chan_dung-ke_si

BÍ ẨN CỦA TÌNH YÊU - Truyện ngắn Phan Cao Toại

15-09-2023

Lượt xem 1127

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hayPhan Cao Toại

BÍ ẨN CỦA TÌNH YÊU - Truyện ngắn Phan Cao Toại

Nhà văn Phan Cao Toại (1945-2007)

 

Cuối cùng, cô ấy bằng lòng lấy tôi. Người phụ nữ đã ly dị chồng, lớn hơn tôi sáu tuổi. Người mà cách đây gần ba năm tôi phải luôn luôn khúm núm gọi bằng chị, xưng em ngọt xớt, người đã từng và đang là bà chủ của tôi.

Nàng tên là Hậu. Ở tuổi ba mươi hai, dung nhan của nàng chẳng có gì đặc sắc. Gò má cao, miệng hơi rộng, khuôn mặt khắc khổ và từng trải. “Co người” thì được, nhất là khi nàng mặc váy. Nàng đặc biệt ít nói, ít biểu lộ cảm xúc với người đang nói chuyện. Chuyện nàng phất lên trong làm ăn, đứng đầu một xí nghiệp tư nhân xuất khẩu thuỷ sản ở thành phố này nghe nói là chuyện tình cờ. Nàng đã từ chối theo ba má sang định cư ở nước khác chỉ vì nàng rất yêu chồng mình. Thế mà thằng chồng phản bội, đi với người khác. Nàng hận lắm, cuối cùng phải làm đơn ly dị, tự đặt dấu chấm hết cho tình yêu của mình, hùn vốn làm ăn với người bà con. Nàng chịu khó tảo tần. Rồi đến lúc nước nhà mở cửa, nàng phất lên như diều gặp gió.

Đang thất nghiệp dài dài, nghe xí nghiệp của nàng thông báo tuyển công nhân, tôi đăng tên. Lời thông báo trên tivi hấp dẫn lắm: "Lương cơ bản bốn trăm ngàn, kèm theo một bữa ăn trưa…". Còn gì hơn đối với tôi lúc ấy nữa. Sau khi học xong lớp mười hai, thi trượt đại học, tôi nản chí với con đường công danh sự nghiệp, thử vận may kiếm sống không biết bao nhiêu công việc: xích lô, ba gác, phụ nề, chặt cây. Nghề nào cũng chỉ được năm bảy bữa. Người ta bảo có chí thì nên. Chí của tôi cứ nhũn ra, không bền được.

Ngày đầu tiên trước đám đông công nhân mới tuyển, mặt nàng lạnh tanh, giọng nói từ hai hàm răng khít khìn rịt nghe chua và nghiêm:

-… Ở đây ngày làm việc tám giờ. Khi làm phải mang theo bảo hộ lao động. Tuân thủ mọi chỉ đạo của người hướng dẫn. Hưởng lương theo sản phẩm. Làm là làm, chơi là chơi…!

Tôi đứng cúi mặt, người nóng bừng, tai ù lên sau đó không nghe được nàng nói gì nữa. Cái tự ái của thằng đàn ông dâng lên trong người tôi. Tôi thấy ớn lạnh. Thôi, cứ làm thử ít bữa xem sao, khó gặm lại tếch, lo gì!

Được chừng tuần lễ, tôi muốn bỏ việc. Buổi sáng đứng trên chiếc bàn đá, mặc áo quần bảo hộ lao động, chiếc tạp dề nilon lủng lẳng trước bụng, tay đeo găng cao su mỏng sục vào chậu cá ướp lạnh buốt đến thấu xương. Giải lao giữa giờ mười lăm phút rồi lại đứng rũ gối cho đến mười một giờ mới được nghỉ tay ăn cơm. Chiều một rưỡi đứng tiếp đến năm giờ. Vẫn những con mực lột vỏ, bóc yếm, vứt ruột, vứt đầu chỉ lấy thân, cân đủ trọng lượng rồi cho vào bao bì, quẳng lên băng chuyền đưa sang bộ phận khác. Liền tay, liền tay không khi nào nghỉ. Lương trả theo sản phẩm. Ai cũng chúi mũi vào làm như ma đuổi sau lưng. Kiểu bóc lột ấy chỉ tư bản mới có.

Tạm ứng được trăm bạc của tuần lễ đầu, tôi rủ mấy thằng bạn thân nhậu lai rai, nhân thể hỏi xem có đứa nào có công việc gì khá hơn không. Bốn thằng bạn hồi học phổ thông với tôi là năm bên xị rượu đế và đĩa thịt vịt, tôi tợp một hớp rượu rồi vào chuyện:

- Nói thiệt với tụi bay, tao ớn tận cổ. Nó bóc lột tận xương tận tuỷ. Làm gì phải cho người ta nghỉ ngơi với chứ. Tao tếch, không làm nữa. Lương bạc triệu cũng đếch cần.

- Tụi tao cũng không có việc, chơi dài dài - một thằng bạn tiếp lời. Thằng này cứ như ông cụ non, khi nào cũng dạy đời - chớ có đứng núi này trông núi nọ. Mày phải ráng làm thêm vài tháng nữa. Bây giờ công chuyện làm ăn đâu cũng khó.

Một thằng khác khà một hơi rượu trăm phần trăm, đặt chiếc ly đánh bốp lên bàn, nhai trệu trạo miếng thịt vịt trong miệng nói xen vào:

- Thằng giám đốc sao. Coi có ngon không ?

- Con mẹ giám đốc mới chết chứ! - Tôi buột miệng.

- Thôi, mày bỏ đi cho tao. Nấp gấu váy đàn bà nhục lắm, con ạ! Bỏ đi!

- Ừ, tao cũng đang tính bỏ. Nhưng tụi mày phải kiếm cho tao việc khác.

Cả bọn im lặng trố mắt nhìn nhau rồi lảng sang chuyện khác. Tôi biết hỏng chuyện, không dám rời công việc ở nơi làm mới. Bấm bụng làm cho đủ tháng. Chiều thứ bảy cuối tuần, cô thư ký của mụ giám đốc (lúc ấy tôi căm ghét nàng, coi nàng là người bóc lột, tụi công nhân sau lưng đều gọi nàng là mụ) gọi tôi lên. Tôi tưởng có chuyện gì, vừa thay áo vừa lo. Trên đường đi đến phòng giám đốc, tim tôi đập thình thịch, áo đẫm mồ hôi. Cửa phòng giám đốc khép hờ, tôi gõ cửa bước vào với tâm trạng lo lắng. Tôi khúm núm:

- Dạ, chị cho gọi em?

Nàng mỉm cười (lần đầu tiên tôi thấy nàng cười), kéo ghế mời tôi ngồi rồi trao cho tôi chiếc phong bì:

- Lương của anh tháng này được bảy trăm năm mươi ngàn. Anh là một trong những người có năng suất cao nhất xí nghiệp. Tôi quyết định thưởng thêm cho anh một trăm ngàn đồng nữa.

Tôi từ trạng thái lo lắng chuyển sang trạng thái vui mừng. Tai tôi chín dừ, mặt nóng bừng lên. Tôi không dám nhìn vào mặt nàng cũng không dám đưa tay đón chiếc phong bì. Tôi ngồi nghệt như phỗng. Nàng quay đi giấu một nụ cười kín đáo rồi quay lại bảo tôi, vẫn giọng bà chủ:

- Thôi anh về. Tháng sau nhớ làm cho tốt.

Tôi biếu má tôi hai trăm ngàn còn lại rủ mấy thằng bạn đi nhậu. Chiều nào cũng nhậu. Nhậu tới khuya, tới lúc cả đám say mèm. Tôi cũng say, có hôm nôn thốc nôn tháo, một hai giờ sáng mới về tới nhà. Sáu giờ má tôi thức dậy. Uể oải đạp xe đi làm, người mỏi nhừ như vừa qua trận ốm, tôi không thiết tha gì đến công việc. Tháng đó tôi đi chậm bảy buổi, năng suất kém nhất xí nghiệp. Nàng gọi tôi lên, vẻ mặt lạnh lùng, giọng chì chiết:

- Tôi thất vọng vì anh. Tháng này anh đi chậm bảy buổi, năng suất thấp. Lương anh tháng này được bốn trăm ngàn. Tôi phạt anh một trăm ngàn vì không chấp hành đúng giờ giấc của xí nghiệp.

Tôi cúi gập mặt, ngượng thiếu nước độn thổ. Không biết nàng có nhìn tôi không, hay thái độ có chút ân hận của tôi làm nàng động lòng, giọng nàng đột nhiên hạ xuống:

- Nhưng anh là công nhân mới tuyển, tôi tạm thời bỏ cái lệ phạt cho anh.

Tôi cầm phong bì tiền lương trong tay, cảm thấy nhục nhã không sao tả được. Tôi căm giận cái thói vừa đánh vừa xoa của nàng, toan vứt chiếc phong bì ra về. Đầu óc quay cuồng, tôi bặm môi cố nén cơn giận đang dâng trào. Nàng vẫn lạnh tanh ngồi bên bàn viết. Thật đáng nguyền rủa, tôi đã tự nộp mình cho nàng với đồng lương còm cõi và những lời hứa ngon ngọt để hôm nay nàng hạ nhục tôi. Tôi như phát điên lên, muốn bỏ ngay xí nghiệp và không thèm nhìn mặt mụ chủ ác nghiệt kia lần nữa. Nhưng nàng bước đến bên, dịu dàng cười vỗ vai tôi rất thân mật:

- Cũng lỗi tại anh nữa!

Nói xong, nàng vẫn cười. Tôi cảm thấy như vừa nhận một gáo nước mát của nàng dội lên cái đầu bốc lửa của tôi. Nàng đứng nhìn tôi, đôi mắt độ lượng như cô giáo đang nhìn một học sinh phạm lỗi. Tôi nhẹ người, cảm giác như vừa bị mẹ đánh bằng bàn tay phải rồi lại vỗ về, an ủi bằng bàn tay phải rồi lại vỗ về, an ủi bằng bàn tay trái. Cơn giận tan biến khi nào không hay, tôi cúi chào ra về.

Tôi đạp xe ra biển. Gió chiều tung những đợt sóng trắng xoá lên bờ cát mịn. Mùi cá, mùi rong ủng bốc lên từ bến cảng và gió nồm mát lạnh làm tôi tỉnh lại. Tôi nghĩ về những gì vừa xảy ra, chập chờn như một cơn ác mộng. Lòng tôi đắng nghét. Ở tuổi hai mươi sáu, như người khác đã có nghề nghiệp, có gia đình. Tôi vẫn hai bàn tay trắng. Tôi ngồi xuống ghế đá trên bờ biển, gọi một cốc nước dừa tươi, miên man nghĩ về nàng. Nghĩ ra nàng có lý. Lỗi tại tôi. Nhưng giá nàng cứ phạt, đừng có tha thứ cho tôi thì đỡ nhục hơn không. Cử chỉ cao thượng sau lời cảnh báo của nàng làm tôi muối mặt. Và lần đầu tiên lãnh lương xong, tôi không rủ bạn bè đi nhậu. Vui sướng nỗi gì nữa mà uống.

Nào đã hết đắng cay. Những tháng sau, tôi bị đổi chỗ làm xoành xoạch. Lúc ra cảng cá nhập hàng, lúc áp tải hàng vài Sài Gòn, lúc thay bảo vệ trực đêm. Tệ hại hơn, nàng đày tôi ra một trại chăn nuôi vịt ở ngoại ô, nơi những thứ phế thải từ cá mực được tận dụng để nuôi vịt. Tôi căm giận nàng, tủi nhục với những đồng lương, đồng thưởng, thâm tâm muốn thôi việc nhưng chưa mua được ván nên chưa tiện bán thuyền.

Cuối tháng thứ sáu, nàng lại gọi tôi lên. Tất nhiên là tôi không hồi hộp nữa. Nhưng lại có chuyện gì nữa mới được chứ? Đày ải một con người như vậy chưa đủ sao? Tôi làm việc tốt, năng suất cao, chẳng có gì mà sợ. Quả thực, nàng đem đến cho tôi một tin quá sững sờ:

- Anh Toàn này (Toàn là tên tôi). Bước đầu thử thách ở xí nghiệp anh đã vượt qua. Chúng tôi có ý định cử anh học lớp quản trị kinh doanh trong hai năm. Xí nghiệp đài thọ toàn bộ. Từ tháng sau, anh sẽ nghỉ để đi học, mọi thủ tục tôi đã lo cho anh đầy đủ.

Nàng nói xong và đưa mắt dò xét. Tôi bần thần. Những ác cảm về nàng đã dồn tôi vào tâm trạng dằng xé giữa nhận lời và từ chối. Đi học có nghĩa là chịu ơn nàng, sẽ dấn thêm vào con đường nô lệ cho một người đàn bà mà tôi căm ghét. Nhận lời là chắp cánh cho những ước mơ còn dang dở. Tôi chưa tìm ra câu trả lời, nàng nói tiếp:

- Anh đồng ý nhé. Cả xí nghiệp chỉ chọn được mình anh.

Nàng gọi tài vụ ứng trước cho tôi ba tháng lương. Nàng chủ động tất cả, dồn tôi vào thế bị động. Tiễn tôi ra cửa, nàng nói :

- Chiều nay xí nghiệp mời anh dùng cơm. Bảy giờ ở nhà hàng “Biển Tím”. Chúng tôi chờ anh.

Tôi ra phố, tạt vào hàng quần áo may sẵn mua một bộ quần áo đẹp nhất cho buổi tối gặp mặt. Chọn bộ này, thử vào, không vừa ý lại đổi bộ khác. Bán hàng là một cô gái trẻ, tuy vẫn tươi cười chiều ý tôi nhưng trong giọng nói đã có ý trách móc. “Người như anh mặc bộ nào cũng đẹp. Cứ kén chọn mãi!”. Cuối cùng, tôi chọn được bộ quần áo và đôi giày vừa ý.

Về nhà, tôi lao vào nhà tắm, tẩy sạch cái mùi cá mực tanh tao bằng xà phòng thơm và dầu gội đầu của cô em gái trong nhà tắm. Ôi, sáu tháng trần ai ở cái xí nghiệp khốn khổ kia, tôi không ngờ tôi đã được đổi đời.

Trong nhà tắm tôi hát lên khe khẽ: "chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…”. Mấy đứa em ở ngoài nghe được, đấm nhau cười: "Anh hai hôm nay sao vui dữ. Chắc mới tìm được em nào?”.

Thắng bộ cánh mới mua, chải tóc gọn gàng, tôi tự ngắm mình trong gương. Quần áo cũng làm cho người ta đẹp lên thật. Ngày thường, tôi vẫn được bạn bè phong cho cái danh hiệu rởm “công tử đẹp trai con nhà nghèo”. Tôi mỉm cười. Mặt mũi tôi coi cũng được. Cao một mét bảy mươi. Thân hình cân đối. Chẳng hơn ai cũng chẳng kém ai. Thấy tôi ăn mặc đẹp má tôi cười:

- Con chuẩn bị đi đâu mà ăn mặc đẹp vậy?

- Ảnh đi với bồ đó má à - Mấy đứa em rúc rích cười.

- Ừ, tao đi với bồ. Có bồ đi cũng tốt. Tôi đỏ mặt chống chế.

Đêm trên biển hình như xuống muộn. Nước biển tím dần thành một khối, tựa hồ như một sa mạc tím mênh mông. Đèn đánh cá giăng thành dãy ngoài khơi, từ trong bờ nhìn ra cứ ngỡ là một thành phố khác. Tôi đến nhà hàng “Biển Tím” nằm ngay trên bờ biển lúc sáu giờ rưỡi nhưng không dám vào đó mà ngồi uống nước trong một quán đối diện, chờ đúng bảy giờ mới sang. Nhìn quanh không thấy chiếc Toyota của xí nghiệp đâu cả. Hay mình nghe nhầm giờ giấc và địa điểm? Không thể nhầm được, “Nhà hàng Biển Tím lúc bảy giờ. Chúng tôi chờ anh”. Tôi mạnh dạn bước vào. Cũng không có người của xí nghiệp. Tôi toan bước ra, chợt nghe tiếng ai gọi tôi: “Anh Toàn!”. Tôi nhận ra tiếng nàng. Nàng ngồi bên một chiếc bàn có chậu cảnh che khuất nên tôi không nhìn thấy.

Tôi bước lại phía nàng. Nàng cũng đứng dậy đi về phía tôi. Hôm nay, nàng ăn bận rất đẹp. Váy hoa màu đậm, đầu tóc quấn gọn gàng. Tóc hai bên tai được uốn khum lại làm cho khuôn mặt nàng trở nên bầu bĩnh, hai gò má bớt nhô. Đôi môi được tô một chút son hồng, mắt màu xanh nhạt. Trông nàng ăn mặc đẹp hơn ngày thường. Nàng bối rối nhìn tôi. Chúng tôi ngồi xuống bên bàn, nàng phân bua:

- Hôm nay, mấy đứa nhỏ bên xí nghiệp bận…

Suốt buổi cơm tối, chúng tôi nói chuyện với nhau rất ít. Tôi không dám nhìn nàng, lơ đãng nhìn ra biển. Nàng cũng vậy, nàng cũng nhìn ra biển. Nhưng khi nhìn trộm nàng, tôi vô tình gặp ánh mắt của nàng đang nhìn về phía tôi. Tâm trạng tôi cứ bâng khuâng, thảng thốt. Chỉ có biển mới hay... chúng tôi ngồi với biển rất lâu, bâng quơ dăm ba câu chuyện không đầu, không cuối…

Chia tay, nàng bắt tay tôi. Đôi bàn tay thon thả và ấm nóng. Tim tôi rộn lên. Tôi đê mê trong một cảm giác bần thần và trong ký ức của tôi lại hiện về rõ nét câu thơ của ai đó:

Phút chia tay ta chỉ nắm tay mình

Điều chưa nói thì bàn tay đã nói…

Hình như bàn tay tôi đang xiết chặt tay nàng đã nói hộ tôi. Nàng nói rất nhỏ:

- Anh ráng học cho tốt. Thỉnh thoảng tôi sẽ đến thăm anh.

Đêm phố biển đã thưa người. Tôi đạp xe chậm rãi, miên man nghĩ về kỷ niệm vừa qua…

Tôi đã học được một tháng và không có gì khó khăn trong việc học hành. Đúng như đã hứa, nàng đến thăm tôi. Tôi đang đánh quần xà lỏn ngồi học Anh văn má tôi báo có khách. Nàng đến với một người bạn gái và một túi nhỏ cầm tay. Nàng lễ phép chào má tôi, trao gói quà nhỏ cho bà, bắt chuyện với mấy đứa em với một cử chỉ rất tự nhiên. Tôi hơi ngượng vì nàng đến quá đột ngột, lúng túng giới thiệu với má:

- Đây là chị Hậu, giám đốc của con!

Má tôi hơi ngạc nhiên, đứng trân trân nhìn nàng, mãi sau mới nhớ quên pha trà mời khách. Hình như trong buổi đến thăm đầu tiên, nàng chỉ rủ rỉ ngồi nói chuyện với má tôi bên chiếc giường con. Còn tôi, tôi ngồi tiếp bạn gái của nàng.

Nàng về, má tôi cứ tấm tắc:

- Con nhỏ được người được nết, làm ăn giỏi giang. Đấy, anh cứ noi cái gương chị ấy mà học hành.

- Noi sao được má. Người ta có vốn liếng. Còn nhà mình nghèo rớt mồng tơi.

- Không ai giàu ba họ. Không ai đẻ ra là giàu có. Tất cả hai bàn tay mình mà ra. Má tôi bảo vậy.

Những tháng sau đó, nàng vẫn đến thăm tôi. Khi đi với cô tài vụ đem tiền lương cho tôi. Khi đi với cô bạn khác. Cử chỉ tự nhiên với má và các em, nàng tưởng sẽ tạo cho mình một lớp vỏ khách quan (tôi đến với má anh, với em anh chứ tôi không đến với anh đâu nhé ) lại là chỗ hở cho cô em gái tôi khai thác:

- Xem trong cử chỉ, em đảm bảo với anh, chị ấy mê anh. Và anh cũng mê chị ấy. Đúng không?

Em gái tôi đánh giá đúng tim đen của tôi. Tôi im lặng. Nó dồn tiếp:

- Nói thật cho anh biết, chị đó có giàu có, có đạo đức gì đi nữa nhưng em không chấp nhận là chị dâu em. Hình thức trung bình kém. Lại già hơn anh mấy tuổi. Bộ anh thích chơi "đồ cổ"? Hay anh muốn đào mỏ? Nhà mình nghèo nhưng anh phải giữ “đói sạch rách thơm”. Em sẽ giới thiệu con Lan hay con Hạnh cho anh: Chúng nó chả đẹp, chả tươi gấp vạn lần cái bà giám đốc khú đế của anh?

Tôi nóng mặt. Những nhận xét của nó đều có cơ sở. Nó nói không sai, nhưng nó không hiểu tôi. Tôi đã trải qua một mối tình đau khổ với một người con gái đẹp và kiêu kỳ. Tôi đã làm nô lệ cho cô ta để mong được chấp nhận tình yêu. Còn cô ta quá lạnh lùng và kiêu hãnh, đã hành hạ tôi, bắt tôi cúi mình xuống thấp. Tôi đã lấy cắp năm chỉ vàng duy nhất của má để cung phụng cho người đẹp. Má tôi biết nhưng vì quá thương con nên đã không mắng mỏ, chỉ khóc thầm trong đêm. Kết quả, tôi cũng không lấy được con hồ ly tinh trời đánh ấy. Mối tình ấy chỉ tạc vào tôi những kỷ niệm đau buồn, có lẽ suốt đời cũng không sao quên được. Nên khi em gái tôi nhắc đến cô Hạnh, cô Lan, những đứa bạn gái xinh đẹp của nó, tôi rùng mình. Tôi buồn rầu:

- Ôi dào, đẹp có mài ra được mà ăn không. Để cho anh học thi. Đừng có luyên thuyên.

Nó cũng không vừa:

- Em đi guốc trong bụng anh. Anh mà rước cái của nợ ấy về là không xong với em đâu đấy.

Tôi nổi sung:

- Ơ, con này hay. Tao lấy vợ hay mày. Đừng có dớ dẩn xía vào chuyện người khác.

Nói với nó như vậy nhưng hình thức và tuổi tác của nàng cũng làm tôi nghĩ ngợi. Trong hai năm học quản trị kinh doanh ngọn lửa âm ỉ đã được nhen lên giữa tôi và nàng. Tuy chưa ai nói ra nhưng cả hai đều linh cảm như vậy. Tôi chưa quyết định dứt khoát, đưa chuyện này hỏi mấy đứa bạn thân:

- Giả sử (tôi tránh nói đến trường hợp của mình), có một chàng trai chưa vợ nhỏ hơn bạn gái của mình sáu tuổi. Cô ấy lại đã một đời chồng, nhan sắc trung bình, làm ăn buôn bán đảm đang. Theo ý tụi mày, chàng trai có nên lấy cô ấy không?

Tôi vừa dứt lời, nét mặt mấy thằng bạn tôi sa sầm. Một đứa bốp chát:

- Vứt đi. Yêu với đương. Trai tân mà lấy nạ dòng. Đến tiên mà mất “gin”cũng vứt chứ đừng nói đến nhan sắc trung bình.

- Hay thằng đó tham tiền?

Những câu nói và những lời chê bai của bạn bè làm tôi nao núng. Chúng nó cùng quan điểm với con em gái tôi. Mãi sau mới có một thằng nêu ý kiến ngược lại:

- Theo tao, trong tình yêu là phải hợp nhau, không kể đẹp hay xấu, ít tuổi hay nhiều tuổi. Chúng mày phong kiến bỏ mẹ. Cái chính là thằng con trai đó phải có tình yêu thực sự với con nhỏ đó. Tình yêu là tình yêu của chúng nó. Tụi mày biết gì mà bàn ra tán vào?

Tôi đưa tay bắt tay thằng bạn, thầm cảm ơn nó đã quăng ra chiếc phao giữa cái biển nghĩ ngợi không bờ bến của tôi. Những cay đắng trong mối tình đầu của tôi mấy năm qua tôi chưa tìm được ai chia sẻ. Và tôi cũng không thể tự giày vò mình mãi được, không nên giữ mãi đau khổ trong đầu, giữ mãi chỉ làm tôi thêm đau khổ, chán chường. Tôi sẽ tìm một bến bờ mới cho mình và nàng là nơi cho thuyền tình tôi cập bến.

Tôi tốt nghiệp lớp quản trị kinh doanh hạng ưu. Nàng mừng lắm. Ngày tôi đi làm sau hai năm đèn sách, nàng cho họp cán bộ và công nhân đầu giờ, đọc ngay quyết định bổ nhiệm tôi là phó giám đốc xí nghiệp. Trong lời giải thích nàng nhấn mạnh: "Anh Toàn sẽ thay tôi giải quyết mọi công việc khi tôi đi vắng". Tôi quá ngỡ ngàng, nhưng trước sự đã rồi, tôi lắp bắp hứa trước nàng và trước công nhân xí nghiệp: "Tôi xin cố gắng làm tốt cương vị của mình”.

Khi còn tôi và nàng trong phòng giám đốc, nàng thanh minh: Tôi xin lỗi đã không bàn với anh trước. Tôi bàn chưa chắc anh đã nhận. Nên tôi quyết, mong anh thông cảm và vui lòng giúp tôi.

Tôi cũng không biết nói gì thêm trước sự tin cậy của nàng. Hai năm tôi đi xa xí nghiệp, nàng đã phát triển thêm một phân xưởng chế biến cá tẩm xuất khẩu công nhân đã nên tới trăm người. Nàng dẫn tôi qua mấy phân xưởng mới, thuyết minh những dự định làm ăn với Đài Loan. Cuối cùng, nàng nhìn tôi và đột ngột nói:

- Đấy, công việc bề bộn như vậy, không có anh giúp cho sao được.

Nàng không nói gì thêm, lặng lẽ bước đi. Tôi nhìn mái tóc óng mượt sau lưng nàng, chiếc váy dài để lộ đôi chân tròn lẳn và những bước đi dứt khoát, khoẻ khoắn, lòng rộn lên những tình cảm vui buồn lẫn lộn. Hai năm về trước chính tôi đã căm ghét nàng, nguyền rủa nàng. Thế mà giờ đây, sau khi khám phá được những nét cao thượng và đẹp đẽ trong cách sống của nàng, tôi tự ân hận với mình. Đánh giá một con người tốt xấu thật không dễ.

Thức lâu mới biết đêm dài. Và tôi đã thức hai năm sáu tháng để đo cái chiều dài thăm thẳm của đêm. Đêm thật dài và cũng đầy mộng đẹp. Tôi thấy cần có một cử chỉ thân thiện nào đó để bày tỏ sự ân hận và biết ơn của mình. Và tôi nghĩ ra một giải pháp rất đẹp:

- Chị Hậu này - Nàng quay lại khi nghe tôi nói.

- Nhân dịp tôi về lại xí nghiệp lại được chị tin cậy chọn làm người giúp việc, tôi muốn mời chị và một vài người bạn thân của chị đi nhà hàng.

Nàng nhìn tôi rất lâu, lắc đầu cười:

- Có nên không?

Tôi trả lời vòng vo, đại ý xí nghiệp đã giúp đỡ tôi trưởng thành, bữa gặp gỡ ở nhà hàng là dịp cho tôi bày tỏ lòng biết ơn của mình. Nàng vẫn mỉm cười và gật đầu đồng ý.

Cùng đến nhà hàng Hương Biển với nàng, có một người con gái trẻ và đẹp gọi nàng bằng “dì”. Cô ăn mặc gọn gàng và không trang điểm nhưng vẻ đẹp trẻ trung của cô làm tôi sững sờ. Bàn tiệc có sáu người nhưng có lẽ mọi người bị cuốn hút vào cô gái. Nàng giới thiệu:

- Cháu con bà chị tôi, anh Toàn à. Đang học năm thứ ba cao đẳng sư phạm, sắp thành cô giáo.

Trong câu chuyện suốt bữa tối, nàng và mọi người bóng gió cặp đôi cho tôi với cô gái. Cô gái tủm tỉm cười, thỉnh thoảng lại nhìn trộm nàng, thỉnh thoảng lén nhìn tôi. Tôi không tỏ ra vồ vập hay tán tỉnh. Người đẹp luôn luôn là mối hận thù đối với những chàng trai đã sụp đổ trước thần tượng của mình. Tôi đã một lần chịu trận và hiểu cái giá rất đắt trước mối tình với những cô gái đẹp.

Chia tay mọi người, còn lại tôi và nàng ngồi lại với nhau bàn chuyện tuần sau ở xí nghiệp. Đêm đã về khuya. Bên ngoài, trăng biển treo cao, hắt ánh vàng dìu dịu lên mặt nước xanh thẳm. Chúng tôi đi dạo bên nhau trên bờ cát mịn. Nàng bước sát xuống mép biển, để những con sóng nhè nhẹ hôn lên đôi chân trắng trẻo của mình. Nàng vốc nước biển lên tay, để ánh lăn tinh chảy từ bàn tay này sang bàn tay khác. Đột nhiên nàng dừng lại hỏi tôi:

- Anh Toàn thấy cô cháu của tôi được đấy chứ. Chuyện học hành và công việc của anh thế là tạm ổn. Anh nên lo mái ấm gia đình. Anh có muốn làm cháu tôi không?

Tôi im lặng. Lẽ nào nàng lại lo lắng cho tôi nhiều đến như vậy. Chẳng cần nói ra, việc nàng đến nhà tôi, cách cư xử của tôi với nàng, ai cũng hiểu đó là tình cảm của những người “tình trong như đã mặt ngoài còn e”? Khi hai người có tình cảm với nhau, khó lòng giấu người thứ ba. Má và các em tôi đều biết điều đó. Lẽ nào nàng lại không biết?

Tôi bước nhanh lại bên nàng, đón những giọt nước từ tay nàng sang tay tôi, vô tình chạm phải tay nàng. Tôi cầm tay nàng trong tay tôi, nói nhanh qua hơi thở:

- Giữa dì và cháu, nếu tôi được chọn, tôi sẽ chọn dì.

Nàng vẫn để yên tay mình trong tay tôi. Chúng tôi nhẹ bước trên bờ cát đầy trăng. Sóng ở phía sau thỉnh thoảng lại lén đến xoá những dấu chân của chúng tôi vừa in trên cát. Lòng tôi bồi hồi, cảm xúc từ bàn tay nàng làm tim tôi rạo rực. Như có một dòng điện chạy khắp người, tôi lảo đảo ôm nàng vào lòng, định hôn lên đôi môi dịu ướt sương đêm. Nàng khẽ đẩy tôi ra:

- Đừng, đừng làm thế anh Toàn ạ.

Nàng bước lùi ra xa nghiêm nghị nói:

- Giữa chúng ta có khoảng cách lớn quá. Hậu đã một đời chồng. Lại lớn tuổi hơn anh. Hậu hiểu tình cảm của anh dành cho Hậu. Nhưng anh nên dành tình cảm đó cho người khác. Hậu không xứng đáng với anh…!

Tôi như bị khuỵu xuống choáng váng trước lời từ chối của nàng. Tôi nói như van lơn với nàng về tình cảm sâu kín của tôi, tình cảm đã nén lại từ bao tháng ngày qua, rằng những ngăn cách kia chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi…

Nàng vẫn im lặng, mắt hướng ra biển rộng. Tôi thấy xấu hổ với lời tỏ tình vụng về của mình. Cố gắng của tôi bị sóng biển cuốn đi chẳng khác gì những lâu đài bằng cát của những chú dã tràng kia.

Sau đó chúng tôi sống trong im lặng. Tôi làm tốt công việc được giao, nhiều đêm nằm lại trong xí nghiệp. Tôi học thêm Anh văn. Nàng lo mở mang xí nghiệp, liên doanh xuất khẩu cá tẩm sang Đài Loan. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, tôi vẫn nhìn nàng với tâm trạng của người thua cuộc. Nàng gặp tôi chỉ mỉm cười. Sáu tháng sau, khi tôi tiễn nàng sang công tác ngắn ngày ở Đài Bắc, trước lúc chia tay, nàng trao cho tôi một gói quà nhỏ và dặn: “Anh chỉ mở gói quà này khi máy bay cất cánh”. Bóng nàng khuất dần giữa dòng người lên máy bay. Lòng tôi trống trải và hồi hộp. Không chờ máy bay cất cánh, tôi mở gói quà. Phong kẹo sôcôla và lá thư để ngỏ.

Nàng viết:

Anh Toàn thân yêu,

Tha lỗi cho em về những gì xảy ra đã làm anh đau khổ. Khi về em sẽ đền anh tất cả…”.

Tôi ôm lá thư vào lòng, chạy khỏi cửa phòng đợi, mắt ngước theo chiếc máy bay đang vút vào trời xanh.

Cùng tác giả:

Bài Hát Biệt Ly - Truyện ngắn Phan Cao Toại

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.