chan_dung-ke_si

BIỂN HÔM NAY NHIỀU NẮNG – Truyện ngắn Phạm Thị Ngọc Liên

11-12-2023

Lượt xem 872

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Phạm Thị Ngọc Liên

BIỂN HÔM NAY NHIỀU NẮNG – Truyện ngắn Phạm Thị Ngọc Liên

Nhà văn Phạm Thị Ngọc Liên

 

Còn lại một mình cô!

Uống cạn hớp bia cuối cùng, Tường lười biếng thả chiếc ly rơi xuống cát. Cô đưa mắt nhìn xuống thân mình. Chiếc áo trở nên chói quá dưới nắng. Màu đỏ làm Tường thốt nheo mắt lại. Cô vói tay lấy chiếc kiếng mát đeo vào. Duỗi dài người trên ghế, Tường mơ màng nhìn biển.

Biển hôm nay xanh biếc. ờ, trước sau cũng phải nói một lần cho xong. Kể ra thì cũng hơi ác, nhưng mà thà vậy, chớ tiếp tục hoài như hồi đó, chắc mình phát điên. Mà cũng lạ, không hiểu tại sao mình lại có thể chịu đựng được trong bấy nhiêu năm? Hơn một ngàn ngày, mỗi ngày hăm bốn tiếng. Sợ thiệt! Cũng không hiểu tại sao hôm nay mình lại nói ra được tất cả những điều đó? Có lẽ nhờ bia. Tiếc quá, hết bia rồi, chớ mình còn muốn uống nữa. Sao mà nắng dữ quá. Càng nắng biển càng xanh, gió vừa mát vừa nóng, buồn ngủ lạ lùng...

Mình với ổng, ai thương ai hơn? Chắc là mình rồi. Mình lại còn sợ ổng nữa, bất cứ một thái độ, cử chỉ gì của ổng cũng dễ làm cho mình lo sợ. Cái cảm giác nô lệ đó cứ tăng trưởng, tăng trưởng mãi. Mình vừa yêu, vừa sợ, vừa thán phục, vừa chán ghét, vừa cần thiết, vừa chán nản... lẫn lộn lung tung. Có lẽ cái vòng ma thuật này còn ám mình suốt đời nếu như ngày đó ổng không phát ngôn ra câu nói kinh tởm làm mình choáng váng đến buồn nôn, đến phát bịnh ấy.

Tường quờ tay lấy bao thuốc lá. Cô nhìn vào lòng bao, khẽ tặc lưỡi, còn khá nhiều, đủ để hút tới chiều. Cô châm lửa, rít một hơi dài ngốn ngấu rồi chậm rãi nhả khói. Mình sinh tật hút thuốc từ hồi đó, lâu dần thành thói quen, chẳng ngon lành gì nhưng không hút không chịu nổi, nhất là những lúc suy nghĩ một mình. Sau đó, ổng ôm mình dỗ dành - Em sao ngu quá, không biết nói chơi, nói giỡn gì hết, đó là anh cưng lắm mới nói vậy... Cũng lạ, ngay lúc đó mình vẫn răm rắp tin lời, và nguôi đi. Chỉ những lúc vắng ổng, càng nghĩ mình càng thấm hết chủ ý của ổng. Vậy mà mình vẫn hèn nhát, vẫn im lặng cho đến hôm nay...

Nắng ghê, mở mắt không muốn nổi, chắc là nước mát lắm, sóng trắng như tuyết thế kia, và biển thì xanh, xanh ngắt. ổng nhắc mình - Lần đầu ra biển với anh, em như con nít, giỡn sóng, giỡn cát, phơi nắng đến dộp cả lưng, suốt đêm rên rỉ như con mèo nhúng nước. Cần gì phải nhắc? Mình không phải là đồ dễ quên, nhưng kỷ niệm không quên được thì tì vết càng in đậm hơn. Lúc đó mình đã làm gì? Mình cười phá lên, nói vào mũi ổng - Hồi đó là con mèo, còn bây giờ là con điếm! ổng tái mặt liền. ổng quát mình - Tường, em điên hả? Vợ chồng ông Năm Dũng giả đò ngó lơ chỗ khác. Còn thằng Bảy tài xế với ông Thành hoảng hồn lảng đi. Mình cầm ly bia cười hì hì, chưa uống được miếng nào thì ổng đã hất đổ đi. Thôi đừng uống nữa, uống say nói tầm bậy tầm bạ gì đâu không à. ổng đòi đưa mình về khách sạn nghỉ cho tỉnh táo rồi sau sẽ đi ăn cơm. Bà Năm Dũng phụ họa - Phải đó cô Ba lên nghỉ đi chớ nắng gắt dữ rồi. Thằng Bảy thì lăng xăng cầm khăn áo, túi xách. Ai cũng cho rằng mình đã say. Say cái gì? Mình nói với vợ chồng ông Năm Dũng - Dạ, chú thím về trước, cả ông Thành nữa, cháu ngồi thêm chút xíu sẽ về sau. Liếc qua ổng, mình nhìn bộ mặt cau có, bất bình của ổng mà mắc cười. Bộ mặt rất ư... rất ư - là gì nhỉ? ờ... rất là ông chủ đó làm mình càng thấy cần phải quyết định. Mình cười với ổng. Anh ngồi lại với em một chút thôi, em có chuyện cần bàn.

Mọi người lục tục đi khỏi, Tường châm một điếu thuốc, ngả người ra ghế, nhìn sững mặt biển. Bãi cát trắng xóa, lấp lóa nắng. Những tia nắng bỏng rát của buổi trưa đã xua gần hết khách tắm biển lên bờ. Gần cây dù chỗ Tường ngồi, chỉ còn một cặp vợ chồng hay nhân ngãi gì đó, không còn trẻ nữa, cũng đang chuẩn bị ra về - Sao? Nói gì thì nói đi. Đĩnh cau có. Tường giật mình nhìn sang, thoáng chốc cô đã quên có anh ngồi bên. Cô nhìn bộ mặt đỏ au bóng nhẫy, đôi mắt húp híp sau chiếc kiếng cận, cái bụng béo phệ, mái tóc lơ thơ dán sát vào da đầu... của anh. Lặng lẽ rít một hơi khói thuốc, cô nghĩ - Con người như vậy mà đã một thời mình yêu mê say đắm. Đĩnh chưa hết cau có. Anh thở một cách nặng nhọc. Bỗng anh quay phắt lại, giật điếu thuốc trên tay Tường quăng đi - Thôi đủ rồi, bà làm tôi mất mặt với khách khứa, bạn bè hết sức. Đàn bà gì mà nói năng tệ hại!

Tường nhếch miệng cười. Con mèo trong cô bắt đầu xù lông, chiếc vuốt đầu tiên bật ra - Điếm thì phải nói năng như thế! Đĩnh chồm dậy - Nữa, lại bài ca đó - anh nhìn gương mặt bừng đỏ của Tường đấu dịu - thôi em nghe lời anh, về nghỉ. Muốn gì tới nhà hãy nói, đừng để mất vui. Đưa tay vuốt ve bờ vai trần của cô, Đĩnh dỗ - đi em, cho thằng Bảy nó ngủ một chút, chiều còn lái xe nữa chớ. Tường im lặng, cô hơi rụt vai lại như muốn tránh bàn tay của anh, nghĩ sao, cô lại để yên.

Biển xanh ngắt, chấp chóa những lượn sóng bạc đuổi nhau chạy về phía bờ. Tường rút một điếu thuốc lá, châm lửa. Quay lưng về phía Đĩnh, cô nói, không nhìn anh - Dĩ nhiên là sẽ về, nhưng mười lăm phút nữa, bây giờ em cần phải nói với anh, và anh không cần trả lời. Đĩnh ngao ngán - ờ, vậy nói lẹ đi. Nắng loang loáng, loang loáng, điếu thuốc trên tay Tường run run, cô nuốt nước bọt, cổ họng tự nhiên khô ngang. Tường xoay người, nhìn Đĩnh. Anh nằm dựa ngửa trên chiếc ghế hai tay đặt lên bụng, đôi mắt lim dim như sắp ngủ, anh có vẻ chẳng biết gì đến sự hồi hộp của cô, anh đang lơ đãng nhìn ra biển.

Tường nhìn sững Đĩnh, chút e dè cuối cùng trong cô biến mất. Tường bỗng nói, rành rọt, giọng không một chút tình cảm - Anh Đĩnh, anh có nhớ ngày đó không, ngày mà anh gọi em là con điếm nhỏ của anh? Đừng chặn lời em. Tất nhiên là sau đó anh đã nói cả ngàn lần là anh giỡn, anh cưng. Anh mua cho em những chiếc áo đắt tiền, những chai dầu thơm, những thỏi son mà em rất thích, để chuộc lỗi. Em cũng đã nhận những thứ đó, và tưởng là mình sẽ quên đi... Nhưng em không quên được, em bị giày vò đến khốn khổ vì cái từ ác nghiệt đó. Em theo dõi anh từng chút một, những thái độ, cử chỉ, lời nói của anh mà trước đó em vẫn tôn xưng và thần phục đến độ mê tín, thì nay lại chứa đựng bao nhiêu hàm ý, bao nhiêu phản nghĩa. Em nhìn ra những thái độ kẻ cả, những cử chỉ chấp nhận rất bề trên của bạn bè xung quanh anh, những người đã từng chống đối rồi sau lại cỗ võ cho mối tình của anh và em.

Ngoại trừ gia đình anh mà em đã kiêng dè như một thứ húy kỵ, một thứ tình cảm thiêng liêng không thể dứt bỏ, còn thì em đã bất chấp tất cả: bạn bè, dư luận xã hội... để lao tới với anh. Em chấp nhận làm một-thứ-vợ-bé của anh, đồng thời chấp nhận mất hết những cảm tình gần xa của mọi người đã dành cho mình. Em chỉ còn duy nhất có anh.

Tất nhiên em không thể phủ nhận là anh có yêu em, anh yêu vẻ thơ ngây, dại dột của em, anh yêu vẻ chịu đựng cam phận của em. ở em, anh tìm thấy tất cả những gì mà anh đã ước ao ở những người khác. Anh gọi em là người đàn bà thần thánh, người thay đổi vận mệnh cuộc đời anh! Anh săn đuổi, bao vây, quấy rầy cho đến lúc em không thể nào từ chối anh được nữa.

Em đã tin cậy anh biết bao. Tình yêu của em hiến dâng cho anh cũng đồng nghĩa như vậy. Em không hề mặc cảm, không hề tự ái trước con mắt phê phán của mọi người. Em chỉ biết tôn sùng anh, hoan hô anh, hãnh diện vì anh, hãnh diện làm một con thú nhỏ trong chiếc chuồng bao bọc của anh!

Đừng ngắt lời em, trước sau cũng phải nói một lần. cứ bỏ những năm tháng gọi là hạnh phúc đi, chỉ kể từ ngày anh nói lên câu nói đáng nhớ đó, em cũng đã phải chịu đựng ba năm rồi. Em không nín lặng được nữa đâu. Em nổ mất...

Không biết từ bao giờ anh thấy em đơn điệu và vô dụng? Em có phải là thứ vô dụng đâu? Chính anh đã biến em thành một thứ hoa cắm trong bình đó chứ. Hoa trong bình muốn tươi ngày này sang ngày khác thì chỉ có hoa ni lông thôi. Anh thích hoa thật, thay đổi từng ngày. Tiếc rằng em nhận biết điều này quá chậm ...

Cũng không biết từ bao giờ em tập cho mình thói quen đánh giá mọi sự việc? Có lẽ từ ngày đó. ờ, nếu như ngày đó anh không gọi em là... thì có lẽ tới bây giờ em vẫn y sì một thứ con rối cho anh giựt dây. Em sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy mặt trái của vấn đề. Tất cả những quà cáp vật chất, những dỗ dành ve vuốt của anh, sẽ áp đặt cuộc đời em theo ý anh không biết đến bao giờ nữa.

Đừng quát lên như thế, dĩ nhiên lòng chân thành của anh, em cũng nhận ra, nhưng đó là thời xa xưa kia, khi anh còn kém thế, danh vọng chưa có mà tiền bạc cũng không. Làm sao em quên được từng gói xôi, từng chén cơm chiên anh đã chia sẻ cùng em? Phải nhắc lại chớ, cái thời chiếc áo anh mặc đính năm cái nút khác nhau, cái thời còn ngồi uống nước mía vỉa hè, ăn cơm tập thể ấy, anh muốn quên còn em thì xót xa tiếc nhớ. Cái thời ấy vĩnh viễn đã qua rồi.

Em không phải là thần thánh, em chỉ là đàn bà, đồng nghĩa với trẻ con. Em sung sướng khi anh thành đạt, em hưởng thụ những thứ thiếu thốn mà anh đã bù đắp cho em, em biết ơn anh... Không, chưa đủ, em yêu anh, trên tất cả những điều em nhận được và sẽ phải trả giá sau này.

Cái tia mắt giễu cợt thậm chí khinh bỉ ấy đã có từ lúc nào? Mỗi lần đi xa về, cộng với quà cáp, tiền bạc, anh còn trao cho em cả một khối nặng trĩu trong tia mắt kẻ cả, ban ơn ấy. Anh đùa bỡn, cợt nhã, gọi em bằng trăm thứ tên gọi trên đời, để rồi cuối cùng anh nói bật ra câu nói chính, anh đã định sẵn từ lâu!

Cả một thời tuổi xuân của em đã trôi đi, đã vô ích trôi đi cùng với thứ tình yêu kích kỷ của anh. Không, anh chưa hề yêu em. Anh chinh phục em, chiếm đoạt, cưu mang, sở hữu em... chỉ để thỏa mãn tự ái của anh. Anh muốn chứng tỏ với mọi người rằng anh muốn là được. Còn em, ngây thơ và hồn nhiên, em rung động đến cùng, tin cậy đến tận cùng, em yêu anh hơn cả bản thân em nữa. Đó cũng là điều đã cản ngăn không cho em nói ra những nhận định của mình suốt ba năm nay. Anh thử đặt mình vào vị trí của em xem: Em vẫn lo lắng chăm sóc anh, vẫn tiệc tùng du lịch cùng anh, vẫn làm một cái bóng lẽo đẽo bên anh, chỉ vì một mong ước duy nhất là thấy mình lầm, mình nghĩ sai cho chồng! Nhưng, anh thử nhận xét khách quan đi: khi em làm nghĩa vụ người vợ với anh lúc sau này, em có giống như trước không? Không, thật đáng sợ, lúc đó em vô cùng tỉnh táo, em lắng nghe, dò xét, xem thử anh đến với em bằng tư cách nào - người chồng? hay là một thứ ông chủ và con điếm nhỏ mà anh đã phát ngôn?

Việc gì mà anh phải làm nhục em như vậy? Việc gì mà anh phải hành hạ em bằng cách đó? Anh sợ rằng sẽ mang tiếng khi ruồng bỏ em, bởi em hoàn toàn không có lỗi gì với anh chăng? Anh sợ em sẽ phá quấy, hất đổ cái vị trí anh hiện có nếu anh tuyên bố chia tay với em chớ gì? Hay anh sợ em sẽ đòi hỏi, chia chác tài sản công khai, điều mà anh vô cùng tránh né?

Lúc thì anh âu yếm vồ vập em, lúc thì anh nói nặng, nói nhẹ, lúc đập phá chửi bới, lúc thì òn ỉ xin lỗi... Anh quay em như chong chóng, em sống dở, chết dở, em không biết phải đối phó với anh bằng cách nào nữa, em phát điên lên mất, em chịu thua, em đầu hàng, anh hãy tha thứ cho em...

Anh đừng hỏi em còn yêu anh không? Hỏi câu đó là thừa, là xúc phạm em thêm lần nữa. Em có thể chịu đựng được tất cả, kể cả việc anh có một người khác, nhưng đó là khi anh còn coi em là vợ - dù là vợ bé... Còn bây giờ...

Em xin anh, em nói chưa hết đâu, nhưng anh thừa thông minh để hiểu. Em sắp mất bình tĩnh đây, em không còn đủ dũng cảm để nói tiếp nữa, anh cho em được ngồi đây một mình. Em không làm chuyện dại dột đâu, anh cứ yên tâm về nghỉ. Tất nhiên em sẽ giữ gìn danh dự cho cả anh và em, cho đến phút cuối cùng... Không, em không nghe anh nói đâu, anh cứ đi đi, cho em được ở lại một mình...

Đĩnh chập chạp leo lên dốc đá, anh lựng khựng đứng lại nhìn Tường. Cô nằm yên trên ghế, nhỏ nhoi và bất động trước mênh mông biển xanh và cát trắng. Đĩnh khẽ lắc đầu, anh chau màu nghĩ ngợi rồi há miệng định gọi Tường nhưng lại tần ngần quay đi. Nắng hất chiếc bóng anh xiêu đổ trên đường. Đến cạnh chiếc xe, anh gọi Bảy - Mày chịu khó ở đây dòm chừng bả, lát tao ra. Chậm chạp anh đi ngược biển, trở về khách sạn.

Tường đăm đăm nhìn biển. Xanh ghê, xanh muốn khóc luôn. Ôi trời, chưa có hôm nào biển nhiều nắng như hôm nay. Sóng muốn nói gì với mình mà vật vã hoài như thế? Mình cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng sao đau quá, đau đến rã rời. Đừng khóc nghe Tường, phải can đảm lên, can đảm lên... Nắng quá. Em như con nít, giỡn sóng, giỡn cát... đến dộp cả lưng... không cứ khóc đi, khóc đi... giấu giếm làm gì...

Điếu thuốc rời khỏi tay Tường, cô thẫn thờ rời khỏi chỗ ngồi, đi xuống biển. Nằm xoãi người mấp mé mặt nước, Tường nhắm mắt, im lặng nghe sóng và cát vỗ về quanh người. Sóng ơi, hãy hát ru tôi đi, cho hồn tôi tĩnh lại...

Chiếc áo đỏ như một mặt trời nhỏ giữa chập chờn sóng xanh và cát trắng. Nắng vẫn rực rỡ, rực rỡ đến mê người...

 

Cùng tác giả:

MỘT NỬA SỰ THẬT - truyện ngắn Phạm Thị Ngọc Liên

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.