chan_dung-ke_si

VỢ CHỒNG NGÂU - Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

26-08-2023

Lượt xem 1179

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Thị Châu Giang

VỢ CHỒNG NGÂU - Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang
Người ta bảo cưới vợ cưới chồng cấm kỵ vào tháng bảy mưa ngâu, nếu không sẽ lại như Ngưu Lang _ Chúc Nữ, biền biệt mỗi người một phương.
Nghe vậy ai lại chả sợ. Nên ngay như Thi, vốn chẳng bao giờ tin vào thuật bói toán coi số mạng, cũng phải dời ngày cưới vợ sang tháng mười một âm lịch tức tháng mười hai dương lịch.
Ngày tốt, tháng tốt vậy mà lại thêm lắm nhiêu khê. Đến đâu đặt nhà hàng, người ta cũng bảo hết chỗ. Cuối cùng họ phải mướn một cái vườn trẻ có rất nhiều cây xanh và trò chơi trẻ con để làm tiệc.
Chín giờ làm lễ gia tiên, năm rưỡi sáng cô dâu đã tập tễnh ra ngồi chờ ở tiệm làm tóc trang điểm mặt có tiếng nhất thành phố. Thỉnh thoảng, chuông điện thoại réo, lại nghe tiếng cô dâu thỏ thẻ nói:
_ Sắp đến lượt mình rồi. Trời, anh ra mà coi nè, người ta xếp hàng đông khủng khiếp.
Họ hàng đã đến đông đủ, ngồi kín trên các ghế đẩu xếp dài từ trong nhà ra ngoài hiên mà vẫn chưa thấy cô dâu đâu. Mãi đến khi xe chú rể bấm còi tin tin báo hiệu đã đến nơi, đang đợi ngoài ngõ, mới thấy cô dâu hớt hải chạy vào, hoa cài đầu bị tuột một bên, miệng cười toe toét:
_ Đông quá mà. May mình quen, họ mới ưu tiên cho xong sớm đó.
Cuối cùng đám cưới cũng diễn ra như dự định, chỉ trễ hơn vài mươi phút. Ai cũng khen cô dâu xinh, chỉ những người thân thiết nhất mới nhận ra hôm nay mắt cô dâu bên to bên bé, không cân xứng như thường ngày.
Hỏi ra mới biết vì vội quá, người ta gắn hàng lông mi giả bên trái không đúng tiêu chuẩn, làm mắt cô dâu cứ bị sụp xuống như thế.
Mặc dù đã tránh ngày Ngâu tháng Ngâu, nhưng vợ chồng Thi vẫn xa nhau biền biệt. Huê, vợ Thi, là tiếp viên hàng không của Việt Nam Airline. Xinh đẹp, duyên dáng, tiếng Anh thành thạo, chuyên môn nghiệp vụ giỏi nên cô thường được cử đi những tuyến đường dài xuyên qua các châu lục. Mỗi chuyến đi của cô kéo dài từ ba ngày đến một tuần. Nên tính cộng lại, một tháng cô chỉ còn được đúng năm ngày bên chồng.
Thi là một họa sĩ tự do, suốt ngày chúi mũi trong phòng vẽ ủa mình. Tranh anh tùy lúc bán được hoặc không. Nhưng anh không quan tâm đến chuyện này. Điều anh quan tâm hơn cả là tìm được đích đến cho nghệ thuật của mình. Đích đến này anh đã nhọc công đi tìm. Nhưng càng đi, anh càng thấy nó mơ hồ và huyễn hoặc đối với mình.
Những lúc rảnh, có nghĩa là không vẽ, không nấu cơm đi chợ hoặc quét nhà thì anh ra quán cóc đàn đúm với vài người bạn xưa học chung trường Mỹ Thuật. bạn bè một trường, nhưng giờ mỗi đứa mỗi nghề, tán hết chuyện này sang chuyện nọ bên ly cà phê đen pha loãng toẹt đến tối mịt. Thường thì anh dạo thêm hai vòng thành phố, ngó nghiêng những dãy hàng quán đang lên đèn rồi anh mới về nhà.
Nhiều lúc nghĩ thấy thương cảnh chồng lục cục lui cui một mình ở nhà. Huê bảo:
_ Hay em chẳng đi bay nữa. Em ở nhà với anh.
_ Không sao đâu, anh ổn mà.
Thi an ủi vợ, mặc dù trong lòng chỉ muốn bảo: "Ừ, em thôi quách cái việc bay lượn ấy đi. Cứ một mình thế này, anh mệt mỏi lắm rồi".
Huê nhìn đăm đăm vào mặt anh, nũng nịu:
_ Anh nói thật chứ?
_ Anh xin thề.
Thi cười tươi hơn bao giờ hết. Nụ cười dẹp tan mọi lo âu trong lòng Huê. Và thế là những chuyến bay lại tiếp tục làm họ trở thành vợ chồng Ngâu.
Khi dừng chân lại đôi ba ngày ở các nước, ngoài những giờ đi dạo phố hoặc shopping trong những cửa hàng lớn hoặc bé đang mùa giảm giá, nhóm tiếp viên hàng không lại tụm năm tụm ba tán gẫu trong những phòng khách sạn. Những ngày đầu, Huê ít ngồi với họ mà dành thời gian đi thăm thú mọi nơi. Đi mãi cũng nhạt, lại chỉ lủi thủi một mình nên về sau, cô lại sà xuống trò chuyện với mấy chị em.
Họ có đủ thứ chuyện để nói. Nhưng chuyện rôm rả, xôm tụ nhất vẫn là về các đức ông chồng. Với Thuyên Và Khuê thì đàn ông không đáng tin cậy một chút nào, nhất là trong tình cảm. Miệng nói một lòng một dạ với mình nhưng chỉ cần mình khuất mặt khuất mày một tí là biết tay nhau liền. Hoa, chưa chồng thì bảo:
_ Khiếp, mấy chị nói thế thì ai dám lấy chồng nữa.
Huê cũng đồng ý như vậy. Cô không tin, cũng chưa một lần nào có ý nghĩ rằng Thi sẽ phản bội mình. Cô bảo:
_ Em chẳng tin ông xã nhà em làm những chuyện như vậy. Ai đời vợ nai lưng ra làm, đi sớm về khuya cực khổ mà chồng ở nhà lại nỡ lòng làm chuyện đó.
Thuyên cười rũ ra, chê Hoa và Huê lạc hậu, quá ngây thơ. Cười xong thì khóc nức nở. Những giọt nước mắt to cồ cộ cứ thế mà tuôn xối xả làm Huê bối rối quá. Khuê bảo:
_ Cứ để cho nó khóc. Khóc xong là nhẹ lòng ngay ấy mà. Nó có chuyện buồn đấy.
Gặng mãi mới biết tin lần vế trước, Thuyên muốn thử chồng nên không báo ngày giờ mình về. Cô đột ngột về nhà thì bắt gặp trên giường mình một người con gái khác. Không đẹp, không giỏi bằng cô, nhưng bù lại, cô ta có thể gần gũi với chồng cô hằng ngày. "Đàn ông là vậy đó". Khuê chặc lưỡi rồi lại bảo: "Không tin được đâu".
Huê bó gối trên giường, chăn trùm đến tận cằm, lơ mơ suy nghĩ. Khuê bảo:
_ Cũng chẳng trách được đâu. Có vợ, vợ lại đi biền biệt. Lúc về mệt mỏi quá, chuyện chăn gối có khi lại dửng dưng. Đàn ông khoản này bản năng lắm. Nhẹ thì hắn đi bia ôm, ăn bánh trả tiền. Nặng thì dấm dúi dài lâu với một cô ả.. Nếu hiểu thì cũng dễ bỏ qua mọi chuyện.
Huê rụt rè bảo:
_ Nhưng em nghĩ đã yêu thì phải chung thủy với nhau chứ. Kể cả chuyện ấy cũng vẫn chịu đựng được.
_ Mày ngây thơ lắm em ạ.
Thuyên đã thôi khóc. Hai cánh mũi đỏ như hai quả cà chua:
_Nhiều ông có nhu cầu giải quyết sinh lý mà đâu dính gì đến chuyện yêu đương. Họ nghĩ ăn bánh trả tiền là xong thôi, là quên. Như một vụ làm ăn vậy thôi. Họ nghĩ như vậy là đâu có lỗi với vợ.
_ Đàn bà mình mới là cực thân nhất.
Hoa tiếp lời, nét mặt suy tư hẳn.
Huê nghe họ nói vậy thì biết vậy. Nhưng lần lữa, những câu chuyện của họ cứ nhập vào đầu, thành nỗi ám ảnh không dứt. Cô bắt gặp mình hay tự hỏi thầm, Thi đang làm gì, ở đâu, với ai. Anh có giống như những người đàn ông trong chuyện kể của Thuyên và Khuê không? Anh có khi nào phản bội cô, dù chỉ một lần không?
Công việc của Thi vẫn chỉ có vậy. Vẽ những bức tranh khó bán hoặc lang thang cà phê với những thằng bạn từ thời đại học. Đôi lần, đám bạn rủ đi bia ôm, nhưng anh đều lẩn tránh. Cũng không bao giờ dám tơ tưởng tới một bóng hồng nào, dù anh biết trái tim mình rất dễ rung động. Đơn giản vì anh không muốn Huê buồn. Cả cuộc đời này anh chỉ muốn dành cho riêng Huê.
Sáng nay, anh dậy khá sớm để đón Huê từ Pháp về. Máy điện thoại reo chuông inh ỏi. Một giọng nữ ấm áp đầu dây vang lên:
_ Dạ, có phải đây là máy của anh Tâm không?
_ Không, chị nhầm rồi.
Anh toan bỏ máy xuống thì đầu dây bên kia lại thỏ thẻ cất lên:
_ Sao lạ vậy, anh Tâm cho em số này mà. Có phải số...
_ Không đâu. Số cuối là 6 chứ không phải là 9 chị ạ.
_ Khoan, anh đừng cúp máy. Gọi lộn số cũng không sao. Em... em đang buồn quá!
Đầu dậy bên kia có tiếng khóc thút thít. Trên đời anh sợ nhất nghe con gái khóc. Anh cuống quýt xin cô gái lạ hãy bình tĩnh, có chuyện gì cứ kể anh nghe. Anh như bị cuốn hút vào câu chuyện tình đầy bi thương của cô. Đến khi đồng hồ điểm 9 giờ, anh mới giật mình cúp máy.
Chuông điện thoại lại reo. Lần này là Huê. Cô hỏi anh đang ở đâu mà sao đến đón cô trễ thế. Thi ấp úng, bảo:
_ Anh bị đau bụng quá, phải ngồi toa-lét nãy giờ. Anh đến đón Huê liền đây.
Suốt hôm đó, người Thi cứ nôn nao. Anh vừa mong vừa sợ cô gái ấy gọi điện lại. Buổi tối, vợ Thi vừa đi công việc thì số máy ấy lại xuất hiện. Vẫn giọng con gái miền Bắc ấm áp, đầy truyền cảm. Lần này, cô thôi không kể chuyện mình mà khéo léo dẫn dắt để Thi kể hết mọi chuyện. Chỉ là một cuộc chơi, Thi tự nhủ như vậy nên nói dối: "Anh vẫn còn độc thân em ạ", bằng một giọng vừa rất tôi nghiệp vừa rất hào hứng.
Huê đi Hà Nội ba ngày. Ba ngày này, Thi và cô gái xưng tên Lan liên lạc với nhau độ khỏng năm ba lần. Mỗi lần không dưới hai mươi phút.
Thi vẫn luôn thầm dặn mình đây chỉ là một trò chơi. Nhưng càng lúc anh càng thấy mình bị hút vào trò chơi đó. Nên đến khi suốt bốn ngày cô không gọi lại, Thi cũng không liên lạc được với cô, tự nhiên anh thấy lo lắng bồn chồn như mình sắp bị mất một cái gì vô cùng quý giá (lúc này Huê đang ở Úc). Đến ngày thứ năm, cũng vào một buổi sáng còn rất sớm, Lan gọi lại cho anh và bảo:
_ Xin lỗi anh, mấy hôm nay em bận có việc phải về quê. Ở đó không phủ sóng nên không cách gì gọi được cho anh. Nhưng nhờ vậy em mới hiểu được lòng mình (Lan ngập ngừng một lát). Em mới thấy anh thật quý giá với em biết bao nhiêu.
Thi không diễn tả được cảm xúc của mình lúc này. Anh cũng bảo:
_ Anh rất nhớ em.
Bên kia im lặng một lát. Rồi lan hẹn:
_ Tối nay mình gặp nhau đi anh. Chẳng lẽ cứ vầy hoài, em không chịu đựng nổi nữa.
Giọng nói nũng nịu ngọt ngào của Lan làm Thi không cầm lòng được. Anh nghĩ mai Huê mới về. Đây chỉ là trò chơi, gặp nhau một lần cũng chẳng mất gì, nên quyết định bảo:
_ Ừ, tối nay, chín giờ, quán Tuấn Ngọc nhé.
Đúng giờ, Thi xuất hiện ở cửa, mặc sơ mi đen, quần kaki xám, tóc chải bóng mượt, trên tay cầm một bông hồng trắng. Anh dự định tối nay gặp cô để nói rõ hết mọi chuyện. Và để xin lỗi cô vì trò đùa quá trớn của mình.
Len lỏi qua những dãy bàn ghế khập khiễng và qua những đám khói thuốc mờ mịt, Thi thấy thấp thoáng bóng một người con gái mặc chiếc áo màu tím, tóc búi cao, trên bàn để một bông hồng đỏ.
"Đúng là cô ấy rồi", Thi khẽ reo lên rồi tiến lại gần. Khi đã sát bên thì anh thấy chân tay mình bủn rủn. Một nỗi kinh hoàng chưa bao giờ có trong đời làm cả người anh tê điếng.
Huê, vợ anh, đang quay lại nhìn anh, nhoẻn miệng cười. Cười rất tươi, nhưng mắt đã ngậm đầy nước, báo hiệu một cơn lụt lội mà anh không biết sẽ chống đỡ bằng cách nào.

Bài liên quan
  • VỰC THẲM – Truyện ngắn Nguyễn Kiên

    VỰC THẲM – Truyện ngắn Nguyễn Kiên

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vực thẳm là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Kiên. Ông là một trong số các văn nghệ sĩ được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I, cho các tập truyện ngắn: Trong làng, Vụ mùa chưa gặt, Trái cam trong lòng tay.
  • Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ở xứ vô loài là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Đình Tú in trong tuyển tập Hoa Cúc Vàng, gồm các truyện ngắn hay đăng trên Tạp Chí Nhà Văn, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2007.
  • XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đức Sơn (bút danh Sao Trên Rừng - 1937-2020), một trong ba kỳ nhân của làng văn, tức ba người có cá tính kỳ dị bậc nhất làng văn, gồm Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện. Về tài năng, giới văn chương xếp Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên là tứ trụ thi ca miền Nam. Đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn, Nguyễn Đức Sơn nghỉ ngang và tuyên bố: "Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu." Năm 1979, Nguyễn Đức Sơn đưa vợ con lên đồi Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng lập nghiệp. Trên quả đồi do nhà sư Nhất Hạnh tặng, ông trải qua bốn mươi năm cùng vợ con sống như những sơn nhân. Năm 2020, ông ra đi và để lại cho Bảo Lộc một đồi thông Phương Bối tuyệt đẹp rộng 15ha do chính tay ông trồng, canh giữ, và thậm chí đổ máu để bảo vệ.
  • NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngôi đền và ông già câm là truyện ngắn trong tập truyện Khuyển Đế của nhà văn Trần Tâm xuất bản năm 2017.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tôi kéo xe là thiên phóng sự mẫu mực của nhà báo Tam Lang, in lần đầu trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1932. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua, giá trị văn học của tác phẩm vẫn nóng hổi cho tới tận ngày nay, thời mà truyền thông, mạng xã hội bùng nổ chưa từng thấy. "Nghề viết văn viết báo ở xã hội VN là nghề bạc bẽo và bấp bênh nhất. Đâm đầu vào nghề mà không có được người vợ đảm đang tháo vát, tần tảo nuôi nổi gia đình trong thời gian mình thất nghiệp vì bất mãn, vì báo bị đình bản có giới hạn hoặc thu hồi giấy phép thì chuyện treo niêu gác bếp là chuyện rất thường" - Tam Lang.
  • MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Trong suốt năm mươi năm cầm bút, nhà văn tài hoa của Miền Đông Lý Văn Sâm đã để lại một số lượng tác phẩm khá đồ sộ, bao gồm nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như Kòn Trô (1941), Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thùy (1948), Sau dãy Trường Sơn,... Năm 2007, nhà văn Lý Văn Sâm được trao Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm; Sau dãy Trường Sơn, tập truyện ngắn Sương gió biên thùy và Toàn tập Lý Văn Sâm.
  • CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuồng nuôi ngựa là truyện ngắn của nhà văn Như Phong in trên Báo Mới số 2 (ngày 15-5-1939) và số 3 (ngày 1-6-1939). Nhà văn Như Phong được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 Năm 2007.
  • NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người Thày Thuốc là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Thanh Châu, Tân Dân xuất bản năm 1938. Ông chính là tác giả của truyện ngắn Hoa Ti-gôn, vốn là khởi đầu cho một cuộc tranh luận bất tận cho tới tận ngày nay về bài thơ  “Hai sắc hoa Ti-gôn”, của nhà thơ “bí ẩn” T.T.Kh.