiến sĩ có khỏe mạnh gì cho cam!

Tôi không nói thì chắc các bạn cũng biết, ngay từ lúc người chiến sĩ đến gặp tôi để nhận mang cái bó tranh, tôi đã khó xử đến thế nào? Thế mà bây giờ, trên dọc đường, không những riêng cái đống tài sản của tôi mà cả chính tôi cũng đã trở thành một gánh nặng cho anh. Xưa nay tôi vẫn cho mình là một kẻ cũng biết tự trọng, và cũng biết suy nghĩ. Giá người chiến sĩ tỏ thái độ lạnh nhạt hoặc mặc xác tôi nằm lại một mình, tập tễnh đi một mình giữa rừng, thì tôi cũng thấy là cái lẽ phải. Xưa nay tôi vẫn quan niệm rằng: sống ở đời, cho thế nào thì nhận thế ấy. Cái cách cư xử của người chiến sĩ đối với tôi chỉ có thể giải thích bằng lòng độ lượng. Độ lượng? Thế nhưng tôi nhiều tuổi hơn? Tôi lại là một họa sĩ có tên tuổi? Xưa nay tôi chỉ mới thấy lòng độ lượng của kẻ trên đối với người dưới. Bây giờ đây thì chính tôi, một kẻ bề trên, đang được một người dưới tỏ ra độ lượng với mình.

Tối ngày hôm đó, hai chúng tôi phải ngủ lại nửa đêm giữa rừng. Người chiến sĩ mắc võng cho tôi nằm rồi ôm súng ngồi gác bên cạnh. Nhưng làm sao mà ngủ được? Tôi đến ngồi bên anh, trên một phiến đá. Rừng đêm tối mò và đầy hăm dọa. "Tôi xin lỗi đồng chí về cái việc hôm qua... - tôi nói khẽ bên tai anh - Đến mai, thế nào tôi cũng phải vẽ đồng chí. Một bức, thật đẹp!".

"Giá có một chỗ nào có thể chụp ảnh thì tôi không dám phiền đồng chí nhiều vậy đâu! - Anh nói chậm rãi - ác một cái, ở trong rừng, chẳng có hiệu ảnh".

Ngừng một hồi rất lâu, anh lại mới tiếp:

"Vừa rồi tôi gặp cậu tân binh ở ngoài mới bổ sung vào. Mới biết, không hiểu sao gia đình tôi ngoài bắc lại nghe tin tôi hy sinh. Thư từ ở đây gửi về ngoài ấy mất một năm. Mấy năm nay tôi định gửi về nhà một cái ảnh theo cái điều ao ước của mẹ tôi từ lâu, mà không chụp ở đâu được!".

Tôi ngắt lời anh:

"Vậy thì tôi sẽ vẽ đồng chí một bức thật giống. Tôi sẽ trực tiếp mang theo ra. Đồng chí hãy viết một lá thư nữa và ghi địa chỉ gia đình cho tôi. Tôi sẽ trực tiếp mang thư và "ảnh" đồng chí tới tận nhà...".

Tôi sốt sắng bàn với anh kiếm củi nhen lửa để tôi vẽ ngay, nhưng anh ngăn lại.

"Đừng đốt lửa!" - Anh nói.

Sáng sớm hôm sau, anh đưa tôi đến trạm mới.

Tôi hoàn thành bức chân dung người chiến sĩ "thồ" tranh chỉ trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Tôi không thể có hoàn cảnh vẽ chậm chạp, rềnh ràng được. Bởi vì, ngay sau đó tôi lại phải theo đoàn lên đường đi chặng tiếp theo, và người chiến sĩ cũng đang có nhiệm vụ mang đồ đạc cho một đồng chí cán bộ cao cấp trong một đoàn khách đi vào trạm của anh. Cả hai chúng tôi đều vội, đến nỗi anh cũng chẳng kịp viết thư mà chỉ kịp ghi cho tôi cái địa chỉ. Rồi hai chúng tôi chia tay nhau.

Thành công của nghệ thuật có đôi lúc là một cái gì rất cầu ơ, điều này có lẽ chỉ có anh em chúng tôi trong nghề với nhau mới thấu hiểu hết được. Chắc các bạn sẽ lấy làm lạ - cũng có thể chẳng lấy làm lạ - nếu được biết rằng cái "bức ảnh truyền thần" người chiến sĩ mà tôi đã vẽ vội vẽ vàng trong cái buổi mờ sáng ở trong rừng đó, về sau, hoàn toàn ngoài cả dự định của tôi, đã nghiễm nhiên trở thành một tác phẩm hội họa nổi tiếng của tôi, không những ở trong nước, mà cả ở nước ngoài nữa. Thật thế, chính bản thân tôi cũng không thể nào lường hết được quy luật đào thải của thời gian. Một điều thật đáng buồn là tất cả số tranh và ký họa mà tôi đã tốn biết bao công phu mang từ trong chiến trường ra chuyến đó, chẳng có một bức nào còn lại được, mặc dầu một số lớn đã được bày triển lãm, đã được in rải rác trên báo. Trong khi đó, "bức ảnh truyền thần của người thợ vẽ" thì lại còn lại mãi mãi, như một cái "đinh" của sự nghiệp sáng tác của tôi, trong những năm chiến tranh.

Đáng lý ra tôi không bao giờ đến cắt tóc ở cái hiệu ấy. Nhà tôi cũng như cơ quan tôi làm việc đều ở phía cuối thành phố. Vậy mà cái hiệu cắt tóc chẳng có gì đáng phải chú ý đó ở tận đầu phía tây bắc thành phố, lại nằm trên một phố nhỏ khuất nẻo có lẽ là lần đầu tiên tôi đặt chân đến. Sáng hôm đó, một buổi sáng mùa hè, tôi có công việc đến một cơ quan, nhưng người tôi định tìm gặp chẳng may lại đi vắng. Tôi dắt xe ra, lượn vòng vèo quanh mấy khu phố cổ phía bắc để ngắm nhìn những mái ngói, những mảng tường. Tôi lang thang với con mắt nghề nghiệp khoảng vài tiếng đồng hồ. Buổi sáng đó, nếu trong túi tôi có một mẩu bút chì và cuốn sổ ký họa thì sau đó không bao giờ tôi nảy ra cái ý định đi cắt tóc. Tôi bước vào một cửa hiệu có hai ghế nhưng cả hai đều đã có khách. Tôi liền quay ra, dắt xe men theo một bức tường rất dài. Cuối bức tường, có một cái quán bán nước mở ngay bên một cái ngõ, một đám đông thanh niên đang ngồi nhẩn nha uống nước chè chén và hút thuốc. Bên cạnh quán nước lại thấy một cái hiệu cắt tóc khác. Chẳng có gì đáng có thể được gọi là "cửa hiệu" cả: kề sát bên mái là quán nước, một mảnh vải ni-lông tăng bộ đội che lấy một khoảng đất bằng bốn chiếc chiếu nằm hơi thụt sâu xuống vương vãi đầy những lọn tóc. Một chiếc ghế mộc cũ kỹ, có lẽ do người thợ cắt tóc tự đóng lấy, trên thành ghế vắt một chiếc khăn choàng trắng khá sạch sẽ. Quán cắt tóc vắng thợ. Chỉ thấy một bà cụ già đang cầm chổi quét những lọn tóc vun vào một góc. Tôi dựng xe đạp vào bức tường phía ngoài vỉa hè, bước vào. Cái quán cắt tóc thoạt trông vẻ ngoài chẳng có gì hấp dẫn nhưng điều khiến tôi có cảm tình ngay là trên bức tường, phía trên tấm gương soi, có dán bức tranh nổi tiếng của tôi. Đó chính là bức ký họa chân dung người chiến sĩ đã "thồ" tranh cho tôi tám năm về trước.

Lúc bà cụ già ngẩng lên, tôi mới biết đó là một người lòa. Nghe tiếng chân của tôi bước vào, bà cụ cầm chiếc chổi ngẩng lên, từ từ hướng cặp mắt trắng đục về phía tôi. Tôi nhận thấy một nét rạng rỡ, hoan hỉ đang từ từ lan ra trên khuôn mặt bà:

"Mời ông ngồi chơi một lát. Cháu nó uống chén nước xong là bắt tay làm cho ông ngay! Thưa, ông chỉ đợi cho mấy phút thôi ạ!".

Tôi đáp "vâng" và đến ngồi vào chiếc ghế. Bà cụ lại tiếp tục quét, nhưng có lẽ vẫn còn áy náy sợ khách bỏ đi mất nên lại ngẩng lên: "Có báo mới cháu nó để trên bàn. Ông coi đi!". Tôi giơ tay cầm tờ báo trên hàng chai lọ và giở ngay trang tư có đăng nhiều tin tức thế giới.

Tờ báo hàng ngày có một số tin mới. Tôi không phải loại người say mê môn bóng đá đến mức quá khích như một số người khác, nhưng cái bài tường thuật trận đấu bóng trên sân cỏ ở một thủ đô bên châu Mỹ La-tinh khéo quá, đã hấp dẫn tôi đến mức người thợ cắt tóc trở về lúc nào tôi không biết, tôi cứ để mặc cho người thợ cắt tóc quấn vào ngực chiếc khăn choàng, rồi dùng lược chải qua mái tóc, rồi bấm thử tông-đơ tanh tách bên tai, rồi hình như anh ta kêu tôi để tóc tốt quá lâu không chịu cắt. Cho đến lúc anh ta dùng hai bàn tay xoay cái mặt tôi cho thẳng và hất cái mặt tôi ngẩng cao lên hơn một chút, thì tôi mới chịu buông tờ báo.

- Bác cắt như cũ chứ?

- Vâng.

Trước mặt tôi, kề ngay sát, lúc bấy giờ là một anh thanh niên trạc ngoài ba mươi. Anh ta có một khuôn mặt mà hình như tôi đã từng gặp, nước da mai mái của người đã từng ở rừng. Một chiếc sơ mi bằng vải phin trắng ngả mầu cháo lòng và chiếc quần bộ đội cũ vá một vài miếng đang bốc lên một thứ mùi sin sỉn, mùi quần áo của những người thợ cắt tóc.

Tôi có thói quen không sửa được, thích trò chuyện:

- Anh làm ở tận trong cái ngõ này chắc ít khách?

- Cũng đủ lắm. Phần nhiều khách quen. Nhưng hồi này cái nghề chúng tôi làm ăn cũng khó khăn.

Tôi cãi:

- Khó khăn là những thứ nghề khác, những công việc khác, ví như những người mua gian bán lận, chứ như cái nghề của anh, thời nào mà sợi tóc chẳng mọc dài ra, người ta bao giờ mà chẳng phải cắt tóc?

- Nhưng bác tính, khi người ta làm ăn dư dả, có đồng tiền, thì mới năng trang điểm, tô vẽ cái răng, cái tóc chứ?

- Vậy thì tôi chịu anh. Anh làm nghề này lâu chưa?

- Đã gần mười lăm năm. Từ lúc tôi còn đi học và chưa đi bộ đội kia.

Tôi có tính hay lãng quên những việc không đáng quên một chút nào, nhưng ông trời vốn dĩ phú bẩm cho tôi một trí nhớ đôi lúc chớp lóe lên, có thể nhìn thấy rõ một ngày trong đời của tôi hồi sáu bảy buổi, như nhìn vào một bức ảnh cũ. Thế là tôi đã nhận ra được người thanh niên làm nghề cắt tóc đó. Đúng, chính là người chiến sĩ đã "thồ" tranh cho tôi, tám năm về trước. Ôi chao, lúc ấy, tôi chỉ muốn có một cái mặt nạ, hoặc bé xíu lại như một hạt đậu, trên cái ghế cắt tóc. Tôi biết nói thế nào để các bạn có thể cảm thụ được cái cảm giác phạm tội của tôi lúc ấy nhỉ? Có bao giờ bạn dọn nhà không? Khi người ta phải thay đổi chỗ ở, có những thứ đồ đạc tưởng mất biến từ lâu, lục lọi, tìm kiếm khắp vẫn không thấy, thì tự nhiên lòi mặt ra tận trong góc tủ, dưới gầm giường. Có những thứ đồ vật vô nghĩa. Có những thứ nhắc tới một chút kỷ niệm đẹp đẽ. Có những thứ gợi lên một câu chuyện chẳng hay ho gì, tưởng đã quên hẳn cái chuyện đó thì bây giờ cái đồ vật lại từ xó xỉnh, bụi bặm, từ trong xó tối từ từ bò ra, cái vật vô tri lại thủ thỉ nói chuyện với anh, khiển trách anh, lên án anh.

Tại sao ngày ấy tôi đã không đưa "tấm ảnh" đến cho gia đình anh? Tại sao tôi không giữ lời hứa? Mà tôi vẫn còn nhớ, tôi đã hứa với anh và cả với tôi nữa, đinh ninh và hùng hồn lắm, và cũng thực tâm lắm chứ? Trong cái đêm ấy, khi tôi ngồi bên anh trên phiến đá giữa khu rừng bên nước bạn, giá có phải chạy qua làn đạn của địch, hay băng qua ngọn lửa, thì tôi cũng quyết định sẽ vượt qua, để đưa tấm hình về trao tận tay những người trong gia đình anh, để đền đáp chút ít tấm lòng độ lượng quá lớn lao nhưng lặng lẽ mà anh đã đối xử với tôi. Lúc ấy, mắt tôi đã rưng rưng khi nghe kể chuyện ở ngoài này, bà mẹ anh đang nhầm tưởng anh đã hy sinh. Và buổi sáng hôm sau, lúc chia tay nhau, tôi lại còn hứa đi hứa lại, để cho anh trở về thật yên tâm và tôi lại còn nhớ, tôi đã nắm tay nhiều lần không nỡ rời, tôi ôm anh, rồi thật là giả dối chưa, tôi lại còn hôn anh nữa, trước khi lên đường đi chặng tiếp. Từ bữa đó, tôi đi bộ ròng rã gần ba tháng thì ra đến Hà Nội. Ngày đó, khi đặt chân về đến Hà Nội, tôi vẫn còn mang ý định đến thăm nhà anh ngay, và mang theo bức vẽ đến. Nhưng chỉ sau một tuần lễ, tôi đã thiết lập được với cái xã hội hậu phương chung quanh những mối quan hệ mới, cái không khí chiến trường tự nhiên nhạt nhòa đi, cái mối nhiệt tâm của lúc còn ở trong đó vơi bớt đi - không, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh! Tôi phải nhận rằng, chỉ sau một tuần lễ, được bè bạn sành sỏi nhất trong nghề đánh giá bức ký họa thật cao, tôi liền lờ quên cái người mẹ đang ôm ấp mối đau khổ vì ngộ nhận con trai đã hy sinh đang ở ngay trong thành phố, tôi liền đóng gói bức ký họa chung với những bức tranh đem đi dự triển lãm Việt Nam ở nước ngoài. ỷ vào ngày giờ đi quá cấp bách, tôi cũng không kịp nghĩ đến việc tới thăm bà mẹ anh nữa!

Có những lúc con người ta không còn chỗ trú nấp. Đó là cái lúc ngồi ngửa mặt lên chiếc ghế, tôi nhận ra anh một cách chắc chắn, biết không thể nào nhầm được nữa! Tôi chỉ còn mong anh không nhận ra tôi. Không, nhất định anh phải nhận ra chứ, khuôn mặt tôi gần mười năm nay chụp ảnh thấy ít thay đổi lắm. Mà cái mặt mình chỉ cách mặt anh có mấy tấc. Cặp mắt anh lại đang nhìn xói vào cái mặt tôi đang được bàn tay anh dằn ngửa ra. Da mặt tôi cứ dày lên. Tôi nhắm mắt, rồi mở mắt. Mỗi lúc mở mắt, tôi không thể nhìn đi đâu khác cặp mắt anh. Trời ơi, có lẽ tôi ngồi trên ghế cắt tóc ở cái quán này đã một nửa thế kỷ? Chốc nữa, sắp tới, anh sẽ làm gì tôi đây?

- Đồ dối trá, mày hãy nhìn coi, bà mẹ tao khóc đã lòa cả hai mắt kia! Bây giờ thì tấm hình tao đã được trưng trên các tạp chí hội họa của khắp các nước. Người ta đã trân trọng ghi tên mày bên dưới, bên cạnh mấy chữ: "Chân dung chiến sĩ giải phóng". Thật là danh tiếng quá!

- Tôi là một nghệ sĩ chứ có phải đâu là một anh thợ vẽ truyền thần, công việc nghệ sĩ là phục vụ cả một số đông người, chứ không phải chỉ phục vụ một người! Anh chỉ là một cá nhân, với một cái chuyện riêng của anh, anh hãy chịu để cho tôi quên đi, để phục vụ cho cái đích lớn lao hơn. Anh đã thấy đấy, bức "chân dung chiến sĩ giải phóng" đã đóng góp đôi chút vào công việc làm cho thế giới hiểu cuộc kháng chiến của chúng ta thêm!

"A ha! Vì mục đích phục vụ số đông của người nghệ sĩ cho nên anh quên tôi đi hả... Có quyền lừa dối hả? Thôi, anh bước khỏi mắt tôi đi. Anh cút đi!"

Giá lúc đó, sau khi cắt tóc xong, anh bảo tôi hãy ngồi lại để hỏi cái món nợ tám năm về trước, thì có thể sau đó tôi không trở lại cái quán cắt tóc ấy nữa, cũng nên. Thế nhưng anh vẫn làm như không hề bao giờ quen biết tôi. Khi tôi ra về, anh chào tôi một cách thân mật, nhã nhặn sau khi nhận tiền cắt tóc.

Đã gần một tháng rưỡi, tóc tôi dài quá, mà vẫn chưa cắt. ít hôm tôi lại đạp xe trở lại ngôi quán đó, nhưng vừa chớm đến nơi thì tôi đã cắm cổ đạp thật nhanh, cố giấu mặt đi. Mỗi lần đạp vụt qua khỏi cái quán cắt tóc ấy, tôi phóng hẳn sang một đoạn phố khác, cứ sợ đôi mắt người thợ cắt tóc nhìn theo, nhưng trong bụng lại cảm thấy thất vọng. Tôi lại mon men đạp trở lại, y như một kẻ đã trở nên lẩn thẩn, tôi đến ngồi ở một cái quán nước trước cổng một cái bệnh viện bên kia đường, cách cái quán cắt tóc một quãng. ở đấy, khách uống nước bao giờ cũng đông. Tôi ngồi lẫn vào. Tôi gọi một chén nước, vừa uống vừa nhìn sang. Lần nào tôi cũng trông thấy anh, nhưng có lần thấy bà mẹ anh, có lần không.

Một bận, đến hai ngày liền tôi không thấy anh thợ của tôi làm việc. Cái quán cắt tóc bỏ vắng hai ngày liền. Sáng ngày thứ ba vẫn thế. Và lại thấy một người đàn bà ra dọn dẹp, chứ không phải bà cụ già lòa như mọi ngày. Tôi chạy sang. Chiếc ghế cắt tóc không còn nữa. Chỉ còn chiếc gương và mấy cái chai lọ. Người đàn bà hỏi tôi:

- Bác đến cắt tóc?

- Vâng.

- Nhà em mấy hôm nay đang dọn cái chỗ làm mới ở phố ngoài kia. Ngày mai xong. Xin mời bác đến.

Vợ anh có vẻ trạc tuổi gần ba mươi. Một khuôn mặt đàn bà hiền lành. Chị vừa nói vừa bóc tấm tranh của tôi ra. Tôi gợi chuyện.

- Bức tranh đẹp đấy chứ, chị nhỉ?

Người đàn bà hơi đỏ mặt, cuốn tấm tranh lại một cách cẩn thận. Lâu sau mới đáp:

- Anh nhà tôi bảo: Anh bộ đội trong tờ tranh này chính là người ta vẽ anh ấy. Hồi anh ấy còn ở bộ đội trong B. Cho nên mới mua về treo.

- Anh ấy nói với chị thế?

- Vâng.

- Hôm trước tôi đến cắt tóc ở đây có thấy một bà cụ...

- Là mẹ anh nhà tôi. Thế ra bác là khách quen?

- Vâng. Bà cụ bị tật lâu chưa?

- Thưa đã lâu. Đã chín năm nay.

- Vì sao?

- Bà cụ lòa đi cũng vì anh nhà tôi. Ngày đó bỗng nhiên có tin ra nhà tôi hy sinh. Bà cụ đâm ốm. Anh ấy là con một. Bà cụ nhớ anh ấy, nửa đêm cũng trở dậy đi lang thang. Cứ khóc hoài...

- Bà cụ lòa từ năm nào, chị biết không?

- Từ 69.

- Từ tháng mấy?

- Tôi cũng không nhớ thật rõ, có lẽ khoảng giữa năm.

Tôi ra đến Hà Nội vào đầu tháng ba năm ấy. Nếu tôi là một người tử tế ra thì không khéo bà cụ không bị lòa, không những thế mà tôi còn có thể làm cho bà cụ khỏe ra! Chính tôi đã làm cho bà mẹ anh trở thành mù lòa?

Mấy lần tôi đã bước vào một cửa hiệu cắt tóc sang trọng ngay trong phố nhà tôi mà trước đây tôi vẫn thường cắt, nhưng lại lấy cớ này cớ nọ, quay trở ra. Mấy lần tôi đã định "tẩu thoát". Nhưng chính tôi lại bắt giữ tôi lại. Tôi lại kiên nhẫn tự thuyết phục mình một cách xử trí êm nhất: đừng bao giờ đặt chân đến trước mặt người thợ cắt tóc và bà mẹ anh ta nữa. Người ta đã dời cái quán đến một phố khác. Lần trước, anh ta đã nhận ra cái mặt của anh rồi. Thì lúc này là cơ hội "tẩu thoát" êm nhất. Cái người săn đuổi mình đã rẽ sang lối khác thì mình lại cũng rẽ vào đấy làm gì? Nhưng anh có đuổi theo tôi đâu? Đấy là tôi muốn tự nguyện đến nạp mình, cho lương tâm.

Tôi lại tiếp tục dụ dỗ: sau hàng chục năm ở bộ đội, anh ấy lại trở về làm nghề cũ. Chắc hoàn cảnh kinh tế của gia đình cũng khó khăn. Tôi nghĩ đến việc hay là vay mượn gom góp một số tiền lớn, cái số tiền mà tôi đã thu được nhờ bức ký họa chân dung kia, bí mật gửi cho anh. Vẫn không được! Tôi vẫn không cho phép mình lấy đồng tiền để thay cái mặt mình.

Tôi lại đạp xe đến gần cái nơi anh mới dời đến. Chỗ đó là đầu một cái ngõ ăn ra một đường phố nhỉnh hơn phố cũ. Chỗ làm mới cũng xoàng xĩnh như chỗ cũ, chỉ hơn trước có một bức mành che. Thỉnh thoảng tôi lại đạp xe qua, đá cái mặt về phía bức mành, nghe tiếng tông đơ rỉa tanh tách, và liếc nhìn cái dáng người thanh niên đang đứng cắt tóc phía sau. Rồi lại phóng xe vút qua đi.

- Cái anh thợ cắt tóc ở đây dời chỗ làm rồi, phải không bà? - Tôi vờ hỏi bà chủ quán nước ở cái ngõ cũ trong khi ngồi chen giữa một đám đông khách uống nước, hút thuốc và kháo chuyện vặt.

- Anh ấy dời phố ra ngoài. Cách mấy ngõ thôi. Chắc ông là khách quen?

- Thưa vâng.

- Cái thằng T. Cắt tóc, số nó nhờ được con vợ! - Một người khách bình phẩm.

- Thì còn phải nói! - bà chủ quán cũng nói xen vào - ngày xưa khi anh ấy còn ở bộ đội trong B, tuy chỉ là chỗ láng giềng thôi, nhưng cô ấy chăm sóc bà cụ lúc ốm đau chẳng khác con cái trong nhà. Về sau anh ấy trở về cũng vì cảm tấm lòng mà lấy.

- Ông trời sinh ra con người cũng lạ. Có người tốt vậy, có đứa đểu cáng lật lọng hết chỗ nói.

Cái đầu tóc tôi đã tốt quá, ngứa không chịu được! Mà tại sao cứ muốn giở chứng, cứ tự đem mình ra mà hành vậy? Tại sao lại cứ muốn tự dẫn xác đến cái quán ấy cơ chứ? Ngay buổi sáng đó, tôi đạp xe trở về dưới phố nhà tôi, lập tức đến cắt tóc ở cái hiệu quen đã mấy năm nay. Thật là thoải mái, dễ chịu. Trời lại nắng nhạt, cũng thật dễ chịu. Cái hiệu quen sạch sẽ, thơm phức. Bác thợ kêu ầm lên chắc hồi này nhà họa sĩ bận lắm, bận lắm, mấy lần đến rồi lại không có thì giờ cắt, để cho cái đầu trở thành một khóm rừng! Bác thợ quen lại còn khuyên tôi nên làm việc có điều độ. Tôi lại vui vẻ (đấu hót) với bác như mọi lần trước kia. Thật là vui. Phải nói đây là người thợ cắt tóc giỏi nhất thành phố, làm rất cẩn thận, lại rất quý tôi. Được cắt tóc cho một nhà ông họa sĩ! Bác cẩn thận, cân nhắc từng nhát dao, nhát kéo. Bác nâng niu cái đầu, cái mặt tôi. Những ngón tay sờ đụng vào cái đầu, cái mặt tôi như đang sờ đụng vào một vật rất quý.

Thế nhưng tôi cũng trở lại cắt ở đấy chỉ có một lần đó. Tôi quyết định phải trở lại cái quán kia. Tôi quyết định phải chường cái mặt mình ra, chứ không được lẩn tránh. Tôi không cho phép tôi chạy trốn. Tôi quyết định phải trở lại đấy vào buổi sáng, và đến thật sớm, lúc chỉ có tôi và anh. Để cho anh có hoàn cảnh thuận tiện chỉ vào cái mặt tôi mà hỏi: "Bác là cái nhà ông họa sĩ ngày xưa đấy ư? Bác đã làm cho bà mẹ tôi khóc hết nước mắt để trở thành mù lòa như thế kia? Được rồi, vậy thì xin mời ngồi vào đây!"

Bên trong bức mành vẫn chỉ thấy bày chừng ấy thứ đồ đạc: chiếc ghế mộc, chiếc khăn choàng sạch sẽ vắt trên thành ghế, chiếc bàn con để bánh xà phòng thơm và mấy thứ chai lọ, tấm gương soi mặt khách, phía trên tấm gương vẫn dán bức chân dung người thợ cắt tóc tám năm trước. Anh thợ của tôi ngồi quay lưng ra, một chân vắt lên thành ghế, đang ăn một vắt xôi gói trong cái lá bàng. Bà mẹ anh cũng có mặt, ngồi xổm cầm chiếc vồ đập những hòn gạch vỡ lèn chặt xuống nền đất. Bà cụ lại ngước mắt lên nhìn tôi như lần trước khuôn mặt đờ đẫn và hoan hỉ:

- Thưa ông đến cắt tóc?

- Vâng ạ!

Tôi có cảm giác hồi hộp của một anh bộ đội giữa trận đánh đồn vừa vượt qua lớp lớp hàng rào để bám được vào cái đột phá khẩu. Lúc ban nãy, khi đạp xe vừa chớm đến quãng đường phố ngang với bức mành, chỉ chút xíu nữa là tôi đã nhấn mạnh chân vào bàn đạp cho bánh xe lăn thật nhanh như mọi lần, "Thưa ông đến cắt tóc?", "Vâng ạ!" một lần nữa, nếu tôi gieo thêm một chút xíu yếu đuối trên cái mặt cân tiểu ly vô hình, tôi sẽ không đáp "Vâng ạ!" mà có thể trả lời: "Không ạ" rồi phóng xe đi thẳng như mọi lần.

Anh thợ cắt tóc nghe mẹ lên tiếng mới quay người lại. Tôi vừa kịp nhận ra được từ nơi cặp mắt vẫn còn trẻ của anh chiếu thẳng về phía tôi một cái nhìn ban đầu soi mói, ngạc nhiên, rồi hơi nghiêm mặt lại. Nhưng những diễn biến phản ứng trên cái mặt người thợ chỉ diễn ra nhanh như một cái chớp mắt. Ngay sau đó anh lại trở lại cái vẻ mặt và cử chỉ từ tốn, điềm đạm, ân cần của một người thợ cắt tóc đứng đắn và yêu nghề.

Da mặt tôi tự nhiên dày cộm lên.

- Mời bác ngồi!

Tôi cố trấn tĩnh để khỏi run lập cập, bước tới ngồi vào cái ghế gỗ như một cái ghế tra điện.

- Bác vẫn cắt như cũ?

- Vâng.

Bàn tay người thợ ấn cái gáy tôi xuống. Tôi trông thấy hai ống quần quân phục đã cũ kỹ và đôi bàn chân xỏ trong dép cao su. Bà mẹ anh vẫn ngồi bên cạnh cái ghế cắt tóc, bàn tay dăn deo vừa sờ soạng trên mặt đất, vừa cầm chiếc vồ nện lên những viên gạch chan chát, nhát trúng nhát trật.

Từng mảng tóc trên đầu tôi rớt xuống. Tôi có cảm giác tôi đang ngồi cho người thợ giải phẫu não, mà không đánh thuốc mê.

Rồi người thợ cắt tóc, một tay nâng ngửa cái mặt tôi lên, một tay cầm lấy con dao nhỏ sáng loáng. Tôi khẽ liếc mắt thấy lưỡi dao sắc lẹm, vậy mà anh vẫn đem mài đi mài lại trên một tấm da. Tôi khắc khoải nằm ngửa mặt chờ. Tôi khẽ thử động đậy cái gáy, nó như đã bị chốt vào miếng gỗ lõm có lót da. Ngay trước mặt tôi vẫn là cái bộ mặt thật của tôi vừa được lột khỏi ra cái mặt nạ hàng ngày, đang phản chiếu trong tấm gương.

"Hàng ngày anh vẫn nói đùa một cách độc đáo với bạn rằng: tạo hóa nặn ra muôn loài, mỗi loài bằng một thứ bột nhão riêng khác nhau. Xong rồi mỗi thứ thừa một tý, đem gộp chung tất cả lại, để nặn ra anh?"

"Có lẽ thật thế, trong con người tôi đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ?"

"Bây giờ trước mặt tôi, anh nghĩ thế nào về cái luật công bằng ở đời của anh: cho thế nào thì nhận thế nấy?"

"Tôi xin nhận đã gây nên đau khổ cho bà mẹ anh. Tôi đã lừa dối anh. Tôi đã thu thêm được tiền của và tiếng tăm trên sự đau đớn của anh. Bây giờ anh cứ trừng phạt tôi. Anh xử tôi thế nào cũng được!"

"Không bao giờ! Nếu tôi xử phạt anh, nếu tôi thực hiện cái quan niệm về luật công bằng ở đời của anh, thì cái hôm đó, tám năm trước đây, khi quay lại đón anh giữa suối, tôi đã xốc ngược anh lên rồi vứt tõm vào khúc suối giữa bãi đá tai mèo rồi!"

"Lần này anh lại đối xử với tôi như lần trước đây?"

"Phải".

"Anh cũng không trách mắng, chỉ trán chỉ mặt tôi?"

"Không! Anh cứ yên tâm. Trước sau tôi vẫn coi anh là một nghệ sĩ tài năng đã có nhiều cống hiến cho xã hội".

"Tôi vẫn thường gặp mặt anh ở ngoài đường luôn luôn đấy chứ! Một lần tôi đứng xem anh ký họa khu phố cổ. Một lần tôi đến xem phòng trưng bày tranh của anh. Một lần khác, tôi đi theo mấy người bạn làm xưởng vô tuyến truyền hình đến quay chỗ xưởng làm việc và gian phòng riêng của anh. Anh không nhận ra được tôi đấy mà thôi!

"Bây giờ anh nói với tôi một điều gì đi, khuyên tôi một nhời đi!"

"Không".

"Tôi có phải cút khỏi đây không?"

"Không. Anh cứ đến đây. Tôi cắt cho anh kỹ lắm, anh biết đấy!"

Phải, giá thử lần thứ nhất tôi đến, hoặc lần thứ hai trở lại, và các lần sau nữa, mà người thợ ấy nổi giận đuổi tôi ra khỏi ngôi quán, thì chắc chắn tôi không đủ thì giờ nhìn kỹ cái mặt mình đến như thế. Gần nửa năm, tôi đã để vào bức tranh sơn mài tất cả công sức và sự suy nghĩ, và trong suốt thời gian ấy, một đôi lần tôi cũng gợi lại chuyện cũ nhưng người thợ vẫn một mực cố tỏ ra chưa hề bao giờ quen biết tôi. Trở về làm một anh thợ cắt tóc cũng như lúc ở bộ đội, anh vẫn lẳng lặng sống như vậy để cho người chung quanh tự phán xét lấy những công việc đã làm. Lời đề nghị rụt rè của anh: Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về chính mình.

Bây giờ thì cái tác phẩm mới của tôi đã hoàn thành. Tôi đang đối mặt với chính mình, để viết những dòng này, như những lời chú giải cho một tác phẩm hội họa thể hiện một cái mặt người rất lớn: những luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và trên đầu chiếu thẳng xuống một nửa mái đầu tóc tốt rợp như một khu rừng đen bí ẩn, và một nửa mái tóc đã cắt, thoạt trông như một phần bộ óc mầu xám vừa bị mổ phanh ra. Phần bên dưới khuôn mặt như vẫn đang được giấu kín dưới một cái mặt nạ: dưới cằm và hai bên mép phủ kín bọt xà phòng. Không trông rõ miệng, chỉ thấy một vệt mầu đen lờ mờ nổi bồng bềnh trên những đám bọt xà phòng. Và nổi bật trên cái khuôn mặt là đôi mắt mở to, khắc khoải, bồn chồn, đầy nghiêm khắc, đang nhìn vào nội tâm.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.