chan_dung-ke_si

Truyện ngắn CHIỀU MUỘN – Chu Quang Mạnh Thắng

07-01-2023

Lượt xem 3372

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

Truyện ngắn CHIỀU MUỘN – Chu Quang Mạnh Thắng

5 giờ chiều.

Mặt trời sắp khuất sau những tòa nhà cạnh công viên.

Gọi là “công viên” cho oai, thực ra, đó là một con đường rộng, dài gần 1 km, có hai làn ngược chiều nhau. Ở giữa con đường có hàng cột điện cao thế cao ngất. Bên dưới những sợi cáp cao thế to đùng, là khoảng “hành lang” được lát gạch sạch sẽ, rộng chừng 12 mét. Giữa hành lang là bãi cỏ rộng chừng 4 mét, có trồng hàng cau kiểng trông cũng khá đẹp mắt. Hai hành lang, mỗi bên rộng chừng 4 mét, dùng để cho người dân đi bộ, tập thể dục mỗi chiều và sáng sớm.

 “Công viên” quá nhỏ, mà lượng người thể dục mỗi sáng và mỗi chiều rất đông đúc, khiến nó vô cùng chật hẹp… Chật hẹp vậy mà có khi lại vui, vì mọi người thường đi sát vào nhau, người này đi cạnh người kia, nhóm này đi sát nhóm nọ, vừa đi vừa trò chuyện, tán gẫu với nhau và làm quen với nhau thật dễ dàng. Đó là khoảng thời gian chưa xảy ra dịch bệnh covid. Khi dịch bệnh xảy ra, suốt gần hai năm, “công viên” nhiều lần phải “đóng cửa” để thực hiện việc giãn cách xã hội.

Hắn là một gã trai độc thân. Hắn không giàu cũng không nghèo. Nhưng cả khu này đều nghĩ hắn giàu. Họ thấy hắn có vẻ nhàn rỗi, thích nuôi chó kiểng, chiều nào cũng quần soọc, áo thun, giày thể thao, dắt chó đi chạy bộ. Họ thầm thì: “Chỉ có dân nhà giàu mới có phong cách sống như thế”. Hắn hay cười xòa: “Chưa vợ, nuôi con cún để làm bạn cho đỡ cô đơn, giàu có đếch gì”. Hắn và con cún cũng từng chạy bộ mỗi chiều hoặc mỗi sáng ở “công viên” này đã hơn 5 năm nay, trừ những ngày thành phố phong tỏa và giãn cách xã hội. Sau đợt dịch đầy “chết chóc”, mọi thứ tạm ổn dần, người Sài Gòn bắt đầu sống chung với dịch bệnh, hắn và con cún lại ra đây đi bộ mỗi chiều. Khi hết giãn cách, mọi người cũng lại kéo nhau ra đây đi bộ, nhưng khoảng cách giữa người với người được nới rộng ra, cách nhau 2 mét. Mọi người đều đeo khẩu trang và ít nói chuyện với nhau như trước. Mà có vẻ như sau đợt dịch khủng khiếp, “công viên” cũng vắng hơn lúc trước. Một phần vì dịch bệnh vẫn còn âm ỉ chưa kết thúc. Một phần vì nhiều người đã bỏ Sài Gòn về quê. Và một phần nữa, đã mất trong đại dịch. Hắn thấy vắng đi nhiều người mà trước đây vẫn thường gặp mặt. Chỉ mong, sự vắng mặt của họ là do chưa muốn ra đường, hoặc đã về quê, hoặc đã đi đâu đó, mà không phải vắng mặt vì “lý do xấu nhất” trong đại dịch.

* * *

5 giờ chiều. Là khung giờ mà hắn thường dành để đi chạy bộ. Chiều nay cũng vậy. Hắn chở cún xù ra đây bằng xe gắn máy. Hắn thường cho xe leo lên hành lang lát gạch, áp sát khoảng đất trồng cỏ và dựng xe ở đó, rồi cả chủ và chó cùng chạy bộ vòng quanh khu vực để xe, vừa chạy bộ, vừa ngó chừng cái xe, kẻo có ngày tập thể dục xong, lại không có xe mà về.

Hắn và cún xù chạy bộ chừng 30 phút thì bắt đầu thấm mệt. Lưng áo của hắn ướt đẫm mồ hôi, cún xù thì le lưỡi thở hồng hộc. Cả hai dừng lại bên chiếc xe gắn máy, nghỉ chút cho đỡ mệt. Cún xù được đặt lên yên xe, ngồi thở và hóng gió.

Một người đàn ông đi cà lết đang tới gần. Đó là một trong số những người rất quen thuộc với hắn mỗi khi ra đây chạy bộ. Ông ta đi cà lết từng bước rất khó khăn. Tới bên hắn và cún xù, ông ta dừng lại thở và cái miệng méo xệch khẽ nhếch lên sau lớp khẩu trang như cố mỉm cười để chào hắn. Gặp ông ta đã nhiều lần, trò chuyện đã nhiều lần nhưng hắn cũng chưa biết ông ta tên gì. Ông ta hay chửi thề trong mỗi câu nói như một thói quen không thể nào sửa được.  

– Lâu quá mới gặp! Ông vẫn khỏe chứ? – Người đàn ông kéo khẩu trang, khó nhọc hỏi.

– Dạ, tôi vẫn khỏe! – Hắn cũng mỉm cười xã giao.

– Đ.mẹ, thành phố này dịch chết mấy chục ngàn người ông nhỉ?

– Vâng. Sợ thật anh ạ!

– Đ.mẹ, bao nhiêu người chết oan uổng vì cái con vi rút khốn nạn. Còn tôi thì muốn chết lâu rồi mà đéo chết được ông ạ.

– Yêu đời lên anh! – Hắn động viên người đàn ông méo miệng và có dáng đi cà lết.

– Yêu đéo gì! Chỉ muốn chết quách cho rồi ông ạ!  

Rồi ông ta ôm cổ con cún xù bằng tay trái, vừa nựng vừa chửi:

– Đ.mẹ thằng chó! Mày sướng hơn cả tao!

Hắn và ông ta quen biết nhau từ khi chưa có dịch covid, cũng trên con đường này, khi cả hai cùng đi tập thể dục mỗi chiều. Chân phải và tay phải của ông ta trước đây từng bị liệt nên rất khó cử động. Mỗi khi bước đi, chân phải ông ta phải lết từng bước nhỏ và tay phải gần như buông thõng, miệng ông ta cũng méo xệch về phần bên phải.

Một lần, cũng ở vị trí này, cún xù cũng đang ngồi trên yên xe thì ông ta cà lết đi tới, dừng chân, nhìn cún xù, tò mò:

– Chó đẹp quá! Chắc mắc tiền lắm ông nhỉ?

– Dạ vâng! Nó rất dễ thương.

– Nó thường ăn món gì hả ông? Chó này là chó nhà giàu rồi! Chắc kén ăn dữ lắm?

– Dạ, nó không ăn cơm như những dòng chó khác, nó chỉ ăn thịt bò, xúc xích, giò lụa, đồ hộp, và những món ngon tương tự!

Ông ta méo miệng cười rồi dùng tay trái ôm cún xù, vừa nựng vừa chửi:

– Đ.mẹ thằng chó! Mày sướng hơn cả tao! Đúng là chó nhà giàu có khác!

Rồi ông ta quay sang hắn:

– Năm nay ông bao nhiêu tuổi rồi?

– Dạ, tôi bốn sáu!

– Đ.mẹ, bốn sáu đéo gì mà trẻ như ba sáu thế?

Hắn tủm tỉm cười:

– Chắc tại tôi chưa vợ! Nên trẻ lâu!

– Bốn sáu mà vẫn đéo có vợ á? Ông có bị gì không thế?

Hắn lại tủm tỉm cười…

Người đàn ông bỗng trầm ngâm một chút rồi cay đắng:

– Mà ở vậy cho sướng ông ạ! Lấy vợ làm đéo gì cho khổ! Như tôi đây này! Bị con vợ và cả nhà nó làm khổ. Đ.mẹ, lúc nào tôi cũng chỉ muốn đi tìm và giết luôn cả con vợ lẫn cả cái gia đình khốn nạn đó, cùng gã nhân tình của nó. Một lũ lừa đảo. Một lũ khốn nạn. Một lũ thất đức. Một lũ vô đạo…

Rồi bỗng như nổi cơn điên, ông ta ầm ầm chửi con vợ và gia đình vợ một hồi dài. Mọi người đi ngang qua đều ngước nhìn, tưởng hai người đang cãi chửi nhau. Người đàn ông chửi rủa con vợ và cái cuộc đời khốn nạn của mình một hồi… Rồi như nguôi dần, ông ta bắt đầu tâm sự với hắn như thể đã quen biết nhau từ lâu lắm.

Ông ta người miền Bắc. Năm 18 tuổi, ông ta đi bộ đội. Ông được quân đội cho đi học tập, trở thành một sĩ quan rồi đưa vào Sài Gòn, công tác lâu năm ở đây. Ông lấy được vợ Sài Gòn và may mắn làm sao, ông được quân đội phân cho một lô đất, góc hai mặt tiền, ở một khu dân cư gần sân bay. Lô đất mà nếu dùng tiền lương của cả đời binh nghiệp, ông cũng không thể mua nổi. Hai vợ chồng dùng tiền tích cóp và vay mượn thêm, xây được một căn nhà khang trang và rất đáng giá vì nó có tới hai mặt tiền. “Con vợ” của ông cũng được nở mày nở mặt với anh em bạn bè. “Nhà hai mặt tiền, cao mấy tầng lầu, đại gia thứ thiệt còn gì”. Lúc này, ông đang phụ trách giám sát một công trình xây dựng của quân đội. Trong một lần giám sát thi công, ông bị té ngã, rơi từ tầng 2 xuống đất. Cú té ngã làm ông bị gãy cột sống, liệt nửa người bên phải và phải nằm điều trị nhiều tháng trời ở một bệnh viện của quân đội. Đó là năm ông ta 48 tuổi, tức 49 tuổi tử vi. Sau điều trị ở bệnh viện, ông được đưa về và nằm liệt ở nhà thêm một thời gian nữa. Cô vợ như rơi xuống vực thẳm sau tạn nạn của chồng. Nhiều tháng trời chăm sóc chồng ở bệnh viện và thêm một khoảng thời gian thật dài chăm sóc chồng ở nhà và một đứa con nhỏ khiến cô cảm thấy bị kiệt sức. Rồi ông ta cũng từ từ bình phục, ngồi dậy được và bắt đầu tập đi từng bước cà lết trong nhà. Tay trái ông chống nạng, bên phải thì phải có người đỡ, dìu đi từng chút. Sau khi ông có thể tự chống nạng và tự mình lết đi quanh nhà, cô vợ bắt đầu đi làm việc trở lại sau một khoảng thời gian dài phải nghỉ việc không lương để chăm sóc chồng. Tiền bạc trong nhà, tiền trợ cấp của chồng, và một khoản tiền vay mượn cũng đã bay dần theo những tháng ngày phải lo cho chồng. Cô vợ bắt đầu hay cáu gắt vì phải chịu nhiều áp lực lớn. Nhiều lúc, nằm trên giường, ông phải cắn răng chịu đựng trước những lời lẽ nặng nề của vợ và đau khổ tột cùng vì cái sự xui xẻo của cuộc đời mình, và càng xui hơn nữa khi ông ta đã mất hẳn khả năng “làm đàn ông” khiến cô vợ càng trở nên hụt hẫng. Thêm một khoảng thời gian dài nữa, ông ta mới tự đi cà lết được mà không phải dùng nạng. Những bước đi của ông thật khó nhọc. Cái miệng ông cũng bị méo lệch về phía bên phải. Mỗi lần nói, đều phải rất cố gắng nhưng vẫn bị méo tiếng. Ông đã hoàn toàn mất khả năng lao động và sức khỏe để tiếp tục phục vụ trong quân đội. Ông được cho giải ngũ nhưng chưa đủ tuổi về hưu nên chỉ được nhận phụ cấp vài triệu đồng một tháng.

Một ngày, cô vợ bỗng yêu cầu bán nhà để có tiền tiếp tục trang trải thuốc men, phục hồi sức khỏe cho chồng và trả nợ. Ông tiếc căn nhà có vị trí đẹp nên không muốn bán. Ông hứa sau khi bình phục, sẽ tìm một việc gì đó để làm và trả nợ. Cô vợ nhìn chồng, thở dài: “Đi còn không nổi mà làm được gì?”. Rồi cô kéo cả gia đình nhà mình lẫn gia đình nhà chồng tới, nhờ mọi người thuyết phục giùm… Trước nhiều áp lực, cuối cùng, ông cũng đành phải chấp nhận cho vợ bán nhà. Mọi việc mua bán, tìm khách, đón tiếp khách, nhờ môi giới… đều do vợ ông lo toan. Căn nhà lúc đó trị giá trên 20 tỷ đồng mà khách nào đến cũng chỉ trả giá 16 tỷ  đến 17 tỷ. Ông càng tiếc không muốn bán. Nhiều tháng trời không bán được nhà, cô vợ càng tỏ vẻ nóng ruột. Rồi một ngày, cô ta dẫn về một ông khách mới. Căn nhà được trả giá 18 tỷ. Cô vợ ra sức thuyết phục chồng bán gấp vì đã gặp được khách chịu mua với giá cao hơn những người khác. Tranh cãi nhau một hồi, rồi ông cũng đành phải quyết định cho vợ bán nhà. Thủ tục nhanh chóng được hoàn tất. Tiền bán nhà được chuyển vào tài khoản của vợ.

Bán nhà xong, cô vợ đưa đơn đòi ly dị, với lý do, hai vợ chồng gần đây hay cãi vã, cô không còn cảm thấy hạnh phúc, và sau tai nạn, ông đã không còn khả năng “làm đàn ông” được nữa.

Cay đắng tột cùng và gần như điên loạn suốt mấy tuần, rồi ông cũng đành phải chấp nhận ký đơn ly dị. Số tiền bán nhà được chia đôi, mỗi người 9 tỷ đồng và cô ta sẽ nhận nuôi đứa con duy nhất của hai vợ chồng. Ngày chia tiền, cô ta chỉ đưa cho ông 4 tỷ đồng và giữ lại 5 tỷ đồng từ phần tiền của ông. Cô ta bảo, tiền đó để trả nợ và lo cho con ăn học tới khi tốt nghiệp đại học. Rồi cô ta ôm 14 tỷ cùng đứa con nhỏ trốn đi nơi khác.

Sau tai nạn, không chỉ đau đớn về thể xác, ông còn bị mất nhà cửa, mất vợ con, trong tay chỉ còn vỏn vẹn 4 tỷ bạc và tấm thân tàn tật. Một người thân trong gia đình đưa ông về, cho ở ké một thời gian và giúp ông vượt dần qua cú sốc. Cũng trong thời gian này, căn nhà cũ của ông được bán qua tay cho khách mới, với giá 25 tỷ đồng. Người đã mua căn nhà với giá 18 tỷ khi trước, nay đã là người tình công khai của vợ ông. Thì ra trước đó, họ đã là tình nhân của nhau ngay sau khi ông mất khả năng giường chiếu. Hai người họ đã lên kế hoạch để thâu tóm căn nhà của ông. Mấy tay cò nhà và mấy khách mua trả giá thấp trước kia đều là người trong băng nhóm của gã đàn ông nọ. Họ đã dàn dựng một vở kịch hoàn hảo để lừa ông. Sau khi bán lại căn nhà với giá 25 tỷ, xem như họ đã cướp không của ông 21 tỷ và đứa con. Phát hiện ra mọi sự thật, ông lại nổi cơn điên. Ngày nào ông cũng chỉ muốn đi tìm và giết chết con vợ bạc bẽo và cái gã người tình của mụ. Không tìm được tung tích và chỗ ở mới của vợ con, ông đành tới nhà mẹ vợ và em vợ, chửi bới, quậy phá tưng bừng, ép cô vợ phải xuất hiện. Ông dọa sẽ cho nổ bom, sẽ giết chết cả họ nhà vợ nếu vợ không mang trả lại ông đứa con và số tiền đã cướp. Ông quậy nhiều lần và cũng từng bị công an bắt về phường nhiều lần. Tại trụ sở công an, ông vẫn không sợ, vẫn tuyên bố sẽ tìm cách giết cả nhà chúng nó để trả thù…  

Mất thêm một thời gian như thế, không giết được ai, cũng không đòi lại thêm được đồng nào. Cay cú lắm nhưng ông cũng không thể làm gì hơn được. Còn gần 4 tỷ đồng trong tay, ông nhờ người thân lên quận 12 tìm mua được một lô đất đủ xây hơn chục phòng trọ. Rồi ông lấy tiền trọ hàng tháng, về gần khu này thuê một cái phòng trọ nho nhỏ để ở và sống lay lắt một mình. Ông chọn khu này để thuê, vì gần người thân, bạn bè, đường phố đông vui và có cái “công viên” nho nhỏ này để ông đi bộ cà lết mỗi chiều. Có những lúc, vừa đi cà lết ngoài đường, ông vừa réo tên con vợ và chửi gầm lên như một kẻ mất trí…

Sáu giờ tối. Những ngôi nhà hai bên đường đã bật đèn. Ngoài “công viên” vẫn còn sót một chút ánh sáng vàng nhạt của hoàng hôn sắp tắt. Gió thổi vù vù. Con cún xù tỏ vẻ khoan khoái trước những làn gió ào ào thổi tới, nó há miệng đón gió một cách sung sướng…

Người đàn ông lại ôm cổ con cún xù và lại chửi:

– Đ.mẹ thằng chó! Đời mày sướng hơn cả đời tao!

Rồi ông quay sang hắn:

– Dạo này, đã kiếm được con đàn bà nào chưa?

Hắn mỉm cười, nói đùa:

– Tôi nghe theo lời anh. Ở vậy cho sướng!

Ông ta có vẻ hài lòng, gật đầu. Rồi lại oang oang chửi:

– Đ.mẹ, cái giống đàn bà chúng nó bạc lắm! Biết thế ngày xưa tôi đéo thèm lấy vợ. Cứ sống độc thân như ông, có lẽ đời tôi nó đã khác ông ạ.

Hắn chẳng biết nói gì, chỉ giả bộ gật đầu đồng tình cho ông ta vui lòng…

Ông ta lại nựng con cún xù một hồi rồi quay sang chào hắn:

– Tôi lết thêm một đoạn nữa đây! Đ.mẹ, chiều nay gió mát quá ông nhỉ!

Rồi ông ta lại cà lết bước đi…   

Cún xù cũng nhướn cổ nhìn theo cái dáng đi đầy khó khăn của người đàn ông tội nghiệp.

Trời đã tối hẳn.

Hắn xoa đầu cún xù: “Mình cũng về thôi”.

Sài Gòn, một chiều tháng 10, năm 2021.

Chu Quang Mạnh Thắng

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.