chan_dung-ke_si

VIỆC CUỐI ĐỜI - Truyện ngắn Đoàn Ngọc Hà

16-07-2023

Lượt xem 976

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay    

VIỆC CUỐI ĐỜI - Truyện ngắn Đoàn Ngọc Hà

   Ông bà Thung vui vẻ vào bữa. Lâu nay, theo sáng kiến của ông bữa nào cũng có món "ghém", ghém ở đây là những chuyện vui làm cho bữa ăn ngon. Vốn là giáo viên văn, người đẫy đà, ưa ướt át, nên chuyện của bà khá đậm. Ông thường khà khà với đám tướng tá trong hội cựu chiến binh rằng ông hơn đứt các cậu khoản ấy.

   Bà vừa kể ông nghe cái chuyện cười vãi nước mắt. Cậu Mãng ở quê ra chợ tỉnh gặp một ả... Nó ngọt như đường. Nó thơm lựng. Nó nhúng nhính. Nó điệu đà. Nó thế nào nữa mà cậu è vai gánh cho nó bao nhiêu là hàng hóa. Ðến quãng vắng, nó xin hàng, cám ơn. Khổ! Nó cứ liu riu như  sáo, va động vào cậu để... trả công. Cậu thẹn điếng. Về nhà nói với bà, còn ngốt lên vỗ đùi đen đét rằng tiếc.

   - Rõ thiệt! Mình có thấy quê mùa ra tỉnh là cứ thiệt...!

   Vị trung tá già ngậm ngùi.

   - Thiệt đứt chứ lị! Nhưng rồi nghĩ mà thương cho nó! Mãng, con đô Vãng; khỏe nhất vùng. Ông khăn gói đi khắp nơi, vật đổ trăm miền thiên hạ. Vào vật, ông uống một lon nước cua rồi bùng lên như một con hổ. Năm vật ở Kẻ Lý, đám không minh, tức máu, ông bê cả phản quan viên ném vèo ra ngoài sới. Ông bị họ thù, đâm lòi ruột... Mãng có cái dáng của cha. Ðen sì và cao ngộc, nghịch ngợm bông lơn nhưng ít học. Vợ sảy thai, nửa đêm hồng hộc cõng chạy xuống trạm xã. Vợ chết, sống độc thân...

   - Xóm mình còn con Bột... đến tội! Bà gắp miếng cá kho dọc mùng đắp vào bát cho ông.

   Ông lặng thinh. Bà nhâm nhỉ:

   - Hôm qua nó chỉ vào trán tôi: "Nhà bà có đức mà chưa có hậu!"...

   - Vậy là nó đã nói động đến nhà ta. - Ông nhỏ nhẻ nhai miếng cơm.

   - Thế còn khá! ừ, nói vậy là còn khá...

   Ðêm ấy, ông không ngủ được. Tầm quá nửa đêm, ông ra khu vườn. Thói quen của ông trong những lúc buồn thường ra vườn ngồi cho tĩnh tâm. Vượt qua những khoảng trống lộng lẫy ánh trăng, ông đến bên phiến đá đặt dưới gốc một cây nhãn. Trước đây phiến đá hướng thẳng ra ao để ông hưởng chút mát lành của hơi nước. Bây giờ, cái ao mang nỗi đau rỉ máu trong lòng ông. Ông hướng thẳng phiến đá về phía vườn nhà cái Bột. Cái vườn hoang ấy thênh thang và rách rưới, vui mắt một chút là những cây bạch đàn. ồ! Lâu nay, ông vẫn ngắm những thân cây ấy, sao mà nó đẹp! Nó ngời sáng như một tia sữa vọt từ lòng đất vào đêm đen. Như cái đêm nay thì nó vươn trắng, mịn nõn tựa da thịt người... Cây đó mà người đâu? Ông Năm Hạng, bố cái Bột trồng nên hàng cây đó... Con người ấy lùn dính đất, lừ lừ và đen trũi. Ông đã lấy những cây bạch đàn ở vườn ươm hợp tác mang về trồng ở vườn nhà mình. Chủ nhiệm sỉ mắng thậm tệ và tuyên bố đó là tài sản chung, khi nào cây lớn, hợp tác hạ xuống dùng. Uất quá, lão già ốm mà chết.

   Bố chết, con bé không còn biết nương tựa vào ai. Mẹ nó như một quả sung rụng, nay ốm, mai đau. Nó đành bỏ cái quyết tâm vào đại học nông nghiệp. May mắn, nó được hợp tác ưu ái đưa vào chân kế toán phụ. Nó hăng sổi, tính toán nhanh, làm giỏi. Người ta có ý bồi dưỡng nó vào chân kế cận. Trong tổ tài vụ hợp tác, có một người khá hào hiệp. Anh ta trắng trẻo, điển trai nếu không có cái chân thọt bắt anh vừa đi vừa "chấm phẩy" xuống đất...

   Anh chàng ba con lén vợ, yêu vụng dấu thầm cô kế toán phụ. Bột được anh quan tâm mọi mặt. Cuối cùng thì cô gái hai mươi tuổi đổi một đêm cho gã "chấm phẩy" để được một mảnh vải pho. Hợp tác đùng đùng đổ bễ do một vụ tham nhũng. Chủ nhiệm lao đao. Kế toán trưởng lộ tẩy về kinh tế, Bột chửa hoang. Cô bị đe dọa nghiêm trọng, bị phạt đền khá nặng nếu không bảo vệ uy tín cho ban quản lý. Và thế là Bột rời hợp tác với một tấm thân ô uế, chịu mang tiếng là một con đĩ nơi đầu đình xó  chợ... Mọi việc đâu lại vào đấy. Ðoàn thanh tra về chỉ là để trấn an dư luận. Chủ nhiệm vẫn vững vàng.

   Gã "chấm phẩy" điển trai vẫn cứ vênh vang lên kính gọng vàng chấm phẩy trên mặt đường đầy rác rưởi...

   Cho đến một đêm, ồ cái đêm cũng trăng sáng như thế này đây. Dạo ấy trung tá Thung vừa chấm dứt cuộc đời binh nghiệp về quê. Ông ngồi thả câu bên cầu ao sau nhà. Một tiếng hét rợn gáy làm ông sửng sốt. Tiếng lịch huỵch chạy đuổi bên vườn ông Năm Hạng. Hai bóng đen túm được nhau giằng co. Ðó là mẹ con bà Năm. Bà rít lên, bổ soài néo con lại. Ðứa con gái vọt lên. Mỗi lần bà túm được nó lại bị nó vằng cho ngã khuỵu. Cuối cùng thì đứa con gái lao như một mũi tên đến rệ ao. Một tiếng "tõm" ghê rợn! Bà già bò ra mép nước, chới với đôi tay về phía quầng sáng đang vỡ ra lan rộng.

   - Ôi con ơi là con ơi! Thôi thế là mang tội với trời... Ðứa con gái xốc bà già lên trong tiếng nấc.

   - Con xin mẹ! Ðó là đứa con của con nhưng lại là giọt máu của một thằng khốn nạn nhất trần đời này!...

   Hai mẹ con người khốn khổ đã về rồi, trung tá Thung còn đứng lặng đầu ủ rũ. Ông cứ nhìn trân trân vào cái khoảng sáng lạnh ở một góc ao.

   ở đấy vừa chôn một con người...

   Trở về phòng ngủ, ông lảo đảo nằm vật xuống. Ông không thể nói nỗi kinh hoàng này cho bà biết. Nằm một lúc lâu, ông hốt hoảng chạy ra ao. Liệu còn cứu sống được nó không. Ðó, cái khoảng nước sáng như một miếng thủy tinh. Cái ao là một cỗ quan tài, miếng thủy tinh đậy nắp. Ông thấy bức bối, khổ đau. Làm sao lúc ấy, ông không lội ào xuống? Ðã đành rằng vết thương làm một khúc xương ống của ông bị dò không bao giờ lội nước được nữa, nhưng ông đã làm ngơ trước một tai nạn! Tự nhiên ông thấy mình tàn nhẫn.

   Sáng ấy, bà đi chợ. Ông gọi thằng Thủy. Nó đang leo cây ổi. Nghe tiếng ông ở mé ao, nó nhảy phốc xuống. Ông chỉ tay xuống một góc ao, nơi gần một bè bương ngâm:

   - Con xuống đó mò thử xem nếu thấy một vật gì cũng mang lên cho bố!

   Ông vừa dứt lời thì thằng bé đã lao xuống như một con nhái. Nó lặn ngụp, mò mẫm rồi nhô lên vuốt mặt, lau láu:

   - Bố ạ! Rõ con chạm vào cái gì trơn trơn choài vào trong bè!

   Ông chưa kịp nói gì thì thằng bé đã tụt xuống. Và vĩnh viễn nó xuống thủy cung, không bao giờ trở về với ông bà nữa! Thằng Thủy - đứa con duy nhất của ông, lận đận mãi mới có được nó, mắc vào giữa bè bương. Cái láu táu, dại dột trẻ thơ của nó đã làm ông gây nên một tội ác cuối đời. Ông muốn vớt để chôn đứa bé sơ sinh tội nghiệp kia thì lại giết luôn con mình.

   Nỗi đau của ông ngày càng tấy lên da diết cùng với nỗi đau người hàng xóm.

   Bà Năm Hạng ốm liệt. Bột phải bán cả cái xe đạp rách chạy thuốc cho mẹ, rồi nó phải lặn xuống những thùng sâu đồng vắng mò ốc kiếm sống. Nó mò ốc... chao ôi! Người đâu chả thấy, chỉ thấy cái nón nổi lều bều... Ðược dịp, người ta bắt đầu nói những chuyện rùng rợn, bao nhiêu là chuyện rùng rợn! Gương nhỡn tiền  ra đấy - người ta bình luận -  trời có mắt, trời quả báo cho mà biết. Loại cầm thú còn biết thương con nữa là người. Con đĩ ấy mà chết thì cứ phải leo cầu vồng cho chó ngao nó cắn lòi ruột! Những tiếng rủa sả còn ác độc hơn những mũi tên nhọn. Bây giờ nó mới thấy đau. Nó có tội tình gì. ối trời ơi, đau đớn quá! Có ai giết người như nó không? Trời ơi là trời, nó là người hay là quỷ mà dám làm cái việc man rợ ấy? Sống làm gì nữa? Nào nó muốn thế đâu? Nó chắp tay lạy thiên hạ trời đất cứu sinh cho nó. Quả là nó oan. Nó cuống cuồng cào cấu. Nỗi đau dồn nén đến cực độ. Liệu nó có làm người được nữa không? Ðến khi đắp xong nấm mộ cho mẹ thì Bột làm cả làng kinh dị. Nó đập cửa đùng đùng và cười lên khanh khách. Nó múa, hát, giật tung cúc ngực, xổ tóc, cười khóc, nhảy nhót uốn éo... Trời ơi! Nó thành con điên mất rồi. Cả làng đổ ra đường xem con Bột điên. Trẻ con ném đá, la hét. Các bà khoặm mặt lại. Tụi thanh niên hô hố vỗ tay. Một con điên trẻ! Chao ôi, một đứa con gái điên, tấm thân bà mụ nặn, đôi chồi xuân tròn xoe trên ngực.

   Trước con mắt nhớn nhác của mọi người, nó giậm chân xuống đường mà hét:

   - Ta là bà chúa cửa hang, bà hoàng cửa bể! Kia kìa cái làng thối gốc trồi rễ, bán cả đình chùa. Một vạn cái đầu lâu hoa cái nằm như ốc kia kìa. Chỗ của các ngài làm việc! Ðâu? Chỗ nào?...

   Nó thét lác. Nó lồng lộn như ngựa xuống cuối làng. Nó chỉ vào ngôi chùa đổ nát còn có thập điện giữa trống hoắc mà giẫy lên đành đạch: "Ðâu? Chỗ nào?" "Chỗ các ngài làm việc?" Nó nói cứ như rắn trong lỗ bò ra. Khiếp vía!... Cái sự âm dương cách biệt, trời phật biết đâu, làm sao nó quái ra thế này?

   Từ hôm ấy, làng bắt đầu lâm vào một không khí nghiêm trọng. Các cụ bàn tán. Nhiều người được báo mộng. Bói ra khoa thấy. Việc vỡ lở..." Một vạn cái đầu lâu hoa cái" là khu tập thể hóa mồ mà. Còn chỗ các ngài làm việc thì chả phải nói. Chùa Thượng trước đấy thờ cúng rầng rậc. Hợp tác phá ra làm nhà kho. Ðức Phật, xiêm y, cờ quạt... xếp đống, mối mọt hết. Khi có chủ trương chia ruộng khoán, hợp tác co lại, kho tàng không còn nữa, ngôi chùa cổ bị tàn phá mới lộ ra những vẻ thảm hại của nó...

   Như một cơ may, chùa làng ráo riết được lập lại. Chả xây kịp thì người ta đắp đất, trát vách. Chưa có ngói, người ta lợp rạ. Hẵng dọn lấy ba gian "mời các ngài về làm việc". Tượng chưa có thì thuê đắp. Tượng thạch cao đắp nhanh lắm. Con cháu lí lém đi xin tượng, có khi còn bê trộm, đánh cắp tượng làng khác! Bát   hương cũng tân tiến; bằng nhựa, bằng... cả một cái mũ cối to tổ bố đặt giữa tòa sen!

   Vậy mà ngày khánh thành, tế lễ xập xèng cũng rộn rã lắm. Các già lụ khụ lên những chiếc áo dài từ tám đời meo mốc. Họ quỳ lậy, khấn khứa cầu cho phúc lai, tai tống, cầu cho con của thì tươi, con người thì tốt, cầu cho... Choảng!... Một tiếng đập dữ dội. Các cụ giật mình ngơ ngác. Con điên! Con điên. Nó vừa ném cái đĩa hoa trên Tam Bảo... các cụ lộn ruột. Không lẽ làm thế nào. Nó đã đứng giữa gian chùa mất rồi. Mấy thằng chũm chọe, mấy lão đang gõ đập trống thùm thùm cũng phải ngừng tay len lét nhìn vào hai quả dâu chín sậm trên ngực nó. Mấy lão cung văn đang "ê à ê a" cũng thu chân bó gối. Nó hét lên như xé vải rồi tung cái khăn quay tít như vũ ba lê. Khổ nhất là cái đít của nó cứ ninh ních quay vào cửa Tam Bảo. Một lão chũm chọe lộn máu phát đánh bốp vào mông nó: "Hỗn! Cứ quay đít vào cửa Phật!". Nó quay phắt lại, nhảy vọt lên đậu vào cổ lão chũm chọe dìm xuống: "Phật là ai? Phật là ta kia kìa!..." Ai dè vừa lúc ấy cái mũ cối bốc hỏa, bát hương cháy đùng đùng. Ba gian chùa lửa loa lóa, khói đặc kịt, tiếng hét của con quỷ nửa người nửa phật làm ai nấy kinh dị. Có người còn nửa tin nửa ngờ nhưng ai nấy sởn gai rợn gáy. Phật về. Các ngài về...Vậy là những bàn tay, những mái đầu hướng cả về phía con điên lạy lục, xoa xuýt...

   "Ngài" kẹp đầu cảnh cáo thằng chũm chọe xong thì nhảy phắt vào chiếu cung văn nhắm mắt, tay hoa, người đảo! Tiền lễ tiền cúng rào rào. Ai cũng len vào tìm chút cơ may, thần phật giáng hạ cõi thế!...

   Những mớ tiền xanh đỏ đã nổi cộm trên một chiếc khay lớn, còn cứ chất vào. Ðám cung văn bộ phận chiêng trống giúp lễ đảo mắt nhìn khay tiền... Thế là giọng than vãn cầu lạy đồng thanh rộ lên như một dàn hợp xướng.

   - Tỏm cắc! Tỏm cắc! Thì thùm! Thì thùm...

   Trống nổi lên ròn rã hòa nhịp, khí thế trang trọng, linh thiêng lắm.

   Ðám lễ cứ thế kéo cho đến khuya, kéo dài ra mấy ngày liền. Tin Phật giáng thế lan truyền. Cả một vùng ùa chảy. Tin còn truyền "ngài" còn chữa được cả tứ chứng nan y. Bệnh đâu, ngài chỉ ngón tay đấy là khỏi. Rồi thì xe máy bâu về như ong vỡ tổ. Con nhang, đệ tử của ngài lúc nhúc về với áo xanh áo đỏ, với khăn chầu áo ngự tím vàng y như mối cánh ra mưa... ngài chỉ việc phán và thu lễ, và ngài phán...

   Ai đến, ngài cũng chỉ ngay vào mặt mà đọc vanh vách, mấy bà vợ mấy ông có chức sắc cũng thậm thụt tìm đến. Ngài chỉ vào mặt một bà đang vái lia lịa và run như cầy sấy mà hét: "Con mẹ kia! Mau mau lật đáy cái hòm lên, có ba chữ đại tự ở đấy. Trả ta! Trả ta!... Của nhà mày toàn của bất lương! Lật cái chân móng lên trả ta ba phiến gỗ lim...". Ngài khai suất ra bao nhiêu là tội. Kẻ lỉm dỉm như lão thủ kho, ngài cũng chỉ ra rằng lão lấy cái bát hương đúc đồng to như cái thúng cái đại ở chùa bán cùng với việc lão tuồn hàng chục tấn lúa ra chợ Ðại. Sự cứ thế mà bùng lên. Ai bịt được miệng con điên? Ai bịt được miệng quỷ thần? Ngài cứ sưng sưng mà nói ra. Nói ra rả.... Chết nỗi. Hình như có cơ quan về ghi chép những tiếng nói của ngài. Thôi thì sửa lễ hậu, nói lời vàng kêu cầu riêng với ngài cho được kín nhẽ. Thế là những kẻ có tội ở đâu cũng mò về để ngài khai suất cho mà nghe mà sám hối. Họ đến lén lút như những con chuột vào ban đêm, đặt lễ, tay chắp chân quỳ nghe ngài phán. Bao nhiêu tội kinh người cứ được ngài lôi ra tuồn tuột.

   Kẻ lừa lọc, thoán đoạt. Kẻ ném bố xuống ao. Kẻ nhốt mẹ vào chuồng trâu. Kẻ thông dâm. Kẻ hiến vợ... Chao ôi, cái mớ tội phạm sao mà nhầy nhụa đến thế? Những tiếng kêu, tiếng đòi kinh thiên, động đến chín tầng mây!...

   Ai mà biết được những tội tiềm tàng ấy? Không có con mắt trời phật soi xét thì ai dám vạch ra tất cả như vậy? Chưa ai xét xử nhưng dư luận đã rùng rùng phán quyết. Ðã thế người ta phải bắt con điên trừng trị nó. Phải diệt nó bằng tội phạm! Nghe cái tin rùng rợn ấy, một đêm ông Thung vãng ra chùa. Trời ơi! Ông chứng kiến... con điên? Trong tưởng tượng của ông thì đó là một con bé xanh gầy bị tàn phá bởi sự mông muội của trí não. Nhưng không. Nó béo nục. Có phần rực rỡ. Sao thế này? Ông choáng mắt. Ông vẫn thầm nghĩ: con bé ranh ma giả điên dại để được dịp phun mọi tội lỗi ra ánh sáng. Bây giờ thì ông quả quyết rằng; nó điên thật! Nó vơ đồ lễ ăn như trâu bò nhai cỏ non. Nó cọ đôi bầu vú to vào tường mà hét lên. Nó rùng mình nghiêng ngửa. Vồ cái nọ, vật cái kia. Ôm chòa lấy cái cột nhà mà riết lấy, mà nghiến răng lên kèn kẹt. Cả người nó sưng sỉa, chín mẫm. Mặt vỡ ra bừng bừng, Mắt đổ chao chát. Nó nổ bùng lên từng lúc rồi gục xuống chết rụi, rã rời kều cào man dại...

   Ông Thung vẫn ngồi đó, xoay lưng về cái ao rỉ máu, mắt không rời những thân cây bạch đàn tròn nuột, trắng muốt, lay động những mảnh trăng. Bây giờ, ông thấy rã rời thực sự. Ông vô tích sự giữa cái làng rách nát. Ông không cứu nổi một con bé tội tình...

   Bỗng mắt ông mờ đi, sầm lại. Bầu trời như một cái lẵng rung rinh, rung rinh... Ông không còn tin ở mắt mình nữa. Một vòm bạch đàn rung khẽ. Dưới gốc trắng ngời của nó, một tấm thân con gái. Cứ thế cái tấm thân ghì néo, oằn oại lấy cây bạch đàn. Tấm thân bươn lên, tụt xuống, lả lón, vặn vẹo với cái thân cây cho đến khi cúc ngực bung ra, rồi thì cả tấm thân lộ nguyên hình như một con rắn trắng quện chặt lấy cái thân cây cũng trắng. Cái thân cây rung chuyển, vòm lá rũ rã. Tấm thân vẫn néo lấy, vồ vập, cuống quýt cho tới khi đôi tay rời ra, tụt xuống nhũn lịm dưới gốc cây bạch đàn trắng toát, đờ dại như da thịt người dưới ánh trăng về sáng....

*     *     *

   - Con hãy ở nhà. Làm cơm ăn xong rồi hãy đi chơi bè bạn. Ðược không?

   - Thưa vâng!

   - Có một việc... hạnh phúc của con đấy. ý bố vậy, còn tùy con!

   - Vâng!... Bột cúi đầu suy nghĩ rồi đi làm bữa cùng bà Thung...

   Ông châm thuốc....

   Chính ông không ngờ mình làm được một việc cuối đời. Chà! Con bé... Từ cái đêm trăng ấy mách bảo ông. Ông phải cất công lên nhà lão chủ trang trại ở Ba Sao tìm đường cứu nó. Lão chủ trại Long Phước trước là cấp dưới của ông mừng quýnh khi gặp lại ông. Một vùng trời đất rộng lớn của lão cứ như một trang trại từ những thế kỷ trước ở châu Âu! Lão thầu hàng chục mẫu đất trồng. Người làm như ong. Cũng toàn loại thất cơ lỡ vận, đầu trộm đuôi cướp. Lão không cưỡi ngựa mà dận xe máy ào ào xuống điều hành công việc ở các xưởng , nơi những chùm lửa hàn tóe ra xanh lét, tiếng động cơ ầm ù, nơi có những khuông nhà đong đầy những bò, dê, gia cầm... Ông thèm cái chỉ tay, cái gật đầu, cái cười ào ào như tung, như phá của lão bạn. Lão tiếp ông bằng tái dê, chả chó, chim quay. Thì ra con người vốn cao quý. Ông thấy óc của thằng bạn là vàng. Và tim nó, một trái tim dào dạt sóng chiều. Khi ông ngỏ ý gửi con bé và những thành tích "bất hảo" của nó, thằng bạn cười rung rinh những đống cơ bắp ụ lên như những quả dưa hấu ngổn ngang, xếp đống trên người nó!

   - Ðược! Nó cần chồng hay cần con. Hả?

   - Cần việc!... Sau một giây ngớ ra, ông trả lời một cách vụng về.

    Nó - bạn ông lại cười vỡ ra nghiêng ngả:

   - Chao ôi! Cụ "cổ đại" rồi đấy! Thời buổi kỹ thuật - công nghệ - la-de-điện tử! Con người, con người muôn năm! Trước đây, tôi cùng ông giải phóng những miền đất, thì giờ, tôi giải phóng những con người. Tôi giải phóng hàng trăm du thủ du thực đẩy nó về đời thực: lao động, hạnh phúc, con - người - hoàn - thiện! Chà chà! Chúng nó bắt đôi như ếch, cưới nhau như tôm tươi, cùng lắm thì cũng tạo hạnh phúc cho nó một đứa con... Ðó!

   - Thế thì... Ông Thung ngập ngừng: - Ðứa cháu tôi, nó đấy, mong ông ném trả lại cho nó cuộc đời con gái là được rồi!

   - Bắt tay!...

   Lão bắt tay ông nổ đánh bốp như một phát đạn.

   Ðêm nằm, lão cười nghiêng ngả, kể chuyện dào dạt say sưa. Trung tá già ứa nước mắt. Ông nghĩ đến cái làng của ông. Bạn ông đó, chưa tin là mấy nhưng ông thấy rõ ràng có một luồng gió mới.

   Ba tháng sau, Bột về chơi. Nó khóc lặng, mừng tủi. Nó xin nhận làm một đầu con của ông bà. Nó - hoàn thiện như một đứa con gái tân tiến hiện đại với "phăng pho", "cúp kíp", nói chuyện làm ăn cứ sôi lên như lão chủ trang trại. Nó khoe đang học "nổ", học "nguội". Ðêm nó nằm rõ như một con dê bên bà Thung.

   Nào ngờ chưa được hai năm nó lại về làng với cái dụng cụ đồ nghề "hàn", "nổ", "nguội"... của nó. Nó bảo nó về hẳn quê lập nghiệp cho cái làng này, cho cái vùng này. Mới ghê!... Nó có cái sổ gáy vàng gấp gấp mở mở. Nó hỏi cái thổ đất vạch vẽ... Cứ như một công trình sư.

   Từ hôm nó về, ông bà dấp dính cho nó một đám. Chả ai xa lạ ngoài cậu Mãng. Mới nghe, nó đổ người cười rũ. Nó dúi vừng mặt chín đỏ vào mặt bà thủ thỉ: "Cái ông cõng vợ chạy loạn á, mẹ?". ý nó chê Mãng ít học. Ông bà đành tùy nó.

   Ðêm ấy, ông bà dọn cơm chờ nó mãi. Tầm nửa đêm, bà lo lắng gọi ông. Ông bà nóng ruột lắm. Ai bảo nó đã có thể thảnh thơi sống giữa cái làng này? Về được mấy hôm, nó đã dùng tông tát vào mặt con trai gã "chấm phẩy" ra ý ghẹo nó. Khuya khoắt thế này, biết tìm nó ở đâu được? Hãy cố chờ nó lát nữa...

   Ông ngồi dậy ra vườn. Ông tha thẩn dưới một trời trăng. Trăng sáng lắm. Có tiếng nước xối bên ao, mé vườn ông Năm Hạng. Kìa! Dòng nước như một suối thủy tinh chảy tuột qua một tấm thân ngà ngọc. Mỗi khi dòng thủy tinh óng ả ùa xuống thì cả tấm thân lung linh muôn đốm sáng vọt lên. Bỗng như từ mây lao xuống một thằng người đen trũi quắp lấy tấm thân ấy chạy lên vườn. Hai tấm thân một đen, một trắng vờn nhau quấn quýt. Thằng người ăng - tê bế tấm thân mượt trắng chạy như điên quanh vườn. Chúng lăn giãy huỳnh huỵch như đập đất! Trăng tưới... Trăng vô tư lắm! Chúng hóa thân vào nhau lăn tròn trên vườn cỏ đẫm ánh trăng. Chúng hổn hển. Cái vườn trăng chòng chành. Chúng là ai, ông biết rồi. Bàng hoàng, ông lặng lẽ kéo bà ra vườn. Ông bà lặng nhìn sóng đen lướt trên sóng trắng giữa tấm thảm nhung ngời ngợi ánh trời...

   Bỗng nhiên, bà gục mặt vào vai ông lả nhũn đi thì thào:

   - Hèn nào chiều nay, tôi thấy thằng Mãng ra công xát trắng cái bộ răng vàng khè của nó.

   Ông run lên sung sướng. Nỗi sung sướng thánh thiện làm ứa đôi giọt nước mắt lăn xuống gò má khô.

   ồ lạ chưa? Bà Thung... Ðôi bạn già tự nhiên cứ néo vào nhau, ấp dìu nhau ngã dúi dụi mấy lần mới vào được đến cửa.

    Ðêm ấy, trăng sáng lắm.

Tháng 9 - 1990 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.