chan_dung-ke_si

Boong Xay Truyện ngắn Cao Chiến

07-01-2023

Lượt xem 3130

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Cao Chiến truyện ngắn hay

Boong Xay Truyện ngắn Cao Chiến

TRUYỆN NGẮN CỦA CAO CHIẾN

 

Sau khi truyện ngắn Mùa lũ đăng trên tuần san Sài Gòn thứ bảy, một anh chàng tên là Biền đã gửi thư và hẹn gặp tôi khi có dịp. Rồi chúng tôi gặp nhau. Biền bảo tụi bạn trên vùng vàng rất khoái, muốn mời tôi ra chơi. Thấy tôi còn lưỡng lự, Biền lại bảo: “Anh mà chối thì em không dám về!” Nói rồi đưa hai tay bưng mặt. Tôi lúng túng, thực bụng thì cũng thích làm một chuyến chơi xa, có khi còn kiếm được dăm lạng cao cọp mà nghe đâu rừng xứ Bắc chưa đến nổi quá hiếm, nhưng lại cảm thấy chưa xứng với cái ân huệ mà đám trai dành cho mình nên đành ngậm miệng. 

Thành phố chớm vào mùa mưa. Một đám mây lững thững trôi ngang, thả rơi mấy giọt nước như những nụ hôn chấm vội xuống mặt đường rồi tan biến trong tiếng giày dép khua lộn xộn. Bất giác tôi giơ tay coi đồng hồ, thở dài đánh sượt. “Thế nào anh?” Biền lại hỏi. “Thôi được, tôi ra vẻ miễn cưỡng, anh đồng ý!” “Có thế chứ!” Biền toác miệng cười, chìa cả hàm răng sứt ra ngoài. Tóc rậm, cháy quăn thành từng mảng như búp chuối, cái áo bay* rách xước phơi lộ tảng ngực trần, trông nó đẹp một cách man rợ. Tôi không giấu nổi vẻ ngưỡng mộ cứ trầm trồ khen mãi. “Ôi dào, Biền khoái chí, cỡ em thì có hàng đống, rồi anh thấy!”. 

Thượng tuần tháng sáu tôi đặt chân tới Thái. Theo Biền ngược lộ ba rồi cắt rừng đi thâu đêm, gắng sức lắm tôi mới không bị tụt hậu. Qua Hữu Lũng, Nà Loỏng, tầm sáng thì vào Thần Sa. Thấy tôi có vẻ mệt mỏi, Biền rót ly rượu thuốc bảo uống rồi cho người gọi mấy đứa dưới vòm** lên. Thằng Biền quả không ngoa. Chui hầm chui hố mà trông bọn trai đẹp phơi phới. Chúng ngồi vây xung quanh háo hức nghe Biền kể chuyện Sài Gòn, mà nó kể hay thật, đến mức tôi đâm nghi ngờ chẳng hiểu mình phải dân thành phố hay không. “Trong ấy uống cái gì cũng đá, Biền thủng thẳng, rượu bia còn chịu được chứ trà đá thì, nó cười ré lên, em xin chịu các bố!” Đám trai cười lăn lộn, nước mắt nước mũi giàn giụa. Mặc dù cảm thấy tự ái nhưng trong thâm tâm tôi phải thừa nhận Biền nói đúng. “Mà thôi, nó bỗng nghiêm sắc mặt, khoát tay chỉ một thằng ngồi bên, hỏi giật, mày xem các thứ xong chưa?” “Dạ rồi!” Thằng trai đáp. Chúng nó đặt sấp cái đầu heo còn ngút khói lên tàu chuối rừng rồi đưa bình rượu lớn ra, rót đầy ly cối. “Uống đi anh, Biền mời, tụi em vẫn thế, đơn giản lắm!”. 

Đám trai uống rào rào, ăn rào rào, cười nói hỉ hả. Tôi cũng thuộc loại bợm nhậu, nhưng có lẽ do người thấm mệt nên sau vài tua đã cảm thấy choáng, không địch nổi với bọn trai sức lực đang ở độ sung mãn. Rồi tôi ngủ thiếp đi. Bừng tỉnh thấy trời đã xế mà xung quanh vắng ngắt, đâm hoảng gọi toáng lên “Biền Biền!” Một thằng trai chạy vào ngồi cạnh tôi, rọt rẹt: “Anh Biền xuống vòm rồi!” “Bao giờ lên?” “Khi nào mệt bọn khác sẽ xuống thay!” Nó cười, ghé miệng vào tai tôi thì thầm: “Làm vài “bi” giải sầu anh Hai ha?” Tôi ngớ người chẳng hiểu “bi” là cái gì nhưng cứ gật đầu đại. Mãi sau này tôi mới biết đó là dạng thuốc lào tẩm á phiện viên thành bi. Thằng trai đưa cho tôi cái dọc thuốc rồi lập bập mồi lửa, khoái chí cười không thành tiếng. 

Tôi chưa kịp say sưa với trò hút xách quái đản này thì bỗng thấy Biền xộc vào, giật phăng cái dọc thuốc bẻ gãy đôi, quát lớn: “Thái!” “Dạ!” Thằng Thái run lập cập, mặt cắt không còn hột máu. “Tao đã bảo sao mày không chịu nghe, hả?” Biền quắc mắc nhìn tôi, giang tay tát “bốp” thằng Thái, thở hộc lên: “Mày lên đây làm để kiếm sống chứ không phải để hút, nhớ chưa?” “Em nhớ rồi!” Thái mếu máo. “Thôi được, Biền dịu giọng, biết ăn lời thế là tốt!” Rồi Biền quay sang tôi, thoáng bối rối: “Giận mà nhiều lúc nghĩ thấy thương, mẹ nó bịnh cả năm nay, tiền thì chẳng có!”. 

Đêm Thần Sa không buồn như tôi tưởng. Suốt một giải núi dài rộng mấy chục cây số vuông, đèn điện, đèn măng xông sáng choang, như ngàn sao đeo bám giữa những vách đá cheo leo hay bên miệng hang vòm sâu thẳm. Nhạc đixcô nện thùng thùng, mùi cơm phở thơm ngạt mũi. Người đàn bà Thần Sa, theo cách nói của bọn thằng Biền, quằn quại đau đớn, ói ra từng hộc máu vàng lốm đốm, rồi như kiệt sức bởi sự tàn phá ghê gớm của đám trai bất chấp đói khát bệnh tật và cái chết rình rập bốn bề, thối rữa từng khúc ruột. 

Năm chục cái lều, năm chục ổ mối làm bằng đủ loại tăng bạt vải bố, với đủ hạng người từ khắp các xó xỉnh cô cùng xô dạt tới đã đục ruỗng Thần Sa, bóp nát vụn hàng vạn tấn đất quặng, luồn lách như trấu trạch xuống những mạch ngầm sâu thẳm giữa lòng đất. Ở đây không có khái niệm thời gian. Những vệt máu đen thẫm bết từng mảng trên mỗi thớ đá răng cưa là cái bằng chứng sống động của khát vọng đổi đời. Và như một lẽ tự nhiên, phần việc nguy hiểm nhất là chui vòm luôn được giành cho đám trai không quá lớn con nhưng dẻo sức. “Như em đây, Biền vừa nói vừa lắc, mấy cú kẹt vòm suýt toi mạng. Nhưng mà thích!” Bất chợt nó vung tay chỉ mấy thằng trai tóc rối bù đang rầm rập đi trên đỉnh núi, bảo tôi: “Đấy anh xem!” Thì ra đó là bọn mới từ vòm lên. Đám trai vừa đi vừa cười oang oang. Trong cái giá lạnh bịt bùng của núi rừng buổi sớm, ngực chúng nó phanh ra, trông ngang ngược và kiêu hách lạ lùng. Cánh đãi thuê và kéo máng xối trố mắt nhìn, không giấu nổi vẻ thán phục. 

Vàng sa khoáng ăn theo mạch, tia nhỉnh hơn chiếc đũa rót vào ruột núi. Gió núi khí núi nhào thành từng cục lổn nhổn, bó cứng trong những cái lỏm** sâu vài trăm thước. Để hốt được vàng tổ phải dày công sục sạo, tính toán nát óc mạng mạch rồi đánh mìn khoét giếng. Thất bại là thường, nhưng cũng chẳng vì thế mà đám trai thối chí. Chỉ một lần trúng ục*** là suốt đời sung sướng. Tôi háo hức muốn xuống vòm nhưng Biền cứ lần lữa mãi, sau cùng tôi phải dọa bỏ về thành phố nó mới chịu. 

Đu bám dây theo vách vòm độ bảy chục mét, ngược mắt trông mấy cái đầu nghiêng ngó phía trên, tự nhiên tôi cảm thấy dường như mình đã nhập vào cái cộng đồng đói khát và quả cảm của bọn đào vàng này tự bao giờ với cái mơ ước đâm thủng ruột núi mỗi lúc mỗi thêm mãnh liệt. Ngay trên đầu tôi, thằng Biền chẳng dây dợ gì cả. Nó cong người, áp lưng vào bên gờ, còn tay và chân đạp vào phía đối diện lần lần xuống theo kiểu bò đứng của thạch sùng. Rùng rợn quá, lỡ mà trượt tay... Sau khi bò qua lòng một con suối cạn, cả bọn vào tới giếng. Mấy cái đèn thợ mỏ bật sáng, chiếu quét xuống đáy. Tiếng choòng búa đập chát chát như đục vào tai. Chừng nửa giờ, ba bốn cái đầu xù nhô lên. Biền kéo tôi vào vòm kế bên. Đất đá bay rào rào. Rồi mấy cái đầu lại biến hút dưới đáy giếng. 

Đột nhiên toàn thân tôi rời rã, mắt nổ đom đóm, trong khi bụng sủi sùng sục. Tôi lao vội vào ngách vòm, chỉ kịp kêu “Biền” rồi ngã xấp mặt nôn thốc nôn tháo. Tôi cũng không rõ bị ngất trong bao lâu, chỉ biết là khi mở mắt thì đã nằm trên mặt đất, đám trai vây xung quanh. Mặt Biền tái dại. Thấy tôi tỉnh, nó vội ngoảnh sang phía khác quát bảo mấy đứa đem mật gấu đến xoa. Hình như nó khóc. Mãi sau này tôi mới biết, đám trai bữa ấy mà chậm chân một chút thì tôi đã đi “tầu suốt” rồi. Khói mìn rất độc, ngay bọn nổ chuyên nghiệp nhiều đứa cũng không chịu nổi. 

Vàng cạn kiệt dần, lác đác đã có vài lán bỏ đi. Vòm của bọn Biền vẫn còn kiếm được, tuy không nhiều. Nhìn đôi mắt thâm quầng của Biền, tôi biết nó nghĩ mông lung lắm. Một buổi sáng Biền gọi cả đám trai lại khoát tay bảo: “Tao đi ít bữa sẽ về. Chúng mày nhớ chăm anh Hai!” “Anh đi đâu?” Cả bọn nhao nhao. “Thái theo anh!” Biền nói gọn lỏn, đoạn buộc thắt ống quần, giắt dao găm bước phăm phăm ngược núi. Ba ngày vẫn chẳng thấy nó về, tôi và đám trai bồn chồn như ngồi trên lửa, chả thiết gì ăn uống. 

Giữa lúc ấy thì Min rỗ giở quẻ đòi vòm. Nghe bọn trai bảo ngày trước Min làm chủ vòm, sau thấy kiếm không được nên bỏ qua chỗ khác, bán cái cho Biền. Qua ngày thứ tư thì Biền về, Min rỗ bảo: “Anh đến để đòi vòm!” “Vòm nào? Thôi anh hút thuốc rồi xéo cho đàn em nhờ!” Biền bảo Min. “A, mày đuổi tao đấy à?” “Thì tại anh..!” “Thằng này láo, không còn biết lễ nghĩa là gì nữa!” Min rỗ bước sấn lại. “Anh thích chơi theo kiểu nào? Biền đút hay tay vào túi dằn giọng, nếu anh đói thì xin, nhưng phải đàng hoàng. Trói nó lại!” Biền thét lên, đôi quai hàm giật mạnh. Bọn thằng Tùng thằng Thái nhảy ào tới. “Anh xin, anh xin!” Min rỗ ngồi thụp xuống đất, sợ đái ra quần. “Thôi được!” Biền cười, lúc này trông mặt nó hiền khô. Đám trai làm lành với nhau. Thì họ vốn là dân cùng phố. Min rỗ bảo: “Anh dạo này đát quá, mà bà già thì bịnh liệt giường…” Đoạn day mặt sang phía Thái. Chỉ nghe loáng thoáng: “Nhớ... đang chờ...” Rồi thấy thằng Thái ôm mặt khóc hu hu. “Còn khá vàng không?” Biền hỏi. Bọn trai dốc ngược mấy ba lô được già chén vàng mộc đem chia ba, phần cho Min, phần đưa thằng Thái, số còn lại giữ phòng bất trắc. Biền bảo Thái: “Mày không phải nghĩ ngợi gì, cứ lo chu tất cho bà cụ, ít bữa rồi anh về!”. 

Bọn trai tiếp tục đánh mìn ròng rã hai ngày mà chẳng nước non gì, mạch bị tắc. Tay chân chúng nó nổi sần từng cục như mụn cóc rướm máu, cái áo thằng Biền móc vào đá rách toạc cũng chả thèm đính lại, thất vọng đầy ứ trong những hố mắt thâm quầng. “Thôi nghỉ!” Biền khoát tay, rồi cả bọn kéo nhau ra quán Bóp. Mụ Mành, chủ quán Bóp, thấy bọn trai lục tục đến thì mừng rú, cười ngoác tận mang tai. Mấy mảnh giấy dầu buộc néo vào cọc dưới mái đá chìa như lưỡi mũ, gọi là quán cho sang chứ thực chưa bằng cái chốn dung thân của kẻ ăn xin cố cùng. Nhưng cũng đủ thức, thậm chí cả món... tươi mát là thứ xa xỉ trên vùng vàng cũng có thể kiếm được, dĩ nhiên là đưa đi chỗ khác. Nhưng đám trai chẳng còn tâm tưởng nào. Rượu thịt bày ê hề, giá cũng phải chăng. Bọn trai bảo mụ tốt, chỉ mấy đứa buôn là hay chửi, nhưng cũng chửi lén chứ trước mặt thì bố bảo, mụ mà nổi cơn tam bành thì có khi bị bóp lè lưỡi. “Thế nào Biền?” Mụ Mành vừa đổ rượu vừa hỏi. “Cháu đang tính đi Boong Xay!” Biền thủng thẳng đáp. “Ừ, được đấy! Thằng Thạch bữa trước về có nói với tao là cũng kiếm được, nhưng nguy hiểm!” Mụ Mành bảo Biền. “Xá gì, phải không anh Biền ?” Thằng Tùng đưa ống tay áo quệt mồm hỏi chõ sang. “Nhưng...” Biền bỗng ngập ngừng. “Sao anh?” Cả chục cái mồm ngừng nhai, hướng cả về phía Biền. “Lương thực cạn rồi!” Giọng Biền thoáng buồn. “Lo gì Biền, mụ Mành sau ít phút yên lặng, từ tốn góp chuyện, gạo thịt đây mày cứ lấy!” “Thế lỡ...” “Đi là được cháu ạ, mụ Mành cười rung từng tảng thịt dưới cái cổ mập ú, đế thêm, còn người thì còn của, chúng mày đã bao giờ quịt của tao đâu!”. 

Bọn trai kéo nhau đi. Rừng hoang vu. Boong Xay như thằng khổng lồ đứng chạng chân, đầu chọc vào mây. Gió thổi hút dưới vực lạnh buốt. Bọn trai ôm nhau bò qua cầu khỉ, sơ sểnh là tan xương, rồi ngã vật vào bờ đất vừa thở vừa rên hừ hừ. Bọn nó đã gặp may. Cách vài tầm với, mạch nước to bằng thúng cái chảy ào ào. Biền vắt cái áo vừa giũ lên cành cây cười ha hả, giục mấy đứa đi tắm. “Dù sao cánh ta cũng là dân phố!” Nó tưng tửng. Sau khi đã ních đẫy ruột, bọn trai nằm úp mặt vào lưng nhau quanh đống lửa ngủ như chết. Trong cái hoang vu man dại của đêm ngàn, giữa những tiếng hú hỗn độn, không phải là tiếng người nhưng cũng không hẳn là tiếng thú, nghe rùng rợn và da diết, Biền ngồi tư lự, mái tóc xõa kẹp giữa hai đầu gối. Hình như là nó nhớ… 

Sáng hôm sau bọn trai lao vào cuộc tìm kiếm. Rắn nhiều vô kể, chỉ men men rìa vòm mà thằng Tùng đã quật chết cả chục con, nhưng vắt mòng thì tuyệt không thấy, kể cũng lạ. Miệng hang Thần bị đánh vỡ toác, tuôn ra từng cuộn khói. Biền, Tùng ôm dây nhảy xuống, miết cho tới trưa. Nó bảo: “Có xương rục!” Theo kinh nghiệm, hang có xương người thường nhiều vàng. Đoạn hỏi bọn trai: “Chúng mày có ngửi thấy mùi khói?” “Có!” Hai mắt Biền sáng quắc. Nó đứng ngược hướng gió hít hít, rồi đột nhiên bụm tay hú từng hồi dài. Có tiếng hú đáp lại mỗi lúc mỗi gần rồi xuất hiện mấy cái bóng lố nhố. “Đúng là Thạch rồi!” Biền reo lên khe khẽ. “Có phải Thạch..?” Tôi buột miệng hỏi. “Ừ!” Biền đáp. Tôi suýt kêu lên, không ngờ lại được chạm mặt cố nhân ở đây. Thạch thay đổi nhiều, xanh và gầy, chỉ có điệu cười vẫn như xưa. Thạch bảo tôi: “Sau khi các anh, tức đoàn làm phim “Dòng sông vàng” rời Thái, em về lại vùng vàng. Thoáng mà đã bốn năm!” “Bốn năm, nhanh thật đấy!” Tôi tặc lưỡi. 

Mặt trời đã tụt xuống núi. Bướm bay rập rờn suốt dải thung lũng, đậu kín mấy dây bìm, dây lạc tiên, nhác trông không phân biệt nổi đâu là hoa, là bướm. Đám trai dưới vòm lục tục về ngồi kín xung quanh. Biền bảo Thạch: “Nghe mụ Mành nói anh trên này, mà sao em không gặp?” “Núi rừng mênh mông, Thạch đưa tay khoát một vòng rồi chỉ cây cầu, giọng nhấn nhá, tao phải đi vòng!” “Thế còn..?” Biền hồi hộp. “Hà Loan đang nghỉ hè, cũng ở đây. Để tao gọi!” Đôi mắt Biền lúc ấy trông rất lạ, vừa mừng, vừa bối rối, cứ nhấp nha nhấp nhổm. Rồi chẳng biết nói gì nữa đành bẻ ngón tay khục khục. 

Gió ngậm đầy sương thổi tràn vào thung lũng. Núi như mảnh chiếu cói bị bóng tối ẩm ướt liếm từng mảng loang lổ. Nhưng nắng vẫn chưa chịu tắt, lúc lúc lại hừng lên suốt dải rừng tây. Trong cái sắc chiều ốm ốm buồn tẻ, sự xuất hiện của cô gái làm không khí trong lán sống động hẳn lên. Quần gin bó trong ghệt, áo dây buộc thắt bụng làm nổi vòng eo và cặp giò thẳng, đôi môi mọng loáng ướt, trông cô đẹp kỳ lạ. Hà Loan đưa tay hất mấy lọn tóc, phơi lộ vầng trán cao trắng xanh như ngọc, bảo tôi: “Anh Thạch anh Biền kể nhiều về anh mà hôm nay em mới được gặp!” Rồi cô cười nói tiếp: “Em thích cuộc sống này, đẹp hơn nhiều những gì người ta viết, phải không anh?” Đôi mắt to, buồn thăm thẳm nhìn xoáy vào mặt tôi. Tôi đưa đẩy: “Thì cuộc sống vẫn là cuộc sống...” “Thôi nghĩ ngợi làm gì cho nhọc, uống một chút em!” Biền cắt ngang. Nó nâng ly rượu bằng cả hai tay nhưng luống cuống thế nào bị đổ làm đám trai cười ầm ĩ. Hà Loan cũng cười, gọi khẽ: “Anh Biền!” Rồi ngồi xuống bên cạnh. 

Trăng treo lơ lửng trên ngọn cây, xanh biếc. Sương trút như mưa rồi đông đặc dưới thung lũng. Mà trời trong lạ lùng. Bọn trai ngắm trăng tán gẫu rào rào. Biền với Hà Loan ngồi riêng rẽ, khuất sau mỏm đá lớn. Tiếng cô gái thoảng trong gió: “Anh gầy quá!” Rồi nghe tiếng Biền cười. Cái trí não non nớt và bốc đồng của tôi dường như vừa được tẩy rửa. Đang giữa mùa trăng. Nơi đây, giữa điệp điệp hoang vu của núi rừng, không còn khái niệm thời gian, chỉ có tình yêu và sự hiện diện của đám trai với cái ý chí khuất phục thiên nhiên mãnh liệt. 

Tôi gặp Hà Loan hàng ngày, thường là sau bữa ăn trưa. Một lần, cô nữ sinh sư phạm bảo tôi: “Bọn em đã tính cưới nhưng mẹ anh Biền mất đột ngột, nên phải chờ!” “Bao giờ thì em ra trường?” Tôi hỏi. “Hai năm nữa. Mà có khi lại thất nghiệp. Bây giờ còn ai học văn nữa đâu..!” Rồi cô cười hồn nhiên: “Nhưng em cũng chả sợ. Thất nghiệp thì theo anh Biền đi làm vàng, vui chán phải không anh!”. 

Đám trai làm hùng hục như trâu húc mả. Thái, Min rỗ cũng đã lên nhập bọn, đem theo khá nhiều gạo thịt, và kể toàn chuyện phường phố làm bọn trai nhớ không chịu được, nhưng chẳng lẽ về tay trắng. Sau trận kịch chiến quật chết trăn gió dưới hang Thần, chúng nó có tin vui. Đứa nào đứa nấy mặt mũi hớn hở dù nhúm vàng bọn Biền, Tùng đưa lên chưa đủ kết mà còn đang phổi, phần vàng bẩy tám phần đất, nhưng thế đã là may và hứa hẹn lắm. Rồi trúng ục. Tiếng hò reo vang động trên khắp vách đá. Min rỗ nằm thụp xuống cứ dí mũi như chó hít lấy hít để cái hơi vị tanh tanh lạnh lạnh của vàng sa khoáng, khóc nức nở. Biền cười, kéo thốc Min đứng dậy vỗ vai bộp bộp: “Thế là có tiền làm thuốc cho bà già rồi!”. 

Mưa trắng trời, tát chan chát vào vách đá. Chớp loang loáng, như lưỡi lam rạch xé ngang dọc trên đầu. Sấm rền rĩ. Trong lán, bọn trai nằm ngổn ngang, đốt thuốc tán gẫu ầm ĩ. Nhưng cũng không át được tiếng mưa. Biền có vẻ lo, bó gối ngồi như tượng, trán hằn lên những vết gấp, mà bọn trai thì vô tư quá. Nó lầm bầm chửi tục. Một tiếng nổ lộng óc quạt thốc gió vào lán, giật đứt phăng mấy sợi néo. Đất rùng rùng chuyển động. Rồi đột nhiên diễn ra cái cảnh khiếp đảm chưa từng thấy. Ngay trước mắt núi toác làm mấy mảnh, đổ sập xuống, phơi lộ những vỉa vàng sáng chói. “Vàng!” Thằng Tùng thét lên, lao như tên bắn về phía trước. Mấy đứa khác cũng nhào theo. Tuy không kém phần kinh ngạc nhưng Biền đã kịp trấn tĩnh, nó quát lớn: “Đứng lại ngay đồ ngu, muốn chết hay sao!” Rồi hối hả buộc thắt đồ vào gốc cây lớn, quàng chéo qua người. Đám trai như sực tỉnh cũng vội vã làm theo, dù trong lòng còn ấm ức tiếc. Những mạch nước to như thúng cái phun xối xả, tạo thành dòng chảy cực mạnh đổ rạt qua đầu, cuốn băng mọi thứ xuống vực. Ít phút sau thì cơn lũ tan. Bọn trai đưa mắt lấm lét nhìn Biền. Thằng Tùng giọng chưa hết run: “Hút chết, may mà có anh Biền!” “Chứ sao!” Mặt Biền vênh lên. Nó hãnh diện đáp rồi đưa tay lên miệng hú mấy hồi dài. Nhiều tiếng hú đáp lại. “Ổn rồi!” Biền buột miệng ngã phịch xuống đám cỏ, thở phào nhẹ nhõm. 

Sau cơn mưa, bầu trời trong và xanh lạ lùng. Vách đá bốc hơi nghi ngút. Dấu tích vỉa vàng cũng không còn. Từ độ cao tám chục thước, những giọt nước tí tách rơi đan quanh cây cầu, tựa những vết vẩy trong tranh thủy mặc, đẹp rợn người. Bọn trai ngơ ngẩn nhìn, dường như quên bẵng cơn thịnh nộ mà Boong Xay vừa dành cho chúng. Biền bảo tôi: “Trên ấy, nó vừa nói vừa chỉ tay lên đỉnh núi, có hồ nước thường bị dội nên dân thổ gọi đây là Thác Mưa Rơi!”.

Hai toán trai nhập làm một, tính quăng dây lội qua cầu cho an toàn. Biền đi bên Thạch, chẳng biết đang nói chuyện gì mà cứ thấy Thạch cười rũ, gật lia lịa. Đường như đổ mỡ. Đang đi, đột nhiên nghe phía sau có tiếng kêu thất thanh. “Hà Loan, Biền thét lên, rút phựt dao găm chạy bổ lại, em làm sao?” Một con rắn hổ trâu bò lướt qua, phun lưỡi phì phì. “À, thì ra là mày!” Biền nghiến răng. Mũi dao cắm phập qua đầu con rắn cắn chặt vào đá, rung bần bật. Biền đỡ cô gái ngồi xuống. Hà Loan mặt tái nhợt đang đưa tay bóp chặt đùi. Cô gái nuốt ực viên thuốc lào to tướng, thở hổn hển. Biền chùi sạch mũi dao rồi nhanh như cắt, rạch một đường. Dòng máu đỏ hồng chảy loang trên làn da trắng mịn, cô gái lả hẳn người xuống. “Đau nhiều không em?” Biền vừa hỏi vừa xé toạc cái áo bay quấn chặt mấy vòng phía trên vết cắn, đoạn ghé môi hút mạnh. Rồi loạng choạng đứng dậy.

Đột nhiên Biền thấy người nặng chịch, tim đập loạn xạ, trong khi đầu và hai bên thái dương đau buốt tựa kim châm. Nó ngã nhào xuống bên cô gái. “Biền, anh Biền!” Hà Loan lúc này đã tỉnh, hoảng hốt gọi. Bọn trai vây quanh sợ hãi cuống cuồng càng ra sức lay gọi và đổ liên tiếp nước thuốc lào, cố ngăn nọc độc khỏi chạy vào tim. Nhưng dường như bất lực. Biền nằm thiêm thiếp, tròng mắt dại và đỏ như máu. “Tùng, tiếng Biền đứt quãng, mụ Mành...nhớ...” Hà Loan níu chặt tay Biền oà khóc nức nở. Những ngón tay mềm mại và thô ráp đan riết vào nhau. “Em, đôi môi phồng rộp mấp máy, đừng khóc..!” Gió thổi ào ào. Một bầy chim lạ bay vụt qua, tiếng kêu đập vào vách đá dội trở lại, không tan, cứ ngân cao mãi, cao mãi.

Thằng Thạch ôm xác Biền vừa đi vừa khóc, đám trai lốc thốc theo sau. Tới giữa cầu, Hà Loan đứng lại đưa tay vuốt ngược mái tóc, rồi cứ thế ngửa cổ nhìn trời, cười khanh khách. Cầu vồng như vệt máu tươi loang trên vách núi. Thác Mưa Rơi đang thả những hạt nước cuối cùng vào dòng chảy đang cuộn lên dưới chân vực. “Biền..!” Cô gái cất tiếng gọi rồi buông tay, lao cắm đầu xuống.

Họ nằm bên nhau trên bãi rừng phủ đầy lá vàng, mặt hướng về phía thành phố. Bên cạnh là Boong Xay với lớp lớp đá dựng xám ngắt trong mờ mịt sương mù. Thằng Thạch, Thái, Tùng, Min rỗ…Mười mấy thằng trai đứng im lặng, máu rỏ ròng trên những vành môi buốt giá. Trong cái hoang vu man dại của chiều ngàn, nghe vẳng đâu đây có những tiếng gọi. Tiếng gọi da diết vô cùng. Từ giữa khoảng không vô tận, mấy vì sao chợt thắp lên những ngọn lửa lấp lánh như mắt người rọi suốt dải Boong Xay kiêu hùng lồng lộng gió.

 

Cao Chiến

 

Thái Nguyên - Tp Hồ Chí Minh tháng 6-8.1991

 

* Áo bay: Trang phục của lính Nga rất phổ biến ở miền Bắc ** Vòm: Hầm khoét vào trong núi theo cách gọi của dân đào vàng

*** Lỏm: Hang sâu trong núi **** Ục: Rốn vàng

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.