chan_dung-ke_si

Bến Phà Ðen Lặng Gió - Truyện ngắn Triệu Bôn

08-01-2023

Lượt xem 5028

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

Bến Phà Ðen Lặng Gió - Truyện ngắn Triệu Bôn

Nhà văn Triệu Bôn thời trẻ 

 

Triệu Bôn

 

Bà Ðà thường đi làm từ sáng sớm, chiều chạng vạng mới về. Chiếc khăn thâm trùm cách nào đó mà bịt kín cả gáy cả cổ, ngoài cái khe rất nhỏ dành cho hai con mắt lấp loáng nhìn ra.

Dẫu là một người đẹp lộng lẫy mà trùm bịt như thế cũng thành khó hiểu, huống chi bà Ðà là con người có thân hình cứng cỏi, vai ngang dáng đàn ông, mà tính nết cứ mưa, nắng, nắng mưa luân chuyển nhau không ngừng.

Chiều nào không thấy đồ nghề của ông Ðà - chiếc gánh toòng teng một bên đựng bốn, năm hòn đá mài các loại, và một bên là cái chậu đồng sứt vành dùng đựng nước - để ngoài hè, bà Ðà liền rít lên:

- Mất thây mất xác ở đâu giờ này chưa chịu vác mặt về!

Còn như, nếu thấy ông Ðà ngồi hút thuốc lào trên cái giường do mấy tấm ván thùng kê sát nhau, việc đầu tiên của bà Ðà là lấy từ chiếc túi xách ra chai rượu, thuồi xuống trước mặt ông, kèm theo một lời đay đả:

- Này mồ hồi của tôi đấy. Nước mắt của tôi đấy. Nốc đi!

Không mấy khi bà để cho ông uống rượu suông, mà thường có thêm vài thứ nhắm đạm bạc; miếng đậu phụ bôi nghệ nướng lem nhem, một miếng vó bò quăn queo như vỏ cây, năm thì mười họa còn có quả trứng vịt lộn hoặc bộ lòng gà.

Mỗi tội thức nhắm càng ngon, ông Ðà càng phải nghe nhiều lời nhiếc móc của vợ.

- Ðội thúng than từ xà lan lên bãi được mấy, ông biết không? Ba hào! Thế mà một quả trứng vịt lộn những năm đồng. Không nhờ cái đận phát tiền năng suất thì có khối ra đấy mà hốc. - Bà Ðà vừa nói chồng sa sả vừa móc túi lên vách, cởi khăn trùm, nhen bếp, bắc nồi, lấy gạo đi vo... Công việc thoăn thoắt trôi chẩy qua đôi bàn tay ngấm bụi than đen kịt của bà.

Chai rượu trước mặt ông Ðà cạn, vừa lúc bà Ðà bưng mâm cơm lên, hai vợ chồng cùng ăn. Bấy giờ bà Ðà dù có nói trời nói đất, ông Ðà cũng không lấy làm điều, thậm chí ông còn thấy khoái nữa. Nhịn đói suốt ngày, mỏi rạc cẳng đi diễu qua các phố xá, được nhấm chút rượu là chất men chạy rần rật như kiến bò mười đầu ngón tay ngón chân và làm tê dại mang tai ông, khiến người ông lâng lâng.

Tuy vậy đã vài bận ông Ðà xô cả mâm cơm xuống đất rồi xông vào bà vợ khốn khổ mà đấm đá túi bụi. Ðó là những lần bà Ðà nhiếc ông là giết chết con để ăn một mình cho sướng mồm.

Cánh đàn ông hàng xóm tuy không phải là lũ ác bụng nhưng đều đồng thanh ủng hộ ông Ðà thẳng tay trừng trị bà vợ tai quái.

- Thế! Giã nữa!

- Vợ tôi mà thế tôi tẩn nhừ xương!

- Ðem mà trôi sông cái của nợ ấy đi!

Trước sự "chi viện" nhiệt tình ấy, ông Ðà quắc mắt đáp lại:

- Việc nhà tôi, ai mượn các ông chõ vào? Người ta khổ quá rồi phải để người ta nói cho hả bớt cái khổ đi chứ!

Nói vậy nhưng sau mỗi lần xô xát, ông Ðà sợ, không dám nhìn vào mặt vợ mấy ngày liền.

"... Cái năm Nhật kéo sang ta, ông Ðà đương làm anh chân sào trên một chiếc thuyền đinh bề thế chẳng kém ngôi nhà ngói năm gian. Cứ bẩy ngày một lần ông chủ lại chất đầy gạo, muối, dầu tây, vải, lụa lên thuyền, cho nhổ sào ở bến Lục Dầu để ngược lên mạn Ðồng Trâu, Hố Sếu, qua Ngàn Trâu Danh, lên tận Bãi Thải. Ðến Bãi Thải, nhiều khi dỡ hàng xong không kịp nghỉ, đã nhận khách vội vàng để bắt con nước trở xuôi luôn.

Cánh chân sào thuyền gồm mười tay trai lực lưỡng, năm người chạy be tả, năm người chạy be hữu. Công việc bao giờ cũng bắt đầu từ phía mũi thuyền, hai hàng người nhất tề lao phập những cây sào trẩy dài đầu bịt sắt xuống lòng sông, đuôi sào tỳ vào hõm vai, một người cất giọng: "Bớ dô hò..." chín người kia "dô huậy", mặt nước trước mũi thuyền rẽ thành hai làn sóng trắng hình mũi tên, mấy người chân sào cúi gầm mặt, gò lưng bước xuôi để con thuyền nặng nề lao ngược dòng. Tới đuôi thuyền, tất cả lại nhất tề rút sào, trở về đằng mũi, và lại bắt đầu đúng y như thế.

Một buổi sáng thuyền về đến bến Lục Dầu, hành khách chen nhau qua mảnh ván cầu để lên chợ, có một cô gái cứ quẩn quanh dưới khoang. Ðà bước lại gần cô, cất tiếng hỏi:

- Nhà chị này có hàng nặng, không ai đỡ, hử?

- Không không - Cô gái giật mình hoảng hốt - Tôi có hàng gì đâu!

- Sao còn loanh quanh mãi?

Cô gái bỗng òa khóc:

- Tôi sợ...

- Sợ gì?

- Sợ người ta đón bắt tôi trên ấy...

Ðà hiểu ngay ra tình thế của cô gái:

- à. Lại trốn chúa lộn chồng chứ gì? Phải thế cứ nói thật thì tôi giúp...

Việc nên vợ nên chồng giữa hai người đã bắt đầu một cách rất đơn sơ. Tới năm giáp khởi nghĩa, gặp nạn đói khủng khiếp, khắp nơi người chết xếp chồng đống thì đứa con trai đầu lòng của vợ chồng ông Ðà đã biết chạy lon ton theo bố mẹ đi xin ăn.

Vợ chồng ông Ðà dẫn cu Thấn - tên đứa con - phiêu dạt từ Phả Lại lên Bắc Ninh, Bắc Giang, rồi quay xuống Hà Nội. Họ uống nước lã cầm hơi nằm ở sân ga một đêm, một ngày.

Tối hôm sau bà Ðà nói với chồng:

- Cái chết là cầm chắc rồi. Nhà xem còn cách nào cứu lấy con?

Ông Ðà lẳng lặng đứng dậy bỏ đi. Ông vào một cửa hàng ăn trước cửa ga đèn điện sáng trưng, đứng xòe hai bàn tay đợi hồi lâu không thấy ai cho mình chút gì. Ông đành liều thò tay vào thúng bún của chị chủ hàng, chộp một nắm. Nhưng ông vừa quay ra được vài bước, chưa xuống khỏi vỉa hè, đã ngã sấp mặt vì một cái ghế ném theo đúng giữa lưng. Vốc bún trên tay ông, không hiểu bị những người ăn mày chung quanh xô lại cướp hay bị chủ hàng giật lại lúc nào ông không hay.

Lê lết về được chỗ vợ con nằm, ông Ðà nghĩ ra được một kế để họa may cứu sống được bé Thấn. Ông bế nó đến giữa chỗ đông hàng quán nhất, cắn con một miếng chảy máu ở má rồi bỏ nó lại, vùng chạy.

Suốt mấy chục năm, từ thời Nhật rồi Việt Minh, rồi Pháp tạm chiếm, tới ngày thủ đô được giải phóng và mãi tận bây giờ bà Ðà trở thành công nhân ở cảng than, còn ông Ðà vẫn chỉ làm độc một cái nghề đi mài dao thuê.

Chẳng ai nghĩ chuyện làm giầu bằng cái nghề nhỏ mọn này. Nhưng với ông Ðà thì lại không thể bỏ mà tìm công việc khác. Ngoài cơm gạo ra, vợ chồng ông còn phải nuôi sống lẫn nhau bằng một nguồn hy vọng. Sáng sáng, ông quẩy chiếc gánh nhẹ tênh, một bên đá mài một bên chậu nước, thả bước đến khắp mọi ngõ ngách trong thành phố, gặp bất kỳ người đàn ông trai tráng nào vào trạc tuổi bé Thấn năm xưa ông cũng nhìn chằm chằm vào bên má phải của họ.

Bé Thấn "khi xưa" giống mẹ nhiều nên nó cao lớn, vai hơi ngang, mắt lá răm, khi cười có một lúm đồng tiền ở bên má bị bố cắn, chắc là thành sẹo.

Hai mẹ con giống nhau ở cái dáng đi lúc nào cũng vội vàng "chân không bén đất". 

Ông Ðà tin vào câu tục ngữ "trai giống mẹ thì khó ba đời". Nếu trời để bé Thấn qua cái nạn đói kinh sợ ấy mà còn tới ngày nay, may mắn nó chỉ đủ tay vo miệng lốm như bố mẹ nó là cùng. Vì vậy, hễ thấy có người đàn ông nào ăn mặc sang trọng lại có chút gì hao hao giống vợ mình là ông run lẩy bẩy vì hồi hộp. Ông như bị thôi miên, chân chạy theo, mắt nhìn, miệng lắp bắp: "Lạy trời! Biết đâu!..." Dĩ nhiên lát sau ông Ðà lại ỉu xìu và tự nhủ: mình mơ tưởng thế làm gì, nên để mắt vào đám làm thuê làm mướn, chữa xe đạp, đánh xe trâu, quạt bễ lò rèn, gác cổng, thợ nề, thợ mộc... thì hơn.

Chẳng bao lâu kể từ khi ông Ðà cất tiếng rao "Mài dao, mài kéo đây", ông đã có cả một đội ngũ bạn "áo ngắn" rải rác từ Gia Lâm xuống tới Ngã Tư Vọng, từ dốc Vĩnh Tuy lên tới làng Láng, làng Cót. Ông lân la nhờ các "chiến hữu" tìm thằng cu Thấn hộ mình. Những đứa trẻ bị cha mẹ bán, hoặc bị cha mẹ bỏ đường bỏ chợ trong nạn đói ất Dậu tới nay còn nhiều lắm, họ đều đã phương trưởng và đã có bố mẹ anh em gặp lại nhau. Duy có thằng cu Thấn màu da trắng, vai hơi ngang, và có nốt răng của bố để lại trên má, chưa ai gặp.

Ông Ðà vẫn rong ruổi qua các phố xá nội thành, cả những làng ngoại ô. Buổi sáng, vợ chồng ông mỗi người mỗi ngả ra khỏi nhà với chút hy vọng cầu may, để rồi buổi chiều về thấy căn nhà lợp giấy dầu vẫn trống lạnh như xưa, làm bà Ðà lại nổi tam bành, nhè ông chồng mà trút hết những lời cay độc.

Lâu dần hàng xóm đâm quen. Ðám đàn ông thôi làm hậu thuẫn cho ông Ðà "thi hành những biện pháp cứng rắn" đối với bà. Vài người phụ nữ vô công rồi nghề cũng thưa dần câu chuyện về bà trong những cuộc ngồi lê đôi mách. Mặc dù, khi tuổi mỗi ngày một nhiều thì sự căng thẳng giữa vợ chồng ông Ðà lại càng ngày càng khó gỡ hơn.

Một ngày chủ nhật, bà Ðà ở nhà một mình, ông vẫn quẩy gánh đi như mọi khi. Thoạt tiên bà lẩm bẩm nhiếc móc cho riêng mình nghe, sau đó ngọn lửa ma quái xông lên ngực bà, thế là bà bỏ hết mọi việc ngồi ghé mép giường mặc sức réo tên ông ra mà nguyền rủa.

"Cứ vác mặt về đây. Chuyến này thì bà xé xác!" - Bà tuyên án vắng mặt ông như thế, và nhăm nhăm đợi mặt trời chóng lặn để ông "vác mặt" về.

Bà Ðà chẳng phải đợi lâu. Xế chiều hôm ấy ông Ðà đã lử khử quẩy cái gánh thợ mài dao về. Ném cho bà một nắm tiền lẻ toàn loại năm xu, một hào, rồi ông đi nằm. Bà Ðà thấy chồng khang khác, không những đã quên những lời đay nghiến được mài dũa suốt từ sáng, bà còn sờ tay lên trán ông. Người ông Ðà nóng chín, làm bà Ðà cuống cuồng. Mấy chục năm nay, đây là lần đầu bà Ðà nói ra những lời dịu dàng với chồng. 

- Nhà ơi. Tôi nấu cho nhà bát cháo đậu xanh ăn cho nó giã sốt, nhé?

Ông lắc đầu, mắt vẫn nhắm nghiền. Bà lại vuốt ve bộ râu lởm chởm bạc gần hết trên cằm ông.

- Dậy tôi bảo này! Chịu khó uống chén rượu. Nhé? Nhà bị cảm nắng đấy!

Ông Ðà thương vợ, ứa hai hàng nước mắt. Ông muốn ngồi dậy nhích nhắc tay chân cho bà vui, nhưng sức ông đuối quá rồi. 

Sáng hôm sau thì ông "đi". Bà Ðà bật ngọn điện tù mù ở giữa nhà, ôm lấy thi hài ông mà lay, lắc, nhày nhã như đang đánh vật. Lúc đã kiệt sức mà vẫn không sao làm cho chồng sống lại được, bà Ðà rú lên:

- Ông ơi là ông! Chai rượu tôi mua còn kia. Từ nay mua cho ai uống nữa hở trời! 

Tiếng khóc xé ruột gan của bà Ðà cất lên từ lúc còn tối đất. Nghe giọng bà, hàng xóm ngỡ ông bà lại xảy ra chuyện gì, nhiều người lẩm bẩm rủa bà vài tiếng rồi lại ngủ. Mãi lúc nghe kỹ, biết ông Ðà đã chết, mọi người mới choàng dậy chạy túa sang.

Xưa nay cái cảnh góa bụa vẫn thường xảy ra cho loài người. Nỗi đau dội lên, uất lên một thời gian rồi dịu dần. Sự quên lãng là một trong những bản năng tự vệ giúp cho con người tồn tại được. 

Nhưng hình như ở bà không có cái "bản năng tự vệ" ấy. Liền mấy tháng, đêm nào bà cũng kêu thét gọi ông suốt từ đầu hôm đến sáng. Trời thì đã sang đông, gió lạnh từ mặt sông Hồng thổi thốc vào căn nhà giấy dầu thủng tan hoang do chính tay chủ nhân của nó xô, đập, cào, xé.

Sang tới mùa xuân, giữa lúc cỏ cây đến con người đều xanh tươi trở lại thì bà Ðà chỉ còn da bọc xương. Một đêm không nghe tiếng bà kêu thét, sáng hôm sau hàng xóm chạy sang đã thấy bà nằm bất tỉnh giữa những mảnh chăn rách, trên mình chỉ một tấm áo dệt kim đã mốc meo và chiếc quần bảo hộ lao động bạc phếch.

ở bệnh viện người ta hết lòng cứu chữa cho bà Ðà. Vài ngày sau, bà tỉnh lại biết thều thào cảm ơn những người hàng xóm đã mang cam, mang đường và luân phiên vào chăm sóc bà.

"Khổ đến thế. Con người cay cực suốt đời. Khi cái sung sướng nằm trong tay thì lại lăn ra chết" - Cả khu phố bờ sông tới nay mỗi khi nhớ đến bà Ðà, bà con lại chép miệng nói thế.

Số là, ở nơi bệnh viện bà Ðà nằm cấp cứu, có một bác sĩ trưởng khoa tên là Dũng, tuổi xấp xỉ bốn mươi, vai hơi ngang, nước da trắng và đôi mắt dài rất linh lợi. Một lần, khi bà Ðà đã qua khỏi cơn nguy kịch, bác sĩ Dũng đến khám bệnh cho bà theo thường lệ trong ngày. Bác sĩ bảo bà tháo áo để đặt ống nghe vào ngực bà. Anh đang chăm chú nghe tiếng tim dội thì thụp tự dưng bà già cứ nhổm người vừa nhìn sát mặt anh vừa sờ lên vết sẹo trên má anh. Bảo bà nằm yên mấy lần không được, bác sĩ Dũng phát bực gắt:

- Cụ làm sao thế!

Bà già không trả lời bác sĩ Dũng mà thét lên một tiếng: "Con!" làm cho cả phòng bệnh giật mình. Rồi bà tắt thở. Mọi cách cứu chữa của bệnh viện đều vô hiệu.

Khi phải tự thú nhận mình hoàn toàn bất lực, bác sĩ Dũng ngồi cạnh bà Ðà, ôm mặt khóc rưng rức. 

Dũng là con nuôi của một cán bộ trong quân đội. Ông có tới sáu người con, thêm Dũng là bảy. Những khi gia đình tụ hội, con cháu chật nhà, ông vẫn kín đáo dành riêng cho Dũng chút chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, càng lớn lên Dũng càng thấy mình đang âm thầm ngóng đợi một con người, dù sớm muộn thế nào sẽ có một ngày con người ấy tìm ra anh...

Nhiều năm về sau, vào những ngày giỗ ông bà Ðà, bác sĩ Dũng thường đưa vợ con về thăm những gia đình hàng xóm của ông bà, và thế nào anh cũng có quà đến thăm hỏi những người là bạn "hạt gạo cắn đôi" của bà Ðà hiện đang nghỉ hưu trong khu tập thể của cảng.

Những người bạn của bà Ðà đều gọi Dũng bằng con, và đối xử với anh đúng như cách xưng hô. Mặc dù bà Ðà không còn, nhưng tình thương bầu bạn bà để lại vẫn còn khắp nơi nơi. Ngày nay hễ nhắc đến bà là những người bạn già của bà lại nghẹn ngào.

Họ kể rằng: vào tiết đông và tiết xuân, lòng sông Hồng cạn rặc, những cồn cát nổi vờ vờ bên dưới mặt nước lắng trong dần dần, ấy là những ngày trời đất gió thổi vô hồi. Cứ sáng ra, những người công nhân phát khổ lên vì những ngọn gió lạnh như dao cắt vào da thịt. "ấy nhưng mà cháu ạ - Các bà già nói với bác sĩ Dũng - cái buổi sáng mẹ cháu "đi", trên mặt sông cũng như trên bến cảng, trời bỗng dưng lặng phắc, không một hồi gió.

Như thế là hồn thiêng lắm!".

 

19 - Hàng Buồm - Hà Nội

8-1985

 

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.