18-07-2023
Lượt xem 1040
Đánh giá 0 lượt đánh giá
Nhà văn Trần Huy Quang (1943-2022)
Em đã biết anh biết chuyện của em, nhưng nhất định không thể biết được tất cả. Mà dù anh có biết hết đi nữa thì em cũng muốn, tự em, em nói với anh "cái điều uẩn khúc ấy". Anh là người con trai chưa quá một lần yêu, còn em đã một lần yêu, chưa làm vợ nhưng đã làm mẹ. Anh đã đến với em mà không định kiến, vượt qua định kiến, em không mặc cảm, nói với anh tất cả không phải vì mặc cảm.
Lân đã về nông trường vào cái thời kỳ sóng gió nhất. Sản lượng cam dăm năm nay cứ tụt dần, tụt dần. Cậu em trông già hẳn đi, mới có trên năm mươi nhưng cứ như đã sáu, bảy mươi, tóc bạc ra từng đám, lưng như còng hẳn xuống. Là người khai sinh ra nông trường, làm giám đốc từ ngày "khai thiên lập địa" cho đến ngày nay, cụ coi cây cam là con đẻ của cụ, là nỗi lo toan, cũng là niềm tự hào, nói hơi quá nhưng đó là sự nghiệp của cụ. Mợ em vẫn công tác ở tỉnh hội phụ nữ, năm chỉ mươi ngày phép, muốn cũng không thể chăm sóc đẩy đủ cho ông cụ được. Thằng con trai vẫn ở bộ đội biền biệt, không thèm về phép. Nhà trường vắng. Em tốt nghiệp trường trung học chuyên nghiệp thống kê thì cậu em xin em về nông trường. "Về Sao Ðỏ, cậu cháu ở với nhau cho vui", cậu em bảo thế. Bố em đi công tác xa, cậu cũng như bố vậy.
Dạo ấy chủ nhật nào, chú Hưng, phó giám đốc cũng đến nhà. Chuyện chỉ xoay quanh việc làm ăn thua lỗ của nông trường. Một người thì cho tất cả đều do kỹ thuật lao động kém, công nhân làm dối, làm ẩu, cỏ cuốc không sạch, phân bón không đều, có người còn bớt phân để trồng mía trong vườn... Một người thì lại đổ cho thời tiết. "Trời đất làm ác thật. Ðấy chú thử tính lại xem. Không năm nào mưa thuận gió hòa, không hạn thì lụt, sương muối cứ kéo dài hàng tháng..."
Tiếp đó là những cuộc họp kéo dài cả ngày. Ðịnh mức chặt chẽ hơn, phân bón đầu tư nhiều hơn. Nhưng năng suất không báo hiệu một sự ổn định nào. Cũng một thông số kỹ thuật như thế, điều kiện thời tiết, chăm sóc như thế, nhưng lô này lên, lô kia xuống. Nhưng nhìn chung, vẫn là xuống, như có quy luật. Lân về trong sự hy vọng của em, nhưng không thay đổi được gì cả, những quả cam vẫn úa vàng trước khi vào mùa chín. Con người ấy có thể thay đổi được gì, ai có thể mong đợi cái gì ở anh ta, em lý lẽ và dò xét mà nghĩ thế! Lân xuất hiện trước mặt bọn con gái như một tài tử về những cái tài vặt chứ không phải về sự thông hiểu về cây cối. Là một kỹ sư trồng trọt, chuyên gia về cây cam như lời đồn, nhưng lại rất say mê bơi lội, ném hết cả những buổi chiều chủ nhật lên sân cỏ, vào phòng nhảy, vào một đĩa nhạc mới. Sẵn sàng chạy theo những ham mê nhất thời, vô bổ, dễ cuốn hút bởi những cuộc tán chuyện không tiếc thời gian của những anh chàng chưa vợ. Cũng săn đuổi một bộ phim đang ăn khách... Chờ đợi Lân đưa lại một cái gì cho nông trường? Thật là mờ mịt, không chờ mong được một cái gì cả! Một lần em ở đội 7 về nông trường bộ, còn Lân ở bể bơi về. Lân gọi em. Biết có biết, để ý có để ý, một kỹ sư mới về nông trường, lại đẹp giai, sống phóng khoáng, sinh hoạt tài tử, cô nào mà chẳng để ý nhận xét, nhưng gặp để nói chuyện tay đôi thì chưa. Ðây là lần đầu tiên làm quen. Với hàng chục cô gái ở nông trường bộ mà anh ta biết tên em không phải vì em có gì xuất sắc mà chỉ vì em là cháu gái ông giám đốc.
- Hương đi đâu về? - Anh ta hỏi một cách rất thân mật, ra vẻ cầu thân, dù sao vẫn là suồng sã, thô lỗ.
- Chủ nhật em đi loăng quăng thăm mấy đứa bạn - Em nhìn Lân từ đầu đến chân mà nói: - Anh Lân về đây, đội bóng của nông trường mừng lắm!
- Sao Hương biết?
- Ðội bóng đang thiếu mũi nhọn vớ được ông "vua phá lưới" như anh bằng bắt được vàng còn gì! Sao anh không chuyển hẳn sang đá bóng chuyên nghiệp hoặc bơi lội chuyên nghiệp?
- Tôi cũng đang muốn - Anh ta đáp thủng thẳng và cười cười. Lân không phải là người dễ tự ái.
- Tổ chức Bộ thế mà giỏi đấy anh ạ, tìm cho nông trường một danh thủ bóng đá tuyệt vời.
Chờ đợi sự phản ứng của anh ta nhưng anh ta không nói gì cả, chỉ cười cười. Chuyện bóng đá, chuyện làm quen ban đầu mà em vẫn bốp chát như thế. Mặc, em đâu muốn mơn trớn một người nào, cũng không muốn tiếp cận với Lân. Nông trường đang cần một kỹ sư trồng trọt. Cây cam đang cần một cách xử lý mới cho nó. Con trai cần phải hướng tới một mục đích lớn lao. Nhưng Lân chỉ là một anh chàng thích trổ tài vặt với bọn con gái. Ðến chỗ rẽ, anh ta dừng xe lại và hỏi:
- Hương có vội gì không? nếu không ta đi dạo một đoạn.
Một đề nghị táo tợn! Ði dạo một đoạn, nghe cũng hay. Em bảo:
- Em đang vội, nhưng nếu anh cần em sẽ đi - Và em đang quay xe. Lúc ấy em đang vội thật, em cũng đang đeo đuổi một suy nghĩ về cây cam nhưng có thể để tối làm. Mới hơn ba giờ. Vả lại xem anh chàng lông bông này làm cái gì.
- Từ lâu tôi đã có ý định cùng với Hương đi dạo một ngày, nhưng tôi muốn từ từ. Nhưng hôm nay nhân tiện, xin Hương hãy cùng đi với tôi.
- Sẵn sàng thôi, nhưng em thích đi bộ và không quá ba mươi phút.
- Xin chấp nhận điều kiện thời gian, nhưng nếu ba mươi phút mà đi bộ thì chả được cái gì cả.
Lân nói với vẻ hết sức nhũn và phục tùng. Nói thật lúc ấy nhìn cái vẻ mặt nhũn nhặn kia, em đã thoáng có một ý nghĩ: con người có nhiều tài vặt này đã bắt đầu bộc lộ sự tầm thường của mình; trước mặt các cô gái, nhất là những cô gái đẹp, thì nhũn nhường và nịnh bợ để đạt cho nhanh mục đích.
Em và Lân đạp xe đi. "Anh muốn đi đội nào?" - "Tôi muốn bắt đầu từ đội 15, rồi ngoặt sang đội 13 một tý, có hơi trái đường, lại trở sang đội 12, từ đó chỉ cần một vòng cung thôi là hết các đội 6, 7, 5, 4 và về cơ quan bộ".
Mới về mà biết thông tỏ địa hình như thế cũng là khá. Nói lại với anh quy hoạch cam hồi đó hơi khác cây mía bây giờ. Ðội 15 là đội trung tâm, là sự tiêu biểu của cung cách làm cây cam, là nơi tập trung những chỉ tiêu kỹ thuật, nơi áp dụng mọi quy trình công nghệ mới đầu tiên khi du nhập đến nông trường. Gần mười năm nay đội 15 vẫn thế, là nơi được chú ý nhiều và cũng luôn lôi cuốn được sự chú ý của cả nông trường và cả nhiều nơi. Có nhiều kỹ sư, nhiều kỹ thuật viên và cũng là nơi bộc lộ chiều hướng thảm hại rõ rệt hơn. Còn các đội khác là khuôn mẫu đi sau, là sự sao chép của mô hình đó mà ra.
Từ nông trường bộ đến đội 15 không xa, chỉ dăm cây số, dọc đường là những khu nhà ở của tập thể của cán bộ, công nhân viên. Chỉ có gần đến lô HA1 thì có hệ thống cho thiết bị cơ khí, gần đó có trạm sửa chữa cơ khí. Buổi chiều đó để lại cho em một ấn tượng khá mạnh nên em nhớ. Người con trai cao to như nằm úp trên cái xe đua Sport thủng thẳng đi trước em độ vài mét. Em cứ giữ khoảng cách đó mà đi dạo với Lân. Hai bên đường là hai hàng phượng vĩ trồng xen với những cây dừa đã trên hai mươi năm, tay phượng vĩ vươn dài, buông rũ xuống như khép tán, đường nhựa mới rải năm ngoái đẹp không thua phố Lý Thường Kiệt nhiều phượng vĩ nhất của Hà Nội.
Em không gợi chuyện. Không, nhất định không hỏi chuyện trước. "Ðối với tôi, đâu phải là một sự mong đợi, là một dịp may khi anh rủ đi dạo, mặc dù người rủ đang là niềm say mê của rất nhiều cô gái ở nông trường bộ". Lân dường như cũng linh cảm được cái thiếu thiện ý của người đồng hành nên anh ta vẫn im lặng. Thật là một cuộc đi dạo có một không hai, nhưng em vui lòng chịu đựng vì cái điều này lôi cuốn sự tò mò của em: anh chàng này sẽ làm gì, sẽ cần gì đến mình bây giờ và sắp tới?
Trước đây, cái năm đầu tiên cây cam bắt đầu giảm sản lượng vì sương muối, cậu em về Bộ họp nói chuyện gì đấy rồi có mấy ông chuyên gia theo về. Ngay trong đêm mùa đông, mù và sương đặc quánh lại, xe con vẫn lao đi lao về đưa các ông ấy về các đội, cứ hai tuần lấy một cặp số liệu đầy rồi về Bộ, tưởng có những biện pháp mới được áp dụng, nhưng rồi mất hút không có một tín hiệu phản hồi nào. Cây cam vẫn tiếp tục làm cho người ta khổ sở. Phải công bằng mà nói cậu em đã đổ tâm huyết của đời mình cho cây cam. Cụ vẫn tiếp tục mời những cán bộ giỏi về nông trường, không tiếc một cái gì cho những cuộc nghiên cứu như thế. Năm nào cũng có một đoàn, vài đoàn. Không khác trong nhà đang có người bệnh nặng, ai mách đâu thì tìm đến đấy, tây y, đông y, may ra gặp thầy gặp thuốc. Nhưng vẫn không gặp. Lân về nông trường không phải là thuộc loại cán bộ kỹ thuật, những chuyên gia cây trồng được cậu em mời. Lân là một kỹ sư trồng trọt giỏi, em được biết như thế, nhưng là một kỹ sư đang "ngồi chơi xơi nước" ở Bộ rồi được điều về. Trước đây nghe nói Lân có một công trình gì đó ở nông trường Thầu Ðâu nhưng bỏ dở, khi đã yêu nhau em có hỏi nhưng Lân bảo vì nông trường đó không muốn chi vốn...
Ðến ngay đội 15, Lân bảo em bỏ xe trên đường đi xuống từng lô một, Lân hỏi em về các lô, các luống về ngày trồng, số lượng, quy trình công nghệ, nhưng em không nhớ, em phải gọi đội trưởng và thống kê đội. Thế là cả bốn người đi hết cả phần đất đội 15, trong khi cô thống kê giở sổ đọc cho Lân hàng tràng số liệu cây trồng trong từng lô, ngày tháng, còn đội trưởng minh họa tình hình sâu bệnh, điều kiện thời tiết, phân bón, xử lý... Lân nghe cứ như nghe chơi, con mắt nét mặt cứ như người đi thưởng ngoạn. Giống như hoàng tử đi thăm thần dân chứ không thể là một người đang đau lòng vì cây cam. Thất vọng, em dừng lại để mặc ba người đi, nhưng Lân cũng đi, không bỏ sót một luống nào của đội 15 cả. Trời đã rất chiều mà lề lối làm việc như thế thật sốt cả ruột. Nhìn con đường phẳng lì về nông trường bộ đã vắng người, những chiếc xe tải chạy chuyến cuối cùng cũng đã rẽ. Anh ta nói đi dạo, thật là một con người không hề biết nói dối. Thế mà em lại hy vọng hay ít ra đang mong đợi một cử chỉ nghiêm túc, một ý nghĩ có trách nhiệm của người ấy có thể có trong cái lời nói bông đùa "đi dạo" này, "Tôi đã làm cho Hương mỏi chân, xin lỗi! Một cuộc đi dạo thật thú vị, ít nhất cũng đối với tôi". Lân đã trở lại và nói. Thú vị, đối với anh thì cái gì chả thú vị, chỉ trừ con người anh. Em không bắt chuyện và buồn bã nghĩ thầm như vậy "Thôi thế này, không dám làm phiền Hương nữa đâu. Ta đi về. Những đội khác tôi sẽ tự đi dạo, cùng lắm chỉ một ngày thôi. Chỉ có đường vào đội 2, nhất là vào lô KT3 hơi vất vả".
Cũng lạ, suốt ngày chỉ thấy đấm đá ngoài bãi rồi lại nhảy nhót trong phòng thế mà cũng tinh tỏ quá nhỉ. Trước tiên biết xuống đội 15 cũng phải là một trí lực nhạy bén đấy chứ! Trí tuệ thì khá mà con người thì lêu lổng. Em vừa đi vừa nghĩ một cách chán nản về Lân như thế.
- Hương này - Lân cố tình đi sát vào xe em và nói - con đường này vào buổi chiều mà đi dạo thì tuyệt quá!
- Nhưng ở đây không ai có thì giờ để đi dạo cả.
- Còn tôi thích đi chơi đi dạo, thích đá bóng nghe nhạc hơn là thích làm việc. Không ai ngu xuẩn lại tự làm khổ mình suốt ngày làm việc khi biết rằng những giờ ấy không có năng suất và không hiệu quả gì cả.
Em lặng lẽ đi mong chóng thoát khỏi Lân và không buồn tranh luận gì.
Buổi tối em lên phòng đọc tài liệu, ngày ấy phòng làm việc của em còn ở cạnh nhà, vả lại em thích yên tĩnh, những buổi tối không có việc gì cần, không đi chơi, em thường lên đấy, đọc sách hoặc khâu vá. Ðược độ 30 phút thì có tiếng gõ cửa. Lân ló nửa người vào và bảo em: "Cô Hương có cái thư đây này, hồi chiều tôi ghé qua thường trực và cầm hộ". Em hoảng cả lên chỉ sợ đó là cái thư tỏ tình dở hơi của Lân được ngụy trang bằng đường bưu điện. Nhưng không phải, thư của thằng em trai, bộ đội biên giới. Em hơi ngượng với ý nghĩ vừa xong và mời Lân vào chơi. Lân không đợi nói dứt câu. Tối hôm đó Lân rất bảnh, các cô tấm tắc quả không ngoa, quần bò, áo sọc rất nhã. Tóc quăn tự nhiên, kín gáy. Nét mặt hơi dài. Trán cao. Mắt đẹp. Lắm lời nhưng không rỗng. Ngồi chơi được một lúc em bảo:
- Anh Lân định đi đâu mà em mời anh vào đây lại lỡ mất việc của anh.
- Ðịnh đi thật, ra chỗ xí nghiệp thi công nhưng vào đây lại nhìn thấy cái mà mình cần nên có thể không đi nữa.
Cái lối nói thật khó chịu, hiểu thế nào cũng được. Em im lặng và anh chàng biết ngượng buộc phải nói rằng:
- Tôi cần một số giấy Croquis cần nhiều đấy nhưng trước mắt chỉ vài tờ. Vài ngày nữa tôi phải đi vắng ít ra cũng một tuần. Hương giúp tôi nhé. Tôi nghĩ chỉ có Hương giúp tôi mới làm nổi.
- Ðể làm gì mấy tờ giấy ấy?
- Làm đồ thị. Thí dụ đội 15, lô...
Rồi Lân đọc vanh vách ngày tháng gieo trồng, cách thức chăm bón, sản lượng từng năm hết cả chín lô của đội 15... Em trố mắt kinh ngạc cảm thấy xấu hổ vì hiểu sai về Lân. Lân có trí nhớ tuyệt vời và nhạy bén. Nhưng đáng tiếc nhìn cái cách làm việc bề ngoài sao mà chán thế! Rất tài tử, rất tùy hứng! Ðêm đó em rất khó ngủ vì nghĩ ngợi, vì hy vọng, vì sự xáo trộn... và xúc động vì một viễn cảnh một giải pháp mới từ những suy nghĩ ở Lân được áp dụng làm thay đổi hẳn quy trình trồng trọt và như phép tiên, cây cam sẽ tự vực dậy được và làm sống lại những con số huy hoàng của năm tháng trước.
Những ngày sau Lân vẫn không từ bỏ những sở thích của mình được. Hết giờ trên phòng thấy Lân vẫn quần nhau trên sân cỏ, hoặc trong đám văn nghệ hát xướng. Các cô gái ra sức chèo kéo Lân: anh Lân ơi, em với anh hát đôi... Anh Lân ơi, em hát thử... Trước đó em không hề để ý đến những lời đó thế mà bây giờ em lại thấy ghét những cô gái cứ sán lại Lân. Còn em, thực sự vì cây cam là chủ yếu, em đã chuẩn bị cho Lân hết tất cả những số liệu mà Lân yêu cầu. Tối hôm sau, độ khoảng mười giờ, Lân gõ cửa phòng làm việc của em, lại ló đầu vào hỏi:
- Ðược một nửa chưa hả Hương?
- Một nửa gì anh?
- Số liệu ấy mà!
- Xong cho anh cả rồi đấy. Vào đây đã, xem còn thiếu gì nữa không.
Lân đi vào và đón tập giấy em đưa cho. Lân xem được nửa trang thì trả lại cho em và bảo:
- Thế này cho nhanh, anh nói những danh mục cần thiết, Hương xem có đủ không nhé. Ðại để cây cam đạt đến sản lượng cao nhất vào năm thứ ba sau khi ra quả và kéo dài độ bảy năm, sau đó sản lượng giảm, không nói đến. Chỉ lấy sản lượng những năm cao nhất của từng lô và từng thế hệ.
- Nhưng cả những lô phải trồng xen mới và cũ...
- Những lô ấy bỏ ra, sẽ không giải quyết được gì cả. Còn tất cả mình sẽ thể hiện lên đồ thị xem thế nào?
- Ðể làm gì anh?
- Ðể khảo sát thôi. Mà nói ra trước sợ Hương thất vọng. Nhưng cũng chỉ là giả thiết, một cái giả thiết đang cần kiểm tra. Xong đồ thị sẽ bàn với Hương, vì Hương là người cộng tác. Anh nói thật đấy.
Ðến bây giờ em mới để ý đến cái đại từ "anh" của Lân, hình như lúc nãy cũng có một lần dùng. Chỉ là một thói quen chăng?...
- ấy quên - Lân nói thêm với vẻ hốt hoảng - thời kỳ phồn thịnh của cây cam có thể dài ngắn khác nhau, tùy trình độ kỹ thuật từng nơi, nhưng lấy thời gian quãng bảy năm, rồi lấy sản lượng bình quân của bảy năm đó...
- Thế thì em chưa chia bình quân.
Em mất một ngày về việc tính bình quân sản lượng rồi phải xuống các đội xác định lại các lô trồng xen để loại bỏ. Hết ba ngày. Tìm hỏi xem Lân có bổ sung gì không nhưng Lân biệt tăm tích. Nhớ hôm trước Lân nói phải đi đâu dăm ngày, em chắc Lân đã đi vào việc gì đấy. Em có một bà dì công tác ở Hà Nội, con cái đi làm cả rồi, còn lại hai ông bà già. Kỳ phép năm nay dì em về chơi với cậu em. Buổi sáng em tiễn bà đi ra ga. Còn hơn một tiếng nữa tàu mới chạy. Vé phải nhờ mua, hai dì cháu ngồi khuất vào một góc cửa phòng đợi nói chuyện, chợt em nhận ra Lân từ trên một chiếc xe tải của nông trường nhảy xuống. Cậu lái xe nhảy xuống sau, khệ nệ bê cái va-li, va-li loại bé nhưng nặng, cùng với Lân vào sân ga. Lái xe đưa thuốc đầu lọc mời Lân rồi đưa cho Lân hẳn cả bao thuốc, dùng dằng mãi cậu lái mới ra xe được. Thì ra kỹ sư trồng trọt cũng có nhiều say mê thật. Và giao du cũng rộng. Cái va-li kia đựng gì? Một cú áp-phe? Một tay chạy hàng? Một đường dây móc nối?... Em định tránh đi để cho Lân khỏi ngượng và cũng chính cho em khỏi phát ngượng lên nhưng tính em lại thích "chua", sao lại phải tránh? Em chờ lúc lên tầu, chính lúc mà Lân lặc lè xách cái va-li mồ hôi giỏ giọt, em sẽ chào Lân... Chợt có bàn tay vỗ nhẹ xuống vai em và cái mặt Lân đã ngay bên cạnh.
- Hương đi đâu thế này?
Bà dì em trả lời hộ và hai người nói chuyện...
- ồ thế thì Hương ra chơi với bác luôn đi, một công đôi việc. Chứ nếu không tôi ở Hà Nội một tuần lang thang hết nhà này đến nhà khác, giữ ý giữ tứ, tôi điên lên mất. Chỉ thế này thôi, đưa cái này (Lân chỉ vào cái va-li) cho cậu bạn tôi ở Viện Ðất, nhờ nó làm hộ 15 mẫu đất trong này. Chờ lấy kết quả. Và trả nó hộ tôi số tài liệu cũng ở trong này.
- Ðược đấy cháu ạ, vừa công tác vừa ở chơi với dì một tuần, hợp quá rồi còn gì.
Em chưa kịp nói gì thì Lân mở sổ tay:
- Tôi sẽ gửi thư dặn nó, nó sẽ làm tất cả cho, Hương chỉ phải đến Viện một lần thôi...
- Nhưng em chưa xin phép... - Em chỉ từ chối lấy lệ.
- Ðược, Lân sẽ về báo cáo, khỏi lo... Nhưng này đi đường phải chú ý kẻo kẻ cắp thấy cái va-li nặng tưởng có món gì bở.
Ðợt công tác vừa tư tác ấy mỹ mãn, em về nộp kết quả cho phòng kỹ thuật chứ chưa gặp Lân. Nghe bảo Lân nằm ở dưới đội, không biết đội nào. Sờ đến đống số liệu, số liệu cũng đã đi theo Lân. Tức là Lân mang nó đi làm ở một nơi nào đó cho yên. Biết không thể tìm được Lân vả lại cũng không muốn hỏi chứ em rất muốn gặp Lân. Xa công việc một tuần em thấy buồn bã, chỉ muốn về. Thực lòng, thấy văng vắng thế nào ấy!
Khoảng gần trưa Lân gọi điện về chỗ em, em mừng quá hét vào máy:
- Có nhiều cái hay lắm, nhiều người hỏi thăm anh, anh về ngay nhé, em sẽ nói cho anh nghe.
- Em thật là tuyệt vời, rất tuyệt vời, bà hoàng của anh ạ. Anh sẽ về ngay.
Lân vội bỏ máy. Có lẽ Lân rất bận. Còn em nghĩ lại mà giật thót mình. Lân đã nói gì nhỉ? "Trời ơi, mình đã nhớ Lân suốt cả một tuần nay!". Cả buổi chiều hôm ấy em không thể làm được một việc gì cả. Về nhà lại lên phòng, có đến dăm lượt. Lân bảo về ngay nhưng cả buổi trưa, cả buổi chiều vẫn mất tăm.
Dạo ấy đâu khoảng đầu tháng sáu ta. Trời thường có những cơn giông bất ngờ. Hôm ấy cũng thế, chiều đang nắng chói chang, chập tối gió nổi lên và chỉ một chốc sau mây đen ùn ùn kéo tới. Rồi gió quật lên như có bão. ở dãy nhà khách gió bật tung cửa chớp ra đập uỳnh uỳnh. Mấy cái pa-nô dọc đường đi vào hội trường đổ hết. Cát và lá bay mù mịt, có đám bốc lên cao rồi tạt trở lại chỗ nó xuất phát. Mưa lắc rắc mấy hạt thật to. Trong khu nhà tập thể, tụi trẻ cởi trần truồng chạy lao ra đường cái chờ tắm mưa mặc cho mẹ chúng la ó. Và mưa nặng hơn, tiếng tụi trẻ hét la: "Mưa đá, mưa đá" lẫn trong tiếng gió. Quả thật em nhìn thấy những cục đá to bằng quả cà, quả táo ném xuống mái tôn, xuống cái sân trước phòng làm việc. Em cũng lây cái nhộn của tụi trẻ lao ra sân nhặt mấy cục nước đá.
"Kìa tránh đi, tránh cái cột nó đổ". Có tiếng quát của ai đó và em phải đề phòng, tránh né đi một tí. Cái cột giáng đúng chỗ em. Ðó là cái cột treo áp-phích, áp-phích đã bay đi, bây giờ đến lượt cái cột đó. Hú vía. Không biết tiếng quát đó nhằm vào ai nhưng em theo phản xạ tự nhiên tránh né đi, hóa ra tiếng quát đó nhằm vào em. Gần như cùng một lúc, em và Lân lao vào phòng làm việc để tránh mưa. Con người đến không bao giờ đúng lúc cả.
- May quá, về đến nơi thì mưa.
Em sờ vào lưng áo đẫm nước mưa của Lân.
- Còn may gì nữa, ướt hết rồi đấy ông tướng ạ. Ðược cái ni-lông thì gói cái khỉ gió gì đây. Cởi ra đi không thì ngấm nước mưa vào người.
Lân cứ loay hoay vừa đi hết bốn góc bàn vừa chống chế: "Mặc thế này cho nó chóng khô", chắc chắn Lân ngượng. Em giằng lấy cái áo mà bảo:
- Cởi ra, không thì ông ốm chết bây giờ.
- ừ thì cởi, nhưng bây giờ nhiều việc lắm đấy.
Em cởi cái áo sơ-mi của Lân ra và treo lên lưng ghế. Về sau nghĩ lại em mới thấy ngượng, không biết cái gì đã sai khiến em có những cử chỉ thân mật với Lân đến như vậy.
- Anh ở đây chờ tạnh rồi về, để em đi kiếm cho anh lọ dầu xoa và vò qua cái áo đi kẻo mốc.
- Trời ơi! Thôi xin Hương, bây giờ đang có việc cần làm còn gấp vạn cái áo.
Vừa nói Lân vừa mở gói ni-lông. Ðó là một mớ giấy tờ, tài liệu, bản vẽ, cả mấy củ sắn luộc. Lân nói với em một cách rất xúc động:
- Rồi cuối cùng chân lý vẫn được tìm ra... Thật là một biển con số, một đại dương hiện tượng, nó chồng chéo lên nhau, tương phản nhau, đến hoa cả mắt. Nhưng sẽ nói sau... Bây giờ có hai việc cần làm: một, nhờ Hương vẽ lại cho độ ba mươi bản đồ thị, cốt cho rõ ràng thôi, đó là bản phụ lục minh họa. Còn Lân làm việc thứ hai. Ðây là bản báo cáo đã gần đến trăm trang, phần nội dung gồm có phần I: "Ðiều kiện thời tiết và hệ số loại trừ khi tính sản lượng. Tác động của yếu tố kỹ thuật". Phần hai: "Sản lượng của những lô có khoảng cách ba năm. Ðiều cần nhìn nhận, v.v..." Lân cần viết ngay phần dẫn luận và phần đất. Và làm đề cương gửi lên đăng ký báo cáo trong hội nghị khoa học về cây công nghiệp tuần tới ở Viện. Thế thôi, Hương làm đi. Lân nghĩ lại cho thật chắc để viết phần dẫn luận.
Em yên lặng để Lân làm cho nhanh. Vẽ được độ một nửa phần phụ lục, nhìn đồng hồ đã một giờ sáng. Lân vẫn chăm chú viết. Em hé cửa sổ ra nhìn ngoài trời. Mưa vẫn rất to và trời tối đen còn hơn cả hũ nút. Cũng may em còn lại ít đường trong tủ tài liệu. Lấy ra pha cho Lân một cốc. "Cảm ơn em!' Cái ánh mắt nhìn lên của Lân bất ngờ nhưng tin cậy và đằm thắm. "Giải lao một tí đã anh". Lân ngoan ngoãn bỏ bút và cầm lấy cốc nước.
- Vấn đề rất lý thú Hương ạ. Bắt đầu anh chỉ phỏng đoán mơ màng thôi. Nhưng khi sờ vào đống số liệu, cứ loại trừ cái này cái khác, tự nhiên thấy nó hiện ra. Anh mới lấy sản lượng của những lô thuần khiết, tính trung bình, so sánh với những lô khác với khoảng cách gieo trồng là ba năm, thấy nó giảm dần. Nếu như năm nào đó có tăng lên chút ít thì năm sau lập tức giảm xuống gấp đôi. Và kết luận như đã có sẵn; cây cam không thích hợp với chất đất Sao Ðỏ, hay là đất không chấp nhận cây cam, chấp nhận cây gì đó chưa biết, nhưng cây cam thì không.
- Hóa ra đất nó khó tính thế anh?
- Khó chứ! Ðất rất chi li. Có nhiều nơi ta trồng cây gì xuống đó chỉ do sở thích, hoặc do ý nghĩ tình cờ của một cán bộ, mà người ta không hỏi: "Ðất ơi! Mày có chịu cái cây này không?"
Cái kết luận của Lân làm em xúc động và mến phục. Lâu nay người ta đã tìm vào kỹ thuật, thời tiết phân bón và cả con người. Nhưng không ai tìm xuống đất, cái đối tượng im lặng đó, dễ bị giẫm đạp, bị coi thường.
Em nhìn vào mặt Lân mà không muốn kiềm chế. Cốc nước Lân uống còn một nửa. Em cũng đang khát, em giằng lấy cốc nước và uống một hơi hết. Lân đỡ chiếc cốc trong tay em, để xuống bàn và từ từ cúi xuống... Em không chống cự và cảm thấy mình nhỏ bé quá trong vòng tay đầy xúc động của Lân... Sau đêm đó và cả về sau này, cả bây giờ trước anh, em không cảm thấy phải hối hận. Em đến với Lân vì em yêu Lân, chân thành, vì có chung một sự tìm kiếm em chỉ theo tiếng gọi của trái tim mình chứ không vì ai ép buộc cả, cũng không phải vì sự mua chuộc, hoặc lừa phỉnh nào cả. Em thấy em đúng.
Nhưng con người thông minh ấy thật tội nghiệp. Bản báo cáo của Lân được đánh giá cao ở hội nghị khoa học của Viện sau đó ít tuần. Thế mà Lân lại đề nó rất thấp ở nông trường và cũng không thèm dùng nó để về làm cải cách cây trồng ở nông trường. Cậu em một đời về cây cam, cây cam là cuộc đời cụ phủ nhận cây cam tức là cụ biết mình hết vai trò cụ. Lân đưa bản đề án của mình ra, đưa mía vào thay cây cam, cây mía đã được xác định sẽ là một cuộc đối thoại "quyết liệt", giữa cái đang có và cái đến thay thế. Em sẽ tách ra ngoài cuộc đối thoại đó và sẽ tác động tới cậu em bằng tình cảm, vì em tin chắc rằng cái thế của cụ yếu, dù đang nắm quyền hành, còn Lân đã có chân lý, mà chân lý thì là sức mạnh vô địch. Một tháng trôi qua, nông trường Sao Ðỏ vẫn bình yên, rất bình yên. Hỏi Lân. "Anh không muốn mất em". Lân nói thế và tảng lờ một cách khó hiểu. Tháng sau, em làm căng hơn, Lân bảo Lân đã đưa đề án đó cho riêng cậu em. Không biết ý kiến hai bên thế nào, Lân không kể, nhưng sau đó Lân nói với em xin chuyển về Bộ và sẽ lôi em về Bộ. Em rất công phẫn về sự chạy trốn của Lân nhưng Lân về Bộ thật. Từ ngày Lân về Bộ, sức khỏe cậu em sa sút hẳn. Cụ về nhà lặng lẽ như một cái bóng. Họp thì gắt gỏng. Ðâu còn sự say mê của ngày trước. Mãi mấy tuần sau, một hôm em trốn vào bụi cây để nôn ọe, thì nghe mấy bà tài vụ bàn tán với nhau:
- Tay ấy bở, về chưa đầy một năm lên một bậc lương, lại về Bộ.
- Ông giám đốc mua đề án của hắn bằng một bậc lương: Thật là rẻ.
- Thế này... cô cháu gái nhất định không lấy, đẻ thì nuôi, ông cậu đành tống tiền thằng cháu rể bằng một bậc lương.
Em suýt ngất ngay ở đấy. Những chuyện ghê gớm thế kia sao bây giờ em mới được nghe? Sự thật rồi em cũng tìm ra: Lân sợ mất em đành đổi đề án bằng một bậc lương và rút về Bộ.
Trời ơi! Con người ta tìm đến Cái Ðúng để làm gì, nhận thức ra Cái Ðúng để làm gì? Quá trình đó đâu phải không tốn nhiều nước mắt và máu hay sao? Ðể cuối cùng bán nó còn rẻ hơn "ba đồng bạc trắng".
Mối tình coi như đã tan, Lân đeo đẳng đi về có đến chục lần vào những tháng em sắp sinh cháu, nhưng em đã không còn yêu Lân nữa. Lân thông minh nhưng lại hèn nhát, biết tìm ra Cái Ðúng, nhưng lại không dám đấu tranh cho Cái Ðúng chiến thắng...
* * *
Ðộ hai tuần sau, trước khi trở lại đơn vị chiến đấu ở biên giới, tôi và Hương đã tổ chức lễ cưới vào mùa thu.
14-9-1983
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com