chan_dung-ke_si

BẦU TRỜI NGOÀI Ô CỬA - Truyện ngắn Vũ Minh Nguyệt

08-09-2023

Lượt xem 968

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

BẦU TRỜI NGOÀI Ô CỬA - Truyện ngắn Vũ Minh Nguyệt

Nhà văn Vũ Minh Nguyệt


Bầu Trời Ngoài Ô Cửa là truyện ngắn của nhà văn Vũ Minh Nguyệt, đạt giải ba cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2001-2002. 

 

Năm tuổi, Linh đã ngồi trước khung toan và cầm cọ vẽ. Cha dắt Linh vào con đường hội họa quá sớm. Thảng hoặc, cha dắt Linh đi dạo quanh sân khu tập thể. Linh mặc váy mầu hồng, hai bím tóc đong đưa thắt nơ mầu đỏ. Đôi chân trắng, dài trước tuổi và hai gót hồng khiến bọn trẻ con trong cả khu nhà tập thể nhìn Linh ghen tỵ. Chúng chưa biết thế nào là sự đố kỵ nhưng trước mắt chúng, Linh xinh đẹp và giỏi giang hơn chúng rất nhiều. Bọn trẻ không thích chơi với Linh. Linh sống với thế giới riêng biệt lập của mình từ thơ bé. Người lớn thì nhìn Linh chép miệng: "Con bé này đẹp quá! Lớn lên sẽ bị khổ thôi". Thế là Linh khổ thật. Mười bảy tuổi Linh theo cha rong ruổi suốt những ngày nghỉ hè. Cha đưa Linh lên tận những vùng núi cao cao phía bắc, đến vùng biển Nha Trang đầy nắng, gió và cát... cùng khung vẽ, thuốc mầu, chì, cọ. Nếu không có một ngày Linh sung sướng, lâng lâng cầm tờ giấy trúng tuyển vào Đại học Mỹ thuật, phóng xe như bay trên phố, và bất ngờ chiếc ô-tô lao đến... thì cuộc đời Linh đã khác. Năm năm rồi, Linh sống trên xe lăn. Cha bận liên miên ở trường, ở xưởng vẽ riêng của cha nên việc ăn uống, sinh hoạt của Linh, cha thuê người giúp việc đỡ đần.

Một ngày của Linh thường bắt đầu bằng những tia nắng yếu ớt, mong manh và rất nhiều âm thanh lẫn lộn. Tiếng rao: Bánh rán nóng ròn đê... ê a kéo dài. Tiếng lọc xọc của chiếc xe đổ rác sớm. Tiếng hót của bày chim lảnh lót: Chi... chi... chiệc chiệc... Và tiếng gió vờn lá lao xao... ngoài ô cửa sổ.

Ngoài ô cửa sổ.

- Cháu chào bà, cháu đi làm ạ.

- Hôm nay trời nắng đẹp đấy.

- Khổ thân nhà Long, đêm qua sơ sểnh để kẻ gian cắt khóa lấy mất toi cái xe máy.

- Cho chết. Ham của cho lắm vào.

Tiếng người léo nhéo, ca cẩm, phàn nàn, giận dỗi, than vãn. Đủ cả.



Vẫn ngoài ô cửa sổ.

Gương mặt không rõ là của ai, tung tẩy bím tóc cột nơ mầu da trời lướt qua. Tiếng líp xe lách tách. Líu ríu tiếng trẻ rủ nhau đến trường. Bác bảo vệ già kéo chiếc giày cũ sạt sạt, bác đi khấp khểnh bằng một bên chân giả, áo đại cán kiểu cổ Tôn Trung Sơn kéo kín suốt mùa đông, áo dài tay bộ đội bạc mầu vận suốt mùa hè. Bác ló đầu ngoài chấn song:

- Mở to cánh cửa sổ ra, cháu.

Linh vòng xe lăn đến sát tường, rướn cổ hỏi:

- Hôm nay trời sẽ nắng hay mưa, bác.

- Hôm nay trời đẹp đấy. Mở to cửa ra cho ánh sáng nó ùa vào.

Bác cứ hay nhắc Linh như vậy, dù biết rằng chẳng bao giờ Linh làm theo lời bác. Vì với Linh, bất kể mưa hay nắng bên ngoài ô cửa sổ kia cũng chẳng liên quan gì. Trời mưa hay nắng, gió bão hay trời lặng, cao xanh thanh bình... cũng chẳng làm Linh vui hơn hay buồn hơn. Linh đã có bốn bức tường của Linh và cái trần nhà cao vòi vọi. Lâu ngày, sách không đọc và ti-vi Linh cũng chẳng buồn xem. Ngủ. Thức dậy. Lượn xe lăn trong nhà. Cầm cọ vẽ. Vẽ mải miết. Đếm những con kiến hành quân không biết mỏi trên tường nhà. Ăn đã có người giúp việc bưng đến. Thỉnh thoảng nhìn mây trôi qua cửa sổ. Và chán, Linh lại ngủ.

Dãy nhà Linh ở chỉ qua một khoảng sân là đến chiếc hồ xây nhỏ. Khoảng sân vừa là lối đi lại, vừa là nơi vui chơi của đám trẻ con và cũng là chỗ tụ tập, túm năm tụm ba của người lớn trong ngày cuối tuần rỗi rãi. Chỗ này khi xưa là một rãnh nước, người ta tôn nền, làm nhà cao rồi kè đá và xi-măng thành một chiếc hồ. Nước ở đây quanh năm tĩnh lặng lờ lờ đục và tù đọng. Từ ô cửa sổ nhà Linh nhìn ra có thể thấy một cụm hoa súng dại giữa mặt hồ. Buổi sáng những nụ súng nhô lên he hé mầu nâu sẫm, trưa có nắng hoa súng nở tung ra hồng tím rực rỡ rồi chiều đến những bông súng lại khép vào hờ hững, đến cả đám lá bồng bềnh cũng trở nên nhợt nhạt. Linh hay nhìn cụm hoa súng dại này, mỗi buổi sáng cô nhẩn nha đếm một... hai... ba... rồi lẩn thẩn nhẩm tính cụm súng dại nở hơn hôm qua một bông, hay lùi đi mất một bông. Chậu hoa giấy cha trồng mấy tháng trước leo ngoài chấn song đã có rất nhiều hoa. Hoa tươi hẳn hoi mà lại gọi là hoa giấy, nở hết đợt này đến đợt khác, đỏ tươi, tím biếc, trắng phơn phớt lẫn lộn. Rồi hết đợt lại trơ cành khẳng khiu, gai góc. Có một buổi sáng tự nhiên Linh phát hiện ra đám rêu xanh mềm mại lún phún phủ đầy cái chậu trồng hoa giấy như ai đắp lên chứ không phải nó được mọc ra từ lớp bụi này đến lớp bụi khác. Chả lẽ lại là bác bảo vệ già?

Sáng, trưa, chiều, tối, thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Có lúc Linh như quên mình đang sống, đang tồn tại, từ lâu lắm rồi.

Bất chợt có một lần, Linh bắt gặp cô gái buộc tóc bằng chiếc nơ mầu da trời hay đi giày cao gót, mặc áo dài tân thời trắng tinh líu ríu đi qua cửa sổ nhà Linh cùng một chàng trai cao lớn. Họ vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ. Họ mỉm cười với nhau và thỉnh thoảng chàng trai cúi xuống khẽ hôn lên mái tóc cô gái. Cô gái ấy lên là Hiền, giáo viên dạy Anh văn, nhà ở tận cùng trong ngõ. Ngày trước, Hiền không chơi với Linh và Linh cũng chẳng chơi với Hiền. Hiền nhan sắc bình thường, không đẹp, không mặn mà, vẫn thường đi dạy ngang qua cửa sổ nhà Linh. Vậy mà, bên chàng trai mới lạ, má Hiền ửng đỏ, mắt lúng liếng và hình như đẹp ra... Sau đó, những buổi sáng chủ nhật chàng trai thường đỗ xịch xe máy trước cổng nhà Hiền, tặng cho người mình yêu khi thì một bó hoa hồng đẹp rực rỡ, có hôm là một cành khế lúc líu quả mọng căng, vàng rộm.

Có một cái gì đó chợt cựa quậy, thức dậy lao xao, thì thầm, dạt dào trong lòng Linh. Cô đau xót nghĩ đến mình. Chiếc xe lăn và căn phòng vuông vức, giá lạnh, hoang vắng đến vô cùng. Hai chân Linh không hề có cảm giác, teo lại, thõng thượt như một khối thịt thừa.

Từ ngày ở bệnh viện về nhà, Linh vẫn cầm cọ vẽ. Cô cắn răng lại chịu đau và cô vẽ quyết liệt. Vẽ tiếp thêm sức sống cho cô, mà không vẽ cô cũng chẳng biết làm gì. ở triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ năm trước rất nhiều người đã dừng lại trước bức chân dung tự họa của Linh. Cô gái trong tranh có gương mặt đẹp, sống mũi thẳng, đôi môi hơi mím và đôi mắt buồn mênh mang. Có người bảo đôi mắt ấy mang nỗi buồn của người kỵ mã phải rời xa lưng ngựa trên thảo nguyên mênh mông rập rờn nắng gió. Lại có người bảo đôi mắt người thiếu nữ ấy là nỗi buồn của con đại bàng phải giã từ bầu trời lộng gió... Người ta hỏi, người ta khen, người ta đòi gặp tác giả, người ta gửi tặng rất nhiều hoa cho chủ nhân bức chân dung sơn dầu ấy. Nhưng không ai biết người trong tranh, không ai biết mặt tác giả của bức tranh ấy lại là Linh.

Linh có khuôn mặt trái xoan đẹp thánh thiện, da Linh trắng nõn nà như da trẻ con, đôi mắt to, trong và buồn buồn, dưới hai hàng chân mày đen xanh mượt. Linh có tiền từ những bức tranh được bán với giá cao trong các cuộc triển lãm. Có tiền, nhưng Linh không biết tiêu vào những khoản nào. Một bộ quần áo lót cũng tiền cha cho, một thước toan mới cũng cha mua, một gói ô mai cũng lại cô giúp việc mua.

Linh có nhiều những bức vẽ ấn tượng. ở đó là một thiếu nữ mặc áo dài trắng đắm đuối ngắm một cành hoa loa kèn trắng. Một bầu trời bao la, mông lung và cánh chim cô đơn nhọc nhằn bay dưới những đám mây mầu xám. Một chú mèo ngẩn ngơ nhìn cuộn len lăn... Tĩnh vật, phong cảnh, chân dung... Chỉ có bầu trời, mặt đất, hoa lá, cỏ cây, thiếu nữ và nỗi buồn, không có những bon chen, giành giật, không có tội ác trong tranh của Linh. Riêng một miền khát khao trong tranh mà Linh hằng ước ao nhưng chưa vươn tới được. Miền khát khao ấy là thiên đường của những cô gái, những chàng trai yêu nhau. Linh đã từng khóc. Cô khóc không phải vì sự chán nản với đôi chân tật nguyền mà vì sự bất lực trong ý tưởng, trong cách thể hiện. Tại sao? Ta không thể vẽ được một bức tranh về tình yêu kia chứ?

Cho đến một ngày.

Người cha ngắm nhìn những bức tranh của Linh. Ông mỉm cười rồi khuôn mặt ông buồn lặng ngay. Ông thương con gái và ông thấy nuối tiếc. Giá như con ông không bị tai nạn, giá như con ông có thể bay nhảy khắp nơi thì thế giới nghệ thuật sẽ mở ra trước mắt nó rộng rãi, lớn lao biết bao nhiêu?

Ông nhớ lại ở các triển lãm lần trước, những bức tranh con gái ông vẽ về một người lính vai đeo ba-lô đứng hát ở lưng đèo, vẽ một cô sơn nữ che ô thấp thoáng trên đỉnh dốc, bước chân đung đưa theo những chấm nắng... Ông đã từng nghe những lời bình phẩm tiếc rẻ. Tranh của con gái ông đẹp, ấn tượng nhưng bị thiêu thiếu một cái gì đó. Ông thương con gái đến cháy lòng.

Con gái ông trong trẻo quá. Nhìn những bức vẽ mới nhất ông hiểu con gái ông không còn vô tư nữa, trong đôi mắt trong veo của Linh giờ còn có muôn vàn những tia nắng lấp lánh và các đám mây mầu xám đang trôi. Con gái ông đã biết mơ đến một miền xa xôi lắm. Nó muốn thoát ra và đi đến một nơi mênh mông nào đấy ở đó có vi vút tiếng thông reo, có róc rách tiếng suối chảy và có tiếng dịu êm thì thầm hay cáu gắt, giận dỗi vì nhọc nhằn của con người. Con gái ông đang bị bao vây, bị giam cầm gò bó trong bốn bức tường. Tranh của Linh phải thực tế hơn, bề bộn, sinh động hơn chứ không thể èo uột do tưởng tượng thế này.

Linh ơi ! Giá như con đi xa bằng đôi chân của mình, giá như con được yêu? Ông không hề biết rằng Linh cũng đã đang thổn thức, bởi vì con gái ông đã hơn hai mươi tuổi, cái tuổi mà lẽ ra trước mắt là một bầu trời rộng mở, ở đấy có những tia nắng vàng rực rỡ; có những câu nói ấm vang, vòng tay khỏe khoắn, hơi thở nồng nàn của đàn ông; những đóa hoa hồng đỏ rực trinh bạch còn đang ngậm sương long lanh và những cái nhìn khác giới mê say; là những nụ hôn cuồng nhiệt, nóng bỏng. Nhưng tình yêu vẫn còn là một cái gì đó quá đỗi mơ hồ, xa lạ với con gái ông.

Sau mỗi chuyến đi xa trở về cha Linh thường dành thật nhiều thời gian để kể chuyện về những nơi ông đã đến cho con gái nghe. Ông chỉ có thể nói cho con gái biết ngọn núi thì cao, dòng sông hiền hòa chảy và có những cánh buồm trôi lững lờ, con người sống bên nhau thì có dối lừa, có nhân ái... Nhưng ông không thể giảng giải cho con gái biết tình yêu là thế nào?

Cho đến một ngày.

Linh đang say sưa với bức tranh của mình, từng nét bút đưa đưa mềm mại, khoảng mầu hiện lên sống động trên toan thì có một chàng trai đứng lặng ngoài cửa sổ. Chàng mải mê nhìn những nét vẽ theo những ngón tay thon nhỏ búp măng của cô. Bất chợt chàng trai thốt lên:

- Đẹp quá!

Không biết bức tranh vẽ dở đẹp hay cô họa sĩ tật nguyền đẹp mà chàng trai cứ đứng ngây người ra mãi. Linh giật mình xoay người lại. Cô ngỡ ngàng. Lại là chàng trai sáng sáng chủ nhật mang hoa đến tặng cô giáo Hiền.

- Đẹp quá? Chàng trai lại thốt lên.

- Anh không gặp được chị Hiền à?

Đến lượt chàng trai cầm bông hoa hồng bối rối. Anh vừa lúng túng, vừa tiến lại sát gần song cửa sổ:

- Anh tặng em này. Em vẽ tranh đẹp quá.

Có một cái gì đó như linh tính mách bảo, có một cái gì đó như là sự nhạy cảm của người con gái, cô ngập ngừng:

- Em cất hộ anh cho cô giáo Hiền.

- Không! Anh tặng em. Thật đấy!

Linh kịp nhìn thấy đôi mắt anh thoáng buồn. Hoa hồng thơm ngát, dìu dặt, tức tưởi. Linh cầm bông hoa e ấp vào ngực, khẽ khàng đưa lên mặt, đôi môi trinh nữ của cô hôn nhẹ lên bông hồng đỏ còn đọng giọt sương đêm lóng lánh. Mọi cử chỉ của Linh nhẹ nhàng như mèo con, hình như cô không dám thở mạnh, mạnh một chút thôi tất cả sẽ tan biến đi mất. Hoang phí quá mà Linh đang muốn dè sẻn đến từng tý một cái khoảnh khắc hiếm hoi ấy. Linh khóc nức nở. Lần đầu tiên Linh khóc như vậy, nước mắt chảy thành dòng tràn xuống đôi gò má mịn màng trắng. Ngày trước khi biết mình sẽ tàn tật và phải làm bạn với cái xe lăn suốt đời Linh cũng không khóc to như vậy. Lần đầu tiên, bầu trời ngoài ô cửa vỡ òa ra, đôi mắt cô sáng ngời và khuôn mặt cô rạng rỡ.

Chàng trai đã đi từ lúc nào. Ngoài sân những tia nắng vàng đang nhảy nhót, bày chim chào mào chí chóe cãi nhau. Gió thổi nhẹ, khẽ lay lá hơn mọi ngày. Bác bảo vệ già đi đi lại lại, một bên giày kéo sạt sạt trên nền sân. Bác nhìn đi đâu như chẳng hề biết việc gì vừa xảy ra với Linh. Đến gần cô, bác khẽ nhắc:

- Mở cửa rộng ra nữa, cháu, hôm nay trời đẹp đấy.

Từ hôm ấy.

Ngoài những lúc mê mải vẽ, thời gian còn lại Linh hay dán mắt lên bầu trời ngoài ô cửa. Vệt nắng chui qua khe lá hở rọi vào nhà, thành những vệt sáng trắng dài dài và vô số những giọi bụi ly ti nhảy múa. Trời cao hơn, chim hót líu lô hơn và những tia nắng hồng hơn. Linh biết đấy là một buổi sáng đẹp trời. Linh thấy yêu đời, yêu mình hơn. Và Linh chờ mong một ngày chủ nhật mới đến nhanh.

Chủ nhật mới đến nhanh thật, nhưng không có bông hoa hồng bất chợt hiện ra, điều thầm kín mong ước trong lòng Linh lại không đến. Linh vẫn hay dậy sớm nhất và đi ngủ muộn nhất. Buổi sáng cô mở tung các cánh cửa sổ, gió sớm mát mẻ ùa vào. Một chủ nhật nữa và lại một chủ nhật nữa. Không thấy cô giáo Hiền mặc áo dài trắng thả gót đi ngang qua ô cửa sổ. Và cũng chẳng thấy chàng trai ấy đâu nữa. Linh thẫn thờ nhìn ra ngoài. Cụm súng dại phía hồ xa kia hoa đã lụi. Nước hồ vẫn lặng như chưa hề thay đổi bao giờ. Linh lại nhìn mây trôi mải miết trên bầu trời và cô nhớ đến chuyện cổ tích có chàng hoàng tử đến cứu công chúa xinh đẹp bị cầm tù trong lâu đài hoang.

Chuyện cổ tích thì chưa đến với Linh, nhưng lại vẫn tiếng rao bánh rán nóng giòn đê..., tiếng xe đổ rác sớm lọc xọc, tiếng chim chí chóe và tiếng lá lao xao ngoài ô cửa như không hề thay đổi. Mặc kệ, Linh vẫn mong một ngày chủ nhật mới.

- Sao mắt cháu buồn thế? Mở cửa sổ to ra.

Bác bảo vệ già như đọc được nỗi buồn trong đôi mắt của Linh.

- Hôm nay trời nắng hay mưa, hở bác?

- Hôm nay trời đẹp đấy.

Lại cho đến một ngày.

Linh mở tung cửa sổ. Ban mai ùa vào nhà. Những tia nắng đầu tiên óng ánh rọi qua kẽ lá. Linh sững sờ bắt gặp một bông hồng đỏ còn ướt đẫm sương đêm trên bậu cửa sổ. Linh ấp bông hồng lên ngực, đưa lên môi mơn man tận hưởng hương thơm dịu dàng và trinh bạch của tuyết hoa. Nắng mới vẫn nhảy nhót ngoài sân và trên cây lá, tiếng ríu rít của lũ trẻ con ngang qua cửa sổ. Linh lật tờ lịch trên tường - Hôm nay là ngày chủ nhật.

Kỳ lạ thay, những bông hoa hồng bên cửa sổ tươi hết cả tuần, dần dần hoa chỉ khô đi chứ không héo. Linh lấy những sợi chỉ buộc lại và cẩn thận treo thứ tự lên đầu giường. Linh ước ao một ngày nào đó, chàng hoàng tử có vầng trán thông minh, mái tóc bồng bềnh hiện ra. Đôi mắt cương nghị và giọng chàng ấm áp: "Công chúa Linh bé nhỏ xinh đẹp của anh. Anh sẽ đem em đến một miền cổ tích xa xôi... ở đấy chúng ta sẽ có những đứa con trai, con gái; những đứa con của chúng ta sẽ rất thông minh và xinh đẹp; chúng có trái tim của mẹ và khối óc của cha. Những đứa con của chúng ta, đứa làm ca sĩ, đứa là nhà văn và có đứa lên rừng trồng cây hái quả, có đứa xuống biển cấy lúa bắt tôm, cua, ngao, sò...".

Đặt bông hồng xuống gối trong đầu Linh lóe lên một ý tưởng mới mẻ... Linh đến ngồi trước giá vẽ. Bao điều bí ẩn giờ đang ở trước mắt Linh, không còn xa lạ đối với Linh nữa. Tình yêu ơi tuyệt vời quá? Lứa đôi. Linh sẽ đặt tên cho bức họa mới là Lứa đôi.

Ngày tháng lại trôi trôi.

Linh vẫn đi ngủ muộn và dậy sớm hơn tất cả mọi người. Cho đến một buổi sáng chủ nhật, cô háo hức mở toang cánh cửa sổ. Bên ngoài gió rít ù ù và mưa rơi lả tả. Trên thành cửa sổ không có bông hồng đỏ nữa. Chả lẽ vì gió mưa? Chả lẽ... Bao nhiêu ước đoán, nghĩ suy. Đành phải chờ đến chủ nhật sau. Chủ nhật sau và chủ nhật sau nữa, chỉ có tiếng chim chảnh chọe cãi nhau, tiếng lá lao xao ngoài ô cửa, tiếng lọc xọc của xe đổ rác sớm..., không có bông hồng trên thành cửa sổ!

Cha Linh về. Ông báo tin mừng tác phẩm Lứa đôi của Linh được giải thưởng của Triển lãm mỹ thuật trẻ toàn quốc. Cái tin ấy làm cho cô vừa vui vừa mừng. Cô nói với cha:

- Con sẽ ăn mừng và mời bác bảo vệ già cùng dự. Cha đồng ý không cha?

Cha Linh chợt buồn. Ông lưỡng lự một lúc rồi mới nói:

- Bác bảo vệ già ốm nặng, mất ở bệnh viện một tháng rồi.

Bà giúp việc bảo:

- Tôi có thay ông đi viếng, nhưng quên không nói với cô.

Linh lặng người, có một cái gì đó cồn lên chẹn cứng trong ngực. Cô chợt nhớ ra gần một tháng nay không thấy bác bảo vệ già kéo lệt sệt một bên chân giả nữa. Thay bác bây giờ là một chàng trai trẻ, anh ta cao gầy nhưng trông rắn rỏi. Anh bảo vệ mới vẫn đi đi lại lại khắp dẫy nhà, trong sân, bên bờ hồ xây và đến trước ô cửa sổ nhà Linh, anh ta đi chậm hơn một chút rồi bao giờ cũng liếc mắt như kiếm tìm. Linh nhìn anh thấy vừa quen vừa lạ. Hình như Linh đã gặp anh ta ở đâu rồi thì phải? Bà giúp việc kể đám tang bác bảo vệ già đông lắm, có những người lính cựu cùng chiến trường năm xưa của bác cũng về đưa tiễn.

Linh vẫn tin rằng một ngày nào đó sáng ngủ dậy, mở cửa ra Linh sẽ thấy mái đầu tóc bạc của bác bảo vệ già lấp ló: "Mở cửa sổ to ra, cháu. Hôm nay trời đẹp đấy.". Linh vẫn chờ một ngày chủ nhật như thế.


Thanh Xuân Nam
Tháng 7 Năm 2002

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.