chan_dung-ke_si

Troy Kotsur: Nam diễn viên khiếm thính đầu tiên thắng giải Oscar

10-07-2023

Lượt xem 1812

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

Troy Kotsur: Nam diễn viên khiếm thính đầu tiên thắng giải Oscar

Nam diễn viên khiếm thính đầu tiên thắng giải Oscar, Troy Kotsur

NEW YORK (AP) — Khi Troy Kotsur làm nên lịch sử với tư cách là nam diễn viên Điếc đầu tiên đoạt giải Oscar tại Lễ trao giải Oscar 2022, anh đã nghĩ về cha mình.

Kể từ chiến thắng tại giải Oscar năm 2022, Kotsur đã trở thành anh hùng của cộng đồng người Điếc và được ca ngợi khắp nơi nhờ vai diễn nổi tiếng trong bộ phim gia đình CODA. Thật dễ dàng ngưỡng mộ sự ngoan cường và tài năng đã đưa Kotsur, ở độ tuổi ngoài 50, đến sân chơi lớn nhất của điện ảnh sau nhiều năm vật lộn với tư cách là một diễn viên trong một ngành chẳng có tí ti nào của lòng mến khách với các nghệ sĩ Điếc.

Đối với Kotsur, sự bền bỉ của anh là nhờ vào một người: Cha anh. Trên bục trao giải Oscar, Kotsur đã dành tặng giải thưởng cho cha mình. “Cha là anh hùng của con,” anh nói.

“Cha tôi không coi tôi là người có khuyết tật. Ông liên tục thúc đẩy tôi và thúc giục tôi,” Kotsur nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm thông qua một thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. “Đó là lý do tại sao tôi trở thành tôi của ngày hôm nay.”

Trong “To My Father”, một bộ phim ngắn được công chiếu vào tuần này tại Liên hoan phim Tribeca, Kotsur cởi mở thêm và đào sâu sự tưởng nhớ đó để giải thích câu chuyện về cha mình và cách nó định hình con người anh.

Trailer của bộ phim To My Father, Kotsur dành tặng người cha thân yêu của mình

Leonard “Len” Kotsur là cảnh sát trưởng của Mesa, Arizona, ông có hai người con trai khác hoàn toàn là người bình thường. 90% trẻ em Điếc được sinh ra từ cha mẹ bình thường nhưng đại đa số các bậc cha mẹ đó không bao giờ học Ngôn ngữ ký hiệu của Mỹ. Cha của Kotsur không phải là một trong số đó. Cha tôi, Troy nói, là người giỏi ngôn ngữ kí hiệu nhất trong gia đình.

“Hầu hết trẻ khiếm thính đều có cha mẹ là người bình thường nhưng tiếc là họ không biết chút ngôn ngữ ký hiệu nào. “Vì vậy, tôi cần cho họ thấy rằng không có gì xấu với ngôn ngữ ký hiệu và người Điếc không làm gì sai.”, Kotsur nói.

Không lâu trước khi Kotsur tốt nghiệp trung học, cha anh bị tai nạn xe hơi do một tài xế say rượu gây ra. Ông bị liệt từ cổ trở xuống và phải ngồi xe lăn suốt phần đời còn lại. Đáng buồn thay, ông không còn có thể dùng ngôn ngữ ký hiệu như ông đã từng dùng nó để nói chuyện với con trai mình.

Kotsur nói: “Nhưng ông ấy đã không để điều đó ngăn cản mình. “Khoảng sáu tháng sau vụ tai nạn, ông đi làm trở lại. Cha tôi tiếp tục làm cảnh sát trưởng, bị liệt trên xe lăn. Ông không quan tâm. Ông ấy thực sự đã kiên gan. Và cha tôi là một ví dụ tuyệt vời cho tôi. Tôi bị điếc không phải là một vấn đề lớn. Tôi đã không cho phép điều đó ngăn cản tôi. Tôi cứ kiên gan và thật ngạc nhiên, tôi thậm chí còn giành được giải Oscar.”

2_coda_official_art_2

Poster phim CODA (Child of Deaf Adults - Đứa con Gia đình Người Điếc)

CODA (Child of Deaf Adults – Đứa con Gia đình Người Điếc), bộ phim kể câu chuyện về cô gái Ruby, là người bình thường duy nhất trong một gia đình khiếm thính. Khi công việc kinh doanh đánh cá của gia đình bị đe dọa, Ruby thấy mình bị giằng xé giữa việc theo đuổi đam mê của mình tại Đại học Âm nhạc Berklee và nỗi sợ hãi cha mẹ cô bị bỏ rơi. Bộ phim thắng ba giải Oscar năm 2022, gồm giải quan trọng nhất của Viên hàn lâm Mỹ là Giải Phim điện ảnh xuất sắc nhất, giải kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và giải của Kotsur, Giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Trở lại vụ tai nạn của cha Kotsur, nó đã thay đổi quan điểm của cả hai cha con. Trong các bản tin báo chí vào thời điểm đó, cha của Kotsur đã nói về việc phải vật lộn với chứng trầm cảm và sự thất vọng khi không thể giao tiếp với Troy theo cách mà con mình có thể hiểu được.

“Sau cùng, tôi thấy rằng có rất nhiều người còn khốn khổ hơn tôi,” Leonard Kotsur nói với tờ Arizona Republic vào năm 1988. “Tôi vẫn còn đầu và vai, tôi vẫn có thể nói và làm việc.”

Kotsur và cha của anh, người đã mất năm 2001, đã phát triển ngôn ngữ ký hiệu của riêng họ dựa trên những cử chỉ mà anh ấy có thể hiểu được. Đối với thứ gì đó phức tạp hơn, cha anh đã sử dụng chữ viết với cây bút chì luôn dính trên tay.

Kotsur nói: “Chúng tôi thực sự phải nhẫn nại vào việc tốn thời gian giao tiếp với nhau.

Hơn một năm sau khi giành giải Oscar, khoảnh khắc đó đã bị một dấu mốc khác chiếm mất, chấn động hơn: con gái của Kotsur đã tốt nghiệp trung học vào tháng trước. Với viễn cảnh về một tổ ấm trống vắng chỉ còn Deanne Bray, vợ của anh, sắp tới, Kotsur rất mong được làm việc nhiều hơn. “Và có lẽ sẽ có nhiều bữa tiệc hơn nữa,” anh mỉm cười nói.

Kotsur gần đây đã ký hợp đồng với vai diễn đầu tiên kể từ sau chiến thắng với phim “CODA”. Anh sẽ đóng cùng Maika Monroe trong bộ phim kinh dị tội phạm “In Cold Light” của đạo diễn Maxime Giroux.

“Có rất nhiều cuộc gặp gỡ,” Kotsur nói về cuộc sống của anh kể từ sau “CODA.” “Tôi đã có rất nhiều cuộc gặp và một số kịch bản đã được viết sẵn nhưng không có vai Khiếm thính. Vì vậy, chúng tôi đã thảo luận về cách chúng tôi có thể điều chỉnh các vai diễn này để có một người Khiếm thính trong các dự án. Chúng tôi đã cùng nhau phát triển rất nhiều dự án sáng tạo, những dự án mà có lẽ mọi người chưa bao giờ nghĩ tới, và tôi khá hào hứng.”

Chiến thắng của bộ phim “CODA” là một bước ngoặt đối với cộng đồng người Điếc. Nhưng sự thay đổi ở Hollywood có thể bị ngừng trệ sau khi đạt được những bước nhảy vọt. Bộ phim “CODA,” Kotsur nghĩ, đã tác động đến Hollywood. Trên hết, nó đã thể hiện văn hóa của người Điếc một cách chân thực và nhân văn hơn.

“Và nó trở thành một hiệu ứng domino,” Kotsur nói. “Tôi đang thấy rất nhiều cánh cửa bắt đầu mở ra cho các nghệ sĩ Khiếm thính chuyên nghiệp và nhiều cơ hội ngoài kia hơn.”

Bản thân Kotsur vẫn quen với việc được coi là người tiên phong.

Kotsur nói: “Khi tôi còn nhỏ khoảng 12 tuổi, tôi đã gặp một số diễn viên sân khấu Khiếm thính chuyên nghiệp và tôi thực sự không chắc liệu họ có điếc hay không. “Sau buổi biểu diễn, tôi đến gặp họ và hỏi, 'Cô chú ơi, cô chú có thực sự bị điếc không?' Và những diễn viên đó nói, 'Ừ.' Và tôi lại hỏi, 'Con có thể trở thành diễn viên trong tương lai không?' Và họ trả lời , 'Có chứ, tất nhiên là con có thể.' Và bây giờ những đứa trẻ Điếc như thế lại đang hỏi tôi, 'Con có thể diễn xuất và con có thể trở thành nhà làm phim không?' Và tôi trả lời, Ừ, tất nhiên rồi. Tất nhiên các con có thể, bởi vì chú đã làm được đấy thôi. Điều đó có nghĩa là các con cũng có thể làm được.”

Biên dịch Kim Băng - Theo AP

Bài liên quan