chan_dung-ke_si

BẾN NỨA – Truyện ngắn Thanh Tịnh

23-07-2024

Lượt xem 1050

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Thanh Tịnh

BẾN NỨA – Truyện ngắn Thanh Tịnh

Nhà văn Thanh Tịnh (1911-1988)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Bến Nứa là tác phẩm trong tập truyện ngắn nổi tiếng Quê Mẹ của nhà văn Thanh Tịnh, viết về cuộc sống, con người xứ Huế những năm đầu Thế kỷ XX.

Xóm chợ lá làng Thiên. Trời mưa tầm tã. Trước khi cho thuyền rời khỏi bến, cô lái Phương còn nhìn lên bờ hỏi lớn:

- Ai về Viễn Trình thì xuống mà về.

Tiếng cô lạc mất trong tiếng mưa rì rào của buổi chiều tàn buồn bã. Hôm ấy thuyền cô vắng khách. Cô đã cho thuyền đậu thêm một giờ nữa, nhưng người về vẫn không thấy một ai.

Cô lái đò bèn nhổ sào gác trên mui rồi từ từ cho thuyền quay lái. Ngay lúc ấy một cụ già hấp tấp chạy xuống bờ sông đưa chiếc dù lên cao gọi lớn:

- Cô Phương ghé thuyền cho tôi về với.

Phương kéo nghiêng chiếc nón lá, nhìn lên bờ qua những dòng mưa chi chít:

- Cụ Uẩn đấy à? Cháu tưởng cụ chiều mai mới về.

Vừa nói Phương vừa cho thuyền quay mũi vào bờ. Cụ Uẩn xách đôi guốc trên tay, lội ra khỏi bờ chừng năm bước. Lúc thấy mũi thuyền gần cụm vào bờ, cụ đưa một tay giữ lại. Đoạn cụ bước lên thuyền rồi chui vào trong mui.

Tiếng cô Phương đằng sau lái nói:

- Cụ cởi áo ướt vắt trên đây. Để nước mưa thấm vào người độc lắm.

Tiếng nước mưa xối mạnh trên mui làm át cả tiếng Phương. Cụ Uẩn không nghe rõ nên nhìn ra sau lái hỏi:

- Cô Phương hỏi gì thế?

Phương nhìn vào mui thấy cụ Uẩn cởi áo ra rồi nên nói tiếp:

- Cụ xem giùm thằng Nghển của cháu nó đã ngủ chưa?

Tiếng cụ Uẩn trong mui đáp ra:

- Rồi.

Phương lẳng lặng đưa mái chèo đẩy đều đều trên mặt nước. Thỉnh thoảng cô lại đưa tay vuốt mấy dòng mưa chảy tràn trên mặt. Phương vừa chèo vừa nhìn lên hai bên bờ hy vọng vài người khách chậm chạp còn đuổi theo thuyền cô. Nhưng sau lũy tre cao ngọn, cô chỉ nom thấy vài ngọn đèn xanh đang rung rinh trong bóng nhạt.

Trước đây hơn một năm, Phương cùng chồng làm nghề chở khách từ chợ làng Thiên đến làng Viễn Trình. Hai làng cách xa nhau trên bốn mươi cây số. Lệ thường cứ chiều nhổ sào, thì sáng mai vào khoảng tám giờ thuyền đã về đến Viễn Trình. Làng Viễn Trình ở gần biển, nên dân trong làng thường đem tôm cá ra chợ Thiên bán.

Tất cả gia tài của hai vợ chồng Phương là một chiếc thuyền rộng ba mũi, và đâu được bốn chục bạc. Lấy nhau được một năm thì Phương sinh thằng Nghển. Mỗi lần ẵm Nghển trên tay, chồng Phương thường tươi cười nói với vợ:

- Thằng Nghển là cục vàng biết nói của tôi đấy mợ ạ.

Phương nhìn con, nhìn chồng, rồi một giọng ngây thơ nói rõ:

- Cậu nói làm tôi nhớ hồi còn đi học, thầy giáo có bắt tôi học bài: Gà đẻ trứng vàng.

Chồng Phương âu yếm nhìn vợ rồi tự nhiên cười sung sướng.

Qua mùa đông năm sau, chồng Phương mang bệnh thương hàn rồi từ trần. Nghển lúc ấy mới hơn hai tuổi.

Theo nghề xưa của chồng, Phương lại một mình đưa thuyền qua ngày tháng.

Trời sẩm tối, thuyền của Phương đến đầu làng Mỹ Lý thì trời tạnh mưa. Xa xa bên kia chân đồng làng Duyên Hải, đám mây đen dày đặc đã nứt nở ra dần để lọt một thứ ánh sáng xanh rờn của mảnh trăng cuối thu.

Phương vừa chèo vừa cất giọng hò lanh lảnh:

Đi đâu cho thiếp theo cùng.

Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.

Phương tự nhiên cảm thấy lòng lạnh lẽo và buồn man mác. Cụ Uẩn ngồi trong mui, với một giọng ngái ngủ hỏi sẽ:

- Cô Phương ơi! Thuyền đã đến đâu rồi cô nhỉ?

Phương nhìn lên đám lách um tùm hai bên bờ sông rồi đáp:

- Đến làng Đồng Yên rồi cụ ạ.

- Thật cô chèo mau quá.

Nghển nghe có tiếng động tự nhiên lồm cồm ngồi dậy khóc, cụ Uẩn dỗ ngon dỗ ngọt một hồi lâu cũng không được. Cụ liền mặc thêm áo rồi bước ra sau lái nói với Phương:

- Thôi cô vào ẵm cháu ngủ đi. Để tôi chèo cho.

Phương còn dùng dằng chưa chịu nghe.

- Ai lại để cụ chèo.

Trong mui tiếng Nghển lại khóc thét lên. Cụ Uẩn giục:

- Cô đưa tay chèo cho tôi. Tôi tuy già nhưng chưa chắc trai tráng đã chèo kịp tôi.

Phương từ chối cũng không được, nên đưa chèo cho cụ Uẩn.

Nghển thấy bóng mẹ đi vào thì khóc già hơn trước. Phương ẵm con trong lòng nói sẽ:

- Thôi con ngủ đi, về đến làng Viễn Trình mợ sẽ mua kẹo cho con.

Nghển được thể quay đầu vào ngực mẹ khóc lớn:

- Con không ăn kẹo.

Phương đưa tay vỗ nhẹ vào lưng con:

- Thế con muốn gì?

Nghển mếu máo:

- Thầy con đâu?

Rồi như mọi ngày, lúc nghe con hỏi đến cha, Phương lại nói dối:

- Thầy qua chợ Sinh mua áo đẹp cho con.

Nghển lại vùng vằng đầu nũng nịu:

- Con không cần áo đẹp. Thầy con đâu?

Lệ thường đến lúc này, túng lắm Phương mượn một người khách trong thuyền vờ làm "thầy" để dối con. Lúc ấy Nghển mới chịu ngủ yên bên người cha giả. Nhưng hôm ấy thuyền vắng khách, quanh quẩn chỉ có một mình cụ Uẩn và Phương. Phương đang lúng túng chưa biết tìm kế gì thì Nghển đã khóc lớn:

- Thầy con đâu?

Phương kiên nhẫn dỗ con:

- Con nín đi. Mợ gọi thầy về đây.

Đưa đầu ra ngoài mui, Phương gọi lớn:

- Thầy nó đã về chưa, mau xuống thuyền chẳng thằng Nghển không chịu ngủ.

Trong bóng tối của lũy tre xanh chạy dài theo Bến Nứa, tự nhiên xa xa có tiếng người đáp:

- Tôi về đây. Ghé thuyền cho tôi về với.

Phương đang phân vân chưa biết người ta nói đùa hay nói thật, thì cụ Uẩn đã từ từ cho quay mũi vào bến. Một người vận âu phục, nhanh nhẹn xách va-ly bước xuống thuyền.

- Đâu, Nghển của tôi đâu? Sao nó lại không chịu ngủ.

Phương thấy người khách thì giật mình bẽn lẽn:

- Cậu Thảo đi đâu mà về khuya thế?

Thảo cũng vừa thấy Phương, nên cúi đầu ấp úng:

- Đò của cô mà tôi tưởng của ai.

Nghĩ một lát, Thảo tiếp:

- Tôi vừa xuống ga Mỹ Lâm về đây. Tôi về thăm thầy mẹ tôi.

Cụ Uẩn thong thả cho thuyền rời khỏi bờ rồi chèo xuôi theo dòng nước. Mảnh trăng hạ tuần giây bụi vàng trên quãng đồng lúa ruộng. Phương ẵm con ra ngồi trước mũi, gương mặt tự nhiên ửng hồng và đẹp một cách hiền hậu.

Tiếng nước reo hai bên mạn thuyền nghe nhẹ và êm. Nghển ngước mắt nhìn Thảo một hồi khá lâu rồi thỏ thẻ:

- Đây là thầy phải không mợ?

Phương nhìn ra sông đáp sẽ, giọng ngượng ngập:

- Vâng.

Nghển đưa mắt trân tráo nhìn Thảo nói tiếp:

- Thế sao thầy không ẵm con?

Không để Nghển nói hết câu, Thảo đưa hai tay cất Nghển lên rồi vụng về ẵm vào lòng.

Nghển sung sướng reo lên:

- Thầy mua kẹo cho con đâu?

Thảo cúi xuống mở va-ly rồi đưa cho Nghển một gói kẹo Tây:

- Kẹo cho con đấy.

Lúc nói đến chữ "con" lòng Thảo tự nhiên nghe êm êm một cách lạ. Phương nói lảng qua chuyện khác:

- Độ này thầy làm ở đâu?

Thảo quay lại đáp:

- Tôi làm ở Sở Hỏa Xa. Hôm nay được mấy ngày nghỉ nên định về thăm nhà.

Nghển vừa ăn kẹo vừa nhìn đàn đom đóm bay lập lòe hai bên bờ sông.

Phương đứng dậy quay đầu nhìn phía lái hỏi:

- Cụ Uẩn đã nhọc chưa, để cháu ra chèo thay cụ.

Nghển đưa tay nắm chéo áo mẹ năn nỉ:

- Mẹ đừng ra chèo. Mẹ ngồi với thầy với con.

Phương cúi đầu nhìn xuống sàn thuyền, hai má đỏ như gấc. Dưới ánh trăng, gương mặt của Phương trông hồng hồng tươi xinh như bằng sáp. Lòng Thảo hồi hộp sẽ như cánh bướm.

Đằng lái tiếng cụ Uẩn đáp lên:

- Nước chảy xuôi nên chèo không mỏi. Lúc nào cháu Nghển ngủ sẽ hay.

Nghển nhìn về phía sau lái hí hửng:

- Tiếng ai đấy mợ.

Phương xoa đầu con:

- Tiếng cụ Uẩn.

Nghển ngước mắt đăm đăm nhìn Thảo:

- Con sợ cụ Uẩn lắm.

Thảo tươi cười:

- Tại sao... con sợ?

Nghển nói nhanh không suy nghĩ:

- Vì cụ ấy có râu.

Thảo nhìn Phương mỉm cười. Tuy người giả vờ làm thầy Nghển mỗi ngày mỗi khác, nhưng Nghển chỉ hơi ngạc nhiên một chút rồi quen ngay. Vì những người ấy, người nào cũng vuốt ve Nghển và nhất là cho Nghển quà bánh. Trước kia Nghển hỏi đến thầy là vì nhớ. Chứ lâu nay, Nghển hỏi đến thầy là cốt để hỏi quà bánh thôi. Nghển thấy Thảo ăn mặc sang lại vui vẻ nên thích lắm.

Con thuyền từ từ lướt nhẹ trên mặt nước, êm đềm như cái bóng. Thấy thuyền đến, vài con ngan đang lội trên sông bỗng đập cánh bay thẳng vào trong mấy hàng cây đen tối. Nước ngập xuống như mưa.

Thảo cầm bàn tay xinh xắn của Nghển trong tay mình rồi mỉm cười nhìn Nghển đang cố gắng rút tay ra.

Phương chống cằm vơ vẫn nhìn mấy thửa ruộng chạy dài hai bên bờ sông, lòng hơi thổn thức. Phương cũng không hiểu tại sao tối hôm nay lòng Phương lại rạo rực tê mê như đống tro tàn men hơi lửa.

Mặt trăng lúc ấy đã lẫn hình trong đám mây đen.

Màu xanh bạc của màn sương bụi tỏa hai bên bờ sông đã biến ra màu xanh lam. Bầu trời có vẻ nặng nề hơn trước.

Nghển tự nhiên nắm tay mẹ rồi từ từ kéo mạnh. Một lát sau, Phương cảm thấy Nghển đang đặt tay mình trên da tay một người khác. Phương rùng mình, toàn người rung sẽ, hơi thở mạnh và không đều.

Phương không dám quay mình lại, Nghển nói lớn:

- Đây mợ mở dùm ngón tay của thầy con để con kéo tay con ra.

Thảo cảm phải hơi lạnh ở da tay Phương truyền qua tay mình, nên toàn người nóng bừng, tay chân rung nhẹ. Thảo như người bị thôi miên. Thảo thả bàn tay Nghển ra rồi nắm bàn tay nhẹ mát của Phương. Phương cúi đầu nhìn xuống mặt nước, hai má đỏ bừng. Nghển trùm hai bàn tay nhỏ xíu của mình ngoài bàn tay Thảo rồi nói lớn:

- Thầy giữ chặt lấy. Đừng thả ra.

Thảo sợ cụ Uẩn nghe được nên quay lại hỏi:

- Tiếng chuông chùa nào đấy cụ Uẩn?

Thảo vừa nói dứt lời, một tiếng chuông chùa đã dìu dặt giữa không trung, một tiếng ngân dài não ruột.

Cụ Uẩn che tay ngang trán nhìn mông ra xa rồi đáp:

- Tiếng chuông chùa Đồng Tâm.

Phương quay lại nhìn Thảo, hai người nhìn nhau mỉm cười rồi cùng đưa mắt nhìn dòng sông sắp uốn mình trước mặt.

Năm qua, ngày tháng qua. Nghển đã khôn lớn và không hỏi thầy như trước nữa. Nhưng giữa đêm khuya, mỗi lần chèo thuyền qua Bến Nứa, Phương lại cất tiếng hỏi:

- Ai về Viễn Trình thì xuống mà về.

Nhưng đêm nào cũng như đêm nào, đáp lời Phương chỉ có tiếng chuông chùa Đồng Tâm ngân dài trên mặt nước.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.