chan_dung-ke_si

BỨC CHÂN DUNG CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ LẠ - Truyện ngắn Chu Lai

12-09-2023

Lượt xem 1120

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

BỨC CHÂN DUNG CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ LẠ - Truyện ngắn Chu Lai

 

Nhà văn Chu Lai


Vào một buổi tối ảm đạm, có một người đàn bà chừng trên bốn mươi tuổi đến gõ cửa phòng họa sĩ Lưu An.

- Xin phép hỏi bà là ai? Bà muốn gì ạ? - Ông nói.

Người đàn bà đưa đôi mắt đẹp và buồn thăm thẳm nhìn khắp gian phòng một lượt rồi dừng lại rất lâu trên khuôn mặt họa sĩ, lát sau mới nói chậm rãi: - Tôi đến đặt ông vẽ một bức chân dung.

- Chân dung ai?

- Người đang ngồi trước mặt ông.

Lưu An buông cây bút vẽ, nhìn lên. Trong đời cầm cọ, ông đã tiếp xúc với không ít các loại người, đã chứng kiến khá nhiều nhân vật nhưng vẻ điềm tĩnh, giọng nói tự tin thái quá ở người đàn bà này khiến ông hơi lạ. Dáng người gầy guộc, ăn vận xoàng xĩnh, khuôn mặt bình thường nếu không muốn nói có phần còn hơi tiều tụy. Tất cả chỉ có vậy thôi mà cớ sao ánh mắt lại tỏa ra nhiều vẻ tự tạo đến thế? Một đôi mắt hơi dài dại của người nghĩ ngợi nhiều. Tự nhiên ông thấy bực mình.

- Xin lỗi! Tại sao bà lại đến chính tôi chứ không phải một ai khác?

- Bởi vì tôi đã xem tranh của ông, vì người ta đã nói nhiều về ông. Tôi muốn có một bức tranh hoàn hảo, vậy thôi.

Hoàn hảo ư? Bà ta là cái gì mà lại có cái lối nói năng như một mệnh phụ phu nhân như thế? Hoàn hảo! Buồn cười! Chắc là lại một con mẹ thần kinh ngộ nghệ đến quấy rầy đây.

- Xin lỗi! - Ông cố nói bằng một chất giọng mềm mỏng để che đi cái cười giễu cợt cứ chực hiện ra nơi khóe mép - Tôi không vẽ chân dung và nói chung từ lâu tôi không màng tới thể loại này nữa. Bà có thể cảm phiền đi nơi khác.

- Tôi sẽ trả ông gấp mười người khác nếu ông vẽ.

- Gấp mười? - Tự dưng ông nổi máu tò mò - Tức là bao nhiêu thế thưa bà?

- Ba triệu.

- Ba triệu? Trời đất! - Ông trợn tròn mắt - Thế bà có biết vẽ một bức chân dung giá bình thường là bao nhiêu không? Tất nhiên bức vẽ ấy ít liên quan đến chất liệu vàng bạc.

- Tôi không biết vì hình như nghệ thuật không có giá.

- Vậy tại sao bà lại trả vậy?

- Tôi nghĩ ông sẽ có đủ tiền sống một năm để hoàn tất bức vẽ của tôi.

- Hả?... Bà nghĩ rằng, để vẽ xong bức chân dung ấy tôi phải bỏ ra một năm?

- Tôi cho là thế hoặc lâu hơn.

Tới đây thì họa sĩ Lưu An không chịu nổi nữa:

- Tóm lại bà là ai? Và bà muốn gì ở tôi?

- Tôi là một người đàn bà bình thường muốn có bức chân dung cuối đời của mình - Người đàn bà vẫn trả lời bình thản, sắc thái trong mắt vẫn không hề thay đổi - Và tôi sẽ trả công cho ông sòng phẳng, đúng như tài năng ông bỏ ra, đơn giản vậy thôi ạ!

Gõ gõ ngón tay bết mầu xuống mặt bàn một lát, ông nheo mắt nhìn người khách rồi nhìn ra ngoài khung cửa sổ, rồi lại nhìn khách... Cuối cùng ông đấu dịu.

- Thôi được rồi. Bà ghê gớm lắm! Thế bà muốn chất liệu nào? Bút sắt, sơn dầu, bột mầu hay sơn mài? Hay cả bốn thứ gộp lại?

- Tôi không quan tâm nhiều đến chất liệu, thưa ông! Đó là quyền của người vẽ. Cái tôi cần là: TÔI ĐúNG Là TÔI. Ông muốn vẽ kiểu gì cũng được, càng giản dị càng tốt.

- Vâng! Thế bao giờ bà có thể cho tôi cái quyền được mời bà ngồi để tôi bắt đầu công việc?

- Ngay bây giờ nếu ông muốn.

- Vâng, ngay bây giờ, tôi chấp nhận. Mời bà ngồi vào cái ghế ở cạnh nơi cửa sổ kia. Mời bà! - Ông nói như ra lệnh.

Buổi chiều hôm đó, với một chút thích thú, chút tò mò, hiếu thắng và cả một chút cay cú xáo trộn trong đầu, họa sĩ Lưu An lôi cái khung vải giăng đầy mạng nhện bị bỏ quên lâu ngày ở gầm giường ra và bắt đầu công việc mà không hề có một tý nào hứng thú...

... Họa sĩ Lưu An lâu nay chưa động bút vẽ một bức chân dung nào nghiêm ngắn, cũng như ông chưa vẽ được một cái gì cho ra tấm ra món theo ý nghĩa thường gọi của ngành nghề cả. Ông đang lụn bại. Lụn bại toàn diện cả về cuộc sống, kinh tế hạnh phúc gia đình lẫn sự nghiệp. Sau khi người vợ trẻ cùng nghề của ông bỏ ông ra đi cùng với đứa con trai mười hai tuổi, sau khi cái Gallery thứ hai của ông bị phá sản, bị giới phê bình chỉ trích, bị người đời quên lãng, không bán được một cái tranh nào, ông bắt đầu xa rời dần nghệ thuật. Buồn chán, thiếu thốn, cô đơn và nợ nần, ông không từ chối bất cứ một thứ gì có thể kiếm ra tiền mà ít phải đổ tâm huyết nhiều nhất: Kẻ biển, vẽ pa nô, áp phích, đắp tượng, viết khẩu hiệu... Cho tất cả các hội trường, nơi công cộng, đám cưới. Nếu có bạn bè giới thiệu, ông sẵn sàng đêm ngày lao động vào những sê-ri tranh lụa theo mô-típ quen thuộc: Cây đa, bến nước, sân đình, nhằm thỏa mãn thị hiếu cho những người ngoại quốc lắm tiền ưa mốt lạ Đông phương yên ả. Tóm lại là ông làm hết, làm đúng theo nghĩa thợ mặc dù đã có một thời ông rất đỗi khinh miệt cái từ rẻ rách này, mặc dù đã có một thời ông là tay vẽ tài hoa, luôn đứng cạnh những họa sĩ bậc thầy, cây đa cây đề của quốc gia mà không thấy tủi hổ.

Tuy vậy, cùng với năm tháng nghiệt ngã, dẫu rằng những ngón tay nghệ sĩ nơi ông đã méo mó đi nhưng trái tim nghệ sĩ chân thật trong ngực ông vẫn thập thõm đập khôn nguôi ở một chỗ nào đó sâu kín lắm. Ông day dứt, ông khổ sở, ông đau đớn, ê chề mỗi khi phải ngửa tay nhận những đồng tiền gần như của bố thí của thiên hạ. Ông triền miên nhận thấy khoảng trống rỗng nhạt thếch ở trong lòng mình mỗi ngày mỗi nới rộng mà không sao vùng thoát ra được. Ông buông lơi mình vào những ly rượu sáng đêm và để hôm sau ngủ dậy, mồm miệng đắng nghét, lại tiếp nhận thêm một cái com-măng uốn sấy tóc, chữa truyền hình tủ lạnh, chuyên trị bệnh đái đường, đái buốt, đái ra mủ... khác. Công sản ra quấy quá, tiền thu vào rẻ mạt, lắt lẻo sống qua ngày, qua cái thời ly loạn của nghệ thuật, cái thời thứ rởm cưỡng dâm thứ thật, cái thời mọi giá trị tinh thần, vật chất đều hết sức lộn sòng, cái thời chứa chấp cuộc đồng tính luyến ái dữ dội giữa ăn xài và phá phách.

Vậy thì để có ba triệu cho một bức chân dung nhạt nhẽo như thế này là béo bở quá rồi còn gì. Cám ơn trời phật đã run rủi cho con mẹ trưởng giả học làm sang ấy đến đây để ông có thể sống được một năm sạch sẽ, không phải bán linh hồn cho hè phố, không bị ba cái đái buốt, đái ra mủ kia réo gào, úp chụp lên đầu. Và như thế biết đâu chả có thể trở lại, vẽ lai được một cái gì đó của chính mình chăng? Biết đâu!... Lây lan một chút khói trá mơ hồ, ông mỉm cười huơ bút vẽ lên...

Nhưng sự đời lại không giống như ông tưởng.

Với một bức chân dung đơn giản như thế này, ông dự tính phác mộc mất một ngày, phẩy mầu hai ngày, vị chi chỉ cần khoảng ba ngày hoặc bốn ngày là xong, là nhận được tiền. Nhưng... Thật kỳ lạ! Ngay ở giai đoạn vẽ mộc, ông đã thấy cây bút trong tay mình vấp váp liên tục, vấp váp đến khốn khổ, như có một lực cản siêu hình nào đó cứ độc địa lái ngọn bút của ông đi chệch khỏi mọi thứ cảm nhận thông thường.

Người đàn bà vẫn ngồi đó, lặng phắc, cạnh cửa sổ, bình thản, đôi mắt nhìn xa xăm ra ngoài khung trời hình vuông, đôi môi mím nhẹ không ra vui cũng không ra buồn, có lúc lại nhạt nhòa vô cảm, ngồi đó mà cũng không phải ngồi đó... Chỉ thế thôi mà hai giờ đồng hồ đã trôi qua, ông vẫn không tài nào nắm bắt được cái thần sắc mà xét đến cùng là chẳng có chi đặc biệt ấy. Ông đã thay đến khung vải thứ ba, thay đến tờ crô - ki thứ tư mà khuôn mặt bình dị của người đàn bà kia vẫn vuột đi xa tít, vô hình vô ảnh. Mồ hôi ông vã ra, ngực nóng ran, sống lưng mỏi dần, hai bàn tay cóng ngọng lại tưởng chừng như là tay của kẻ khác. Ông có cảm giác mình sắp sửa lên cơn sốt rét rung võng như những ngày ở Trường Sơn năm nào... Và ông buông bút xuống, bất lực:

- Xin lỗi! Hôm nay tôi hơi... bị mệt. Hẹn bà ngày mai trở lại.

Người đàn bà chớp mắt đứng dậy, vẫn bình thản đến tê lạnh nhưng đôi mắt nhìn vào ông thật buồn, nét mặt cũng thật buồn, cái buồn sâu thẳm, xót xa mà chỉ thoáng nhìn vào, ông đã thấy mình bị ngợp.

- Ngày mai... Rất tiếc là tôi không thể trở lại được - Người đàn bà nói bằng cái giọng âm u thoảng nhẹ.

- Thế thì tôi biết phải làm sao bây giờ? - Ông gắt lên - Bà định đùa tôi chắc? Không có ai vẽ một cái chân dung nghiêm chỉnh mà người mẫu chỉ ngồi đó có hai giờ đồng hồ bao giờ, bà hiểu chưa?

- Tôi hiểu - Người đàn bà vẫn hết sức từ tốn, thậm chí lại có phần dịu dàng hơn - Chính thế mà tôi phải đi hai trăm cây số đến đây nhờ ông và tôi tin ở ông.

- Bà mang cái tin ấy đi mà thờ Chúa. Tôi chỉ là một thằng người.

- Vâng! - Người đàn bà nói sau một chút cắn môi ngẫm nghĩ - Tôi sẽ cố... cố trở lại. Nhưng nếu không trở lại được, tôi xin gửi ông tấm ảnh này. ảnh tôi chụp đầu năm, ông có thể căn cứ vào đó. Tôi xin phép đưa trước ông hai triệu. Sáu tháng sau, cũng ngày này, giờ này, sẽ có người tới đưa nốt cho ông một triệu và mang tranh về. Xin phép ông. Chúc ông thành công!

Đặt số tiền được nói trong một miếng dù pháo sáng mầu cỏ úa có chút phẩm đỏ loang trên mặt như cánh hoa niêm phong lên bàn, không để cho ông phản ứng gì, bà ta cầm lấy túi xách tay đi luôn ra cửa.

Phải mất một lúc lâu sau đó, ông vẫn chưa hiểu cái gì đã vừa xảy ra với mình và tự trong xôn xao tiềm thức, ông còn cảm nhận rõ cái hơi hướng lạ lẫm, vô hình của người đàn bà bí hiểm ấy vương lại trong lòng. Họa sĩ không bật đèn, ngồi lặng đi trong bóng tối rồi vỡ òa một tràng cười mà không hiểu mình cười cái gì?

*

Ngày hôm sau họa sĩ Lưu An treo tấm biển Đi vắng ngay trước cửa rồi lặng lẽ ngồi vào góc nhà nơi có cái khung vải trắng sáp và tấm hình của bà ta để lại kẹp bên cạnh.

Ông làm việc âm thầm và nhọc mệt. Bà hàng xóm phòng đối diện chỉ thấy mỗi ngày ông láng giềng tốt bụng và hơi lẩn thẩn mở cửa đi ra ngoài một lần ăn uống cái gì đó rồi lại trở vào khóa trái cửa. Bà ái ngại thấy mỗi ngày ông mỗi gầy đi và đôi mắt cứ long lanh như đang lên cơn sốt.

Ông đang lên cơn sốt thật! Cơn sốt sáng tạo, cơn sốt đam mê vĩ cuồng. Ông đang cô độc trải qua cơn vật vã tinh thần mà đã lâu lắm rồi nó chưa hề trở lại với ông. Những cái khung vải được thay nhau nhét xuống gầm giường. Những tờ giấy crô-ki lem nhem liên tục bị xé, vo viên quẳng vào sọt rác. Nhưng bức chân dung vẫn chưa nhích thêm được một chút nào thậm chí, bằng bề dày kinh nghiệm ông cảm thấy nó không thể nhích thêm được nữa! Quái lạ! Khuôn mặt người đàn bà cứ phồng lên xẹp xuống, lúc xa lúc gần, khi mờ khi hiện, như ảo ảnh, như ma trơi, tưởng đã nắm bắt được rồi nhưng mở tay ra lại trống trơn chẳng có gì. Có lúc ông ghì mắt vào tấm ảnh căn theo từng nét, có lúc lại che nó đi bằng giấy báo để vẽ bằng ký ức bức sốt và cũng có khi ông vẽ bằng cả hai: Nhìn và nhớ nhưng tất cả đều vô hiệu. Vẫn không đúng, không giống, vẫn không phải bà ta. Bà ta... Đến bây giờ nghĩ lại, nhớ lại, chiêm nghiệm lại, ông mới chợt nhận ra rằng khuôn mặt ấy không nhợt nhòa như ông tưởng. Một khuôn mặt vừa dịu hiền vừa cương nghị, vừa u hoài vừa rộn ràng sức sống, sâu sa và bồng bột, vừa ấm nóng vừa lạnh tanh, đằng sau cái vẻ bình thản kia là cả một dòng lũ nội tâm chảy xiết, lặng tờ đấy nhưng lại thật nhiều giằng xé, yếu đuối vô cùng mà lại sắc sảo biết bao... Và đôi mắt nữa! Dường như có cả một trời những mâu thuẫn, những nét nghịch đảo cùng ẩn chứa đằng sau cái vẻ buồn dìu dịu ấy. Trời ơi! Có lẽ mọi điều nan giải, mọi điều bí mật về hạt nhân hình họa đều nằm cả trong đôi mắt này.

Thời gian lặng lẽ trôi qua trong căn phòng nhỏ. Một tháng... Hai tháng... Rồi ba tháng... Phần phác thảo mộc vẫn chưa xong. Người đàn bà cũng không thấy trở lại nữa!

Đã có lần ông đã quyết định đóng cửa phòng đi tìm nhưng ra đến ngã ba, ông lại quay trở vào. Bà ấy, con quỷ hiện hình ấy có để lại một mẩu địa chỉ nào đâu ngoài cái gói tiền chết giẫm có cánh hoa đỏ loang ra trên miếng dù xanh pháo sáng kia. Ông đã nghĩ. Nếu bà ta quay lại, dứt khoát ông sẽ trả lại tiền, nếu cần trả cả lãi suất luôn thể để thoát khỏi cái cảnh bẽ bàng này, để đêm đêm khỏi bị cái khuôn mặt có đôi mắt quái dị kia ám ảnh nữa. Đúng là quái dị thật! Người đàn bà hiện về từ cái thế giới hư vô quái dị nào để làm tình làm tội ông đây?

Mà cũng thật kỳ lạ! Đã có lúc mệt mỏi quá, ông quẳng ráo trọi cả đồ nghề ra vườn, quyết định không vẽ nữa. Nhưng nửa đêm, không hiểu sao, như có một ma lực hối thúc, ông lồm cồm trở dậy nhặt lại từng cái. Nỗi nhọc nhằn phi thực này lâu dần đã ăn sâu vào đầu óc ông, càng nhọc nhằn, ông lại càng thấy gắn bó vô hình với nó, rồi như không thể thiếu được nó. Nó và ông, hai thành phần ghét bỏ nhau đã nhào trộn vào nhau thành một. Tâm hồn ông cựa quậy, trái tim ông thắt bóp, mạch máu ông chảy mạnh hơn, trong ông đang biến cải, đang rục rịch sống lại một cái gì lạ lắm, thân thiết lắm nhưng cũng xa ngái lắm mà ông không tự biết...

... Cũng vào một đêm như thế, sau cả một ngày làm việc mụ mị, họa sĩ rơi người vào trong một vùng ký ức xa xôi mà đã lâu lắm rồi ông không còn nhớ đến... Đó là một đêm mưa rừng rơi không dứt, gió lạnh mang theo những hạt mưa li ti từ khắp nơi thổi qua kẽ lá. Trong lán chỉ có hai người: Ông, một họa sĩ trẻ mới từ nước ngoài trở về tình nguyện xin vào ngay chiến trường và cô gái giao liên đang trên đường dẫn ông đến binh trạm. Ngọn lửa nhỏ bùng lên, soi tỏ khuôn mặt trẻ thơ mịn màng. Quần áo cô ướt sũng, bó dính lấy cái cơ thể nở nang, tròn lẳn của độ tuổi đang sức mười tám đôi mươi. Lửa vẫn nổ tí tách. Không hiểu do lửa hay hơi ấm từ cái thân thể rừng rực kia tỏa ra, ông bỗng thấy nóng ran cả người. Đột nhiên ông muốn vẽ và khe khẽ yêu cầu cô cứ thế ngồi yên lặng. Rừng đêm... Mưa gió... Chiến tranh... Chết chóc... Đời con gái gian nan... Ngày mai cái gì sẽ xảy ra với cô? Liệu có còn được gặp lại nhau một lần?... Dòng cảm xúc lãng mạn và ngậm ngùi choáng ngợp, ông vừa vẽ vừa thấy lòng mình rung lên khác lạ... Cô gái vẫn ngồi lành hiền như con sóc, con chim bé bỏng ướt át tội tình lên ánh lửa. Một khuôn mặt cằm tròn, một nước da xanh mầu lá đang ửng hồng, một sống mũi xinh xinh, một đôi mắt nhìn đi đâu xa xăm về phía bên kia ánh lửa, lửa chơi với trong mắt, lửa viền quanh má cô một đường sáng tạo nao lòng... Rồi đột ngột đôi mắt ấy quay lại phía ông. Đôi mắt ấy không rời ông ra nữa. Đau đáu, khắc khoải, chới với, dạn dĩ và xót xa đến ngượng ngùng. Trái tim ông ớn lạnh. Thân thể cường tráng nơi ông hối thúc ông được che chở, được hong khô, sưởi ấm. Mắt ông bắt ánh lửa trong mắt cô, cháy lên. Ông tiến lại... Ai đã trải tấm dù pháo sáng mầu cỏ úa trên vai cô xuống nền đất ẩm? Em chết mất!... Khuôn ngực căng cứng của cô nâng ông lên, sưởi ông và dìm ông xuống, chìm lịm, ôi anh! Ôi anh!... Em chết mất!... Cô cắn vào vai ông đến rớm máu. Suốt đời em sẽ chờ anh! Cô nói lên, đôi môi nhỏ nhòa máu và nước mắt... Khi đỡ cô ngồi dậy, dường như ông thoáng nhìn thấy có một chút sắc đỏ vương lại trên lá dù mầu cỏ úa...

Sáng hôm sau trở dậy, ông không còn thấy cô gái đâu nữa! Một đoàn khách cần cô nhanh chóng dẫn ngược trở lại để tránh tọa độ B52. Còn ông, sau một chút bâng khuâng, ông tiếp tục hăm hở đi sâu xuống mặt trận. Sâu nữa... Và từ ấy, bao cảnh đời đã trôi qua, bao trận đánh đã ập vào, vài ba cô gái khác cũng đã đến với ông rồi lại đi, thú thật ông không có thời gian nghĩ đến, không kịp nghĩ đến cô nữa - Một cô gái giao liên ngẫu nhiên gặp giữa rừng mà vội vàng tới nỗi, cái tên cô ông cũng không hỏi kịp! Rồi hòa bình...

Tiếng nổ cháy rừng và mùi khét lẹt xộc lên khiến ông choàng tỉnh... Một ngọn lửa nhỏ đang phực lên nơi khung vải ông đang vẽ dở. Ngọn lửa đang liếm gần vào tấm ảnh người đàn bà. Tấm ảnh cong lên... Ông chợt nhớ đêm qua mất điện, ông phải đốt nến làm việc rồi mệt quá thiếp đi. Lát sau, khi ông cuống quýt dập rụi được ngọn lửa thì tấm ảnh đã cháy sém hết một phần ba!... Nhưng chính hai phần còn lại đã làm ông sững sờ!... Chao ôi! Dưới quầng sáng nhập nhòa của cây nến mới được đốt lại, trong cái mùi khen khét quá ư quen thuộc của rừng bị đốt cháy, của bom đạn còn vương vất đâu đây, khuôn mặt người đàn bà bỗng dưng mềm lại, trẻ thơ mịn màng, đang rọi về ông cái ánh nhìn bé bỏng, tội tình và có phần trách móc... Ông vồ lấy tấm ảnh đưa ra sát ngọn nến... Nhưng rồi ông lại buông rơi xuống, tuyệt vọng! Khuôn mặt có viền sáng nôn nao của cô gáo giao liên năm nào không còn nữa, trong hình vẫn chỉ là nét mặt bí hiểm của người đàn bà đang nhìn ông hết sức dửng dưng.

Nhưng như thế cũng là đủ.

Cái khoảnh khắc ma quái không rõ từ trong ông tỏa ra hay do chính tấm ảnh kia xuất thần, như một chớp lửa rừng già, đã làm đầu óc ông sáng bừng lên. Ông đã hiểu mình phải vẽ cái gì và vẽ như thế nào rồi. Trời ơi! Tất cả chỉ là một chút ánh hồng nơi khóe mắt và một nét phẩy nhỏ ở khóe môi. Chỉ thế thôi là khuôn mặt người đàn bà kia sẽ khác hẳn mà tại sao suốt ba tháng trời vật lộn mà ông không thể nghĩ ra? Phải chăng ngọn lửa rừng năm ấy và ngọn nến cháy lan vào ảnh hôm nay đã soi tỏ cho ông một chi tiết mà nếu có khổ công tìm tòi cả đời trong phòng kín chắc cũng không ra?

Toàn bộ cảm hứng nơi ông tưởng đã giá lạnh, giờ đây bỗng nóng bức trở ngược về quá khứ, trở ngược về những năm tháng đau thương và lãng mạn, những năm tháng quá đỗi nhọc nhằn nhưng cũng là những năm tháng trong trẻo, đẹp đẽ nhất đời ông, thế hệ của ông. Và ông vẽ. Vẽ đêm ngày mài miệt. Tấm biển ĐI Vắng vẫn im phắc treo ngoài cửa. Những khung vải không còn bị vất xuống gầm giường, những tờ crô-ki dày dặn đã nằm yên trên giá. Bức phác thảo xong, ông định sử dụng bột mầu nhưng sau đó ông lại quyết định xử lý những gam mầu chói gắt và thâm trầm của sơn dầu. Tất cả chỉ là một chút ánh hồng thẳm sâu nơi khóe mắt, một nét phẩy nhỏ ngọt ngào nơi khóe môi, một đường viền tỏa rạng nâng cả khuôn mặt lên khỏi mọi nỗi gian truân và ngầu bọt. Cái gian truân của ngày hôm qua và cái ngầu bọt ngày hôm nay. Ông lại đang bồng bềnh trong một cơn sốt. Cơn sốt đam mê của sáng tạo. Cơn sốt quá khứ. Ông không chỉ vẽ một bức chân dung, sâu đậm hơn, ông đang sống lại và làm sống lại qua hình ảnh của người đàn bà đó một thời trai trẻ sống động, thuần phác tươi nguyên của mình. Đã lâu lắm rồi ông mới lại có những khoảnh khắc sáng tạo hết mình, sáng tạo thăng hoa đến tan chảy thế này.

Đúng sáu tháng sau, bức chân dung được hoàn tất bằng một nét chấm phá táo bạo cuối cùng. Họa sĩ gần như kiệt sức, thân thể gầy tọp đi đến năm ký lô, tóc bạc nhiều hơn nhưng riêng đôi mắt lại bàng bạc một cõi tĩnh lặng siêu phàm.

Tắm rửa sạch sẽ, cạo râu, thay một bộ đồ mới, ăn một bữa cơm tiệm thật ngon, ông trở về ngồi im lặng ngắm bức tranh, bồn chồn chờ chủ nhân của nó đến tiếp nhận. Nắng chiều từ ngoài cửa sổ tràn vào dịu nhẹ. Khuôn mặt người đàn bà sáng tỏa trong một vẻ đẹp nội tâm khác lạ. Vẫn là khuôn mặt ấy nhưng thấm đậm hơn, thần sắc hơn. Vẫn là cái ánh nhìn dìu dịu buồn ấy nhưng lại lom dom cháy những đốm sáng của sự vị tha nhân hậu, của sự sắt son chung thủy bên trong. Nhìn vào đó, tâm hồn ta bỗng tự dưng yên ả dù cuộc đời có ngang ngửa thế nào cũng chẳng nỡ đánh mất niềm tin. Đôi mắt biết nói, biết chia sẻ và biết tâm tình se sẽ. Đôi mắt của cô gái giao liên áo quần sũng ướt ngày nào pha trộn với cái nhìn điềm tĩnh thể tất của người đàn bà đã luống tuổi hôm nay.

Một tiếng gõ cửa khe khẽ vang lên... Cô ấy rồi! Bà ấy đến rồi! Người họa sĩ già reo thầm một tiếng trong đầu. Chao, tối nay nếu có thể được, ông sẽ nói với bà ấy thật nhiều, sẽ ôn lại, kể lại mọi thứ chuyện và nếu... Nếu bà ấy không để bụng, không ruồng rẫy, không oán trách thì biết đâu... Phải, biết đâu hai người có thể sống lại những giây phút đã lùi xa bên ngọn lửa giữa cánh rừng bom đạn ấy? Với tâm trạng hết sức bồi hồi, ông run run đặt tay lên nắm đấm cửa...

Nhưng hiện ra trước mặt ông không phải bà ta mà lại là một cô gái mảnh khảnh có cái nhìn tư lự. Cô ta mở to đôi mắt khá đẹp nhìn ông một lát rồi nói nhỏ:

- Bà hiệu trưởng nhờ cháu đến bác lấy bức tranh.

- Bà hiệu trưởng nào? - Ông hỏi với giọng có chiều hụt hẫng.

- Bà hiệu trưởng cách đây đúng sáu tháng đã đặt bác vẽ một bức chân dung.

- Nhưng... Thế bà ấy đâu - Giọng ông đã tỏ ra sốt ruột - Và cô là ai?

- Dạ, đây là thư của bà ấy, bác đọc sẽ rõ.

Mải cập rập xé chiếc phong bì dán rất cẩn thận, ông họa sĩ không để ý thấy cô gái đang quan sát căn phòng của ông cũng vẫn bằng đôi mắt chậm rãi dìu dịu buồn của người đàn bà cách đây sáu tháng kia.

Bức thư viết bằng nét chữ rời rạc, có đôi đoạn gẫy vụn:

"Anh Lưu An!

Chắc anh đã vẽ xong bức chân dung và chắc anh cũng đã nhớ ra em là ai. Xin lỗi đã làm cho anh phải nhọc lòng và phải nhớ những điều không nên nhớ. Anh biết không? Sau cái đêm ở lán ấy, em đi tìm anh khắp nơi, đi hỏi tin anh ở khắp mọi chỗ nhưng có người nói anh đã chuyển ra Bắc, người khác nói anh đi xuống sát ven đô, lại có người bảo anh bị thương, bị sốt rét ác tính chết rồi! Buồn quá! Em khóc suốt một tuần rồi làm một mâm giữa rừng giỗ anh. ít tháng sau em được điều đi học. Ra trường em lấy chồng, sinh con nhưng hình ảnh anh không lúc nào nguôi ngoai trong em. Đó là mối tình đầu, là lần hiến dâng thứ nhất, trọn vẹn và say đắm không bao giờ có được nữa. Anh có tin không? Có lẽ cái vết đỏ vương lại trên tấm dù mầu cỏ úa, dấu hiệu một đời trinh trắng hiến cho anh đêm đó sẽ nói hộ em nhiều hơn những điều em muốn nói.

Thế rồi một lần đọc báo thấy hình anh và phòng tranh GALLERY đầu tiên của anh, em đã mừng đến rơi nước mắt. Em đã lén đến đó để được nhìn anh, chứng kiến thành công của anh và cũng để biết anh có... gia đình, một gia đình thuận hòa, ấm cúng và đàng hoàng. Người ta bảo thế. Trước tình cảnh ấy, em tự cảm thấy mình thừa, thấy là rất vô duyên nếu đứng ra nhận anh. Nhận để làm gì khi giữa hai người không còn gì nữa, khi anh đang được vầng hào quang của thành công vây bủa bốn xung quanh và nhận làm gì khi nghĩ rằng, chắc gì anh đã còn nhớ em, một con bé giao liên mờ nhạt ngẫu nhiên gặp giữa rừng rồi sớm mai lại chia tay. Thì đến ngay cái tên của em anh đâu đã kịp hỏi kia mà! Thế là em ầm thầm đi ngược lại trăm cây số trở về...

Nhưng, giống như sự ám ảnh của vô thức của một thời sôi nổi không thể dùng lý trí thoát vùng ra được, thỉnh thoảng em vẫn đến với anh. Đến để không dám vào, đến để chỉ lảng vảng ngoài đường nhìn qua hàng song sắt vào phòng vẽ của anh rồi lại lủi thủi ra về. Chính trong những lần như thế, em đã được biết được gia đình anh không còn thuận hòa như trước. Vợ anh không yêu anh. Anh bỏ bê công việc, cái GALLERY thứ hai của anh không có tiếng vang... Có lần nhìn anh bơ phờ đi lại trong phòng, tóc bạc từng đám, hai mắt trũng sâu, tay cầm cái bánh mì mà không đưa lên miệng nhai nổi, thương quá, em đã định cứ liều vào với anh, chăm sóc anh, được nói với anh vài điều nhưng rồi em lại quay đi. Là đàn bà với nhau, dù có thế nào em cũng không thể nhân dịp này mà nhảy vào chiếm chỗ của cô ấy. Em không thể. Rồi vợ chồng anh chia tay. Rồi anh xa rời nghệ thuật, anh hoàn toàn không còn là anh nữa...

Đó cũng chính là lúc em bắt đầu phát bệnh do thứ chất độc da cam đã ủ trong thân thể từ hồi ở rừng mà không biết. Em biết mình không còn sống lâu nữa và càng cồn cào nghĩ đến anh. Và thế là em đã quyết định tìm đến anh để đặt vẽ một bức chân dung. Em đâu có thích chân dung nhưng thấp thỏm hy vọng rằng nó sẽ là cái cớ để nhắc anh trở về với những năm tháng tốt đẹp nhất của chúng ta, để mong anh tĩnh trí lại. Thế thôi. Và không hiểu sao em tin anh sẽ tĩnh trí được.

Anh Lưu An! Khi anh nhận được thư này thì em đã đi rồi. Đi xa lắm! Phận em thế là xong, hoàn toàn thanh thản. Chỉ áy náy về anh như áy náy về một cái gì thân thiết nhất nhưng cũng mỏng manh không có thật nhất của đời mình. Lạ thế! Trong trái tim yếu đuối của đàn bà chúng em, có những góc sâu lắng mà đàn ông các anh ồn ào không bao giờ hiểu nổi đâu.

Em đã đến giờ phải đi... Em cầu mong cho anh sức khỏe, niềm vui, nghị lực và trở lại đúng là anh những ngày ấy. Xin trả nốt anh số tiền còn lại nhưng không phải số tiền một triệu mà là mười lăm triệu. Cả cuộc đời, cộng thêm vài lần đi nước ngoài, em đã dành dụm được, chỉ có thế. Em để lại cho chồng em một nửa và anh một nửa. Anh có thể sử dụng nó vào GALLERY thứ ba của anh tới đây được không? Em mong...

Bởi vì, đây mới là điều hệ trọng nhất: Cô gái cầm số tiền này đến anh để lấy bức chân dung chính là giọt máu anh đã để lại trong em sau cái đêm rừng mưa rơi không dứt ấy. Tên nó là An!

Vĩnh biệt anh!"

Đọc xong lá thư, mắt nhòa lệ nhìn lên, người họa sĩ già bỗng thảng thốt rùng mình... Trời! Có phải cái cô gái giao liên áo quần ướt sũng có đôi mắt ngây thơ, khắc khoải bên ngọn lửa lán trại năm nào đang đau đáu nhìn ông kia không?

- Con!... Tiếng gọi thốt lên từ buồng phổi ọp ẹp không đủ sức thoát ra ngoài mà lại chìm sâu vào gan ruột.


12-1991



 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.