chan_dung-ke_si

AI PHẢI - Truyện ngắn Trần Tiêu

07-09-2023

Lượt xem 1108

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hayTrần Tiêu

AI PHẢI - Truyện ngắn Trần Tiêu

Nhà văn Trần Tiêu

 

Ngót một tháng nay, Khoản trông có dáng băn khoăn, tư lự. Chiều nào cũng vậy, xong công việc đồng áng, dắt trâu, vác cầy về giao trả nhà chủ, hắn đi thơ thẩn trên con đường làng, hai tay vắt sau lưng hoặc đưa lên cằm mím môi lại nhổ râu, mặt cúi gằm, cặp mắt chăm chú nhìn xuống đất như đếm từng bước, hoặc ngửng lên nhìn vơ vẩn. Trong trí hắn đương mải so sánh nhà mình với mấy nhà bên cạnh. Hắn bực tức. Kể cũng bực thật. Mấy nhà ấy trước kia cũng bình thường như nhà hắn. Cũng cầy thuê, cuốc mướn, cũng thuê vườn, thuê ruộng của người, cùng chăm chỉ, cần cù đến như hắn là cùng. Họ cũng chẳng tài giỏi gì hơn. Không những thế họ còn con cái đầy đàn, ăn tiêu có phần tốn hơn. Hắn trơ trọi có hai vợ chồng. Mãi năm ngoái mới thêm được mụn con giai. Thế mà không hiểu sao, họ làm ăn cứ mỗi ngày một khá. Nay họ đã tậu thêm người vài sào, người một mẫu. Còn vợ chồng hắn thì từ khi ở riêng đến giờ vẫn quanh quẩn một cái nhà gianh tường vách, một cái nhà bếp lụp xụp như túp lều, một cái sân đất nhỏ xíu, và đằng sau nhà, một cái vườn rộng chưa đầy một sào với cái ao con quanh năm chỉ thả bèo để nuôi một con lợn, cái vốn độc nhất của vợ chồng hắn. Cố tìm tòi xem họ có bí thuật gì, hắn vẫn chẳng thấy gì khác. Vì thế hắn lại càng bực tức. Một lần ăn cơm xong, hai vợ chồng ra ngồi xỉa răng, uống nước trên thềm, hắn đã thổ lộ ý nghĩ ấy thì vợ hắn trả lời gọn lỏn bằng một câu ca dao: "Mình này: Số giầu đem đến dửng dưng; Lọ là con mắt tráo trưng mới giầu". Hắn cáu kỉnh đứng dậy, vùng vằng đi lại võng:

- Phải, số. Cứ nằm dài ra mà ăn, mà chơi rồi đợi số.

Không để ý đến nỗi bực dọc của chồng, vợ tủm tỉm cười trả lời tiếp luôn bằng một câu ca dao nữa: "Này mình ơi! Số giầu lấy khó cũng giầu; Số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo". Nói rồi, vợ vào trong nhà ẵm lấy đứa bé lên hai nằm trên phản, đi đi lại lại, hát ru bằng mấy câu ca dao ban nãy. Giọng trầm bổng buồn buồn ngân trong mấy gian nhà tĩnh mịch. Chồng nằm võng thở dài, rồi đưa tít đi, cố để tiếng kẽo kẹt làm lấp tiếng hát của vợ... Một lúc lâu, chiếc võng đưa đi đưa lại chậm dần, chồng thiu thiu ngủ, đứa con nằm trong lòng mẹ cũng lim dim mắt. Vợ tươi tỉnh đi lại sát võng, định đặt đứa con lên ngực chồng:

- Này, mình bế con tí, nó ngoan ngoãn thế này chả đủ sướng hay sao, tội gì mà cứ nghĩ vẩn nghĩ vơ cho thêm phiền.

Chồng đang lúc buồn bực, lấy tay gạt cả vợ lẫn con ra, giọng gắt gỏng:

- Hừ! Người ta đang khó chịu đây.

Vợ không giận, ẵm con lại giường nói nựng:

- Bố cu kêu khó chịu. Việc gì mà khó chịu, nhỉ cu nhỉ. úi nao ôi! Chỉ sằng cu tôi nà ngoan nắm sôi, nó chẳng khó chịu tí nào sất.

Chồng càng bực mình, thở dài, gắt:

- Im đi! Khó chịu lắm.

Không mấy chiều là Khoản không băn khoăn bực dọc như vậy. Nhưng chiều hôm nay, đi gặt thuê tận trên Hu về, hắn vui vẻ cất tiếng hát nghêu ngao ngay từ đầu xóm. Ai trông thấy nét mặt hắn hớn hở cũng biết hắn đương sung sướng một cách bồng bột.

Vợ gẩy rạ ngoài sân gọn lại thành đống, thấy chồng vui vẻ khác hẳn mọi ngày, lấy làm lạ, tươi tỉnh hỏi:

- Này, mình ơi, mình đắc chí cái gì thế? ước gì lúc nào mình cũng vui vẻ thế nhỉ!

- Hoài của, tiếc quá mình ạ!

- Tiếc cái gì cơ mình?

Nói xong vợ nhoẻn miệng cười, biết chắc chồng đương ưng ý sự gì.

- Tiếc thật mình ạ! Giá cánh mình nghĩ ngay từ độ ấy thì chẳng giầu cũng khá rồi, đâu đến nỗi vất vơ vất vưởng.

Vợ lườm chồng:

- Mình chỉ nói dở. Việc gì mà vất vơ vất vưởng? Nhưng mình nghĩ ra cái gì mới được chứ? Từ nãy chẳng hiểu mình định nói cái gì.

- Để lát nữa tôi sẽ bảo. Tiếc quá!

- Thì bảo người ta ngay bây giờ có được không? Khéo ỡm ờ lắm. Rồi lại chẳng có cái gì cho mà xem.

- Có chứ. Nhưng mà để lát nữa. Bây giờ thì hãy uống bát nước chè nóng, hút điếu thuốc đã. Nhà có chè nóng không mình?

- Có, nhưng không được nóng lắm mình ạ. Hay để tôi đi đun ấm khác cho mình.

- Thôi, âm ấm cũng được.

Lát sau, hai vợ chồng ngồi trên thềm, chân rủ xuống sân. Đứa trẻ thức dậy ngồi trong lòng mẹ, giằng tay mẹ ra, bò đi bò lại từ chỗ mẹ đến chỗ bố, từ chỗ bố đến chỗ mẹ bốn năm lượt, mồm luôn luôn kêu: "Bà bà" chán rồi nó ngồi, lấy tay di dãi của nó rỏ xuống đất.

- Bẩn nào! Quái ở đâu ấy!

Vừa quát, Khoản vừa vươn tay ra kéo thằng bé vào lòng. Hai vợ chồng cùng vui vẻ. Vợ bắt đầu vào chuyện:

- Thế nào? Mình vừa bảo nghĩ ra cái gì?

- Cũng không phải tôi nghĩ ra, mình ạ. Tôi lên Hu, gặt cho một nhà cũng vào bậc khá. Tốt quá! Cây nào cây ấy xanh mơn mởn. Chủ nhà là một người đàn ông khỏe mạnh, lực lưỡng trông có vẻ xuềnh xoàng như mình. Dáng chừng thuở hàn vi ông ta cũng là một anh canh điền. Thấy tôi khen, ông ta thích chí kể lai lịch hai thửa vườn quý hóa của ông. Hai thửa vườn ấy, ông ta kể, trước kia chỉ bỏ hoang cho cỏ mọc vì đất vừa chua vừa rắn như đá, chẳng khác thửa vườn của chúng mình tí nào. Sau có người đến mách lấy bùn ao ngay liền đấy phủ lên vài lớp mà giồng chè, giồng cải thì tha hồ tốt. Còn cái ao họ khuyên nên thả cá lợi hơn thả bèo nhiều. Ông ta làm theo, bây giờ mới khấm khá được thế. Mình ạ, giá chúng ta nghĩ ra ngay từ trước thì cũng đã khá rồi.

- Thế thì tiếc thật nhỉ. Hay bây giờ cánh mình bắt đầu làm.

- Ừ đã cố nhiên. Nhưng mà...

Vợ ngắt lời:

- Số cánh mình đấy, mình ạ. Tôi còn nhớ nhời thày bói bảo mình năm băm nhăm mới khấm khá.

Chồng nhầm tưởng tướng mình chỉ vào vợ, thở dài:

- Thế thì mãi mười năm nữa mới khấm khá cơ à? Lâu quá nhỉ?

Vợ hất hàm về phía chồng cười nói:

- Là thày bói xem tôi mà đoán tuổi đằng ấy đấy chứ. Năm nay đằng ấy đã ba mươi rồi, còn có năm năm nữa thôi.

Chồng sung sướng tủm tỉm cười:

- Có lẽ đúng đấy, mình ạ.

Đêm ấy, hai vợ chồng không nằm yên, cùng mơ tưởng đến cách làm giầu.

Chốc một hoặc vợ hoặc chồng lại nhắc đến câu chuyện ban chiều.

Chiều hôm sau, vợ chồng đã sốt sắng vào công việc tát nước ì õm cho đến mãi nửa đêm. Chưa đầy ba hôm cái ao đã cạn sạch. Chồng nghỉ việc ở nhà lấy bùn đổ lên mặt vườn. Vợ vẫn có nghề bán bún riêu. Sáng chiều gánh đi các chợ hoặc ngồi ở đầu quán. Sáng nay bán vừa xong gánh hàng đã tất tưởi về cho chóng, đặt vội gánh vào một chỗ, ẵm con ra đứng bờ ao ngắm chồng làm việc:

- Cu ơi, cu có thương thày không? Cu có quý thầy cu không? Thầy làm giầu cho cu đấy cu có biết không? Nàng ôm con trong cánh tay, vừa nựng vừa nâng lên hạ xuống làm cho thằng bé thích chí, cười sằng sặc.

Chồng, vai gánh đôi gầu sòng như hình nửa chiếc thuyền thúng nhỏ, hẹp lòng và đầy bùn đen nháy, bước từng bước nặng nhọc lên những bực thang làm tạm bợ bằng những nhát cuốc bập xuống rìa bờ.

Đi qua trước mặt vợ, anh chàng vừa thở vừa khoe:

- Bùn này phải biết. Cây nào cũng phải tốt.

Vợ ngắm nghía những đống bùn như những cái chảo úp xếp hàng lũ lượt trên mặt vườn, mừng:

- Tốt thật! Hoài! Giá có vải nâu mà nhuộm để may sồng thì tha hồ mà đen.

- Ừ nhỉ! Hay bu nó mua lấy mươi mười lăm vuông về nhuộm kẻo hoài.

- Nói thể chứ tiền đâu... Với lại mình cũng đủ mặc rồi, mua làm gì cho phí.

Công việc tát ao lấy bùn đã xong. Hai vợ chồng chỉ còn đợi cho bùn trở nên đất ải là khởi đầu việc giồng giọt. Cái ao chỉ còn đợi trời mưa xuống vài trận là có nước thả cá và nếu mộng tưởng tốt đẹp ấy đi xa độ vài ba năm nữa thì nương chè đã xanh um những lá non, lá già; cái ao đã đầy ứ những cá mè, cá chép. Con nào con ấy thi nhau mà nhớn mà béo mập. Thế là giầu. Thì ra biết cách làm giầu cũng không lấy gì làm khó.

Nhưng mà được hơn tuần lễ, Xã Cỏn, bên kia, tự nhiên bị đau mắt. Hai hôm sau đến thằng con giai cả. Rồi đến đứa con gái lớn. Rồi đến thằng ở chăn trâu, rồi đến vợ bác. Trong vòng có mươi hôm mà gần hết cả nhà cùng bị. Lạ thật! Chắc là động địa gì ở đâu đây chứ khi nào lại gần hết cả nhà cùng đau mắt bao giờ; chả còn cách gì hơn là đi xem bói. Chỉ thày bói mới tìm được nguyên do cái tai nạn này. Bác Xã gái nghĩ vậy. Cứ gì bác. Ai mà không phải nghĩ vậy...

Nghĩ vậy, bác liền đi chợ Hạ Am, lần đến ông thầy Tiên, một thầy bói giỏi nhất vùng. Vừa gieo xong quẻ, thầy đã báo cho bác biết về phía Đông có người đào ngòi xẻ rãnh nên động đến mả ông tam đại. Bác Xã ngẩn người ra nghĩ... Bác nghĩ đến cái ao của nhà Xã Khoản: - ừ, đúng thật. (Tuy cái ao ấy về phía Bắc...) Chết chửa! Thế mà không đi xem bói, cứ thuốc men rịt chữa mãi có khốn không!

Bác thưởng thêm cho thày một hào rồi đứng dậy không kịp mua bán, đi thẳng về mách chồng.

Cả nhà sợ thất điên bát đảo. Bác Xã giai vội chay sang bác Khoản. Bấy giờ vào độ chín mười giờ sáng. Vợ Khoản đi bán bún riêu chưa về. Khoản ẵm con trên lòng nằm võng sẽ đá đưa...

Thấy Xã Cỏn hớt hơ hớt hải ở sân đi vào, anh bế con đứng dậy hỏi:

- Kìa bác Xã. Có việc gì thế bác?

- Tôi, tôi...

- Việc gì thì bác hãy ngồi xuống đây uống với tôi chén nước đã nào. Bác đã đỡ đau chưa? Tôi nghe thấy nói hai bác và các cháu cùng đau mắt. Tôi bận quá, không lúc nào rỗi sang thăm các bác được. Bác đã đỡ rồi đấy chứ?

Xã Cỏn thở dài:

- Bác trông mắt tôi đây này. Khỏi được đã phúc. Vừa nói, Xã Cỏn vừa lấy mấy ngón tay nhấc miếng vải màn dầy cộp những dử:

- Chả giấu gì bác, tôi sang đây cũng chỉ vì việc ấy thôi.

Khoản còn đương ngẩn người ra chưa hiểu thì Xã Cỏn tiếp luôn:

- Bác ạ, việc này tôi phải nhờ đến bác mới xong.

- Nhờ đến tôi?

- Vâng phải nhờ đến bác. Ngoài bác ra, chẳng thuốc thang nào trị nổi. Thôi thì anh em xa không bằng láng giềng gần, bác nên thương tình tôi, thương cả nhà cả ổ tôi mà...

- Chết! Sao bác lại nói thế?

- Không, thật đấy mà. Bác thương đến chúng tôi, lấp cái ao cho cả nhà chúng tôi nhờ, không có thì nguy cho cả nhà chúng tôi mất. Tôi chắc bác chẳng nỡ vì một cái ao mà để cho cả nhà chúng tôi bị hại. Hay là bác có thiệt thòi, vất vả khó nhọc mất mấy hôm thì tôi xin nộp bác hai đồng, bác bằng lòng vậy.

Khoản đã nghe ra, vội chống chế:

- Bác cứ dậy thế, chứ khi nào tôi lấy tiền của bác. Nhưng mà tôi thiết tưởng cái ao nhà tôi nó có can hệ, động chạm gì đến nhà bác đâu mà...

- Ối giời ơi! Bác lại bảo không động chạm gì đến nhà tôi! Bác không coi lời thầy bói vào đâu à? Bác không biết chứ, bao nhiêu người ốm đau, khốn khổ, mất cơ mất nghiệp vì những cái rãnh, cái hồ đào phạm vào hướng nhà, vào năm tuổi, vào mồ mả, đất cát của người ta đấy.

Khoản ngồi đăm đăm nhìn ra sân, trí đương theo đuổi công việc làm giàu.

Không thấy Khoản trả lời, Xã Cỏn cho là Khoản đã xiêu lòng bèn đứng dậy kết câu:

- Câu chuyện của tôi quanh đi quẩn lại chỉ có thế, bây giờ tôi xin phép bác tôi về. Bác nhớ giúp tôi. Tôi không dám quên ơn bác. à, mà thế này thì tiện hơn. Mai tôi cho thằng ở nó sang hộ bác.

Nể quá, không lẽ chối từ thẳng ngay, Khoản đứng dậy tiễn khách, trả lời nước đôi:

- Bác hãy thong thả, để tôi còn bàn lại với nhà tôi. Có thế nào, mai tôi sẽ... Nhưng mà tôi cho lão thầy bói nói láo chứ khi nào cái ao của tôi lại dính dáng đến nhà bác... Vả lại tôi có đào đâu. Tôi chỉ lấy bùn lên... Đào khác, lấy bùn khác.

Xã Cỏn đã bước xuống sân, quay lại vái lia lịa:

- Tôi van bác, tôi lạy bác. Bác đừng nên tiếc rẻ ít bùn mà nói thế, mất cả tình hàng xóm láng giềng. Ông thầy Tiên nổi tiếng thế nào bác đã biết đấy.

Thằng bé ngồi một mình, lê ra mép phản, ngã khóc òa lên. Khoản vớ được dịp tốt, chạy vào ẵm lấy nó, dỗ.

Xã Cỏn còn khẩn khoản thêm một câu nữa mới đi hẳn.

Gần trưa vợ về. Khoản thuật lại câu chuyện của Xã Cỏn. Vợ tức giận bĩu môi nói:

- Gớm! Dễ nghe nhỉ. Họ cho chúng mình như con nợ của họ không bằng... Thế đằng ấy có bằng lòng không?

- Tôi thấy hắn khẩn khoản chí thiết quá nên không nỡ từ chối ngay. Tôi có bảo hắn ta hãy thong thả để tôi còn hỏi ý mình xem đã.

Vợ nói gắt:

- Sao mình không chối phắt ngay bây giờ có được không, nể với nang gì. Thế mình túng bấn thì họ có cưu mang mình không? Được, để mai tôi bảo.

Sáng hôm sau, thằng ở chăn trâu vác cuốc sang định làm giúp. Vợ Khoản bế con đứng trên thềm nói ra:

- Này em, về nói với các bác bên ấy rằng: việc bên này làm không có can thiệp động chạm gì đến bên ấy nhé.

Thằng bé lủi thủi vác cuốc về. Vợ Khoản nói thật to cốt để bên kia nghe rõ:

- Sao mà họ có cái ý tưởng lạ đời thế! Giá phỏng thầy bói bảo động vì cái nhà bên mình có lẽ họ cũng bắt mình dỡ nhà đi chắc. Nói thế mà nghe được.

Tưởng rồi hai bên chỉ giận nhau, không đi lại nhà nhau nữa là cùng. Ai ngờ, chiều, vợ Xã Cỏn đi chợ về, nổi cơn tam bành lên; xắn váy chạy ra cổng, chõ mồm sang nhà Khoản chửi bóng chửi gió thậm tệ:

- Cha con đẻ ra mẹ nó chứ! Nó đào tổ ông tổ cha nó lên để làm hại nhà bà. Cha...

Vợ Khoản nghe rõ mồm một cũng vén váy chạy ra cổng chửi đổng:

- Cha con bà nhà nó chứ! Bà đào ao đào chuôm nhà bà, bà có đào tổ ông tổ cha nhà nó lên đâu mà...

Vợ Xã Cỏn chạy sấn lại:

- À, con này giỏi thực, mày chửi bà đấy hử?

Rồi bất thình lình tát đánh đét một cái vào má vợ Khoản. Hai bên cùng túm tóc nhau dúi xuống. Một lũ con cái nhà Xã Cỏn ùa ra đánh hôi. Khoản gái kêu la rầm rĩ:

- Ối làng nước ôi! Chúng nó đánh chết tôi!

Nghe thấy tiếng vợ, Khoản giai đặt vội con xuống thềm, chạy ra cứu. Vốn tay lực điền khỏe như vâm, hắn xông vào đấm túi bụi. Trong lúc loạn đám thằng con cả Xã Cỏn thủ hòn gạch trong tay nện vào đầu Khoản. Vợ thấy chồng máu mê chảy ròng xuống trán sợ quá, kêu:

- ối làng nước ôi! Nó đánh chết chồng tôi rồi!

Hàng xóm đổ ra can. Hai bên cùng bị thương. Xã Cỏn thâm tím cả mặt mày, trán biêu lên bằng quả ổi. Hai người đàn bà không đau lắm nhưng xống áo cũng rách bươm. Họ không cấu xé nhau nữa, nhưng cùng phân bua, viện lẽ phải cho nhà mình với những hàng xóm đứng xúm xít chung quanh. Chốc chốc họ lại xói nhau bằng những lời thô bỉ tục tằn. Chán rồi nhà nào về nhà nấy. Ngõ xóm chỉ còn sót vài ba người vô công rồi nghề đứng dồn lại bàn tán, kẻ đỗ lỗi tại bên này, kẻ đổ lỗi tại bên kia.

Khoản giai đã rửa sạch những vết máu trên mặt và rịt chỗ đau bằng nắm lá nhọ nồi. Hắn ngồi trên thềm, hai khuỷu tay chống gối. Hắn vẫn còn căm tức, lẩm bẩm chửi rủa luôn mồm.

Khoản gái để nguyên áo rách ẵm con ngồi cạnh, xui chồng ra đình nhờ các cụ phân xử.

- Được rồi, ngày kia có việc làng. Tôi phải đem việc này ra trình các cụ. Nó tưởng nhà nó đông người muốn ức hiếp người ta thế nào cũng được à? Tức thật!

Bên kia Xã Cỏn cũng cho mình là phải, lăm le đợi ngày đi thưa. Cũng như Khoản, hắn ngồi trên thềm nhà lẩm bẩm:

- Chuyến này mày sẽ biết tay ông. Mày tưởng ao của mày, mày muốn đào ông đào cha mày thế nào cũng được hẳn?

Ba hôm sau, các cụ họp việc làng, không phải để phân xử việc của hai bác hàng xóm (hai bác là thứ gì mà được các cụ họp việc làng?) nhưng để bàn nhau đặt lại thể lệ khao vọng. Vì có nhiều ông Chánh, Phó lý cựu ghen tỵ với một ông vừa được Bát phẩm. Họ dám tị cả với một ông Hàn mới.

Họ phao đi khắp làng rằng: cái anh Bát vừa rồi ra trình làng chẳng đáng ngồi trên họ chút nào. Chữ nghĩa vị tất đã bằng họ. Kể họ ghen tị cũng phải. Họ tốn công, tốn của để rồi cứ thụt lùi xuống mỗi khi có một ông Bát, ông Cửu, ông Hàn, ông hiếc nào ở đâu mò về, bỏ ra một trăm hay trăm rưỡi nộp tiền khao vọng chay cho làng. Không, không khi nào họ chịu lép thế!

Nhưng đến khi ra việc làng, các ông đều ngồi ngậm tăm, không ông nào dám đả động. Các ông sợ phạm đến các cụ chức sắc bên trên. Chỉ có Lý Cúc, một tay lý cựu bướng bỉnh, gân guốc, lý sự, dám đứng lên nói:

- Trên có các quan, các cụ và đông đủ mặt làng. Tôi xin thưa vài lời, hay thì các quan, các cụ để, mà có nhầm lời thì các cụ cũng đại xá.

Trong lúc đợi các cụ cho phép, ông đằng hắng mấy cái để lấy giọng, đoạn ông nói tiếp:

- Thưa, ông Hàn, ông Bát vừa rồi có nộp lệ làng theo thứ bực. Nhưng tôi thiết tưởng, Hàn năm bảy hạng Hàn, Bát năm bảy hạng Bát. Hàn như các cụ là chân khoa mục hay ấm tử ấm tôn, học rộng tài cao thì lại đi một nhẽ. Đằng này các ông ấy chữ nghĩa chẳng có gì, đi làm đi liếc ở đâu, tự nhiên vác cái phẩm hàm về đòi ăn trên ngồi trốc, chúng tôi nghĩ như thế không được công bằng. Vậy xin các quan, các cụ xét lại cho các đàn em chúng tôi.

Nói rồi, Lý Cúc ngồi xuống, để lại sự ngạc nhiên trong óc các ông dút dát. Ông Hàn, ông Bát mới đều không có đấy. Một ông trong họ đứng dậy cãi hộ.

- Thưa, trên có các quan, các cụ cùng đông đủ mặt làng, ông Lý tôi nói thực vô lý. Tôi trộm nghĩ: chức hàn, chức Bát là phẩm tước của nhà Vua ban, ai mà không phải trọng. Khoa cử, chữ nghĩa lại là việc khác. Còn như ông ta bảo: chẳng công cán gì với làng, nhưng đã có công với nước. Ông Hàn, ông Bát tôi cũng vậy, nếu không sao được hàn lâm, bát phẩm của Triều đình ban cho?

Hai bên đấu khẩu. Bên xin tăng tiền khao lên gấp đôi. Bên xin cứ giữ giá cũ, kẻ nói đi người nói lại, từ sáng đến gần ngọ vẫn chưa ngã ngũ ra sao. Các cụ ngồi lâu đã nóng ruột, bàn đến phiên việc làng hôm rằm này, có quan tiên chỉ về chủ tọa mới nhất định thể lệ được. ý các cụ cũng muốn gấp đôi tiền khao vọng, hoặc vừa khao chay vừa khao mặn cho đàn anh, đàn em khắp làng cùng hưởng. Nhưng việc khí hệ trọng, các cụ chưa dám thổ lộ ra. Có lẽ rồi cũng phải đến thế mới yên với bọn Chánh, Phó lý cựu.

Các cụ ra lệnh giải tỏa, sắp đứng dậy về... Khoản nấp sau ông Lý Hiểu, một đàn anh trong họ nhà hắn, lấy tay sẽ bấu lưng để nhắc ông về việc của hắn. Ông Lý Hiểu bèn đứng lên thưa:

- Xin các cụ hãy bớt ít thời giờ ngồi lại để phân xử về việc của tên Khoản, kẻo oan ức hắn lắm.

Rồi ông kể từ đầu chí cuối câu chuyện lôi thôi của Khoản với Xã Cỏn, kết luận:

- Nhà ai có ao mà chả có lúc lấy bùn đổ ruộng hay đổ vườn cho tốt đất. Thế mà tên Xã Cỏn dám vin cớ vì tên Khoản đào ao làm cho nhà hắn động, sinh ra đau mắt cả nhà rồi lại sinh sự đem cả nhà ra đánh đập vợ chồng tên Khoản. Thật là bạo ngược vô lý quá. Xin các cụ bắt lỗi tên Cỏn để làm gương cho kẻ khác.

Lý sự ông có phần chắc chắn, song lời ông vừa sẽ vừa rè rè, nghe mất cả hùng hồn. Ông vừa dứt lời thì bên kia, Lý Tảo, bác ruột Xã Cỏn, một bực lão, đạo mạo, có vai vế trong làng, đứng phắt dậy cãi hộ cháu.

- Thưa các cụ, ông Lý tôi nói rất hồ đồ. Ông ấy chỉ nghe tên Khoản thuật chuyện lại, thưa, thưa các cụ, chính tôi đã mục kích sở thị. Tên Khoản cứ lấy bùn thôi thì ai nói làm gì. Nhưng tên ấy đã lấy đi mấy lượt bùn rồi, lại khoét thêm đất cho sâu ao xuống nữa, vì thế mới động đến nhà Xã Cỏn. Sự còn rành rành ra kia; Xã Cỏn đâu, ra trình diện để các cụ xem.

Xã Cỏn đứng sau Lý Tảo, dạ một tiếng thật to rồi ra đứng trước mặt các cụ, mặt phủ vuông vải màn.

Lý Tảo truyền lệnh:

- Nhấc cái khăn lên!

Rồi quay sang phía các cụ nói:

- Thưa các cụ, tên Khoản đào ao được bốn năm hôm thì, khốn nạn! Cả nhà Xã Cỏn cùng bị đau mắt dữ dội như thế đó! Nếu không có nhờ thầy bói, chắc các cụ cũng biết tiếng thầy bói Tiên, nếu không có ông ta thì có biết đâu mà rờ. Các cụ rủ lòng thương mà xét cho nhà hắn nhờ. Khốn nạn! Vợ chồng con cái, cả đến thằng ở cũng bị. Không động thì khi nào lại có sự lạ lùng như thế.

Tiếng ông nói oang oang. Chức vị cao quý của ông lại càng làm cho lý sự ông thêm vững như bàn thạch.

Các cụ còn phân vân. Cánh đằng Xã Cỏn nấp dưới oai quyền Lý Tảo nhao nhao lên cãi hộ. Một ông trong đảng đứng lên thưa:

- Bẩm các cụ, cụ Lý chúng tôi nói phải lắm. Nếu ai cũng viện lẽ của nhà mình, muốn đào ngang đào dọc thế nào cũng được thì rồi làng ta sẽ động to mất. Lý Tảo, nhân câu ấy, tìm ra được lẽ nữa, đứng dậy nói:

- Thưa các cụ, nếu tên Khoản mà tự do đào được, thì xin lỗi các cụ, tôi đây có thửa vườn ngay trước cửa đình, tôi đây cũng có thể đào được.

Ông nói thế là vì ông đã biết cái vườn của ông thuộc vào kiểu địa lý tối can hệ của làng. Đắp cao lên còn được, chứ mà đào sâu xuống độ thép mai, chỉ một thép mai thì phải biết, cả làng động.

Nghe đến cái lý ghê gớm ấy, các cụ không còn phân vân nữa, liền kết án: bắt tên Khoản lập tức phải gánh bùn đổ xuống ao, đem giầu cau ra đình tạ tội và sửa lễ gà xôi tạ ông Thổ cai quản cánh đồng có ngôi mộ tam đại nhà Xã Cỏn.

Phép vua còn thua lệ làng, mà lệ làng ở như mồm các cụ đặt ra, Khoản chỉ còn cách cúi đầu vâng theo mệnh lệnh. Cả ngày hôm ấy, Khoản hỳ hục gánh bùn đổ xuống ao, bồ hôi, bồ kê tuôn ra đầm đìa. Trên gò má những giọt... không biết bồ hôi hay nước mắt...

Vợ Khoản ẵm con đứng thừ ra nhìn chồng làm việc, chốc một lại thở dài, thâm gan tím ruột vì các cụ. Có lúc uất quá, chị ta ứa nước mắt, lẩm bẩm nói một mình:

- Các cụ xử ức thật. Những lúc này, muốn bỏ mẹ nó làng mà đi biệt cho rảnh.

Nửa tháng sau, cơn tức của vợ chồng Khoản hình như vẫn chưa nguôi hẳn. Xã Cỏn bên kia mắt vẫn còn đỏ như mắt cá rói. Có lẽ vì nốc nhiều rượu quá. Hắn vốn nghiện rượu, ngày chén hai, ba, bốn bữa không chừng. Đứa gái lớn đã khỏi, nhưng mắt thành lông quặm. Vành mắt và kẽ mắt lúc nào cũng đỏ hoe và ướt nhòe.

Vợ Khoản nhiều lúc nựng con, nói có ý rủa bên hàng xóm:

- Cu ơi! Cu nhớn lên, cu đừng có ăn hà ăn hiếp người ta lắm, nên giời làm cho toét mắt, chẳng ma nào nhìn. Rồi thì còn thong manh, còn đui mù nữa ấy cu ạ.

Hình như rủa được thế, lòng chị ta hả hê. Chị ta xốc nách thằng bé, nhấc bổng lên. Thằng bé thích chí, đập hai chân xuống quãng không, cười reo vang nhà. Chị ta âu yếm ôm chặt con trong lòng, vừa hôn hít vào hai bên má vừa nói đợt ra từng tiếng:

- Hự! Hự! Bây giờ thì con tôi ngoan lắm đây. Hự! Hự! Nhớn lên con ăn ở có nhân có nghĩa, có thủy có chung. Hự! Hự! Để giời thương thánh độ chứ chả khi nào lại vô phúc như lũ chúng nó, nhỉ con tôi nhỉ!

Sau mỗi cái hít là có hai tiếng "hự, hự" tiếp theo. Đoạn chị ta bồng con như đưa võng, hát ru:

A, a... Bồng bống bông.
Có tài đừng cậy chi tài,
chữ tài liền với
chữ tai một vần...

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.