07-09-2023
Lượt xem 1139
Đánh giá 0 lượt đánh giá
Cuộc đời Phương đều đặn như một cái đồng hồ tốt. Sáng anh dậy sớm đánh thức thằng nhỏ, giục nó quét nhà, đun nước. Còn anh ra cửa đứng đợi mụ hàng xôi quen.
Mua xôi xong, thằng Hoa, đứa con trai lên năm tuổi cũng ở trên giường bò xuống đất. Phương bế nó lên nựng một lúc, rửa mặt cho nó và cho con ăn uống xong xuôi anh mới ăn sau. Rồi rất vội, anh trèo lên giường với lấy cái khăn lượt chụp lên đầu, mặc chiếc áo trắng dài hồ cứng cổ, xỏ chân vào đôi giầy vải trắng đế cao su.
Trong khi ấy, thằng đầy tớ tóc đỏ như râu ngô, mặt bủng như thị rụng, mà tai hại thay nó có sức ăn khỏe tựa hổ, đã ủ rũ đứng bên cạnh để nhắc anh chi tiền mua đậu phụ và rau muống.
Hôn con một chập nữa, căn dặn thằng nhỏ trông nom con kỹ càng, Phương dắt chiếc xe đạp tồi ra ngoài ngõ. Đến đường nhựa, anh vén áo gài vào thắt lưng cho khỏi nát, nhảy lên yên, gò lưng đạp.
Tới sở, Phương cất xe đạp vào một xó, khóa cẩn thận. Anh cúi chào người chủ Tây đen rồi tiến đến dãy tủ kính, đứng nguyên một chỗ, nhìn ra ngoài cửa đợi khách vào hàng để tiếp.
Suốt buổi, Phương cố sức làm hết bổn phận một người làm công cho được lòng chủ. Hết giờ, anh lại dắt cái xe đạp tồi ấy ra đường, vén áo gài vào thắt lưng cho khỏi nát, nhảy lên yên, gò lưng đạp... và lại theo những con đường cũ về nhà. Cứ đến cửa, thấy con là anh đã vui sướng ôm ngay lấy nó bế lên hôn, đặt nó lên vai, cù cho nó cười để anh cũng cười với nó.
Hoa nghịch bẩn, anh tức khắc tắm rửa cho con; quần áo lấm của nó anh giặt lấy. Bữa cơm, anh săn sóc cho nó ăn no rồi anh mới ăn sau. Cả buổi trưa, Phương ru cho con ngủ. Và trong khi nó ngủ, anh lại vội chụp cái khăn xếp lên đầu, lồng chiếc áo trắng dài vào cái mình còm cõi, rón rén bước để nó khỏi thức dậy, xuống bếp dắt xe đạp ra đường, cắm đầu đạp nhanh đến sở.
Buổi tối Phương nằm kể chuyện cổ tích cho con nghe, để nó mau buồn ngủ.
Và sáng hôm sau thức dậy, anh lại bắt đầu sống lại cái ngày hôm qua, hôm kia... Anh lại lo đầy đủ phận sự một người làm công, phận sự một người cha góa nuôi con dại, phận sự một người đàn ông sống lương thiện, hiền lành.
Bởi vậy, cuộc đời Phương đều đặn như một cái đồng hồ tốt.
Phương đạp từ từ cho xe chạy chậm trên con đường vắng. Nắng hè chiếu rát lưng, anh khát, ghếch chiếc xe đạp vào rìa hè, uống cốc nước đá hai xu rồi lại đạp. Anh đi phơi nắng như thế từ lúc một giờ trưa. Sự điên rồ ấy anh vẫn có mỗi lần bị những nỗi đau đớn thấm vào tâm hồn, mỗi lần bị những ý nghĩ chán đời thúc giục và xô đẩy đến gần một sợi dây thừng, một chén thuốc độc, một lưỡi dao.
Nỗi sầu khổ vì vợ cũng nguôi dần: người đàn bà ấy đã nằm yên dưới mộ rồi. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, nàng còn cầm tay anh dặn dò: "Anh gắng... nuôi... con", và không lúc nào tâm trí anh không vang vọng lời dặn dò khắc khoải ấy. Bây giờ, anh chỉ biết có yêu con. Nó là lẽ sống của anh, cho nên, những khi con ốm, anh ôm chặt nó vào lòng và run sợ: Nếu nó làm sao... thì anh tự sát, vì không nó anh còn biết yêu thương ai trên cái cõi đời gớm ghiếc này!
Hôm nay, điều khiến anh buồn vẫn một duyên cớ này thôi: sự nghèo nàn, cùng túng quá đỗi. Nghĩ đến thằng bé vừa mếu máo vừa dặn anh ban nãy: "Ba nhớ mua cho Hoa quả bóng cao su đỏ nhé", anh lại thở dài. Anh biết lúc này không thể mua cho con quả bóng cao su đỏ ấy. Có đắt lắm đâu! Nhưng than ôi, chẳng đã bao lần anh ăn cháo đấy sao? Hình ảnh con anh lại hiện lên. Ban nãy thằng Hoa chạy sang nhà hàng xóm. Một lũ trẻ nhà giàu xúm nhau đá quả bóng cao su đỏ trên sân. Nó đứng nhìn một cách thèm thuồng. Quả bóng lăn tới chân nó. Nó vội nhặt lên xem thì bị một đứa trẻ hung ác đánh đuổi ra cửa. Chạy về, nó vất quả bóng mà anh quấn bằng giẻ rách đi, khóc nức nở bá lấy cổ anh, đòi mua bóng cao su chứ không chơi bóng làm bằng giẻ nữa. Đau ruột, thương con, anh hẹn nó chiều mai sẽ mua một quả bóng cao su. Nhưng giết ai cho ra tiền được. Ở cái đất Hà Nội giữa lúc này, anh làm sao có thể liều cầm súng giả tống tiền.
Phương đạp đến một phố Tây. Anh vẫn cúi đầu nhìn vòng bánh cao su từ từ quay, nghĩ ngợi xót xa.
Bỗng Phương giật nảy mình vì cánh tay anh vừa bị cái gì đập phải. Đó là quả bóng cao su lớn. Quả bóng bắn xuống rãnh nước, lăn mãi trước mặt anh, rồi lăn tọt vào miệng cống. Đạp nhanh qua miệng cống, anh để ý nhìn: quả bóng bị mấy chiếc lá bàng che kín.
Mừng rỡ, anh đạp đến đầu phố, dừng xe sau một cột đèn. Anh vờ đánh diêm châm mẩu thuốc lá để dành trong túi tự hôm qua, và liếc mắt nhìn trở lại. Anh thấy mấy đứa trẻ con Pháp đang ngơ ngác tìm quả bóng. Nhưng chúng chỉ tìm qua loa, không thấy, chúng chạy cả vào nhà.
Phương sướng quá, mỉm cười rồi đạp xe đi. Suốt buổi làm ở hiệu, anh bồn chồn nghĩ mãi đến quả bóng cao su nằm trong miệng cống. Anh băn khoăn lo rằng lũ trẻ con Pháp sẽ tìm thấy nó, hoặc anh phu quét đường, anh phu rác vô tình đưa nhát chổi vào...
Mong mỏi mãi mới tới lúc thành phố lên đèn. Phương dắt xe đạp ra đường, chẳng kịp gài vạt áo vào thắt lưng cho khỏi nát, anh phóng đi vun vút.
Cái miệng cống đây rồi!
Nhưng anh không dám dừng xe lại. Anh đạp thẳng, mặt tái đi bởi anh thấy tính lương thiện của mình không thể dễ dàng biến ra cái liều lĩnh của một thằng ăn cắp. Đi hết phố, Phương quay trở lại. Tim anh đập mạnh hơn. Song anh hẹn cho mình lần này phải liều. Đến gần miệng cống, anh tạt xe tới vỉa hè, toan xuống. Bỗng một tiếng còi xe hơi hét sau lưng. Phương giật nảy mình, đạp thẳng.
Anh hãm xe lại sau cột đèn, bực tức... Anh phải gợi lòng dũng cảm bằng cách nghĩ tới những vị đường quan ăn cắp tiền dân để làm giầu; những sự tàn nhẫn của các bậc đại thần... bóc lột cả tiền tài, trinh tiết của đàn bà, con gái để cung cho dục vọng chốc lát... còn anh, anh chỉ nhặt quả bóng cao su trong lỗ cống bẩn mà thôi! Đó không phải là tội lỗi mà là quyền của một người đi ngoài phố - không ai cấm nhặt vật gì nằm dưới gót giày.
Thế rồi, người đàn ông đã triết lý để có đủ năng lực ăn cắp, chặc lưỡi một cái ung dung đạp xe đến gần miệng cống; anh nhìn trước sau, nhìn xung quanh, sau cùng vờ hỉ mũi, cố ý đánh rơi chiếc khăn tay. Và tức thì, anh nhảy xuống nhặt chiếc khăn, đồng thời bàn tay run bần bật thò vào miệng cống gạt mấy cái lá bàng sang bên, lôi quả bóng ra. Đoạn anh luống cuống trèo lên yên, ra sức đạp. Mắt anh hoa lên, mặt tái mét, mồ hôi chảy ròng ròng. Qua được vài phố, ngoắt ra đường bờ sông, nhờ luồng gió mát quạt vào người anh mới tỉnh. Quả bóng bám đầy nước cống bốc lên một mùi hôi hám, anh vẫn ôm chặt vào sát ngực.
Ngày chủ nhật, Phương xoay trần, chuyền bóng với con ở ngoài sân.
Quả bóng qua lại trước mắt anh, anh lại nhớ đến buổi chiều hôm ấy... Mặc dầu cách nay đã một tháng, và lý luận cách nào đi nữa, Phương vẫn đỏ mặt, đau đớn mỗi lần thấy con tươi cười ấp quả bóng cao su lên cái má trắng hồng phinh phính, chạy tới nũng nịu: "Ba mua bóng ở đâu thế hả ba?". Bị con hỏi ngây thơ như thế, anh rầu mặt, cúi đầu nhìn bàn tay buổi chiều nọ bám đầy nước cống mà tới giờ lúc nào anh cũng còn ngửi thấy mùi hôi.
Phương bảo con cất bóng, rồi anh mặc áo, dắt nó lên vườn Bách thú.
Ở công viên này, vào ngày chủ nhật trẻ con Pháp chơi đông lắm.
Đi qua chỗ trẻ chơi đu, nó đứng lại nhìn một cách thèm thuồng con búp bê của một đứa con Tây đang ẵm.
Phương kéo nó, nó không chịu đi cứ ngây mặt ngắm con búp bê ấy mãi. "Ba mua cho con con búp bê đẹp như thế kia nhé! Ba mua nhé!...".
Phương nín lặng. Nó nhìn cha rồi mếu máo. Anh đưa con về, và từ đấy anh lại não lòng vì con búp bê mà anh biết rằng không bao giờ mua được.
Trưa hôm sau, Phương lại cùng chiếc xe đạp lang thang trên các con đường vắng dưới nắng hè. Mỏi mệt, anh ngồi xuống chiếc ghế xi măng bên hồ Hoàn Kiếm, rút khăn thấm mồ hôi. Anh nghĩ đến con lúc này đang ngoan ngoãn ngủ để mơ thấy con búp bê xinh đẹp anh hẹn chiều nay sẽ mua về. Phải đánh lừa con, anh khổ tâm lắm. Anh muốn khóc, khóc to lên. Anh hằn học với tất cả mọi người, bởi vì mọi người, giữa lúc lòng anh khổ não thế lại nhởn nhơ kiêu hãnh vì được sống, khiến anh ghen tị và tức tối. Xe hơi bóng nhoáng chạy vun vút trên đường, những tà áo lụa thấp thoáng sau những khóm liễu rủ tơ mành... Hoa gạo đỏ, hoa xoan tây trắng nở rực trời bên kia bờ in bóng xuống mặt hồ xanh lặng sóng. Đời đẹp lắm, vậy mà anh cảm thấy mình không được sống giữa cuộc đời!
Mắt anh bỗng đỏ hoe. Một thiếu nữ đi qua nghiêng dù liếc trông anh, cười khúc khích với bạn tình. Xấu hổ, Phương vội đứng lên, nhìn đồng hồ nóc nhà Gô đa. Đến giờ rồi, Phương dắt xe đạp lên đường, tới hiệu.
Người chủ Tây đen tươi cười với anh và giơ tay cho anh bắt. Anh ngạc nhiên, trố mắt nhìn vẻ mặt hoan hỉ của chủ nhân và không hiểu tại sao cái bộ mặt tối như đêm ba mươi Tết lại có thể lòe ra cái cười hãn hữu ấy khen anh ít lâu nay làm việc tốt nên bán được nhiều hàng. Vậy mà, anh vẫn không có tiền mua cho con một thứ đồ chơi!
Sự bực tức, cáu kỉnh lại trỗi dậy trong lòng, Phương sầm mặt. Anh cảm thấy người ta lợi dụng anh, vắt mồ hôi sức lực của anh, để rồi thỉnh thoảng ban cho anh một nụ cười, một cái vỗ vai, làm như anh là một đứa trẻ con. Thực là vô lý.
Cơn phẫn uất tự nhiên phát sinh một cách mạnh mẽ, khiến Phương run lên. Anh muốn bóp cổ kẻ đã bóc lột anh, nếu không, ít nhất anh cũng phải làm một cái gì... Anh đứng thừ ra nghĩ... hai tay bám chặt vào thành ghế. Nhưng mắt anh nhìn thấy những viên cảnh sát qua lại ngoài đường, tưởng tượng một tay mật thám trong túi sẵn sàng sợi xích đang ung dung bách bộ trên hè phố kia thì sự phẫn uất đó không dám đưa anh đến một hành động quyết liệt nào cả. Anh buông thõng hai tay xuống.
Một chiếc xe hơi vút đến sịch đỗ ngay trước cửa. Trên xe, một cô đầm xinh xắn, thò đầu ra nhìn vào trong hiệu. Tức thì, ông chủ anh ôm một bó hoa ra bước lên xe. Phương biết chủ đi Tam Đảo, ở cửa hàng chỉ còn anh và hai người làm công nữa. Nhưng họ đứng cách xa anh.
Anh đưa mắt nhìn cái tủ đựng đồ chơi của trẻ con.
Thốt nhiên, hình ảnh Hoa lại hiện ra, và một giọng ngây thơ nũng nịu vẳng đến tai: "Ba mua cho con con búp bê đẹp nhé!...".
Vậy lúc này anh có thể mua cho nó con búp bê không phải mất tiền, chỉ cần mất đi một chút lương tâm, hủy đi một chút danh dự làm người. Không khó khăn gì, chỉ mất một giây để rình xem có ai để ý đến không - y như bữa nọ trước khi thò tay vào miệng cống moi quả bóng - thế rồi anh cứ việc nhấc ra con búp bê đẹp nhất. Phương quyết thi hành. Lần này tim anh không đập rộn bằng lần ăn cắp quả bóng cao su, và mặt anh cũng không tái lắm, tay chân anh cũng không run lắm. Người đàn ông lương thiện ấy đã đủ can đảm làm một thằng ăn cắp có nghệ thuật. Một phút sau, con búp bê đẹp nhất trong tủ kính đã nằm trong một xó kín, và năm phút sau nữa, Phương đã đem thoát nó ra đường, nhảy tót lên xe đạp.
Hoa chán quả bóng cao su và bỏ quên nó dưới gậm giường. Bây giờ, nó chỉ chơi với búp bê: "Ba mua búp bê ở đâu thế hả ba?". Mỗi lần con thơ hỏi thế, Phương lại rầu mặt. Anh khổ tâm lắm. Nhìn hai bàn tay mình, anh muốn khóc lên, muốn chặt nó đi: "Bàn tay này đã khoắng vào nước cống; bàn tay này đã thò vào tủ kính ngát mùi thơm, để ăn cắp những hai lần!".
Hai lần ăn cắp trong một tháng, chỉ vì chiều một đứa con. Đã nhiều lần anh muốn bắt chước những người hàng ngày làm điều nhơ bẩn tội lỗi mà không cần tự vấn, nhưng không được; anh vẫn bị sự hối hận đêm ngày day dứt, sự hổ thẹn làm cho đỏ mặt. Đã biết bao đêm không ngủ, buồn bã nằm ngắm đứa con thơ, bên tai anh lại văng vẳng lời người vợ dặn dò lúc lâm chung: "Anh gắng... nuôi... con", nhưng anh muốn được nuôi con một cách đàng hoàng trong sạch chứ không phải như thế này. Anh đấm ngực kêu lên.
Phương sống quằn quại như thế tự bốn hôm nay. Một buổi trưa, anh đang mặc áo đội khăn và ngắm con ngoan ngoãn ngủ, tay nó còn ôm chặt con búp bê và quả bóng cao su thì có tiếng giầy gõ lộp cộp ngoài cổng. Nhìn ra, Phương thấy lão Tây đen ở hiệu anh làm cùng một người nữa dựng xe đạp ngoài cửa, xồng xộc bước vào nhà.
Lão Tây đen giật lấy con búp bê và quả bóng ở tay Hoa, ngửa mặt cười một cách khoái trá, rồi bảo người kia khóa hai tay Phương lại, lôi đi. Phương không chống cự, ngảnh cổ nhìn con, nước mắt trào ra.
Trong khi ấy, Hoa vẫn ngoan ngoãn ngủ say, hai cánh tay bụ bẫm vòng trước ngực như để giữ chặt lấy con búp bê yêu quý, mà nó tưởng không ai có quyền cướp được của nó.
Tiểu thuyết thứ Bẩy, số 222/1938
Cùng tác giả: Một đêm vui
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com