chan_dung-ke_si

Ám ảnh Phạm Hoa

08-04-2023

Lượt xem 1493

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

Ám ảnh Phạm Hoa
Nối máy với bà vợ Phạm Hoa. Vẫn là những biến chứng này khác từ hồi mổ tim…

Cô giáo Nga, vợ Phạm Hoa đã nghỉ hưu có lẽ thấu hiểu tính chồng? Nhớ năm xa, Phạm Hoa vừa mới qua một đợt đại phẫu lại đeo thêm cái cao huyết áp cùng những di chứng của bệnh tiểu đường nhưng chị vẫn chấp thuận cho chồng về cái cơ quan không lương. Không lương và nguyên tắc là tự nguyện. Ấy là tổ chức Hội Truyền Thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh!

Năm xa ấy tôi được bám theo Phạm Hoa và các tướng Võ Sở, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Bá Tòng… cùng mấy anh chị của Hội truyền thống vào các cung chặng Đường Trường Sơn.

Mà lạ cứ nghĩ đến Phạm Hoa là nghĩ đến ám ảnh trắng? Thứ ám ảnh từ những câu chuyện của Phạm Hoa.

Sắc trắng cứ ám cứ đeo bám Phạm Hoa từ những ngày dằng dặc thuở lái xe ở Trường Sơn.

Đường Trường Sơn! Như một thứ hú gọi bản năng, tập thể bây giờ hút chúng tôi tới? Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, 5 trục dọc và 21 trục ngang chiều dài 24 ngàn cây số. Phạm Hoa bươn bả cũng chỉ gần một nửa cung chặng mà nếm trải, chứng kiến vô số thứ bi hùng. Hơn 20 ngàn liệt sĩ đã nằm lại trên những cung chặng ấy trong đó ác liệt nhất vẫn là Đường 20 Quyết Thắng.

Lần ấy qua ngầm Sê Sụ. Có lẽ do bom đánh, một con rùa to tướng như chiếc thúng cái, cụ kỵ mốc thếch ngật vào mép nước. Nhưng rất lạ, bụng cụ chả phải ơn ởn nữa mà trắng toát! Cụ bị vứt uỵch lên thùng xe. Rồi bị xẻ ra. Lửa nấu luộc nghi ngút. Cả trung đội lái xe háo đói háo chất, thi thút ăn.

Nửa đêm bất thần rợn trắng pháo sáng. Cả đoàn xe lồ lộ đen sì trên con đường trắng lốp vốn trơ trụi không một tàn cây vì các loại bom phá, bom xuyên cùng chất độc khai quang. Đinh tai chát chúa những tiếng nổ. Lạ thay, quầng lửa những chiếc xe trúng bom trong các kích cỡ đèn pháo sáng bỗng hậc lên, lúc xanh lét, lúc rợn trắng. Cả một tiểu đội xe bị trúng bom. Lính xế kháo nhau có lẽ xơi thịt rùa nên cụ quở?!

Rồi một trưa chạy liều qua Xê Ca Máng. Bất đồ thằng xe đi trước đạp phanh khựng khự lại trước một nẻo suối khuất. Phạm Hoa thét to lăn xuống suối mau rồi anh bật cửa xe ào ra trước... Tưởng bom bất thần. Hóa không phải. Trời ơi, hàng chục cô TNXP đang tắm suối! Những khoảng trắng thiên tạo rợn người hệt mảnh kim khí găm vào thị giác hai thằng lính trẻ. Ngây đờ ra một lúc, hai đứa lập cập trèo lên buồng lái để lại sau lưng những khoảng lôm lốp trong trưa nắng vắng Trường Sơn và những cung bậc trêu cợt trẻ trung nghịch ngợm...

Khoảng thanh bình hiếm hoi ấy không lâu. Chỉ hơn ba mươi phút xe chạy, cứ cho là với con đường ấy, tốc độ cái xe Gát 63 hăng tiết lắm thì cũng chỉ nhỉnh hơn 30 km/h. Những tiếng nổ dậy đất phía sau lưng họ. Nhưng xe Phạm Hoa đã thoát khỏi tọa độ ngầm nguy hiểm. Cả hai hướng cái nhìn đau đớn bất lực về khoảng đen sì khói bom tọa độ bất thần úp chụp xuống những khoảng những sắc trắng bình yên sau lưng kia! Trời ơi, các cô TNXP vừa nãy đang tắm, bao nhiêu cô thoát được khúc suối chết chóc kia?

Ám ảnh Phạm Hoa ảnh 1

Nhà văn Phạm Hoa (bìa phải) trong lần thăm lại chiến trường xưa. Ảnh Xuân Ba

Đội công tác của Hội Truyền Thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh đang men theo mấy nhánh của Đường 20 Quyết Thắng.

Đó là nhánh vận tải chiến lược xuyên từ đất Quảng Bình sang Biên giới Việt Lào, một sáng tạo táo bạo bất ngờ trong chiến tranh suốt 16 năm ròng được bảo vệ bằng máu. Máu của của những người lính 559 của bộ đội lái xe Trường Sơn của TNXP như một thứ tráng ca đã bầu lên những địa danh làm nhói lòng hậu thế. Trọng điểm ATP (Cua chữ A, Ngầm Ta Lê, Đèo Phu La Nhich), Trạ Ang, Hang Tám Cô...

Đoàn công tác dừng lâu hơn ở Trạ Ang trên đường 20 Quyết Thắng.

Năm ấy, một trưa, xe của đơn vị Phạm Hoa thoát chết qua Trạ Ang. Một chiến dịch vận chuyển gấp xăng dầu qua Trọng điểm đó. Ánh lửa chết chóc tóe lên từ những phuy xăng bị đánh trúng bằng bom đạn trong đó có bom Napan, lạ thay cứ hộc tóe ra thứ lửa trắng rợn! Thứ lửa trắng chết chóc ấy đã phút chốc úp chụp xuống đội hình của bộ đội, TNXP. 29 chàng trai, cô gái, người nhiều nhất mới 22, phút chốc bị liệm trắng như thế!

Ám ảnh Phạm Hoa ảnh 2

Nhà văn Phạm Hoa (bên trái)

Ở Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, tinh những cựu binh... lạ! Tuổi tác cả đấy nhưng thừa nhiệt tình hăng hái. Và hình như ông nào cũng có cái tài lẻ nào đó?

Và ông cựu binh Phạm Hoa cũng trưng ra một thứ lạ. Điều lạ ấy mau chóng được anh em trong Hội khuyến khích, tu chỉnh coi đó là một công trình độc đáo tập thể. Đó là dự án Công viên đồi hoa trắng.

Một quả đồi coi bặt mắt nếu không muốn nói là đẹp trên đường Trường Sơn huyền thoại. Tiếp theo xin trích nguyên văn: Khu vực đồi rộng khoảng 7 ha sẽ là một sắc trắng chủ đạo. Trên đồi là hằng trăm loài loại hoa trắng, cố gắng chọn thứ có hương thơm. Nhiều loại hoa trắng được trồng trên các bồn, bục được thiết kế đẹp mỹ thuật dọc ngang đường giao thông nội bộ trong công viên. Trong công viên thi thoảng những chiếu nghỉ đặt các ghế đá được chế từ các vật liệu màu trắng.

Trên đỉnh đồi tọa lạc một Đền thờ màu trắng giản dị, khiêm nhường được thiết kế theo phong cách Đền thờ Việt. Tường, mái Đền, cửa và nội thất đều được xây dựng lắp ráp bằng đá cẩm thạch màu trắng.

Xin không liên tưởng và suy diễn ở đây màu trắng tang tóc, mất mát. Màu trắng biểu tượng cho sự hy sinh anh dũng của tuổi trẻ Trường Sơn. Hiệu ứng sắc trắng bật lên sự cồng hiến vô tư trong sáng trinh tiết của những chiến sĩ Trường Sơn cùng hàng vạn LS TNXP khi ngã xuống vẫn mãi tuổi đôi mươi tạo cảm giác mạnh về quá khứ và giáo dục truyền thống.

Bức tường đá cẩm thạch màu đen chữ vàng ghi tên hơn 20 ngàn Liệt sĩ được đặt bên trái và bên phải Đền thờ LS.

Đền thờ ấy chung cho 2 vạn LS Trường Sơn và TNXP. Là công trình văn hóa lịch sử tâm linh, nơi thờ cúng các anh hùng LS trẻ tuổi của Trường Sơn. Đồng bào cả nước, du khách qua đây tới chiêm bái tham quan tưởng niệm tri ân. Góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn tinh thần dân tộc lòng yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tôi cũng nghe cụ thể Dự án này. Cả phần thuyết minh, giải trình các hình thức quy mô đầu tư, Địa điểm, thời gian, nguồn vốn, quy trình thực hiện và tổ chức thực hiện.

Coi lướt, thấy kinh phí công viên là 15 tỷ và Đền thờ khoảng 7 tỷ. Điều bất ngờ là tuy mới là sơ khởi nhưng đã có một số đơn vị, nhà hảo tâm đánh tiếng tài trợ. Vậy là phương án tài chính (cụ thể là phương thức xã hội hóa công trình dự án Công viên đồi hoa trắng do Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư) có lẽ đã có hướng ra?

Ám ảnh Phạm Hoa ảnh 3
Nhà văn Phạm Hoa (thứ hai từ phải qua)

Đáng kể nữa là sự sốt sắng của địa phương Quảng Bình, cái nôi của Đường Trường Sơn huyền thoại.

Không bàn suông, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Các yếu nhân của Hội, ngoài tướng Võ Sở còn có các thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Bá Tòng. May mắn toàn bộ Ban lãnh đạo tỉnh, từ Bí thư Chủ tịch sau khi nghe thiếu tướng Tuấn và Phạm Hoa trình bày dự án Công viên đồi hoa trắng từ ngạc nhiên thích thú, các vị đều sôi nổi đóng góp, luận bàn. Kết cục, lãnh đạo Quảng Bình đã đồng thuận rất cao trong việc triển khai dự án này tại địa phương và tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai công trình trong thời gian sớm nhất

Địa điểm Công viên Đồi hoa trắng được quyết từ điểm đầu KM số không của Đường 20 Quyết Thắng.

Thế mà không biết vì lý do gì Dự án đẹp và lãng mạn ấy (không hề viển vông, phi thực tế?) bao năm nay đã không được triển khai?

Con đường máu lửa ấy, cái thời cùng lứa Phạm Hoa đã khởi đầu những ám ảnh trắng?

Và sáng nay đột ngột choáng váng một ám ảnh rợn người. Cựu binh, nhà văn Phạm Hoa đã đột ngột ra đi.

Một đại tá nhà văn Phạm Hoa từng nắm toàn bộ “phần hồn” của hoạt động văn hóa, văn nghệ quân đội. Hẳn bao khán giả còn nhớ Phạm Hoa là tác giả và bỏ ra bao tâm sứ coi sóc tiết mục Chúng Tôi là Chiến sĩ trên Truyền hình Quân Đội Nhân Dân. Và nhà văn Phạm Hoa nguyên Cục phó Cục Tuyên huấn Quân đội chưa từng nhận cốc nước của ai khi ba lần ngồi ở Hội đồng Quốc gia xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT.

Cái tài danh qua những Đùa của Tạo hóa và Miền xa thẳm (tiêu biểu cho hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết trong nghiệp sáng tác của Phạm Hoa đã bầu nên cái uy của Phạm Hoa? Uy ấy là nói có người nghe, đe có người sợ, xin lỗi, ngại thì đúng hơn?

Vậy nên Phạm Hoa lừng lững nhiều lần chững chạc ở một ngôi vị nhạy cảm khó khăn. Nhiều bạn bè thân gần đều biết Phạm Hoa ba lần ngồi ở Hội đồng cấp Nhà nước, tịnh không hề có những xì xào chuyện chạy chọt tiêu cực. Việc này ai đó cứ gạn thêm hai vị Trọng Khôi, Phạm Quang Long người vốn gần gũi sát sạt công việc này với Phạm Hoa ...

Nhớ thêm, khi NS Tào Mạt bị ung thư, nhà văn Phạm Hoa đã đề đạt với Cục Tuyên huấn cấp tốc đã gửi đơn lên Bộ Quốc phòng và Bộ Văn hóa để làm hồ sơ cho Tào Mạt. Rồi may mắn Tào Mạt được đặc cách NSND không qua NSƯT.

Nhớ, thương lắm Phạm Hoa! Bao lần xuôi quê Thanh lẫn lên rừng xuống biển. Làm sao để quên để nguôi khuây được đây cái cảm giác quen thương từ cái người từng sát sạt trên xe miên man bao chuyến đi. Bên chỗ ngồi nơi nằm ở các vùng đất quen và lạ. Phạm Hoa như cái gạch nối hữu hiệu làm gần lại những khoảng cách bạn bè lẫn dân viết lách không biết vì lý do gì tự nhiên doãng ra? Và ở nơi nào, hoàn cảnh nào cũng vậy, cũng phát lộ một Phạm Hoa khi thủ thỉ, lúc vấn vít đau đáu cái tâm sự thời cuộc lẫn nỗi bộn bề chuyện bếp núc của viết lách chữ nghĩa, văn chương!

Vẫn biết là tật bệnh, con tạo đành hanh chả chừa ai nhưng sự ra đi của một người thân yêu tính cả tuổi ta cũng mới tròn 70 thì cũng một sự Đùa của tạo hóa vậy?

Bài liên quan
  • Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khi đó đã đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa khẩn cấp khu vực để bảo vệ nguyên trạng, họp bàn tìm cách khai quật tối ưu.
  • VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    Sao lại nói là không có cốt truyện? Không đúng. Cốt truyện có ở mọi nơi mọi chỗ. Anh hãy nhìn vào bức tường này. Ai cũng biết ở đấy chẳng có gì cả. Nhưng anh hãy nhìn kỹ vào đó, hãy tìm trong đó một cái gì của mình, một cái gì không ai thấy được. Và anh hãy viết ra. Xin cứ tin điều tôi nói, bấy giờ thế nào cũng có một truyện ngắn. Cũng như anh có thể viết rất hay về một chủ đề đã cũ mèm như viết về ánh trăng, miễn là biết nhìn ra trong ánh trăng một cái gì của mình mà không phải một cái gì khác đã quá nhàm.
  • Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Theo thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Minh Chuyên vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi những đóng góp đặc biệt cho văn học viết về chiến tranh thời hậu chiến.
  • Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lúc đầu thấy Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương không được, Nguyễn Thùy có lần đã đề nghị với Kim Cương một cách nghiêm túc hay là Kim Cương lấy Bùi Giáng làm chồng, biết đâu sẽ giúp anh ấy bớt khùng và viết lách đường hoàng, đĩnh đạc, dễ hiểu hơn?
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nguyễn Thùy có cô người yêu là sinh viên Đại học Sư phạm ban Anh văn rất quý trọng Bùi Giáng, cô này thường đi theo Bùi Giáng uống cà phê, quàng vai ông rất thân thiết khiến Bùi Giáng rất vui.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Sau khi không may gặp hỏa hoạn, không chỉ nhà bị cháy mà tất cả tác phẩm và sách vở tài liệu bị cháy sạch, Bùi Giáng lại thêm một cú sốc lớn khiến tâm hồn nhạy cảm của ông càng bị chấn động. Bùi Giáng càng điên hơn, ban ngày ông lang thang ngoài đường trong trang phục “cái bang” với mấy con chó nhỏ trong túi vải đeo lủng lẳng quanh mình. Cứ thế ông rong chơi khắp phố phường và trêu chọc thiên hạ, nhất là các cô gái đẹp.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Để có cả một kho tàng tác phẩm như thế Bùi Giáng đã viết lúc nào trong khi ông thường dành hết thời giang trong ngày để rong chơi cho những cuộc điên tưởng chừng bất tận? Đây là một điểm rất bí ẩn mà cho đến nay chưa có lời giải, kể cả những người gần gũi nhất với ông.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Bùi Giáng không tốt nghiệp đại học nhưng lại làm “giáo sư” dạy học một thời gian, là nhà nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật và nhất là làm thơ. Ông dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trên thế giới, viết khảo luận đông tây kim cổ và đặc biệt là làm thơ nhanh như chớp bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào.
  • Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Hà Nội từng có 21 cửa ô nhưng đến năm 1866, trên bản đồ chỉ còn 15 cái tên.
  • Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Một câu hỏi được đưa ra từ lâu trong giới nghiên cứu nhưng không dễ trả lời: sự thay đổi chữ viết tạo ra sự đứt gãy về văn hóa, truyền thống trong dân tộc ta?