Đánh giá
Viện Hàn lâm hiện đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích sau khi thay đổi các tiêu chuẩn cho giải thưởng Oscar năm 2024. Những tiêu chuẩn này nhằm nâng cao tính hòa nhập và đa dạng đối với điện ảnh và bất kì bộ phim nào đang tranh giải Phim xuất sắc nhất tại Oscar đều phải tuân thủ đủ các quy tắc này.
Cụ thể, bắt đầu từ lễ trao giải Oscar 2024, các phim sẽ không được xem xét cho hạng mục đề cử Phim xuất sắc nhất trừ khi đáp ứng đủ 2 trong 4 tiêu chuẩn. Một tiêu chuẩn gây tranh cãi chính là các nhân vật chính hoặc nhân vật quan trọng phải đến từ "nhóm chủng tộc thiểu số hoặc ít được đại diện", hoặc cốt truyện chính tập trung vào nhóm thiểu số, hoặc 30% dàn diễn viên phải đến từ nhóm ít được đại diện như phụ nữ, dân tộc thiểu số, LGBTQ, người khuyết tật.
Một số thành viên trong ban bỏ phiếu đã tỏ ra phẫn nộ, thậm chí tuyên bố hồi chuông cảnh báo về quy định quá cứng nhắc này. Sự tranh cãi được đặt ra khi cho rằng nhiều phim hay nhất mọi thời đại cũng không thể phù hợp với tiêu chuẩn mới của Oscar, ví dụ như Bố già.
Những bộ phim kinh điển như "Bố già", "Schindler’s List" thậm chí còn không đạt đủ tiêu chí mà Viện Hàn lâm đề ra cho giải Oscar hiện nay. (Ảnh: Getty Images)
"Điều này thật lố bịch", một đạo diễn nổi giận khi trả lời phỏng vấn với The Post, "Tôi ủng hộ sự đa dạng nhưng việc bạn buộc chỉ được chọn một kiểu phim nhất định nế muốn được đề cử ư? Điều đó khiến cho toàn bộ quá trình trở nên ép buộc. Ai phù hợp cho vai diễn thì nên được nhận vai, tại sao tôi lại phải giới hạn các lựa chọn của mình. Đó là thế giới chúng ta đang sống".
Diễn viên kì cựu Richard Dreyfuss cũng chỉ trích các tiêu chuẩn mới mà Viện Hàn lâm đưa ra dành cho Oscar. Ông mô tả phim ảnh là một dạng nghệ thuật và một hình thức thương mại, rằng điều luật mới khiến tất cả mọi người không thoải mái. "Không ai nên bảo tôi với tư cách là nghệ sĩ nên nhượng bộ cho những ý tưởng mới rằng thế nào mới là đạo đức", nam diễn viên chia sẻ.
Những người trong ngành cũng tỏ ra dè chừng trước những tiêu chuẩn đa dạng sắc tộc của Viện Hàn lâm. Theo đó, họ lo sợ rằng những ý tưởng tuyệt vời, những nội dung tuyệt vời sẽ không thể thực hiện do không theo đúng tiêu chuẩn cho hạng mục đề cử Phim xuất sắc nhất. Những tác phẩm kinh điển như Bố già hay Schindler’s List đều không đủ tiêu chuẩn cho hạng mục này nhưng không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của chúng. Với tiêu chuẩn mới, những kiệt tác điện ảnh có khả năng không thể ra đời.
(Ảnh: Getty Images)
Rất nhiều ý kiến cho rằng Viện Hàn lâm đã "đi quá xa" khi gây ảnh hưởng tới sự sáng tạo của các nhà làm phim bởi quy tắc mới. Tuy vậy, nhiều người vẫn giữ im lặng do lo sợ bị chỉ trích ngược lại hoặc bị lầm tưởng là người phân biệt, kì thị.
Thực tế, trong vài năm gần đây, những người chiến thắng Phim xuất sắc nhất cũng đáp ứng đủ các tiêu chí mà Oscar mới đặt ra. Everything Everywhere All at Once là một bộ phim của dàn diễn viên châu Á thắng giải Oscar 2023, giải thưởng năm 2022 thuộc về CODA - xoay quanh gia đình khiếm thính. Trong khi đó, năm 2021, giải thưởng thuộc về Nomadland - một bộ phim tập trung vào nhân vật góa phụ. Năm 2020 lại đánh dấu cột mốc lịch sử khi bộ phim của Hàn Quốc Parasite chiến thắng Oscar. Green Book của năm 2019 mặc dù gây tranh cãi nhưng có yếu tố da màu và vẫn được xướng danh là người chiến thắng.
Hiện những lời chỉ trích về tiêu chuẩn mới của lễ trao giải Oscar vẫn vô cùng gay gắt. Câu hỏi đặt ra là liệu Viện Hàn lâm có một lần nữa thay đổi các tiêu chí đánh giá của mình dành cho hạng mục danh giá Phim xuất sắc nhất hay không.
Theo VTV
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com